Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2013/QĐ-UBND

Điện Biên, ngày 31 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BỐ TRÍ DÂN CƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN, GIAI ĐOẠN 2013-2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020, THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 1776/QĐ-TTG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Thực hiện Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 570/QĐ-TTg ngày 17/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch bố trí ổn định dân cư các xã biên giới Việt - Trung giai đoạn 2012 - 2017; Công văn số 1610/BNN-KTHT ngày 15/5/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghi ệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định mức hỗ trợ thực hiện Chương trình Bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Nhân

 

QUY ĐỊNH

MỨC HỖ TRỢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BỐ TRÍ DÂN CƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN, GIAI ĐOẠN 2013 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020, THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 1776/QĐ-TTG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 21/2013/QĐ-UBND Ngày 31tháng 10 năm 2013 của UBND tỉnh Điện Biên)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định cụ thể mức hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng của Chương trình Bố trí dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Hộ gia đình, cá nhân được bố trí theo hình thức tái định cư tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm:

- Hộ gia đình bị mất nhà ở, đất ở, đất sản xuất do sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất, lốc xoáy; hộ gia đình sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất, ngập lũ, lốc xoáy; hộ gia đình sống ở vùng đặc biệt khó khăn về đời sống như thiếu đất, thiếu nước để phục vụ sinh hoạt và sản xuất, thiếu cơ sở hạ tầng; ô nhiễm môi trường, tác động phóng xạ;

- Hộ gia đình tự nguyện đến các vùng biên giới đất liền, khu kinh tế quốc phòng;

- Hộ gia đình đã di cư tự do đến các địa bàn trong tỉnh được cấp có thẩm quyền cho phép định cư lâu dài, nhưng đời sống còn khó khăn; hộ sinh sống ở khu rừng đặc dụng cần phải bố trí, ổn định lâu dài.

Điều 3. Chính sách hỗ trợ khai hoang đất sản xuất

Các gia đình, cá nhân di chuyển tập trung, xen ghép, ổn định tại chỗ thuộc đối tượng của Chương trình bố trí dân cư mà tự tổ chức khai hoang đất sản xuất thì được hỗ trợ:

- Khai hoang xây dựng đồng ruộng 15 triệu đồng/ha;

- Khai hoang tạo nương cố định 8 triệu đồng/ha (bao gồm cả nương bậc thang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, cây ăn quả...).

Điều 4. Chính sách hỗ trợ sắp xếp ổn định đời sống dân cư

Ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng của Chương trình Bố trí dân cư.

1. Hỗ trợ hộ gia đình ở vùng có nguy cơ thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn

a) Hộ gia đình ở vùng có nguy cơ thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn về đời sống như: thiếu đất, thiếu nước để sinh hoạt và sản xuất, thiếu cơ sở hạ tầng, tác động phóng xạ, ô nhiễm môi trường, nếu di chuyển nội vùng dự án (cùng xã, cùng huyện) mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ, phân bổ như sau:

- Hỗ trợ di chuyển: 2.000.000 đồng;

- Hỗ trợ mua nguyên, vật liệu dựng lại nhà mới: 15.000.000 đồng;

- Hỗ trợ tiền mua gạo trong thời gian 6 tháng để hoàn thành việc di chuyển đến nơi ở mới và ổn định đời sống: 3.000.000 đồng.

b) Hộ gia đình ở vùng có nguy cơ thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn về đời sống như: thiếu đất, thiếu nước để sinh hoạt và sản xuất, thiếu cơ sở hạ tầng, tác động phóng xạ, ô nhiễm môi trường, nếu di chuyển trong tỉnh (khác huyện) mức hỗ trợ 23 triệu đồng/hộ, phân bổ như sau:

- Hỗ trợ di chuyển: 5.000.000 đồng;

- Hỗ trợ mua nguyên, vật liệu dựng lại nhà mới: 15.000.000 đồng;

- Hỗ trợ tiền mua gạo trong thời gian 6 tháng để hoàn thành việc di chuyển đến nơi ở mới và ổn định đời sống: 3.000.000 đồng.

c) Hộ gia đình ở vùng có nguy cơ thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn về đời sống như: thiếu đất, thiếu nước để sinh hoạt và sản xuất, thiếu cơ sở hạ tầng, tác động phóng xạ, ô nhiễm môi trường, nếu di chuyển ra ngoài tỉnh (khác tỉnh) mức hỗ trợ 25 triệu đồng/hộ, phân bổ như sau:

- Hỗ trợ di chuyển: 7.000.000 đồng;

- Hỗ trợ mua nguyên, vật liệu dựng lại nhà mới: 15.000.000 đồng;

- Hỗ trợ tiền mua gạo trong thời gian 6 tháng để hoàn thành việc di chuyển đến nơi ở mới và ổn định đời sống: 3.000.000 đồng.

Trường hợp được quy định tại các tiểu mục a, b, c nêu trên nếu bị mất toàn bộ nhà ở, đất ở, đất sản xuất do thiên tai thì được xem xét để hỗ trợ thêm 12 tháng lương thực theo mức tương đương 30 kg gạo/người/tháng (mức giá theo Thông báo của Sở Tài chính tỉnh Điện Biên tại thời điểm hỗ trợ).

2. Hỗ trợ hộ gia đình được bố trí ổn định ở các xã biên giới Việt - Trung

a) Hộ gia đình di chuyển sắp xếp đến thôn, bản sát biên giới, thực hiện theo Điểm a, Khoản 4, Điều 1, Quyết định số 570/QĐ-TTg với mức hỗ trợ là 50 triệu đồng/hộ, phân bổ như sau:

- Hỗ trợ di chuyển: 7.000.000 đồng;

- Hỗ trợ mua nguyên, vật liệu dựng lại nhà mới: 40.000.000 đồng;

- Hỗ trợ tiền mua gạo trong thời gian 6 tháng để hoàn thành việc di chuyển đến nơi ở mới và ổn định đời sống: 3.000.000 đồng.

b) Hộ gia đình di chuyển đến thôn, bản khác (không giáp biên giới) nhưng thuộc xã biên giới, mức hỗ trợ là: 32.000.000 đồng/hộ, phân bổ như sau:

- Hỗ trợ di chuyển: 4.000.000 đồng;

- Hỗ trợ mua nguyên, vật liệu dựng lại nhà mới: 25.000.000 đồng;

- Hỗ trợ tiền mua gạo trong thời gian 6 tháng để hoàn thành việc di chuyển đến nơi ở mới và ổn định đời sống: 3.000.000 đồng.

c) Hộ gia đình thuộc diện nghèo trong xã biên giới Việt - Trung nhưng chưa được thụ hưởng các chính sách khác của Nhà nước thì được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ để tu sửa làm lại nhà mới (tiêu chí đánh giá hộ nghèo theo quy định hiện hành. Quy trình bình xét các đối tượng thụ hưởng theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở).

3. Hỗ trợ hộ gia đình được bố trí ổn định ở các xã biên giới Việt - Lào

a) Hộ gia đình di chuyển sắp xếp đến thôn, bản sát biên giới, mức hỗ trợ là 35 triệu đồng/hộ, phân bổ như sau:

- Hỗ trợ di chuyển: 4.000.000 đồng;

- Hỗ trợ mua nguyên, vật liệu dựng lại nhà mới: 28.000.000 đồng;

- Hỗ trợ tiền mua gạo trong thời gian 6 tháng để hoàn thành việc di chuyển đến nơi ở mới và ổn định đời sống: 3.000.000 đồng.

b) Hộ gia đình di chuyển đến thôn, bản khác (không giáp biên giới) nhưng thuộc xã biên giới Việt - Lào, mức hỗ trợ là: 30.000.000 đồng/hộ, phân bổ như sau:

- Hỗ trợ di chuyển: 3.000.000 đồng;

- Hỗ trợ mua nguyên, vật liệu dựng lại nhà mới: 24.000.000 đồng;

- Hỗ trợ tiền mua gạo trong thời gian 6 tháng để hoàn thành việc di chuyển đến nơi ở mới và ổn định đời sống: 3.000.000 đồng.

c) Hộ gia đình thuộc diện nghèo trong xã biên giới Việt - Lào nhưng chưa được thụ hưởng các chính sách khác của Nhà nước thì được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ để tu sửa làm lại nhà mới (tiêu chí đánh giá hộ nghèo theo quy định hiện hành. Quy trình bình xét các đối tượng thụ hưởng theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở).

4. Hộ di cư tự do đã đến địa phương có nhà cửa, ruộng nương để sản xuất, làm ăn sinh sống ổn định; chấp hành tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các nội quy, quy chế, hương ước của bản, làng, xã, phường, thị trấn; đồng thời tham gia sinh hoạt cùng cộng đồng và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với nhà nước; được sắp xếp, bố trí theo quy hoạch của huyện, thị xã, thành phố, nhưng chưa được thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước, thì được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ để tu sửa làm lại nhà mới.

5. Hỗ trợ ổn định dân cư tại chỗ

Hộ gia đình ở vùng có nguy cơ thiên tai nhưng không còn quỹ đất xây dựng khu tái định cư để di chuyển, phải bố trí ổn định tại chỗ, mức hỗ trợ là 10 triệu đồng/hộ để nâng cấp nhà ở, mua thuyền, xuồng (đối với các vùng ven sông) và vật dụng phòng chống thiên tai khác.

Điều 5. Hỗ trợ chi phí quản lý để thực hiện Chương trình bố trí dân cư

Chi phí quản lý chung cho công tác bố trí ổn định dân cư của các cơ quan tổ chức thực hiện cấp tỉnh, huyện, xã hàng năm do ngân sách địa phương cấp để thực hiện bao gồm: Chi phí đo đạc nghiệm thu khai hoang; tuyên truyền, vận động nhân dân đến nơi ở mới; phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thẩm tra địa bàn; in ấn tài liệu, hồ sơ, biểu mẫu theo quy trình bố trí ổn định dân cư; làm ngoài giờ theo chế độ hiện hành; công tác phí cho cán bộ cấp phát tiền hỗ trợ cho các hộ dân; kinh phí đi kiểm tra kết quả thực hiện, cụ thể như sau:

1. Hỗ trợ đối với khai hoang đất sản xuất (theo hồ sơ nghiệm thu thực tế và dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt), trong đó:

a) Khai hoang xây dựng đồng ruộng 5,5%/1 ha (825.000 đồng/ha), phân bổ như sau:

- Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh 1% = 150.000 đồng/ha;

- Phòng Nông nghiệp và PTNT cấp huyện 3,5% = 525.000 đồng/ha (kiểm tra, vẽ sơ đồ, lập danh sách thống kê khối lượng, lập dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, chi trả kinh phí hỗ trợ; gửi hồ sơ về Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, xem xét tổng hợp, tham mưu giúp UBND huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất);

- Uỷ ban nhân dân xã 1% = 150.000 đồng/ha.

b) Khai hoang tạo nương cố định 5,5%/1 ha (440.000đồng/ha), phân bổ như sau:

- Chi cục Phát triển nông thôn 1% = 80.000 đồng/ha;

- Phòng Nông nghiệp và PTNT cấp huyện 3,5% = 280.000 đồng/ha (kiểm tra, vẽ sơ đồ, lập danh sách thống kê khối lượng, lập dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, chi trả kinh phí hỗ trợ; gửi hồ sơ về Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, xem xét tổng hợp tham mưu giúp UBND huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất);

- Uỷ ban nhân dân xã 1% = 80.000 đồng/ha.

2. Hỗ trợ cán bộ thực hiện sắp xếp ổn định dân cư:

Hỗ trợ 600.000 đồng/hộ (cấp theo khối lượng thực tế sắp xếp ổn định dân cư hàng năm và dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt), phân bổ như sau:

- Chi cục Phát triển nông thôn: 150.000 đồng/hộ;

- Phòng Nông nghiệp và PTNT cấp huyện: 250.000 đồng/hộ;

- Uỷ ban nhân dân xã: 200.000 đồng/hộ.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Chương trình bố trí dân cư)

- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngành liên quan, xây dựng Báo cáo rà soát bổ sung Quy hoạch bố trí ổn định dân cư tỉnh Điện Biên giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch xây dựng Nông thôn mới, quy hoạch ngành, lĩnh vực và phù hợp với nội dung Chương trình bố trí dân cư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính lập, thẩm định, tham mưu giúp UBND tỉnh phê duyệt các dự án đầu tư bố trí ổn định dân cư, trên cơ sở thỏa thuận về mục tiêu, giải pháp, tổng mức vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Tổng hợp xây dựng kế hoạch bố trí ổn định dân cư hàng năm, 5 năm trình UBND tỉnh báo cáo các Bộ, ngành Trung ương.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các dự án bố trí dân cư trên địa bàn của tỉnh.

- Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình bố trí dân cư 6 tháng, hàng năm, 5 năm, gửi Bộ Nông nghiệp và và Phát triển nông thôn.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thẩm định, tham mưu giúp UBND tỉnh phê duyệt các dự án đầu tư bố trí ổn định dân cư, trên cơ sở thỏa thuận về mục tiêu, giải pháp, tổng mức vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Tổng hợp, tham mưu giúp UBND tỉnh lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án và nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn để đầu tư tập trung, có trọng điểm các dự án thuộc Chương trình bố trí dân cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Sở Tài chính

- Phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phân bổ vốn Chương trình bố trí dân cư theo kế hoạch hàng năm.

- Thực hiện cấp phát, hướng dẫn và giám sát chi tiêu tài chính của Chương trình bố trí dân cư.

4. Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Xây dựng kế hoạch và dự toán vốn thực hiện Chương trình bố trí dân cư hàng năm, 5 năm, lập báo cáo gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ngành liên quan.

- Có trách nhiệm quản lý, tổ chức thực hiện chỉ tiêu kế hoạch, các dự án trên địa bàn đảm bảo đúng mục tiêu, đúng chế độ, chính sách của Chương trình bố trí dân cư và theo các quy định hiện hành./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 21/2013/QĐ-UBND về mức hỗ trợ thực hiện Chương trình Bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020, theo Quyết định 1776/QĐ-TTg

  • Số hiệu: 21/2013/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/10/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
  • Người ký: Hoàng Văn Nhân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/11/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản