UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2112/2003/QĐ-UB | Thái Nguyên, ngày 05 tháng 9 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN CÁC ĐỀ TÀI DỰ ÁN KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ CẤP TỈNH
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND;
- Căn cứ Luật Khoa học-Công nghệ đã được quốc hội Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ 7 khoá X;
- Căn cứ quyết định 419/TTg ngày 21/07/1995 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở KHCN&MT tại tờ trình số: 483 /TT-KHCN ngày 01 tháng 8 năm 2003,
QUYẾT ĐỊNH
Điều I: Ban hành quy định quản lý và thực hiện các đề tài, dự án Khoa học-Công nghệ cấp tỉnh.( Có bản quy định kèm theo).
Điều II: Giao cho Sở KH&CN có trách nhiệm tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định này trên địa bàn toàn tỉnh.
Điều III: Các ông: Chánh văn phòng HĐND và UBND tỉnh, giám đốc Sở KH&CN, Sở Tài chính Vật giá, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị trong tỉnh và các chủ nhiệm các đề tài, dự án NCKH chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN |
QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN CÁC ĐỀ TÀI, DỰ ÁN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CẤP TỈNH
( Ban hành kèm theo quyết định số: 2112 /2003//QĐ-UB ngày 5 tháng 9 năm 2003 của UBND tỉnh Thái Nguyên)
Chương I-
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai khoa học và công nghệ của tỉnh được tổ chức dưới hình thức các chương trình Đề tài, dự án, dự án sản xuất thử nghiệm và được thực hiện theo phương thức tuyển chọn hoặc giao trực tiếp:
+ Đề tài nghiên cứu khoa học hoặc đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là những nhiệm vụ khoa học và công nghệ cụ thể, bao gồm: công tác điều tra, khảo sát nghiên cứu luận cứ khoa học và đề xuất chính sách trong từng lĩnh vực, nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm, soạn thảo tài liệu thiết kế và quy trình công nghệ, chế tạo và thử nghiệm để tạo ra một hoặc một số nhất định sản phẩm khoa học và công nghệ thuộc một lĩnh vực cụ thể.
+ Dự án sản xuất thử-thử nghiệm là nhiệm vụ triển khai áp dụng thử kết quả nghiên cứu của đề tài vào thực tế sản xuất và đời sống, bao gồm công tác hoàn thiện công nghệ sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, thích nghi với điều kiện tài nguyên, lao động, môi trường và điều kiện sản xuất cụ thể để sản xuất thử một khối lượng sản phẩm hoặc thử nghiệm áp dụng một phương pháp hoặc một giải pháp kỹ thuật từ kết quả nghiên cứu của đề tài với quy mô nhỏ hoặc trung bình nhằm tham gia đáp ứng nhu cầu kinh tế xã hội trong khoảng thời gian xác định.
Điều 2: Yêu cầu đối với việc xác định các đề tài, dự án cấp tỉnh:
- Việc xác định các đề tài, dự án cấp tỉnh phải xuất phát từ yêu cầu giả quyết những vấn đề cấp thiết về phát triển KT-XH của tỉnh.
- Mục tiêu, đối tượng, phạm vi nghiên cứu nhằm bảo đảm đề tài, dự án có giá trị khoa học và công nghệ, là vấn đề mới có tính sáng tạo, tính tiên tiến về công nghệ và tính khả thi.
- Kết quả của đề tài, dự án phải có khả năng ứng dụng vào thực tế sản xuất và đời sống, tác động và ảnh hưởng đến phát triển KT-XH của tỉnh.
Điều 3: Xuất xứ của các đề tài, dự án cấp tỉnh.
- Từ yêu cầu, chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
- Từ đề xuất của các ban/ngành và các cơ quan KHCN trên cơ sở tổng hợp những nhu cầu nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và phát triển đề giải quyết những nhiệm vụ KHCN bức xúc.
- Đề xuất của tổ chức KH&CN, doanh nghiệp, tập thể và cá nhân các nhà khoa học nhằm góp phần phát triển KH&CN và kinh tế-xã hội của tỉnh và đề xuất từ các hoạt động hợp tác quốc tế.
Điều 4: Cơ quan thực hiện:
- Cơ quan chủ trì đề tài, dự án phải là cơ quan có tư cách pháp nhân và có khả năng tổ chức thực hiện đề tài, dự án.
- Cơ quan phối hợp thực hiện đề tài, dự án phải trực tiếp tham gia thực hiện một hoặc một số nội dung của đề tài dự án do cơ quan chủ trì yêu cầu cộng tác
Điều 5: Chủ nhiệm đề tài, dự án phải tốt nghiệp đại học và có trình độ khoa học kỹ thuật, chuyên môn sâu trong lĩnh vực khoa học của đề tài, dự án, có năng lực tổ chức nghiên cứu khoa học, do cơ quan chủ trì tuyển chọn đề xuất và phải trực tiếp điều hành việc tổ chức chỉ đạo thực hiện đề tài dự án.
Chương II –
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 6: Trình tự triển khai đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh hàng năm.
a) Dự thảo danh mục tổng hợp đề tài, dự án.- Xác định danh mục đề tài, dự án cấp tỉnh
- Dự thảo danh mục tổng hợp đề tài, dự án khoa học trên cơ sở những yêu cầu của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan tổng hợp, căn cứ vào những đề xuất rộng rãi của các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN và các nhà khoa học, Sở Khoa học&Công nghệ dự thảo Danh mục tổng hợp sơ bộ các đề tài, dự án cấp tỉnh (gồm tên dự kiến đề tài, dự án; mục tiêu; nội dung và sản phẩm KHCN tương ứng cho từng đề tài, dự án theo biểu tổng hợp) cho Hội đồng KHCN cấp tỉnh xem xét lựa chọn.
Hội đồng KH&CN tỉnh có trách nhiệm tư vấn, xác định danh mục các đề tài, dự án thuộc từng chương trình KH&CN của tỉnh.
b) UBND tỉnh Phê duyệt danh mục.
Sở KH&CN tổng hợp các kết luận của Hội đồng trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt danh mục các đề tài, dự án cấp tỉnh hàng năm.
- Hội đồng Khoa học Công nghệ tỉnh xem xét đề xuất danh mục trước tháng 11 hàng năm để trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục đề tài, dự án. UBND tỉnh quyết định phê duyệt danh mục vào quý I năm sau.
c) Xây dựng và xét duyệt đề cương chi tiết các đề tài, dự án.
- Sở Khoa học&Công nghệ hướng dẫn các đơn vị thực hiện đề tài, dự án xây dựng đề cương chi tiết theo mẫu quy định. Giám đốc Sở Khoa học&Công nghệ quyết định thành lập các Hội đồng KHKT để xét duyệt đề cương của từng đề tài, dự án.
- Hội đồng KHKT chấp thuận cho triển khai (hoặc đồng ý) thực hiện đề tài, dự án bằng cách bỏ phiếu với trên 2/3 số phiếu tán thành.
- Sở Khoa học&Công nghệ phối hợp với Sở Tài chính Vật giá và cơ quan thực hiện đề tài, dự án thực hiện thẩm định kinh phí của đề tài, dự án.
d) Quyết định cho triển khai - ký kết hợp đồng- cấp phát kinh phí.
- UBND tỉnh ủy quyền cho Giám đốc Sở Khoa học&Công nghệ ra quyết định cho triển khai thực hiện đề tài, dự án trong danh mục UBND tỉnh phê duyệt, theo đề nghị của Hội đồng xét duyệt đề cương đối với những đề tài, dự án có mức kinh phí không quá 100 triệu đồng. Những đề tài, dự án có quy mô lớn, nội dung có liên quan đề nhiều lĩnh vực/ngành…và mức kinh phí lớn hơn 100 triệu đồng do UBND tỉnh quyết định phê duyệt.
- Đối với các đề tài, dự án mới không nằm trong danh mục được UBND tỉnh phê duyệt uỷ quyền cho Giám đốc Sở Khoa học&Công nghệ ra quyết định cho triển khai đề tài, dự án có mức kinh phí không lớn hơn 50 triệu đồng, kinh phí thực hiện lấy từ nguồn dự phòng thực hiện các nhiệm vụ KHCN của Sở Khoa học&Công nghệ .
- Sở Khoa học&Công nghệ ký hợp đồng Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với chủ nhiệm đề tài, dự án theo mẫu quy định của Bộ KH&CN.
-Trên cơ sở hồ sơ của đề tài, dự án (các biên bản, hợp đồng, đề cương đã chỉnh sửa, quyết định cho triển khai), cơ quan Tài chính cấp phát kinh phí về Sở Khoa học&Công nghệ, Sở Khoa học&Công nghệ trực tiếp cấp kinh phí cho đơn vị thực hiện theo hạn mức kinh phí được cấp. Kinh phí cấp tạm ứng lần đầu sau khí đã ký kết hợp đồng không quá 70% tổng số kinh phí được duyệt.
e) Tổ chức triển khai thực hiện.
- Chủ nhiệm đề tài, dự án tổ chức triển khai thực hiện trên cơ sở nội dung đề cương, tiến độ và dự toán kinh phí được duyệt và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quá trình nghiên cứu, thực hiện và báo cáo kết quả theo tiến độ. Khi hết thời hạn thực hiện, chủ nhiệm đề tài dự án phải có trách nhiệm báo cáo tổng kết đề tài, dự án gửi cơ quan quản lý (Sở Khoa học&Công nghệ ) để tổ chức Hội đồng KHKT đánh giá nghiệm thu đề tài, dự án.
Điều 7: Đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài dự án.
a) Đề tài dự án được đánh giá và nghiệm thu ở Hội đồng KHCN cấp tỉnh. Sở Khoa học&Công nghệ tổ chức Hội đồng nghiệm thu theo quy định về hội đồng KHCN nghiệm thu đề tài, dự án.
b) Giám đốc Sở Khoa học&Công nghệ căn cứ kết quả đánh giá của Hội đồng ra quyết định nghiệm thu đề tài, dự án.
c) Thời gian thực hiện đề tài, dự án cấp tỉnh: Khi hết thời gian quy định, Chủ nhiệm đề tài, dự án phải có báo cáo khoa học kết quả nghiên cứu, ứng dụng trước Hội đồng KHCN nghiệm thu cấp tỉnh. Trong trường hợp cần thiết đề tài, dự án có thể kéo dài hơn so với quy định sẽ do Giám đốc Sở Khoa học&Công nghệ quyết định trên cơ sở đề nghị của cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài, dự án, nhưng thời gian kéo dài tối đa không quá 1/2 thời gian thực hiện theo quyết định phê duyệt.
d) Đề tài, dự án sau khi được Hội đồng KHCN tỉnh nghiệm thu xếp loại, nếu từ loại đạt, khá và xuất sắc thì được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ, khi đó Sở Khoa học&Công nghệ cùng Sở Tài chính Vật giá xem xét quyết toán kinh phí. Đề tài, dự án được Hội đồng KHCN tỉnh đánh giá loại không đạt thì cơ quan quản lý và cơ quan chủ trì thực hiện phải đánh giá nguyên nhân, nếu do nguyên nhân liên quan đến trách nhiệm của chủ nhiệm đề tài, dự án thì phải hoàn trả số kinh phí đã được cấp tùy theo mức độ cụ thể.
e) Sau khi nghiệm thu, cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài, dự án giao nộp toàn bộ sản phẩm theo hợp đồng và nộp phần kinh phí thu hồi (nếu có) theo Thông tư Liên tịch số 50/1998/TTLT/BTC-BKHCNMT. Hoàn thành mọi thủ tục thanh quyết toán số kinh phí được cấp theo quy định của Bộ Tài chính và tiến hành thanh lý hợp đồng.
Điều 8: Chế độ báo cáo, kiểm tra
a) Chế độ báo cáo:
- Cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài, dự án thực hiện báo cáo định kỳ 1 tháng 1 lần cho Sở Khoa học&Công nghệ về nội dung tiến độ thực hiện, tình hình sử dụng kinh phí.
- Trong quá trình thực hiện nếu có thay đổi so với đề cương thuyết minh ( mục tiêu, nội dung thời gian, tiền vốn, người thực hiện, những phát sinh, sự rủi ro....) thì cơ quan Cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài, dự án phải kịp thời báo cáo ngay bằng văn bản cho Sở Khoa học&Công nghệ để xem xét. Chậm nhất 15 ngày sau khi nhận được báo cáo, Sở Khoa học&Công nghệ có văn bản giải quyết để làm cơ sở cho cơ quan chủ trì thực hiện.
b) Chế độ kiểm tra:
- Sở Khoa học&Công nghệ tiến hành kiểm tra định kỳ (hoặc đột xuất) tình hình thực hiện nội dung và sử dụng kinh phí của đề tài, dự án. Các đề tài dự án còn chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước các cấp có thẩm quyền và cơ quan thanh tra chuyên ngành KH,CN.
- Cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài, dự án có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công tác thanh, kiểm tra.
Điều 9: Quy định về việc thành lập, hoạt động của Hội đồng khoa học công nghệ cấp tỉnh xét duyệt thuyết minh và đánh giá nghiệm thu kết quả đề tài, dự án.
a) Cơ cấu tổ chức của Hội đồng (Mỗi đề tài, dự án có hội đồng xét duyệt và nghiệm thu riêng ). Thành phần của Hội đồng gồm:
- Chủ tịch Hội đồng là Đ/c Phó chủ tịch UBND tỉnh
- Phó chủ tịch Hội đồng là Đ/c Giám đốc Sở KH&CN
- Uỷ viên thường trực Hội đồng là Đ/c Phó giám đốc Sở KH&CN.
- Thư ký hội đồng là Đ/c Trưởng phòng Quản lý KHCN-Sở KH&CN
- Các ủy viên của Hội đồng do Thường trực Hội KHCN tỉnh xem xét quyết định bổ sung trên cơ sở nội dung nghiên cứu, lĩnh vực khoa học của từng đề tài, dự án và chuyên môn của từng thành viên.
Số thành viên hội đồng từ 7 đến 9 người.
b) Chức năng của hội đồng:
+ Hội đồng xét duyệt đề cương chi tiết đề tài, dự án: Có nhiệm vụ xác định đề cương cụ thể của đề tài, dự án gốm các yếu tố cơ bản sau: Tên đề tài, dự án dự kiến; Mục tiêu cần đạt được; Nội dung nghiên cứu áp dung; Kết quả dự kiến; Các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật chủ yếu cần đạt; Thời gian thực hiện; Địa chỉ áp dụng; Dự kiến kinh phí.
+ Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài, dự án: Có trách nhiệm đánh giá toàn diện kết quả thực hiện đề tài, dự án. Có nhiệm vụ tư vấn cho cơ quản quản lý đề tài, dự án quyết định sử dụng kết quả đề tài, dự án trong thực tiễn. Hội đồng có quyền xem xét các tài liệu và sản phẩm liên quan đến việc thực hiện đề tài, dự án, kiểm tra đối chiếu với thực tế, bác bỏ toàn bộ hoặc từng phần nội dung kết quả đề tài dự án kể cả kinh phí. Kiến nghị kết quả nghiệm thu hoặc mức độ và hình thức xử lý cần thiết đối với những trường hợp đề tài dự án không được công nhận kết quả. Hội đồng phải chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá nghiệm thu của mình.
c) Phương thức làm việc của Hội đồng:
+Cuộc họp của Hội đồng chỉ được thực hiện khi có ít nhất 2/3 số thành viên có mặt. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc thảo luận dân chủ, bỏ phiếu kín.
+ Khách mời tham dự cuộc họp Hội đồng: Cơ quan chủ trì thực hiện, ban chủ nhiệm đề tài, dự án và các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, chuyên viên liên quan.
+ Hồ sơ của các đề tài, dự án phải gửi tới các thành viên của Hội đồng trước buổi họp Hội đồng ít nhất là 03 ngày làm việc.
Biên bản làm việc, kết quả xét duyệt của Hội đồng được gửi tới các cơ quan đơn vị liên quan chậm nhất 5 ngày sau khi Hội đồng họp.
Điều 10: Sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí:
- Sở Khoa học&Công nghệ và Sở Tài chính Vật giá chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về quản lý giám sát, kiểm tra việc sử dụng kinh phí chi cho các đề tài, dự án.
- Kinh phí chi cho các đề tài, dự án phải được quản lý chặt chẽ theo đúng luật ngân sách Nhà nước, sử dụng đúng mục đích, đúng nội dung chi đã được thẩm định.
- Cơ quan thực hiện và chủ nhiệm đề tài, dự án có trách nhiệm quyết toán toàn bộ kinh phí theo chế độ hiện hành với Sở Khoa học&Công nghệ chậm nhất là 30 ngày sau khi đề tài dự án được nghiệm thu.
- Kinh phí thu hồi từ các đề tài, dự án được nộp vào tài khoản chuyên thu của Sở Khoa học&Công nghệ mở tại Kho bạc Nhà nước tỉnh.
Việc sử dụng kinh phí thu hồi được thực hiện theo Thông tư Liên tịch số 50/1998/TTLT-BTC-BKHCNMT ngày 15/04/1998 và quyết định số: 230 /QĐ-UB ngày 16/01/1999 của UBND tỉnh Thái Nguyên V/v phê duyệt công tác quản lý tài chính đối với nguồn kinh phí thu hồi từ các nhiệm vụ Khoa học công nghệ.
Điều 11: Ứng dụng kết quả nghiên cứu, phổ biến và chuyển giao kết quả đề tài, dự án
- Cơ quan thực hiện và chủ nhiệm đề tài, dự án có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, chủ động xây dựng kế hoạch và dự trù kinh phí để tổ chức ứng dụng, nhân rộng kết quả đề tài, dự án vào sản xuất và đời sống.
- Giao cho Sở Khoa học&Công nghệ hàng năm tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả ứng dụng đối với các đề tài, dự án và báo cáo UBND tỉnh xem xét.
Chương III-
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12: UBND tỉnh giao cho Sở Khoa học&Công nghệ phối hợp với Sở Tài chính Vật giá có trách nhiệm tổ chức triển khai và hướng dẫn quy chế này tới các đơn vị thực hiện đề tài, dự án và các đơn vị có liên quan .
Điều 13: Bản quy định này có hiệu lực từ ngày ký, những quy định trước đây trái với quy định nay đều bị bãi bỏ./.
- 1Quyết định 06/2009/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành
- 2Quyết định 78/2006/QĐ-UBND về Quy định tổ chức thực hiện và quản lý đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 3Quyết định 20/2006/QĐ-UBND Quy định xác định, tuyển chọn, quản lý đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh do tỉnh Tây Ninh ban hành
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1994
- 2Quyết định 419-TTg năm 1995 về cơ chế quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư liên tịch 50/1998/TTLT-BTC-BKHCNMT về công tác quản lý tài chính đối với nguồn kinh phí thu hồi từ các nhiệm vụ khoa học, công nghệ do Bộ Tài Chính - Bộ Khoa Học Công Nghệ và Môi Trường ban hành
- 4Luật Khoa học và Công nghệ 2000
- 5Quyết định 78/2006/QĐ-UBND về Quy định tổ chức thực hiện và quản lý đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 6Quyết định 20/2006/QĐ-UBND Quy định xác định, tuyển chọn, quản lý đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh do tỉnh Tây Ninh ban hành
Quyết định 2112/2003/QĐ-UB Quy định quản lý và thực hiện các đề tài, dự án Khoa học-Công nghệ cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành
- Số hiệu: 2112/2003/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 05/09/2003
- Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên
- Người ký: Trịnh Thị Cúc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 05/09/2003
- Ngày hết hiệu lực: 03/04/2009
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực