Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20/CP

Hà Nội, ngày 13 tháng 4 năm 1996

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 20-CP NGÀY 13 THÁNG 4 NĂM 1996 BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ CƠ SỞ CHỮA BỆNH THEO PHÁP LỆNH XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH NGÀY 6 THÁNG 7 NĂM 1995

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính ngày 6 tháng 7 năm 1995;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này "Quy chế về cơ sở chữa bệnh" đối với những người nghiện ma tuý, những người mại dâm bị xử lý hành chính.

Điều 2. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 3. Nghị định này có hiệu lực từ ngày ban hành. Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này. Những quy định trước đây của Chính phủ trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Võ Văn kiệt

(Đã ký)

QUY CHẾ

VỀ CƠ SỞ CHỮA BỆNH THEO PHÁP LỆNH XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH NGÀY 6/7/1995
(Ban hành kèm theo Nghị định số 20/CP ngày 13 tháng 4 năm 1996 của Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Cơ sở chữa bệnh được quy định trong Quy chế này là nơi chữa bệnh, học tập, lao động, dạy nghề và hướng nghiệp đối với người nghiện ma tuý, người mại dâm đã được quy định trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 6 tháng 7 năm 1995.

Điều 2. Đưa vào cơ sở chữa bệnh là biện pháp xử lý hành chính chỉ thực hiện theo Quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh được chữa bệnh, học tập, lao động, dạy nghề và hướng nghiệp dưới sự quản lý của Cơ sở chữa bệnh trong thời hạn từ ba tháng đến một năm.

Điều 3. Đưa vào Cơ sở chữa bệnh được áp dụng đối với các đối tượng sau đây:

a) Người nghiện ma tuý: Đã được giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng vẫn chưa cai nghiện được; đã được đưa vào Cơ sở chữa bệnh để cai nghiện nhưng vẫn tái nghiện; người nghiên nặng không có khả năng để cai nghiện tại nhà hoặc cai nghiện tại cộng đồng.

b) Người mại dâm: Đã được giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng vẫn không chịu sửa chữa; đã được đưa vào Cơ sở chữa bệnh nhưng vẫn tái phạm hoặc người mại dâm có tính chất thường xuyên.

Không đưa vào Cơ sở chữa bệnh người chưa đủ 18 tuổi, nữ trên 55 tuổi, nam trên 60 tuổi.

Điều 4. Việc áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở chữa bệnh phải theo đúng thẩm quyền, thủ tục, trình tự quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Quy chế này.

Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh.

Điều 5. Cơ sở chữa bệnh là đơn vị sự nghiệp, có tư cách pháp nhân được cấp kinh phí sự nghiệp. Nguồn tài chính bảo đảm hoạt động của Cơ sở chữa bệnh bao gồm:

- Kinh phí Nhà nước cấp;

- Kinh phí của địa phương hỗ trợ;

- Một phần kết quả lao động sản xuất của người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh;

- Sự đóng góp tự nguyện của gia đình người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh;

- Sự ủng hộ của các cá nhân, đơn vị kinh tế, tổ chức xã hội ở trong nước và các cá nhân, tổ chức nước ngoài.

Chương 2:

THỦ TỤC ĐƯA NGƯỜI VÀO CƠ SỞ CHỮA BỆNH

Điều 6. Việc lập hồ sơ xét duyệt và quyết định đưa người vào Cơ sở chữa bệnh phải bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định tại các Điều 74, 75 và 76 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với cơ quan Công an, cơ quan Y tế có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp trong việc thu thập tài liệu để lập hồ sơ người đưa vào Cơ sở chữa bệnh.

Điều 7

1- Hồ sơ đề nghị đưa người vào Cơ sở chữa bệnh gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh gồm:

- Sơ yếu lý lịch;

- Tài liệu về các vi phạm pháp luật;

- Giấy xác nhận tình trạng sức khoẻ hoặc hồ sơ bệnh án của người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh;

- Các biện pháp giáo dục đã áp dụng;

- Những tài liệu khác có liên quan đến nhân thân người đó (nếu có).

2- Trong thời hạn 5 ngày kể từ khi nhân được hồ sơ đề nghị đưa người vào Cơ sở chữa bệnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chuyển hồ sơ đó cho Hội đồng Tư vấn. Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, thường trực Hội đồng Tư vấn phải triệu tập phiên họp. Phiên họp Hội đồng Tư vấn có đại diện Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp tham dự. Hội đồng xem xét và biểu quyết từng trường hợp cụ thể, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

Biên bản họp Hội đồng Tư vấn phải ghi rõ ý kiến phát biểu của các thành viên của Hội đồng Tư vấn và đại diện Viện kiểm sát nhân dân.

3- Thường trực Hội đồng Tư vấn có trách nhiệm làm văn bản (có gửi kèm theo biên bản họp Hội đồng Tư vấn) trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc đưa vào Cơ sở chữa bệnh.

Điều 8.

1- Hội đồng Tư vấn là cơ quan giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xét duyệt hồ sơ đề nghị đưa vào Cơ sở chữa bệnh. Hội đồng Tư vấn do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định thành lập.

2- Hội đồng Tư vấn gồm: Đại diện lãnh đạo cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Công an, cơ quan Tư pháp, Hội liên hiệp phụ nữ cấp tỉnh. Đại diện lãnh đạo cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội là thường trực Hội đồng Tư vấn. Thường trực Hội đồng Tư vấn có trách nhiệm chuẩn bị, tổ chức, chủ trì phiên họp.

3- Hội đồng Tư vấn làm việc theo chế độ tập thể, các thành viên Hội đồng Tư vấn làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và được hưởng phụ cấp theo quy định của pháp luật.

4- Kinh phí hoạt động của Hội đồng Tư vấn được ngân sách địa phương bảo đảm trong kinh phí của Sở lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 9. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Hội đồng Tư vấn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc đưa vào Cơ sở chữa bệnh.

Điều 10. Khi nhận được quyết định đưa người vào Cơ sở chữa bệnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an cùng cấp và Uỷ ban nhân dân cấp xã có kế hoạch quản lý, giám sát người có tên trong quyết định đưa vào Cơ sở chữa bệnh, đồng thời phối hợp với cơ quan Công an cấp tỉnh trong việc thi hành quyết định.

Điều 11. Người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người đó có quyền khiếu nại quyết định đưa vào Cơ sở chữa bệnh theo quy định tại Điều 89 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 12.

1- Hồ sơ của người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh gồm:

- Trích yếu hồ sơ đề nghị đưa người cào Cơ sở chữa bệnh;

- Quyết định đưa vào Cơ sở chữa bệnh của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

2- Hồ sơ của người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh được lập thành hai bộ, một bộ do Thường trực Hội đồng Tư vấn giữ, một bộ do Cơ sở chữa bệnh giữ. Hồ sơ phải được quản lý chặt chẽ theo chế độ về quản lý hồ sơ, tài liệu, công văn của Nhà nước.

3- Việc tiếp nhận người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh phải được lập thành biên bản, Cơ sở chữa bệnh phải kiểm tra hồ sơ, căn cước của người được đưa vào Cơ sở khi làm thủ tục tiếp nhận.

Điều 13. Trường hợp người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh bỏ trốn, Ban Giám đốc Cơ sở phải lập biên bản, thông báo ngày cho gia đình và chính quyền địa phương nơi người đó cư trú và cơ quan Công an cấp tỉnh biết. Ban Giám đốc cơ sở chữa bệnh có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Công an và gia đình tổ chức đưa người đó trở lại Cơ sở để tiếp tục chữa bệnh, học tập và lao động.

Chương 3:

TỔ CHỨC CƠ SỞ CHỮA BỆNH

Điều 14. Cơ sở chữa bệnh được thành lập theo địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chịu sự quản lý trực tiếp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Mỗi tỉnh, thành phố thành lập một Cơ sở chữa bệnh.

Sau khi có sự thoả thuận bằng văn bản với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập, giải thể Cơ sở chữa bệnh thuộc địa phương.

Những tỉnh, thành phố trọng điểm có số lượng lớn người nghiện ma tuý, người mại dâm có thể thành lập một Cơ sở chữa bệnh riêng cho người nghiện ma tuý và một Cơ sở chữa bệnh riêng cho người mại dâm.

Những địa phương có số lượng ít người nghiện ma tuý, người mại dâm có thể gửi đối tượng đến Cơ sở chữa bệnh của địa phương khác trên cơ sở thoả thuận giữa các địa phương nơi gửi và nhận.

Điều 15.- Cơ sở chữa bệnh có chức năng, nhiệm vụ:

- Tiếp nhận, chữa bệnh, phục hồi sức khoẻ cho những người được đưa vào cơ sở chữa bệnh;

- Tổ chức học tập, giáo dục, dạy nghề; bảo đảm các điều kiện vật chất, sinh hoạt tinh thần cho người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh theo đúng quy định;

- Tổ chức lao động sản xuất cho người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh;

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để tổ chức quản lý, chữa bệnh, giáo dục, lao động, dạy nghề và hướng nghiệp cho người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh.

Điều 16. Cơ sở chữa bệnh tổ chức khu vực riêng cho người nhiện ma tuý và khu vực riêng cho người mại dâm.

Cơ sở chữa bệnh tổ chức nơi tiếp nhận đối tượng, nơi khám chữa bệnh, học tập, dạy nghề, lao động, nơi ăn ở, sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, an toàn, nơi vui chơi giải trí lành mạnh cho người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh; tách nơi ở của nam, nữ riêng; cách ly người mắc bệnh truyền nhiễm.

Điều 17. Cơ cấu tổ chức của Cơ sở chữa bệnh bao gồm Ban Giám đốc và các phòng quản lý nghiệp vụ:

1- Ban Giám đốc gồm có:

- Giám đốc;

- Các Phó Giám đốc.

2- Các phòng quản lý nghiệp vụ gồm có:

- Phòng Y tế - phục hồi sức khoẻ;

- Phòng Giáo dục và dạy nghề;

- Phòng Quản lý lao động sản xuất;

- Phòng Tổ chức - Hành chính - kế toán;

- Phòng Bảo vệ.

Tuỳ theo quy mô tổ chức và số lượng người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định số lượng các phòng và biên chế cần thiết cho phù hợp với Cơ sở chữa bệnh thuộc địa phương mình.

Điều 18.

1- Khi có tình hình phức tạp về y tế, an ninh trật tự mà Cơ sở chữa bệnh không bảo đảm được thì Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm văn bản đề nghị, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Công an cấp tỉnh có trách nhiệm cử cán bộ, chiến sỹ của ngành mình tăng cường, hỗ trợ, phối hợp trong việc bảo đảm an ninh trật tự và chữa bệnh, điều trị tại các Cơ sở chữa bệnh.

2- Trong thời gian công tác tại Cơ sở chữa bệnh các cán bộ, chiến sĩ của ngành Y tế, Công an làm việc theo sự phân công và điều hành của Giám đốc Cơ sở chữa bệnh.

3- Cán bộ, nhân viên, chiến sỹ của Cơ sở chữa bệnh được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp độc hại, phụ cấp nguy hiểm theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Giám đốc Cơ sở chữa bệnh do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Phó giám đốc Cơ sở chữa bệnh do Giám đốc Sở lao động - Thương binh và Xã hội quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Cơ sở chữa bệnh.

Điều 20. - Giám đốc Cơ sở chữa bệnh chịu trách nhiệm về hoạt động của cơ sở chữa bệnh trên cơ sở các quy định của pháp luật.

Các Phó Giám đốc giúp Giám đốc thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Giám đốc.

Điều 21. Y tế của Cơ sở chữa bệnh có trách nhiệm khám sức khoẻ cho người mới được đưa vào Cơ sở để xác định tình trạng sức khoẻ, bệnh tật và lập hồ sơ sức khoẻ phục vụ cho việc chữa bệnh, dạy nghề và phân công lao động. Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo y tế của Cơ sở chữa bệnh và các bệnh viện, trung tâm y tế có liên quan tổ chức điều trị cho những người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh.

Ban Giám đốc Cơ sở chữa bệnh căn cứ vào điều kiện sức khoẻ, nghề nghiệp, giới tính của người được đưa vào Cơ sở và tình hình công việc của Cơ sở sắp xếp công việc phù hợp. Nếu người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh chưa có nghề nghiệp hoặc có nghề nghiệp nhưng không phù hợp thì có thể được học nghề.

Điều 22. Ban Giám đốc Cơ sở chữa bệnh có trách nhiệm tổ chức các lớp học bổ túc văn hoá, xoá mù chữ theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổ chức giáo dục pháp luật cho những người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh.

Điều 23.- Hàng tháng, Ban Giám đốc Cơ sở chữa bệnh nhận xét, đánh giá kết quả lao động, học tập của những người được đưa vào Cơ sở để theo dõi quá trình rèn luyện, tu dưỡng của người đó. Đối với người có tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành quyết định, Ban Giám đốc Cơ sở chữa bệnh xét, đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc giảm thời hạn ở Cơ sở. Đối với người có hành vi chống người thi hành công vụ, không chấp hành quyết định, bỏ trốn hoặc có những hành vi vi phạm khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì Giám đốc Cơ sở chữa bệnh đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định biện pháp xử lý.

Điều 24. Trong khoảng thời gian 10 ngày trước khi hết thời hạn chấp hành quyết định đưa vào Cơ sở chữa bệnh. Ban Giám đốc Cơ sở phải thông báo cho người đó biết. Khi hết hạn chấp hành quyết định, Ban Giám đốc cấp giấy chứng nhận hết hạn cho người đó và gửi bản sao giấy chứng nhận cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi đã ra quyết định đưa người đó vào Cơ sở, Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi đề nghị, Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để tiếp tục quản lý, giáo dục, cơ quan Y tế, cơ quan Công an đã lập hồ sơ, đồng thời thông báo cho gia đình người đó.

Điều 25. Ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí để duy trì tổ chức, hoạt động, trang bị cơ sở vật chất của Cơ sở chữa bệnh, trợ cấp tiền thuốc điều trị, tiền học nghề, tiền mua sắm vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết của người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh và một phần tiền ăn của những người do hoàn cảnh khó khăn hoặc vì điều kiện sức khoẻ không tham gia lao động được.

Điều 26. Cơ sở chữa bệnh có thể tiếp nhận người nghiện ma tuý, người mại dâm tuy chưa đến mức bị xử lý đưa vào Cơ sở chữa bệnh nhưng tự nguyện xin vào Cơ sở để được chữa bệnh - phục hồi sức khoẻ. Việc tổ chức chữa bệnh - phục hồi sức khoẻ này phải thực hiện theo quy định của pháp luật về khám chữa bệnh.

Chương 4:

CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐƯỢC ĐƯA VÀO CƠ SỞ CHỮA BỆNH

Điều27. Người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước và nội quy của Cơ sở, chịu sự quản lý, giáo dục của Cơ sở, tuân theo chế độ điều trị, chữa bệnh và lao động do Cơ sở chữa bệnh quy định.

Điều 28. Người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh phải trả tiền ăn theo định mức do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

Trường hợp hoàn cảnh quá khó khăn được Uỷ ban nhân dân cấp xã xác nhận hoặc vì điều kiện sức khoẻ, bệnh tật không tham gia lao động hoặc lao động không đủ định mức thì Cơ sở chữa bệnh có thể xét hỗ trợ tiền ăn trong 3 tháng dầu bằng 70% tiền lương tối thiểu, sau đó nếu chưa có nguồn thu nhập nào khác để đảm bảo đời sống thì được hỗ trợ tiền ăn trong 3 tháng tiếp theo bằng 50% tiền lương tối thiểu.

Điều 29. Người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh được đem theo đồ dùng sinh hoạt cá nhân thiết yếu; được gặp thân nhân, được gửi thư hoặc nhắn tin cho gia đình; được nhận tiền, chăn màn, quần áo, thuốc chữa bệnh, đồ ăn và các đồ dùng sinh hoạt cá nhân thiết yếu khác do thân nhân gửi tới; được tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao, giải trí, sinh hoạt tinh thần lành mạnh do Ban Giám đốc Cơ sở chữa bệnh tổ chức; được đọc sách, báo, nghe đài theo hướng dẫn của Ban Giám đốc Cơ sở chữa bệnh.

Điều 30. Người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh được trang bị bảo hộ lao động, bảo đảm vệ sinh, an toàn lao động và áp dụng chế độ về thời gian làm việc theo quy định của pháp luật lao động.

Người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh được hưởng tiền công lao động theo định mức lao động và kết quả công việc hoàn thành. Tiền công lao động được dùng để trang trải chi phí ăn uống, sinh hoạt theo quy định tại Điều 28 của Quy chế này. Sau khi trừ các khoản nói trên, số tiền còn lại (nếu có) Cơ sở chữa bệnh được gửi tiết kiệm cho người có số tiền đó.

Người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh được nghỉ lao động vào các ngày chủ nhật, ngày lễ, ngày tết.

Điều 31. Người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh được trợ cấp tiền thuốc chữa bệnh, tiền học nghề, tiền mua sắm vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết theo định mức do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính quy định.

Điều 32. Người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh được đề đạt nguyện vọng hoặc kiến nghị của mình với Ban giám đốc về việc quản lý, chữa bệnh, học tập và lao động tại Cơ sở; có quyền khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật và các quy định của Quy chế này.

Điều 33. Người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh khi đã chấp hành xong quyết định có nghĩa vụ và quyền lợi sau:

- Phải trả lại những vật dụng, trang thiết bị lao động và bảo hộ lao động đã được cho mượn, trường hợp làm mất hoặc hư hỏng thì phải bồi thường;

- Được cấp giấy chứng nhận hết thời hạn chữa bệnh, học tập và lao động;

- Được cấp giấy chứng nhận học nghề (nếu có);

- Được nhận tiền tiết kiệm của mình (nếu có);

- Những trường hợp khó khăn được trợ cấp tiền ăn đường, tiền tàu xe để trở về nơi cư trú.

Điều 34. Trường hợp bố, mẹ (cả bên vợ và bên chồng), vợ hoặc chồng, con của người được vào Cơ sở chữa bệnh chết và có đơn đề nghị được Uỷ ban nhân dân cấp xã xác nhận thì Ban giám đốc Cơ sở có thể xét cho người đó về nhà chịu tang không quá 3 ngày (không tính ngày đi đường).

Điều 35.

1- Người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh khi sinh đẻ được tạm hoãn bắt buộc chữa bệnh, học tập và lao động, cho về địa phương nơi cư trú, giao cho gia đình hoặc chính quyền, tổ chức địa phương quản lý trong thời gian 12 tháng. Thời gian này không được tính là thời gian chấp hành quyết định.

a) Khi hết thời gian tạm hoãn thì người đó được triệu tập đến Cơ sở để tiếp tục chữa bệnh, học tập và lao động.

b) Trong thời gian được tạm hoãn, nếu người đó có tiến bộ, chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương thì có thể được miễn tiếp tục chấp hành quyết định.

2- Trường hợp nói tại điểm b khoản 1 của Điều này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú làm văn bản, báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện và trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét, đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc miễn chấp hành quyết định.

Quyết định miễn chấp hành phải được gửi cho ngưòi được miễn chấp hành, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Công an cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú và Cơ sở chữa bệnh nơi người đó đang chấp hành quyết định.

Điều 36. Trường hợp người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh bị bệnh nặng vượt quá khả năng điều trị của Cơ sở thì được Cơ sở chuyển tới bệnh viện của Nhà nước để chữa trị. Thời gian điều trị được tính vào thời gian chấp hành quyết định.

Chi phí y tế trong thời gian nằm viện do bản thân người đó trả. Đối với những người vì điều kiện, hoàn cảnh quá khó khăn không trả được, nếu có đơn đề nghị thì Ban giám đốc Cơ sở chữa bệnh có thể thanh toán chi phí y tế với bệnh viện. Mức và nguồn thanh toán theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính.

Điều 37. Trong thời gian đang chấp hành quyết định đưa vào Cơ sở chữa bệnh, nếu người được đưa vào Cơ sở chết thì Ban giám đốc Cơ sở chữa bệnh phải báo ngay cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát gần nhất đến lập biên bản xác nhận nguyên nhân chết, có chứng kiến của người làm chứng và có thể trưng cầu giám định pháp y của tỉnh đến giám định xác định nguyên nhân tử vong, đồng thời thông báo cho thân nhân người chết biết để mai táng. Trong trường hợp người chết không có ai là thân nhân hoặc thân nhân không đến kịp, hoặc chết do tai nạn lao động thì Ban giám đốc Cơ sở chữa bệnh có trách nhiệm tổ chức mai táng, chi phí mai táng do ngân sách Nhà nước cấp theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính.

Trường hợp người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh bị thương do tai nạn lao động thì Cơ sở phải chịu trách nhiệm trả các khoản chi phí y tế từ sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định thương tật cho người bị tai nạn lao động.

Điều 38. Trong thời gian chấp hành tại Cơ sở chữa bệnh, nếu người được đưa vào Cơ sở vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh có tiến bộ hoặc có thành tích thì được động viên, khen thưởng kịp thời.

Chương 5:

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRONG QUẢN LÝ CƠ SỞ CHỮA BỆNH

Điều 39. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

- Thống nhất quản lý Nhà nước đối với các Cơ sở chữa bệnh;

- Hướng dẫn chi tiết chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, chức danh tiêu chuẩn cán bộ Cơ sở chữa bệnh, trách nhiệm, quyền hạn của giám đốc;

- Hướng dẫn quy hoạch xây dựng Cơ sở chữa bệnh (xác định quy mô, mô hình thiết kế, suất đầu tư v.v...);

- Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nội vụ trong việc chữa bệnh, bảo vệ các Cơ sở chữa bệnh; giáo dục, lao động phù hợp với từng loại đối tượng được đưa vào Cơ sở;

- Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế quy định mức trợ cấp tiền thuốc chữa bệnh, tiền học nghề, tiền mua sắm vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết và các khoản chi phí khác cho người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh;

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn địa phương lập kế hoạch kinh phí hàng năm cho các Cơ sở chữa bệnh. Tổng hợp kế hoạch kinh phí hàng năm;

- Thanh tra, kiểm tra tổ chức hoạt động của các Cơ sở chữa bệnh;

- Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực cai nghiện và chữa bệnh xã hội.

Điều 40. Bộ Y tế có trách nhiệm:

- Hướng dẫn, chỉ đạo việc điều trị cai nghiện ma tuý, chữa bệnh xã hội trong các Cơ sở chữa bệnh;

- Cử cán bộ, nhân viên của ngành tham gia chữa bệnh cho người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh theo đề nghị của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Quy định chế độ điều trị, cai nghiện ma tuý, chữa bệnh xã hội cho người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh;

- Nghiên cứu, xác định các loại thuốc và phương pháp chữa bệnh.

Điều 41. Bộ Nội vụ có trách nhiệm:

- Hướng dẫn cơ quan Công an các cấp phối hợp với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Y tế giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp trong việc thu thập tài liệu để lập hồ sơ;

- Hướng dẫn việc tổ chức đưa người phải chấp hành quyết định vào Cơ sở chữa bệnh;

- Cử cán bộ, chiến sĩ của ngành tham gia bảo về các Cơ sở chữa bệnh theo đề nghị của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Tổ chức đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ của các Cơ sở chữa bệnh;

- Phối hợp kiểm tra việc tổ chức bảo vệ các Cơ sở chữa bệnh.

Điều 42. Bộ Tài chính có trách nhiệm:

- Quy định chế độ cấp phát kinh phí hoạt động cho các Cơ sở chữa bệnh;

- Hướng dẫn việc cấp phát kinh phí đầy đủ và kịp thời cho các Cơ sở chữa bệnh theo kế hoạch đã được phê duyệt;

- Phối hợp kiểm tra việc sử dụng kinh phí của các Cơ sở chữa bệnh.

Điều 43. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:

- Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành có liên quan trong việc tổ chức và quản lý các Cơ sở chữa bệnh tại địa phương mình;

- Có kế hoạch nắm vững tình hình chữa bệnh, học tập, lao động và sự tiến bộ của những người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh;

- Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ hướng dẫn, chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã kết hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, ngành Công an có trách nhiệm tạo điều kiện chỗ ăn, ở cho những đối tượng không có nơi cư trú nhất định trong thời gian lập hồ sơ, chờ quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đưa vào Cơ sở chữa bệnh.

- Hướng dẫn, chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tạo điều kiện cho những người đã chấp hành xong quyết định đưa vào Cơ sở chữa bệnh tìm kiếm việc làm, tái hoà nhập cộng đồng.

Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người đã chấp hành xong quyết định đưa vào Cơ sở chữa bệnh có trách nhiệm tiếp tục quản lý, giáo dục người đó, tạo điều kiện để người đó có việc làm và ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng.

Điều 44. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp hướng dẫn chi tiết thi hành Quy chế này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 20-CP năm 1996 ban hành Quy chế về cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính

  • Số hiệu: 20/CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 13/04/1996
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: 13/04/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 09/07/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản