Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2082/QĐ-UB

Bình Phước, ngày 08 tháng 11 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH “QUI CHẾ VỀ CƠ SỞ SỬA CHỮA BỆNH CỦA TỈNH BÌNH PHƯỚC”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ Chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 1994.

Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chánh ngày 6 tháng 7 năm 1995.

Căn cứ Nghị định số 20/CP ngày 13 tháng 4 năm 1996 của Chính phủ về việc ban hành Qui chế về cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 06/07/1995.

Căn cứ Thông tư Liên bộ số 24/TT-LB/ĐTBXH-NV-YT ngày 26/11/1996 của Bộ Lao động TB & XH, Bộ Nội vụ và Bộ Y tế.

Căn cứ Quyết định số 58/QĐ-UB ngày 6 tháng 1 năm 1997 về việc thành lập Trung tâm Giáo dục Lao động tạo việc làm Minh Lập cho UBND Tỉnh Bình Phước.

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động TB & XH, Giám đốc Sở Tư pháp Tỉnh Bình Phước.

QUYẾT ĐỊNH

ĐIỀU 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này “Qui chế về cơ sở chữa bệnh ” đối với những người mại dâm bị xử lý hành chính.

ĐIỀU 2: Các Ông (Bà) Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc Sở Lao động TB & XH, Giám đốc Công an Tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc cơ sở chữa bệnh của Tỉnh Bình Phước, Chủ tịch UBND các Huyện và Thủ trưởng các cơ quan, Ban, Ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này thay thế Quyết định số 2894/QĐ-UB ngày 07/07/1994 và Công văn 389/CV-UB ngày 14/04/1995 của UBND Tỉnh Sông Bé (cũ).

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thỏa

 

QUI CHẾ

VỀ CƠ SỞ CHỮA BỆNH
(ban hành kèm theo Quyết định số 2082/QĐ-UB ngày 8 tháng 11 năm 1997 )

Để đảm bảo quản lý trật tự, an toàn xã hội phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội Tỉnh nhà. Nhằm duy trì giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc và tạo điều kiện chữa bệnh, giáo dục, lao động, tạo việc làm cho những người trong độ tuổi lao động nhưng không chịu lao động làm ăn chân chính, có những hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Qui chế này quy định bắt buộc chữa bệnh, lao động, học tập, dạy nghề và hướng nghiệp đối với những người nghiện ma tuý, người mại dâm tại cơ Sở chữa bệnh được quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn Tỉnh Bình Phước.

Chương I

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

ĐIỀU 1: Cơ Sở chữa bệnh Tỉnh Bình Phước được quy định trong qui chế này là nơi chữa bệnh, học tập, lao động, dạy nghề và hướng nghiệp đối với người nghiện ma tuý, người mại dâm đã được quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 06/07/1995.

ĐIỀU 2: Đưa vào cơ sở chữa bệnh là biện pháp xử lý hành chính chỉ thực hiện theo quyết định của Chủ tịch UBND Tỉnh. Người được đưa vào cơ sở chữa bệnh, học tập, lao động dạy nghề và hướng nghiệp dưới sự quản lý của Trung tâm trong thời hạn từ 3 tháng đến 1 năm (12 tháng).

ĐIỀU 3: Đưa vào cơ sở chữa bệnh được áp dụng đối với các đối tượng sau đây:

1. Người nghiện ma túy: đã giáo dục tại thị xã, thị trấn nhưng vẫn chưa cai nghiện được; đã cai nghiện tại Trung tâm nhưng vẫn tái nghiện; người nghiện nặng không có khả năng cai nghiện tại nhà hoặc tại cộng đồng, người tự nguyện xin cai nghiện.

2. Người mại dâm: đã được giáo dục tại thị xã, thị trấn nhưng vẫn không chịu sửa chữa; đã được đưa vào trung tâm nhưng vẫn tái phạm hoặc người mại dâm có tính chất thường xuyên (chuyên nghiệp).

ĐIỀU 4: Việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh phải theo đúng thẩm quyền, thủ tục trình tự quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính qui chế này.

Nghiêm cấm mọi hành qui xâm phạm thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm người được đưa vào cơ sở chữa bệnh.

ĐIỀU 5: Cơ sở chữa bệnh và đơn vị sự nghiệp, có tư cách pháp nhân, được cấp kinh phí sự nghiệp. Nguồn tài chính đảm bảo hoạt động của cơ sở chữa bệnh gồm:

1. Kinh phí nhà nước cấp.

2. Kinh phí của địa phương hỗ trợ.

3. Một phần kết quả lao động sản xuất của người được đưa vào cơ sở chữa bệnh.

4. Sự đóng góp tự nguyện của gia đình người được đưa vào cơ sở chữa bệnh.

5. Sự ủng hộ của các cá nhân, đơn vị kinh tế, tổ chức xã hội ở trong và ngoài Tỉnh, các cá nhân, tổ chức nước ngoài.

Chương II

THỦ TỤC ĐƯA NGƯỜI VÀO CƠ SỞ CHỮA BỆNH

ĐIỀU 6: Việc lập hồ sơ xét duyệt và quyết định đưa người vào cơ sở chữa bệnh phải bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định tại các Điều 74, 75, 76 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Cơ quan Lao động TB & XH phối hợp với cơ quan Công an, Y tế có trách nhiệm giúp UBND cùng cấp trong việc thu thập tài liệu để lập hồ sơ người đưa vào cơ sở chữa bệnh.

ĐIỀU 7:

1. Hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở chữa bệnh gửi Chủ tịch UBND cấp Tỉnh gồm:

a) Sơ yếu lý lịch.

b) Tài liệu về các vi phạm pháp luật.

c) Giấy xác nhận tình trạng sức khoẻ hoặc hồ sơ bệnh án của người được đưa vào cơ Sở chữa bệnh.

d) Các biện pháp giáo dục đã áp dụng.

e) Những tài liệu khác có liên quan đến thân nhân người đó.

2. Trong thời hạn 5 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị đưa người vào cơ sở chữa bệnh, Chủ tịch UBND cấp Tỉnh chuyển hồ sơ đó cho Hội đồng tư vấn. Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Thường trực Hội đồng tư vấn có đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cùng tham dự. Hội đồng xem xét ra biểu quyết từng trường hợp cụ thể, trình Chủ tịch UBND Tỉnh quyết định.

Biên bản họp Hội đồng tư vấn phải ghi rõ ý kiến phát biểu của các thành viên Hội đồng tư vấn và đại diện Viện Kiểm sát nhân dân.

3. Thường trực Hội đồng nhân tư vấn có trách nhiệm làm văn bản (có gửi kèm theo Biên bản họp Hội đồng tư vấn) trình Chủ tịch UBND Tỉnh quyết định việc đưa vào cơ sở chữa bệnh.

ĐIỀU 8:

1. Hội đồng tư vấn là cơ quan giúp Chủ tịch UBND Tỉnh xét duyệt hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở chữa bệnh. Hội đồng tư vấn do Chủ tịch UBND Tỉnh ra quyết định thành lập.

2. Hội đồng tư vấn gồm: Đại diện lãnh đạo các Sở, Ngành: Lao động TB & XH, Công an, Tư pháp. Viện Kiểm sát nhân dân Tỉnh, Hội liên hiệp Phụ nữ Tỉnh. Đại diện lãnh đạo cơ quan cơ quan Lao động TB & XH là thường trực Hội đồng tư vấn. Thường trực Hội đồng tư vấn có trách nhiệm chuẩn bị, tổ chức, chủ trì phiên họp.

3. Hội đồng tư vấn làm việc theo chế độ tập thể, các thành viên Hội đồng Hội đồng tư vấn làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và được hưởng phụ cấp theo quy định pháp luật.

4. Kinh phí hoạt động của Hội đồng tư vấn được ngân sách địa phương đảm bảo trong kinh phí của Sở Lao động TB & XH.

ĐIỀU 9: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được Văn bản đề nhị của Hội đồng tư vấn, Chủ tịch UBND Tỉnh quyết định việc đưa vào cơ sở chữa bệnh.

ĐIỀU 10: Khi nhận được quyết định đưa người vào cơ sở chữa bệnh, Chủ tịch UBND cấp huyện phải chỉ đạo cơ quan Lao động TB & XH, Công an cùng cấp và UBND cấp xã có kế hoạch quản lý, giám sát người có tên trong quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh, đồng thời phối hợp với cơ quan Công an cấp Tỉnh trong việc thi hành quyết định.

1. Lực lượng Công an, Lao động TB & XH khi phát hiện đối tượng của Điều 24 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Điều 3 của Bản qui chế này mà không có nơi cư trú nhất định thì lập Biên bản (3 bản) theo đúng quy định pháp luật. Nếu đối tượng do cấp xã, huyện phát hiện thì chuyển lên cho cấp Tỉnh. Sở Lao động TB & XH có công văn đề nghị Công an cấp Tỉnh đưa đối tượng vào cơ Sở chữa bệnh tạm thời cư trú trong thời gian chờ Chủ tịch UBND tinh ra quyết định đưa vào cơ Sở chữa bệnh. Khi nhận được công văn đề nghị của Sở Lao động TB & XH, Công an cấp Tỉnh có trách nhiệm tổ chức đưa ngay đối tượng vào cơ sở chữa bệnh kèm theo công văn đề nghị của Sở Lao động TB & XH (hoặc có sự xác nhận), hồ sơ sơ bộ về qui phạm của đối tượng.

2. Thời gian tạm giữ gởi vào Trung tâm chờ quyết định của UBND Tỉnh không quá 55 ngày. Trong thời gian trên các Hội đồng tư vấn cấp Tỉnh phải hoàn chỉnh hồ sơ trình Hội đồng tư vấn cấp Tỉnh, để UBND Tỉnh ra quyết định.

ĐIỀU 11: Người được đưa vào cơ sở chữa bệnh hoặc người được đại diện hợp pháp của người đó , có quyền khiếu nại quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh được quy định tại Điều 89 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

ĐIỀU 12:

1. Hồ sơ của người được đưa vào cơ sở chữa bệnh gồm:

a)  Trích yếu hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở chữa bệnh.

b)  Quyết định của Chủ tịch UBND Tỉnh.

2. Hồ sơ của người được đưa vào vào cơ sở chữa bệnh được thành lập 2 bộ. Một bộ do Thường trực Hội đồng tư vấn giữ, một bộ do cơ sở chữa bệnh giữ. Hồ sơ được quản lý chặt chẽ theo chế độ quản lý hồ sơ tài liệu, công văn của nhà nước.

3. Việc tiếp nhận người được đưa vào cơ sở chữa bệnh phải được lập thành Biên bản, cơ sở chữa bệnh phải kiểm tra hồ sơ, giấy tờ người được đưa vào cơ sở chữa bệnh khi làm thủ tục tiếp nhận.

ĐIỀU 13: Trường hợp người được đưa vào cơ sở chữa bệnh bỏ trốn. Ban Giám đốc cơ sở chữa bệnh phải lập biên bản, thông báo ngay cho gia đình và chính quyền địa phương nơi người đó cư trú, cơ quan chủ quản và Công an cấp Tỉnh biết. Ban Giám đốc cơ sở chữa bệnh có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Công an và gia đình tổ chức đưa người đó trở lại tiếp tục chữa bệnh, học tập và Lao động.

Chương III

TỔ CHỨC CƠ SỞ CHỮA BỆNH

ĐIỀU 14: Cơ sở chữa bệnh Trung tâm Giáo dục Lao động - Tạo việc làm Minh Lập được thành lập theo Quyết định số 58/QĐ – UB ngày 06/01/1997 của UBND Tỉnh Bình Phước.

ĐIỀU 15: Cơ sở chữa bệnh có chức năng, nhiệm vụ:

1. Tiếp nhận, chữa bệnh, phục hồi sức khỏe cho những người được đưa vào cơ sở chữa bệnh.

2. Tổ chức học tập, giáo dục, dạy nghề, bảo đảm các điều kiện vật chất, sinh hoạt tinh thần cho người được đưa vào cơ sở chữa bệnh theo đúng quy định.

3. Tổ chức lao động sản xuất cho người được đưa vào cơ sở chữa bệnh.

4. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để tổ chức quản lý, chữa bệnh, giáo dục, lao động, dạy nghề và hướng nghiệp cho người được đưa vào cơ sở chữa bệnh.

ĐIỀU 16: Cơ sở chữa bệnh tổ chức khu vực riêng cho người nghiện ma tuý và khu vực riêng cho người mại dâm.

Cơ Sở chữa bệnh tổ chức nơi tiếp nhận đối tượng, nơi khám chữa bệnh, học tập, dạy nghề, lao động, nơi ăn ở sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, an toàn, nơi vui chơi giải trí lành mạnh cho người được đưa vào cơ sở chữa bệnh; tách nơi ở của nam, nữ riêng; cách ly người mắc bệnh truyền nhiễm.

ĐIỀU 17: Cơ cấu tổ chức của cơ sở chữa bệnh bao gồm Ban Giám đốc và các Phòng quản lý nghiệp vụ.

1. Ban Giám đốc gồm có:

a) Giám đốc.

b) Các Phó Giám đốc.

2. Các phòng nghiệp vụ gồm có:

a) Phòng Y tế, phục hồi sức khoẻ.

b) Phòng Giáo dục và dạy nghề.

c) Phòng Quản lý lao động sản xuất.

d) Phòng Tổ chức – Hành chính - Kế toán.

e) Phòng Bảo vệ.

Tùy theo qui mô tổ chức và số lượng người được đưa vào cơ sở chữa bệnh, và Sở Lao động TB & XH, UBND Tỉnh quyết định số lượng các Phòng và biên chế cần thiết cho phù hợp với cơ sở chữa bệnh.

ĐIỀU 18:

1. Khi có tình hình phức tạp về y tế, an ninh trật tự mà cơ sở chữa bệnh không đảm bảo được thì Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Lao động TB & XH làm Bản đề nghị, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Công an Tỉnh có trách nhiệm cử cán bộ, chiến sĩ của ngành mình tăng cường, hỗ trợ, phối hợp trong việc bảo đảm an ninh trật tự và chữa bệnh, Điều trị tại các cơ sở chữa bệnh.

2. Trong thời gian công tác tại cơ sở chữa bệnh, các cán bộ, chiến sĩ của Ngành Y tế, Công an làm theo sự phân và điều hành của Giám đốc cơ sở chữa bệnh.

3. Cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của cơ sở chữa bệnh được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp độc hại, phụ cấp nguy hiểm theo quy định của Pháp luật.

ĐIỀU 19: Giám đốc cơ sở chữa bệnh do Chủ tịch UBND cấp Tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Lao động TB & XH.

Phó Giám đốc cơ sở chữa bệnh do Giám đốc Sở Lao động TB & XH quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của Giám đốc cơ sở chữa bệnh.

ĐIỀU 20: Giám đốc cơ sở chữa bệnh chịu trách nhiệm về hoạt động của cơ sở chữa bệnh trên cơ sở các quy định của Pháp lệnh.

Các Phó Giám đốc giúp Giám đốc thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Giám đốc.

ĐIỀU 21: Y tế của cơ sở chữa bệnh có trách nhiệm khám sức khoẻ cho người mới được đưa vào cơ sở để xác định tình trạng sức khoẻ, bệnh tật và lập hồ sơ sức khoẻ phục vụ cho việc chữa bệnh, dạy nghề và phân công lao động. Giám đốc Sở Y tế của cơ sở chữa bệnh và các bệnh viện, Trung tâm y tế có liên quan tổ chức Điều trị cho người được đưa vào cơ sở chữa bệnh.

Ban Giám đốc cơ sở chữa bệnh căn cứ vào điều kiện sức khoẻ, nghề nghiệp, giới tính của người được đưa vào cơ sở và tình hình công việc của cơ sở, sắp xếp công việc phù hợp. Nếu người được đưa vào cơ sở chữa bệnh chưa có nghề nghiệp hoặc có nghề nghiệp nhưng không phù hợp thì có thể được học nghề.

ĐIỀU 22: Ban Giám đốc cơ sở chữa bệnh có trách nhiệm tổ chức các lớp học bổ túc văn hoá, xoá mù chữ theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổ chức giáo dục Pháp luật cho những người được đưa vào cơ sở chữa bệnh.

ĐIỀU 23: Hàng tháng, Ban Giám đốc cơ sở chữa bệnh nhận xét, đánh giá kết quả lao động, học tập của những người được đưa vào cơ sở để theo dõi quá trình rèn luyện, tu dưỡng của người đó. Đối với người có tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành quyết định, Ban Giám đốc cơ sở chữa bệnh xét, đề nghị Chủ tịch UBND cấp Tỉnh quyết định việc giảm thời hạn ở cơ sở. Đối với người có hành vi chống người thi hành công vụ, không chấp hành vi vi phạm khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì Giám đốc cơ sở chữa bệnh đề nghị Chủ tịch UBND cấp Tỉnh xem xét quyết định biện pháp xử lý.

ĐIỀU 24: Trong khoản thời gian 10 ngày trước khi hết thời hạn chấp hành quyết định dựa vào cơ sở chữa bệnh Ban Giám đốc cơ sở phải báo cho người đó biết. Khi hết chấp hành quyết định, Ban Giám đốc cấp giấy chứng nhận hết hạn cho người đó và gởi bản sao Giấy chứng nhận cho: Chủ tịch UBND cấp Tỉnh nơi đã ra quyết định đưa người đó vào cơ Sở; UBND cấp huyện nơi đề nghị, UBND cấp xã nơi người đó cư trú để tiếp tục quản lý, giáo dục; cơ quan Công an nơi đã lập hồ sơ; đồng thời thông báo cho gia đình người đó và cơ quan chủ quản (Sở Lao động TB & XH) biết.

ĐIỀU 25: Ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí để duy trì tổ chức, hoạt động, trang bị cơ sở vật chất của cơ sở chữa bệnh, trợ cấp tiền thuốc Điều trị, tiền học nghề, tiền mua sắm vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết của người được đưa vào cơ sở chữa bệnh và một phần tiền ăn của những người do hoàn cảnh khó khăn hoặc vì điều kiện sức khoẻ không tham gia lao động được.

ĐIỀU 26: Cơ sở chữa bệnh có thể tiếp nhận người nghiện ma tuý, người mại dâm tuy chưa đến mức bị xử lý đưa vào cơ sở chữa bệnh nhưng tự nguyện xin vào cơ sở để được chữa bệnh - phục hồi sức khoẻ. Việc tổ chức chữa bệnh - phục hồi sức khoẻ này phải thực hiện theo quy định của Pháp luật về Khám chữa bệnh.

Chương IV

CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐƯỢC VÀO CƠ SỞ CHỮA BỆNH

ĐIỀU 27: Người được đưa vào cơ sở chữa bệnh phải chấp hành nghiêm chỉnh Pháp luật của nhà nước và nội qui của cơ sở, chịu sự quản lý, giáo dục của cơ sở, tuân theo chế độ Điều trị, chữa bệnh và lao động do cơ sở chữa bệnh quy định.

ĐIỀU 28: Người được đưa vào cơ sở chữa bệnh phải trả tiền ăn theo định mức do Bộ Lao động TB & XH quy định.

Trường hợp hoàn cảnh quá khó khăn được UBND cấp xã xác nhận hoặc vì Điều kiện sức khỏe, bệnh tật, không tham gia lao động hoặc lao động không đủ định mức thì cơ sở chữa bệnh có thể xét hỗ trợ tiền ăn trong 3 tháng đầu bằng 70% tiền lương tối thiểu, sau đó nếu chưa có nguồn thu nhập nào khác để đảm bảo đời sống thì được hỗ trợ tiền ăn trong 3 tháng tiếp theo bằng 50% tiền lương tối thiểu.

ĐIỀU 29: Người được đưa vào cơ sở chữa bệnh được đem theo đồ dùng cá nhân thiết yếu, được gặp thân nhân, được gởi thư hoặc nhắn tin cho gia đình, được nhận tiền, chăn màn, quần áo, thuốc chữa bệnh, đồ ăn và các đồ dùng sinh hoạt thiết yếu khác do thân nhân gửi tới, được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao giải trí, sinh hoạt tinh thần lành mạnh do Ban Giám đốc cơ sở chữa bệnh tổ chức, được đọc sách báo, nghe đài theo hướng dẫn của Ban Giám đốc cơ sở.

ĐIỀU 30: Người được đưa vào cơ sở chữa bệnh được trang bị bảo hộ lao động, bảo đảm vệ sinh, an toàn lao động và áp dụng chế độ về thời gian làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động.

Người được đưa vào cơ sở chữa bệnh được hưởng tiền công lao động theo định mức lao động và kết quả công việc hoàn thành. Tiền công lao động được dùng để trang trải chi phí ăn uống, sinh hoạt theo quy định tại Điều 28 của qui chế này. Sau khi trừ các khoản nói trên, số tiền còn lại (nếu có) cơ sở chữa bệnh gửi tiết kiệm cho người có số tiền đó.

Người được đưa vào cơ sở chữa bệnh được nghỉ lao động vào các ngày chủ nhật, ngày lễ, ngày Tết.

ĐIỀU 31: Người được đưa vào cơ sở chữa bệnh được trợ cấp tiền thuốc chữa bệnh, tiền học nghề, tiền mua sắm vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết theo định mức do Bộ Lao động TB & XH và Bộ Tài chính quy định.

ĐIỀU 32: Người được đưa vào cơ sở chữa bệnh được đề bạt nguyện vọng hoặc kiến nghị của mình với Ban Giám đốc về việc quản lý, chữa bệnh, học tập và lao động tại cơ sở chữa bệnh. Có quyền khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm Pháp luật và các hành quy định của qui chế này.

ĐIỀU 33: Người được đưa vào cơ sở chữa bệnh khi đã chấp hành xong quyết định có nghĩa vụ và quyền lợi như sau:

1. Phải trả lại vật dụng, trang thiết bị lao động và bảo hộ lao động đã được cho mượn, trường hợp làm mất hoặc hư hỏng thì phải bồi thường.

2. Được cấp Giấy chứng nhận hết hạn chữa bệnh, học tập và lao động.

3. Được cấp Giấy chứng nhận học nghề (nếu có).

Những trường hợp khó khăn được trợ cấp tiền ăn đường, tiền tàu xe để trở về nơi cư trú.

ĐIỀU 34: Trường hợp Bố, Mẹ (cả bên vợ hoặc bên chồng) vợ hoặc chồng, con của người được đưa vào cơ sở chữa bệnh chết có đơn đề nghị được UBND cấp xã xác nhận thì được Ban Giám đốc cơ sở có thể xét cho phép người đó về chịu tang không quá 3 ngày (không tính ngày đi đường).

ĐIỀU 35:

1. Người được đưa vào cơ sở chữa bệnh khi sinh đẻ được tạm hoãn bắt buộc chữa bệnh, học tập và lao động, cho về địa phương nơi cư trú, giao cho gia đình hoặc chính quyền, tổ chức địa phương quản lý trong thời hạn 12 tháng. Thời gian này không được tính là thời gian chấp hành quyết định.

a) Khi hết thời gian tạm hoãn thì người đó được triệu tập đến cơ Sở để tiếp tục chữa bệnh, học tập và lao động.

b) Trong thời gian được tạm hoãn, nếu người đó có tiến bộ, chấp hành tốt Pháp luật Nhà nước, các quy định của địa phương thì có thể miễn tiếp tục chấp hành quyết định.

2. Trường hợp nói tại Điểm b, Khoản 1 Điều này, Chủ tịch UBND cấp xã nơi người đó cư trú làm văn bản, báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, đề nghị Chủ tịch UBND cấp Tỉnh xem xét, quyết định việc miễn chấp hành quyết định.

Quyết định miễn chấp hành phải được gởi cho người được miễn chấp hành, Sở Lao động TB & XH, cơ quan Công an cấp Tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã nơi người đó cư trú và cơ sở chữa bệnh nơi người đó đang chấp hành quyết định.

ĐIỀU 36: Trường hợp người được đưa vào cơ sở chữa bệnh bị bệnh nặng vượt quá khả năng điều trị của cơ sở thì được cơ sở chuyển tới bệnh viện của Nhà nước để chữa trị. Thời gian điều trị được tính vào thời gian chấp hành quyết định.

Chi phí y tế trong thời gian nằm viện do bản thân người đó trả. Đối với những người vì điều kiện, hoàn cảnh quá khó khăn không trả được, nếu có đơn đề nghị thì Ban Giám đốc cơ sở chữa bệnh có thể thanh toán chi phí y tế với bệnh viện. Mức và nguồn thanh toán theo quy định của Bộ Lao động TB & XH và Bộ Tài chính.

ĐIỀU 37:

Trong thời gian đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh, nếu người được đưa vào cơ sở chữa bệnh chết phải báo cáo ngay cho cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát gần nhất lập biên bản, xác nhận nguyên nhân chết, có chứng kiến của người làm chứng và có thể trưng cầu giám định pháp y của Tỉnh đến xác nhận nguyên nhân tử vong, đồng thời thông báo cho thân nhân người chết biết để mai táng. Trong trường hợp người chết không có ai là thân nhân hoặc thân nhân không đến kịp, hoặc chết do tai nạn lao động thì Ban Giám đốc cơ sở chữa bệnh có trách nhiệm tổ chức mai táng, chi phí mai táng do ngân sách Nhà nước cấp theo quy định của Bộ Lao động TB & XH và Bộ Tài chính.

Trường hợp người được đưa vào cơ sở chữa bệnh bị thương do tai nạn lao động thì cơ sở phải chịu trách nhiệm trả các khoản chi phí y tế từ sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định thương tật cho người bị tai nạn lao động.

Chương V

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

ĐIỀU 38: Những người có thành tích trong việc giáo dục chữa bệnh, dạy nghề cho học viên tại Trung tâm thì được khen thưởng.

Những học viên có thành tích trong lao động học tập, tùy theo mức độ mà xét biểu dương, tặng Giấy khen hoặc miễn giảm thời gian chữa bệnh tại Trung tâm.

ĐIỀU 39: Những người có trách nhiệm thi hành quyết định bắt buộc chữa bệnh tập trung mà có những hành vi sau đây: có thể bị xử lý hành chính, buộc thôi việc hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

1. Bao che hành vi vi phạm của các đối tượng, hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ đối với các đối tượng quy định tại Điều 1, 3 của Bản qui chế này.

2. Vì thành kiến cá nhân hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm sai lệch hồ sơ, đề nghị sai đối tượng, xâm phạm nhân phẩm dưới mọi hình thức hoặc nhận xét sai sự thật kết quả lao động, học tập làm cho học viên bị kéo dài thời gian bắt buộc lao động tập trung.

3. Tiếp nhận đối tượng mà không có đủ hồ sơ hoặc không có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

40: Ban Giám đốc Trung tâm cơ sở chữa bệnh lập hồ sơ chuyển cho cơ quan Công an đề nghị đề nghị khởi tố theo quy định của pháp luật những đối tượng sau:

1. Những người trong quá trình chữa bệnh, lao động học tập và học tập và học nghề có những hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, xâm phạm thân thể nhân phẩm người khác.

2. Những người thường xuyên chống đối và xúi giục chống đối không chấp hành đúng nội qui Trung tâm hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật.

Chương VI

KHOẢN THI HÀNH

41: Ban Giám đốc cơ sở chữa bệnh có nhiệm vụ:

1. Xây dựng Nội qui cơ sở chữa bệnh; chương trình hoạt động tuần, tháng, quý, năm.

2. Xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, cơ sở dạy nghề đã được UBND Tỉnh phê duyệt.

3. Tổ chức quản lý chữa bệnh, giáo dục, học tập, dạy nghề cho học viên một cách khoa học và tốt nhất.

4. Tổ chức tốt đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa cho học viên để họ sớm trở về hòa nhập với cộng đồng.

42: Đối với UBND xã, Thị trấn có trách nhiệm nắm chắc lực lượng lao động, tạo việc làm cho người lao động ở địa phương, kịp thời giáo dục các đối tượng theo đúng Nghị định 19/CP của Chính phủ ban hành ngày 06/04/1996.

1. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, giúp đỡ người chậm tiến, người có hoàn cảnh khó khăn.

2. Xét duyệt hồ sơ đưa đi lao động tập trung phải đúng người, đúng sự việc, nghiêm cấm thành kiến cá nhân.

3. Khi học viên ra trường trở về địa phương phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm, phối hợp với các tổ chức, các đoàn thể giúp đỡ, theo dõi đề phòng tái phạm. Cấm mọi hành vi định kiến làm cho họ có mặc cảm với địa phương.

43: Đối với UBND huyện, có trách nhiệm:

1. Xem xét giải quyết kịp thời những đối tượng cần bắt buộc lao động tập trung.

2. Giúp đỡ, tạo việc làm cho các đối tượng sau khi hết thời hạn ở Trung tâm trở về địa phương.

44: Sở Tư pháp có trách nhiệm:

1. Giúp và phối hợp với Trung tâm giáo dục lao động tạo việc làm.

a) Xây dựng Nội qui hoạt động.

b) Giáo dục pháp luật cho học viên.

c) Hướng dẫn Tư pháp huyện, xã, trong việc lập hồ sơ lý lịch tư pháp các đối tượng đã cải tạo trở về địa phương, phối hợp với Công an huyện, xã, Thị trấn làm tốt công tác giáo dục và quản lý đối tượng.

45: Công an Tỉnh có trách nhiệm:

1. Hướng dẫn ơ quan Công an các cấp phối hợp với cơ quan Lao động TB & XH, cơ quan Y tế giúp UBND cùng cấp trong việc thu thập tài liệu để lập hồ sơ.

2. Hướng dẫn việc tổ chức đưa người phải chấp hành quyết định vào cơ sở chữa bệnh.

3. Tổ chức đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ của các cơ Sở chữa bệnh.

4. Phối hợp kiểm tra việc tổ chức bảo vệ các cơ sở chữa bệnh.

46: Sở Lao động TB & XH là đơn vị chủ quản của cơ sở chữa bệnh Tỉnh có trách nhiệm:

1. Hướng dẫn Trung tâm xây dựng đề án sản xuất kinh doanh, dạy nghề cho phù hợp.

2. Phối hợp với Sở Tài chính đảm bảo nguồn kinh phí cho Trung tâm hoạt động.

Thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật.

47: Qui chế này được áp dụng cho cả các đối tượng từ Tỉnh khác đưa đến cơ sở chữa bệnh Tỉnh Bình Phước.

48: Giao cho Giám đốc Sở Lao động TB & XH, Giám đốc Công an Tỉnh và Giám đốc Sở Tư pháp thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định này.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2082/QĐ-UB năm 1997 Quy chế cơ sở chữa bệnh của tỉnh Bình Phước

  • Số hiệu: 2082/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/11/1997
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Người ký: Nguyễn Văn Thỏa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/11/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 01/09/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản