Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2102/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 13 tháng 10 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ THEO ĐỒ ÁN QUY HOẠCH CHI TIẾT XÂY DỰNG KHU VỰC ĐỒI VỌNG CẢNH VÀ VÙNG PHỤ CẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Quy hoạch Đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ ban hành về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị;

Căn cứ Thông tư số 10/2010/TT-BXD ngày 11 tháng 8 năm 2010 của Bộ Xây dựng về việc quy định hồ sơ của từng loại quy hoạch đô thị;

Căn cứ Quyết đính số 2101 /QĐ-UBND ngày 13 tháng 10 năm 2015 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực đồi Vọng Cảnh và vùng phụ cận;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại văn bản số 1378/TTr-SXD ngày 17 tháng 9 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý xây dựng theo đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực đồi Vọng Cảnh và vùng phụ cận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Văn hóa Thể thao và du lịch; Chủ tịch UBND thành phố Huế; Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy; Chủ tịch UBND các phường Thủy Xuân, Thủy Biều; Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- VP: LĐ;
- Lưu VT, XD.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cao

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ THEO ĐỒ ÁN QUY HOẠCH CHI TIẾT XÂY DỰNG KHU VỰC ĐỒI VỌNG CẢNH VÀ VÙNG PHỤ CẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2102/QĐ-UBND ngày 13 tháng 10 năm 2015 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng và phân công quản lý thực hiện

1. Đối tượng áp dụng:

a) Quy định này áp dụng việc quản lý xây dựng các công trình theo đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực đồi Vọng Cảnh và vùng phụ cận đã được UBND tỉnh phê duyệt. Ngoài những nội dung quy định này, việc quản lý xây dựng còn phải tuân thủ theo các quy định pháp luật của Nhà nước có liên quan.

b) Việc điều chỉnh, bổ sung hoặc thay đổi Quy định này phải được cấp có thẩm quyền quyết định theo đúng quy định

2. Sở Xây dựng, UBND thành phố Huế và UBND thị xã Hương Thủy theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm giúp UBND tỉnh thực hiện việc quản lý xây dựng tại khu vực này theo đúng quy hoạch được duyệt.

Điều 2. Ranh giới, quy mô diện tích tính chất khu vực lập quy hoạch

1. Ranh giới: Khu vực lập quy hoạch ở phía Tây Nam thành phố Huế, thuộc địa giới hành chính phường Thủy Xuân, phường Thủy Biều - thành phố Huế và xã Thủy Bằng - thị xã Hương Thủy, có ranh giới cụ thể:

a) Phía Đông giáp mộng lúa và khu vực dân cư phường Thủy Xuân.

b) Phía Tây giáp sông Hương;

c) Phía Nam giáp đường Quốc lộ 49A và khu vực ruộng lúa thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy;

d) Phía Bắc giáp đường Lê Ngô Cát hiện trạng và đoạn dự kiến nối dài về phía phường Thủy Biều,

2. Quy mô đất đai: Diện tích khu vực lập quy hoạch khoảng 219 ha.

3. Tính chất:

a) Là khu vực sinh thái cảnh quan, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích văn hóa lịch sử.

b) Là khu văn hóa, tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch, ngắm cảnh, nghỉ ngơi, đồng thời kết hợp chỉnh trang các khu ở, làng vườn gắn kết với du lịch sinh thái cảnh quan.

Điều 3. Quy định về sử dụng đất

TT

Loại đất

Ký hiệu

Quy hoạch

Diện tích (ha)

Tỷ lệ (%)

1

Đất công cộng

CC

1,51

0,69

2

Đất dịch vụ

DV

18,47

8,43

3

Đất khu dân cư chỉnh trang

CT

24,62

11,24

4

Đất ở tái định cư

TĐC

1,87

0,85

5

Đất khu vực lăng tẩm, di tích lịch sử - văn hóa

LT, DT

25,23

11,52

6

Đất tôn giáo

TG

0,18

0,08

7

Đất tín ngưỡng

TN

0,08

0,04

8

Đất sử dụng hỗn hợp (Đất công viên cây xanh, đất du lịch sinh thái...)

HH

33,56

15,32

9

Đất khu công viên

CV

13,23

6,04

10

Đất cây xanh cách ly

CL

22,83

10,42

11

Đất cây xanh cảnh quan vùng đệm

CQ

6,86

3,13

12

Đất cây xanh vùng thoát lũ

TL

18,53

8,46

13

Đất ruộng lúa

RL

10,72

4,89

14

Đất bãi đỗ xe

P

2,93

1,34

15

Đất công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối

HT

12,40

5,66

16

Đất giao thông

 

17,78

8,12

17

Mặt nước

 

8,20

3,74

 

Tổng

 

219,00

100,00

Điều 4. Quy định chung về hạ tầng xã hội

1. Các công trình nhà ở:

a) Các khu dân cư hiện trạng: chỉnh trang các khu dân cư hiện trạng theo các tiêu chí đô thị xanh. Khuyến khích gìn giữ, phát triển hệ thống nhà vườn mật độ thấp kết hợp dịch vụ, du lịch. Hạn chế tối đa việc xây mới.

b) Khu vực tái định cư: Xây dựng các khu tái định cư đồng bộ phục vụ ổn định cuộc sống người dân.

2. Các công trình công cộng, dịch vụ:

a) Các công trình công cộng, thương mại, dịch vụ, du lịch đảm bảo tiếp cận thuận lợi, phục vụ hiệu quả cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của hệ thống di tích và không gian cảnh quan tự nhiên ở đây.

b) Các công trình quảng trường, công viên cây xanh, đường dạo, chòi nghỉ... được bố trí theo hướng khai thác tối đa không gian kiến trúc cảnh quan khu vực.

Điều 5. Các quy định chủ yếu về kết nối giữa hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của đô thị

1. Mạng lưới giao thông: Các tuyến đường Huyền Trân Công Chúa, Đoàn Nhữ Hài, Lê Ngô Cát là các trục đường chính khu quy hoạch, kết nối các đường liên khu vực, khu vực của khu quy hoạch với các khu vực khác của đô thị.

2. Cao độ nền: Thiết kế san nền các khu chức năng theo hướng san nền cục bộ từng công trình, tránh đào đắp nhiều để khai thác tốt các điều kiện địa hình tự nhiên và cảnh quan khu vực. Cao độ nền xây dựng khống chế cơ bản ≥+5,5m.

a) Đối với khu vực đồi Vọng Cảnh, núi Bàu Hồ, các khu vực lăng tẩm: Cao độ nền tự nhiên khu vực đồi Vọng Cảnh ≥ +34m; khu vực núi Bàu Hồ ≥ +43m; Cao độ nền khu vực lăng tẩm theo địa hình hiện trạng.

b) Đối với khu vực dân cư hiện trạng: Khi xây dựng các công trình mới phải phù hợp với cao độ tương ứng xung quanh, tận dụng địa hình tự nhiên, có giải pháp thiết kế nền nhà, sân thích hợp, chống ngập úng.

c) Đối với khu vực xây dựng mới: Đảm bảo tuân thủ cao độ nền xây dựng khống chế và có các giải pháp về ổn định nền, ổn định mái dốc, tôn trọng địa hình tự nhiên. Đối với các khu vực địa hình dốc có thể chia thành các thềm bậc, san gạt cục bộ theo dãy nhà và quy mô công trình.

3. Thoát nước mưa:

a) Tổ chức mạng lưới thoát nước mưa bằng hệ thống rãnh thu gom nước, đổ vào các dòng suối, mương, sau đó đổ vào sông Hương và các khu vực thoát nước phụ cận.

b) Khu vực nghiên cứu chia làm 2 lưu vực thoát nước chính:

- Lưu vực 1: Nằm phía Tây và phía Nam khu quy hoạch, hướng thoát nước trực tiếp về phía sông Hương.

- Lưu vực 2: Nằm ở vị trí trung tâm và phía Đông khu quy hoạch, hướng thoát về khu vực ruộng lúa thấp trũng phía Đông, sau đó thoát ra sông Hương.

4. Cấp nước:

a) Nguồn nước: Lấy từ hệ thống cấp nước của thành phố Huế.

b) Mạng lưới: Mạng lưới đường ống trong khu vực quy hoạch được thiết kế, mạng vòng, nhánh cụt, bố trí theo các trục đường thuận tiện cho việc kết nối đến các công trình.

c) Hệ thống cấp nước phòng cháy chữa cháy: Bố trí đúng theo tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy; Các họng cứu hỏa được bố trí đảm bảo khoảng cách theo quy định.

5. Thoát nước thải và vệ sinh môi trường:

a) Thoát nước thải: Từng bước xây dựng hệ thống thoát nước thải tách riêng với hệ thống thoát nước mưa, đảm bảo tự chảy. Nước thải của các công trình cần được xử lý cục bộ bằng bể xử lý nước thải đúng quy cách, đảm bảo chất lượng nước khi đổ vào hệ thống thoát nước chung khu vực, tiến tới đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải thành phố trong tương lai.

b) Vệ sinh môi trường: Tổ chức thu gom và xử lý rác thải theo quy định.

6. Cấp điện: Lấy từ lưới điện 35kV (xuất tuyến 372) và 22kV (xuất tuyến 479) sau trạm E6 (Huế 1) 110/35/22 kV - 2x40 MVA.

7. Thông tin liên lạc: Hệ thống cáp, hộp nối được lắp đặt đồng bộ. Mạng lưới cáp bố trí ngầm theo hệ thống giao thông.

8. Xử lý chất thải rắn, nghĩa trang:

a) Xử lý chất thải rắn: Hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn phải tuân theo các quy định hiện hành về quản lý chất thải rắn, phù hợp với quy hoạch hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn đã được UBND tỉnh phê duyệt.

b) Nghĩa trang: Từng bước khoanh vùng, chỉnh trang, tiến tới di dời nghĩa địa trong khu vực quy hoạch về các khu nghĩa trang nằm trong hệ thống nghĩa trang nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

9. Một số quy định khác: Tuân theo các yêu cầu xây dựng xác định trong các dự án cụ thể. Các công trình ngầm dưới trục đường (ống cấp, thoát nước, cấp điện,...) phải được thiết kế đồng bộ theo hồ sơ thiết kế tổng hợp đường dây đường ống, khi xây dựng nhất thiết phải xây dựng các công trình ngầm trước khi xây dựng vỉa hè.

Điều 6. Các quy định chủ yếu về kiểm soát và bảo vệ môi trường đô thị đối với hệ sinh thái tự nhiên

1. Khu vực kênh, mương: Có biện pháp khơi thông, bảo vệ chống lấn chiếm các kênh, mương thoát nước tự nhiên. Kiểm soát quản lý chặt chẽ các nguồn chất thải rắn, nước thải xả vào kênh, mương trong khu vực.

2. Cảnh quan môi trường: Nghiêm cấm việc chặt, phá cây xanh. Các nguồn chất thải phải được xử lý đạt chỉ tiêu bảo vệ môi trường theo quy định của Luật bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật hiện hành trước khi thải vào các nguồn nước.

3. Không khí, tiếng ồn: Xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng đô thị hợp lý và đồng bộ kết hợp với áp dụng các biện pháp thi công tối ưu nhằm giảm thiểu thải bụi và tiếng ồn.

Điều 7. Khu vực hạn chế phát triển và khu vực không được phép xây dựng

1. Khu vực hạn chế phát triển: Các khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, đồi Vọng Cảnh, khu vực ven sông Hương của núi Bàu Hồ.

2. Khu vực không được phép xây dựng: Khu vực hành lang hệ thống hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, lưới điện, cấp nước, thoát nước, thông tin liên lạc,...).

Điều 8. Nguyên tắc kiểm soát phát triển, quản lý về không gian kiến trúc

1. Tổ chức thực hiện và quản lý phát triển đô thị phải tuân thủ theo đồ án quy hoạch đã được phê duyệt và theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

2. Không gian kiến trúc phải được bảo tồn, phát triển theo hướng giữ gìn được tính đặc trưng của một vùng có cảnh quan thiên nhiên đẹp và nhiều công trình di tích có giá trị, được gắn kết hài hòa với các hoạt động du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, cảnh quan... Khuyến khích các giải pháp bố trí công trình phân tán, mật độ thấp.

3. Kiến trúc công trình phải được nghiên cứu và kiểm soát chặt chẽ về hình thức, đường nét, màu sắc... Khuyến khích các công trình có kết cấu mái dốc, lợp ngói màu. Hạn chế các giải pháp kiến trúc công trình có hình thức kiến trúc xa lạ không phù hợp với điều kiện khí hậu, cảnh quan chung của khu vực.

4. Trang trí mặt ngoài, không sơn quét các màu tối hoặc quá sặc sỡ, sử dụng quá nhiều màu trên một công trình, có nhiều chi tiết rườm rà, phản cảm.

Điều 9. Yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường

1. Cao độ xây dựng khống chế: Đối với từng lô đất tạo độ dốc về phía các trục đường xung quanh.

2. Giao thông: Ngoài các tuyến giao thông chính đã được định hướng trong quy hoạch tỉ lệ 1/2000, các tuyến giao thông vào nhóm nhà ở, vào nhà và các đường khác được xem xét cụ thể khi thiết kế quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500).

a) Cấp điện và chiếu sáng đô thị:

- Lưới hạ thế đi nổi, kết hợp với lưới điện chiếu sáng bố trí dọc các tuyến giao thông; Đoạn qua các khu di tích, du lịch, cảnh quan sử dụng cáp ngầm.

- Chiếu sáng công cộng và chiếu sáng mặt ngoài công trình phải đảm bảo mỹ quan, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.

b) Cấp thoát nước: Các đường ống cấp, thoát nước phải được thiết kế xây dựng, lắp đặt đồng bộ, sử dụng vật liệu thích hợp, đúng quy cách, bền vững, đảm bảo mỹ quan, vệ sinh môi trường, an toàn và thuận tiện cho sử dụng.

c) Yêu cầu về bảo vệ môi trường:

- Chất thải được thu gom và vận chuyển đến khu xử lý chất thải rắn chung của thành phố Huế.

- Nước thải từ công trình xây dựng dân dụng (hộ gia đình, văn phòng làm việc, nhà hàng, cơ sở dịch vụ, nhà vệ sinh công cộng,...) bắt buộc phải xây dựng bể tự hoại hay các công trình làm sạch tại chỗ khác để xử lý đạt yêu cầu trước khi đổ vào hệ thống chung, tiến tới đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải đô thị.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 10. Khu ở

1. Khu dân cư cải tạo, chỉnh trang (có ký hiệu từ CT1 đến CT15):

a) Quy mô: Diện tích khoảng 24,6ha.

b) Chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị:

- Mật độ xây dựng thuần (net-to): ≤ 75%; Riêng đối với nhà vườn, biệt thự, mật độ xây dựng ≤ 50%.

- Chiều cao xây dựng tối đa: 3 tầng; Riêng đối với khu vực nhà vườn, biệt thự, chiều cao xây dựng tối đa 2 tầng.

c) Nguyên tắc kiểm soát phát triển, quản lý về không gian kiến trúc:

Ngoài các nội dung tại Điều 8 của Quy định này, đối với khu ở cải tạo chỉnh trang phải tạo được sự hài hoà, giữ được không gian kiến trúc cảnh quan chung. Bố trí lại hoặc điều chỉnh các khu chức năng, bổ sung hoặc mở rộng một số công trình hạ tầng xã hội của khu dân cư, nâng cao chất lượng và tiện nghi phục vụ.

d) Yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường: Ngoài những nội dung tại Điều 9 của Quy định này, cần điều chỉnh, bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường. Tăng cường trồng cây xanh trong các khu ở và theo các tuyến giao thông.

2. Khu nhà ở phân lô tái định cư (ký hiệu TĐC):

a) Quy mô: Diện tích khoảng 1,87ha.

b) Chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị:

- Mật độ xây dựng thuần (net-to): ≤ 75%.

- Chiều cao xây dựng tối đa: 3 tầng.

- Diện tích lô đất quy hoạch phân lô mới: ≥100m2.

c) Nguyên tắc kiểm soát phát triển, quản lý về không gian kiến trúc: Thực hiện theo các nội dung tại Điều 8 của Quy định này.

d) Yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường: Thực hiện theo các nội dung tại Điều 9 của Quy định này.

Điều 11. Khu công trình công cộng (ký hiệu CC)

1. Quy mô: Tổng diện tích khoảng 1,51 ha.

2. Chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị:

a) Mật độ xây dựng thuần (net-to): ≤ 40%.

b) Chiều cao xây dựng tối đa: 3 tầng.

3. Nguyên tắc kiểm soát phát triển, quản lý về không gian kiến trúc: Ngoài các nội dung tại Điều 8 của Quy định này, còn phải đảm bảo an toàn thuận tiện cho việc tiếp cận.

4. Yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường: Ngoài các nội dung tại Điều 9 của Quy định này, thì trong khu vực xây dựng phải đảm bảo đủ diện tích sân vườn, cây xanh, bãi đỗ xe.

Điều 12. Khu thương mại, dịch vụ (ký hiệu DV)

1. Quy mô: Tổng diện tích khoảng 18,5 ha

2. Chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị:

a) Mật độ xây dựng gộp (brut-tô): ≤ 25%;

b) Chiều cao xây dựng: ≤ 3 tầng.

Riêng khu vực núi Bàu Hồ và vùng tiếp giáp phía Bắc núi: tầng cao xây dựng ≤ 2 tầng; Mật độ xây dựng ≤ 15%.

3. Nguyên tắc kiểm soát phát triển, quản lý về không gian kiến trúc: Ngoài các nội dung tại Điều 8 của Quy định này, khi thiết kế các công trình thương mại dịch vụ phải bố trí đủ diện tích sân bãi cho người ra vào, để xe thuận lợi; khuyến khích việc triển khai các công trình kiến trúc có ý tưởng mới, đặc sắc, ứng dụng công nghệ mới, kiến trúc xanh (tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, sử dụng vật liệu mới...).

4. Yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường: Ngoài những nội dung tại Điều 9 của Quy định này thì ưu tiên bố trí các bãi đỗ xe nổi hoặc ngầm dưới công trình. Chất thải rắn, nước thải cần được thu gom và xử lý theo đúng quy định về vệ sinh môi trường.

Điều 13. Khu công viên, cây xanh (ký hiệu CV, CL, CQ, TL)

1. Quy mô: Tổng diện tích khoảng 60ha.

2. Mật độ xây dựng gộp (brut-tô): ≤ 5%.

3. Nguyên tắc kiểm soát phát triển, quản lý về không gian kiến trúc:

a) Không gian cây xanh phải đạt các yêu cầu thông thoáng, thẩm mỹ thuận lợi cho người dân đô thị tiếp cận và sử dụng vào mục đích luyện tập thể dục thể thao, dạo bộ, nghỉ ngơi, giải trí,...

b) Các công trình, tiểu cảnh kiến trúc phải được nghiên cứu kỹ về hình khối, màu sắc bảo đảm sự hài hoà và nhẹ nhàng.

c) Việc trồng cây xanh không ảnh hưởng đến công trình giao thông, không hư hại công trình ngầm, không gây nguy hiểm và làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.

d) Khu công viên cây xanh chỉ nến bố trí các công trình kiến trúc có quy mô nhỏ như: khu trưng bày ngoài trời, hồ nước, cây xanh, cây cảnh, các điểm dừng chân thưởng ngoạn, quán giải khát, quán sách, lưu niệm,...

4. Yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường: Phải bố trí đầy đủ các thùng rác công cộng, các khu vệ sinh công cộng. Các công trình dịch vụ trong khu vực cũng phải có đầy đủ khu vệ sinh và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Điều 14. Đất công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối (ký hiệu HT):

1. Quy mô: Tổng diện tích khoảng 12,4 ha

2. Chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị:

a) Mật độ xây dựng thuần (net-to): ≤ 20%;

b) Chiều cao xây dựng: ≤ 2 tầng.

3. Nguyên tắc kiểm soát phát triển, quản lý về không gian kiến trúc: Ngoài các nội dung tại Điều 8 của Quy định này, công trình xây dựng mới trong khu vực phải đảm bảo sự hài hòa với các công trình kiến trúc đã có và cảnh quan thiên nhiên. Trạm điện trong khu vực nên dùng trạm kín.

4. Yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường: Ngoài các nội dung tại Điều 9 Quy định này, cần tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn và các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan.

Điều 15. Khu vực các công trình lăng tẩm, di tích lịch sử - văn hóa (ký hiệu DT, LT):

1. Quy mô: Diện tích khoảng 25,2 ha.

2. Nguyên tắc kiểm soát phát triển, quản lý về không gian kiến trúc: Việc xây dựng công trình không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích. Trong đó:

a) Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó.

b) Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3. Yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường: Ngoài các nội dung tại Điều 8 Quy định này, cần tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn và các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan.

Điều 16. Khu đất sử dụng hỗn hợp (Đất công viên cây xanh, đất du lịch sinh thái...) (ký hiệu HH):

1. Quy mô: Diện tích khoảng 33,6 ha.

2. Tính chất: Khu vực này có phần lớn diện tích dành cho công viên cây xanh, ngoài ra có thể xen lẫn một số dự án về du lịch sinh thái, cảnh quan môi trường... tại các vị trí thích hợp.

3. Chỉ tiêu về sử dụng đất quy hoạch đô thị, nguyên tắc kiểm soát phát triển, quản lý về không gian kiến trúc và yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường:

Tùy vào tính chất (loại đất) của từng khu vực được xác định khi có dự án nghiên cứu triển khai cụ thể, các chỉ tiêu về sử dụng đất quy hoạch đô thị, nguyên tắc kiểm soát phát triển về không gian kiến trúc và yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tuân thủ theo các Điều quy định về loại đất đó (Điều 12 quy định đối với đất thương mại dịch vụ, Điều 13 đối với đất công viên cây xanh,...).

Điều 17. Quy định về chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng và các yêu cầu cụ thể về kỹ thuật đối với từng tuyến đường

1. Chỉ giới đường đỏ:

a) Giao thông liên khu vực;

- Đường Lê Ngô Cát (mặt cắt 1-1): lộ giới 19,5m (4,5m + 10,5m + 4,5m).

- Đường Quốc lộ 49A (mặt cắt 7-7): lộ giới 26,0m (6,0m + 14,0m + 6,0m).

b) Giao thông nội bộ:

- Đường Huyền Trân Công Chúa (đoạn từ đường Lê Ngô Cát tới đường Đoàn Nhữ Hài), đường Đoàn Nhữ Hài (đoạn từ Huyền Trân Công Chúa đến lăng Tự Đức) (mặt cắt 1 -1): lộ giới 19,5m (4,5m + 10,5m + 4,5m).

- Đường Đoàn Nhữ Hài (đoạn đi qua lăng Tự Đức) (mặt cắt 2-2): lộ giới 15m (tường lăng Tự Đức + 10,5m + 4,5m);

- Đường Đoàn Nhữ Hài (đoạn từ Lăng Tự Đức nối dài đến Quốc lộ 49A) (mặt cắt 3-3): lộ giới 16,5m (3,0m + 10,5m + 3,0m);

- Đường quy hoạch đi qua núi Bàu Hồ, đường Huyền Trân Công Chúa (đoạn từ đường Đoàn Nhữ Hài, đi dọc phía Đông khu vực đồi Vọng Cảnh đến cầu Khe Bối), đường quy hoạch đi dọc bờ sông Hương tại khu dân cư phía Nam thuộc xã Thủy Bằng (mặt cắt 4-4): lộ giới 13,5m (3,0m + 7,5m + 3,0m);

- Đường quy hoạch đi qua các khu dân cư hiện trạng (mặt cắt 5-5): lộ giới 12,0m (3,0m + 6,0m + 3,0m);

- Đường đi đạo xung quanh Lăng Tự Đức (mặt cắt 6-6): lộ giới 6,0m.

2. Chỉ giới xây dựng:

a) Đối với chỉ giới đường đỏ các trục đường:

- Đối với công trình nhà ở: lùi ≥ 5,0m so với chỉ giới đường đỏ. Riêng đối với đường kiệt: chỉ giới xây dựng được trùng chỉ giới đường đỏ (khuyến khích các công trình có độ lùi đối với các lô đất có chiều sâu ≥ 20,0m).

- Công trình công cộng, dịch vụ thương mại, công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối: lùi ≥ 5,0m so với chỉ giới đường đỏ; Riêng đối với các tuyến giao thông có lộ giới ≤ 11,5 m quy định chỉ giới xây dựng lùi ≥3,0 m so với chỉ giới đường đỏ.

b) Đối với ranh giới các lô đất tiếp giáp: lùi ≥ 2,0 m.

c) Đối với sông Hương: lùi ≥ 20,0m.

3. Cốt nền, chiều cao tầng:

a) Cốt nền:

- Đối với công trình công cộng, dịch vụ thương mại: Chiều cao cốt nền phụ thuộc phương án thiết kế kiến trúc cụ thể trong quá trình triển khai dự án.

- Đối với công trình nhà ở:

+ Công trình có chỉ giới xây dựng trùng chỉ giới đường đỏ; cốt xây dựng: +0,20m so với cốt vỉa hè (cốt ±0,00m).

+ Công trình có chỉ giới xây dựng lùi ≥ 5,0m so với chỉ giới đường đỏ; cốt xây dựng: +0,45m so với cốt vỉa hè,

b) Chiều cao tầng:

- Đối với công trình công cộng: Chiều cao cốt sàn tùy thuộc thể loại công trình áp dụng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn để thiết kế cho phù hợp.

- Đối với công trình nhà ở:

+ Nhà ở liên kế: cốt sàn tầng 1 là +3,9m so với mặt trên của nền nhà; các tầng còn lại là +3,6m.

+ Nhà ở biệt thự: cốt sàn tầng 1 cao từ +3,6m đến +3,9m so với mặt trên của nền nhà; tầng 2 cao từ +3,3m đến +3,6m.

4. Yêu cầu kỹ thuật đối với các tuyến đường: Khi thiết kế các tuyến giao thông phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các quy định pháp luật hiện hành về giao thông.

Điều 18. Quy định về nguyên tắc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đối với trục đường chính, không gian mở, điểm nhấn, công viên cây xanh

1. Nguyên tắc tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan đối với các trục đường chính:

a) Hình thức kiến trúc ngoài việc tuân thủ các quy định về nguyên tắc kiểm soát phát triển, quản lý về không gian kiến trúc đã nêu trong các Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13 tại Quy định này, các công trình kiến trúc mang tính biểu tượng, công trình điểm nhấn, công trình được xây dựng tại vị trí có ảnh hưởng trực tiếp đến diện mạo cảnh quan kiến trúc của đô thị phải được tổ chức thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc.

b) Tại các tuyến giao thông chính việc dùng màu sắc và vật liệu hoàn thiện bên ngoài công trình phải đảm bảo sự hài hoà chung cho toàn tuyến, khu vực.

c) Vỉa hè, đường đi bộ phải được xây dựng đồng bộ, phù hợp về cao độ, vật liệu, màu sắc.

d) Các tiện ích đô thị như ghế ngồi nghỉ, tuyến dành cho người khuyết tật, cột đèn chiếu sáng, biên chỉ dẫn phải đảm bảo mỹ quan, an toàn, thuận tiện, thống nhất, hài hòa với tỷ lệ công trình kiến trúc,

đ) Quy định về cây xanh cảnh quan:

- Cây xanh nên trồng cùng một loại cây theo từng tuyến đường. Không trồng cây dễ gãy đổ, cây tiết ra chất độc hại và hấp dẫn côn trùng.

- Hàng rào: có sự thống nhất chung trên toàn khu vực, kiểu dáng phải đảm bảo thông thoáng, vật liệu, màu sắc nghiên cứu nhẹ nhàng, lâu bền. Khuyến khích dùng hàng rào cây xanh có cắt xén.

e) Các bộ phận công trình được phép vượt quá chỉ giới xây dựng:

- Ban công được nhô quá chỉ giới xây dựng không quá 1,4m và không được che chắn tạo thành buồng hay lôgia (trong trường hợp chỉ giới xây dựng lùi vào sau chỉ giới đường đỏ).

- Ống thoát nước đứng, bậu cửa, gờ chỉ, bộ phận trang trí mặt ngoài: được vượt không quá 0,2m so với chỉ giới đường đỏ (trong trường hợp chỉ giới xây dựng trùng với chỉ giới đường đỏ).

- Phần ngầm dưới mặt đất: Mọi bộ phận kết cấu ngầm dưới đất của công trình không được vượt quá chỉ giới đường đỏ.

- Đối với công trình nhà ở tại các tuyến đường kiệt (cho phép chỉ giới xây dựng trùng chỉ giới đường đỏ): Ban công được nhô quá chỉ giới xây dựng và không được che chắn tạo thành buồng hay lôgia:

+ Đối với đường kiệt có lộ giới từ 7m đến 12m: là 0,9m.

+ Đối với đường kiệt có lộ giới < 7m: không được đưa các bộ phận công trình vượt quá lộ giới.

g) Các quy định khác:

- Miệng xả ống khói, ống thông hơi không được hướng ra đường phố.

- Máy điều hòa nhiệt độ không khí hạn chế đặt ở mặt tiền, không được xả nước ngưng trực tiếp lên mặt hè, đường phố.

- An toàn điện: Các công trình công cộng, dịch vụ, thương mại phải đảm bảo quy định khoảng cách hành lang an toàn lưới điện.

- An toàn giao thông:

+ Công trình kiến trúc đô thị xây mới tại các lô đất có góc tạo bởi các cạnh đường phố giao nhau phải đảm bảo không cản trở tầm nhìn, đảm bảo an toàn, thuận lợi cho người tham gia giao thông.

+ Trồng cây xanh, xây dựng công trình không được làm hạn chế tầm nhìn che khuất các biển báo hiệu, tín hiệu giao thông.

2. Các điểm nhấn kiến trúc quan trọng:

a) Công trình điểm nhấn khu vực bao gồm các cụm công trình du lịch, dịch vụ có hình thức kiến trúc đẹp, đài quan sát (ngắm cảnh), bến thuyền du lịch tại các vị trí quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến diện mạo cảnh quan kiến trúc đô thị.

b) Các công trình kiến trúc phải tuân thủ các quy định về quy hoạch đã được duyệt. Hình thức kiến trúc phù hợp không gian cảnh quan khu vực, bảo đảm yêu cầu công năng, thân thiện với môi trường, đáp ứng các tiêu chí về tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19. Sở Xây dựng, UBND thành phố Huế, UBND thị xã Hương Thủy UBND các phường Thủy Xuân, Thủy Biều và UBND xã Thủy Bằng có trách nhiệm quản lý chặt chẽ việc xây dựng các công trình tại khu quy hoạch này. Việc quản lý xây dựng được các cơ quan chức năng thực hiện căn cứ trên quy định quản lý này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc; các tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Xây dựng, UBND thành phố, UBND thị xã Hương Thủy để có hướng giải quyết.

Điều 20. Quy định này và đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực đồi Vọng Cảnh và vùng phụ cận được ấn hành lưu giữ lại tại các nơi dưới đây và phổ biến để nhân dân biết và thực hiện:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế.

4. Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế.

5. Ủy ban nhân dân thành phố Huế.

6. Ủy ban nhân dân thị xã Hương Thủy.

7. Phòng Quản lý Đô thị thành phố Huế.

8. Phòng Quản lý Đô thị thị xã Hương Thủy.

9. Ủy ban nhân dân phường Thủy Xuân.

10. Ủy ban nhân dân phường Thủy Biều.

11. Ủy ban nhân dân xã Thủy Bằng./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2102/QĐ-UBND năm 2015 về Quy định quản lý xây dựng theo đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực đồi Vọng Cảnh và vùng phụ cận do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 2102/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/10/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Văn Cao
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản