Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 212/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 04 tháng 02 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH RÀ SOÁT VĂN BẢN THUỘC LĨNH VỰC TƯ PHÁP DO HĐND VÀ UBND CÁC CẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI BAN HÀNH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân;

Căn cứ Quyết định số 2892/QĐ-BTP ngày 27/12/2007 của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch rà soát văn bản thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Công văn số 30/STP-VBPQ ngày 22/01/2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch rà soát văn bản thuộc lĩnh vực tư pháp do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi ban hành.

Điều 2. Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành có tham mưu ban hành văn bản liên quan đến lĩnh vực tư pháp và Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ rà soát được nêu tại Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Tư pháp, Tài chính; Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
-Như Điều 3;
-Văn phòng Chính phủ;
-Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
-TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
-CT, các PCT UBND tỉnh;
-Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh;
-Văn phòng HĐND tỉnh;
-VPUB: PVP(NC), TTCB và TTĐT;
-Lưu VT, NC

CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Huế

 

KẾ HOẠCH

RÀ SOÁT VĂN BẢN THUỘC LĨNH VỰC TƯ PHÁP DO HĐND VÀ UBND CÁC CẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI BAN HÀNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 212/QĐ-UBND ngày 04/02/2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi)

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI RÀ SOÁT

1. Đối tượng rà soát: Tổ chức rà soát toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cá biệt và các văn bản hành chính khác thuộc lĩnh vực tư pháp do HĐND và UBND các cấp trên địa bàn tỉnh ban hành, cụ thể là:

a) Rà soát văn bản quy phạm pháp luật: Nghị quyết của HĐND các cấp và Quyết định, chỉ thị của UBND các cấp.

b) Rà soát các văn bản khác: Các quyết định, chỉ thị cá biệt của UBND và Chủ tịch UBND; các công văn, thông báo, hướng dẫn ... về lĩnh vực tư pháp có chứa đựng quy phạm (nội dung bắt buộc phải thực hiện, mang tính cấm đoán, mệnh lệnh...).

2. Phạm vi rà soát:

- Rà soát toàn bộ văn bản nêu tại khoản 1 của Mục I này được ban hành từ năm 1989 đến tại thời điểm tổ chức việc rà soát.

- Lĩnh vực rà soát gồm: công tác soạn thảo, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; hành chính tư pháp (công chứng, chứng thực, hộ tịch, con nuôi, quốc tịch, lý lịch tư pháp); bổ trợ tư pháp (luật sư, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại); trợ giúp pháp lý; đăng ký giao dịch bảo đảm; hòa giải cơ sở và công tác tư pháp khác.

II. CÁCH THỨC TỔ CHỨC RÀ SOÁT

1. Triển khai rà soát:

a) Ở cấp tỉnh: các Sở, Ban, ngành có tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản liên quan đến lĩnh vực tư pháp căn cứ Kế hoạch này để triển khai rà soát; Sở Tư pháp là cơ quan chủ trì triển khai việc rà soát và tham mưu, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để báo cáo Bộ Tư pháp.

b) Ở cấp huyện: Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm ban hành công văn để chỉ đạo việc rà soát theo Kế hoạch này trên địa bàn (cấp huyện và xã), giao cơ quan tư pháp huyện chủ trì thực hiện và tổng hợp báo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tư pháp).

2. Tập hợp, phân loại văn bản:

- Cơ quan, đơn vị rà soát cần tập hợp toàn bộ văn bản do HĐND và UBND cấp mình ban hành hoặc do chính các cơ quan chuyên môn của UBND đó ban hành có liên quan đến lĩnh vực được nêu tại khoản 2 Mục I của Kế hoạch này.

- Sau khi thu thập xong văn bản phải tổ chức phân loại văn bản theo thể loại văn bản (văn bản quy phạm, văn bản cá biệt, văn bản hành chính thông thường...) và sắp xếp theo thứ tự thời gian đã ban hành.

3. Đối chiếu, so sánh văn bản:

- Đối chiếu, so sánh giữa các quy định trong văn bản đã tập hợp với các quy định hiện hành có hiệu lực pháp lý cao hơn để phát hiện ra văn bản nào hết hiệu lực; văn bản nào còn hiệu lực và phù hợp hoàn toàn; văn bản nào còn hiệu lực nhưng không còn phù hợp cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, bãi bỏ; những lĩnh vực nào cần phải ban hành văn bản mới để điều chỉnh (nếu phát hiện lĩnh vực đó chưa có văn bản điều chỉnh).

- Ngoài đối chiếu, so sánh với quy định hiện hành có hiệu lực pháp lý cao hơn, cần xem xét, đánh giá sự phù hợp của văn bản đã ban hành với tình hình thực tiễn của địa phương mình, nếu phát hiện văn bản đó không phù hợp, không khả thi thì thực hiện kiến nghị hoặc xử lý theo thẩm quyền (sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, bãi bỏ).

4. Tổng hợp kết quả rà soát:

Sau khi hoàn thành việc rà soát, cơ quan rà soát tổng hợp kết quả lại theo 05 yêu cầu sau:

a) Lập danh mục tổng các văn bản thuộc lĩnh vực tư pháp đã tập hợp rà soát (cần sắp xếp theo thể loại, thứ tự thời điểm ban hành ).

b) Lập danh mục văn bản còn hiệu lực và hoàn toàn phù hợp.

c) Lập danh mục văn bản hết hiệu lực (cần nêu rõ lý do hết hiệu lực: hết hiệu lực vì đã được quy định trong chính văn bản đó; được thay thế hoặc hủy bỏ bởi văn bản khác; không còn đối tượng điều chỉnh).

d) Lập danh mục văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, bãi bỏ (cần nêu rõ nội dung nào cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, bãi bỏ và lý do).

đ) Lập danh mục văn bản cần ban hành mới (những vấn đề nào cần điều chỉnh nhưng chưa có văn bản quy định).

5. Xử lý kết quả rà soát:

- Sau khi có kết quả chính thức của việc rà soát, cơ quan, đơn vị rà soát kiến nghị cho người, cấp có thẩm quyền tiến hành xử lý văn bản đã rà soát theo đúng quy định (ban hành văn bản để công bố văn bản còn hiệu lực; hết hiệu lực; văn bản cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, bãi bỏ; ban hành mới văn bản).

- Sở Tư pháp có trách nhiệm kiến nghị việc xử lý kết quả rà soát văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh và hướng dẫn về vấn đề xử lý văn bản cho các cơ quan ở cấp huyện và xã theo đề nghị của các cơ quan này.

6. Báo cáo kết quả rà soát:

a) Ở tỉnh: Sở Tư pháp là cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm tổng hợp toàn bộ kết quả rà soát trên địa bàn tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để báo cáo về Bộ Tư pháp.

b) Ở cấp huyện: UBND huyện, thành phố tổng hợp chung kết quả rà soát của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn và kết quả rà soát của HĐND và UBND cấp mình báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Tư pháp (gồm báo cáo và kèm theo 05 danh mục văn bản đã được nêu tại khoản 4 Mục II của Kế hoạch này).

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thời gian hoàn thành việc rà soát:

- Các huyện, thành phố có trách nhiệm khẩn trương tổ chức rà soát và hoàn thành báo cáo gửi Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Tư pháp trước ngày 30/5/2008.

- Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì rà soát ở cấp tỉnh và tổng hợp dự thảo báo cáo kết quả rà soát trên toàn tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 10/6/2008.

2. Kinh phí và nhân lực bố trí cho việc rà soát:

a) Ở cấp tỉnh: Về kinh phí rà soát, được bố trí từ nguồn ngân sách của tỉnh theo quy định tại Thông tư số 158/2007/TTLT-BTC-BTP ngày 28/12/2007 của liên Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn về quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ cho công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; về nhân lực, đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản của tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp để thực hiện việc rà soát.

b) Ở cấp huyện và cấp xã: UBND cấp huyện, cấp xã chỉ đạo việc bố trí kinh phí cho công tác rà soát của cấp mình theo quy định tại Thông tư số 158/2007/TTLT-BTC-BTP ngày 28/12/2007 của liên Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn về quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ cho công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và huy động lực lượng cộng tác viên hoặc cán bộ, công chức có năng lực để phối hợp với cơ quan tư pháp triển khai rà soát.

8. Trách nhiệm thực hiện:

a) Ở tỉnh:

- Đề nghị Văn phòng HĐND tỉnh hỗ trợ, phối hợp và cung cấp các văn bản, tài liệu của HĐND tỉnh có liên quan đến lĩnh vực rà soát.

- Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm phối hợp, cung cấp toàn bộ tài liệu, văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh có liên quan đến lĩnh vực rà soát.

- Sở Tư pháp chịu trách nhiệm chủ trì rà soát, đồng thời hướng dẫn, giải đáp các vấn đề liên quan đến việc rà soát cho các cơ quan trên địa bàn; xây dựng dự trù kinh phí rà soát chuyển Sở Tài chính thẩm tra theo đúng quy định.

- Sở Tài chính có trách nhiệm thẩm tra dự trù kinh phí rà soát ở cấp tỉnh do Sở Tư pháp lập, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Ngoài ra, để việc rà soát đạt kết quả, đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động phối hợp cùng với Sở Tư pháp và các cơ quan rà soát để đảm bảo việc rà soát đạt hiệu quả.

b) Ở cấp huyện: UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo triển khai việc rà soát trên địa bàn huyện và phối hợp với Thường trực HĐND cùng cấp để rà soát văn bản của HĐND, đồng thời chỉ đạo bố trí kinh phí để chi cho các hoạt động liên quan đến công tác rà soát.

Trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch này nếu có vấn đề gì chưa rõ, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ảnh về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tư pháp) để có hướng dẫn hoặc điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 212/QĐ-UBND năm 2008 về Kế hoạch rà soát văn bản thuộc lĩnh vực tư pháp do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi ban hành

  • Số hiệu: 212/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/02/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Nguyễn Xuân Huế
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản