Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2020/QĐ-UBND

Phú Thọ, ngày 16 tháng 11 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC TỰ QUẢN VỀ AN NINH, TRẬT TỰ TRONG CƠ QUAN, DOANH NGHIỆP, NHÀ TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 06/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội;

Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tự quản về an ninh, trật tự trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2020.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ:
- Website Chính phủ:
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp:
- Cục Pháp chế và CCHC, Tư pháp - Bộ Công an:
- TTTU, TTHĐND, UBMTTQ tỉnh:
- CT, các PCT UBND tỉnh:
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh:
- UBND các huyện, thành, thị:
- CVP, các PCVP UBND tỉnh:
- Cổng thông tin điện tử tỉnh:
- Trung tâm Công báo tin học:
- CV: NCTH;
- Lưu: VT, NC2 (Tr-80b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Bùi Văn Quang

 

QUY ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC TỰ QUẢN VỀ AN NINH, TRẬT TỰ TRONG CƠ QUAN, DOANH NGHIỆP, NHÀ TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 21/2020/QĐ-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2020 của UBND tỉnh Phú Thọ)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tự quản về an ninh, trật tự (viết tắt là ANTT) trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; chế độ, chính sách và trách nhiệm của lực lượng Công an, Thủ trưởng cơ quan, Người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp (sau đây gọi chung là người quản lý doanh nghiệp), Người đại diện hợp pháp của cơ sở giáo dục (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng nhà trường) đối với các tổ chức tự quản về ANTT trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các tổ chức tự quản về ANTT và thành viên của tổ chức tự quản về ANTT trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường, gồm:

a) Tổ Nhân viên tự quản về ANTT trong cơ quan.

b) Tổ Công nhân tự quản về ANTT trong doanh nghiệp.

c) Tổ Nhà giáo tự quản về ANTT và Tổ Người học tự quản về ANTT trong nhà trường.

2. Các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ thuộc diện đối tượng đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT” hằng năm theo quy định của Bộ Công an.

3. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến công tác xây dựng, củng cố, duy trì hoạt động các tổ chức tự quản về ANTT trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường theo Quy định này.

Điều 3. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động

1. Các tổ chức tự quản về ANTT trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ về kinh phí, hoạt động theo cơ chế: Cấp ủy Đảng lãnh đạo (đối với cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường có tổ chức Đảng); Thủ trưởng cơ quan, Người quản lý doanh nghiệp, Hiệu trưởng nhà trường quyết định thành lập, kiện toàn và trực tiếp quản lý, điều hành, đánh giá, phân loại tổ chức tự quản về ANTT; các tổ chức, đoàn thể trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường phối hợp thực hiện; lực lượng bảo vệ của cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường làm nòng cốt; cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, người lao động trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường tham gia.

2. Hoạt động của tổ chức tự quản về ANTT trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường phải tuân theo pháp luật. Nghiêm cấm lợi dụng danh nghĩa hoạt động tự quản về ANTT trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường để tổ chức hội nhóm mang tính bè phái, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, vi phạm pháp luật.

3. Thủ trưởng cơ quan, Người quản lý doanh nghiệp, Hiệu trưởng nhà trường căn cứ chức năng, nhiệm vụ; tính chất đặc thù; phạm vi, yêu cầu nhiệm vụ giữ gìn ANTT của cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường; số lượng cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, người lao động tự nguyện tham gia tổ chức tự quản về ANTT... để quyết định thành lập một hay nhiều tổ chức tự quản về ANTT cho phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ ANTT của cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường.

4. Mối quan hệ giữa các tổ chức tự quản về ANTT trong từng cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường là mối quan hệ phối hợp nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường.

Chương II

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC TỰ QUẢN VỀ ANTT TRONG CƠ QUAN, DOANH NGHIỆP, NHÀ TRƯỜNG

Mục 1. TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ NHÂN VIÊN TỰ QUẢN VỀ ANTT TRONG CƠ QUAN

Điều 4. Tổ chức của Tổ Nhân viên tự quản về ANTT

1. Tổ Nhân viên tự quản về ANTT là mô hình tự quản về ANTT và thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được thành lập ở cơ quan. Mỗi cơ quan thành lập một hoặc nhiều Tổ Nhân viên tự quản về ANTT trên cơ sở lựa chọn những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có khả năng, điều kiện và tự nguyện, tự giác tham gia công tác bảo đảm ANTT tại cơ quan.

2. Tổ Nhân viên tự quản về ANTT do Thủ trưởng cơ quan quyết định thành lập theo đề nghị của bộ phận Hành chính - Tổ chức (phòng, ban, tổ, đội hoặc nhân viên phụ trách công tác Hành chính - Tổ chức - Nhân sự) của cơ quan; mỗi Tổ Nhân viên tự quản về ANTT có tối thiểu 03 thành viên trở lên, trong đó có đại diện các phòng, ban, tổ, đội, tổ chức đoàn thể (Công đoàn, Phụ nữ, Thanh niên, Tự vệ, Bảo vệ...).

3. Thành viên Tổ Nhân viên tự quản về ANTT là những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có tinh thần trách nhiệm trong công việc, gương mẫu chấp hành pháp luật, tích cực tham gia công tác bảo đảm ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại cơ quan.

4. Mỗi Tổ Nhân viên tự quản về ANTT có Tổ trưởng và một hoặc nhiều Tổ phó để điều hành hoạt động của Tổ. Tổ trưởng và Tổ phó là người có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, sức khỏe, nhiệt tình, trách nhiệm, do các thành viên trong Tổ bầu hoặc lựa chọn, giới thiệu, đề nghị Thủ trưởng cơ quan quyết định chỉ định.

5. Khi thay đổi hoặc bổ sung Tổ trưởng, Tổ phó, thành viên Tổ Nhân viên tự quản về ANTT thì Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) báo cáo đề nghị Thủ trưởng cơ quan quyết định kiện toàn.

Điều 5. Nhiệm vụ của Tổ Nhân viên tự quản về ANTT

1. Tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan về công tác bảo đảm ANTT đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan; tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác bảo vệ ANTT; làm nòng cốt trong công tác vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cơ quan và nơi cư trú.

2. Tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật; tự giác quản lý, bảo vệ tài sản của cơ quan, cá nhân, đồng nghiệp và khách đến làm việc tại cơ quan; mạnh dạn tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và những hành vi vi phạm pháp luật tại cơ quan.

3. Chủ động nắm tình hình liên quan đến ANTT, kịp thời phát hiện những biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật trong cơ quan để phản ánh, đề xuất Thủ trưởng cơ quan có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.

4. Tham gia xây dựng Quy định về ANTT của cơ quan; tham gia xây dựng và tổ chức luyện tập phương án vây bắt tội phạm, phương án phòng cháy, chữa cháy ở cơ quan.

5. Khi xảy ra vụ việc gây mất ANTT tại cơ quan phải kịp thời báo cáo Thủ trưởng cơ quan chỉ đạo, giải quyết; đồng thời khẩn trương có mặt tại hiện trường để ngăn chặn, hạn chế hậu quả, thiệt hại có thể xảy ra; tham gia cấp cứu người bị nạn (nếu có), bảo vệ hiện trường, nắm tình hình liên quan để cung cấp cho lực lượng chức năng xác minh, giải quyết.

6. Tổ chức thực hiện các hoạt động tuần tra, canh gác, bảo vệ; phòng, chống cháy, nổ; bảo vệ môi trường tại cơ quan. Chủ động phát hiện, kịp thời xử lý, hòa giải những mâu thuẫn nội bộ tại cơ quan. Nắm bắt, phản ánh và đề nghị Thủ trưởng cơ quan giải quyết những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

7. Tham gia đánh giá, đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT” và đề nghị phân loại phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đối với cơ quan; báo cáo Thủ trưởng cơ quan biểu dương, khen thưởng hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại cơ quan.

Điều 6. Hoạt động của Tổ Nhân viên tự quản về ANTT

1. Tổ Nhân viên tự quản về ANTT hoạt động dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng; sự quản lý, điều hành của Thủ trưởng cơ quan; phối hợp với các phòng, ban, tổ, đội, các lực lượng, tổ chức đoàn thể (Công đoàn, Phụ nữ, Thanh niên, Tự vệ, Bảo vệ...) của cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc tại cơ quan.

2. Tổ trưởng, Tổ phó và các thành viên Tổ Nhân viên tự quản về ANTT hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

3. Tổ Nhân viên tự quản về ANTT mỗi quý họp ít nhất một lần để kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT, thảo luận thống nhất nội dung, biện pháp bảo đảm ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để kiến nghị Thủ trưởng cơ quan chỉ đạo tổ chức thực hiện.

4. Tổ trưởng triệu tập, chủ trì các cuộc họp, phân công thành viên ghi chép sổ nghị quyết và chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức và điều hành mọi hoạt động của Tổ; đồng thời trực tiếp quản lý, lưu giữ các loại hồ sơ, tài liệu, sổ sách của Tổ.

5. Tổ phó giúp việc cho Tổ trưởng tổng hợp tình hình để báo cáo Thủ trưởng cơ quan và thay Tổ trưởng chỉ đạo, điều hành hoạt động của Tổ khi được Tổ trưởng ủy quyền.

6. Các thành viên Tổ Nhân viên tự quản về ANTT có trách nhiệm trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Tổ trưởng.

Mục 2. TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CÔNG NHÂN TỰ QUẢN VỀ ANTT TRONG DOANH NGHIỆP

Điều 7. Tổ chức của Tổ Công nhân tự quản về ANTT

1. Tổ Công nhân tự quản về ANTT là mô hình tự quản về ANTT và thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được thành lập ở doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp thành lập một hoặc nhiều Tổ Công nhân tự quản về ANTT trên cơ sở lựa chọn những công nhân, viên chức, người lao động có khả năng, điều kiện và tự nguyện, tự giác tham gia công tác bảo đảm ANTT tại doanh nghiệp.

2. Tổ Công nhân tự quản về ANTT do Người quản lý doanh nghiệp quyết định thành lập theo đề nghị của bộ phận Hành chính - Tổ chức (phòng, ban, đội hoặc nhân viên phụ trách công tác Hành chính - Tổ chức - Nhân sự) của doanh nghiệp, mỗi Tổ Công nhân tự quản về ANTT có tối thiểu 03 thành viên trở lên, trong đó có đại diện các phòng, ban, tổ, đội, tổ chức đoàn thể (Công đoàn, Phụ nữ, Thanh niên, Tự vệ, Bảo vệ...).

3. Thành viên Tổ Công nhân tự quản về ANTT là nhưng công nhân, viên chức có tinh thần trách nhiệm trong công việc, gương mẫu chấp hành pháp luật, tích cực tham gia công tác bảo đảm ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại doanh nghiệp.

4. Mỗi Tổ Công nhân tự quản về ANTT có Tổ trưởng và một hoặc nhiều Tổ phó để điều hành hoạt động của Tổ. Tổ trưởng và Tổ phó là người có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, sức khoẻ, nhiệt tình, trách nhiệm, do các thành viên trong Tổ bầu hoặc lựa chọn, giới thiệu, đề nghị Người quản lý doanh nghiệp quyết định chỉ định.

5. Khi thay đổi hoặc bổ sung Tổ trưởng, Tổ phó, thành viên Tổ Công nhân tự quản về ANTT thì Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) báo cáo đề nghị Người quản lý doanh nghiệp quyết định kiện toàn.

Điều 8. Nhiệm vụ của Tổ Công nhân tự quản về ANTT

1. Tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định của doanh nghiệp về công tác bảo đảm ANTT đến toàn thể công nhân, viên chức, người lao động của doanh nghiệp, tham mưu cho Người quản lý doanh nghiệp chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác bảo vệ ANTT; làm nòng cốt trong công tác vận động công nhân, viên chức, người lao động tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở doanh nghiệp và nơi cư trú.

2. Tuyên truyền, vận động công nhân, viên chức, người lao động của doanh nghiệp nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật; tự giác quản lý, bảo vệ tài sản của doanh nghiệp, cá nhân, đồng nghiệp và khách đến làm việc tại doanh nghiệp; mạnh dạn tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và những hành vi vi phạm pháp luật tại doanh nghiệp.

3. Chủ động nắm tình hình liên quan đến ANTT, kịp thời phát hiện những biểu hiện tiêu cực, hành vi vi phạm pháp luật, gây mất ANTT tại doanh nghiệp như tuyên truyền phát triển đạo trái phép, đình công, lãn công trái quy định pháp luật, khiếu kiện hoặc tụ tập đông người trái pháp luật, lộ lọt công nghệ, bí mật nhà nước... để phản ánh, đề xuất Người quản lý doanh nghiệp có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.

4. Tham gia xây dựng Quy định về ANTT của doanh nghiệp; tham gia xây dựng và tổ chức luyện tập phương án vây bắt tội phạm, phương án phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống tai nạn lao động, nâng cao an toàn lao động; bảo vệ môi trường tại doanh nghiệp.

5. Khi xảy ra vụ việc gây mất ANTT tại doanh nghiệp phải kịp thời báo cáo Người quản lý doanh nghiệp chỉ đạo, giải quyết; đồng thời khẩn trương có mặt tại hiện trường để ngăn chặn, hạn chế hậu quả, thiệt hại có thể xảy ra; tham gia cấp cứu người bị nạn (nếu có), bảo vệ hiện trường, nắm tình hình liên quan để cung cấp cho lực lượng chức năng xác minh, giải quyết.

6. Chủ động phát hiện, kịp thời xử lý, hòa giải những mâu thuẫn nội bộ trong công nhân, viên chức, người lao động. Nắm bắt, phản ánh và đề nghị Người quản lý doanh nghiệp giải quyết những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động.

7. Tham gia đánh giá, đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT” và đề nghị phân loại phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đối với doanh nghiệp; báo cáo Người quản lý doanh nghiệp biểu dương, khen thưởng hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại doanh nghiệp.

Điều 9. Hoạt động của Tổ Công nhân tự quản về ANTT

1. Tổ Công nhân tự quản về ANTT hoạt động dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng (đối với doanh nghiệp có tổ chức cơ sở Đảng); sự quản lý, điều hành của Người quản lý doanh nghiệp; phối hợp với các phòng, ban, tổ, đội, các lực lượng, tổ chức đoàn thể (Công đoàn, Phụ nữ, Thanh niên, Tự vệ, Bảo vệ...) của doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại doanh nghiệp.

2. Tổ trưởng, Tổ phó và các thành viên Tổ Công nhân tự quản về ANTT hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, gắn với các ca, tổ, đội sản xuất.

3. Tổ Công nhân tự quản về ANTT mỗi quý họp ít nhất một lần để kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT, thảo luận thống nhất nội dung, biện pháp bảo đảm ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để kiến nghị Người quản lý doanh nghiệp chỉ đạo tổ chức thực hiện.

4. Tổ trưởng triệu tập, chủ trì các cuộc họp, phân công thành viên ghi chép sổ nghị quyết và chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức và điều hành mọi hoạt động của Tổ; đồng thời trực tiếp quản lý, lưu giữ các loại hồ sơ, tài liệu, sổ sách của Tổ.

5. Tổ phó giúp việc Tổ trưởng tổng hợp tình hình để báo cáo Người quản lý doanh nghiệp và thay Tổ trưởng chỉ đạo, điều hành hoạt động của Tổ khi được Tổ trưởng uỷ quyền.

6. Các thành viên Tổ Công nhân tự quản về ANTT có trách nhiệm trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Tổ trưởng.

Mục 3. TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ NHÀ GIÁO TỰ QUẢN VỀ ANTT TRONG NHÀ TRƯỜNG

Điều 10. Tổ chức của Tổ Nhà giáo tự quản về ANTT

1. Tổ Nhà giáo tự quản về ANTT là mô hình tự quản về ANTT và thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được thành lập ở nhà trường. Mỗi nhà trường thành lập một hoặc nhiều Tổ Nhà giáo tự quản về ANTT trên cơ sở lựa chọn những cán bộ, giáo viên, nhân viên có khả năng, điều kiện và tự nguyện, tự giác tham gia công tác bảo đảm ANTT tại nhà trường.

2. Tổ Nhà giáo tự quản về ANTT do Hiệu trưởng nhà trường quyết định thành lập theo đề nghị của bộ phận Hành chính - Tổ chức (phòng, ban, tổ, đội hoặc nhân viên phụ trách công tác Hành chính - Tổ chức - Nhân sự) của nhà trường; mỗi Tổ Nhà giáo tự quản về ANTT có tối thiểu 03 thành viên trở lên, trong đó có đại diện các khoa, phòng, ban, tổ, tổ chức đoàn thể (Công đoàn, Phụ nữ, Thanh niên, Tự vệ, Bảo vệ...) tham gia.

3. Thành viên Tổ Nhà giáo tự quản về ANTT là những cán bộ, giáo viên, nhân viên có tinh thần trách nhiệm trong công việc, gương mẫu chấp hành pháp luật, tích cực tham gia công tác bảo đảm ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại nhà trường.

4. Mỗi Tổ Nhà giáo tự quản về ANTT có Tổ trưởng và một hoặc nhiều Tổ phó để điều hành hoạt động của Tổ. Tổ trưởng và Tổ phó là người có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, sức khoẻ, nhiệt tình, trách nhiệm, do các thành viên trong Tổ bầu hoặc lựa chọn, giới thiệu, đề nghị Hiệu trưởng nhà trường quyết định chỉ định.

5. Khi thay đổi hoặc bổ sung Tổ trưởng, Tổ phó, thành viên Tổ Nhà giáo tự quản về ANTT thì Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) báo cáo đề nghị Hiệu trưởng nhà trường quyết định kiện toàn.

Điều 11. Nhiệm vụ của Tổ Nhà giáo tự quản về ANTT

1. Tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của nhà trường về công tác bảo đảm ANTT đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên của nhà trường; tham mưu cho Hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác bảo vệ ANTT; làm nòng cốt trong công tác vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong nhà trường và nơi cư trú.

2. Tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên của nhà trường nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật; tự giác quản lý, bảo vệ tài sản của nhà trường, cá nhân, đồng nghiệp và khách đến làm việc tại nhà trường; mạnh dạn tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và những hành vi vi phạm pháp luật tại nhà trường.

3. Chủ động nắm tình hình liên quan đến ANTT, kịp thời phát hiện những biểu hiện tiêu cực, hành vi vi phạm pháp luật, bạo lực học đường, gây mất ANTT trong nhà trường để phản ánh, đề xuất Hiệu trưởng nhà trường có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.

4. Tham gia xây dựng các quy định của nhà trường về công tác bảo đảm ANTT, phòng, chống bạo lực học đường, bảo vệ môi trường; tổ chức luyện tập phương án vây bắt tội phạm, phương án phòng cháy, chữa cháy trong nhà trường.

5. Khi xảy ra vụ việc gây mất ANTT tại nhà trường phải kịp thời báo cáo Hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo, giải quyết; đồng thời khẩn trương có mặt tại hiện trường để ngăn chặn, hạn chế hậu quả, thiệt hại có thể xảy ra; tham gia cấp cứu người bị nạn (nếu có), bảo vệ hiện trường, nắm tình hình liên quan để cung cấp cho lực lượng chức năng xác minh, giải quyết.

6. Chủ động phát hiện, kịp thời xử lý, hòa giải những mâu thuẫn nội bộ giữa các thành viên trong nhà trường. Nắm bắt, phản ánh và đề nghị Hiệu trưởng nhà trường giải quyết những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, nhà giáo, người học.

7. Trực tiếp theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động các Tổ Người học tự quản về ANTT của nhà trường.

8. Tham gia đánh giá, đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT” và đề nghị phân loại phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đối với nhà trường; báo cáo Hiệu trưởng nhà trường biểu dương, khen thưởng hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại nhà trường.

Điều 12. Hoạt động của Tổ Nhà giáo tự quản về ANTT

1. Tổ Nhà giáo tự quản về ANTT hoạt động dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng; sự quản lý, điều hành của Hiệu trưởng nhà trường; phối hợp với các khoa, phòng, ban, tổ, các lực lượng, tổ chức đoàn thể (Công đoàn, Phụ nữ, Thanh niên, Tự vệ, Bảo vệ...) của nhà trường trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại nhà trường.

2. Tổ trưởng, Tổ phó và các thành viên Tổ Nhà giáo tự quản về ANTT hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

3. Tổ Nhà giáo tự quản về ANTT mỗi quý họp ít nhất một lần để kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT, thảo luận thống nhất các nội dung, biện pháp bảo đảm ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để kiến nghị Hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo tổ chức thực hiện.

4. Tổ trưởng triệu tập, chủ trì các cuộc họp, phân công thành viên ghi chép số nghị quyết và chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức và điều hành mọi hoạt động của Tổ; đồng thời trực tiếp quản lý, lưu giữ các loại hồ sơ, tài liệu, sổ sách của Tổ.

5. Tổ phó giúp việc Tổ trưởng tổng hợp tình hình để báo cáo Hiệu trưởng nhà trường và thay Tổ trưởng chỉ đạo, điều hành hoạt động của Tổ khi được Tổ trưởng ủy quyền.

6. Các thành viên Tổ Nhà giáo tự quản về ANTT có trách nhiệm trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Tổ trưởng.

Mục 4. TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ NGƯỜI HỌC TỰ QUẢN VỀ ANTT TRONG NHÀ TRƯỜNG

Điều 13. Tổ chức của Tổ Người học tự quản về ANTT

1. Tổ Người học tự quản về ANTT là mô hình tự quản về ANTT và thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được thành lập ở nhà trường. Mỗi nhà trường (từ cấp trung học cơ sở trở lên) thành lập một hoặc nhiều Tổ Người học tự quản về ANTT trên cơ sở lựa chọn những học sinh, sinh viên, học viên có khả năng, điều kiện và tự nguyện, tự giác tham gia giữ gìn ANTT tại nhà trường.

2. Tổ Người học tự quản về ANTT do Hiệu trưởng nhà trường quyết định thành lập theo đề nghị của tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (hoặc tổ chức Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh) của nhà trường.

3. Thành viên Tổ Người học tự quản về ANTT là những học sinh, sinh viên, học viên có tinh thần trách nhiệm đối với công tác giữ gìn ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của nhà trường; gương mẫu chấp hành nội quy, quy định của nhà trường và lớp học.

4. Mỗi Tổ Người học tự quản về ANTT có tối thiểu 03 thành viên trả lên, có Tổ trưởng và một hoặc nhiều Tổ phó để điều hành hoạt động của Tổ. Tổ trưởng và Tổ phó là những học sinh, sinh viên, học viên có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, sức khỏe, nhiệt tình, trách nhiệm, do các thành viên trong Tổ bầu hoặc lựa chọn, giới thiệu Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (hoặc tổ chức Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh) của nhà trường đề nghị Hiệu trưởng nhà trường quyết định chỉ định.

5. Khi thay đổi hoặc bổ sung Tổ trưởng, Tổ phó, thành viên Tổ Người học tự quản về ANTT thì Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) báo cáo Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (hoặc Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh) của nhà trường đề nghị Hiệu trưởng nhà trường quyết định kiện toàn.

Điều 14. Nhiệm vụ của Tổ Người học tự quản về ANTT

1. Tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên, học viên trong nhà trường nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật; tự giác bảo vệ tài sản của nhà trường, cá nhân và của học sinh, sinh viên khác trong nhà trường và khu ký túc xá; phát hiện, tố giác những hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm nội quy, quy định của nhà trường và lớp học.

2. Chủ động phát hiện những hành vi tiêu cực, hành vi vi phạm pháp luật, hành vi bạo lực học đường, xâm hại tình dục, gây mất ANTT trong nhà trường, khu ký túc xá để phản ánh, đề xuất Tổ Nhà giáo tự quản về ANTT có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.

3. Tham gia xây dựng các quy định của nhà trường về công tác bảo đảm ANTT; phòng, chống bạo lực học đường; phòng, chống cháy, nổ; tham gia các hoạt động giữ gìn trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường khu vực cổng trường và trong khuôn viên nhà trường, khu ký túc xá.

4. Khi xảy ra vụ việc gây mất ANTT tại nhà trường phải kịp thời báo cáo Tổ Nhà giáo tự quản về ANTT giải quyết; đồng thời thực hiện các nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của Tổ Nhà giáo tự quản về ANTT và nắm tình hình liên quan để cung cấp cho lực lượng chức năng xác minh, giải quyết.

5. Kịp thời phát hiện, hòa giải những mâu thuẫn giữa người học với người học; xây dựng môi trường học tập đoàn kết, lành mạnh. Nắm bắt, phản ánh Tổ Nhà giáo tự quản về ANTT đề nghị Hiệu trưởng nhà trường giải quyết những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của học sinh, sinh viên, học viên.

6. Hướng dẫn học sinh, sinh viên, học viên ký cam kết thực hiện nội quy, quy định của nhà trường và lớp học; ký cam kết xây dựng nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT”; báo cáo Tổ Nhà giáo tự quản về ANTT đề nghị Hiệu trưởng nhà trường biểu dương, khen thưởng hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân học sinh, sinh viên, học viên có thành tích xuất sắc trong công tác giữ gìn ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại nhà trường.

Điều 15. Hoạt động của Tổ Người học tự quản về ANTT

1. Tổ Người học tự quản về ANTT hoạt động dưới sự lãnh đạo của Hiệu trưởng nhà trường; sự quản lý, điều hành của Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (hoặc Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh) của nhà trường; sự theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động trực tiếp của Tổ Nhà giáo tự quản về ANTT.

2. Tổ trưởng, Tổ phó và các thành viên Tổ Người học tự quản về ANTT hoạt động trên cơ sở tự nguyện tham gia.

3. Theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của Tổ Nhà giáo tự quản về ANTT, Tổ trưởng tổ chức họp, phân công thành viên ghi chép sổ nghị quyết, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Tổ và chịu trách nhiệm đối với mọi hoạt động của Tổ, đồng thời trực tiếp quản lý, lưu giữ hồ sơ, tài liệu, sổ sách của Tổ.

4. Tổ phó giúp việc Tổ trưởng tổng hợp tình hình để báo cáo Tổ Nhà giáo tự quản về ANTT, thay Tổ trưởng điều hành hoạt động của Tổ khi được Tổ trưởng ủy quyền.

5. Các thành viên Tổ Người học tự quản về ANTT có trách nhiệm trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Tổ trưởng.

6. Kết thúc học kỳ và tổng kết năm học, Tổ Người học tự quản về ANTT tổ chức để kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ giữ gìn ANTT và báo cáo Tổ Nhà giáo tự quản về ANTT đề xuất Hiệu trưởng nhà trường các nội dung, biện pháp bảo đảm ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Chương III

CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, DOANH NGHIỆP, NHÀ TRƯỜNG VÀ LỰC LƯỢNG CÔNG AN ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC TỰ QUẢN VỀ ANTT

Điều 16. Chế độ, chính sách đối với tổ chức tự quản về ANTT trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường

1. Tổ trưởng, Tổ phó và các thành viên tổ chức tự quản về ANTT khi tham gia công tác bảo vệ ANTT tại cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản theo quy định pháp luật. Do tham gia công tác bảo vệ ANTT mà bị tổn hại danh dự thì được phục hồi theo quy định pháp luật, bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù; bị tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì được xem xét để hưởng chế độ chính sách theo quy định pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

2 . Tổ trưởng, Tổ phó và các thành viên tổ chức tự quản về ANTT được cung cấp thông tin, thông báo tình hình ANTT; được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, biện pháp bảo vệ ANTT và được tham dự các cuộc họp liên quan đến công tác bảo vệ ANTT tại cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường.

Điều 17. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan cơ quan, Người quản lý doanh nghiệp, Hiệu trưởng nhà trường và lực lượng Công an đối với tổ chức tự quản về ANTT trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường

1. Thủ trưởng cơ quan cơ quan, Người quản lý doanh nghiệp, Hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo các bộ phận thuộc quyền quản lý tổ chức tuyên truyền, vận động, tổng hợp danh sách cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, người lao động trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường tự nguyện tham gia tổ chức tự quản về ANTT. Quyết định thành lập, chỉ đạo và tổ chức sơ kết, phân loại, đánh giá kết quả hoạt động của tổ chức tự quản về ANTT trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường do mình quản lý.

2. Lực lượng Công an chủ động tham mưu, hướng dẫn Thủ trưởng cơ quan, Người quản lý doanh nghiệp, Hiệu trưởng nhà trường (theo phân cấp quản lý) quyết định thành lập, kiện toàn các tổ chức tự quản về ANTT, đảm bảo phù hợp vơi tình hình thực tiễn và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường. Đồng thời hướng dẫn các tổ chức tự quản về ANTT trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường hoạt động hiệu quả.

Điều 18. Phân loại tổ chức tự quản về ANTT trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường

1. Giao Công an tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Tiêu chí đánh giá, phân loại chất lượng hoạt động của các tổ chức tự quản về ANTT trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường.

2. Hằng năm, Thủ trưởng cơ quan, Người quản lý doanh nghiệp, Hiệu trưởng nhà trường tổ chức đánh giá, phân loại chất lượng hoạt động của các tổ chức tự quản về ANTT trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường theo hướng dẫn của UBND tỉnh.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19. Tổ chức thực hiện

1. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.

2. Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo lực lượng Công an cùng cấp chủ động phối hợp, hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường (theo phân cấp quản lý) quyết định thành lập, kiện toàn, duy trì hoạt động các tổ chức tự quản về ANTT trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường.

3. Thủ trưởng cơ quan, Người quản lý doanh nghiệp, Hiệu trưởng nhà trường phổ biến, quán triệt Quy định này và tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, người lao động tham gia tổ chức tự quản về ANTT trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường.

Điều 20. Thi đua, khen thưởng, kỷ luật

1. Kết quả thành lập, kiện toàn và củng cố, duy trì hoạt động các tổ chức tự quản về ANTT trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường là một tiêu chí để đánh giá, phân loại phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hằng năm đối với cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường.

2. Tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng, củng cố và duy trì hoạt động hiệu quả các tổ chức tự quản về ANTT trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường được khen thưởng theo quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng; các tổ chức, cá nhân vi phạm Quy định này tùy theo mức độ vi phạm bị xử lý theo quy định pháp luật hiện hành.

Điều 21. Kinh phí hoạt động của tổ chức tự quản về ANTT trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường

1. Thủ trưởng cơ quan, Người quản lý doanh nghiệp, Hiệu trưởng nhà trường quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, các trang thiết bị và kinh phí từ nguồn ngân sách hoặc nguồn thu hợp pháp khác để hỗ trợ các tổ chức tự quản về ANTT trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường hoạt động hiệu quả.

2. Các tổ chức tự quản về ANTT trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường chủ động huy động kinh phí xã hội hóa hoặc từ nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân.

3. Việc thu, chi, quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của tổ chức tự quản về ANTT được thực hiện theo quy định pháp luật, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 21/2020/QĐ-UBND quy định về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tự quản về an ninh, trật tự trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

  • Số hiệu: 21/2020/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/11/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Người ký: Bùi Văn Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/12/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản