Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2106-QĐ/GTVT

Hà Nộingày 23 tháng 8 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH THỂ LỆ BỐC DỠ, GIAO NHẬN VÀ BẢO QUẢN HÀNG HOÁ TẠI CẢNG BIỂN VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông vận tải;
Để phù hợp với hoạt động thực tiễn của các cảng biển Việt Nam trong cơ chế thị trường;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Vận tải và ông Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành "Thể lệ bốc dỡ, giao nhận vào bảo quản hàng hoá tại cảng biển Việt Nam".

Điều 2. Quyết định này huỷ bỏ Quyết định số 2073 QĐ/VT ngày 6/10/1991 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Ông Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 4- Các ông Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Vận tải, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Bùi Văn Sướng

(Đã ký)

 

THỂ LỆ

BỐC DỠ, GIAO NHẬN VÀ BẢO QUẢN HÀNG HOÁ TẠI CẢNG BIỂN VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2106/QĐ-GTVT ngày 23/8/1997 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

1. Thể lệ này quy định những nguyên tắc về việc bốc dỡ, giao nhận và bảo quản hàng hoá thông qua cảng biển Việt Nam.

2. Cảng biển Việt Nam là cảng biển đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố cho tàu thuyền ra vào hoạt động theo quy định của pháp luật, sau đây gọi tắt là cảng.

Điều 2.

1. Thể lệ này được áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc bốc dỡ, giao nhận và bảo quản tất cả các loại hàng hoá tại cảng.

2. Việc bốc dỡ, giao nhận, bảo quản hàng hoá tại cảng được thực hiện theo quy định của Thể lệ này và các quy định của pháp luật về Hải quan, Thuế vụ, Kiểm dịch, Y tế... có liên quan.

Điều 3. Trong Thể lệ này, các từ ngữ sau đây được hiểu là:

a. "Hàng nhập khẩu" là hàng hoá được vận chuyển bằng tàu biển từ nước ngoài đến cảng và dỡ tại cảng của Việt Nam.

b. "Hàng xuất khẩu" là hàng hoá được đưa ra cảng để bốc xuống tàu biển vận chuyển ra nước ngoài.

c. "Hàng nội địa" là hàng hoá được vận chuyển bằng tàu biển giữa các cảng Việt Nam và được bốc xuống tàu hoặc dỡ lên khỏi tàu tại các cảng đó.

d. "Bốc hàng" là đưa hàng từ cảng hoặc hàng từ phương tiện vận chuyển khác đến cảng để xếp hàng đó lên tàu.

c. "Dỡ hàng" là đưa hàng từ tàu lên cảng hoặc phương tiện khác.

e. "Người giao hàng", "Người nhận hàng", "Người thuê vận chuyển" được hiểu như quy định tại Điều 61 và Điều 93 Bộ luật hàng hải Việt Nam, sau đây gọi là Chủ hàng.

g. "Người vận chuyển" được hiểu như quy định tại Điều 61 Bộ luật hàng hải Việt Nam.

h. "Người được uỷ thác" là tổ chức hoặc cá nhân được chủ hàng hoặc người vận chuyển uỷ quyền để thực hiện việc bốc dỡ, giao nhận và bảo quản hàng hoá tại cảng.

Chương 2:

HỢP ĐỒNG BỐC DỠ, GIAO NHẬN, BẢO QUẢN HÀNG HOÁ

Chương 3:

GIAO NHẬN HÀNG HOÁ

Điều 6. Việc giao nhận hàng hoá các bên được quyền lựa chọn phương thức có lợi nhất và thoả thuận cụ thể trong hợp đồng. Nguyên tắc chung về giao nhận hàng hoá là nhận bằng phương thức nào thì giao bằng phương thức ấy.

Phương thức giao nhận gồm:

1. Giao nhận nguyên bao, kiện, bó, tấm, cây, chiếc.

2. Giao nhận nguyên hầm cặp chì.

3. Giao nhận theo số lượng, trọng lượng, thể tích theo phương thức cân, đo, đếm.

4. Giao nhận theo mớn nước.

5. Giao nhận theo nguyên container niêm chì.

6. Kết hợp các phương thức giao nhận nói trên.

7. Các phương thức giao nhận khác.

Điều 7.

Trách nhiệm giao nhận hàng hoá là của chủ hàng hoặc người được chủ hàng uỷ thác với người vận chuyển. Chủ hàng phải tổ chức giao nhận hàng hoá đảm bảo được định mức xếp dỡ của cảng. Nếu việc giao nhận hàng không đáp ứng định mức xếp dỡ của cảng thì cảng được phép dỡ hàng lên kho bãi cảng (đối với hàng nhập) hoặc yêu cầu chủ hàng tập kết trước hàng vào kho bãi cảng (đối với hàng xuất), chủ hàng phải thanh toán chi phí phát sinh cho cảng.

Điều 8. Trong trường hợp người nhận hàng hoặc người được uỷ thác nhận hàng không thực hiện việc nhận hàng theo thoả thuận trong hợp đồng vận chuyển hoặc theo định mức bốc dỡ hàng hoá được cảng chính thức công bố, thì người vận chuyển và cảng có quyền lập biên bản, dỡ hàng lên khỏi tàu và ký gửi vào kho bãi cảng. Người nhận hàng có nghĩa vụ thanh toán mọi chi phí có liên quan.

Điều 9. Trong trường hợp có hàng hoá phải lưu kho bãi của cảng thì chủ hàng hoặc người được uỷ thác phải giao nhận trực tiếp với người vận chuyển đồng thời giao nhận với cảng khối lượng hàng hoá lưu kho bãi cảng.

Nếu người được chủ hàng uỷ thác là cảng thì cảng phải thực hiện theo hợp đồng uỷ thác đã ký kết với chủ hàng.

Điều 10.

1. Hàng hoá thông qua cảng phải có đầy đủ ký, mã hiệu hàng hoá theo quy định hiện hành, trừ hàng rời, hàng trần giao nhận theo tập quán thương mại.

2. Đối với hàng container: số hiệu container phải rõ ràng, tình trạng kỹ thuật vỏ còn nguyên vẹn và còn nguyên niêm chì.

3. Đối với hàng nguyên hầm cặp chì: phải còn nguyên niêm chì.

4. Nếu những yêu cầu tại khoản 1, 2, 3 Điều này không đảm bảo gây nên nhẫm lẫn, chậm trễ trong giao nhận thì cảng được miễn trách nhiệm.

Điều 11. Cảng giao hàng cho người nhận hàng theo nguyên tắc:

- Người nhận hàng phải xuất trình chứng từ hợp lệ xác nhận quyền được nhận hàng và có chứng từ thanh toán các loại cước phí cho cảng.

- Người nhận hàng phải nhận liên tục trong một thời gian nhất định khối lượng hàng hoá trong một vận đơn hoặc giấy gửi hàng hoặc chứng từ vận chuyển hàng hoá tương đương hoặc một lệnh giao hàng.

- Cảng giao nhận hàng hoá cho người nhận hàng theo phương thức giao nhận quy định tại Điều 6 của Thể lệ này.

- Cảng không chịu trách nhiệm về hàng hoá ở bên trong nếu bao, kiện hoặc dấu xi chì con nguyên vẹn.

- Trường hợp hàng hoá giao nhận theo phương thức nguyên bao, kiện, bó, tấm, cây, chiếc, nếu có rách vỡ phát sinh thì giao nhận theo thực tế số hàng rách vỡ phát sinh. Tình trạng hàng hoá rách vỡ phải được xác lập bằng văn bản và có chữ ký của các bên liên quan.

Điều 12.

Trước khi ký nhận hàng với cảng, người nhận hàng phải kiểm tra hàng hoá hoặc tình trạng kỹ thuật và niêm chì của container ngay tại kho bãi của cảng. Nếu hàng hoá do cảng chuyển đến kho bãi của người nhận hàng theo hợp đồng uỷ thác thì chủ hàng phải kiểm tra hàng hoá trước khi ký nhận tại kho của chủ hàng.

Cảng không chịu trách nhiệm về những hàng hoá bị hư hỏng hoặc mất mát mà người nhận hàng phát hiện sau khi đã ký nhận với cảng.

Điều 13. Những giấy tờ về hàng hoá người vận chuyển phải giao cho cảng:

1. Đối với hàng nhập khẩu:

- Lược khai hàng hoá 02 bản - Sơ đồ hàng hoá 02 bản - Chi tiết hầm hàng 02 bản - Hàng quá khổ quá tải (nếu có) 02 bản

Các loại giấy tờ trên giao cho cảng trước 24 giờ khi tầu đến vị trí đón trả hoa tiêu. Nếu cảng là người được uỷ thác thì còn phải giao cho cảng 01 bộ vận đơn.

Trường hợp hàng hoá trong container lưu tại kho bãi cảng, người nhận hàng phải giao cho cảng:

- Lệnh giao hàng (có dấu xác nhận của Hải quan) 01 bản - Bản sao vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương 01 bản

- Giấy mượn vỏ container (nếu muốn đưa container về kho

của chủ hàng để rút, đóng hàng) 01 bản

2. Đối với hàng xuất khẩu (kể cả hàng hoá trong container):

- Lược khai hàng hoá 05 bản - Sơ đồ hàng hoá 02 bản

(giao cho cảng trước 08 giờ bốc hàng xuống tàu)

3. Đối với hàng nội địa:

a. Tại cảng bốc hàng:

- Giấy vận chuyển hàng 05 bản

(giao cho cảng trước 24 giờ tàu đến vị trí bốc hàng)

- Sơ đồ hàng hoá 02 bản

(giao cho cảng trước 08 giờ bốc hàng xuống tàu)

b. Tại cảng dỡ hàng:

- Giấy vận chuyển hàng hoá 02 bản - Sơ đồ hàng hoá 02 bản Các giấy tờ này giao cho cảng chậm nhất 08 giờ trước khi tàu đến vị trí dỡ hàng.

Trong trường hợp cảng là người được uỷ thác giao nhận hàng với tàu thì ngoài các giấy tờ quy định trên còn phải giao cho cảng 01 bộ vận đơn.

4. Đối với hàng quá cảnh, hàng chuyển tải, hàng chuyển khẩu, hàng tạm nhập tái xuất: phải được ghi rõ loại hàng trong vận đơn, lược khai hàng hoá hoặc các chứng từ có liên quan khác theo quy định của pháp luật đối với loại hàng đó.

5. Đối với hàng hoá cầm giữ hàng hải: người vận chuyển phải xác nhận bằng văn bản đó là hàng hoá cấm giữ hàng hải.

Các giấy tờ quy định tại Điều này phải giao cho cảng kịp thời, nếu không cảng không chịu trách nhiệm về thời gian tầu chờ đợi để bốc dỡ hàng hoá.

Chương 4:

BỐC DỠ HÀNG HOÁ

Điều 14. Việc bốc dỡ hàng hoá trong phạm vi cảng do cảng tổ chức thực hiện.

Trường hợp chủ hàng hoặc người vận chuyển hoặc người được uỷ thác muốn đưa người và phương tiện của mình vào cảng để bốc dỡ hàng hoá thì phải được sự đồng ý của cảng và phải trả các chi phí có liên quan cho cảng theo thoả thuận.

Điều 15. Cảng phải công bố định mức bốc dỡ cho từng loại hàng, từng loại tàu khác nhau trên cơ sở khả năng bốc dỡ thực tế của cảng.

Các bên liên quan có thể thoả thuận định mức bốc dỡ với cảng nhưng không được thấp hơn định mức đã công bố.

Điều 16. Khi bốc dỡ những loại hàng hoá phải bảo vệ đặc biệt hoặc hàng nguy hiểm thì chủ hàng hoặc người được uỷ thác phải báo cáo cho cảng biết những đặc điểm của hàng hoá để có những biện pháp bốc dỡ thích hợp và nếu cần chủ hàng hoặc người được uỷ thác phải trực tiếp hướng dẫn cảng việc bốc dỡ hàng hoá đó.

Điều 17.

1. Tàu phải chăm lo đủ ánh sáng trong hầm hàng và các nơi cần thiết khác cũng như các trang thiết bị làm hàng khác để đảm bảo an toàn cho việc bốc dỡ hàng hoá.

2. Cảng có quyền từ chối hoặc đình chỉ việc bốc dỡ hàng hoá trong các trường hợp tàu không đủ điều kiện an toàn để làm hàng. Trong trường hợp này, cảng và các bên có liên quan phải lập biên bản xác nhận các vi phạm quy định về đảm bảo an toàn bốc dỡ hàng hoá.

Điều 18. Cảng có quyền từ chối không nhận bốc dỡ những hàng hoá không có kỹ mã hiệu hoặc ký mã hiệu không rõ ràng hoặc bao bì không đảm bảo an toàn trong khi bốc dỡ. Trường hợp hàng hoá có trọng lượng thực tế không đúng với trọng lượng đã ghi trên lược khai hàng hoá của tàu thì chủ hàng phải chịu mức cước xếp dỡ cao hơn mức cước quy định đối với phần trọng lượng vượt quá so với lược khai hàng hoá (mức cước này do Cảng quy định). Nếu vì sai trọng lượng mà gây thiệt hại đến phương tiện thiết bị xếp dỡ của cảng thì chủ hàng có trách nhiệm bồi thường cho cảng.

Chương 5:

BẢO QUẢN HÀNG HOÁ

Điều 19.

1. Cảng có trách nhiệm bảo quản hàng hoá lưu kho bãi cảng theo đúng kỹ thuật và thích hợp với từng vận đơn, từng lô hàng.

2. Cảng có quyền từ chối việc nhận bảo quản và lưu kho bãi cảng đối với hàng hoá không có ký mã hiệu hoặc kỹ mã hiệu không rõ ràng hay bao bì không bảo đảm an toàn cho việc lưu giữ hàng hoá.

3. Trường hợp phát hiện hàng lưu ở kho bãi cảng có hiện tượng bị hư hỏng, cảng phải báo cáo ngay cho chủ hàng đến giải quyết đồng thời tiến hành nhưng biện pháp cần thiết để ngăn chặn và hạn chế tổn thất. Chủ hàng phải chịu mọi chi phí phát sinh cho cảng nếu không chứng minh được rằng những biện pháp do cảng tiến hành là không cần thiết.

Điều 20.

1. Thời gian hàng hoá phải lưu kho bãi của cảng do chủ hàng hoặc người vận chuyển hoặc người được uỷ thác thoả thuận với cảng thông qua hợp đồng.

Nếu quá thời hạn thanh toán quy định trong hợp đồng 7 ngày mà chủ hàng không thanh toán mọi chi phí cho cảng hoặc không ký hợp đồng gia hạn thêm thời gian lưu kho bãi thì cảng thông báo cho chủ hàng bằng văn bản. Sau 15 ngày (theo dấu bưu điện) mà chủ hàng không trả lời hoặc không có phương án giải quyết thoả đáng thì cảng được xử lý số hàng hoá đó theo quy định của pháp luật.

2. Cước, phí lưu kho bãi cảng được tính theo nguyên tắc luỹ tiến theo thời gian.

Chương 6:

THANH TOÁN, BỒI THƯỜNG, THƯỞNG PHẠT

Điều 21. Việc thanh toán cước, phí, lệ phí và các chi phí khác có liên quan đến bốc dỡ, giao nhận, bảo quản hàng hoá tại cảng căn cứ vào các quy định của pháp luật và hợp đồng đã kỹ kết giữa cảng và các bên liên quan.

Điều 22. Mọi vi phạm pháp luật và hợp đồng đã ký có gây thiệt hại cho phía bên kia thì bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại đó.

Những thiệt hại đều phải được chứng minh bằng giấy tờ hợp pháp và việc bồi thường thiệt hại được tính bằng tiền.

Điều 23. Trước, trong và sau khi dỡ hàng ra khỏi tàu, nếu nghi ngờ hàng hoá bị hư hỏng, tổn thất do người giao hàng hoặc người thuê vận chuyển hoặc người vận chuyển gây ra thì người nhận hàng hoặc người được uỷ thác phải lập biên bản với người vận chuyển để làm cơ sở đòi bồi thường khi có thiệt hại xảy ra.

Điều 24.

1. Trong quá trình bốc dỡ, hàng hoá bị hư hỏng, tổn thất do người bốc dỡ của cảng gây ra thì cảng phải bồi thường cho chủ hàng.

2. Hàng hoá lưu tại kho bãi của cảng bị hư hỏng, tổn thất, các bên liên quan phải lập biên bản, có xác nhận của cảng và có kết luận của giám định đối với hàng hoá đó.

3. Cảng bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại nếu không chứng minh được cảng không có lỗi.

Điều 25. Hồ sơ đòi bồi thường thiệt hại gồm:

- Biên bản xác nhận hàng hoá bị hư hỏng giữa các bên liên quan.

- Biên bản giám định tổn thất hàng hoá của cơ quan giám định.

- Giấy xác nhận hàng hoá thiếu hụt của cảng hoặc chứng từ chưa giao hàng của cảng, nếu hàng lưu kho bãi cảng.

- Vận đơn hoặc hoá đơn mua hàng hoặc giấy gửi hàng, hoặc chứng từ vận chuyển hàng hoá tương đương.

- Các văn bản, tài liệu khác có liên quan đến việc giải quyết bồi thường (nếu cần)

Điều 26. Bên bị thiệt hại đòi bồi thường tổn thất phải gửi hồ sơ cho bên bồi thường trong vòng 30 ngày, kể từ ngày đã nhận xong hàng hoặc từ ngày người nhận hàng nhận được chứng từ không đủ cơ sở pháp lý để đòi chủ tàu bồi thường, nếu cảng là người được uỷ thác giao nhận với tàu.

Sau 15 ngày (theo dấu bưu điện) kể từ ngày nhận được hồ sơ đòi bồi thường, bên bồi thường phải trả lời cho bên đòi bồi thường biết chấp nhận hoặc không chấp nhận bồi thường

Điều 27. Trong thời gian 90 ngày kể từ ngày bên bị khiếu nại nhận được hồ sơ yêu cầu bồi thường, hai bên phải thương lượng giải quyết xong. Nếu không đạt được kết quả thì các bên có quyền khiếu nại lên cơ quan xét xử do các bên thoả thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật (nếu không có thoả thuận).

Điều 28. Bồi thường tổn thất hàng hoá theo nguyên tắc:

- Mất nguyên bao, nguyên kiện phải bồi thường nguyên bao, nguyên kiện.

- Mất mát hoặc hư hỏng một phần phải bồi thường phần hư hỏng, mất mát, chủ hàng phải nhận phần hàng còn lại.

- Tiền bồi thường hàng hoá căn cứ vào thời giá của hàng hoá đó tại nơi và lúc bồi thường, nếu các bên liên quan không có thoả thuận khác.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2106/QĐ-GTVT năm 1997 về thể lệ bốc dỡ, giao nhận và bảo quản hàng hoá tại cảng biển Việt Nam do Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải ban hành

  • Số hiệu: 2106-QĐ/GTVT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/08/1997
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Bùi Văn Sướng
  • Ngày công báo: 15/10/1997
  • Số công báo: Số 19
  • Ngày hiệu lực: 07/09/1997
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản