Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2113/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 27 tháng 11 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2013 - 2015 CỦA TỈNH BẮC KẠN THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ DINH DƯỠNG GIAI ĐOẠN 2011-2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Thực hiện Quyết định số: 226/QĐ-TTg ngày 22/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số: 1093/TTr-SYT ngày 25/10/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động giai đoạn 2013 - 2015 của tỉnh Bắc Kạn thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Triệu Đức Lân

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

GIAI ĐOẠN 2013 - 2015 CỦA TỈNH BẮC KẠN THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ DINH DƯỠNG GIAI ĐOẠN 2011-2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2113/QĐ-UBND ngày 27/11/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

Thực hiện Quyết định số: 226/QĐ-TTg ngày 22/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch hành động giai đoạn 2013 - 2015 thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 như sau:

Phần I

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ DINH DƯỠNG GIAI ĐOẠN 2001-2010

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CHUNG

Bắc Kạn là tỉnh nằm ở vùng Đông Bắc gồm 08 huyện, thị xã và 122 xã, phường, thị trấn; 1.421 thôn bản, diện tích tự nhiên 4.868,41km2; dân số 305.000 người; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hằng năm 0,9‰, gồm 07 dân tộc chính là Tày, Nùng, Kinh, Dao, H'Mông, Sán Chay, Hoa. Dân số nông thôn chiếm tỷ lệ 83,8%. Mật độ dân số 63 người/km2 nhưng phân bố không đồng đều giữa các địa phương. Sau 16 năm tái lập, kinh tế - xã hội của tỉnh đã phát triển hơn rất nhiều nhưng nhìn chung, quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé; nguồn lực cho sự phát triển vẫn chủ yếu dựa vào Trung ương; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu cho phát triển; các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực con người chưa đáp ứng cho cả trước mắt và lâu dài; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống của một bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn (thu nhập bình quân đầu người năm 2012 mới đạt hơn 17 triệu đồng trong khi cả nước đạt gần 32 triệu đồng).

Thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng (sau đây gọi tắt là CLQGDD) giai đoạn 2001 - 2010, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Chiến lược. CLQGDD giai đoạn 2001 - 2010 tập trung vào các hoạt động: Giáo dục truyền thông về dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ có con dưới 05 tuổi; thực hành, tư vấn, cung cấp sản phẩm dinh dưỡng, bổ sung kiến thức chăm sóc sức khoẻ bà mẹ có thai, cho con bú; dinh dưỡng hợp lý trong bữa ăn đảm bảo đủ lượng và chất cho trẻ; tổ chức cho trẻ từ 06 - 60 tháng tuổi mỗi năm 02 lần uống bổ sung Vitamin A và tẩy giun cho trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi.

Tất cả các hoạt động trên đã góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) của trẻ em trên địa bàn, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 05 tuổi thể cân nặng theo tuổi giảm từ 43,3% năm 2000 xuống còn 25,4% năm 2010; toàn tỉnh đã thanh toán cơ bản các rối loạn do thiếu iốt, tỷ lệ bướu cổ trẻ em là 3,11%; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 01 tuổi luôn đạt >95%; công tác đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm từng bước được nâng cao.

II. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Kết quả thực hiện các mục tiêu

Đến năm 2010, tình trạng SDD tại tỉnh Bắc Kạn đã được cải thiện rõ rệt ở các gia đình, nhất là gia đình có đối tượng là trẻ em và bà mẹ đã được nuôi dưỡng, chăm sóc hợp lý. Bữa ăn của người dân đủ hơn về số lượng, cải thiện hơn về chất lượng, đảm bảo hơn về vệ sinh. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 05 tuổi giảm, nhưng chưa đạt chỉ tiêu đã đề ra, vẫn còn ở mức cao hơn so với bình quân của cả nước. Còn lại các chỉ tiêu khác về dinh dưỡng đều đạt và vượt.

Bảng 1: Kết quả một số chỉ số dinh dưỡng của tỉnh Bắc Kạn so với cả nước

TT

Chỉ số

2000

2010

Đánh giá

Tỉnh Bắc Kạn

Bình quân toàn quốc

Chỉ tiêu

Thực hiện

1

Tỷ lệ trẻ em <5 tuổi bị SDD thể nhẹ cân (%)

40,4

<20%

25,4

17,5

Không đạt

2

Tỷ lệ trẻ em <5 tuổi bị SDD thể thấp còi (%)

43,3

-

34,5

31

Không giao chỉ tiêu

3

Tỷ lệ trẻ từ 06-60 tháng tuổi được uống Vitamin A (%)

-

99

99,97

99

Vượt chỉ tiêu

4

Tỷ lệ phụ nữ sau đẻ trong vòng 01 tháng được uống Vitamin A (%)

-

80

87,2

80

Vượt chỉ tiêu

5

Tỷ lệ phụ nữ có thai được uống viên sắt/A xitfolic (%)

-

100

100

100

Đạt chỉ tiêu

6

Tỷ lệ dân số được sử dụng muối iốt (%)

100

100

100

100

Đạt mục tiêu

2. Tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi so với toàn quốc (Phụ lục 01)

3. Kết quả thực hiện các giải pháp

3.1. Công tác chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành:

- Kế hoạch CLQGDD giai đoạn 2001-2005, 2001-2010 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Kế hoạch số: 36/KH-UB ngày 15 tháng 5 năm 2002. Tỷ lệ giảm SDD ở trẻ em được đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh. Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đưa chỉ tiêu giảm tỷ lệ SDD trẻ dưới 05 tuổi đến năm 2010 là 20%.

- Thành lập Ban Chỉ đạo CLQGDD của tỉnh, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, 100% các huyện, xã thành lập Ban Chăm sóc sức khỏe ban đầu. Ban Chỉ đạo được kiện toàn thường xuyên khi có sự thay đổi về nhân sự.

- Các địa phương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, đề ra các mục tiêu, giải pháp tổ chức thực hiện kế hoạch, giám sát hoạt động theo từng năm, từng giai đoạn.

- Ban Chỉ đạo CLQGDD của tỉnh đã chỉ đạo sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí cho công tác phòng chống SDD; phối hợp chặt chẽ và định kỳ báo cáo kết quả hoạt động với Ban Chỉ đạo CLQGDD Trung ương.

- Công tác phối hợp liên ngành được triển khai, thực hiện có hiệu quả trong các cấp từ tỉnh, huyện, xã, với sự tham gia tích cực hiệu quả của các Ngành, đoàn thể: Ngành Y tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Ngành Giáo dục và Đào tạo, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội…

- Duy trì, củng cố hệ thống mạng lưới triển khai cho các tuyến, tới tận thôn bản vùng sâu, vùng xa; đến nay 100% các thôn bản đều có nhân viên y tế và đồng thời là cộng tác viên dinh dưỡng.

3.2. Truyền thông, vận động chuyển đổi hành vi:

a) Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phối hợp tổ chức hoạt động thông tin tuyên truyền sâu rộng với nhiều nội dung, hình thức phong phú, hấp dẫn tới tận người dân các thôn bản vùng sâu, vùng xa; vận động toàn dân tích cực tham gia vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng như tổ chức hội thi, xây dựng mô hình điểm về dinh dưỡng và nhân ra diện rộng.

b) Từ năm 2002 đến năm 2009, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe phối hợp tuyên truyền Trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, kết quả cụ thể như sau:

- Trên sóng truyền hình:

+ Xây dựng và phát tin, phóng sự phản ánh, phóng sự khoa giáo: 82 tin hoạt động, 50 lượt phóng sự phản ánh và phóng sự khoa giáo (Riêng CLQGDD: 25 tin hoạt động, 25 lượt phóng sự).

+ Xây dựng và phát thông điệp: hơn 900 lượt thông điệp về Ngày Vi chất dinh dưỡng 1/6, Tuần lễ Dinh dưỡng phát triển, Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ (Riêng CLQG DD hơn 700 lượt thông điệp).

- Trên sóng phát thanh: Xây dựng 48 tin, 40 bài, phóng sự (Riêng CLQG DD: 20 tin, 16 bài, phóng sự).

- Trên Báo Bắc Kạn: Xây dựng 40 tin, 42 bài, 30 ảnh (Riêng CLQGDD: 10 tin, 20 bài, phóng sự, 12 ảnh ).

- Trên Bản tin Y dược học Bắc Kạn: 40 tin, 50 bài, 60 ảnh (Riêng CLQGDD: 15 tin, 18 bài, 20 ảnh ).

- Phát triển tài liệu truyền thông: In sao 150 đĩa VCD, CD thông điệp Ngày Vi chất dinh dưỡng 01/6, Tuần lễ Dinh dưỡng phát triển, Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ gửi cho các đơn vị trong ngành, Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Kạn (Riêng CLQGDD: 120 đĩa CD, VCD thông điệp).

- Sản xuất các vật liệu truyền thông phù hợp với địa phương như: Pa nô, tranh lật, sách chế biến thức ăn bổ sung, bộ dụng cụ thực hành dinh dưỡng, sổ tay truyền thông phòng chống SDD, mười lời khuyên dinh dưỡng hợp lý giai đoạn 2006-2010.

c) Nâng cao chất lượng triển khai chương trình:

- Trung tâm CSSKSS, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt giám sát hỗ trợ, giúp đỡ cho cơ sở nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, năng lực quản lý, điều hành hoạt động của mạng lưới;

- Thành lập và duy trì hoạt động câu lạc bộ phòng chống SDD tại 05 xã; xây dựng mô hình sữa đậu nành cho trường Mầm non: năm 2002 triển khai 02 mô hình, đến năm 2008 nhân rộng ra 14 trường, hướng dẫn tuyên truyền, giúp các trường học có thêm kiến thức và điều kiện góp phần giảm tỷ lệ SDD cho trẻ.

3.3. Xây dựng mạng lưới và chất lượng cung cấp dịch vụ:

a) Xây dựng mạng lưới:

- Cán bộ làm công tác dinh dưỡng được kiện toàn, đến nay tất cả các huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn đều có chuyên trách dinh dưỡng; tất cả các thôn, bản đều có cộng tác viên dinh dưỡng. Hàng năm đều tổ chức tập huấn về quản lý, triển khai các hoạt động và kiến thức chuyên môn cho cán bộ làm công tác dinh dưỡng;

- Các cán bộ chuyên trách phòng chống SDD tuyến huyện, xã và cộng tác viên dinh dưỡng đều được tham gia các lớp tập huấn để cập nhật kiến thức, truyền thông và thực hành về phòng chống SDD trẻ em.

b) Chất lượng cung cấp dịch vụ:

- Cân đo theo dõi tăng trưởng cho trẻ từ 0 - 24 tháng tuổi, trẻ <60 tháng tuổi và trẻ dưới 05 tuổi SDD được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, luôn đạt chỉ tiêu kế hoạch giao >95 %.

- Hoạt động phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng:

+ Chương trình phòng chống thiếu máu do sắt đã được triển khai trong tỉnh với hoạt động bổ sung viên sắt/axit folic cho phụ nữ có thai triển khai từ năm 2001-2006 do Viện dinh dưỡng cấp viên sắt đã góp phần làm giảm tỷ lệ thiếu máu do thiếu sắt ở phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ.

+ Hoạt động cho bà mẹ sau khi sinh uống vitamin A được duy trì, tỷ lệ bà mẹ sau khi sinh được uống vitamin A tăng dần từ 85,9 % năm 2001 đến năm 2010 đạt 87,22%.

- Tẩy giun và uống vitamin A cho trẻ em:

+ Uống Vitamin A kết hợp tẩy giun 02 đợt/năm cho trẻ 24 đến 60 tháng đã tạo thành nề nếp. Các bà mẹ đã nhận thức được tầm quan trọng của việc uống vitamin A và tẩy giun nên tỷ lệ cho trẻ uống vitamin A hai lần trong năm luôn duy trì ở tỷ lệ cao trên 99%; trong 10 năm qua chưa phát hiện trẻ em bị quáng gà (mức độ nhẹ nhất của thiếu vitamin A) do thiếu Vitamin A.

+ Tẩy giun cho học sinh tiểu học 01 lần/năm đạt tỷ lệ 100% .

- Phòng chống các rối loạn do thiếu iốt đã được triển khai rộng rãi trong toàn dân, tỷ lệ sử dụng muối iốt tại các hộ trong tỉnh đạt 100%. Hoạt động phòng chống thiếu iốt đã được xã hội hóa cao được các Ban, Ngành đoàn thể và đông đảo nhân dân hưởng ứng, hoạt động giám sát chất lượng muối được duy trì thường xuyên, giám sát đã nâng cao chất lượng muối iốt đáp ứng nhu cầu của nhân dân;         - Đảm bảo chất lượng Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP):

+ Hàng năm UBND tỉnh có chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm VSATTP, huy động các Sở, Ban, Ngành, UBND các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia các hoạt động nhằm bảo đảm VSATTP từ “Trang trại đến bàn ăn”. Công tác kiểm tra VSATTP trên địa bàn toàn tỉnh đã được tăng cường, hàng năm tổ chức nhiều đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành kiểm tra tình hình sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, điều kiện vệ sinh, an toàn của các cơ sở thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh;

+ Tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phổ biến kiến thức VSATTP cho đông đảo quần chúng nhân dân trong tỉnh. Vì vậy đã hạn chế rất nhiều thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng lưu hành trên thị trường. Kiến thức lựa chọn, chế biến thực phẩm an toàn của người dân được nâng cao;

+ Số lượt cơ sở dịch vụ được kiểm tra luôn luôn tăng do công tác kiểm tra được tăng cường. Tỷ lệ các cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh có nhiều chuyển biến; tình hình ô nhiễm thực phẩm qua kiểm nghiệm vi sinh, hóa lý đã có nhiều chuyển biến so với những năm trước năm 2000, tuy nhiên để có kết quả thực sự bền vững, những năm tới cần tăng cường số mẫu giám sát;

+ Kết quả các hoạt động VSATTP trên đã góp phần quan trọng vào đảm bảo chất lượng dinh dưỡng của thực phẩm.

- Đảm bảo an ninh lương thực: Trong những năm gần đây sản xuất lương thực thực phẩm của tỉnh đều đạt kết quả khá, và liên tục tăng qua các năm: từng bước chủ động về lương thực, lương thực bình quân đầu người năm 2008 đạt 490kg.

3.4. Thực hiện chế độ chính sách:

Thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo: Ủy ban nhân dân tỉnh đã tích cực chỉ đạo thực hiện dự án hỗ trợ các hộ nghèo như vay vốn ưu đãi, hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ điều kiện sản xuất hỗ trợ nhà ở, đào tạo cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo. Các chương trình 134, 135 và chương trình xóa đói giảm nghèo khác đã góp phần giúp đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Kinh phí thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo năm sau luôn cao hơn năm trước. Giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ giảm hộ nghèo toàn tỉnh bình quân từ 7,5 - 8% mỗi năm, từ 50,87% năm 2006 xuống còn 17,6% năm 2010. Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn giai đoạn 2011-2015) là 20,59%; năm 2013 còn 15,59%.

4. Đầu tư kinh phí và sử dụng kinh phí (triệu đồng)

Bảng 02: Đầu tư và sử dụng kinh phí từ 2007 - 2010

TT

Nguồn kinh phí

2007

2008

2009

2010

Cộng

1

Nguồn kinh phí CTMTQG

1.000

1.050

1.093

1.318

4.461

2

Nguồn kinh phí địa phương

0

0

0

0

0

3

Nguồn khác

0

0

0

0

0

4

Chương trình ATVSTP

515

585

854

1.504

3.458

 

Cộng

1.515

1.630

1.947

2.822

7.919

5. Xã hội hóa, phối hợp liên ngành

- Hàng năm, Ngành Y tế phối hợp với các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức các hội thi “Chế biến bữa ăn dinh dưỡng hợp lý, hưởng ứng tuần lễ dinh dưỡng và phát triển”, “Bữa ăn dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo an toàn thực phẩm”, ngày phòng chống Bướu cổ và các rối loạn do thiếu iốt (02/11).v.v… nhằm nâng cao sự hiểu biết về dinh dưỡng hợp lý và chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân, góp phần vào việc đảm bảo sức khỏe trong cộng đồng.

- Ngành Y tế phối hợp với Ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện chuyên đề “Giáo dục dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm” với nội dung lồng ghép giáo dục dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm trong chương trình chăm sóc giáo dục trẻ, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên về các chủ đề: Kiến thức về dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, 10 lời khuyên về công tác chăm sóc trẻ, phòng, chống SDD, phòng, chống các bệnh theo mùa... Kết quả, 100% số trường, 954 (100%) số giáo viên thực hiện tốt việc lồng ghép giáo dục dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong chương trình chăm sóc giáo dục trẻ; 853 số nhóm trẻ và mẫu giáo có góc tuyên truyền về dinh dưỡng, 460 (100%) lớp mẫu giáo 05 tuổi có góc “Bé làm nội trợ”; tuyên truyền cho 13.215 lượt phụ huynh, tuyên truyền nhiều bài trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Các đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ...) ở cấp xã tham gia thực hiện các hoạt động phòng, chống SDD trẻ em thuộc các dự án chăm sóc sức khoẻ ban đầu do các tổ chức phi chính phủ tài trợ, như dự án của tổ chức Chilfund được triển khai tại các xã khó khăn của huyện Bạch Thông, Na Rì.

- Hoạt động hợp tác, huy động các tổ chức tham gia vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân đã được các Sở, Ban, Ngành, tổ chức chính trị, xã hội quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã huy động từ các dự án nước ngoài, các ngân hàng chính sách, quỹ từ Trung ương Hội, quỹ huy động các tổ chức, cá nhân trong tỉnh cho phụ nữ nghèo vay thực hiện phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực. Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ cho hàng nghìn lượt hộ gia đình nông dân vay vốn phát triển sản xuất.

- Ngành Y tế đã phối hợp với các ngành, các cấp triển khai có hiệu quả các chương trình y tế quốc gia, các dự án chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, bước đầu đã quản lý, tư vấn được một số bệnh liên quan đến dinh dưỡng như đái tháo đường (ĐTD), tăng huyết áp (THA), ung thư.v.v…

6. Hạn chế, bất cập

- Bắc Kạn là tỉnh miền núi nghèo, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nên các hoạt động chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế; bên cạnh đó, một số phong tục, tập quán lạc hậu đã ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của trẻ em.

- Ở những xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ học vấn của chị em phụ nữ còn thấp nên hiệu quả của công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, thay đổi hành vi còn hạn chế.

- Vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn chưa được đảm bảo, bệnh nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng còn chiếm tỷ lệ cao ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ em.

- Công tác bảo đảm chất lượng VSATTP còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng dinh dưỡng của người dân.

- Tình trạng SDD trẻ em còn cao so với cả nước và có sự khác biệt lớn giữa các vùng, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa.

- Chưa khảo sát được tỷ lệ SDD thấp còi trên địa bàn.

- Chưa có các hoạt động phòng chống các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng như: ĐTĐ, THA, ung thư, thừa cân béo phì...

7. Nguyên nhân

7.1. Nguyên nhân của những kết quả đạt được:

- Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm chỉ đạo thực hiện các hoạt động của SDD trên địa bàn; sự phối hợp của các Ban, Ngành, đoàn thể tỉnh; sự tham gia tích cực của đội ngũ cán bộ chuyên môn đặc biệt là chuyên trách, cộng tác viên dinh dưỡng; sự ủng hộ tham gia của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

- Chỉ tiêu giảm tỷ lệ SDD trẻ em đã được đưa vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng; là chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hàng năm.

- Lồng ghép các hoạt động thực hiện CLQGDD đã được các ngành thực hiện có hiệu quả: xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực, an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, củng cố y tế cơ sở...

- Kinh phí đầu tư của các dự án liên quan đến thực hiện CLQGDD được định hướng cụ thể, dành ưu tiên cho các các hoạt động nhằm làm giảm tỷ lệ SDD trẻ em.

- Phát triển kinh tế - xã hội của địa phương góp phần cải thiện đời sống và tạo sự thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin, kiến thức về sức khỏe và dinh dưỡng cho người dân.

7.2. Nguyên nhân của những yếu kém, khó khăn tồn tại:

 - Kinh tế của tỉnh chưa phát triển, chủ yếu là kinh tế nông nghiệp, mức sống của nhân dân còn thấp, nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; đây là nguyên nhân chính cản trở công tác dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh.

- Cơ quan thường trực chưa thật chủ động trong việc vận động thuyết phục các cấp và các Ban, Ngành, đoàn thể ủng hộ các hoạt động của CLQGDD và phòng chống SDD trẻ em. Sự phối hợp liên ngành trong triển khai các hoạt động dinh dưỡng chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ.

- Đội ngũ cán bộ chuyên trách dinh dưỡng ở các cấp từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu kinh nghiệm, hay biến động; mặt khác chưa có cán bộ có trình độ chuyên khoa, chưa được đạo tạo chuyên sâu về dinh dưỡng.

- Công tác thông tin, giáo dục dinh dưỡng chưa thường xuyên, hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, chưa chuyển tải được các nội dung dinh dưỡng tới các đối tượng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Kiến thức thực hành dinh dưỡng hợp lý tại gia đình của đồng bào còn hạn chế.

- Kinh phí cho các hoạt động CLQGDD còn hạn hẹp, chưa huy động được các nguồn lực khác cho các hoạt động dinh dưỡng.

Phần II

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2013- 2015

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT

1. Cơ sở pháp lý

Quyết định số: 226/QĐ-TTg ngày 22/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt CLQGDD giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Quyết định số: 1890/QĐ-TTg ngày 14/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Kạn thời kỳ đến năm 2020".

Kế hoạch số: 232/KH-UBND ngày 18/7/2012 của UBND tỉnh - Kế hoạch hành động “Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011- 2020”.

Công văn số: 1515/BYT-BM-TE ngày 21/3/2012 của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện CLQGDD giai đoạn 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

2. Những vấn đề cần giải quyết trong giai đoạn 2013- 2015

- Giảm SDD trẻ em thể thấp còi và tiếp tục giảm SDD thể nhẹ cân.

- Cải thiện tình trạng thiếu năng lượng trường diễn (thiếu dinh dưỡng) của phụ nữ tuổi sinh đẻ.

- Xác định và bước đầu giải quyết vấn đề dinh dưỡng học đường để giảm tỷ lệ thừa cân béo phì và cải thiện chiều cao của trẻ.

- Đẩy mạnh truyền thông, tư vấn phòng chống các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng tại bệnh viện và cộng đồng.

- Khắc phục tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng của người dân, đặc biệt là thiếu máu do thiếu sắt ở phụ nữ có thai và bệnh do thiếu Vitamin A.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đến năm 2015, bữa ăn của người dân được cải thiện về số lượng, cân đối hơn về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh; giảm SDD của trẻ em cả về cân nặng và chiều cao. Cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của trẻ em và phụ nữ mang thai, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực con người. Bước đầu kiểm soát thừa cân béo phì để hạn chế sự gia tăng của các bệnh mãn tính không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng.  

2. Mục tiêu cụ thể (chi tiết tại Phụ lục 02)

2.1. Mục tiêu 1: Tiếp tục cải thiện về số lượng, nâng cao chất lượng bữa ăn của người dân.

- Tỷ lệ hộ gia đình có mức năng lượng ăn vào bình quân đầu người dưới 1800 Kcal giảm xuống 10% vào năm 2015 và 05% vào năm 2020.

- Tỷ lệ hộ gia đình có khẩu phần ăn cân đối (tỷ lệ các chất sinh nhiệt P:L:G = 14:18:68) đạt 50% vào năm 2015 và 75% vào năm 2020.

2.2. Mục tiêu 2: Cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em.

- Giảm tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn ở phụ nữ tuổi sinh đẻ xuống còn 15% vào năm 2015 và dưới 12% vào năm 2020.

- Duy trì tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2500gr) xuống còn dưới 10% vào năm 2015 và dưới 8% vào năm 2020.

- Giảm tỷ lệ SDD thể thấp còi ở trẻ dưới 05 tuổi xuống còn 26% vào năm 2015 và 23% vào năm 2020.

- Giảm tỷ lệ SDD thể nhẹ cân ở trẻ dưới 05 tuổi xuống còn dưới 15% vào năm 2015 và 12,5% vào năm 2020.

- Khống chế tỷ lệ béo phì ở trẻ em dưới 05 tuổi ở mức dưới 5% ở nông thôn và dưới 10% ở thành thị vào năm 2015 và tiếp tục duy trì đến 2020.

2.3. Mục tiêu 3: Cải thiện tình trạng vi chất dinh dưỡng.

- Duy trì 100% phụ nữ có thai uống viên sắt /axit folic hoặc viên đa vi chất.

- Duy trì 100% bà mẹ trong vòng 01 tháng sau sinh và trẻ em 06 - 60 tháng tuổi được uống Vitamin A liều cao 02 lần/năm.

- Đến năm 2015, trên 90% trẻ dưới 05 tuổi SDD nặng nhận được các can thiệp dinh dưỡng khẩn cấp, phục hồi dinh dưỡng bằng cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng. Duy trì tỷ lệ này đạt 95% vào năm 2020.

- Đến năm 2015, tỷ lệ hộ gia đình dùng muối iốt hàng ngày đủ tiêu chuẩn phòng bệnh (≥ 20ppm) đạt >90%, mức trung vị iốt niệu của bà mẹ có con dưới 05 tuổi đạt từ 10 - 20μg/dl; tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi dưới 5%. Duy trì các tỷ lệ trên đến năm 2020.

2.4. Mục tiêu 4: Từng bước kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân, béo phì và yếu tố nguy cơ của một số bệnh mãn tính không lây nhiễm ở người trưởng thành.

- Kiểm soát tình trạng béo phì ở người trưởng thành ở mức dưới 5% vào năm 2015 và duy trì ở mức dưới 8% vào năm 2020;

- Tỷ lệ người bệnh ĐTĐ được quản lý tư vấn về dinh dưỡng đạt 65% vào năm 2015 và 90% vào năm 2020;

- Tỷ lệ người bệnh THA được quản lý tư vấn về dinh dưỡng đạt 70% vào năm 2015 và 90% vào năm 2020.

2.5. Mục tiêu 5: Nâng cao hiểu biết và tăng cường thực hành dinh dưỡng hợp lý; cải thiện rõ rệt tình trạng VSATTP.

- Tỷ lệ trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đạt 25% vào năm 2015 và đạt 35% vào năm 2020.

- Tỷ lệ nữ thanh niên được huấn luyện về dinh dưỡng và kiến thức cơ bản về làm mẹ đạt 40% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020.

- Tỷ lệ bà mẹ có kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng đối với trẻ ốm đạt 60% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020.

- Đến năm 2015: Giảm 25% số vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận so với năm 2010. Tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận dưới 12 người/100.000 dân.

- Đến năm 2020: Giảm 30% số vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận so với năm 2010. Tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận dưới 10 người/100.000 dân.

2.6. Mục tiêu 6: Thiết lập và triển khai mạng lưới tiết chế dinh dưỡng trong hệ thống bệnh viện để đảm bảo chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh.

- Đến năm 2015, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 50% bệnh viện tuyến huyện có cán bộ tiết chế dinh dưỡng. Đến năm 2020, đạt 75% ở bệnh viện huyện;

- Đến năm 2015, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 25% bệnh viện huyện triển khai hoạt động tư vấn và thực hiện thực đơn về chế độ dinh dưỡng hợp lý cho một số nhóm bệnh và đối tượng đặc thù bao gồm: Người bị đái tháo đường, tăng huyết áp, thừa cân béo phì, nhiễm HIV/AIDS, Lao… Đến năm 2020, tỷ lệ này là 75% ở các bệnh viện huyện.

2.7. Mục tiêu 7: Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới dinh dưỡng tại cộng đồng.

- Đến năm 2015, bảo đảm 100% cán bộ chuyên trách dinh dưỡng tuyến tỉnh và 50% cán bộ chuyên trách tuyến huyện được đào tạo chuyên ngành dinh dưỡng cộng đồng từ 1-3 tháng. Đến năm 2020, tỷ lệ này ở tuyến huyện là 80%.

- Đến năm 2015, 100% cán bộ chuyên trách dinh dưỡng tuyến xã và cộng tác viên dinh dưỡng được tập huấn, cập nhật kiến thức về chăm sóc dinh dưỡng. 100% cán bộ chuyên trách về phòng, chống bướu cổ và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng tuyến xã và cộng tác viên được tập huấn, cập nhật kiến thức.

3. Tầm nhìn đến năm 2030

Phấn đấu giảm SDD trẻ em thể thấp còi dưới 15% và suy dinh dưỡng nhẹ cân dưới 10%; nâng cao nhận thức và hành vi về dinh dưỡng hợp lý của người dân được nâng cao nhằm dự phòng các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng. Từng bước giám sát thực phẩm tiêu thụ hàng ngày nhằm có bữa ăn cân đối và hợp lý về dinh dưỡng, đảm bảo VSATTP, bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng cơ thể và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi đối tượng nhân dân, đặc biệt là trẻ em tuổi học đường.

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC

1. Giải pháp về lãnh đạo, tổ chức và quản lý

1.1. Chỉ đạo, ban hành chính sách và kiểm tra hoạt động:

- Thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện CLQGDD, Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân các cấp.

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với việc triển khai, thực hiện CLQGDD; chỉ tiêu giảm tỷ lệ SDD trẻ em, đặc biệt là SDD thấp còi được đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và Nghị quyết của Đảng, Hội đồng nhân dân các cấp.

- Thực hiện đầy đủ chế độ chính sách hỗ trợ công tác cải thiện tình trạng dinh dưỡng của tỉnh, ưu tiên vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu về dinh dưỡng.

- Tăng cường công tác phối hợp liên ngành giữa các Sở, Ban/Ngành liên quan đến các hoạt động phòng, chống SDD; có chính sách, giải pháp huy động, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, nhân dân và các doanh nghiệp vào thực hiện CLQGDD.

1.2. Hoàn thiện hệ thống tổ chức và quản lý:

Củng cố và phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dinh dưỡng ở tuyến cơ sở.

1.3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý công tác dinh dưỡng

Nâng cao năng lực quản lý điều hành các chương trình hoạt động dinh dưỡng từ cấp tỉnh đến cấp xã và các Ban, Ngành liên quan.

 Xây dựng các đề án, kế hoạch hành động trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm các nguồn lực về con người, kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất và những điều kiện đảm bảo khác thực hiện tốt về CLQGDD; triển khai thực hiện; thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện; thu thập thông tin, báo cáo đánh giá tình hình thực hiện...

2. Giải pháp về truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi

2.1. Thường xuyên cung cấp thông tin về các vấn đề dinh dưỡng đến lãnh đạo các cấp, những người có uy tín trong cộng đồng nhằm tạo sự ủng hộ, cam kết mạnh hơn về chính sách, nguồn lực cho công tác dinh dưỡng.

2.2. Tăng thời lượng phát sóng, số lượng bài viết và nâng cao chất lượng tuyên truyền về dinh dưỡng trên các phương tiện thông tin đại chúng; đa dạng các loại hình truyền thông phù hợp với các nhóm đối tượng đặc thù: Phát thanh, truyền hình, báo chí,...

2.3. Tăng cường và nâng cao hiệu quả truyền thông trực tiếp thông qua mạng lưới cộng tác viên dinh dưỡng, y tế thôn bản, tuyên truyền viên của các ngành, đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội. Ở địa bàn vùng sâu, vùng xa cần tăng cường về số lượng và chất lượng các hoạt động truyền thông tư vấn theo nhóm.

2.4. Mở rộng các hình thức tư vấn: tư vấn điện thoại, tư vấn trực tiếp, thư, phát thanh, truyền hình, Internet và tư vấn tại cộng đồng của các cơ sở dịch vụ, các trung tâm tư vấn tỉnh, huyện, xã.

2.5. Tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục dinh dưỡng trong và ngoài nhà trường; cung cấp kiến thức cần thiết, phù hợp cho các đối tượng để có nhận thức đúng và tầm quan trọng của công tác dinh dưỡng; tăng cường giáo dục thông qua các hình thức giáo dục: Tài liệu sách vở, sinh hoạt ngoại khóa thi chế biến thức ăn... với sự tham gia tự nguyện của học sinh. Xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình dinh dưỡng học đường (từng bước thực hiện thực đơn tiết chế dinh dưỡng cho lứa tuổi mầm non và tiểu học).

2.6. Cung cấp trang thiết bị truyền thông, sản phẩm và tài liệu truyền thông phù hợp với từng vùng, và từng nhóm đối tượng.

3. Giải pháp về chuyên môn kỹ thuật

3.1. Mở các phòng tư vấn dinh dưỡng tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã. Lồng ghép hoạt động tư vấn dinh dưỡng cho các đối tượng đặc biệt với hoạt động phòng chống các bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng như: Bệnh ĐTĐ, THA, thừa cân béo phì...

3.2. Bổ sung, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, bổ sung nhân lực, tập trung đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành cho cán bộ làm công tác dinh dưỡng ưu tiên đào tạo cho chuyên trách, cộng tác viên dinh dưỡng tại cơ sở và vùng khó khăn.

3.3. Chăm sóc, dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ trước, trong và sau sinh. Thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 06 tháng đầu và ăn bổ sung hợp lý cho trẻ dưới 02 tuổi.

3.4. Tăng cường khả năng cung cấp thông tin về dinh dưỡng cho đội ngũ thực hiện công tác dinh dưỡng.

3.5. Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các cơ sở y tế tư nhân, các tổ chức phi chính phủ tham gia các hoạt động về dinh dưỡng.

3.6. Hoàn thiện phương thức cung cấp sản phẩm dinh dưỡng cho các nhóm đối tượng đặc thù như chăm sóc dinh dưỡng cho người nhiễm HIV, cho trẻ em SDD; phụ nữ có thai ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng hay bị thiên tai. Triển khai cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng cho các đối tượng trên.

3.7. Đa dạng hóa sản xuất chế biến và sử dụng các loại thực phẩm sẵn có ở địa phương. Phát triển hệ sinh thái vườn - ao - chuồng, bảo đảm sản xuất, lưu thông, phân phối và sử dụng thực phẩm an toàn.

3.8. Nâng cao năng lực giám sát dinh dưỡng cho cán bộ Y tế dự phòng tuyến tỉnh, huyện.

4. Giải pháp về xã hội hóa, phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế

4.1. Huy động cộng đồng, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp tham gia vào các hoạt động dinh dưỡng.

4.2. Sự phối hợp chặt chẽ các ngành, các cấp nhằm đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy xóa đói giảm nghèo, chăm sóc thai sản, cải thiện tình trạng dinh dưỡng của đối tượng dễ bị tổn thương: Phụ nữ có thai, trẻ em dưới 05 tuổi...

4.3. Lồng ghép các hoạt động dinh dưỡng vào chương trình hoạt động thường xuyên của các ngành, đoàn thể, các chương trình/dự án, bao gồm cả tư vấn, tài liệu, sản phẩm truyền thông.

4.4. Khuyến khích các cơ sở ngoài công lập tham gia hoạt động về dinh dưỡng.

4.5. Tăng cường phối kết hợp liên ngành trong hoạt động chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động về dinh dưỡng theo chỉ đạo của các ngành dọc.

4.6. Hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu, thí điểm mô hình, xây dựng và thực hiện các chính sách, chương trình, dự án.

5. Đào tạo, nghiên cứu khoa học, thông tin số liệu và tài chính

5.1. Tăng cường các lớp đào tạo kiến thức cơ bản, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về dinh dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng.

5.2. Triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học mô tả về thực trạng dinh dưỡng và đánh giá các giải pháp can thiệp. Sử dụng hiệu quả dữ liệu dinh dưỡng hàng năm, 05 năm, 10 năm phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

5.3. Nâng cao chất lượng thu thập, xử lý tổng hợp, lưu giữ và cung cấp thông tin, số liệu về dinh dưỡng phục vụ yêu cầu quản lý và điều hành của từng cấp. Kiện toàn và đẩy mạnh tin học hóa hệ thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên cơ sở tổ chức hệ thống thu thập thông tin đầy đủ, kịp thời và tin cậy; mở rộng các hình thức trao đổi, chia sẻ, sử dụng và đánh giá hiệu quả thông tin số liệu liên quan về dinh dưỡng giữa các cơ quan tổ chức; chú trọng thực hiện các điều tra cơ bản, phân tích và dự báo các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng phục vụ cho việc hoạch định chính sách và quản lý chương trình.

5.4. Sử dụng hiệu quả kinh phí đầu tư của Trung ương, hàng năm tỉnh cân đối bố trí bổ sung ngân sách cho công tác dinh dưỡng đồng thời tranh thủ nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, huy động sự đóng góp của cộng đồng đảm bảo đủ kinh phí triển khai các hoạt động.

IV. DỰ KIẾN TỔNG KINH PHÍ ĐẦU TƯ (Phụ lục 03)

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Về tổ chức

Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng của tỉnh. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện chiến lược tại địa phương, xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch hành động hàng năm, kiểm tra việc thực hiện chiến lược.

2. Nhiệm vụ của các Sở, Ban, Ngành và các huyện, thị xã

2.1. Sở Y tế:

- Sở Y tế là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh tổ chức triển khai và hướng dẫn thực hiện kế hoạch. Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã tổ chức triển khai “Kế hoạch hành động giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh Bắc Kạn thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

- Phối hợp với các Sở: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cân đối, bố trí nguồn lực thực hiện kế hoạch gắn với nguồn lực thực hiện; xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện kế hoạch hàng năm.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ngành tổ chức triển khai thực hiện.

- Hàng năm tổ chức kiểm tra, giám sát, tổng hợp và định kỳ báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế về kết quả thực hiện. Tổ chức tổng kết việc thực hiện kế hoạch hành động vào năm 2015.

2.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế và các Sở, Ngành liên quan đảm bảo đầu tư, sử dụng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia; cân đối, bổ sung kinh phí của địa phương. Gắn chỉ tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em với chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và mỗi địa phương; sử dụng số liệu dinh dưỡng hàng năm, 05 năm, 10 năm phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2.3. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế căn cứ khả năng ngân sách Nhà nước hàng năm, cân đối bố trí ngân sách để thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng tại địa phương theo các đề án, dự án đã được phê duyệt.

2.4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các kế hoạch để đảm bảo an ninh lương thực, an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp nước sạch, cải thiện môi trường trên địa bàn toàn tỉnh.

2.5. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Xây dựng chương trình giáo dục dinh dưỡng và rèn luyện thể chất cho học sinh. Từng bước đưa nội dung giáo dục dinh dưỡng vào giáo trình giảng dạy ngoại khóa ở tất cả các cấp học;

- Tổ chức bữa ăn cho trẻ mầm non và tiểu học; xây dựng mô hình dinh dưỡng trường học, chỉ đạo nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non và các bếp ăn tập thể trường học;

- Phối hợp với Sở Y tế tổ chức tuyên truyền giáo dục về dinh dưỡng trong các trường học.

2.6. Sở Lao động -Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành liên quan xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ dinh dưỡng cho người nghèo, đặc biệt là trẻ em bị SDD tại các xã khó khăn; triển khai các đề án, dự án cải thiện đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo.

2.7. Sở Thông tin và truyền thông: Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan truyền thông đại chúng đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền về CLQGDD, dinh dưỡng hợp lý, chăm sóc sức khỏe bà mẹ khi có thai, chăm sóc sơ sinh, trẻ nhỏ, nuôi con bằng sữa mẹ, chế độ ăn bổ sung đối với trẻ nhỏ... Thực hiện kiểm soát quảng cáo về dinh dưỡng và thực phẩm liên quan.

2.8. Cục Thống kê tỉnh: Chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các Sở, Ngành liên quan trong việc thu thập, cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các số liệu về dinh dưỡng hàng năm. Tổng hợp và cung cấp số liệu liên quan cho các cơ quan chức năng làm cơ sở cho việc chỉ đạo, quản lý, xây dựng kế hoạch, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược.

2.9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã: Căn cứ vào Kế hoạch của UBND tỉnh và tình hình thực tế của địa phương, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện hàng năm, 05 năm phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương; đồng thời chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác dinh dưỡng; củng cố kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu đã giao hàng năm.

2.10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt nam tỉnh và các đoàn thể tỉnh: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và hội viên tham gia các hoạt động tại địa phương, cơ sở; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về dinh dưỡng hợp lý cho các thành viên, hội viên; phối hợp chặt chẽ với Ngành Y tế và các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện xã hội hóa công tác dinh dưỡng và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch.

Giám đốc các sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này; Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch hàng năm về Sở Y tế trước ngày 15/12 để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế./.

 

PHỤ LỤC 01:

TỶ LỆ SDD TRẺ EM < 5 TUỔI SO VỚI TOÀN QUỐC
(Kèm theo Quyết định số: 2113/QĐ-UBND ngày 27/11/2013 của UBND tỉnh Bắc Kạn)

Năm

SDD cân nặng/tuổi (%)

SDD chiều cao/tuổi (%)

Bắc Kạn

Toàn quốc

Bắc Kạn

Toàn quốc

2001

38,8

31,9

40,1

34,8

2002

38,6

30,6

42,6

33,0

2003

37,7

28,4

41,0

32,0

2004

35,6

26,1

39,2

30,7

2005

33,9

25,2

37,7

29,6

2006

31,8

23,4

38,2

31,9

2007

29,8

21,2

38,8

34,9

2008

28,3

19,9

37,5

32,6

2009

27,7

18,9

37,1

31,9

2010

25,4

17,5

34,5

29,3

2011

23

16,8

32,4

27,5

2012

22,2

16,2

31,5

26,7

 

PHỤ LỤC 02:

MỤC TIÊU CỤ THỂ
(Kèm theo Quyết định số: 2113/QĐ-UBND ngày 27/11/2013 của UBND tỉnh Bắc Kạn)

TT

Chỉ số

Năm 2015

Năm 2020

Năm 2030

1

Tỷ lệ hộ gia đình có mức năng lượng ăn vào bình quân đầu người dưới 1800Kcal giảm xuống (%)

10

5

 

2

Tỷ lệ hộ gia đình có khẩu phần ăn cân đối (tỷ lệ các chất sinh nhiệt P:L:G = 14:18:68) (%)

50

75

 

3

Giảm tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn ở phụ nữ tuổi sinh đẻ xuống còn (%)

15

<12

 

4

Tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2500 gam) (%)

<10

<8

 

5

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 05 tuổi (%)

26

23

<15

6

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 05 tuổi (%)

15

12,5

<10

7

Tỷ lệ phụ nữ có thai được uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất (%)

100

100

 

8

Tỷ lệ bà mẹ sau sinh trong vòng 01 tháng được uống Vitamin A (%)

100

100

 

9

Tỷ lệ trẻ từ 06 - 60 tháng tuổi được uống Vitamin A 2lần/năm (%)

100

100

 

10

Khống chế tỷ lệ béo phì ở trẻ em dưới 05 tuổi ở nông thôn và thành thị (%)

5 và 10

5 và 10

 

11

Kiểm soát tình trạng béo phì ở người trưởng thành (%)

<5

< 8

 

12

Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng nặng nhận được các can thiệp dinh dưỡng khẩn cấp (%)

>90

95

 

13

Tỷ lệ hộ gia đình dùng muối iốt hàng ngày đủ tiêu chuẩn phòng bệnh (%)

>90

>90

 

14

Tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 (%)

<5

<5

 

15

Tỷ lệ trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 06 tháng đầu (%)

25

35

 

16

Tỷ lệ người bệnh ĐTĐ được quản lý tư vấn về dinh dưỡng (%)

65

90

 

17

Tỷ lệ người bệnh THA được quản lý tư vấn về dinh dưỡng (%)

70

90

 

18

Tỷ 19 lệ bà mẹ có kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng đối với trẻ ốm đạt (%)

60

80

 

19

Tỷ lệ nữ thanh niên được huấn luyện về dinh dưỡng và kiến thức cơ bản về làm mẹ đạt (%)

40

70

 

20

Giảm số vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận so với năm 2010 (%)

25

30

 

21

Tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận người/100.000 dân (%)

<12

<10

 

22

Tỷ lệ Bệnh viện có cán bộ dinh dưỡng tiết chế (%)

- BV tuyến tỉnh

- BV tuyến huyện

 

100

50

 

100

75

 

23

Tỷ lệ Bệnh viện triển khai tư vấn và thực hiện thực đơn về chế độ dinh dưỡng hợp lý (%)

- BV tuyến tỉnh:

- BV tuyến huyện

 

 

100

25

 

 

100

75

 

24

Tỷ lệ cán bộ chuyên trách dinh dưỡng được đào tạo 1-3 tháng (%)

- Tuyến tỉnh

- Tuyến huyện

 

100

50

 

100

80

 

25

Tỷ lệ cán bộ chuyên trách dinh dưỡng xã và cộng tác viên dinh dưỡng được tập huấn cập nhật kiến thức chuyên môn (%)

100

100

 

 

PHỤ LỤC 03:

DỰ KIẾN TỔNG MỨC ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN 2011- 2015
(Kèm theo Quyết định số: 2113/QĐ-UBND ngày 27/11/2013 của UBND tỉnh Bắc Kạn)

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Đợn vị thực hiện

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

2015

Cộng

TW

Địa phương

TW

Địa phương

TW

Địa phương

TW

Địa phương

TW

Địa phương

1

TTCSSKSS

776

0

840

0

845

0

850

50

900

50

4.311

2

TTYTDP

1.009

50

947

65

829

104

950

350

1.100

550

5.954

2.1

Chương trình CLQG dinh dưỡng

329

0

399

0

345

0

400

50

450

100

2.073

2.2

Chương trình phòng, chống các rối loạn do thiếu iốt

0

50

0

65

0

104

0

200

0

250

669

2.3

Dự án phòng, chống đái tháo đường

320

0

350

0

332

0

350

50

400

100

1.902

2.4

Dự án phòng, chống tăng huyết áp

360

0

198

0

152

0

200

50

250

100

1.310

Tổng cộng (1+2)

1.785

50

1.787

65

1.674

104

1.800

400

2.000

600

10.265

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2113/QĐ-UBND năm 2013 về Kế hoạch hành động giai đoạn 2013 - 2015 của tỉnh Bắc Kạn thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030

  • Số hiệu: 2113/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/11/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Người ký: Triệu Đức Lân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/11/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản