Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2119/QĐ-UBND

Lạng Sơn, ngày 20 tháng 10 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN NÔNG TỈNH GIAI ĐOẠN 2021-2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về khuyến nông;

Căn cứ Thông tư số 75/2019/TT-BTC ngày 04 tháng 11 năm 2019 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động khuyến nông;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 159/TTr-SNN ngày 07 tháng 10 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Chương trình khuyến nông tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở: LĐTB&XH, TN&MT, CT;
- CPCVP UBND tỉnh, các phòng CM, Trung tâm TT-CB;
- Lưu: VT, KT(PVĐ).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lương Trọng Quỳnh

 

CHƯƠNG TRÌNH

KHUYẾN NÔNG TỈNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Quyết định số: 2119/QĐ-UBND ngày 20/10/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn

I. SỰ CẦN THIẾT, CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Sự cần thiết

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới với tổng diện tích đất tự nhiên 831.009 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp và đất lâm nghiệp là 687.152 ha, chiếm trên 82% diện tích đất tự nhiên. Dân số toàn tỉnh khoảng 782,8 nghìn người, trong đó dân số nông thôn 622,6 nghìn người chiếm 79,54% chủ yếu tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển khá toàn diện, sản lượng lương thực bình quân hàng năm đạt và duy trì mức trên 300 nghìn tấn/năm, thu nhập, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao và ổn định. Thành tựu đó có sự đóng góp tích cực của công tác khuyến nông, đặc biệt là thực hiện công tác chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.

Giai đoạn 2016-2020 các cơ quan chuyên môn đã xây dựng, triển khai được 20 mô hình khuyến nông chăn nuôi, trồng trọt; 17 mô hình thủy sản, hỗ trợ 142 lồng cá; tổ chức 38 lớp tập huấn kỹ thuật nâng cao năng lực cho đội ngũ khuyến nông các cấp; xây dựng 72 chuyên mục khuyến nông phát trên sóng truyền hình; xuất bản được 6.600 cuốn bản tin khuyến nông (nay chuyển Bản tin Nông nghiệp nông thôn) với tổng kinh phí ngân sách hỗ trợ 10 tỷ đồng. Các hoạt động khuyến nông đã bám sát chủ trương tái cơ cấu ngành, đẩy mạnh công tác ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn, khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Nhiều tiến bộ kỹ thuật, phương pháp sản xuất mới được chuyển giao, áp dụng vào sản xuất góp phần hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi. Vị trí ngành nông nghiệp ngày một khẳng định, các mặt hàng nông lâm sản đặc sản của tỉnh như: Na, Quýt, Hồng, Hồi, Rau... đã có thương hiệu và khẳng định vị trí trên thị trường. Chăn nuôi gia súc (vỗ béo trâu, bò thịt; cải tạo đàn bò) áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng. Hoạt động khuyến nông góp phần thúc đẩy thực hiện tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khuyến nông tỉnh còn nhiều hạn chế, cần khắc phục đó là: các dự án, chương trình, mô hình khuyến nông thực hiện giai đoạn trước chưa thực sự mang lại hiệu quả, số lượng mô hình hiệu quả được nhân rộng còn ít; đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến nông còn thiếu linh hoạt, yếu về chuyên môn, chậm đổi mới phương pháp cách làm, hoạt động chưa toàn diện, không bắt kịp yêu cầu thực tiễn sản xuất, huy động các nguồn giành cho khuyến nông thấp...

Để khắc phục những hạn chế trong công tác khuyến nông, kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, việc xây dựng, phê duyệt Chương trình khuyến nông giai đoạn 2021-2025 là cần thiết, là cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch, phân bổ kinh phí thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông hàng năm.

2. Căn cứ pháp lý

Căn cứ Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về khuyến nông;

Căn cứ Thông tư số 75/2019/TT-BTC ngày 04 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng BộTài chính quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động khuyến nông;

Căn cứ Quyết định số 3830/QĐ-BNN-KHCN ngày 02 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Chương trình khuyến nông Trung ương giai đoạn 2019-2021;

Căn cứ Quyết định số 1360/QĐ-BNN-KHCN ngày 24 tháng 4 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Chương trình khuyến nông Trung ương giai đoạn 2020-2025.

II. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu chung

- Nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.

- Nâng cao vai trò, năng lực của hệ thống khuyến nông và hoạt động khuyến nông, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông sản hàng hóa có năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; huy động các nguồn lực đầu tư và sự tham gia của các doanh nghiệp vào hoạt động khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ phát triển sản xuất lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp:

- Xây dựng 13 mô hình trồng trọt: là các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất các loại cây trồng chủ lực, thế mạnh địa phương thông qua tập huấn chuyển giao kỹ thuật, đánh giá chứng nhận sản xuất, xúc tiến, quảng bá, kết nối bao tiêu sản phẩm nâng cao giá trị hiệu quả kinh tế.

- Xây dựng 09 mô hình chăn nuôi cho các đối tượng là vật nuôi chủ lực, thế mạnh địa phương. Tập huấn chuyển giao công nghệ chăn nuôi theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, hữu cơ, xử lý chất thải trong chăn nuôi, phòng trừ bệnh, hỗ trợ con giống, vật tư (liều tinh, thức ăn hỗn hợp, thuốc thú y, vắc xin phòng bệnh, chế phẩm sinh học) cho người chăn nuôi.

- Xây dựng 05 mô hình nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa với 150 lồng, đối tượng nuôi là các loại cá truyền thống, cá đặc sản…nhằm chuyển đổi phương thức sản xuất, khai thác tối đa diện tích mặt nước sẵn có, nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản, tập huấn chuyển giao quy trình nuôi cá lồng cho người dân.

- Xây dựng 03 mô hình phát triển lâm nghiệp trồng thâm canh, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ keo lai, keo tai tượng sang rừng cung cấp gỗ lớn nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị và hướng tới quản lý rừng bền vững, bảo vệ môi trường; cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

b) Công tác đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền:

- Tổ chức đào tạo tập huấn 20 lớp nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho 700 lượt cán bộ khuyến nông, khuyến nông viên cơ sở, nông dân chủ chốt, thành viên HTX... đáp ứng nhiệm vụ khuyến nông cơ sở. Nội dung tập huấn: phương pháp khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng thực tiễn sản xuất.

- Tổ chức chương trình tuyên truyền khuyến nông phiên chợ tại 20 điểm chợ cụm, chợ trung tâm trên địa bàn các huyện để chuyển giao, tư vấn giải đáp những vướng mắc trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

III. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Chương trình khuyến nông lĩnh vực trồng trọt

Xây dựng các mô hình chuyển giao, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới gồm: quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; đánh giá chứng nhận chất lượng sản phẩm, cấp mã số vùng trồng; quy trình thâm canh tăng năng suất; quy trình quản lý cây trồng tổng hợp ICM, IPM; quy trình cải tạo các giống cây trồng mới... nhằm đưa vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân thông qua các mô hình dự án, liên kết hiệu quả theo chuỗi giá trị sản phẩm. Hướng đến phát triển ngành trồng trọt hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh trên thị trường, cụ thể:

1.1. Xây dựng mô hình phát triển sản xuất cây ăn quả hướng tập trung, an toàn, bền vững:

- Mục tiêu: xây dựng nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất các loại cây ăn quả chủ lực theo hướng hàng hóa, tập trung, thực hiện sản xuất theo hướng an toàn (GlobalGAP; VietGAP,…), áp dụng biện pháp kỹ thuật trong canh tác để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị.

- Thời gian thực hiện: từ năm 2022 đến năm 2025.

- Quy mô: 08 mô hình (02 mô hình/năm), quy mô 05 ha/mô hình. Đối tượng là các loại cây ăn quả: Na, cây có múi (cam, quýt, bưởi), hồng..

- Địa điểm: tại các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Bắc Sơn, Cao Lộc, Văn Lãng và Tràng Định.

- Nội dung hỗ trợ: hỗ trợ vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thiết bị theo định mức kinh tế kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá chứng nhận sản xuất, quảng bá xúc tiến thương mại, kết nối bao tiêu sản phẩm.

- Dự kiến kết quả: năng suất, sản lượng mô hình tăng từ 10-15% so với sản xuất đại trà; mẫu mã chất lượng quả được cải thiện, đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm. Chuyển giao quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; chuyển giao kỹ thuật tỉa cành tạo tán, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh hại cho 80-100 hộ dân.

- Dự kiến kinh phí thực hiện: 1.214,68 triệu đồng.

 1.2. Xây dựng mô hình phát triển sản xuất rau, củ an toàn nâng cao năng suất, chất lượng:

- Mục tiêu: nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm rau củ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; các biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp, kết hợp ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng có sử dụng hệ thống tưới phun mưa; kết nối bao tiêu sản phẩm, liên kết sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị tại các vùng sản xuất trọng điểm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

- Thời gian thực hiện: từ năm 2021 đến năm 2025.

- Quy mô: thực hiện 05 mô hình (01 mô hình/năm) với quy mô 02 ha/mô hình. Đối tượng: các loại cây rau đặc sản, rau bản địa, sản phẩm có thị trường đầu ra ổn định như: ớt, cải làn, cải ngồng, cải bao, khoai lang…

- Địa điểm thực hiện: thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc và huyện Lộc Bình.

- Nội dung hỗ trợ: hỗ trợ cây con giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thiết bị theo định mức kinh tế kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá chứng nhận sản xuất, quảng bá xúc tiến thương mại, kết nối bao tiêu sản phẩm. Ưu tiên hỗ trợ các HTX, THT sản xuất rau.

- Dự kiến kết quả: năng suất, sản lượng mô hình tăng từ 10-15% so với sản xuất đại trà; chất lượng rau, củ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm. Nông dân nắm vững quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh hại, duy trì và mở rộng diện tích, chuyển giao quy trình sản xuất cho 70 hộ dân trở lên.

- Dự kiến kinh phí thực hiện: 1.865,95 triệu đồng.

2. Chương trình khuyến nông chăn nuôi

Xây dựng các mô hình chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới; quy trình quản lý tiên tiến; mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh; mô hình liên kết trong chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm chăn nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nâng cao nhận thức của người chăn nuôi trong việc thực hiện vệ sinh thú y và phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, cụ thể gồm:

2.1. Xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi gia cầm, nuôi lợn theo hướng an toàn dịch bệnh: 

- Mục tiêu: xây dựng, nhân rộng các mô hình chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi lợn tái đàn theo hướng an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh áp dụng các quy trình tiên tiến, công nghệ đệm lót sinh học, kết hợp công trình khí sinh học đảm bảo an toàn dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi nông hộ và trang trại, gia trại theo quy hoạch, gắn với cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo chăn nuôi an toàn bền vững.

- Thời gian thực hiện: từ năm 2022 đến năm 2025.

- Quy mô: 04 mô hình (01 mô hình/năm), quy mô: gia cầm từ 2.000 - 4.000 con/mô hình; lợn từ 50-100con/mô hình.

- Địa điểm: các huyện thành phố trên địa bàn tỉnh, ưu tiên cơ sở chăn nuôi đáp ứng về cơ sở vật chất, chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh như HTX, THT.

- Nội dung hỗ trợ: hỗ trợ con giống, vật tư (thức ăn hỗn hợp, vắc xin phòng bệnh, chế phẩm sinh học) thiết bị theo định mức kinh tế kỹ thuật.

- Dự kiến kết quả: vật nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, khỏe mạnh, sản lượng tăng, chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chất thải chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại được xử lý tạo nguồn phân bón hữu cơ chất lượng phục vụ ngành trồng trọt. Mô hình là nơi các hộ chăn nuôi trong tỉnh đến thăm quan, học tập kinh nghiệm, từng bước áp dụng cơ giới hóa, tiến tới chăn nuôi hữu cơ, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm trong chăn nuôi.

- Dự kiến kinh phí thực hiện: 1.983,76 triệu đồng.

2.2. Xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò,..) theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng:

- Mục tiêu: chuyển giao các quy trình kỹ thuật chăn nuôi đại gia súc, ưu tiên hoạt động cải tạo giống bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo với con giống có năng suất chất lượng cao, quy trình nuôi vỗ béo kết hợp trồng cỏ, sử dụng thức ăn hỗn hợp, phụ phẩm nông nghiệp sẵn có, hình thức chăn nuôi bán chăn thả và thâm canh theo hướng công nghiệp nhằm khắc phục hiện tượng thiếu diện tích chăn thả, hiện tượng cận huyết, nâng cao tầm vóc thể trạng đàn trâu, bò, đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

- Quy mô: 05 mô hình (01 mô hình/năm), trong đó: 03 mô hình cải tạo đàn giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, 02 mô hình vỗ béo trâu, bò; quy mô từ 120-200 con/ mô hình.

- Địa điểm: tại các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan và Chi Lăng.

- Thời gian thực hiện: từ năm 2021 đến năm 2025.

- Nội dung hỗ trợ: hỗ trợ vật tư (thức ăn hỗn hợp, thuốc thú y), liều tinh, thiết bị bảo quản tinh, súng bắn tinh, ống gen, găng tay…

- Dự kiến kết quả: tỷ lệ phối giống thành công đạt 60-70%, vỗ béo tăng trọng bình quân đạt 700 gam/con/ngày.

- Dự kiến kinh phí thực hiện: 3.379,10 triệu đồng.

3. Chương trình khuyến nông thủy sản

- Mục tiêu: ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng, khai thác nhằm tăng năng suất, sản lượng, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh về diện tích mặt nước, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi lồng, nuôi ao thâm canh một số đối tượng thủy sản truyền thống, đặc sản theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, VietGAP, liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu bảo vệ môi trường sinh thái.

- Thời gian thực hiện: từ năm 2021 – 2025.

- Quy mô: 05 mô hình (01 mô hình/năm), với 150 lồng cá (30 lồng/năm). Đối tượng nuôi: cá trắm, cá chép, cá lăng, cá nheo, cá rô phi, cá tầm…

- Địa điểm: tại các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Văn Lãng và Tràng Định. Ưu tiên hỗ trợ HTX, THT nuôi trồng thủy sản, cư dân sinh sống hai bên bờ sông, hồ chứa nhằm khai thác tối ưu diện tích mặt nước.

- Nội dung hỗ trợ: hỗ trợ con giống, vật tư (thức ăn hỗn hợp, thuốc phòng bệnh, chế phẩm sinh học), thiết bị theo định mức kinh tế kỹ thuật.

- Dự kiến kết quả: năng suất cá đạt 10-12kg/m3, tỷ lệ nuôi sống đạt ≥ 80%, chủ động trong công tác quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

- Dự kiến kinh phí thực hiện: 2.832,75 triệu đồng.

4. Chương trình khuyến nông Lâm nghiệp

- Mục tiêu: ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình kỹ thuật và sản xuất kinh doanh để phát triển và quản lý rừng bền vững theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng rừng, thúc đẩy trồng rừng bền vững nâng cao giá trị sản phẩm. Xây dựng mô hình phát triển trồng rừng gỗ lớn, thâm canh tập trung nhằm nâng cao năng suất, sản lượng gỗ lớn làm nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến ván nhân tạo, đa dạng hóa các sản phẩm từ công nghiệp chế biến lâm sản, góp phần nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.

- Thời gian thực hiện: từ năm 2023 đến năm 2025.

- Quy mô: 03 mô hình (01 mô hình/năm) trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang từng trồng gỗ lớn đối với loài cây Keo lai và Keo tai tượng, quy mô 30 ha/mô hình.

- Địa điểm: tại các huyện Hữu Lũng, Đình Lập và Chi Lăng.

- Nội dung hỗ trợ: hỗ trợ vật tư phân bón theo định mức kinh tế kỹ thuật tại Quyết định số 2962/QĐ-BNN-TCLN ngày 30/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn đối với loài cây Keo lai và Keo tai tượng, kết nối, liên kết tiêu thụ.

- Dự kiến kết quả: phát triển vùng cây gỗ lớn, nâng cao tỷ lệ gỗ sẻ, giá trị đạt 120-150 triệu đồng/ha, cao gấp 3-4 lần giá trị rừng gỗ nhỏ.

- Dự kiến kinh phí thực hiện: 612,48 triệu đồng.

5. Chương trình tập huấn, đào tạo huấn luyện, thông tin tuyên truyền

5.1. Chương trình tập huấn, đào tạo, huấn luyện:

- Mục tiêu: tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông và các đối tượng theo quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 5, Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về Khuyến nông đáp ứng nhu cầu công tác khuyến nông địa bàn.

- Nội dung: tập trung vào phương pháp khuyến nông và các quy trình kỹ thuật cây trồng, vật nuôi theo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP tại các vùng chuyên canh, vùng sản xuất trọng điểm theo nhu cầu của Nhân dân để ứng dụng thực hiện nâng cao năng suất, chất lượng, cải thiện mẫu mã sản phẩm. Tuyên truyền về các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân để người sản xuất được tiếp cận nhanh, hiệu quả. Tư vấn, giải đáp những thắc mắc về khoa học kỹ thuật trong các lĩnh vực nông nghiệp cho bà con nông dân.

- Thời gian thực hiện: từ năm 2021 - 2025.

- Quy mô: 20 lớp, 04 lớp/năm, 35 người/lớp (trong đó: 02 lớp nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ khuyến nông, khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông; 02 lớp tập huấn kỹ thuật theo nhu cầu cho nông dân).

 - Dự kiến kinh phí thực hiện: 465,90 triệu đồng.

5.2. Chương trình thông tin tuyên truyền:

Chương trình thông tin tuyên truyền (khuyến nông phiên chợ): thực hiện 20 cuộc (04 cuộc/năm) tại các điểm chợ cụm bằng hình thức thành lập các tổ tư vấn kỹ thuật kết hợp trưng bày các gian hàng của các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Thời gian thực hiện: từ năm 2021 - 2025.

- Nội dung thực hiện hoạt động tư vấn khoa học kỹ thuật, giải đáp những vướng mắc trong hoạt động sản xuất; kết nối cung ứng dịch vụ về cây trồng vật nuôi; tiếp nhận thông tin phản hồi từ thực tế sản xuất.

- Dự kiến kết quả: tư vấn, kết nối tiếp cận dịch vụ, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất cho 250-300 người/cuộc.

- Dự kiến kinh phí thực hiện: 587,15 triệu đồng.

IV. DỰ KIẾN KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Tổng kinh phí thực Chương trình: 12.941,77 triệu đồng, trong đó:

- Năm 2021: 1.826,17 triệu đồng;

- Năm 2022: 2.625,78 triệu đồng;

- Năm 2023: 2.829,94 triệu đồng;

- Năm 2024: 2.829,94 triệu đồng;

- Năm 2025: 2.829,94 triệu đồng;

(Chi tiết các nội dung tại Biểu kèm theo).

2. Nguồn kinh phí: ngân sách địa phương hằng năm, nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn Trung ương hỗ trợ và nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định.

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Hoàn thiện cơ chế chính sách và quản lý của hệ thống khuyến nông

Xây dựng, ban hành quy định nội dung chi, mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn theo Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về khuyến nông; Thông tư số 75/2019/TT-BTC ngày 04/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động khuyến nông.

Lồng ghép các hoạt động khuyến nông với việc triển khai các chương trình, chính sách xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, phát triển sinh kế vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.

2. Đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động để nâng cao hiệu quả và phương pháp hoạt động khuyến nông

Bám sát mục tiêu, chương trình hành động của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, của tỉnh, của ngành nông nghiệp hàng năm; đặc biệt là các chương trình xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; đào tạo nghề cho nông dân... để tổ chức triển khai có hiệu quả công tác khuyến nông nhằm phát triển các ngành hàng có lợi thế, đồng thời nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả và khả năng cạnh tranh các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Thực hiện rà soát, cập nhật, chọn lọc các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, mô hình sản xuất thiết thực, phù hợp với điều kiện địa phương để triển khai áp dụng trên diện rộng nhằm phát triển ngành nông nghiệp một cách bền vững, có hiệu quả về kinh tế và xã hội, tránh dàn trải, lãng phí.

Đẩy mạnh áp dụng các phương pháp tiếp cận tiên tiến, có sự tham gia của người dân, nhất là phương pháp lớp học hiện trường (FFS); phương pháp giảng dạy lấy học viên làm trung tâm (LCTM)... vào hoạt động khuyến nông để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của các hoạt động.

3. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến nông các cấp

Tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác khuyến nông các cấp. Trong đó, ưu tiên cho việc đào tạo cán bộ khuyến nông huyện và xã.

Chú trọng nâng cao kỹ năng thực hành, kiến thức thực tế, tinh thần, trách nhiệm và thái độ phục vụ, đồng thời nâng cao kỹ năng giao tiếp, truyền đạt, tổ chức hội thảo, xây dựng mô hình và đánh giá các hoạt động khuyến nông.

4. Huy động tối đa các nguồn lực, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến nông

Tranh thủ các nguồn lực thực hiện chương trình khuyến nông thông qua liên kết với các Viện, Trường, các Trung tâm nghiên cứu, các đơn vị kỹ thuật trong ngành để tiếp nhận nhanh các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới phục vụ sản xuất.

Sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, vốn nghiên cứu khoa học và các nguồn vốn liên kết khác từ các dự án, các doanh nghiệp nông nghiệp để tăng cường và đa dạng hóa, xã hội hóa công tác khuyến nông, đưa tiến bộ kỹ thuật và khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Tích cực triển khai các giải pháp huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác khuyến nông, thông qua việc đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các tổ chức xã hội tham gia... nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và tinh thần, trách nhiệm trong công tác khuyến nông.

5. Đẩy mạnh việc các hình thức liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm

Đẩy nhanh việc hình thành và đổi mới hình thức hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, câu lạc bộ khuyến nông, tổ hợp tác theo hình thức dịch vụ trọn gói từ cung ứng các dịch vụ đầu vào đến tìm đầu ra cho sản phẩm xứng đáng là đầu mối đại diện cho nông dân trong mối liên kết “bốn nhà” trong sản xuất nông nghiệp.

Khuyến khích các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, cánh đồng lớn... để tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn việc thực hiện các nội dung của chương trình; tham mưu đề xuất giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả triển khai thực hiện.

- Hằng năm căn cứ vào Chương trình khuyến nông tỉnh giai đoạn 2021-2025 được duyệt, hướng dẫn Trung tâm Khuyến nông xây kế hoạch, dự toán kinh phí trình Sở Tài chính thẩm định làm cơ sở phê duyệt để triển khai thực hiện.

- Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt kế hoạch, chương trình khuyến nông tỉnh hàng năm (trong giai đoạn 2021-2025) theo quy định tại khoản 2, Điều 36, Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh bố trí ngân sách địa phương hàng năm, nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trung ương hỗ trợ để thực hiện Chương trình.

3. Sở Khoa học và Công nghệ: ưu tiên thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật để thực hiện Chương trình; đề xuất các giải pháp khoa học và công nghệ tiên tiến để thực hiện Chương trình.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc triển khai thực hiện các dự án tại địa phương; tổ chức tuyên truyền, chỉ đạo, chuyển giao, nhân rộng các mô hình thành công vào sản xuất đại trà./.

 

BIỂU TỔNG HỢP DỰ TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN NÔNG GIAI ĐOẠN 2021-2025

(Kèm theo Quyết định số: 2119/QĐ-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2020 của Chủ tịch UBND tỉnh)

Số TT

Nội dung chi

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Tổng cộng

Ghi chú

A

B

1

2

3

4

5

6

 

TỔNG CỘNG

1.826,17

2.625,78

2.829,94

2.829,94

2.829,94

12.941,77

 

1

Chương trình khuyến nông lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp

1.615,56

2.415,17

2.619,33

2.619,33

2.619,33

11.888,72

 

1.1

Xây dựng mô hình khuyến nông trồng trọt

373,19

676,86

676,86

676,86

676,86

3.080,63

 

-

Xây dựng mô hình phát triển sản xuất cây ăn quả hướng tập trung, an toàn, bền vững

 

303,67

303,67

303,67

303,67

1.214,68

 

-

Xây dựng mô hình phát triển sản xuất rau, củ an toàn
 nâng cao năng suất, chất lượng

373,19

373,19

373,19

373,19

373,19

1.865,95

 

1.2

Xây dựng mô hình chương trình khuyến nông chăn nuôi

675,82

1.171,76

1.171,76

1.171,76

1.171,76

5.362,86

 

-

Xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi gà, chăn nuôi lợn thịt theo hướng an toàn dịch bệnh

 

495,94

495,94

495,94

495,94

1.983,76

 

-

Xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng thâm canh (cải tạo giống bằng thụ tinh nhân tạo, vỗ béo)

675,82

675,82

675,82

675,82

675,82

3.379,10

 

1.3

Xây dựng mô hình chương trình khuyến nông thủy sản

566,55

566,55

566,55

566,55

566,55

2.832,75

 

-

Xây dựng mô hình nuôi cá lồng

566,55

566,55

566,55

566,55

566,55

2.832,75

 

1.4

Xây dựng mô hình chương trình khuyến nông Lâm nghiệp

 

 

204,16

204,16

204,16

612,48

 

-

Xây dựng mô hình phát triển trồng rừng gỗ lớn

 

 

204,16

204,16

204,16

612,48

 

2

Chương trình tập huấn, đào tạo huấn luyện, thông tin tuyên truyền

210,61

210,61

210,61

210,61

210,61

1.053,05

 

-

Tập huấn

93,18

93,18

93,18

93,18

93,18

465,90

 

-

Thông tin tuyên truyền (khuyến nông phiên chợ)

117,43

117,43

117,43

117,43

117,43

587,15

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2119/QĐ-UBND năm 2020 phê duyệt Chương trình khuyến nông tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 2119/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/10/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Lương Trọng Quỳnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/10/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản