Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 210/QĐ-UB

Lào Cai, ngày 04 tháng 10 năm 1993

 

QUYẾT ĐỊNH

“BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC, QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ THU THỦY LỢI PHÍ CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TỈNH LÀO CAI”

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ban hành ngày 30 tháng 6 năm 1989;

Căn cứ vào Nghị định số 112/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ban hành ngày 25/8/1984 về việc thu thủy lợi phí các công trình thủy lợi;

Căn cứ vào Nghị định 141/CP ngày 26/9/1963 của Chính phủ ban hành điều lệ khai thác, tu sửa và bảo vệ các công trình thủy nông;

Xét yêu cầu của công tác quản lý khai thác các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất tỉnh Lào Cai;

Theo đề nghị của ông Giám đốc Sở Thủy lợi,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này bản Quy định tạm thời về tổ chức quản lý khai thác và thu thủy lợi phí các công trình thủy lợi tỉnh Lào Cai.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành, các quyết định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Giao cho các ông Giám đốc Sở Thủy lợi phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức hướng dẫn thực hiện quy định này.

Điều 4. Các ông Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thủ trưởng các Ban, Ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
CHỦ TỊCH




Nguyễn Quý Đăng

 

QUY ĐỊNH

TẠM THỜI TỔ CHỨC, QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ THU THỦY LỢI PHÍ CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TỈNH LÀO CAI
(Kèm theo quyết định số: 210/QĐ – UB ngày 4 tháng 10 năm 1993)

Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai được sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước đã xây dựng được 68 hệ thống công trình thủy lợi, 12 trạm thủy điện - hàng chục công trình cấp nước sinh hoạt vừa và nhỏ giá trị hàng trăm tỷ đồng đảm bảo tưới tiêu cho 75% diện tích canh tác phục vụ sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân trong tỉnh.

Hệ thống công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước sinh hoạt là cơ sở kinh tế kỹ thuật thuộc kết cấu hạ tầng của nền kinh tế xã hội giữ vị trí quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt đối với nông thôn và nông dân tỉnh ta. Hiệu quả mang lại rất thiết thực, song do nhiều nguyên nhân các công trình đang ngày càng bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng.

Nhằm đổi mới công tác quản lý khai thác bảo vệ các công trình thủy lợi, thực hiện nghị định 112/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về thu thủy lợi phí và nghị định 141/CP ngày 26 tháng 9 năm 1963 của Chính phủ ban hành điều lệ khai thác, sửa chữa và bảo vệ các công trình thủy lợi, nâng cao hiệu quả công trình phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân. Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành quy định về tổ chức quản lý khai thác. Thu thủy lợi phí các công trình thủy lợi. Thống nhất trên địa bàn tỉnh để các địa phương tăng cường công tác quản lý khai thác các công trình tạo thêm nguồn kinh phí để tu bổ, sửa chữa chống xuống cấp các công trình thủy lợi.

Chương thứ nhất

CÁC ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1. Các công trình thủy lợi bao gồm các công trình thủy nông phục vụ tưới tiêu, công trình cấp nước nông thôn, công trình thủy lợi thủy điện kết hợp là cơ sở vật chất kỹ thuật thuộc kết cấu hạ tầng của nên kinh tế xã hội phải được mọi người tôn trọng và bảo vệ, nghiêm cấm những hành vi xâm phạm làm hư hỏng công trình.

Điều 2. Không phân biệt nguồn vốn đầu tư các công trình thủy lợi đã có và xây dựng mới khi hoàn thành đều phải thành lập tổ chức quản lý khai thác. Việc khai thác sử dụng công trình phải theo đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm năng lực thiết kế, chống xuống cấp.

Điều 3. Nội dung quản lý khai thác công trình bao gồm:

- Quản lý toàn bộ hệ thống công trình.

- Quản lý nguồn nước, điều hòa phân phối nước cho các đối tượng hưởng lợi từ công trình.

- Quản lý kinh tế đúng chế độ nguyên tắc Nhà nước quy định.

Điều 4. Công tác quản lý công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân là hoạt động dịch vụ thuộc chi phí sản xuất và sinh hoạt. Để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Thủy lợi phí chưa thu khấu hao cơ bản, chỉ thu một phần để quản lý, tu bổ, sửa chữa thường xuyên nhằm hạn chế công trình xuống cấp. Duy trì năng lực thiết kế.

Chương thứ hai

TỔ CHỨC VÀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH

Điều 5. Sở Thủy lợi thống nhất quản lý Nhà nước về quy hoạch, kế hoạch phát triển thủy lợi và quản lý khai thác các công trình thủy lợi - thủy điện trong toàn tỉnh. Căn cứ vào yêu cầu cụ thể có thể thành lập tổ chức quản lý thủy nông cấp tỉnh để theo dõi chỉ đạo công tác quản lý khai thác các công trình thủy lợi của tỉnh.

Trước mắt tăng thêm biên chế cho phòng Thủy nông của Sở Thủy lợi một số cán bộ để chuyên trách công tác quản lý khai thác các công trình thủy lợi.

Điều 6. Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã thành lập tổ quản lý thủy nông, trước mắt biên chế không quá 3 cán bộ thuộc phòng kinh tế (hoặc phòng chỉ đạo sản xuất, phòng nông lâm nghiệp...) làm nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo công tác khai thác thủy nông có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch phục vụ sản xuất, nước sinh hoạt hàng năm của huyện. Lập kế hoạch tu bổ, sửa chữa công trình chỉ đạo hướng dẫn kiểm tra các ban quản lý thủy lợi xã thực hiện nhiệm vụ quản lý khai thác các công trình thủy lợi.

Điều 7. Huyện có công trình thủy điện thủy lợi cấp nước sinh hoạt cho huyện có thể thành lập trạm quản lý điện, nước là tổ chức sự nghiệp có thu hạch toán lấy thu bù chi do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập.

Điều 8. Ở xã thành lập Ban quản lý công trình thủy lợi gọi tắt là Ban quản lý thủy lợi xã làm nhiệm vụ quản lý toàn bộ các công trình thủy lợi xã. Lập các kế hoạch đảm bảo tưới tiêu, cấp nước sinh hoạt hàng năm, kế hoạch tu bổ, sửa chữa phát triển thủy lợi của xã, ký hợp đồng cấp nước cho các hộ dùng nước, kế hoạch thu chi thủy lợi phí theo quy định. Điều hành các tổ thủy lợi duy tu, bảo dưỡng công trình bảo đảm cung cấp nước theo đúng hợp đồng dùng nước.

Điều 9. Ban quản lý thủy lợi xã có trưởng ban (do Phó Chủ tịch hoặc Ủy viên Ủy ban) đảm nhiệm có phó ban và các thành viên do Ủy ban nhân dân xã đề nghị Ủy ban nhân dân huyện quyết định thành lập.

Hàng năm Ủy ban nhân dân huyện, thị xã xét duyệt nhiệm vụ kế hoạch, dự toán bổ sung sửa chữa công trình và thu chi thủy lợi phí cho việc quản lý khai thác công trình.

Chương thứ ba

QUY ĐỊNH VỀ THU CHI THỦY LỢI PHÍ

Điều 10. Tất cả các đối tượng dùng nước (gọi tắt la hộ) hưởng lợi từ công trình thủy lợi đều phải nộp thủy lợi phí bằng thóc theo tỷ lệ phần trăm (%) trên sản lượng thu hoạch của diện tích được tưới. Thu bằng tiền theo giá thóc thị trường tại thời điểm thu do Ủy ban nhân dân huyện, thị xã quy định.

Điều 11. Mức thủy lợi phí.

I - Đối với vùng thấp.

1 - Công trình tưới tự chảy (hồ, đập).

a - Vụ đông xuân thu từ 4 - 6,5% sản lượng thu hoạch.

b - Vụ mùa thu từ 3 - 5,5% sản lượng thu hoạch.

2 - Bơm dầu, bơm điện:

a - Vụ đông xuân thu từ 5 - 7,5% sản lượng thu hoạch.

b - Vụ mùa thu từ 4 - 6,5% sản lượng thu hoạch.

3 - Tưới rau, mầu cây ngắn ngày thu bằng 40% mức thu tưới

4 - Nuôi trồng thủy sản trong hồ thu 50đ/m2/năm.

Tính theo mặt nước hồ bình quân trong năm.

5 - Phục vụ nước sinh hoạt nông thôn thu 500đ/người/tháng.

6 - Phục vụ nước sinh hoạt huyện, thị trấn thu từ 500 - 1000đ/m3.

7 - Thủy điện lợi dụng trên hệ thống thủy lợi thu 10% sản lượng điện phát trong năm (tính theo giá điện nhà nước quy định).

II - Đối với vùng cao.

1- Công trình tưới thừ 5 ha trở lên thu bằng 50% mức thu của vùng thấp theo mức công trình tự chảy.

2 - Công trình dưới 5 ha miễn thu (hàng năm huy động các hộ dùng nước đóng góp nhân công và vật liệu để nạo vét tu sửa công trình.

3 - Mức sinh hoạt nông thôn thu 250đ/người/tháng.

4 - các đối tượng công trình khác thu bằng 50% mức thu vùng thấp.

5 - Nước sinh hoạt ở huyện lỵ, thị trấn thu từ 400-800đ/m3.

Điều 12. Miễn giảm.

Trong trường hợp thiên tai gây ra thiệt hại nặng mùa màng, địa phương có thiên tai được Nhà nước miễn giảm thủy lợi phí theo các mức sau:

1 - Thiệt hại 30% mức thu giảm 30%.

2 - Thiệt hại 30% - 50% mức thu giảm 50%.

3 - Thiệt hại trên 50% miễn thu.

Việc miễn giảm do Ủy ban nhân dân xã đề nghị Chi cục thuế, phòng tài chính huyện, thị xem xét Ủy ban nhân dân huyện, thị xã quyết định.

Điều 13. Cơ cấu chi thủy lợi phí.

Nguồn thu thủy lợi phí chỉ được chi cho việc tu bổ, sửa chữa công trình thủy lợi về chi cho công tác quản lý khai thác vận hành công trình. Nghiêm cấm việc chi tiêu không đúng mục đích. Mức chi được phân bổ như sau:

1 - Chi cho Ban quản lý (điều hành và vận hành công trình) là 15% số thu.

2 - Chi tu bổ, sửa chữa công trình là: 65% số thu.

3 - Chi nộp ngân sách xã: 5% số thu.

4 - Chi hành chính phí: 5% số thu.

5 - Chi khen thưởng: 5% số thu.

Điều 14. Ban quản lý thủy lợi xã thu thủy lợi phí nộp vào ngân sách xã, hàng năm lập kế hoạch thu chi do Ủy ban Nhân dân huyện duyệt. Việc quản lý sử dụng thủy lợi phí phải theo đúng chế độ tài chính, kế hoạch của Nhà nước. Sở Tài chính, Sở Thủy lợi, Chi cục Thuế hướng dẫn cụ thể để các ban quản lý thủy lợi thực hiện.

Chương thứ bốn

DỬ DỤNG KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH

Điều 15. Việc khai thác sử dụng công trình phải thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật. Các công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, chủ đầu tư phải bàn giao cho bên nhận công trình hồ sơ thiết kế và bản quy trình vận hành sử dụng công trình.

Các công trình hiện nay chưa có bản quy trình vận hành cơ quan chuyên môn ở huyện, thị xã lập bản quy trình vận hành sử dụng, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã phê duyệt.

Điều 16. Ban quản lý thủy lợi xã phải thường xuyên kiểm tra công trình, nắm vững khả năng nguồn nước tưới mỗi vụ. Cân đối yêu cầu dùng nước để có kế hoạch cấp nước hợp lý. Các hồ chứa phải được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân huyện, thị xã bằng văn bản mới được tháo hồ cạn.

Điều 17. Việc khai thác sử dụng phải đúng quy trình kỹ thuật đã ban hành, toàn bộ hệ thống công trình phải được bảo vệ những nơi nguy hiểm phải có biển báo, biển cấm, hàng rào. Thường xuyên kiểm tra phát hiện những hiện tượng gây mất ổn định cho công trình. Không được tự ý thay đổi hoặc cải tạo lại công trình khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trước mùa mưa bão phải kiểm tra hệ thống công trình có phương án phòng chống mưa lũ, khi xảy ra thiệt hại làm hư hỏng công trình phải được xử lý ngay, trường hợp vượt quá khả năng phải báo cáo cụ thể lên cấp trên để giải quyết.

Điều 18. Đối với những công trình quan trọng cần phối hợp với các cơ quan chức năng để bảo vệ.

Các công trình xây dựng hoàn thành bàn giao phải có tổ chức quản lý khai thác mới đưa công trình vào sử dụng.

Chương thứ năm

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 19. Đơn vị, cá nhân có thành tích trong việc quản lý khai thác, bảo vệ và thu nộp thủy lợi phí hàng năm sẽ được khen thưởng theo chế dộ của Nhà nước.

Điều 20. Những hành vi vi phạm bản quy trình này gây tổn hại công trình tùy theo mức độ nặng nhẹ sẽ xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người có trách nhiệm quản lý, bảo vệ các công trình vì vụ lợi, vi phạm quy định này thì tùy mức độ vi phạm mà xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm trước pháp luật.

Hộ dùng nước không đúng quy định, tự ý phá vỡ công trình gây thiệt hại ngoài việc xử phạt còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Chương thứ sáu

ĐIỀU KHOẢN THỰC HIỆN

Điều 21. Ủy ban Nhân dân tỉnh giao cho Sở Thủy lợi, Sở Tài chính - vật giá phối hợp với các ngành liên quan có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện quy định này.

Điều 22. Quy định này có hiệu lực từ ngày ban hành, các quy định trái với quy định này đều bãi bỏ.

Điều 23. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thủ trưởng cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành quy định này.