Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN QUỐC GIA ỨNG PHÓ SỰ CỐ, THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 217/QĐ-UBQGƯPSCTT&TKCN | Hà Nội, ngày 16 tháng 4 năm 2020 |
BAN HÀNH KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ CẤP QUỐC GIA VỀ TAI NẠN TÀU THUYỀN TRÊN BIỂN
CHỦ TỊCH ỦY BAN QUỐC GIA ỨNG PHÓ SỰ CỐ, THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015; Quyết định số 06/2014/QĐ-TTg ngày 20 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển;
Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
Căn cứ Quyết định số 1304/QĐ-TTg ngày 03 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tại công văn số 3084/TTr-BGTVT ngày 01 tháng 4 năm 2020.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch ứng phó cấp quốc gia về tai nạn tàu thuyền trên biển.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bộ ngành và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| CHỦ TỊCH |
ỨNG PHÓ CẤP QUỐC GIA VỀ TAI NẠN TÀU, THUYỀN TRÊN BIỂN
(Kèm theo Quyết định số 217/QĐ-UBQGƯPSCTT&TKCN ngày 16 tháng 4 năm 2020 của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn)
1. Mục tiêu tổng quát
Huy động nguồn lực, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa và ứng phó có hiệu quả tai nạn tàu, thuyền trên biển nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế, xã hội và môi trường; giúp duy trì thường xuyên các lực lượng trên biển, góp phần đảm bảo vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược biển Việt Nam, khẳng định trách nhiệm của quốc gia trong việc tuân thủ các công ước, điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam tham gia.
2. Mục tiêu cụ thể
- Làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó; huy động lực lượng, phương tiện thuộc quyền tổ chức ứng phó tai nạn tàu, thuyền trên biển theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
- Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục và tổ chức huấn luyện, luyện tập; đề cao giải pháp phòng ngừa, phát huy tốt phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác tìm kiếm cứu nạn tàu, thuyền trên biển.
- Tăng cường nguồn lực, phát huy tốt sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức trong nước, quốc tế và cá nhân liên quan trong hoạt động ứng phó tai nạn tàu, thuyền trên biển.
3. Phạm vi, đối tượng
- Kế hoạch này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển Việt Nam và trong vùng nước cảng biển.
- Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức trong nước, quốc tế và cá nhân liên quan trong hoạt động ứng phó tai nạn tàu, thuyền trên vùng biển Việt Nam và trong vùng nước cảng biển có trách nhiệm thực hiện kế hoạch này.
1. Dự kiến một số loại hình tai nạn tàu, thuyền trên biển có thể xảy ra
- Tàu vận tải hàng hóa (bao gồm tàu hàng tổng hợp, tàu hàng rời, tàu dầu, tàu khí hóa lỏng, tàu công-ten-nơ...) trong nước hoặc nước ngoài đâm va với tàu, thuyền khác làm chết, bị thương, mất tích một hoặc nhiều người và gây chìm, cháy, nổ, ô nhiễm môi trường biển (tràn dầu hoặc hóa chất độc).
- Một tàu hoặc nhóm tàu cá bị sự cố, mất liên lạc, hỏng máy, cháy, nổ, chìm tàu do lỗi kỹ thuật, gặp thời tiết nguy hiểm trên biển hoặc đâm va với tàu khác làm chết, bị thương, mất tích một hoặc nhiều người.
- Tàu chở khách du lịch (bao gồm cả du thuyền) trong nước hoặc nước ngoài đâm va với tàu vận tải, va đá ngầm hoặc thời tiết gió bão nguy hiểm... làm chết, bị thương, mất tích một hoặc nhiều người và gây chìm, cháy, nổ, tràn dầu trên biển.
2. Năng lực, lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn
a) Bộ Giao thông vận tải
- Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam, gồm 04 Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Khu vực (Khu I tại Hải Phòng, Khu vực II tại Đà Nẵng, Khu vực III tại Vũng Tàu, Khu vực IV tại Nha Trang); các trung tâm này có 07 tàu SAR tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng, ca nô cao tốc có thể hoạt động khu vực xa bờ và hệ thống thông tin liên lạc đi kèm.
- Lực lượng của các cảng vụ hàng hải: Gồm 25 cảng vụ hàng hải khu vực, các Cảng vụ này có một số tàu, ca nô công vụ hoạt động đảm bảo an toàn an ninh hàng hải và các thiết bị cẩu, bốc xếp có khả năng chủ trì hoặc tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển và tại các vùng nước cảng biển.
- 02 Tổng công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải Miền Bắc và Miền Nam: Gồm các đơn vị thành viên hoạt động trong lĩnh vực hoa tiêu, bảo đảm an toàn hàng hải trên cả nước; có nhiều phương tiện thủy như ca nô, tàu kéo, sà lan công trình, sà lan mở đáy, tàu lai dắt... và nhiều thiết bị đi kèm.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam (VISHIPEL): Phụ trách các Hệ thống Thông tin duyên hải Việt Nam từ Móng Cái đến Cà Mau; Trung tâm xử lý và kiểm soát Thông tin Hàng hải Hà Nội; Đài Thông tin vệ tinh mặt đất Inmarsat Hải Phòng (Hai Phong Land Earth Station); Đài Thông tin vệ tinh mặt đất Cospas-Sarsat (VNLUT/MCC) tại Hải Phòng.
- Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải có thể cung cấp các dịch vụ về hàng hải, trục vớt, dịch vụ kỹ thuật ngầm và tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển như: Công ty Trục vớt Cứu hộ Việt Nam (VISAL); Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Vinaline; Tổng Công ty xây dựng đường thủy Vinawaco; Tổng Công ty vận tải thủy Việt Nam; Công ty vận tải và thuê tàu...
- Lực lượng khác: Các Cảng vụ Đường thủy nội địa, Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng không, Trung tâm Hiệp đồng Tìm kiếm cứu nạn Hàng không (Miền Bắc, Trung, Nam) và các cơ quan, đơn vị khác thuộc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam; các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cứu hộ cứu nạn, xây dựng, vận tải (đường biển, thủy nội địa), thông tin, viễn thông, y tế...
b) Bộ Quốc phòng
- Các tàu, xuồng, ca nô và các phương tiện thủy khác làm nhiệm vụ vận tải, huấn luyện, tuần tra, thực thi pháp luật trên sông, trên biển thuộc: Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các Quân khu ven biển, Binh chủng Đặc công, Binh chủng Công binh, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng...
- Các Trạm phối hợp tìm kiếm cứu nạn: Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Trường Sa (Khánh Hòa), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Thổ Chu (Kiên Giang), Hòn Khoai (Cà Mau), Song Tử Tây (Khánh Hòa).
- Các trung tâm đào tạo, huấn luyện: Trung tâm Quốc gia huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường biển; Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực Miền Bắc; Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực Miền Trung; Trung tâm Quốc gia Huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không.
- Lực lượng, phương tiện bay (máy bay cánh bằng, thủy phi cơ, trực thăng) của các cơ quan, đơn vị thuộc: Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân, Binh đoàn 18...
- Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực cứu hộ cứu nạn, vận tải biển, tài nguyên môi trường, y tế, thông tin, viễn thông... (như Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Bệnh viện các tuyến).
- Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường.
c) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương
- Lực lượng, phương tiện của các sở, ban, ngành và huyện (thành phố) trực thuộc tỉnh, thành phố; tàu, thuyền, phương tiện thủy của các tổ chức, cá nhân, ngư dân do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương trực tiếp quản lý phương tiện (hoặc được quyền huy động khi có vụ việc).
- Lực lượng, phương tiện của các cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, ngành và lực lượng, phương tiện của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cứu hộ cứu nạn, tài nguyên môi trường, vận tải biển, vận tải đường sông, y tế, viễn thông... đứng chân trên địa bàn.
d) Tổ chức, tập đoàn thuộc Chính phủ và các bộ, ngành khác
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Các đội tàu làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam; các trung tâm thông tin chuyên ngành thủy sản; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thủy sản, y tế...
- Bộ Công Thương: Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Nam; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dầu khí, vận tải biển, tài nguyên môi trường... (như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Trường Cao đẳng Dầu khí, Xí nghiệp vận tải biển và Công tác lặn/Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro).
- Lực lượng, phương tiện của các bộ, ngành khác (Công an, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Ngoại giao); cơ quan, đơn vị, tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp thuộc Chính phủ, bộ, ngành, địa phương hoạt động trong lĩnh vực cứu hộ cứu nạn, vận tải biển, tài nguyên môi trường, y tế, thông tin, viễn thông...
đ) Lực lượng khác
- Các tàu vận tải quốc tế đang hoạt động trong vùng lãnh hải Việt Nam hoặc có hải trình quốc tế gần vị trí tàu, thuyền của Việt Nam gặp nạn.
- Hội Chữ thập đỏ; các tổ chức phi Chính phủ, tổ chức xã hội, tình nguyện.
- Phương tiện, lực lượng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ thảm họa trong và ngoài khu vực theo thỏa thuận với Việt Nam hoặc do Việt Nam thuê...
III. CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA TAI NẠN
1. Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn
- Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó tai nạn tàu, thuyền trên biển; xây dựng đề án hệ thống cơ cấu tổ chức ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chương trình, nội dung tuyên truyền giáo dục, huấn luyện; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức diễn tập phối hợp tìm kiếm, cứu nạn cấp quốc gia và với lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài trên vùng biển Việt Nam; rà soát, lập đề án bổ sung trang bị tìm kiếm cứu nạn tàu, thuyền trên biển.
- Chỉ đạo cơ quan thường trực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương tham mưu cho Thủ trưởng các bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện tốt ứng phó với sự cố, tai nạn tàu, thuyền trên biển; chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng làm nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch được phê duyệt.
- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo hệ thống tìm kiếm, cứu nạn hàng hải, hàng không tổ chức tốt việc điều phối hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển; tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn tàu, thuyền trên biển và trong vùng nước cảng biển.
- Cập nhật, cung cấp thông tin về diễn biến tình huống sự cố, thiên tai cho cơ quan dự báo, cảnh báo để tăng cường dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn trên biển.
2. Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai
- Chỉ đạo các biện pháp phòng tránh bão, áp thấp nhiệt đới trên biển.
- Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các bộ, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân và chủ phương tiện hoạt động trên biển về những quy định pháp luật liên quan đến công tác an toàn, an ninh hàng hải và tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
- Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các bộ, ngành, địa phương liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ kịp thời ban hành Công điện để chỉ đạo công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố tai nạn tàu, thuyền khi xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển.
3. Bộ Giao thông vận tải
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân và chủ phương tiện hoạt động trên biển và trong vùng nước cảng biển về những quy định pháp luật liên quan đến công tác an toàn, an ninh hàng hải và tìm kiếm, cứu nạn trên biển và vùng nước cảng biển; xây dựng kế hoạch, tổ chức huấn luyện, diễn tập ứng phó về tai nạn tàu, thuyền trên biển; hàng năm triển khai, kiểm tra việc thực hiện, soát xét, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với thực tiễn; tổ chức trực ban để tiếp nhận các thông tin liên quan đến tàu, thuyền bị nạn trên biển.
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển xây dựng và triển khai các phương án kết hợp việc sử dụng lực lượng, phương tiện của các chuyên ngành Hàng hải, Hàng không, Đường thủy nội địa thuộc bộ kết hợp việc thực hiện nhiệm vụ của mình với việc sẵn sàng tham gia trực và tìm kiếm, cứu nạn trên biển và ven biển.
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo hệ thống tìm kiếm, cứu nạn hàng hải, hàng không tổ chức tốt việc điều phối hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển. Tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn tàu thuyền trên biển và trong vùng nước cảng biển.
- Chú trọng nâng cao chất lượng công tác kiểm tra tàu biển nước ngoài đến cảng biển Việt Nam và tàu biển Việt Nam hoạt động trong nước và quốc tế, kiên quyết không cho rời cảng những tàu, thuyền thiếu các thủ tục, giấy tờ và các trang thiết bị theo quy định; nâng cao chất lượng đăng kiểm tàu biển, phương tiện thủy nội địa; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải, phòng chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật đối với tàu biển khi hoạt động tại vùng nước cảng biển, nội thủy và lãnh hải Việt Nam.
- Chủ trì thiết lập, công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam trên cơ sở đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải; chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan thông báo cho các tổ chức quốc tế về tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Chỉ đạo Hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam tổ chức trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin cấp cứu - khẩn cấp trên biển và báo cáo cho cơ quan, tổ chức có trách nhiệm về tìm kiếm, cứu nạn. Thông báo các tần số (kênh) trực canh, cấp cứu - khẩn cấp của hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam, các phương thức liên lạc với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không cho các phương tiện hoạt động trên biển, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong nước và nước ngoài biết để thông tin, phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
- Tổ chức khảo sát, kịp thời cập nhật năng lực phương tiện, trang bị cứu hộ, cứu nạn trên biển trong nước và các nước trong, ngoài khu vực để tham mưu, đề xuất sử dụng lực lượng, phương tiện khi có tình huống (đặc biệt đối với các trang bị, phương tiện tìm kiếm dưới mặt nước, ở các vùng biển sâu).
- Rà soát phương tiện, trang bị tìm kiếm cứu nạn trên biển đối với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung theo hướng đầu tư, mua sắm các tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dùng, không hạn chế cấp sóng, gió và có các trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn hiện đại, có khả năng hoạt động dài ngày và tại các vùng biển, đảo xa.
4. Bộ Quốc phòng
- Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xây dựng phương án kết hợp việc sử dụng lực lượng, phương tiện của Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các Quân khu ven biển, Binh chủng Đặc công, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và các lực lượng khác của Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng gắn với việc sẵn sàng trực và tham gia tìm kiếm, cứu nạn theo địa bàn hoạt động trên biển.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về nhiệm vụ ứng phó sự cố, tai nạn tàu thuyền trên biển, các biện pháp phòng tránh, ứng phó với sự cố, tai nạn trên biển và các nội dung liên quan đến khai thác hải sản theo quy định.
- Chỉ đạo Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các Quân khu ven biển xây dựng, luyện tập kế hoạch ứng phó tai nạn tàu, thuyền trên biển; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kịp thời cung cấp các thông tin về diễn biến thời tiết trên biển, kêu gọi tàu, thuyền hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn khi xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới hoặc thời tiết nguy hiểm xảy ra trên biển.
- Rà soát phương tiện, trang bị tìm kiếm cứu nạn trên biển để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền đầu tư, mua sắm bổ sung phương tiện, trang bị tìm kiếm cứu nạn trên biển (đặc biệt đối với phương tiện, thiết bị tìm kiếm dưới mặt nước); nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn cho các cơ quan, đơn vị thuộc quyền trên địa bàn các tỉnh, thành phố ven biển (trước mắt đối với 02 Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu Miền Bắc và Miền Trung).
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển xây dựng và triển khai các phương án kết hợp việc sử dụng lực lượng, phương tiện thuộc quyền quản lý của mình kết hợp việc thực hiện nhiệm vụ của mình với việc sẵn sàng tham gia trực và tìm kiếm, cứu nạn trên biển và ven biển.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về nhiệm vụ ứng phó sự cố, tai nạn tàu thuyền trên biển (đặc biệt tàu cá); tuyên truyền các nội dung liên quan đến chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định và việc xây dựng, phát huy xây dựng tổ đội đoàn kết, nghiệp đoàn nghề cá địa phương sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra, đảm bảo thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương làm tốt công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá, kiên quyết không cho ra khơi (xuất bến) những phương tiện thiếu các thủ tục, giấy tờ và các trang thiết bị theo quy định; kịp thời ban hành, điều chỉnh các quy định về trang thiết bị thông tin liên lạc, hệ thống giám sát hành trình, thiết bị cảnh báo đâm va, thiết bị quan sát cho các tàu cá hoạt động trên biển; ban hành Quy chế phối hợp cứu hộ, cứu nạn và cơ chế, chính sách đối với hoạt động tìm kiếm, cứu nạn ngư dân, tàu cá trên biển và trong vùng nước cảng biển.
- Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kịp thời cung cấp các thông tin về diễn biến thời tiết trên biển và tổ chức kêu gọi tàu, thuyền (đặc biệt tàu, thuyền của ngư dân) hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn khi xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới hoặc thời tiết nguy hiểm xảy ra trên biển.
- Xây dựng kế hoạch, tổ chức huấn luyện, diễn tập ứng phó về tai nạn tàu, thuyền trên biển; hàng năm triển khai, kiểm tra việc thực hiện, soát xét, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với thực tiễn; tổ chức trực ban để tiếp nhận các thông tin liên quan đến tàu, thuyền bị nạn trên biển.
- Chỉ đạo lực lượng Kiểm ngư và chuyên ngành thủy sản tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động đánh bắt thủy sản trên các vùng biển của Việt Nam, vùng biển quốc tế, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong công tác chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu về quản lý hoạt động cứu hộ, cứu nạn tàu cá trên các vùng biển.
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển xây dựng và triển khai các phương án tổ đội khai thác thủy sản đoàn kết, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống tai nạn sự cố xảy ra trên biển.
6. Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc bộ theo dõi và phát các tin cảnh báo, dự báo về thời tiết nguy hiểm, áp thấp nhiệt đới, bão, thông tin về động đất, cảnh báo sóng thần trên biển.
- Chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia phối hợp với Đài Thông tin Duyên hải trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thời tiết, khí tượng thủy văn để phát thông tin cảnh báo cho tổ chức, cá nhân sở hữu và điều hành phương tiện hoạt động trên biển được biết.
7. Bộ Công an
- Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn xây dựng phương án kết hợp việc sử dụng lực lượng, phương tiện của các đơn vị Cảnh sát và các lực lượng khác của Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ Công an gắn với việc sẵn sàng trực và tham gia tìm kiếm, cứu nạn theo địa bàn hoạt động trên biển và chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân và chủ phương tiện hoạt động trong phạm vi quản lý của mình về những quy định pháp luật liên quan đến công tác ứng phó tai nạn tàu, thuyền và các biện pháp phòng ngừa và tổ chức ứng phó.
8. Bộ Tài chính
- Đảm bảo ngân sách nhà nước cho các bộ ngành, địa phương trong hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển theo quy định.
- Xuất, cấp kịp thời, đầy đủ trang thiết bị dự trữ quốc gia cho công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh của cấp có thẩm quyền.
9. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương
- Phối hợp với bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng và triển khai các phương án kết hợp việc sử dụng lực lượng, phương tiện thuộc quyền quản lý của mình kết hợp việc thực hiện nhiệm vụ của mình với việc sẵn sàng tham gia trực và tìm kiếm, cứu nạn trên biển và ven biển.
- Chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về nhiệm vụ ứng phó sự cố, tai nạn tàu thuyền trên biển, các biện pháp phòng tránh, ứng phó với sự cố, tai nạn trên biển, các nội dung liên quan đến chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; Quy chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn tàu, thuyền trên biển và trong vùng nước cảng biển cũng như Công ước quốc tế về tìm kiếm và cứu nạn hàng hải năm 1979 (Công ước SAR 79).
- Yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng thực hiện nghiêm túc việc bật thiết bị giám sát hành trình, duy trì thông tin liên lạc giữa tàu thuyền với cơ quan chức năng, gia đình chủ tàu trong suốt thời gian hoạt động trên biển; chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền cho chủ tàu, ngư dân quy định về duy trì hoạt động thường xuyên của thiết bị giám sát hành trình, duy trì thông tin liên lạc giữa chủ tàu, thuyền trưởng với cơ quan chức năng, gia đình.
- Xây dựng kế hoạch, tổ chức huấn luyện, diễn tập ứng phó về tai nạn tàu, thuyền trên biển; hàng năm triển khai, kiểm tra việc thực hiện, soát xét, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với thực tiễn; xây dựng các phương án huy động lực lượng, trang thiết bị của địa phương, của các cơ quan Trung ương tại địa phương tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong khu vực thuộc địa bàn quản lý, vùng nước cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão, vùng nước cảng và luồng thủy nội địa.
- Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các sở ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đăng ký, đăng kiểm phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn trên các phương tiện, kiên quyết không cho ra khơi đối với phương tiện không đảm bảo an toàn đi biển; nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn trên các vùng biển, kịp thời thông báo cho chủ tàu, thuyền trưởng biết để chủ động phòng tránh, không để tàu thuyền vào neo đậu các khu không đảm bảo an toàn.
- Ban hành Quy chế phối hợp cứu hộ, cứu nạn và cơ chế, chính sách đối với hoạt động tìm kiếm, cứu nạn ngư dân, tàu cá trên biển và trong vùng nước cảng biển; tuyên truyền về việc xây dựng, phát huy xây dựng tổ đội đoàn kết, nghiệp đoàn nghề cá địa phương sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra; nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ, đội đoàn kết, tổ hợp tác trên biển trong việc tương trợ nhau khi cùng hoạt động trên biển, nhất là công tác cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “bốn tại chỗ”.
10. Các bộ, ngành khác
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về nhiệm vụ ứng phó sự cố, tai nạn tàu thuyền trên biển.
- Theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì hoặc phối hợp xây dựng kế hoạch, tổ chức huấn luyện, diễn tập ứng phó về tai nạn tàu, thuyền trên biển; hàng năm triển khai, kiểm tra việc thực hiện, soát xét, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với thực tiễn; tổ chức trực ban để tiếp nhận các thông tin liên quan đến tàu, thuyền bị nạn trên biển.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền kiểm tra lực lượng, phương tiện có khả năng và đủ điều kiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển báo cáo về Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn nghiên cứu, đưa vào phương án sử dụng lực lượng khi có tình huống.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền tổ chức xây dựng kế hoạch, biện pháp ứng phó tai nạn tàu, thuyền trên biển theo lĩnh vực được phân công, phụ trách. Đồng thời chỉ đạo kịp thời việc tổ chức lực lượng, phương tiện của mình làm nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
- Thường xuyên rà soát, kiểm kê các trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền. Đồng thời mua sắm, bổ sung một số phương tiện, trang thiết bị, hệ thống thông tin liên lạc cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn để đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả công tác ứng phó sự cố, tai nạn tàu, thuyền trên biển.
11. Các tổ chức, cá nhân có phương tiện hoạt động trên biển
Tổ chức, cá nhân có phương tiện hoạt động trên biển đủ điều kiện và tình nguyện trực sẵn sàng và tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển trong kế hoạch quốc gia về tìm kiếm, cứu nạn trên biển báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để nghiên cứu, bổ sung lực lượng, phương tiện tham gia khi được huy động.
IV. CÔNG TÁC ỨNG PHÓ VÀ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ
1. Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn
- Chủ trì điều động các lực lượng, phương tiện của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển khi tình huống xảy ra vượt quá khả năng của lực lượng tìm kiếm cứu nạn chuyên nghiệp, bộ ngành, địa phương. Tùy theo diễn biến, tính chất, quy mô vụ tai nạn, chủ trì hoặc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện, kế hoạch để chỉ đạo ứng phó khi có tình huống.
- Phối hợp với Bộ Ngoại giao để thông báo đến cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự các nước có người bị nạn (nếu có) về tình hình sức khỏe nạn nhân và các biện pháp tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nạn nhân của phía Việt Nam; chỉ đạo các bộ, ngành liên quan trong việc cấp phép, phối hợp với lực lượng, phương tiện của nước ngoài thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn tại vùng biển của Việt Nam và tổ chức theo dõi giám sát việc thực hiện.
- Chủ trì, thu thập và cung cấp thông tin chính thức về sự cố, tai nạn trên các phương tiện thông tin đại chúng; phân công và chỉ định cơ quan có thẩm quyền về việc phát ngôn, thông tin báo chí về tai nạn tàu tàu, thuyền trên biển. Tổng hợp tình hình, báo cáo thường xuyên, đột xuất Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
2. Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai
- Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn trong việc huy động lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn khi có người, phương tiện bị nạn trên biển do bão, áp thấp nhiệt đới trên biển gây ra.
- Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các bộ, ngành, địa phương liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện, kế hoạch để chỉ đạo ứng phó.
3. Bộ Giao thông vận tải
- Thông báo các tần số (kênh) trực canh, cấp cứu - khẩn cấp của hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam, các phương thức liên lạc với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không cho các phương tiện hoạt động trên biển, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong nước và nước ngoài biết để thông tin, phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
- Chỉ đạo Hệ thống thông tin Duyên hải Việt Nam, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ hàng hải phát thông báo hàng hải, yêu cầu các tàu của các tổ chức, cá nhân đang hoạt động gần khu vực xảy ra tai nạn cơ động lực lượng đến vị trí tàu bị nạn tổ chức ứng cứu dưới sự điều hành của tàu chỉ huy hiện trường; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đề xuất điều động tàu SAR của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam và các lực lượng khác tổ chức tìm kiếm, cứu nạn.
- Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các bộ, ngành, địa phương liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện, kế hoạch để chỉ đạo ứng phó; chủ trì hoặc phối hợp thành lập Sở Chỉ huy hiện trường, Sở Chỉ huy phía trước để chỉ đạo các lực lượng triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả vụ tai nạn liên quan đến tàu biển.
- Trong trường hợp tìm kiếm cứu nạn không đạt hiệu quả, vượt quá năng lực của các lực lượng thuộc bộ, kịp thời có văn bản báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để huy động bổ sung các lực lượng của các bộ, ngành, địa phương khác tham gia ứng phó; điều động lực lượng tìm kiếm cứu nạn thuộc bộ tham gia phối hợp tìm kiếm cứu nạn phương tiện, tàu thuyền của bộ ngành khác và địa phương khác theo yêu cầu của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
- Trường hợp các lực lượng, phương tiện trong nước không đủ khả năng để tìm kiếm cứu nạn thì phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị có liên quan để đề nghị tham vấn, hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện nước ngoài tham gia; cấp phép cho lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn hàng hải của nước ngoài tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển Việt Nam.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra an ninh, an toàn và tai nạn hàng hải theo quy định của pháp luật, kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm, có những biện pháp hữu hiệu phòng tránh và hạn chế tai nạn tương tự; tùy theo tính chất của vụ việc, thực hiện báo cáo Tổ chức hàng Hàng hải quốc tế (IMO) và các tổ chức quốc tế khác có liên quan theo đúng quy định, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Chủ trì hoặc phối hợp với Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thu thập và cung cấp thông tin chính thức về sự cố trên phương tiện thông tin đại chúng; phân công và chỉ định cho cơ quan chức năng, về việc phát ngôn, thông tin báo chí phù hợp thẩm quyền, phạm vi, trách nhiệm; phối hợp với địa phương làm công tác tư tưởng, thăm hỏi, động viên và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ gia đình có người bị nạn.
- Trường hợp tàu biển Việt Nam bị nạn thuộc vùng biển nước ngoài thì đề xuất Bộ Ngoại giao gửi Công hàm đề nghị quốc gia nơi xảy ra tai nạn trợ giúp cứu nạn, tạo điều kiện cấp phép, hỗ trợ cho các lực lượng, phương tiện vào tham gia tìm kiếm cứu nạn.
- Tổng hợp tình hình, báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thường xuyên, đột xuất theo quy định.
4. Bộ Quốc phòng
- Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xây dựng phương án kết hợp việc sử dụng lực lượng, phương tiện của Hải quân, Không quân, Biên phòng, Cảnh sát biển và các lực lượng khác của Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng gắn với việc sẵn sàng tham gia tìm kiếm, cứu nạn theo địa bàn hoạt động trên biển hoặc theo yêu cầu của cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn.
- Chủ trì ứng phó với tai nạn liên quan đến tàu, thuyền bị nạn trong vùng cấm và vùng hạn chế trên biển; phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các bộ, ngành, địa phương liên quan tham mưu cho Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện, kế hoạch để chỉ đạo ứng phó khi có tình huống.
- Chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân, Binh chủng Thông tin - Liên lạc, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Cục Tác chiến điện tử và cơ quan, đơn vị liên quan yêu cầu các trạm quan sát, ra đa cảnh giới tiến hành quan sát, rà soát thông tin, tín hiệu cấp cứu - khẩn cấp phát hiện tín hiệu tàu, thuyền bị nạn để kịp thời thông báo cho các cơ quan, tổ chức tìm kiếm, cứu nạn biết, xử lý; chỉ đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng yêu cầu Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương theo chức năng huy động tàu, thuyền của ngư dân tham gia tìm kiếm, cứu nạn.
- Chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền nơi có tàu, thuyền gặp nạn chủ trì, phối hợp với địa phương thành lập bệnh viện dã chiến để tiếp nhận, phân loại, chuyển tuyến điều trị cho người bị thương, bị bỏng; phối hợp với các bộ, ngành chức năng tiếp nhận, đăng ký, phân loại người bị nạn, bị thương, bị chết (nếu có); chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân, Binh đoàn 18, Không quân Hải quân sẵn sàng lập cầu hàng không sân bay trực thăng cấp cứu y tế kịp thời những người bị thương nặng, ngoài khả năng cấp cứu của các bệnh viện trên địa bàn; phối hợp với các lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ hiện trường, đảm bảo công tác hậu cần, kỹ thuật cho các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn.
- Chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng cấp phép cho tàu bay quân sự nước ngoài tham gia tìm kiếm cứu nạn; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và bộ, ngành liên quan để cấp phép cho lực lượng, phương tiện của nước ngoài thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn trong lãnh thổ, lãnh hải và các đảo, quần đảo của Việt Nam.
- Tổng hợp tình hình, báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thường xuyên, đột xuất theo quy định.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ huy động lực lượng, phương tiện kiểm ngư và chuyên ngành thủy sản tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển khi có tình huống xảy ra đối với phương tiện, tàu thuyền thuộc ngành thủy sản; Thông tin, báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển của Bộ theo quy định.
- Chỉ đạo Hệ thống quan sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản, hệ thống thông tin chuyên ngành thủy sản kịp thời cung cấp, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu liên quan đến công tác tìm kiếm, xác định vị trí tàu, thuyền bị nạn và thực hiện công tác đảm bảo thông tin liên lạc trong điều hành cứu hộ, cứu nạn.
- Điều động lực lượng, phương tiện thuộc bộ tham gia phối hợp tìm kiếm cứu nạn phương tiện, tàu thuyền của bộ, ngành khác và địa phương theo yêu cầu của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; thông tin, báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển của Bộ theo quy định.
6. Bộ Công an
- Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn triển khai việc sử dụng lực lượng, phương tiện của các đơn vị Cảnh sát đường thủy, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và các lực lượng khác tham gia tìm kiếm, cứu nạn theo địa bàn hoạt động và chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Chủ trì, phối hợp địa phương chỉ đạo công an tỉnh, thành phố nơi xảy ra tai nạn sử dụng lực lượng, phương tiện tham gia dập tắt đám cháy trên tàu (nếu có); sơ cấp cứu người bị nạn, bảo đảm an ninh, an toàn cho hành khách, thủy thủ đoàn, người bị nạn; chủ trì, phối hợp trong công tác giám định, phân loại, xác minh thông tin, nhận dạng nạn nhân.
- Cử cán bộ, chuyên gia tham gia Sở Chỉ huy hiện trường hoặc đoàn công tác của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu. Theo chức năng, nhiệm vụ báo cáo thường xuyên, đột xuất.
7. Bộ Công Thương
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ngành có lực lượng, phương tiện có khả năng và đủ điều kiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn nghiên cứu, đưa vào phương án sử dụng lực lượng, phương tiện.
- Chỉ đạo Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu miền Nam và các tập đoàn, doanh nghiệp trực thuộc bộ sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu khi có yêu cầu của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
- Cử cán bộ, chuyên gia tham gia Sở Chỉ huy hiện trường hoặc đoàn công tác của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu; theo chức năng, nhiệm vụ báo cáo thường xuyên, đột xuất.
8. Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Chỉ đạo cơ quan chức năng cung cấp tín hiệu, hình ảnh của ra đa giám sát tài nguyên, môi trường biển theo đề nghị của các cơ quan chức năng để phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển; cung cấp kịp thời các thông tin, bản tin về thời tiết, khí tượng, thủy văn để phục vụ điều hành hoạt động tìm kiếm cứu nạn.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ngành có lực lượng, phương tiện có khả năng và đủ điều kiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn nghiên cứu, đưa vào phương án sử dụng lực lượng, phương tiện.
- Cử cán bộ, chuyên gia tham gia Sở Chỉ huy hiện trường hoặc đoàn công tác của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu; theo chức năng, nhiệm vụ báo cáo thường xuyên, đột xuất.
9. Bộ Y tế
- Chỉ đạo lực lượng y tế phối hợp với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải Việt Nam và cơ quan chủ trì tìm kiếm cứu nạn để chỉ dẫn, hướng dẫn việc sơ, cấp cứu từ xa cho người bị nạn trên biển khi cần trợ giúp y tế.
- Theo tính chất, diễn biến vụ việc, chỉ đạo bệnh viện các tuyến cử các y bác sỹ tới hiện trường phối hợp tham gia tiếp nhận, phân loại người bị thương, vận chuyển, cấp cứu, cứu chữa nạn nhân; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thống kê, xác minh thông tin, nhận dạng nạn nhân...
- Cử cán bộ, chuyên gia tham gia Sở Chỉ huy hiện trường hoặc đoàn công tác của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu; theo chức năng, nhiệm vụ báo cáo thường xuyên, đột xuất.
10. Bộ Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thống nhất quy định các tần số trực canh, cấp cứu - khẩn cấp, quy định về thông tin liên lạc vô tuyến; ưu tiên bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, các doanh nghiệp liên quan huy động lực lượng của ngành tham gia bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn.
- Hướng dẫn đăng ký sử dụng và tần số làm việc để đảm bảo thông tin liên lạc nhanh chóng khi có tình huống cứu hộ, cứu nạn xảy ra trên biển; chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền pháp luật và các nội dung liên quan đến công tác tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tìm kiếm cứu nạn, định hướng dư luận...
- Cử cán bộ, chuyên gia tham gia Sở Chỉ huy hiện trường hoặc đoàn công tác của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu; theo chức năng, nhiệm vụ báo cáo thường xuyên, đột xuất.
11. Bộ Ngoại giao
- Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng trong việc cấp phép cho lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài vào thực hiện tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển Việt Nam.
- Chỉ đạo các cơ quan thuộc bộ, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với nước sở tại và các tổ chức quốc tế tìm kiếm, cứu nạn đối với người, phương tiện của các tổ chức, cá nhân Việt Nam gặp tai nạn, sự cố trong vùng trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn của nước ngoài, bao gồm cả vùng tìm kiếm, cứu nạn hàng hải và hàng không.
- Phối hợp với bộ, ngành thông qua đường ngoại giao, đề nghị các cơ quan chức năng nước ngoài giúp đỡ tổ chức tìm kiếm, cứu nạn người, phương tiện của Việt Nam bị tai nạn, sự cố hoặc hỗ trợ nơi tránh, trú ẩn đảm bảo an toàn và các trường hợp khẩn cấp khác; đồng thời hỗ trợ cứu người, phương tiện, làm các thủ tục cần thiết và giải quyết các vấn đề phát sinh khác để đưa người, phương tiện về nước.
- Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành liên quan làm các thủ tục ngoại giao trong trường hợp tìm kiếm, cứu nạn người, phương tiện nước ngoài bị nạn trong vùng biển Việt Nam.
12. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Thực hiện các chính sách với người tham gia làm nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi bị ốm đau, tai nạn, bị thương hoặc bị chết theo quy định của pháp luật.
13. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương
- Chủ trì, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để huy động phương tiện tàu thuyền của các tổ chức, cá nhân, ngư dân đang hoạt động gần khu vực nhanh chóng cơ động đến trợ giúp tàu, thuyền gặp nạn trên địa bàn quản lý, vùng nước cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão, vùng nước cảng và luồng thủy nội địa; thông báo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam để điều động bổ sung lực lượng, phương tiện tham gia trong trường hợp cần huy động thêm phương tiện tìm kiếm, cứu nạn hàng hải.
- Báo cáo, kiến nghị Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để huy động lực lượng, phương tiện của các bộ, ngành, địa phương khác phối hợp tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong trường hợp vượt quá khả năng ứng phó. Tùy tính chất vụ việc, phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện, kế hoạch để ứng phó; chủ trì hoặc phối hợp thành lập Sở Chỉ huy hiện trường, Sở Chỉ huy phía trước để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành các lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn.
- Chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án tiếp nhận người bị thương; triển khai nhân viên y tế của bệnh viện và các y bác sỹ của lực lượng vũ trang đến hiện trường tham gia tiếp nhận, phân loại người bị thương, vận chuyển, cấp cứu, cứu chữa nạn nhân; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thống kê, xác minh thông tin, nhận dạng nạn nhân...
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đảm bảo công tác hậu cần, kỹ thuật cho các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn; thực hiện phát ngôn, thông tin báo chí chân thực và phù hợp thẩm quyền, phạm vi, trách nhiệm.
- Tổ chức thăm hỏi, động viên và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ gia đình có người, phương tiện bị nạn; quản lý chặt chẽ không để các đối tượng lợi dụng kích động, lôi kéo, tập hợp quần chúng làm phức tạp tình hình, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
- Tổng hợp tình hình, báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thường xuyên, đột xuất theo quy định.
14. Các bộ, ngành khác
- Tổng hợp lực lượng, phương tiện của các cơ quan, đơn vị thuộc quyền có khả năng tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển, vùng nước cảng biển để báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn nghiên cứu, đưa vào phương án sử dụng lực lượng, phương tiện.
- Cử cán bộ, chuyên gia tham gia Sở Chỉ huy hiện trường hoặc đoàn công tác của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu. Theo chức năng, nhiệm vụ báo cáo thường xuyên, đột xuất.
- Theo chức năng nhiệm vụ thực hiện việc cứu trợ xã hội đột xuất đối với các đối tượng có liên quan đến tai nạn tàu thuyền trên biển, thực hiện các chính sách với người tham gia làm nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi bị ốm đau, tai nạn, bị thương hoặc bị chết theo quy định của pháp luật.
15. Các tổ chức, cá nhân liên quan khác
a) Thuyền trưởng phương tiện hoạt động trên biển
- Tham gia cứu người bị nạn trên biển khi phát hiện hay nhận được tín hiệu cấp cứu - khẩn cấp gần khu vực đang hoạt động, nếu không làm mất an toàn cho người, phương tiện của mình.
- Báo cho cơ quan chủ trì về tìm kiếm, cứu nạn và tổ chức, cá nhân liên quan biết việc tham gia tìm kiếm, cứu nạn của mình; chấp hành lệnh điều động tham gia tìm kiếm, cứu nạn khi được cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn trên biển huy động; tham gia hỗ trợ, cứu hộ phương tiện gặp nạn theo quy định.
b) Chủ phương tiện hoạt động trên biển
- Chấp hành nghiêm lệnh điều động của cơ quan có thẩm quyền trong việc điều động phương tiện của mình tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
- Chấp, hành lệnh của cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn để bảo đảm an toàn sinh mạng cho người, thuyền viên trên biển trong trường hợp tiến hành lai dắt hay cứu hộ phương tiện của mình.
c) Doanh nghiệp đã bán bảo hiểm cho phương tiện bị nạn trên biển
- Phối hợp và cung cấp tài liệu, hồ sơ và thông tin liên quan đến người, phương tiện được bảo hiểm theo nội dung yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm, cứu nạn khi tiến hành cứu nạn và giải quyết vụ việc;
- Chấp hành lệnh của cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm, cứu nạn để bảo đảm an toàn sinh mạng cho người, thuyền viên trên biển trong trường hợp phối hợp với chủ phương tiện tiến hành lai dắt hay cứu hộ phương tiện.
d) Các tổ chức, cá nhân có phương tiện hoạt động trên biển khác
- Chấp hành yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền huy động phương tiện của mình tham gia tìm kiếm, cứu nạn; phối hợp cung cấp thông tin, báo cáo đầy đủ theo nội dung yêu cầu của Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn để tiến hành và giải quyết vụ việc tìm kiếm, cứu nạn đối với người, phương tiện của mình.
- Tổ chức, cá nhân có phương tiện đủ điều kiện và tình nguyện trực sẵn sàng và tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển báo cáo địa phương, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để tham gia tìm kiếm, cứu nạn khi cần thiết.
1. Bảo đảm thông tin
Hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam bao gồm cả vô tuyến mặt đất và vô tuyến vệ tinh; hệ thống các đài thông tin trực canh của Bộ đội Biên phòng ven biển, hệ thống rađa biển; hệ thống quan sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản; hệ thống thông tin tìm kiếm, cứu nạn hàng không; các hệ thống thông tin chuyên ngành, các loại hình thông tin khác của các tổ chức, cá nhân hoạt động trên biển.
2. Bảo đảm chi trả
Kinh phí thực hiện kế hoạch ứng phó cấp quốc gia về tai nạn tàu, thuyền trên biển thực hiện theo quy định tại các Điều 22, 23 , 24 của Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ về quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
VI. CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO
1. Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn lãnh đạo trực tiếp.
2. Thành lập Sở Chỉ huy phía trước khi có tình huống.
Căn cứ kế hoạch này, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương có trách nhiệm rà soát, thống kê thiết bị, phương tiện ứng phó tai nạn tai nạn tàu, thuyền trên biển thuộc bộ, ngành, địa phương mình quản lý, sử dụng, đồng thời tiến hành xây dựng kế hoạch ứng phó cấp mình và triển khai thực hiện có hiệu quả./.
- 1Công văn số 224-BHTT/90 sửa đổi, bổ sung quy tắc bảo hiểm vật chất trách nhiệm dân sự, tai nạn thuyền viên, tàu thuyền đánh cá do Bảo hiểm Việt Nam ban hành
- 2Công văn 61/UBQGTKCN-VP năm 2016 rút kinh nghiệm trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn do Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn ban hành
- 3Quyết định 1303/QĐ-TTg năm 2017 Quy chế làm việc của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Công điện 34/CĐ-TW năm 2020 về chủ động ứng phó với bão do Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ban hành
- 5Thông tư 05/2021/TT-BCA quy định về hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của lực lượng Công an nhân dân do Bộ Công an ban hành
- 6Quyết định 80/QĐ-UBQG về Kế hoạch công tác của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn năm 2021
- 7Quyết định 645/QĐ-TTg năm 2022 về Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Công văn số 224-BHTT/90 sửa đổi, bổ sung quy tắc bảo hiểm vật chất trách nhiệm dân sự, tai nạn thuyền viên, tàu thuyền đánh cá do Bảo hiểm Việt Nam ban hành
- 2Quyết định 06/2014/QĐ-TTg về Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 4Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015
- 5Công văn 61/UBQGTKCN-VP năm 2016 rút kinh nghiệm trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn do Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn ban hành
- 6Nghị định 30/2017/NĐ-CP quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
- 7Quyết định 1304/QĐ-TTg năm 2017 về Kế hoạch thực hiện Nghị định quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 1303/QĐ-TTg năm 2017 Quy chế làm việc của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Công điện 34/CĐ-TW năm 2020 về chủ động ứng phó với bão do Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ban hành
- 10Thông tư 05/2021/TT-BCA quy định về hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của lực lượng Công an nhân dân do Bộ Công an ban hành
- 11Quyết định 80/QĐ-UBQG về Kế hoạch công tác của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn năm 2021
- 12Quyết định 645/QĐ-TTg năm 2022 về Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 217/QĐ-UBQGƯPSCTT&TKCN năm 2020 Kế hoạch ứng phó cấp quốc gia về tai nạn tàu thuyền trên biển do Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành
- Số hiệu: 217/QĐ-UBQGƯPSCTT&TKCN
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 16/04/2020
- Nơi ban hành: Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
- Người ký: Trịnh Đình Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra