Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2148/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 14 tháng 11 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG NÔNG THÔN TỈNH HƯNG YÊN ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 24/1999/NĐ-CP ngày 16/4/1999 của Chính Phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng các cơ sở hạ tầng của các xã, trị trấn;

Căn cứ Quyết định số 184/2004/QĐ-TTg ngày 22/10/2004 của Thủ tướng Chính Phủ về việc sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để tiếp tục thực hiện các chương trình kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2006 - 2010;

Căn cứ Quyết định số 132/2001/QĐ-TTg ngày 07/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế tài chính thực hiện chương trình phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng làng nghề nông thôn;

Căn cứ Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn thời kỳ 2001-2010; căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVI;

Căn cứ Thông báo số 439/TB-TV ngày 07/8/2008 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ về đề án phát triển GTNT tỉnh Hưng Yên đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Giao thông Vận tải tại Tờ trình số 975/TTr-SGTVT ngày 05/11/2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh Hưng Yên đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 với những nội dung chính sau:

1. Mục đích của đề án: Làm cơ sở cho các ngành, UBND các huyện, thị xã, UBND các xã chỉ đạo và thực hiện xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển và quản lý giao thông nông thôn (dưới đây viết tắt là GTNT) hàng năm.

2. Mục tiêu phát triển GTNT:

Phát triển mạng lưới GTNT đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và khu vực; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Tập trung nguồn lực phấn đấu đạt và vượt Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra; đến năm 2010: "100% các tuyến đường xã, đường thôn và 50% đường ra đồng được rải vật liệu cứng ”.

Đồng thời tiếp tục nâng cấp rải nhựa hoặc BTXM các tuyến đường đã có nền đường ổn định; đến năm 2010: 65% đường xã, 60% đường thôn được rải nhựa hoặc BTXM.

Đến năm 2020: 100% đường thôn, xã được rải nhựa hoặc BTXM, 100% đường ra đồng được rải vật liệu cứng; quy mô đạt cấp đường quy hoạch.

3. Quy mô đầu tư:

* Giai đoạn năm 2008 - 2010:

+ Đường xã, liên xã: Mặt cắt ngang Bnền = 5,0m, Bm = 3,5m; kết cấu mặt đường rải nhựa hoặc BTXM đối với tuyến đường có nền, móng ổn định; rải cấp phối với những tuyến đường làm mới và nền móng chưa ổn định, đường đất.

+ Đường thôn: Mặt cắt ngang B nền = 4,0m, Bm = 3,0m; kết cấu mặt đường rải nhựa hoặc BTXM đối với những tuyến đường có nền móng ổn định; rải cấp phối với những tuyến đường làm mới và nền móng chưa ổn định, đường đất.

+ Đường ra đồng: Mặt cắt ngang Bnền = 5,0m, Bm = 3,5m; kết cấu mặt đường cấp phối.

* Giai đoạn 2011 - 2020:

Nâng cấp, mở rộng đạt quy mô mặt cắt ngang theo quy hoạch; trong đó: 100% các tuyến đường xã, đường thôn rải nhựa hoặc BTXM; 100% chiều dài đường ra đồng được rải cấp phối đảm bảo tải trọng của ô tô và máy kéo phục vụ nông nghiệp.

4. Khối lượng, kinh phí và nguồn vốn đầu tư:

* Giai đoạn năm 2008 - 2010:

+ Khối lượng:

- Đường xã: Nâng cấp 259,88km; trong đó: nâng cấp từ đường đất thành đường cấp phối 119,02km; nâng cấp từ đường cấp phối thành đường nhựa hoặc BTXM 140,86km;

- Đường thôn: Nâng cấp 426,23km, trong đó: nâng cấp từ đường đất thành đường cấp phối 218,8km, nâng cấp từ đường cấp phối thành đường nhựa hoặc BTXM 207,43km;

- Đường ra đồng: Nâng cấp cứng hóa 895,76km đất thành đường cấp phối;

- Cầu trên đường xã: Xây dựng mới và nâng cấp khoảng 300m cầu.

+ Cơ cấu nguồn vốn đầu tư:

- Đối với đường xã: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư; ngân sách huyện, xã và nhân dân đóng góp 50% kinh phí;

- Đối với đường thôn, đường ra đồng: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư; ngân sách huyện, xã và nhân dân đóng góp 70% kinh phí.

- Xây dựng cầu: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí xây lắp và chi phí khác; ngân sách xã và nhân dân đóng góp kinh phí GPMB.

Đối với xã nghèo tuỳ theo điều kiện cụ thể Ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ tỷ lệ cao hơn so với mức quy định trên.

+ Tổng kinh phí và nguồn vốn đầu tư (chưa tính kinh phí GPMB) ;

Loại đường

Kinh phí (tỷ đồng)

Tổng

NS tỉnh và chương trình mục tiêu TW

NS địa phương và nguồn thu khác

Đường xã

145,60

72,8

72,80

Đường thôn

193,54

58,06

135,48

Đường ra đồng

250,81

75,24

175,57

Cầu

13,0

13,0

0

Cộng

602,95

219,10

383,85

Tỷ lệ chung

36,3%

63,7%

* Giai đoạn 2011 - 2020:

Nâng cấp, mở rộng mặt đường cho 2361,72km đường các loại; nâng cấp và xây dựng mới khoảng 600m cầu;

Tổng kinh phí khoảng 1.780,03 tỷ đồng;

5. Phân cấp quản lý dự án đầu tư:

Căn cứ quy mô, tính chất của công trình; nguồn vốn đầu tư phân cấp quản lý đầu tư như sau:

- Đối với các Dự án đầu tư sử dụng kinh phí Trung ương đầu tư cho các chương trình mục tiêu, các dự án; tuỳ theo nguồn vốn, thực hiện theo quy định của dự án;

- Đối với các dự án đầu tư do UBND tỉnh quyết định đầu tư, giao cho Sở Giao thông vận tải hoặc UBND huyện làm chủ đầu tư, thực hiện đầu tư theo quy định về quản lý dự án đầu tư và xây dựng hiện hành.

- Đối với các dự án đầu tư sử dụng ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ trên 30% kinh phí: Căn cứ quy mô, tính chất công trình, UBND huyện quyết định giao cho Ban quản lý dự án trực thuộc UBND huyện hoặc UBND xã làm chủ đầu tư; thực hiện theo quy định về quản lý dự án đầu tư và xây dựng hiện hành.

- Đối với các dự án đầu tư sử dụng ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ dưới 30% kinh phí (hoặc có cơ chế riêng khi hỗ trợ > 30%); các dự án trong phạm vi thôn (đường thôn, xóm, đường ra đồng), kỹ thuật đơn giản, nguồn kinh phí do nhân dân trong thôn, xóm đóng góp là chủ yếu: UBND huyện chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thôn triển khai thực hiện theo hình thức xã, thôn tự tổ chức thực hiện dự án theo Nghị định 24/1999/NĐ-CP ngày 16/4/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã, thị trấn.

Khi thực hiện dự án đầu tư, các xã (hoặc thôn) phải thành lập Ban quản lý dự án và Ban giám sát công trình để quản lý đầu tư, giám sát đầu tư theo Nghị định 24/1999/NĐ-CP ngày 16/4/1999 của Chính phủ.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Giám đốc các sở, ngành và các địa phương để tổ chức triển khai thực hiện như sau:

1- Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Là cơ quan đầu mối tham mưu và khai thác các nguồn vốn cho phát triển GTNT;

- Hàng năm căn cứ vào nguồn ngân sách và các nguồn vốn khác chủ trì cùng Sở Tài chính tham mưu cho HĐND và UBND tỉnh bố trí kế hoạch vốn đầu tư cho GTNT từ các nguồn vốn;

2- Sở Tài chính:

- Tham mưu cho UBND tỉnh Ban hành cơ chế hỗ trợ và huy động vốn, thanh quyết toán vốn đầu tư;

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho HĐND và UBND tỉnh bố trí kế hoạch vốn đầu tư cho GTNT từ các nguồn vốn;

- Hướng dẫn các xã thanh quyết toán nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, huyện đối với các dự án do xã, thôn tự tổ chức thi công.

3- Sở Giao thông vận tải:

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị xã tổng hợp kế hoạch hàng năm;

- Quản lý nhà nước về chất lượng công trình; hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng quy định quản lý kỹ thuật chất lượng;

- Hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch hàng năm;

- Khai thác nguồn vốn đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia do Bộ Giao thông vận tải chủ trì;

- Tổ chức thiết kế mẫu, phê duyệt thiết kế mẫu đường giao thông nông thôn, làm căn cứ cho các địa phương triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh;

- Kiểm tra hướng dẫn và đôn đốc các địa phương tổ chức thực hiện, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện hàng năm, đề xuất các biện pháp, cơ chế chính sách thực hiện để khuyến khích các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án.

- Là Chủ đầu tư các dự án theo Quyết định của cấp có thẩm quyền.

- Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tổ chức tốt công tác quản lý quy hoạch.

4- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Khai thác nguồn vốn đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì;

- Là Chủ đầu tư các dự án theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

5- Sở Công thương:

- Khai thác nguồn vốn đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng thủ công nghiệp, làng nghề.

6- UBND các huyện, thị xã:

- Tổ chức thực hiện và chỉ đạo các xã, phường triển khai thực hiện tốt đề án phát triển GTNT; khai thác, huy động các nguồn vốn trên địa bàn mình để phát triển GTNT;

- Xây dựng kế hoạch và phê duyệt kế hoạch đầu tư đường GTNT, các dự án đầu tư theo thẩm quyền;

- Bố trí các nguồn vốn trên địa bàn cho các công trình nằm trong đề án;

- Là Chủ đầu tư các dự án đầu tư theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

- Chỉ đạo lồng ghép các chương trình, dự án với chương trình dự án phát triển GTNT để mỗi công trình sau khi đầu tư sẽ phát huy đồng bộ, mang lại hiệu quả kinh tế;

- Chỉ đạo các xã huy động nhân dân tham gia theo cơ chế đã được thông qua;

- Quản lý Nhà nước về chất lượng xây dựng công trình trong phạm vi địa phương mình.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các xã thực hiện công tác quản lý đầu tư xây dựng các công trình do xã, thôn làm chủ đầu tư.

- Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý, bảo trì và khai thác các hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn để phát huy hiệu quả vốn đầu tư.

- Chỉ đạo UBND các xã tổ chức tốt công tác quản lý quy hoạch.

7- UBND cấp xã:

- Lập kế hoạch đầu tư xây dựng mới và nâng cấp đường GTNT thuộc xã trình UBND cấp huyện phê duyệt;

- Xây dựng có cơ chế để huy động vốn của các tổ chức xã hội, các cơ quan, doanh nghiệp, cán bộ công nhân viên, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã;

- Chủ đầu tư các dự án đầu tư theo phân cấp; chủ động bố trí lồng ghép các nguồn vốn, để tập trung hoàn thành dứt điểm từng dự án; tổ chức huy động nhân dân tham gia lao động, đóng góp theo quy chế thống nhất của từng công trình;

- Quản lý, khai thác công trình do xã quản lý.

- Thành lập tổ chức chuyên trách thực hiện công tác bảo trì đường GTNT.

- Quản lý quy hoạch: Cắm mốc chỉ giới hành lang an toàn đường bộ, quản lý việc sử dụng đất trong hành lang an toàn đường bộ; quản lý, đầu tư theo quy hoạch.

8- Các Đoàn thể và Tổ chức chính trị xã hội:

Theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân hiểu rõ chủ trương của tỉnh về mục tiêu, cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện phát triển GTNT giai đoạn đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kho Bạc Nhà nước tỉnh; các Đoàn thể và Tổ chức chính trị - xã hội; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Quán

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2148/QĐ-UBND năm 2008 về phê duyệt Đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh Hưng Yên đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020

  • Số hiệu: 2148/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/11/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên
  • Người ký: Nguyễn Thanh Quán
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/11/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản