Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2177/QĐ-UBND

Tiền Giang, ngày 04 tháng 8 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TRÌNH TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KHAI SINH, ĐĂNG KÝ KHAI TỬ, ĐĂNG KÝ KẾT HÔN VÀ CẤP PHIẾU LÝ LỊCH TƯ PHÁP TRỰC TUYẾN

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Quyết định số 1872/QĐ-BTP ngày 04 tháng 9 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực hộ tịch thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch trong nước thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Tư pháp; Quyết định số 1050/QĐ-BTP ngày 23 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực lý lịch tư pháp thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Công văn số 1722/BTP-TTLLTPQG ngày 30 tháng 5 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về hướng dẫn tái cấu trúc quy trình thực hiện thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến; Công văn số 1868/BTP-HTQTCT ngày 08 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về hướng dẫn tái cấu trúc quy trình thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn và cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến (có Phụ lục kèm theo).

Giao Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có liên quan trên cơ sở nội dung tái cấu trúc quy trình ban hành kèm theo Quyết định này thực hiện tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của tỉnh theo quy định.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Dũng

 

QUY TRÌNH

TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KHAI SINH, ĐĂNG KÝ KHAI TỬ, ĐĂNG KÝ KẾT HÔN VÀ CẤP PHIẾU LÝ LỊCH TƯ PHÁP TRỰC TUYẾN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2177/QĐ-UBND ngày 04 tháng 8 năm 2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)

I. QUY TRÌNH ĐĂNG KÝ KHAI SINH TRỰC TUYẾN (MỨC ĐỘ 3)

1. Trình tự thực hiện

Bước 1: Người có yêu cầu đăng ký khai sinh (ĐKKS) truy cập Cổng Dịch vụ công quốc gia/Cổng Dịch vụ công của tỉnh Tiền Giang, đăng ký/đăng nhập tài khoản, xác thực định danh điện tử để xác định đúng nhân thân người có yêu cầu đăng ký hộ tịch, thực hiện quy trình nộp hồ sơ ĐKKS trực tuyến.

Cổng Dịch vụ công quốc gia (https://dichvucong.gov.vn), Cổng Dịch vụ công của tỉnh Tiền Giang (https://dichvucong.tiengiang.gov.vn) bảo đảm việc xác thực định danh điện tử, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) để khai thác các trường thông tin của công dân có trong CSDLQGVDC (thực hiện dịch vụ khai thác thông tin công dân từ CSDLQGVDC trên cơ sở số định danh cá nhân, tự động điền vào biểu mẫu điện tử tương tác trên Cổng dịch vụ công).

Người có yêu cầu ĐKKS cung cấp thông tin trên biểu mẫu điện tử tương tác ĐKKS (phù hợp nội dung biểu mẫu điện tử tương tác ĐKKS ban hành kèm theo Thông tư số 01/2022/TT-BTP); thực hiện thao tác tải lên (upload) các giấy tờ, hồ sơ theo quy định (bao gồm: bản chụp Giấy chứng sinh/Giấy chứng sinh điện tử (nếu có); bản chụp Giấy Chứng nhận kết hôn (nếu có)/trường hợp thông tin về Giấy Chứng nhận kết hôn đã có trong CSDLQGVDC thì không phải tải lên; bản chụp Giấy CMND/Thẻ CCCD và Hộ khẩu/trường hợp các thông tin này đã được xác thực và cung cấp bởi CSDLQGVDC thì không phải tải lên; Giấy ủy quyền trong trường hợp thực hiện việc ĐKKS theo ủy quyền); nộp phí, lệ phí (nếu thuộc trường hợp phải nộp lệ phí ĐKKS) thông qua chức năng thanh toán trực tuyến tích hợp trên Cổng dịch vụ công. Hoàn tất việc nộp hồ sơ ĐKKS trực tuyến.

Bước 2: Công chức Bộ phận một cửa có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác, đầy đủ, thống nhất, hợp lệ của hồ sơ.

2.1. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì chuyển hồ sơ ĐKKS để công chức làm công tác hộ tịch xử lý. Trường hợp tiếp nhận hồ sơ sau 15h00 mà không thể giải quyết ngay thì có Phiếu hẹn, trả kết quả cho công dân trong ngày làm việc tiếp theo.

2.2. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì có văn bản hướng dẫn người yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung để người có yêu cầu bổ sung, hoàn thiện. Sau khi hồ sơ được bổ sung, thực hiện lại bước 2.1.

2.3. Trường hợp người có yêu cầu ĐKKS không bổ sung, hoàn thiện được hồ sơ, Trưởng Bộ phận một cửa gửi văn bản từ chối giải quyết yêu cầu ĐKKS.

Bước 3: Công chức làm công tác hộ tịch thẩm tra hồ sơ (thẩm tra tính thống nhất, hợp lệ của các thông tin trong hồ sơ, giấy tờ, tài liệu đính kèm).

3.1. Trường hợp hồ sơ cần bổ sung, hoàn thiện hoặc không đủ điều kiện giải quyết, phải từ chối thì gửi thông báo về tình trạng hồ sơ tới Bộ phận một cửa để thông báo cho người nộp hồ sơ - thực hiện lại bước 2.2 hoặc 2.3.

3.2. Nếu thấy đầy đủ, hợp lệ, đúng quy định thì thực hiện việc ghi vào Sổ đăng ký khai sinh, cập nhật thông tin đăng ký khai sinh trên Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung, lưu chính thức và chuyển thông tin đến CSDLQGVDC để lấy số định danh cá nhân.

Bước 4: Sau khi CSDLQGVDC trả về số định danh cá nhân, công chức làm công tác hộ tịch in Giấy khai sinh, trình Lãnh đạo UBND ký, chuyển Bộ phận một cửa trả kết quả cho công dân.

Bước 5: Công dân kiểm tra thông tin trên Giấy khai sinh, trong Sổ ĐKKS, ký Sổ ĐKKS, nộp lệ phí (nếu thuộc trường hợp phải nộp lệ phí ĐKKS và nộp hồ sơ trực tuyến, chưa nộp lệ phí tại bước 1), nhận Giấy khai sinh.

Lưu ý: Nếu người có yêu cầu ĐKKS có yêu cầu cấp Giấy khai sinh điện tử thì công chức làm công tác hộ tịch tham mưu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Thông tư số 01/2022/TT-BTP, chuyển trả kết quả là Giấy khai sinh được ký số cho người có yêu cầu sau khi hoàn thành Bước 5.

2. Thành phần hồ sơ ĐKKS điện tử

- Biểu mẫu hộ tịch điện tử tương tác ĐKKS (do người yêu cầu cung cấp thông tin/khai thác thông tin từ CSDLQGVDC theo nội dung quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2022/TT-BTP).

- Người có yêu cầu tải lên bản chụp các giấy tờ sau:

Giấy chứng sinh, trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh, nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh;

Trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha, mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc lựa chọn quốc tịch cho con. Trường hợp cha, mẹ lựa chọn quốc tịch nước ngoài cho con, thì ngoài văn bản thỏa thuận lựa chọn quốc tịch còn phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước mà trẻ được chọn mang quốc tịch về việc trẻ có quốc tịch phù hợp quy định pháp luật của nước đó.

Biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập trường hợp trẻ em bị bỏ rơi.

Văn bản xác nhận của cơ sở y tế đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ, trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ.

Văn bản ủy quyền (được chứng thực) theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc ĐKKS. Trường hợp người đi đăng ký khai sinh cho trẻ em là ông, bà, người thân thích khác thì không phải có văn bản ủy quyền của cha, mẹ trẻ em, nhưng phải thống nhất với cha, mẹ trẻ em về nội dung khai sinh.

Giấy tờ tùy thân trong trường hợp không sử dụng Thẻ CCCD.

Giấy chứng nhận kết hôn trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn và chưa có thông tin về Giấy chứng nhận kết hôn trong CSDLQGVDC.

Giấy tờ chứng minh thông tin về nơi cư trú không phải tải lên do đã được khai thác từ CSDLQGVDC.

* Lưu ý:

- Bản chụp các giấy tờ gửi kèm theo hồ sơ ĐKKS trực tuyến phải bảo đảm rõ nét, đầy đủ, toàn vẹn về nội dung, là bản chụp bằng máy ảnh, điện thoại hoặc được chụp, được quét bằng thiết bị điện tử, từ giấy tờ được cấp hợp lệ, còn giá trị sử dụng; nếu là giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch sang tiếng Việt theo quy định, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự.

- Trường hợp giấy tờ, tài liệu phải gửi kèm trong hồ sơ ĐKKS trực tuyến đã có bản sao điện tử hoặc đã có bản điện tử giấy tờ hộ tịch thì người yêu cầu được sử dụng bản điện tử này.

- Khi tới cơ quan đăng ký hộ tịch nhận kết quả (Giấy khai sinh/bản sao Giấy khai sinh) người có yêu cầu ĐKKS phải nộp bản chính Giấy chứng sinh, xuất trình Giấy tờ tuỳ thân; bản chính Giấy chứng nhận kết hôn (nếu cha mẹ trẻ đã đăng ký kết hôn) trừ trường hợp đã tải lên bản điện tử Giấy chứng sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.

Trường hợp người đi ĐKKS cho trẻ em là ông, bà, người thân thích khác thì không phải có văn bản ủy quyền của cha, mẹ trẻ em, nhưng phải thống nhất với cha, mẹ trẻ em về các nội dung khai sinh.

Đối với việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ:

Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.

Trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được về họ, dân tộc, quê quán của con khi ĐKKS thì họ, dân tộc, quê quán của con được xác định theo tập quán nhưng phải bảo đảm theo họ, dân tộc, quê quán của cha hoặc mẹ.

Trường hợp cho phép người yêu cầu đăng ký hộ tịch lập văn bản cam đoan về nội dung yêu cầu đăng ký hộ tịch thì cơ quan đăng ký hộ tịch phải giải thích rõ cho người lập văn bản cam đoan về trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan không đúng sự thật.

Cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan không đúng sự thật.

3. Thời hạn giải quyết: Ngay trong ngày làm việc, trường hợp nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo.

4. Phí, lệ phí:                                            

- Miễn lệ phí ĐKKS đúng hạn cho công dân Việt Nam cư trú trong nước; miễn lệ phí ĐKKS cho người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em; người khuyết tật; người cao tuổi.

- ĐKKS tại UBND cấp xã (không đúng hạn): 8.000 đồng/trường hợp.

- ĐKKS tại UBND cấp huyện (đúng hạn, không đúng hạn): 75.000 đồng/trường hợp

- Phí cấp bản sao Giấy khai sinh (nếu có yêu cầu): 8.000 đồng/bản sao.

Trường hợp người yêu cầu ĐKKS chưa nộp được lệ phí, phí thông qua chức năng thanh toán trên Cổng dịch vụ công thì nộp tại cơ quan đăng ký hộ tịch khi đến nhận kết quả.

5. Căn cứ pháp lý:

- Luật Hộ tịch năm 2014;

- Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch;

- Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử;

- Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ Quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến;

- Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư; định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”;

- Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch;

- Thông tư số 01/2022/TT-BTP ngày 04/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ Quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến;

- Thông tư số 281/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu hộ tịch, phí xác nhận có quốc tịch Việt Nam, phí xác nhận là người gốc Việt Nam, lệ phí quốc tịch;

- Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 30/9/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí hộ tịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

II. QUY TRÌNH ĐĂNG KÝ KHAI TỬ TRỰC TUYẾN (MỨC ĐỘ 3)

1. Trình tự thực hiện:

Bước 1: Người có yêu cầu đăng ký khai tử (ĐKKT) truy cập Cổng Dịch vụ công quốc gia/Cổng Dịch vụ công của tỉnh Tiền Giang, đăng ký/đăng nhập tài khoản, xác thực định danh điện tử để xác định đúng nhân thân người có yêu cầu đăng ký hộ tịch, thực hiện quy trình nộp hồ sơ ĐKKT trực tuyến.

Cổng Dịch vụ công quốc gia (https://dichvucong.gov.vn), Cổng Dịch vụ công của tỉnh Tiền Giang (https://dichvucong.tiengiang.gov.vn) bảo đảm việc xác thực định danh điện tử, kết nối với CSDLQGVDC để khai thác các trường thông tin của công dân có trong CSDLQGVDC (thực hiện dịch vụ khai thác thông tin công dân từ CSDLQGVDC trên cơ sở số định danh cá nhân, tự động điền vào biểu mẫu điện tử tương tác trên Cổng dịch vụ công, bao gồm cả thông tin của người đi khai tử và thông tin của người được khai tử).

Người có yêu cầu ĐKKT cung cấp thông tin trên biểu mẫu điện tử tương tác đăng ký khai tử (phù hợp nội dung biểu mẫu điện tử tương tác ĐKKT ban hành kèm theo Thông tư số 01/2022/TT-BTP); thực hiện thao tác tải lên (upload) các giấy tờ, hồ sơ theo quy định (bao gồm: bản chụp Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế Giấy báo tử; Giấy tờ, tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận hợp lệ chứng minh sự kiện chết đối với trường hợp ĐKKT cho người chết đã lâu, không có Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế Giấy báo tử; bản chụp Giấy CMND/Thẻ CCCD và Hộ khẩu/trường hợp các thông tin này đã được xác thực và cung cấp bởi CSDLQGVDC thì không phải tải lên; Giấy ủy quyền trong trường hợp thực hiện việc ĐKKT theo ủy quyền); nộp phí, lệ phí (nếu thuộc trường hợp phải nộp phí, lệ phí ĐKKT) thông qua chức năng thanh toán trực tuyến tích hợp trên Cổng dịch vụ công. Hoàn tất việc nộp hồ sơ ĐKKT trực tuyến.

Bước 2: Công chức Bộ phận một cửa có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác, đầy đủ, thống nhất, hợp lệ của hồ sơ.

2.1. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì chuyển hồ sơ ĐKKT để công chức làm công tác hộ tịch xử lý. Trường hợp tiếp nhận hồ sơ sau 15h00 mà không thể giải quyết ngay thì có Phiếu hẹn, trả kết quả cho công dân trong ngày làm việc tiếp theo.

2.2. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì có văn bản hướng dẫn người yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung để người có yêu cầu bổ sung, hoàn thiện. Sau khi hồ sơ được bổ sung, thực hiện lại bước 2.1.

2.3. Trường hợp người có yêu cầu ĐKKT không bổ sung, hoàn thiện được hồ sơ, Trưởng Bộ phận một cửa gửi văn bản từ chối giải quyết yêu cầu ĐKKT.

Bước 3: Công chức làm công tác hộ tịch thẩm tra hồ sơ (thẩm tra tính thống nhất, hợp lệ của các thông tin trong hồ sơ, giấy tờ, tài liệu đính kèm).

3.1. Trường hợp hồ sơ cần bổ sung, hoàn thiện hoặc không đủ điều kiện giải quyết, phải từ chối thì gửi thông báo về tình trạng hồ sơ tới Bộ phận một cửa để thông báo cho người nộp hồ sơ - thực hiện lại bước 2.2 hoặc 2.3.

3.2. Nếu thấy đầy đủ, hợp lệ, đúng quy định thì thực hiện việc ghi vào Sổ đăng ký khai tử, cập nhật thông tin đăng ký khai tử trên Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung, lưu chính thức.

Bước 4: Công chức làm công tác hộ tịch in Trích lục khai tử, trình Lãnh đạo UBND ký, chuyển Bộ phận một cửa trả kết quả cho công dân.

Bước 5: Công dân kiểm tra thông tin trên Trích lục khai tử, trong Sổ đăng ký khai tử, ký Sổ ĐKKT, nhận Trích lục khai tử.

Lưu ý: Nếu người có yêu cầu ĐKKT có yêu cầu cấp Trích lục khai tử điện tử thì công chức làm công tác hộ tịch tham mưu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Thông tư số 01/2022/TT-BTP, chuyển trả kết quả là Trích lục khai tử được ký số cho người có yêu cầu sau khi hoàn thành Bước 5.

2. Thành phần hồ sơ ĐKKT điện tử

- Biểu mẫu hộ tịch điện tử tương tác ĐKKT (do người yêu cầu cung cấp thông tin/khai thác thông tin từ CSDLQGVDC theo nội dung quy định tại Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2022/TT-BTP).

- Người có yêu cầu tải lên bản chụp các giấy tờ sau:

Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế Giấy báo tử do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Giấy tờ, tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận hợp lệ chứng minh sự kiện chết đối với trường hợp đăng ký khai tử cho người chết đã lâu, không có Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế Giấy báo tử.

Văn bản ủy quyền hợp lệ theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc ĐKKT.

Giấy tờ tùy thân trong trường hợp không sử dụng Thẻ CCCD.

Giấy tờ chứng minh thông tin về nơi cư trú không phải tải lên do đã được khai thác từ CSDLQGVDC.

* Lưu ý:

- Bản chụp các giấy tờ gửi kèm theo hồ sơ ĐKKT trực tuyến phải bảo đảm rõ nét, đầy đủ, toàn vẹn về nội dung, là bản chụp bằng máy ảnh, điện thoại hoặc được chụp, được quét bằng thiết bị điện tử, từ giấy tờ được cấp hợp lệ, còn giá trị sử dụng; nếu là giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch sang tiếng Việt theo quy định, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự.

- Trường hợp giấy tờ, tài liệu phải gửi kèm trong hồ sơ ĐKKT trực tuyến đã có bản sao điện tử hoặc đã có bản điện tử giấy tờ hộ tịch thì người yêu cầu được sử dụng bản điện tử này.

- Khi tới cơ quan đăng ký hộ tịch nhận kết quả (Trích lục khai tử/bản sao Trích lục khai tử) người có yêu cầu ĐKKT xuất trình Giấy tờ tùy thân, nộp bản chính các giấy tờ tại mục 4.2.1 đến 4.2.4 trừ trường hợp đã tải lên bản sao điện tử các giấy tờ này.

3. Thời hạn giải quyết: ngay trong ngày tiếp nhận hồ sơ, trường hợp
nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 03 ngày làm việc.

4. Phí, lệ phí:                                            

- Miễn lệ phí ĐKKT đúng hạn cho công dân Việt Nam cư trú trong nước; miễn lệ phí ĐKKT cho người thuộc gia đình có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi.

- ĐKKT tại UBND cấp xã (không đúng hạn): 8.000 đồng/trường hợp.

- ĐKKT tại UBND cấp huyện (đúng hạn, không đúng hạn): 75.000 đồng/trường hợp.

- Phí cấp bản sao Trích lục khai tử (nếu có yêu cầu): 8.000 đồng/bản sao.

Trường hợp người yêu cầu ĐKKT chưa nộp được lệ phí, phí thông qua chức năng thanh toán trên Cổng dịch vụ công thì thực hiện nộp tại cơ quan đăng ký hộ tịch khi đến nhận kết quả.

5. Căn cứ pháp lý:

- Luật Hộ tịch năm 2014;

- Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch;

- Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ Quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến;

- Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử;

- Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư; định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”;

- Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch;

- Thông tư số 01/2022/TT-BTP ngày 04/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ Quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến;

- Thông tư số 281/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu hộ tịch, phí xác nhận có quốc tịch Việt Nam, phí xác nhận là người gốc Việt Nam, lệ phí quốc tịch.

- Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 30/9/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí hộ tịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

III. QUY TRÌNH ĐĂNG KÝ KẾT HÔN TRỰC TUYẾN (MỨC ĐỘ 3)

1. Trình tự thực hiện:

Bước 1: Người có yêu cầu đăng ký kết hôn (ĐKKH) truy cập Cổng Dịch vụ công quốc gia/Cổng Dịch vụ công của tỉnh Tiền Giang, đăng ký/đăng nhập tài khoản, xác thực định danh điện tử để xác định đúng nhân thân người có yêu cầu đăng ký hộ tịch, thực hiện quy trình nộp hồ sơ ĐKKH trực tuyến.

Cổng Dịch vụ công quốc gia (https://dichvucong.gov.vn), Cổng Dịch vụ công của tỉnh Tiền Giang (https://dichvucong.tiengiang.gov.vn) bảo đảm việc xác thực định danh điện tử, kết nối với CSDLQGVDC để khai thác các trường thông tin của công dân có trong CSDLQGVDC (thực hiện dịch vụ khai thác thông tin công dân từ CSDLQGVDC trên cơ sở số định danh cá nhân, tự động điền vào biểu mẫu điện tử tương tác trên Cổng dịch vụ công).

Người có yêu cầu ĐKKH cung cấp thông tin trên biểu mẫu điện tử tương tác ĐKKH (phù hợp nội dung biểu mẫu điện tử tương tác ĐKKH ban hành kèm theo Thông tư số 01/2022/TT-BTP); thực hiện thao tác tải lên (upload) các giấy tờ, hồ sơ theo quy định (bao gồm: bản chụp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; bản chụp Giấy CMND/Thẻ CCCD và Hộ khẩu/trường hợp các thông tin này đã được xác thực và cung cấp bởi CSDLQGVDC thì không phải tải lên. Hoàn tất việc nộp hồ sơ ĐKKH trực tuyến.

Bước 2: Công chức Bộ phận một cửa có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác, đầy đủ, thống nhất, hợp lệ của hồ sơ.

2.1. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì chuyển hồ sơ ĐKKH để công chức làm công tác hộ tịch xử lý. Trường hợp tiếp nhận hồ sơ sau 15h00 mà không thể giải quyết ngay thì có Phiếu hẹn, trả kết quả cho công dân trong ngày làm việc tiếp theo (Đối với ĐKKH có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện là 15 ngày).

2.2. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì có văn bản hướng dẫn người yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung để người có yêu cầu bổ sung, hoàn thiện. Sau khi hồ sơ được bổ sung, thực hiện lại bước 2.1.

2.3. Trường hợp người có yêu cầu ĐKKH không bổ sung, hoàn thiện được hồ sơ thì báo cáo Trưởng bộ phận một cửa có văn bản từ chối giải quyết yêu cầu ĐKKH.

Bước 3: Công chức làm công tác hộ tịch thẩm tra hồ sơ (thẩm tra tính thống nhất, hợp lệ của các thông tin trong hồ sơ, giấy tờ, tài liệu đính kèm).

3.1. Trường hợp hồ sơ cần bổ sung, hoàn thiện hoặc không đủ điều kiện giải quyết, phải từ chối thì gửi thông báo về tình trạng hồ sơ tới Bộ phận một cửa để thông báo cho người nộp hồ sơ - thực hiện lại bước 2.2 hoặc 2.3.

3.2. Nếu thấy đầy đủ, hợp lệ, đúng quy định thì thực hiện việc ghi vào Sổ ĐKKH, cập nhật thông tin ĐKKH trên Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung.

Bước 4: Công chức làm công tác hộ tịch in Giấy chứng nhận kết hôn, trình Lãnh đạo UBND ký, chuyển Bộ phận một cửa trả kết quả cho công dân.

Bước 5: Công dân (hai bên nam, nữ phải có mặt, xuất trình giấy tờ tùy thân để đối chiếu) kiểm tra thông tin trên Giấy chứng nhận kết hôn, trong Sổ ĐKKH, khẳng định sự tự nguyện kết hôn và ký Sổ ĐKKH, ký Giấy chứng nhận kết hôn, mỗi bên nam, nữ nhận 01 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.

2. Thành phần hồ sơ ĐKKH điện tử

- Biểu mẫu hộ tịch điện tử tương tác ĐKKH (do người yêu cầu cung cấp thông tin/khai thác thông tin từ CSDLQGVDC theo nội dung quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2022/TT-BTP).

- Người có yêu cầu tải lên bản chụp các giấy tờ sau:

Bản chụp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp trong trường hợp người yêu cầu ĐKKH không đăng ký thường trú tại địa bàn xã, phường, thị trấn (đối với trường hợp ĐKKH thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã);

Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận các bên kết hôn không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình (đối với trường hợp ĐKKH có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện).

Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân cấp còn giá trị sử dụng, xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc không có chồng; trường hợp nước ngoài không cấp xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước đó (đối với ĐKKH thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện); giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của công dân Việt Nam định cư tại nước ngoài.

Bản sao hộ chiếu/giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu đối với người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài (đối với ĐKKH thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện).

* Lưu ý:

- Bản chụp các giấy tờ gửi kèm theo hồ sơ ĐKKH trực tuyến phải bảo đảm rõ nét, đầy đủ, toàn vẹn về nội dung, là bản chụp bằng máy ảnh, điện thoại hoặc được chụp, được quét bằng thiết bị điện tử, từ giấy tờ được cấp hợp lệ, còn giá trị sử dụng; nếu là giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch sang tiếng Việt theo quy định, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự.

- Trường hợp giấy tờ, tài liệu phải gửi kèm trong hồ sơ ĐKKH trực tuyến đã có bản sao điện tử hoặc đã có bản điện tử giấy tờ hộ tịch thì người yêu cầu được sử dụng bản điện tử này.

- Khi tới cơ quan đăng ký hộ tịch nhận kết quả (Giấy chứng nhận kết hôn) người có yêu cầu ĐKKH phải nộp bản chính Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân, giấy xác nhận của tổ chức y tế;

- Hai bên nam, nữ phải có mặt, xuất trình giấy tờ tùy thân để xác định nhân thân, có trách nhiệm kiểm tra thông tin trên Giấy chứng nhận kết hôn, trong Sổ đăng ký kết hôn, khẳng định sự tự nguyện kết hôn và ký Sổ ĐKKH, ký Giấy chứng nhận kết hôn, mỗi bên nam, nữ nhận 01 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.

3. Thời hạn giải quyết:

- Ngay trong ngày làm việc, trường hợp nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc.

- Đối với việc ĐKKH thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện thời hạn là 15 ngày.

4. Phí, Lệ phí:                                           

- Miễn lệ phí ĐKKH tại UBND cấp xã; miễn lệ phí ĐKKH đối với trường hợp người thuộc gia đình có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi.

- Lệ phí ĐKKH tại UBND cấp huyện: 1.500.000 đồng/trường hợp.

- Phí cấp bản sao Trích lục kết hôn (nếu có yêu cầu): 8.000 đồng/bản sao.

Trường hợp người yêu cầu ĐKKH chưa nộp được lệ phí, phí thông qua chức năng thanh toán trên Cổng dịch vụ công thì nộp tại cơ quan đăng ký hộ tịch khi đến nhận kết quả.

5. Căn cứ pháp lý:

- Luật Hộ tịch năm 2014;

- Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch;

- Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử;

- Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ Quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến;

- Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư; định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”;

- Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch;

- Thông tư số 01/2022/TT-BTP ngày 04/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ Quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến;

- Thông tư số 281/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu hộ tịch, phí xác nhận có quốc tịch Việt Nam, phí xác nhận là người gốc Việt Nam, lệ phí quốc tịch.

- Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 30/9/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí hộ tịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

IV. QUY TRÌNH CẤP PHIẾU LÝ LỊCH TƯ PHÁP (LLTP) TRỰC TUYẾN (MỨC ĐỘ 3)

1. Trình tự thực hiện:

Bước 1: Người có yêu cầu cấp Phiếu LLTP truy cập Cổng Dịch vụ công quốc gia/Cổng dịch vụ công tỉnh, đăng ký/đăng nhập tài khoản, xác thực định danh điện tử để xác định đúng nhân thân người có yêu cầu đăng ký LLTP, thực hiện quy trình nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP trực tuyến.

Cổng Dịch vụ công quốc gia (https://dichvucong.gov.vn), Cổng Dịch vụ công tỉnh (https://dichvucong.tiengiang.gov.vn) bảo đảm việc xác thực định danh điện tử, kết nối với CSDLQGVDC để khai thác các trường thông tin của công dân có trong CSDLQGVDC (thực hiện dịch vụ khai thác thông tin công dân từ CSDLQGVDC trên cơ sở số định danh cá nhân, tự động điền vào biểu mẫu điện tử tương tác trên Cổng dịch vụ công).

Người có yêu cầu cấp Phiếu LLTP điền thông tin Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu LLTP trực tuyến, sau khi đăng ký tờ khai thành công, người yêu cầu thực hiện việc đính kèm bản quét (scan) hoặc bản sao chứng thực điện tử từ bản chính giấy tờ tùy thân (CMND, thẻ CCCD, Hộ chiếu) lên Cổng dịch vụ công bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật và độ chính xác cao (tiêu chuẩn quét đối với CMND/ thẻ CCCD phải bảo đảm tỷ lệ 1:1, quét với chế độ ảnh (.JPG) với độ phân giải 500dpi). Trường hợp các thông tin trong các giấy tờ tùy thân này đã được xác thực và cung cấp bởi CSDLQGVDC thì không phải tải lên.

Trường hợp ủy quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 01, người được ủy quyền đính kèm bản quét (scan) văn bản ủy quyền và bản quét (scan) hoặc bản sao chứng thực điện tử từ bản chính giấy tờ tùy thân còn giá trị sử dụng của người được ủy quyền.

Bước 2: Công chức Bộ phận một cửa có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác, đầy đủ, thống nhất, hợp lệ của hồ sơ.

2.1. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, trạng thái hồ sơ trên Cổng dịch vụ công là “Được tiếp nhận”, “Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài chính”. Phần mềm sẽ cấp một mã số trực tuyến cho người đăng ký cấp Phiếu LLTP.

2.2. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ, Bộ phận một cửa gửi thông báo hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ qua Cổng dịch vụ công, công dân có thể kiểm tra tình trạng xử lý hồ sơ khi đăng nhập vào Cổng dịch vụ công. Trạng thái hồ sơ trên Cổng dịch vụ công là “Yêu cầu bổ sung giấy tờ”.

2.3. Trường hợp bị từ chối cấp Phiếu LLTP theo quy định tại Điều 49 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, Bộ phận một cửa gửi thông báo từ chối tiếp nhận hồ sơ qua Cổng dịch vụ công, công dân có thể kiểm tra tình trạng xử lý hồ sơ khi đăng nhập vào Cổng dịch vụ công. Trạng thái hồ sơ trên Cổng dịch vụ công là “Không được tiếp nhận”.

Việc thanh toán phí cấp Phiếu LLTP: Được thực hiện thông qua hình thức chuyển khoản hoặc trực tiếp tại Bộ phận một cửa.

Bước 3: Ngay sau khi nhận được phí cấp Phiếu LLTP, Bộ phận một cửa gửi thông báo “Đang xử lý” và ngày hẹn trả kết quả qua Cổng dịch vụ công, công dân có thể kiểm tra tình trạng xử lý hồ sơ khi đăng nhập vào Cổng dịch vụ công. Đồng thời, trạng thái hồ sơ trên Cổng dịch vụ công là “Đang xử lý”.

Bước 4: Trả kết quả cấp Phiếu LLTP

- Trường hợp nhận Phiếu LLTP trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính: cá nhân xuất trình phiếu hẹn trả kết quả để Bộ phận một cửa hoặc bưu tá kiểm tra, đối chiếu thông tin trước khi trả Phiếu LLTP.

- Trường hợp nhận Phiếu LLTP trực tuyến: cá nhân đăng nhập vào Cổng dịch vụ công để kiểm tra, tải bản điện tử (PDF) Phiếu LLTP là bản giấy đã được ký, đóng dấu và quét (scan) tải lên Kho Quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công.

2. Thành phần hồ sơ

- Đối với cá nhân:

Biểu mẫu điện tử Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu LLTP (Mẫu số 03/2013/TT-LLTP hoặc Mẫu số 04/2013/TT-LLTP).

Bản quét (scan) giấy tờ tùy thân, bao gồm CMND/Thẻ CCCD/Hộ chiếu. Trường hợp các thông tin này đã được xác thực và cung cấp bởi CSDLQGVDC thì không phải tải lên.

Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu LLTP ủy quyền cho người khác yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 01.

- Đối với cơ quan, tổ chức:

Văn bản yêu cầu cấp Phiếu LLTP theo mẫu số 05a/2013TT-LLTP hoặc văn bản yêu cầu cấp Phiếu LLTP theo mẫu 05b/TT-LLTP ban hành kèm theo Thông tư số 16/2013/TT-BTP ngày 11/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

3. Thời hạn giải quyết:

- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ.

- Trường hợp người được yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì thời hạn không quá 15 ngày.

- Trường hợp khẩn cấp theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng thì thời hạn không quá 24 giờ.

4. Phí:

- Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp: 200.000 đồng/lần/người.

- Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ (gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ (hoặc chồng), con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi dưỡng liệt sỹ): 100.000 đồng/lần/người.

Trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên 2 Phiếu trong một lần yêu cầu, thì kể từ phiếu thứ 3 trở đi cơ quan cấp phiếu lý lịch tư pháp thu thêm 5.000đ/phiếu, để bù đắp chi phí cần thiết cho việc in mẫu Phiếu lý lịch tư pháp.

- Các trường hợp miễn phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp gồm: trẻ em theo quy định tại Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Người cao tuổi theo quy định tại Luật người cao tuổi; Người khuyết tật theo quy định tại Luật Người khuyết tật; Người thuộc hộ nghèo và Người cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của pháp luật.

5. Căn cứ pháp lý:

- Luật Lý lịch tư pháp năm 2009;

- Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014;

- Luật Căn cước công dân năm 2014;

- Luật Cư trú năm 2020;

- Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp;

- Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử;

- Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ Quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên Trang thông tin điện tử hoặc Cổng Thông tin điện tử của cơ quan nhà nước;

- Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư; định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”;

- Thông tư số 13/2011/TT-BTP ngày 27/6/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp;

- Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp;

- Thông tư số 16/2013/TT-BTP ngày 11/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2011/TT-BTP ngày 27/6/2011 về việc ban hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp;

- Thông tư số 244/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp;

- Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định về cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với Trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước./.