Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2020/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 05 tháng 5 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI VIỆC THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 18/6/2012;

Căn cứ Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết Khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 95/TTr-SLĐTBXH ngày 27/4/2020 và của Sở Tư pháp tại Báo cáo thẩm định số 79/BC-STP ngày 23/4/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tiêu chí đánh giá, xếp loại việc thực hiện dân chủ trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 19 tháng 5 năm 2020.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan liên quan; các tổ chức đại diện tập thể người lao động và các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động trên địa bàn tỉnh căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Cục Kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp;
- TT. Tỉnh ủy; TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Liên đoàn LĐ tỉnh;
- Các Sở, ngành, hội đoàn thể liên quan;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh ;
- Trung tâm CB-TH tỉnh;
- Lưu: VT, K20.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tuấn Thanh

 

QUY ĐỊNH

TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI VIỆC THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 21/2020/QĐ-UBND ngày 05 tháng 5 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định đối tượng, nguyên tắc, nội dung đánh giá, xếp loại việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động trên địa bàn tỉnh Bình Định (gọi chung là doanh nghiệp).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh. Các tổ chức, hợp tác xã có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động đóng trên địa bàn tỉnh.

2. Người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Bộ luật Lao động.

3. Các tổ chức đại diện tập thể người lao động tại cơ sở của doanh nghiệp theo quy định tại khoản 4 Điều 3 của Bộ luật Lao động (sau đây gọi chung là tổ chức đại diện tập thể người lao động).

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc

1. Thiện chí, hợp tác, trung thực, bình đẳng, công khai và minh bạch.

2. Tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động và người lao động.

3. Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc nhưng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội.

4. Việc đánh giá, xếp loại kết quả thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp hàng năm phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

5. Bảo đảm công khai, khách quan, chính xác, trung thực, phản ánh đúng tình hình thực tế của từng đơn vị là tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng và đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Nội dung đánh giá

Đánh giá việc thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp được thực hiện với các nội dung cụ thể sau:

1. Nội dung đánh giá:

a) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.

b) Thực hiện các nội dung người sử dụng lao động phải công khai.

c) Tổ chức để người lao động tham gia ý kiến và quyết định các vấn đề liên quan theo quy định.

d) Tổ chức thực hiện các nội dung người lao động kiểm tra, giám sát.

e) Tổ chức các hình thức thực hiện dân chủ tại nơi làm việc.

g) Hiệu quả của việc tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong doanh nghiệp.

2. Quy định về đánh giá:

Việc chấm điểm đối với từng nội dung, tiêu chí được căn cứ theo thang điểm và kết quả tổ chức triển khai thực hiện, hồ sơ, tài liệu chứng minh của doanh nghiệp. Tổng số điểm theo thang điểm chuẩn quy định cho các nội dung tiêu chí là 100 điểm. Cách chấm điểm đối với từng nội dung, tiêu chí được thực hiện như sau:

a) Đối với các nội dung, tiêu chí được doanh nghiệp tổ chức thực hiện tốt, đúng theo quy định, có đầy đủ tài liệu chứng minh được chấm điểm tối đa theo thang điểm.

b) Đối với các nội dung, tiêu chí chưa được doanh nghiệp thực hiện tốt hoặc chưa thực hiện hoàn thành theo quy định thì tùy theo mức độ, kết quả thực hiện để chấm điểm theo tỷ lệ tương ứng với mức độ, kết quả thực hiện (dưới 50%, từ 50 đến 75%, trên 75%);

c) Đối với các nội dung, tiêu chí mà theo quy định doanh nghiệp không phải thực hiện thì được ghi đủ số điểm tối đa và ghi chú vào bảng chấm điểm.

(Có Phụ lục tiêu chí đánh giá, xếp loại việc thực hiện dân chủ trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh kèm theo Quy định này).

Điều 5. Quy trình thực hiện và mục đích đánh giá, phân loại

1. Chậm nhất là ngày 15 tháng 12 hàng năm, người sử dụng lao động phối hợp với tổ chức đại diện tập thể người lao động, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội ở doanh nghiệp rà soát, đánh giá và chấm điểm đối với từng nội dung tiêu chí theo quy định.

2. Người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo, lấy ý kiến tham gia của đại diện tập thể người lao động để hoàn thiện đánh giá, chấm điểm kết quả thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp và gửi về cơ quan có thẩm quyền để tổng hợp.

3. Trên cơ sở kết quả tự đánh giá, chấm điểm của các doanh nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, phân loại kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và đề xuất UBND tỉnh khen thưởng đối với các doanh nghiệp có thành tích thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Điều 6. Xếp loại kết quả thực hiện

1. Căn cứ vào tổng số điểm đạt được, các cơ quan, đơn vị xếp loại kết quả thực hiện hàng năm ở cơ quan, đơn vị như sau:

a) Loại xuất sắc: đạt từ 90 đến 100 điểm.

b) Loại tốt: đạt từ 80 điểm đến dưới 90 điểm.

c) Loại khá: đạt từ 70 điểm đến dưới 80 điểm.

d) Loại Trung bình: đạt từ 50 điểm đến dưới 70 điểm.

e) Loại yếu: đạt dưới 50 điểm.

2. Trường hợp trong năm đánh giá nếu doanh nghiệp để xảy ra một trong các trường hợp sau thì bị hạ bậc hoặc xếp loại yếu:

a) Có người lao động vi phạm bị xử lý kỷ luật từ hình thức kéo dài thời gian nâng lương hoặc không đạt 50% tiêu chí bắt buộc theo 6 nội dung đánh giá của Phụ lục tiêu chí đánh giá kèm theo Quy định này thì xếp hạ một bậc.

b) Vi phạm dân chủ; để xảy ra tình trạng lãng công, đình công bất hợp pháp, có đơn thư khiếu kiện của người lao động hoặc không hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra thì xếp loại yếu.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm của người sử dụng lao động

Người sử dụng lao động trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh căn cứ quy định này có trách nhiệm triển khai thực hiện trong doanh nghiệp; đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc thực hiện Quy định này, báo cáo kết quả thực hiện hàng năm về UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) chậm nhất là ngày 10 tháng 01 của năm kế tiếp năm được đánh giá để tổng hợp.

Điều 8. Trách nhiệm của Liên đoàn Lao động tỉnh

1. Tổ chức tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc đến cán bộ công đoàn, người lao động thuộc phạm vi quản lý; đề xuất với cấp ủy, chính quyền đồng cấp ban hành văn bản chỉ đạo việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động việc xây dựng và triển khai thực hiện quy chế dân chủ đến người sử dụng lao động trên địa bàn.

2. Chỉ đạo và hỗ trợ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện nhiệm vụ theo Hướng dẫn số 1360/HD-TLĐ ngày 28/8/2019 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để tư vấn, hỗ trợ công đoàn cơ sở, tập thể người lao động tại doanh nghiệp tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở; tổ chức làm điểm, rút ra bài học kinh nghiệm để thực hiện diện rộng trong phạm vi quản lý.

3. Tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ công đoàn cấp dưới để nắm được nội dung, quy trình và kỹ năng trong tham gia, hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

4. Định kỳ kiểm tra công đoàn cấp dưới hoặc phối hợp với chuyên môn thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật và Hướng dẫn số 1360/HD-TLĐ ngày 28/8/2019 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

5. Chỉ đạo Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở:

a) Tổ chức hoặc phối hợp với chuyên môn đồng cấp tuyên truyền các quy định của pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc đến cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động và người sử dụng lao động, tổ chức tập huấn cho cán bộ công đoàn cơ sở thuộc phạm vi quản lý.

b) Rà soát các công đoàn cơ sở thuộc phạm vi quản lý, các doanh nghiệp trên địa bàn về tình hình xây dựng và ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc để kịp thời hỗ trợ. Phối hợp với công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, nhất là các nội dung về đối thoại tại nơi làm việc và tổ chức hội nghị người lao động.

c) Tổ chức rà soát trên địa bàn quản lý các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, nhất là nơi chưa có tổ chức công đoàn mà tập thể người lao động yêu cầu giúp đỡ xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

d) Chủ động gặp gỡ, phối hợp người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp quy định tại Điểm 3.3 của Hướng dẫn số 1360/HD-TLĐ ngày 28/8/2019 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để đề xuất kế hoạch xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Nội dung, quy trình, thủ tục tham gia xây dựng quy chế được tiến hành, thực hiện như đối với nhiệm vụ của công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp quy định tại Phần I Hướng dẫn số 1360/HD-TLĐ ngày 28/8/2019 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Sau khi quy chế được ban hành, có trách nhiệm tổ chức thực hiện như vai trò của công đoàn cơ sở cho đến khi doanh nghiệp có công đoàn cơ sở.

e) Định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo công đoàn cấp trên kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc thuộc phạm vi quản lý.

g) Thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp để kịp thời có ý kiến với chính quyền, chuyên môn đồng cấp trong việc đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp triển khai thực hiện theo quy định, bảo đảm quyền và lợi ích cho người lao động.

Điều 9. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Giúp UBND tỉnh đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy định này; tổng hợp kết quả thực hiện dân chủ trong hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

2. Xây dựng kế hoạch sơ kết, tổng kết và thi đua khen thưởng đối với doanh nghiệp có thành tích thực hiện dân chủ theo quy định.

3. Tổng hợp các vướng mắc, quy định chưa phù hợp để báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy định này, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phản ảnh về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để hướng dẫn thực hiện hoặc tổng hợp, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chỉ đạo./.

 

PHỤ LỤC

TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI VIỆC THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Quy định tiêu chí đánh giá, xếp loại việc thực hiện dân chủ trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định ban hành theo Quyết định số 21/2020/QĐ-UBND ngày 05 tháng 5 năm 2020 của UBND tỉnh)

1. Biểu doanh nghiệp tự đánh giá (chấm điểm)

STT

Nội dung tiêu chí

Thang điểm

Tự chấm điểm

I

Nội dung 1: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo (3 tiêu chí)

10

 

 

1. Có đầy đủ văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở (Sau đây viết tắt là QCDC) của cấp ủy, người sử dụng lao động, các đoàn thể trong các doanh nghiệp; có phân công trách nhiệm của cấp ủy, người sử dụng lao động, đoàn thể trong các doanh nghiệp phụ trách công tác QCDC

1.1. Đối với doanh nghiệp có tổ chức Đảng (3 điểm)

1.2. Đối với doanh nghiệp không có tổ chức Đảng (2 điểm)

3

 

2. Xây dựng, ban hành các loại quy chế, đặc biệt là quy chế về thực hiện dân chủ, hội nghị người lao động, đối thoại định kỳ tại nơi làm việc theo đúng quy định

3

 

3. Đã tổ chức phối hợp với tổ chức đại diện tập thể người lao động thực hiện QCDC ở cơ sở; tổ chức cho người lao động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tham gia các phong trào thi đua do tổ chức đại diện tập thể người lao động, doanh nghiệp phát động

4

 

II

Nội dung 2: Thực hiện các nội dung người sử dụng lao động phải công khai (4 tiêu chí)

20

 

 

1. Tổ chức thực hiện đầy đủ 7 nội dung theo Điều 4 của Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ về những nội dung người sử dụng lao động phải công khai.

1.1. Tình hình thực hiện nhiệm vụ, sản xuất, kinh doanh (1 điểm)

1.2. Nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (1,5 điểm)

1.3. Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể khác mà doanh nghiệp tham gia (1,5 điểm)

1.4. Nghị quyết Hội nghị người lao động (1 điểm)

1.5. Việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có) (1 điểm)

1.6. Việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (1 điểm)

1.7. Tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (1 điểm)

(Nếu không thực hiện nội dung nào thì chấm điểm 0 nội dung đó)

8

 

2. Có 90% trở lên người lao động nắm được các nội quy, quy chế, chế độ, chính sách đang thực hiện trong doanh nghiệp.

4

 

3. Có 90% trở lên người lao động nắm được kế hoạch, tình hình sản xuất kinh doanh và tình hình công khai tài chính hàng năm của doanh nghiệp về các nội dung liên quan đến người lao động.

3

 

4. Thực hiện tốt việc công khai tất cả các ý kiến tham gia của người lao động: Các nội dung tiếp thu hoặc không tiếp thu, giải trình nêu rõ lý do; nêu các giải pháp, lộ trình thực hiện.

5

 

III

Nội dung 3: Tổ chức để người lao động tham gia ý kiến và quyết định các vấn đề liên quan theo quy định (4 tiêu chí)

20

 

 

1. Tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung người lao động tham gia ý kiến theo Điều 5 của Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ.

1.1. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (2 điểm)

1.2. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động; đề xuất nội dung thương lượng tập thể (2 điểm)

1.3. Đề xuất, thực hiện giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ (1 điểm)

1.4. Các nội dung khác liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động theo quy định của pháp luật (1 điểm)

(Nếu không thực hiện nội dung nào thì chấm điểm 0 nội dung đó)

6

 

2. Có nhiều hình thức linh hoạt để người lao động tham gia ý kiến vào các nội dung phù hợp với điều kiện theo quy định tại Điều 10 của Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ.

3

 

3. Tổ chức thực hiện đầy đủ 5 nội dung người lao động quyết định theo Điều 6 của Nghị định

3.1. Giao kết, thỏa thuận sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật luật (1,5 điểm)

3.2. Gia nhập hoặc không gia nhập tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở luật (1,5 điểm)

3.3. Tham gia hoặc không tham gia đình công theo đúng quy định của pháp luật luật (1,5 điểm)

3.4. Biểu quyết nội dung thương lượng tập thể đã đạt được theo quy định của pháp luật; biểu quyết nội dung Nghị quyết Hội nghị người lao động luật (1 điểm)

3.5. Các nội dung khác theo quy định của pháp luật (0,5 điểm)

(Nếu không thực hiện nội dung nào thì chấm điểm 0 nội dung đó)

6

 

 

4. Phát huy được quyền làm chủ của người lao động khi thực hiện các nội dung người lao động quyết định theo Điều 6 của Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ không để xảy ra tình trạng vi phạm dân chủ, nhân quyền, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người lao động

5

 

IV

Nội dung 4: Tổ chức thực hiện các nội dung người lao động kiểm tra, giám sát (4 tiêu chí)

20

 

 

1. Tổ chức thực hiện đầy đủ 6 nội dung người lao động kiểm tra, giám sát theo Điều 7 của Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ.

1.1. Việc thực hiện hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể (1,5 điểm)

1.2. Việc thực hiện nội quy lao động, các quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (1,5 điểm)

1.3. Việc sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, các quỹ do người lao động đóng góp (1 điểm).

1.4. Việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động (1 điểm)

1.5. Việc thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (1 điểm)

1.6. Việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị người lao động (2 điểm)

(Nếu không thực hiện nội dung nào thì chấm điểm 0 nội dung đó)

8

 

2. Có chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm.

4

 

3. Người sử dụng lao động và tổ chức đại diện tập thể người lao động tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động thực hiện quyền kiểm tra, giám sát.

4

 

4. Kết quả kiểm tra, giám sát được công khai theo quy định, nhất là việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, các quy định, quy chế của doanh nghiệp

4

 

V

Nội dung 5: Tổ chức các hình thức thực hiện dân chủ tại nơi làm việc (4 tiêu chí)

15

 

 

1. Tổ chức tốt Hội nghị người lao động hằng năm theo quy định (thời gian, thành phần và nội dung, quy trình hội nghị...)

5

 

2. Tổ chức tốt đối thoại tại nơi làm việc (định kỳ, khi một bên yêu cầu) đảm bảo đúng thời gian, thành phần và quy trình....

5

 

3. Lựa chọn tổ chức thực hiện tốt các hình thức thực hiện dân chủ khác tại doanh nghiệp theo quy định tại Điều 10 của Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ phù hợp điều kiện thực tế của doanh nghiệp, đem lại hiệu quả.

2

 

4. Tổ chức thực hiện các kiến nghị, phản ánh của người lao động dân chủ, khách quan, công bằng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

3

 

VI

Nội dung 6: Hiệu quả của việc tổ chức thực hiện QCDC ở cơ sở trong doanh nghiệp (5 tiêu chí)

15

 

 

1. Thường xuyên kiện toàn, củng cố, phát huy vai trò của các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể vững mạnh theo kế hoạch đề ra hàng năm.

3

 

2. Thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển sản xuất, kinh doanh hàng năm theo kế hoạch đề ra; bảo đảm doanh nghiệp hoạt động đúng hiến pháp, pháp luật; thực hiện tốt chế độ, chính sách với người lao động theo quy định.

3

 

3. Đảm bảo việc làm, nâng cao đời sống người lao động: Tiền lương, thu nhập, tiền thưởng, phúc lợi xã hội...đảm bảo năm sau cao hơn năm trước; quan tâm đời sống tinh thần của người lao động.

3

 

4. Thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp; quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường; không để xảy ra tai nạn lao động chết người hoặc tai nạn nặng từ 02 người trở lên hoặc xảy ra sự cố thiết bị nghiêm trọng.

3

 

5. Không có khiếu nại, tố cáo liên quan đến vi phạm dân chủ trong quản lý, điều hành của người sử dụng lao động; không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trong doanh nghiệp đến mức phải xử lý hình sự; không có đình công, bãi công, lãn công trái quy định của pháp luật.

3

 

Tổng cộng

100

 

2. Cách thức chấm điểm

2.1. Tiêu chí nào thực hiện tốt chấm 100% số điểm; tiêu chí nào thực hiện chưa tốt tính điểm tương ứng theo tỷ lệ 25%, 50%, 75%; nội dung nào chưa thực hiện thì chấm 0 điểm.

VD: Tiêu chí 1 Nội dung 2:

- Thực hiện tốt đủ 7 nội dung theo quy định thì được 8 điểm (100%)

- Thực hiện 5 nội dung theo quy định nhưng phải đạt 6 điểm (75%)

- Thực hiện 3 nội dung theo quy định nhưng phải đạt 4 điểm (50%)

- Thực hiện 2 nội dung theo quy nhưng phải đạt 2 điểm (25%)

2.2. Việc xét điểm thưởng hoặc điểm trừ thực hiện như sau:

- Điểm thưởng (tối đa 5 điểm): Doanh nghiệp hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đời sống công nhân lao động nâng lên (cộng tối đa 3 điểm); có nhiều vận dụng sáng tạo trong triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp (cộng tối đa 2 điểm).

- Điểm trừ (tối đa 5 điểm): Thực hiện chế độ báo cáo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở không đảm bảo thời gian, chất lượng theo yêu cầu (trừ tối đa 2 điểm); lãnh đạo doanh nghiệp bị xử lý hình thức kỷ luật liên quan đến vi phạm QCDC ở cơ sở (trừ tối đa 3 điểm).

3. Kết quả xếp loại

3.1. Loại xuất sắc: đạt từ 90 đến 100 điểm, trong đó không có tiêu chí nào có số điểm dưới 75% số điểm của từng tiêu chí đó.

3.2. Loại tốt: đạt từ 80 điểm đến dưới 90 điểm, trong đó không có tiêu chí nào có số điểm dưới 60% số điểm của từng tiêu chí đó.

3.3. Loại khá: đạt từ 70 điểm đến dưới 80 điểm, trong đó không có tiêu chí nào có số điểm dưới 50% số điểm của từng tiêu chí đó.

3.4. Loại trung bình: đạt từ 50 điểm đến dưới 70 điểm, trong đó không có tiêu chí nào bị 0 điểm.

3.5. Loại yếu: đạt dưới 50 điểm.