Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2073/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 23 tháng 8 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY TRÌNH KỸ THUẬT CANH TÁC CÀ PHÊ CHÈ (ARABICA) NÔNG LÂM KẾT HỢP ÁP DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Trồng trọt ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Quyết định số 4428/QĐ-BNN-TT ngày 09 tháng 11 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về ban hành Quy trình tái canh cà phê chè;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 177/TTr-SNN ngày 15 tháng 7 năm 2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy trình kỹ thuật canh tác cà phê chè (Arabica) nông lâm kết hợp áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn thực hiện Quy trình.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, Dự án PFFP và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Trồng trọt;
- CT, PCT TT: Hà Sỹ Đồng;
- CVP, PVP Nguyễn Cửu;
- Lưu: VT, KT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hà Sỹ Đồng

 

QUY TRÌNH KỸ THUẬT CANH TÁC CÀ PHÊ CHÈ (ARABICA) NÔNG LÂM KẾT HỢP

(Kèm theo Quyết định số 2073/QĐ-UBND ngày 23 tháng 8 năm 2024 của UBND tỉnh Quảng Trị)

Phần I

QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

- Đối tượng áp dụng: Áp dụng cho người sản xuất cà phê chè (Arabica) và cán bộ kỹ thuật, tập huấn viên, cơ quan quản lý, các chương trình dự án có liên quan.

- Phạm vi áp dụng: Trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

2. Căn cứ và tài liệu tham khảo xây dựng

- Quyết định số 4428/QĐ-BNN-TT ngày 09/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về ban hành Quy trình tái canh cà phê chè;

- Quyết định số 3702/QĐ-BNN-TT ngày 24/9/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về ban hành Quy trình trồng xen cây hồ tiêu, cây bơ, cây sầu riêng trong vườn cà phê vối;

- Quyết định số 308/QĐ-CTT ngày 28/8/2023 của Cục Trồng trọt về việc phê duyệt Bộ tài liệu Sổ tay hướng dẫn sản xuất cà phê chè (Arabica) bền vững tại Việt Nam (dành cho tập huấn viên và người sản xuất);

- Tài liệu hướng dẫn xây dựng và quản lý hệ thống nông lâm kết hợp cho cà phê của Trung tâm Nghiên cứu Nông lâm thế giới (ICRAF) Việt Nam;

- Tài liệu kỹ thuật canh tác cà phê chè tại Việt Nam (9/2020) của Rainforest Alliance Việt Nam;

- Sổ tay Hướng dẫn thực địa về chuyển đổi phương thức canh tác cà phê độc canh sang Nông lâm kết hợp đa tầng trên vườn cà phê của Công ty Slow Forest Coffee;

- Quy trình trồng và chăm sóc cà phê chè ban hành theo Quyết định số 158/QĐ-UBND, ngày 15/01/2024 của của UBND tỉnh Quảng Trị;

- Kết quả đánh giá nhu cầu đào tạo của các hộ trồng cà phê trên địa bàn xã Hướng Phùng và xã Hướng Sơn huyện Hướng Hoá của Dự án PFFP;

- Đặc điểm đất đai, điều kiện tự nhiên, thực trạng sản xuất cà phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa.

Phần II

THIẾT KẾ, LỰA CHỌN CÂY TRỒNG XEN TRONG VƯỜN CÀ PHÊ CHÈ NÔNG LÂM KẾT HỢP

I. Nguyên tắc lựa chọn vườn

1. Điều kiện chọn vườn cà phê để áp dụng biện pháp nông lâm kết hợp

- Vườn cà phê chuẩn bị trồng mới, tái canh;

- Vườn cà phê chuẩn bị cưa đốn (trẻ hóa vườn cây);

- Vườn cà phê trong giai đoạn kiến thiết cơ bản và kinh doanh có kế hoạch tỉa thưa, bổ sung cây che bóng.

2. Nguyên tắc lựa chọn đối tượng cây trồng xen đưa vào trồng trong vườn cà phê nông lâm kết hợp.

Tùy thuộc vào đặc điểm khí hậu, tính chất đất, độ dốc của vườn cà phê tại mỗi địa bàn để lựa chọn đối tượng cây trồng xen, bố trí mật độ, khoảng cách trồng phù hợp để phát huy hiệu quả, dựa trên các nguyên tắc sau:

- Mỗi vườn cà phê nông lâm tối thiểu có 2 đối tượng cây trồng khác đưa vào canh tác (ngoài cây cà phê chè), trong đó bao gồm ít nhất 01 loài cây nông nghiệp (cây ăn quả, cây công nghiệp,...) và 01 loài cây lâm nghiệp hoặc cây lâm nghiệp bản địa;

- Tùy theo đối tượng cây trồng xen để thiết kế mật độ trồng xen phù hợp, đảm bảo tỷ lệ che bóng tối đa 50 - 60% khi cây trồng xen khép tán trên vườn cà phê nông lâm kết hợp;

- Lựa chọn cây trồng xen phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu địa phương đảm bảo cho quá trình sinh trưởng phát triển, có năng suất, chất lượng cao;

- Cây có bộ lá không quá rậm rạp, phân bố cành đều, ít rụng lá trong mùa khô, cành khỏe, chịu rong tỉa;

- Cây mọc cao, rễ ăn sâu, ít tranh chấp chất dinh dưỡng, nước với cây cà phê. Ưu tiên các loại cây họ đậu như Keo dậu, muồng đen...;

- Cây không cùng nhiễm các đối tượng sâu bệnh hại với cây cà phê;

- Sản phẩm có giá trị kinh tế, dễ tiêu thụ;

- Ưu tiên những cây không thu hoạch sản phẩm cùng lúc với cây cà phê và bố trí rải vụ thu hoạch nhất là cây ăn quả (sớm, chính vụ, muộn) để không bị áp lực về mùa vụ, nhân công và tiêu thụ...

II. Loại cây trồng khuyến cáo trồng xen trong vườn cà phê

1. Cây trồng hằng năm

Trong những năm đầu khi cây cà phê chưa giao tán có thể trồng xen các cây trồng ngắn ngày, cây hàng năm giữa hai hàng cà phê. Cây trồng xen cần được chăm sóc, bón phân theo yêu cầu của mỗi loại cây ở từng thời kỳ. Tàn dư thân lá cây trồng xen sau khi thu hoạch, tiến hành tủ gốc cho cây cà phê hoặc đào rãnh vùi vào đất.

1.1. Nhóm cây trồng đã được trồng phổ biến, phù hợp và có hiệu quả trên địa bàn huyện Hướng Hóa: Cây Lạc, cây Gừng, cây Sả, cây Muồng hoa vàng.

1.2. Nhóm cây khuyến cáo trồng thử nghiệm trong vườn cà phê: Các loại có phục vụ chăn nuôi, cây Lạc dại, Mã đề, Rau má,...

2. Cây trồng lâu năm

2.1. Trồng quanh vườn cà phê làm vành đai, bờ lô:

- Nhóm cây đã được trồng phổ biến, phù hợp có hiệu quả trên địa bàn huyện Hướng Hóa: Cà phê mít, Hồ tiêu (cây làm choái là lồng mức, keo dậu), Keo dậu, Gáo vàng (trồng vùng đất có tầng canh tác dày, có độ ẩm), Mắc ca (Khuyến cáo giống OC, QN1, A38...), Mít bản địa;

- Nhóm cây khuyến cáo trồng thử nghiệm, theo dõi: Nhãn, Vải, Chôm chôm, Bồ kết, Muồng đen, Giổi, Gụ lau, Lát hoa, Sến (bản địa), Xoan (Xoan đỏ, Xoan mộc), Sưa đỏ.

2.2. Trồng xen trong vườn:

- Nhóm cây đã được trồng phổ biến, phù hợp có hiệu quả trên địa bàn huyện Hướng Hóa: Hồ tiêu, Cà phê mít, Mít bản địa, Bơ 034, Keo dậu, Gáo vàng;

- Nhóm cây khuyến cáo trồng thử nghiệm, theo dõi: Nhãn, vải, chôm chôm, sầu riêng, Mắc ca, cây Lâm nghiệp bản địa (Sến bản địa, Lát hoa, Giổi xanh, Gụ lau...).

2.3. Khuyến cáo mật độ trồng một số cây xen trong vườn cà phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa:

- Cây Muồng đen: Khoảng cách trồng 20 x 20 m/cây hoặc 20 x25 cm (20-25 cây/ha);

- Cây Keo dậu: Khoảng cách trồng 10 x 10 m/cây hoặc 8 x12m (100 - 104 cây/ha);

- Cây Gáo vàng: Khoảng cách trồng 10 x 10 m/cây hoặc 8 x12 m (100 - 104 cây/ha);

- Cây Mắc ca: Khoảng cách 12 x 9 m hoặc 10m x 10m (mật độ: 93- 100 cây/ha);

- Cây Lồng mức (làm choái tiêu): Khoảng cách 3 x 3 m hoặc 6 x 5 m. Phổ biến là khoảng cách trồng 5 x 6m/cây (180 - 200 cây/ha), 2 - 3 hàng cà phê xen 01 hàng hồ tiêu;

- Cây ăn quả: Bơ ghép, Mít (bản địa, Thái, Indonexia,..), Sầu riêng (Dona hay Monthong, Ri6...) ... với khoảng cách 12-15m x 9m (65-90 cây/ha);

- Cà phê mít: Trồng theo hàng, khoảng cách trồng 10 x 10 m/cây hoặc 12 x19 m (93 - 100 cây/ha).

2.4. Trồng, chăm sóc cây trồng xen, cây che bóng:

- Ưu tiên trồng các loài cây họ đậu, hạn chế trồng cây họ dầu, cạnh tranh nguồn nước với cây cà phê. Đối với cây trồng đòi hỏi thâm canh cao như cây Sầu riêng,...vùng trồng thử nghiệm phải đảm bảo điều kiện tưới;

- Cây che bóng được trồng đồng thời với lúc trồng cây cà phê hoặc trước khi trồng cà phê 1 - 2 tháng; cũng có thể trồng bổ sung khi tỉa bớt cây cà phê trong giai đoạn kiến thiết cơ bản hoặc giai đoạn kinh doanh (tùy theo chiều cao cây cà phê, để lựa chọn chiều cao cây trồng xen phù hợp);

- Cây che bóng được gieo ươm trong bầu và chăm sóc đảm bảo theo quy trình, cây đảm bảo đạt độ cao 30 - 40 cm khi trồng xen trong vườn cà phê trồng mới, tái canh; đạt độ cao tối thiểu 01m khi trồng xen trong vườn cà phê kiến thiết cơ bản hoặc kinh doanh;

- Nên trồng cây che bóng cùng hàng với cây cà phê để sau này dễ đi lại chăm sóc hoặc cũng có thể trồng giữa hai hàng cây cà phê;

- Cây trồng xen cần được trồng, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh theo yêu cầu của mỗi loại cây ở từng thời kỳ, đảm bảo theo quy trình kỹ thuật mỗi loại cây;

- Tán cây trồng xen che bóng khi ổn định phải cách mặt trên tán cà phê tối thiểu 1 - 2 m ở thời kỳ cây cà phê kiến thiết cơ bản và 2 - 3 m trở lên ở thời kỳ kinh doanh;

- Khi vườn cây cà phê đã vào giai đoạn kinh doanh ổn định, vùng có điều kiện khí hậu thích hợp và có khả năng thâm canh có thể giảm dần độ che phủ của cây che bóng, giữ chế độ che phủ từ 50 - 60% tùy vào các mùa trong năm.

Phần III

HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG VƯỜN CÀ PHÊ NÔNG LÂM KẾT HỢP

I. ĐỐI VỚI VƯỜN CÀ PHÊ TRỒNG MỚI HOẶC TÁI CANH

1. Chọn đất

1.1. Vườn cà phê trồng mới:

- Đất giàu mùn và giàu dinh dưỡng, độ xốp trên 60%, đất dễ thoát nước, tầng đất dày trên 70 cm, mực nước ngầm sâu hơn 100cm, hàm lượng mùn của lớp đất mặt (0-30 cm) trên 2,5%.

- Đất bazan là loại đất thích hợp nhất.

- Đất có độ dốc từ 0-15 độ, thích hợp nhất là dưới 8 độ, không nên trồng cà phê chè trên đất có độ dốc > 20 độ;

1.2. Đối với vườn tái canh:

Không tái canh trên những vườn cà phê bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ (do tuyến trùng hoặc nấm trong đất gây hại nặng) trên 70% diện tích. Với những vườn này cần chuyển đổi sang cây trồng khác. Chỉ tái canh trên các vườn như sau:

- Vườn cà phê trên 15 năm tuổi, khi đã chăm sóc, bón phân theo quy trình nhưng không hiệu quả; cây sinh trưởng kém và năng suất bình quân 03 năm liền dưới 01 tấn nhân/ha; không thích hợp áp dụng biện pháp cưa đốn phục hồi;

- Vườn cà phê dưới 15 năm tuổi, áp dụng biện pháp chăm sóc, bón phân theo quy trình nhưng không hiệu quả; cây sinh trưởng kém và năng suất bình quân 03 năm liền dưới 1,2 tấn nhân/ha; không thích hợp áp dụng biện pháp cưa đốn phục hồi.

2. Làm đất và xử lý đất trồng

2.1. Đối với vườn cà phê trồng mới:

- Nếu đất có độ dốc vượt quá 8 độ thì nên trồng theo đường đồng mức để hạn chế chất dinh dưỡng bị rửa trôi, làm giảm độ phì đất;

- Phát dọn sạch cây dại, làm đất bằng máy hoặc thủ công, đảm bảo đất thuần thục, rễ và tàn dư thực vật trong đất được thu gom đem đốt. Sau làm đất cần rải vôi trên đất (1.000 kg vôi bột/ha) và phơi đất ít nhất 2 tháng trước khi đào hố trồng.

2.2. Đối với vườn tái canh:

- Nhổ bỏ cây cà phê ngay sau khi thu hoạch. Thu gom và đưa toàn bộ thân, cành, rễ ra khỏi lô;

- Thời gian làm đất: Ngay sau khi đã nhổ bỏ hết cây cà phê trên vườn;

- Phương pháp: Có thể làm đất thủ công hoặc bằng cơ giới, đảm bảo đất thuần thục, rễ và tàn dư thực vật trong đất được thu gom đem đốt. Sau làm đất cần rải vôi trên đất (1.000 kg vôi bột/ha) và phơi đất ít nhất 2 tháng trước khi đào hố trồng.

2.3. Luân canh, cải tạo đất:

- Thời gian luân canh:

+ Với vườn cây cà phê trước đó có độ tuổi dưới 20 năm tuổi, không bị hoặc bị bệnh vàng lá, thối rễ nhẹ (tỷ lệ cây bệnh dưới 10%), vườn cây sinh trưởng và phát triển bình thường thì có thể tái canh ngay, không cần luân canh với cây khác...;

+ Với vườn cây cà phê trước đó có độ tuổi dưới 20 năm tuổi bị bệnh vàng lá thối rễ với tỷ lệ cây bệnh từ 10% đến dưới 20% và bệnh có chiều hướng gia tăng; hoặc vườn cà phê cũ trên 20 năm tuổi, bị bệnh vàng lá thối rễ ở mức trung bình (tỷ lệ cây bệnh từ 10 - 20%). Vườn cây sinh trưởng và phát triển kém, cành lá xơ xác thì cần luân canh 01 năm trước khi tái canh;

+ Với vườn cây cà phê cũ trên 20 năm tuổi, bị bệnh vàng lá thối rễ ở mức nặng (tỷ lệ cây bệnh từ trên 20% tới dưới 70%). Vườn cây sinh trưởng và phát triển rất kém, cây còi cọc, cành lá xơ xác, năng suất rất thấp cần phải luân canh 02 năm trước khi tái canh. Không tái canh trên những vườn có độ dốc >20°; vườn bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ do tuyến trùng hoặc nấm trong đất gây hại nặng >70% diện tích;

- Cây trồng luân canh: Khuyến cáo sử dụng các loại cây họ đậu, khoai môn, hoặc cây phân xanh. Trong thời gian luân canh, sau mỗi vụ thu hoạch cây luân canh, đất cần được cày phơi ải vào mùa nắng hàng năm; Sau mỗi vụ thu hoạch cây luân canh tiếp tục gom nhặt rễ cà phê còn sót lại và đốt.

3. Lựa chọn giống cây cà phê

- Sử dụng chủ lực giống cà phê Catimor, ngoài ra khuyến cáo trồng bổ sung giống THA1 và các giống khác đã được công nhận, phù hợp, có hiệu quả với điều kiện tại địa phương;

- Giống có nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn quy định. Cây giống để sản xuất phải lấy từ vườn ươm giống được công nhận; hạt giống phải lấy từ vườn cây đầu dòng được công nhận;

- Tiêu chuẩn cây giống cà phê thực sinh (ươm từ hạt):

+ Kích thước bầu cây: (10-12 cm) x (18-20 cm);

+ Chiều cao cây (kể từ mặt bầu): >22 cm, có 5 - 6 cặp lá thật;

+ Thân mọc thẳng đứng, màu lá xanh sáng; Đường kính gốc thân: > 3 mm;

+ Cây không dị dạng, không cụt ngọn, có một rễ cọc mọc thẳng từ cổ rễ tới đáy bầu, rễ tơ phân bố đều quanh rễ cọc;

+ Không bị sâu bệnh gây hại;

+ Cây được luyện dưới ánh sáng hoàn toàn 10 - 15 ngày trước khi đem trồng.

4. Mật độ, khoảng cách trồng cà phê

Mật độ khoảng cách trồng phụ thuộc vào độ dốc:

+ Độ dốc dưới 10 độ: 4.000 cây/ha (khoảng cách trồng 1,8 m x 1,4 m).

+ Độ dốc trên 10 độ: 4.270 cây/ha (khoảng cách trồng 1,8 m x 1,3 m).

Mật độ trồng cây cà phê khuyến cáo trung bình khoảng 4.000 cây/ha (1,8 m x 1,4m)

5. Đào hố, bón phân lót

- Thời vụ đào hố từ tháng 4 đến tháng 5 (Dương lịch).

- Đào hố: Đào hố theo từng hàng, với đất đồi dốc, cần thiết kế hàng theo đường đồng mức. Kích thước hố: 50 cm x 50 cm x 50 cm (chiều dài x chiều rộng x chiều sâu). Khi đào cần để riêng lớp đất mặt sau này trộn với phân hữu cơ, phân lân và đưa xuống hố trồng.

- Bón phân lót:

+ Vôi bột 1,2 - 2 tấn/ha (bình quân 0,3 - 0,5 kg/hố). Cần xử lý đất bằng vôi bột trước khi bón lót ít nhất 15 ngày. Không trộn chung vôi với các loại phân bón khác;

+ Phân hữu cơ hoai mục 5 kg/hố (20 tấn/ha) + Phân Lân 0,3 kg/hố (1.200 kg/ha) + 5-10 gr thuốc trừ mối, côn trùng/hố. Nếu không có phân chuồng có thể thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh với liều lượng 0,5 kg/hố. Trộn đều với lớp đất mặt rồi lấp xuống hố, để khoảng 20 ngày mới trồng.

Nếu vườn cà phê cũ bị bệnh vàng lá, thối rễ nặng, chết cây có thể sử dụng một số loại chế phẩm sinh học (Abamectin, Chitosan, Clinoptilolite, Clinoptilolite, lilacinus...); Sau đó sử dụng thuốc trừ nấm sinh học (Chaetomiumcupreum, Trichoderma spp., Trichodermaviride...) để xử lý tuyến trùng và nấm bệnh trong hố trước khi trồng 15 ngày (lưu ý xử lý chế phẩm sinh học khi đất trong hố đủ ẩm).

6. Thời vụ trồng và kỹ thuật trồng

6.1. Thời vụ trồng: Cà phê bắt đầu trồng vào đầu mùa mưa khi đất đủ ẩm và kết thúc trước mùa khô 2 tháng. Mùa vụ trên địa bàn huyện Hướng Hóa trồng từ đầu tháng 6 đến hết tháng 8, tùy theo điều kiện thời tiết mỗi khu vực, mỗi năm và tình trạng cây giống có sẵn (Mưa sớm tiến hành trồng sớm, mưa muộn tiến hành trồng muộn)

6.2. Kỹ thuật trồng: Ngay trước khi trồng dùng cuốc móc một hố nhỏ ở giữa hố trồng, sâu 25-30 cm, rộng 20 - 25 cm.

- Đất có độ dốc thì lấp hố thấp hơn mặt đất khoảng 10cm, đất thoát nước chậm thì lấp hố ngang mặt đất.

6.3. Trồng dặm: Sau khi trồng mới kiểm tra, trồng dặm thay thế cây bị chết, cây yếu, cây cụt ngọn. Năm thứ 2, việc trồng dặm tiến hành vào đầu mùa mưa. Nên sử dụng cây giống 18 tháng để trồng dặm; Kết thúc trồng trước mùa mưa ít nhất 01 tháng.

7. Trồng đai rừng chắn gió, cây che bóng, cây trồng xen

- Với quy mô các lô trồng cây cà phê của các hộ nhỏ (bình quân 01 ha), không khuyến cáo trồng đai rừng chắn gió, nhưng các vườn cà phê cần trồng cây vành đai quanh vườn, cây che bóng, để giảm thiểu tác động bất lợi của thiên tai và tăng chất lượng cà phê, đồng thời tăng thu nhập từ sản phẩm cây trồng xen;

- Vườn cà phê chè trong 1-2 năm đầu khi tán cây cà phê còn hẹp, nên trồng xen các loại cây ngắn ngày để hạn chế cỏ dại và có thêm nguồn thu nhập. Các loại cây trồng xen như: Cây phân xanh, cây đậu đỗ lấy hạt, lạc, khoai môn,... Gieo trồng cách gốc cây cà phê tối thiểu 40 - 50 cm và được chăm sóc, bón phân theo yêu cầu của mỗi loại cây ở từng thời kỳ. Sau khi thu hoạch củ, hạt xong, tiến hành tủ thân lá vào gốc cà phê hoặc đào rãnh vùi vào đất.

Lưu ý: Đất có độ dốc trên 8° cần phải tạo bậc thang dần, công việc này được thực hiện từ khi đào hố, chuẩn bị đất trồng và suốt trong quá trình chăm sóc làm cỏ cà phê. Mỗi lần làm cỏ cần dùng thân cỏ, cành cây cứng... xếp thành hàng về phía dưới, rồi san dần đất phía trên xuống làm liên tục 2 đến 3 năm đầu để thành bậc thang chống xói mòn đất. Trồng cà phê và cây trồng xen theo đường đồng mức. Khoảng cách các đường đồng mức là 10 - 12 m, hoặc xa hơn phụ thuộc vào độ dốc của vườn và loại cây trồng xen lâu năm.

8. Chăm sóc cây cà phê sau trồng

Để ổn định sinh trưởng và năng suất lâu dài cho vườn cà phê, sau khi trồng mới hoặc tái canh trong hai đến ba năm đầu cần phải lưu ý các công việc sau đây:

- Cố định cây: Cây cà phê mới trồng chưa có đủ đai rừng và che bóng trong hai năm đầu cần dùng cọc gỗ, tre cắm xiên ở hướng ngược chiều của cây khi có gió mạnh và cách gốc cà phê khoảng 10 cm. Buộc cố định cây cà phê vào cọc bằng các loại dây mềm. Duy trì cọc cố định cây cà phê trong 2 năm đầu giúp cây không bị lay gốc và thân cây mọc thẳng;

- Trồng dặm: Thường xuyên kiểm tra vườn cây trong 2 năm đầu, kịp thời trồng dặm lại những cây bị chết, cây sinh trưởng kém bằng cây giống có cùng độ tuổi với vườn cà phê... để đảm bảo mật độ vườn cây đồng đều ngay trong năm thứ 2, phải tranh thủ dặm xong trước khi kết thúc mùa mưa ít nhất 01 tháng (xong trong tháng 8-9 dương lịch);

- Sau trồng cần phủ xung quanh hố trồng bằng loại cây cỏ khô hoặc nguyên vật liệu khác như: Vỏ cà phê, vỏ trấu hay rơm rạ, nhằm hạn chế mức độ ảnh hưởng cho đất khi có mưa, đồng thời vẫn duy trì được độ ẩm trong đất;

- Thường xuyên kiểm tra vườn để phòng trừ sâu ăn lá và dế. Cần chú ý đến các đối tượng sâu bệnh gây hại, nhất là bệnh đốm mắt của và tình trạng cây thiếu dinh dưỡng do bộ rễ chưa phát triển khi gặp thời tiết hanh khô;

- Sau khi trồng 20 ngày bón thúc lần 1: 10g Urê/gốc (40kg/ha).

- Sau trồng 2 tháng khi đất đủ ẩm, bón thúc: 20g Urê/gốc (80kg/ha) + 25g Kali/gốc (100kg/ha);

- Vào thời kỳ cao điểm của mùa khô năm sau, các cây vàng lá và phát triển kém là hầu hết có rễ cọc bị xoắn hoặc không phát triển cần cuốc bỏ và chuẩn bị hố trồng như năm trước để trồng lại cây khác vào đầu mùa mưa;

- Không để quả thu hái khi vườn cây còn nhỏ tuổi: Cà phê chè sau khi trồng 18 tháng sẽ ra hoa và cho thu hoạch lứa đầu tiên, thời điểm này mỗi cây chỉ có khoảng 0,5 kg quả tươi nên chúng ta không cần phải thu số sản phẩm này mà phải vặt hết hoa hoặc quả khi còn non để tập trung dinh dưỡng nuôi cây, sau đó vụ tới sẽ là thời gian thu bói chính thức với sản lượng từ 1 - 2kg quả tươi/cây.

9. Quản lý cỏ dại

Biện pháp quản lý cỏ dại chủ yếu là thủ công và cơ giới, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ hóa học để phun trong vườn cà phê nông lâm kết hợp.

- Trong giai đoạn kiến thiết cơ bản (KTCB), cà phê chưa giao tán, chỉ làm có sạch dọc theo hàng cà phê với chiều rộng ngang mép lá của tán cà phê, giữa hai hàng cà phê nên gieo cây họ đậu để tăng thu nhập và tăng độ phì cho đất. Nếu không gieo, cần giữ lại băng cỏ giữa hai hàng cây cà phê để chống xói mòn và giữ ẩm cho đất, các băng cỏ này được cắt thường xuyên trước khi ra hoa. Nên giữ lại gốc cỏ 2 - 5cm để giữ ẩm và chống xói mòn;

- Trong giai đoạn kinh doanh của cây cà phê nên dùng máy cắt cỏ trên toàn bộ diện tích, cắt thường xuyên khoảng 2 - 3 tháng/1 lần vào mùa mưa, mùa khô lúc nào thấy cỏ tốt và sắp nở hoa sẽ tiến hành cắt, chỉ làm sạch quanh tán cà phê trước khi bón phân. Không nên làm sạch cỏ trên toàn bộ diện tích.

10. Tủ gốc giữ ẩm và tưới nước

- Với vườn cà phê thời kỳ kiến thiết cơ bản: Vào cuối mùa mưa và đầu mùa khô, tiến hành tủ gốc giữ ẩm bằng các vật liệu tại chỗ như: Thân lá và tàn dư cây trồng xen hằng năm (ngắn ngày), vỏ cà phê....;

- Vào mùa khô nếu có điều kiện có thể tưới 3 - 4 đợt, đợt sau cách đợt trước 20 -25 ngày, điều chỉnh tùy theo thời tiết. Lượng nước tưới tùy thuộc vào tuổi cây, phương pháp tưới và điều kiện từng khu vực. Có thể tham khảo lượng nước tưới sau đây khi áp dụng phương pháp tưới phun mưa hoặc tưới gốc:

+ Cà phê thời kỳ kiến thiết cơ bản (năm trồng mới và 2 năm tiếp theo): Tưới 200 - 300 m3/ha/lần tưới.

+ Cà phê thời kỳ kinh doanh: Tưới 400 - 450 m3/ha/lần tưới. Riêng đợt tưới đầu tiên vào thời điểm mầm hoa đã phát triển đầy đủ cần lượng nước 500 - 600 m3/ha.

11. Kỹ thuật tạo hình

11.1 Các loại cành:

- Cành bên: Là các cành cho quả, bao gồm cành cấp 1 (mọc từ thân chính) và cành cấp 2 (mọc từ cành cấp 1);

- Cành vượt (chồi vượt): Là chồi mọc từ các mầm ngủ trên thân chính, mọc nhanh theo hướng thẳng đứng, là chồi tiêu thụ lượng lớn chất dinh dưỡng và nước nhưng không cho hoa hay cho quả, vì thế cần cắt bỏ.

11.2 Cách tạo tán:

- Năm đầu tiên sau khi trồng: Loại bỏ những chồi vượt không cần thiết;

- Năm thứ hai: Cắt bỏ tất cả những cành cấp 1 sát đất, chỉ để lại những cành cách mặt đất 30 cm trở lên. Tiếp theo cắt bỏ những cành cấp hai trong phạm vi 20 cm từ thân chính;

- Năm thứ 3 và những năm tiếp theo: Cắt bỏ những cành cấp 1 cách mặt đất 40 cm, cắt bỏ những chồi vượt, hãm ngọn của cây ở độ cao 1,5 - 1,6 m;

- Chú ý cắt bỏ kịp thời tất cả chồi vượt mọc trên thân chính, nhất là sau khi hãm ngọn. Không nuôi thêm thân phụ, ngoại trừ trường hợp thân chính bị gãy hoặc bị sâu đục thân, cần để một chồi vượt to khoẻ thay thế;

- Cắt bỏ các loại cành tăm, cành vòi voi, cành chùm, những cành nhỏ ở phía giáp thân, cành bị sâu bệnh, cành khô, cành thứ cấp mọc hướng vào trong hoặc hướng xuống dưới. Tỉa thưa bớt cành thứ cấp nếu thấy quá dày, cắt ngắn những cành già cỗi không có khả năng ra quả vụ tiếp, cắt bỏ cành cơ bản chạm sát mặt đất và cành mọc sát nhau;

Khâu cắt cành tạo tán phải làm thường xuyên và phải đặc biệt chú ý cắt tỉa cành sau khi đã thu hoạch xong.

12. Bón phân

12.1. Bón phân hữu cơ:

- Lượng phân bón: Phân chuồng hoai mục được bón định kỳ 2 - 3 năm một lần với lượng 4-5 kg/gốc (15 - 20 tấn/ha). Nếu không có phân chuồng có thể bổ sung nguồn phân hữu cơ khác, hoặc bằng vỏ quả cà phê đã ủ hoai mục bằng chế phẩm Trichoderma). Phân vi sinh hữu cơ bón thay phân chuồng với liều lượng theo khuyến cáo từng loại phân;

- Cách bón: Phân chuồng và các loại phân hữu cơ khác bón theo rãnh vào đầu hay giữa mùa mưa, rãnh đào một phía dọc theo hàng, rộng 15 - 20 cm, sâu 20 - 25 cm, đưa phân xuống rãnh, lấp đất. Những năm sau rãnh đào về phía khác. Vỏ quả cà phê đã ủ hoai mục có thể rải trực tiếp lên mặt đất dưới tán cây như vật liệu che tủ.

12.2. Bón phân vô cơ: Loại phân, lượng bón và cách bón phân vô cơ hàng năm cho cà phê như bảng dưới đây.

Bảng 1. Loại phân, lượng bón và cách bón phân vô cơ cho cà phê chè thời kỳ kiến thiết cơ bản

Tuổi cà phê

Mức đầu tư

Quy đổi ra phân thương phẩm
(kg/ha)

Tỷ lệ bón (%) các lần trong năm (áp dụng cho các loại phân đơn)

Ghi chú
(lượng phân thương phẩm: kg/ha)

Loại phân Nguyên chất

Liều lượng (kg/ha)

Lần 1

Lần 2

Lần 3

Năm 1 (trồng mới)

N

55

- Urê: 120

50

50

-

- Bón lót: Toàn bộ phân lân

- Bón lần 1 (sau trồng 20 ngày): phân Urê: 60kg

- Bón lần 2 (sau lần một 40 ngày): Urê: 60kg; Phân Kali: 100kg

P2O5

200

- Lân: 1200

100

-

-

K2O

60

- Kali: 100

0

100

 

Năm 2

N

P2O5

K2O

90

90

50

- Urê: 195

- Lân: 550

- Kali: 85

35

100

35

35

-

35

30

-

30

Bón khi đất đủ ẩm

- Lần 1 (tháng 4-5): Urê: 70kg; Lân: 550kg; Kali: 30kg

- Lần 2 (tháng 7-8): Urê: 70kg; Kali: 30kg.

- Lần 3 (tháng 9-10): Urê: 55kg; Kali: 25kg.

Năm 3

N

P2O5

K2O

120

120

60

- Urê: 260

- Lân: 730

- Kali: 100

35

100

35

35

-

35

30

-

30

Bón khi đất đủ ẩm

- Lần 1 (tháng 4-5): Urê: 90kg; Lân: 730kg; Kali: 35kg

- Lần 2 (tháng 7-8): Urê: 90kg; Kali: 35kg.

- Lần 3 (tháng 9-10): Urê: 80kg; Kali: 30kg.

Bảng 2. Lượng phân vô cơ bình quân bón cho cà phê chè thời kỳ kinh doanh

Năng suất vườn cây

Mức đầu tư

Quy đổi ra phân thương phẩm (kg/ha)

Tỷ lệ bón (%) các lần trong năm (áp dụng cho các loại phân đơn)

Ghi chú
(lượng phân thương phẩm: kg/ha)

Loại phân

Liều lượng (kg/ha)

Lần 1 (tháng 4-5)

Lần 2 (tháng 7-8)

Lần 3 (tháng 9-10)

< 2,5 tấn nhân/ha

N

P2O5

K2O

200-250

100-120

200-250

Urê: 430-540 kg

Lân: 600-730 kg

Kali: 330-420 kg

35

100

35

35

-

35

30

-

30

Bón khi đất đủ ẩm

- Lần 1 (tháng 4-5):

Urê: 150-190 kg;

Lân: 600-730 kg;

Kali: 115-150 kg

- Lần 2 (tháng 7-8):

Urê: 150-190 kg;

Kali: 115-150 kg.

- Lần 3 (tháng 9-10):

Urê: 130-160 kg;

Kali: 100-120 kg

2,5 – 3,5 tấn nhân/ha

N

P2O5

K2O

270-320

120-150

270-320

Urê: 585-695 kg

Lân: 730-900 kg

Kali: 450-530kg

35

100

35

35

-

35

30

-

30

Bón khi đất đủ ẩm

- Lần 1 (tháng 4-5):

Urê: 200-240 kg;

Lân: 730-900 kg;

Kali: 160-185 kg

- Lần 2 (tháng 7-8):

Urê: 200-240 kg;

Kali: 160-185 kg.

- Lần 3 (tháng 9-10):

Urê: 185-215 kg;

Kali: 130-160 kg

N: Ký hiệu phân đạm nguyên chất;

P2O5: Ký hiệu phân lân nguyên chất;

K2O: Ký hiệu phân Kali nguyên chất.

- Với cây cà phê chè, nhu cầu về yếu tố Lưu huỳnh (S) khá cao, gần ngang với yếu tố Lân. Vì vậy, khuyến cáo nên dùng các loại phân có S như: Super lân, đạm Sunfat, NPK có bổ sung S...;

- Với yếu tố đạm, nếu có điều kiện nên sử dụng đạm Sunfat (SA) bón lần đầu và Urê bón 2 lần sau;

- Khi bón, tránh không để đạm và kali dính lên thân, lá cà phê;

- Có thể sử dụng phân NPK thay thế cho phân đơn để bón cho cà phê và bón theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Khi sử dụng phân NPK thay thế cho phân đơn để bón cho cà phê, khuyến cáo nên bón phân NPK 16-16-8-6S ở giai đoạn kiến thiết cơ bản (bảng 3); NPK 16-8-16-13s +TE ở giai đoạn cà phê kinh doanh (bảng 4). Tỷ lệ bón các lần 1, lần 2 và lần 3 tương ứng là: 40%, 20%, 40% (Chăm sóc và năm 1, 2); 40%, 30%, 30% (giai đoạn kinh doanh), cụ thể như sau:

Bảng 3: Sử dụng phân NPK 16-16-8-6S bón giai đoạn cà phê kiến thiết cơ bản

Tuổi

Lượng phân thương phẩm cần bón ở các năm (kg/ha)

NPK 16-16-8-6s

1

550 (140gam/gốc/năm)

2

750 (190 gam/gốc/năm)

Bảng 4: Sử dụng phân NPK 16-8-16-13S bón giai đoạn cà phê kinh doanh

Loại hình cà phê

Mức năng suất nhân (tấn/ha)

Lượng phân thương phẩm cần bón theo năng suất cà phê nhân (kg/ha/năm)

NPK 16-8-16-13s

Kinh doanh

<2,5

1.200-1.500 (0,3-0,4 kg/gốc/năm)

<3,5

1.700-2.000 (0,4-0,5 kg/gốc/năm)

Cưa đốn
(nuôi chồi)

-

600-700 (150-170gam/gốc/năm)

Giai đoạn KD sau cưa đốn

-

1.200-1.500 (0,3-0,4 kg/gốc/năm)

Cách thức bón phân cho vườn cà phê theo 4 bước sau:

- Bước 1: Vét một rãnh cong kiểu vành khăn theo tán lá cây, đường rãnh sâu khoảng 5 - 10 cm, rộng 20 - 25 cm. Với cà phê 1 năm tuổi, rãnh cách gốc 10 cm, cà phê 2 năm tuổi rãnh cách gốc 20 cm. Với cà phê năm thứ 3 trở đi rãnh cách gốc 30 cm và bề rộng ra tận mép tán. Khi cà phê đã khép tán, bón theo rãnh đào dọc theo hàng, chiếu theo mép lá cây.

- Bước 2: Rải phân đều trong vùng vét rãnh.

- Bước 3: Xăm, đảo trộn đều phân và đất.

- Bước 4: Lấp đất.

- Phân bón lá vi lượng: Ở giai đoạn kinh doanh hàng năm có thể bón thêm các loại phân bón lá chuyên dùng, liều lượng theo khuyến cáo nhà sản xuất, phun trực tiếp lên lá. Chú ý phun đều trên và dưới mặt lá vào lúc trời mát, đất đủ ẩm và không có mưa. Phun phân bón lá 2 - 3 lần/năm vào thời điểm sau thu hoạch và khi quả phát triển.

- Bón vôi: Ngoài các loại phân hữu cơ và phân vô cơ, cần duy trì bón vôi cho vườn cà phê chu kỳ 2 năm một lần, mỗi lần bón 1.200 - 1.500 kg/ha.

Vôi không trộn chung với các loại phân bón khác và bón vào đầu mùa mua, trước khi bón các loại phân vô cơ ít nhất 10 ngày. Cách bón vôi: rải đều trên mặt đất.

13. Phòng trừ sâu bệnh hại

13.1. Sâu đục thân

- Nguyên nhân: Có 2 loại sâu đục thân hại cây cà phê là sâu đục thân mình trắng (Xylotrechus quadripes Chevrolat) và sâu đục thân mình hồng (Zeuze coffea Nietner). Chúng hoạt động quanh năm và phát triển mạnh ở những khu vực nhiệt độ cao và nhiều ánh sáng.

- Đặc điểm và triệu chứng gây hại:

Sâu đục thân mình trắng:

Con trưởng thành đẻ trứng vào vết nứt của đoạn cành hoặc thân, rải rác hoặc thành từng cụm. Sau khi nở, sâu non đục vào gỗ, rồi đục ngoằn nghèo quanh vòng cây, tiện ngang các mạch gỗ. Sâu đục tới đâu, đùn phân và mạt cưa bịt kín đến đó. Đến tuổi 5, tuổi 6 sâu đục ra phía gần vỏ tạo 01 khoảng rộng trong phần gỗ của cây và hoá nhộng tại đó.

Khi bị hại toàn bộ lá phía trên ngọn bị vàng héo, các lá phía dưới còn xanh tốt, cây mọc thêm nhiều chồi thân. Trên thân có những đường lằn nổi lên theo vòng, vỏ bị nứt nẻ, có những lỗ đục đường kính 2 - 3mm. Cây dễ bị gãy gục tại chỗ bị sâu đục. Chẻ dọc thân cây thấy có đường rãnh sâu đục, phát hiện có sầu non màu trắng ngà, không có chân, toàn thân gồm nhiều đốt.

Sâu đục thân mình hồng:

Con cái trưởng thành đẻ trứng vào vỏ cây, sâu non đục vào giữa thân cây và đùn mạt gỗ ra ngoài. Cây bị hại dễ bị gãy ngang.

Sâu thường phá hại thân, hoặc cành cấp 1, cấp 2. Sâu có thể phá hại từ cây này sang cây khác hoặc cành này sang cành khác, gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây thậm chí gây chết cây.

Sâu phát triển thích hợp ở nhiệt độ 20 - 28°C, dưới 18°C sâu phát triển chậm, sâu thường gây hại ở cây có tán không cân đối, những vườn không có cây che bóng.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Biện pháp canh tác: Trồng cây che bóng làm giảm cường độ ánh sáng. Tạo hình sửa cành, tạo cho cây có một hình thù cân đối, thân cây được che phủ từ trên xuống dưới. Đối với cây bị hại nặng cần cưa cắt đoạn thân có sâu đem đốt tiêu hủy.

+ Biện pháp hóa học: Sử dụng một trong các loại thuốc chứa các hoạt chất Abamectin hoặc Emamectin để phòng trừ.

Chú ý khi sử dụng thuốc BVTV: Thuốc BVTV là một trong những nhân tố gây mất ổn định môi trường như: gây ô nhiễm nguồn nước và đất; để lại dư lượng trên nông sản, gây độc cho người và nhiều loài động vật máu nóng; gây mất sự cân bằng trong tự nhiên, làm suy giảm tính đa dạng của sinh quần, xuất hiện các loài dịch hại mới, tạo tính chống thuốc của dịch hại và làm đảo lộn các mối quan hệ phong phú giữa các loài sinh vật trong hệ sinh thái, gây bùng phát và tái phát dịch hại, dẫn đến hiệu lực phòng trừ của thuốc bị giảm sút hoặc mất hẳn.

Do đó để sử dụng thuốc BVTV được hiệu quả và an toàn, phải thực hiện đúng nguyên tắc “bốn đúng”: Đúng thuốc; Đúng lúc; Đúng nồng độ liều lượng và Đúng cách và thu gom vỏ bao gói thuốc sau sử dụng vào đúng nơi quy định.

13.2. Rệp sáp (Pseudococcus mercaptor, Pseudicocus spp)

- Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Rệp trưởng thành có hình bầu dục trên mình có nhiều sợi sáp dài trắng xốp. Trưởng thành đực mình thon dài, có cánh không có sáp, mắt to đen, râu và chân có nhiều lông ngắn, trứng bầu dục dính với nhau thành ổ tròn, bên ngoài có lông tơ bao phủ, rệp non mới nở màu hồng. Chưa có sáp bên mình, chân khá phát triển. Vòng đời của rệp sáp: trứng 3-5 ngày, rệp non 6-7 ngày, trưởng thành 20-30 ngày. Cà phê thường bị 2 loại rệp sáp gây hại: hại chùm quả, lá và hại rễ.

+ Loài rệp hại lá, quả: bắt đầu đẻ trứng vào mùa mưa ở các kẽ lá, nụ hoặc chùm quả non. Rệp non sau khi nở, nhanh chóng tìm nơi sinh sống cố định. Mùa mưa sinh sản rất nhiều làm quả rụng.

+ Rệp sáp hại rễ thì sinh sống ở quanh rễ, dưới đất, tạo ra một lớp bọc không thấm nước ở quanh trục rễ. Những cây bị hại lá vàng, héo và chết.

- Biện pháp phòng trừ: Sử dụng các loại thuốc chứa các hoạt chất sau: Abamectin (Andomec5WP); Afidopyropen (Alfacua10EC, Motox 5EC), Alpha-cypermethrin, Buprofezin 250g/l + Fenobucarb, Saponozit + Saponin acid (TP - Thần Điền 78 SL), Rotenone (Dibaroten 5 WP, 5SL, 5 G R), Rotenone + Saponin (Dibonin 5 WP, 5 SL, 5 GR), ……để trừ.

Khi phun phải chú ý phun cho kỹ để bảo đảm thuốc tiếp xúc được với rệp, tăng hiệu quả phòng trừ.

Đối với cây bị rệp nặng nên phun 2 lần cách nhau 7 - 10 ngày.

13.3. Rệp muội, rệp vảy nâu, rệp vảy xanh

- Đặc điểm và triệu chứng gây hại:

+ Rệp muội: có 2 loại đen và xanh giống nhau về hình dáng. Trưởng thành có cánh hoặc không có cánh. Rệp non và trưởng thành giống nhau về hình dáng, bụng phình to, cuối thân có 2 ống tiết dịch. Hại nhiều loại cây trồng như chè, cà phê, cam quýt..., rệp bám vào các ngọn lá non để hút dịch làm cho lá non cong queo, phát triển không bình thường. Rệp muội phát triển quanh năm nhưng nhiều nhất là khi cà phê ra búp non.

+ Rệp vảy nâu: Trưởng thành cái không có cánh và được bọc bằng vỏ nâu, phồng lên hình bán cầu dài 2-3mm. Trưởng thành đực có cánh dài 1,2mm, màu xanh vàng nhạt. Trứng nhỏ được đẻ thành ổ ở dưới vỏ của con cái, khi nở rệp chưa có vỏ màu vàng nhạt hình bầu dục, rệp bám vào cành lá hút dịch cây làm cho cành lá kém phát triển. Rệp thường gây hại vào mùa khô.

+ Rệp vảy xanh: Trưởng thành cái không có cánh mình dẹt, vỏ mềm và màu xanh. Rệp non màu vàng xanh. Rệp vảy xanh cũng dính bám vào lá và cành non để hút dịch cây, làm lá biến vàng.

- Biện pháp phòng trừ:

Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ xung quanh hình chiếu tán cây và trong gốc. Tạo hình để cây thông thoáng, đánh chồi vượt thường xuyên, cắt bỏ cành nhánh mọc sát đất.

Thường xuyên theo dõi sự phát sinh phát triển của rệp trên đồng ruộng đề phòng trừ kịp thời và hợp lý.

Chỉ phun các thuốc hóa học khi cần thiết và phun những cây có rệp vảy xanh gây hại. Có thể sử dụng các loại thuốc chứa các hoạt chất sau: Abamectin (Andomec5WP); Afidopyropen (Alfacua10EC, Motox 5EC), Alpha-cypermethrin, Buprofezin 250g/l + Fenobucarb, Saponozit + Saponin acid (TP - Thần Điền 78 SL), Rotenone (Dibaroten 5 WP, 5SL, 5 G R), Rotenone + Saponin (Dibonin 5 WP, 5 SL, 5 GR),........ để trừ.

13.4. Ve sầu:

- Đặc điểm và triệu chứng gây hại:

Ve sầu trưởng thành đẻ trứng trên cây, ấu trùng sau khi nở thì rơi xuống và chui vào đất sinh sống nhiều năm. Khi sắp vũ hóa, ấu trùng bò lên mặt đất và leo lên cây lột xác thành ve sầu trưởng thành, và lại tiếp tục sản sinh ra một lứa ve sầu mới.

Ve sầu hút nhựa gây hại các bộ phận cây cà phê cả trên mặt đất lẫn dưới đất. Cây cằn cọc lá úa vàng, các cành dinh dưỡng phát triển kém, chồi ngọn và lá ra ít, nếu bị hại nhẹ thì cây còn xanh, lá cà phê mo lại lên phía trên, nếu bị nặng thì rụng lá, rụng trái xanh bất thường, quả non phát triển chậm ngay cả sau khi bón phân đầu mùa mưa. Các rễ tơ ở độ sâu 0 -15cm phát triển chậm, một số rễ bị đen, thối từ đầu rễ vào do một số loài nấm, tuyến trùng tấn công vào vị trí rễ bị ấu trùng ve sầu gây hại. Trên thân, cành và lá cà phê phát hiện rất nhiều xác ấu trùng đã vũ hóa.

- Nguyên nhân sự bùng phát của ve sầu: Do mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng. Sự giảm sút các loài thiên địch bắt mồi, ong, kiến ăn mồi, nhện, bọ rùa, đuôi kìm ...nên ve sầu bùng phát mạnh và do một số nấm, tuyến trùng ký sinh rễ cây cà phê sau khi ấu trùng ve sầu gây hại bộ rễ, chúng tấn công vào vị trí bị hại của rễ.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Biện pháp canh tác: Tạo tán, tỉa cành thông thoáng để hạn chế trưởng thành đẻ trứng; thu gom toàn bộ những cành khô, vỏ thân cây đã khô mục nơi trưởng thành để trứng đem đốt để làm giảm mật độ trứng ve trên đồng ruộng; hàng năm sau khi thu hoạch xong cần cào bồn tạo môi trường sống bất lợi cho ấu trùng ve sầu tuổi nhỏ (tuổi 1 -2);

+ Biện pháp sinh học:

Bảo vệ các loài thiên địch có khả năng hạn chế sự gây hại của một số loại côn trùng hại cà phê như: kiến, nhện, ong, bọ rùa đỏ, bọ mắt vàng... bằng cách dùng các loại thuốc có tính xua đuổi kiến vào thời kỳ rệp phát triển mạnh, không nên sử dụng thuốc có độ độc cao để tiêu diệt kiến.

Dùng các chế phẩm sinh học như: Nấm Metarhizium anisopliae để phòng trừ ấu trùng: sử dụng chế phẩm Metament 90DP với liều lượng: 600gr thuốc + 3 -5lít nước/gốc tùy theo tuổi cây cà phê. Hoặc chế phẩm Bemetent với thành phần là 3 chủng nấm (Beauveria bassiana, Metarhizium anisopliae và Entomophthora sp) liều lượng sử dụng 5g/lít nước, tưới 2 lít/gốc.

13.5. Bệnh rỉ sắt (Hemileia vastatrix)

- Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Bệnh gây hại trên lá, lúc đầu vết bệnh là những đốm tròn nhỏ màu vàng, sau vết bệnh lớn dần và có lớp phấn màu vàng da cam rất sáng ở dưới mặt lá. Bệnh nặng làm lá vàng và rụng, cây sinh trưởng còi cọc. Bệnh do nấm Hemileia vastatri gây hại, bào tử phát tán và lây lan mạnh nhờ gió, côn trùng và công nhân chăm sóc. Bào tử có thể chịu đựng được nhiều tháng trong điều kiện bất lợi cho nảy mầm. Bào tử nảy mầm nhanh ở nhiệt độ 24°C sau 2-4 giờ và phát triển nhanh ở độ ẩm 80-90%. Thời gian ủ bệnh là 6-12 giờ. Giống cà phê Arabica nhiễm nặng nhất, tiếp đến là Robusta.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Biện pháp canh tác: Bón phân đầy đủ và cân đối, tạo hình thông thoáng, tỉa cành hợp lý giúp cây sinh trưởng tốt. Dùng giống kháng bệnh như Catimor, THA1;...

+ Biện pháp hóa học: Có thể dùng các loại thuốc sau phun kỹ lên hai mặt lá như: Hexaconazole (Anvil 5SC, Annongvin 50 SC,); Propiconazole (Tilt 250 EC, Bumper 250 EC); Diniconazole (Nicozol 25 SC); Chlorothalonil (Forwanil 50SC); Mancozeb (Penncozeb 80 WP, Dithane F-448 43SC); Triadimefon (Bayleton 250 EC, Encoleton 25 WP); Difenoconazole + Propiconazole (Tilt Super 300EC, Tinitaly surper 300.5EC, Sumi-eight 12.5BTN hay Anvil 5 SC); Isoprothiolane + Propiconazole (Tung super 300EC)... để phòng trừ

13.6. Bệnh khô cành quả

- Đặc điểm và triệu chứng gây hại: bệnh do nấm Colletotrichum gloesporioides gây nên nhất là trong điều kiện cây bị suy yếu do thiếu dinh dưỡng, bệnh gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây, nhưng bệnh phát triển mạnh lúc cà phê ra hoa, kết quả. Mưa nhiều vào buổi chiều tối làm phát tán bào tử và làm bào tử xâm nhiễm vào quả. Bệnh gây hại trên lá, quả, cành và thân cà phê; trên lá bệnh xâm nhập vào đầu lá hay phiến lá, triệu chứng ban đầu là những vết loang lổ màu nâu có nhiều vòng đồng tâm, sau đó lan rộng ra chuyển sang màu nâu sẫm hay nâu đen. Các vết bệnh xuất hiện nhiều liên kết với nhau thành từng mảng lớn làm cho lá bị khô rụng; trên cành và thân: Bệnh tấn công lên cành ở các giai đoạn cành đang hóa gỗ và xâm nhập vào đầu cành mang quả qua vết nứt của lá. Trên cành có những vết nâu lõm xuống làm vỏ biến màu nâu đen và khô dần. Bệnh nặng, nấm xâm nhập cả cành lớn và lan cả thân làm rụng lá và cành trơ trụi khô đen. Mô thân bị nhiễm cũng hóa đen; trên quả nấm tấn công vào giai đoạn quả thành thục, vết bệnh là những đốm nâu lõm vào phần vỏ quả có kích thước và hình thù khác nhau. Bệnh xuất hiện bắt đầu từ nơi đính vào cuống hay tại điểm tiếp xúc giữa hai quả, những nơi mà nước có thể đọng lại. Bệnh nặng làm lá, cành, quả khô đen và rụng làm cành trơ trụi.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Biện pháp canh tác: Bón phân đầy đủ cung cấp dinh dưỡng cho cây, dùng cây che bóng, cắt và gom những đoạn cành bị bệnh đốt tiêu hủy.

+ Biện pháp hóa học: Dùng luân phiên một trong các loại thuốc sau: Propineb (Antracol 70WP, Newtracon 70 WP); Copper Hydrocide (Kocide 53.8DF); Mancozeb (Manozeb 80WP); Hexaconazole (Tungvil 5SC); Validamycin (Tung vali 3SL); Hexaconazole + Tricyclazole (Forvilnew 250SC).

13.7. Bệnh đốm mắt cua (Cercospra offeicola)

- Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Bệnh do nấm Cercospora coffeicola gây ra trong điều kiện cây bị suy yếu do thiếu dinh dưỡng. Gây hại trên lá, quả, cành. Cây bị bệnh nặng thường cằn cỗi, chậm phát triển, lá vàng và rụng, quả vàng và chín ép. Vết bệnh trên lá và quả thường có hình tròn, trong có nhiều vòng đồng tâm, chính giữa màu xám có các chấm đen nhỏ, xung quanh nâu đỏ, ngoài cùng vàng. Trên cành, vết bệnh chạy dọc theo chiều dài cành. Quả bị nấm gây hại nặng có thể bị thối đen từng phần hoặc toàn bộ. Bệnh xuất hiện phổ biến trong vườn ươm và thời gian kiến thiết cơ bản. Bệnh phát triển quanh năm đặc biệt là trên các vườn chăm sóc kém, thiếu phân bón hoặc trồng trên đất xấu.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Biện pháp canh tác: Có thể trồng cây che bóng, bón phân đầy đủ và hợp lý để cây có đủ sức kháng bệnh.

+ Biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc chứa hoạt chất Hexaconazole ... để phòng trừ.

13.8. Bệnh nấm hồng (Corticium salmonicolor)

- Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Bệnh gây hại trên quả và cành. Đầu tiên trên quả hay cành xuất hiện những chấm rất nhỏ màu trắng giống như bụi phấn. Những chấm này nhiều lên tạo thành một lớp phấn mỏng sau này có màu hồng đó là bào tử của nấm. Nếu xuất hiện ở cành thì thường nằm ở mặt dưới cành, nếu ở quả thường từ cuống quả. Vết bệnh phát triển chạy dọc theo cành và lan dần cả quả làm cành bị chết khô, quả thì héo và rụng non. Đây là bệnh gây hại nặng trên cà phê chè, cà phê vối cũng bị rải rác. Cây cà phê kiến thiết cơ bản có thể chết nếu bị bệnh nặng. Trên cà phê kinh doanh bệnh thường gây hại có tính cách cục bộ từng cây, làm chết từng cành, nếu nặng có thể chết cả 1/2 tán cây.

Bệnh thích hợp với điều kiện ẩm độ cao nhưng lại nhiều ánh sáng. Do đó trong vườn cây, bệnh thường xuất hiện ở tầng giữa và tầng trên, ít thấy ở tầng dưới. Bệnh phát triển rất nhanh trên cây, tốc độ làm chết cành rất nhanh. Nhưng lây lan từ cây này sang cây khác thì chậm. Thời gian phát triển của bệnh cũng không kéo dài. Sự phát sinh phát triển của bệnh chịu ảnh hưởng nhiều bởi ẩm độ không khí. Năm nào mưa nhiều, ẩm độ không khí cao thì bệnh nặng hơn. Các vườn cà phê rậm rạp, tạo hình không thông thoáng, vườn cây ẩm thấp thường bị bệnh nặng hơn.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Biện pháp canh tác: Tạo hình thông thoáng cho vườn cây, thường xuyên kiểm tra vườn cây nhất là những năm có mưa nhiều để phát hiện bệnh sớm. Sau đó cắt, đốt các cành bệnh. Trên cà phê nếu cắt bỏ cành bệnh kịp thời có thể phòng trừ bệnh nấm hồng mà không cần phải dùng thuốc hóa học.

+ Biện pháp hóa học: Sử dụng các loại thuốc sau: Validamycin (Validacin 3L, Valivithaco 3L, Vali 5DD); Copperhydroxide (Champion 77WP); Hexaconazole (Annongvin 200SC, Tungvil 5SC, Anvil 5SC, Saizole 5SC); ...để phòng trừ.

13.9. Bệnh lở cổ rễ, thối cổ rễ:

- Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Bệnh do nấm Rhizoctonia sp + Fusarium Oxysporum + Pythium gây ra trong điều kiện mùa mưa, chủ yếu trên cà phê 2 năm tuổi. Bệnh gây hại cả trong vườn ươm. Cây sinh trưởng chậm, lá vàng rất dễ nhầm với vàng lá do kém chăm sóc và thiếu dinh dưỡng. Một phần cổ rễ (phần thân tiếp giáp với rễ cọc, cách mặt đất khoảng 20-30cm) bị khuyết dần vào trong, sau đó vết khuyết sâu hơn, cây vàng dần và chết.

- Biện pháp phòng trừ: Đất trồng cà phê phải có tầng canh tác dày, thoát nước tốt, nước ngầm thấp. Cây con phải đủ tiêu chuẩn trồng, sạch sâu bệnh. Trồng cây chắn gió. Tránh tạo vết thương phần gốc cây qua việc làm cỏ và đánh chồi sát gốc. Đối với những cây bị hại nặng cần nhổ bỏ và đốt tiêu hủy. Sau đó xử lý hố như đối với bệnh thối rễ cọc trước khi trồng lại. Đối với cây bị hại nhẹ, luân phiên sử dụng các loại thuốc sau Dẫn xuất Salicylic Acid; Trichoderma viride (Biobus 1.00WP); Validamicin (Valijapane 3SL...).

13.10. Tuyến trùng hại rễ (Pratylenchus coffeae, Meloidogyne spp.)

- Đặc điểm và triệu chứng gây hại:

Nguyên nhân chủ yếu của bệnh là do tuyến trùng Pratylenchus coffeae, Meloidogyne spp kết hợp với nhiều loại nấm, chủ yếu là Fusarium solani,, Fusarium oxysporum, trong một số trường hợp còn có sự phối hợp với rệp sáp. Các ký sinh này có sẵn trong đất và rễ của các vườn cà phê già cỗi và chỉ làm suy yếu các vườn này nhưng lại dễ dàng gây chết cho cà phê kiến thiết cơ bản khi trồng lại. Tuyến trùng gây hại trên tất cả các loại tuổi cà phê, cả trong giai đoạn vườn ươm. Trên đồng ruộng, triệu chứng đầu tiên thường là 1 mảng hay 1 vùng cây sinh trưởng kém trong khi các cây chung quanh sinh trưởng tốt. Ở cây cà phê giai đoạn kiến thiết cơ bản, bệnh xuất hiện chủ yếu trên các vườn trồng lại trên đất các vườn cà phê già cỗi và các vườn kinh doanh đã bị tuyến trùng gây hại. Cây có triệu chứng vàng lá rất rõ vào đầu mùa khô, sau khi dứt mưa và chưa tưới nước do rễ cọc bị thối và đứt ngang. Bộ rễ tơ gần mặt đất phát triển mạnh, ở cây nặng rễ tơ cũng bị thối. Trong mùa mưa nếu được chăm sóc tốt cây vẫn xanh nhờ hệ thống rễ tơ gần mặt đất nhưng do không có rễ cọc nên các cây bệnh dễ bị nghiêng khi có gió to. Cây bị bệnh rất dễ nhổ lên bằng tay.

Trên cà phê kinh doanh, cây bị bệnh chậm phát triển (mặc dầu đã được chăm sóc, bón phân đầy đủ), lá vàng dần, rất dễ nhầm với triệu chứng vàng lá do cây chăm sóc kém và thiếu dinh dưỡng, cành khô, rễ tơ bị thối đen từ chóp rễ vào. Ở cây nặng, rễ lớn cũng bị thối từ lớp vỏ ngoài vào, rễ bị mục, dần dần cây không hấp thu được dinh dưỡng và chết. Cây thường có biểu hiện vàng lá từ tháng 8, 9 trở đi và đến mùa khô thì giảm. Nếu bị bệnh nhẹ, sau khi tưới nước cây sẽ xanh lại nhưng đến mùa mưa năm sau sẽ vàng lại.

Đối với các vườn cà phê kinh doanh, bệnh thường xuất hiện ở những vườn cho năng suất cao trong một thời gian dài nhưng không được bổ sung phân hữu cơ cũng như bón phân hóa học không cân đối khiến cây kiệt sức và giảm sức đề kháng. Tuyến trùng gây hại cây chủ yếu sống trong đất. Trứng của tuyến trùng có thể tồn tại rất lâu trong đất và trên các tàn dư thực vật khi không có cây ký chủ hay khi gặp điều kiện không thuận lợi.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Trong vườn ươm: Không sử dụng đất có nguồn tuyến trùng để ươm cây. Phải thay đổi vị trí của vườn ươm nếu phát hiện có tuyến trùng.

+ Đối với cà phê kiến thiết cơ bản trồng lại: Trong quá trình khai hoang phải rà rễ nhiều lần, nhặt sạch các rễ cũ còn sót lại. Sau đó phải tiến hành các biện pháp cải tạo đất, luân canh bằng các cây lương thực ngắn ngày hoặc cây phân xanh đậu đỗ ít nhất trong 2 năm. Xử lý hố trước khi hồng bằng cách đốt hố, bón vôi (1 kg/hố) kết hợp với bón lót phân chuồng, rải thuốc tuyến trùng như Abamectin + Thiamethoxam (Solvigo 108 SC), Benfuracarb (Fucarb20 EC)...

+ Đối với cà phê kinh doanh: Bảo đảm quy trình kỹ thuật như cây trồng xen, cây che bóng, đai rừng chắn gió để tạo cho vườn cây có năng suất ổn định, Bón phân đầy đủ, cân đối, đồng thời tăng cường việc bón phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học cải tạo đất nhất là đối với các vườn cây đã cho năng suất cao trong nhiều năm, hạn chế xới xáo, làm bồn trong những vườn cây đã bị bệnh để tránh sự lây lan bệnh qua việc làm tổn thương bộ rễ; không tưới lây từ vườn bệnh sang vườn không bệnh.

Biện pháp hóa học không thể được xem là biện pháp chính trong việc phòng trừ tuyến trùng vì vừa đắt tiền mà hiệu quả lại không cao. Hơn nữa đa số các thuốc trị tuyến trùng đều là những thuốc rất độc cho con người. Do đó việc sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ tuyến trùng rất hạn chế. Khi cây mới bị bệnh có thể sử dụng một trong các loại sau: Abamectin (Tervigo 020 SC); Chitosan (Oligo-Chitosan, ; Kaido50 SL, 50 WP); Paecilomyces US (Pallia500 WP; Nemaces 108 cfu/g WP); Clinoptilolite (Map logic 90 WP); Cytokinin (Geno2005 2 SL), tưới kỹ quanh gốc cây để phòng trừ.

14. Thu hoạch

Thu hái, chế biến, bảo quản là khâu cuối cùng trong chuỗi sản xuất cà phê, là yếu tố quan trọng trong việc quyết định chất lượng sản phẩm. Thực hiện đúng kỹ thuật trong giai đoạn này sẽ giúp giữ nguyên các giá trị vốn có của cà phê.

a) Chất lượng cà phê nhân từ các loại quả khi thu hái:

- Quả đúng độ chín: Là các quả có màu đỏ tươi tự nhiên hoặc màu vàng, khi dùng 2 ngón tay bóp nhẹ thì hạt bay ra ngoài một cách dễ dàng. Cà phê nhân sau khi chế biến xong có màu xanh sáng và chất lượng thơm ngon, tinh khiết.

- Quả xanh hoặc non: Là các quả còn non, già chưa chín vỏ có màu xanh. Khi hái các quả này thì trọng lượng sẽ bị giảm trong phạm vi 12 - 14%. Cà phê nhân sau khi chế biến xong hạt nhăn nheo nếu quả còn non, còn quả già thì vẫn bình thường không có gì khác biệt nhưng sau khi rang xong có màu bạc hơn bình thường vị nhạt, ít thơm và mùi cỏ.

- Quả chín nẫu: Là các quả chín đã quá lâu trên cây chưa thu hái hoặc quả vừa chín hái về ủ lại trong bao, đổ thành đống không chế biến ngay. Cà phê nhân sau khi chế biến xong hạt có màu nâu từ nhạt đến đậm tùy độ ủng nhiều hay ít, cà phê này khi uống có mùi bị ê, mùi vỏ quả hoặc mùi lên men nhẹ.

- Quả khô đen trên cây hoặc rụng dưới đất: Là những quả bị bệnh lâu ngày không hái, quả nằm trên các cành chết, quả nẫu không hái hoặc quả rụng dưới đất lâu ngày. Cà phê nhân sau khi chế biến từ các quả này có màu nâu hoặc đen. Khi uống cà phê có các hạt này sẽ ít thơm, nhạt nhẽo, có mùi lên men, mùi bùn đất hoặc mùi cống rãnh.

Cà phê chè là thức uống cao cấp, là nguyên liệu chính trong các gói cà phê hiện nay trên toàn thế giới, có độ chua nhẹ của axít, mùi hương tự nhiên rất hấp dẫn, có hậu vị sau khi uống rất tốt. Nếu bị lẫn với một tỷ lệ phần trăm rất thấp từ quả xanh, quả chín nẫu hoặc quả khô thì nó sẽ phá hỏng hoàn toàn chất lượng của một tách cà phê. Do vậy chúng ta cần tránh không để xảy ra trong quá trình thu hái.

b) Thời vụ và thời điểm thu hoạch:

- Thời vụ thu hoạch:

+ Thời vụ thu hoạch cà phê phụ thuộc vùng sinh thái (điều kiện địa hình, thổ nhưỡng và khí hậu), giống trồng và việc chăm sóc vườn cà phê;

+ Cà phê được tưới sẽ ra hoa, đậu quả và chín sớm, tập trung hơn những vườn cà phê không tưới;

+ Vườn cà phê trồng thuần không có cây che bóng, thường chín sớm hơn, thu hoạch trong mùa mưa, sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm.

- Xác định thời điểm thu hoạch: Khi kiểm tra trên vườn cây có tỷ lệ quả chín trong vòng 20 - 25% và nhóm quả chín đầu tiên chuẩn bị đổi màu từ đỏ tươi qua đỏ thẫm, cần phải thu hái ngay để tránh cà phê không chín nẫu hoặc khô trên cây. Các quả chín nẫu hoặc khô này đã bị lên men ảnh hưởng đến chất lượng. Tùy thời tiết mưa hay nắng, nhiệt độ cao hay thấp của từng năm, vườn cây có che bóng nhiều hay ít, và độ cao khác nhau của từng vùng mà thời vụ thu hoạch cà phê tại huyện Hướng Hóa từ đầu tháng 10 đến tháng 12. Sau thu hái đợt 1 cứ khoảng 2 - 3 tuần hái đợt tiếp theo.

- Kỹ thuật thu hái

+ Chỉ chọn hái các quả đúng độ chín, không hái quả xanh, không tuốt cả chùm, hạn chế tối đa rụng lá, gãy cành. Khuyến khích thu hoạch khi cà phê chín > 90%, điều này làm chất lượng cà phê tốt hơn, giá bán cao hơn.

+ Bố trí người hái lần lượt từ hàng này qua hàng khác tránh để sót, ưu tiên bắt đầu từ khu vực chín tập trung nhất.

+ Đối với những vườn có mặt bằng tốt nên dùng bạt hoặc ni-lông trải xuống đất quanh tán cà phê để thu hái.

+ Loại bỏ tạp chất lẫn trong quả cà phê (tất cả những thứ không phải là quả cà phê, thậm chí quả cà phê bị khô trên cây do nhiều nguyên nhân khác nhau vẫn được coi là tạp chất) trước khi tiêu thụ hoặc chế biến.

- Những điều lưu ý khi thu hái:

+ Phải làm sạch cỏ, dọn dẹp gọn gàng sạch sẽ vườn cà phê trước khi thu hái ít nhất 2 tuần, để tận dụng được ngay các quả bị rơi xuống khi thu hái;

+ Quả cà phê rụng dưới đất lâu ngày trước khi hái do nhiều nguyên nhân khi nhặt lại không để chung với quả cà phê đang hái mà phải để riêng, nhằm khỏi ảnh hưởng chất lượng chung;

+ Cà phê hái ngày nào về nhập nhà máy hoặc xát tươi tại nhà ngày đó. Không dồn khối lượng hái từ ngày này sang ngày khác để tránh cà phê bị hấp hơi, lên men trước khi chế biến, làm giảm chất lượng cà phê;

+ Không trộn các tạp chất, không ngâm nước để tăng khối lượng trước khi cân nhập cho nhà máy;

+ Cần phân loại cà phê trước khi chế biến hoặc đem đến nhà máy tiêu thụ để được giá cao.

II. ĐỐI VỚI VƯỜN CÀ PHÊ CƯA ĐÓN, TRẺ HÓA VƯỜN CÂY

1. Chọn vườn và kỹ thuật cưa đốn

* Lựa chọn vườn cưa đốn:

Chọn các vườn có:

- Độ tuổi từ 12 - 15 năm sau trồng;

- Năng suất thấp, đạt từ 2,0 - 3,5 tấn quả tươi/ha;

- Khả năng nảy chồi, cành tốt và bộ rễ còn phát triển khỏe;

- Ít sâu, bệnh hoặc sâu, bệnh gây hại ở mức thấp đến trung bình;

* Thời vụ cưa đốn: Thời vụ cưa đốn thường tiến hành sau khi thu hoạch xong hoặc tùy từng vùng để xác định thời gian hợp lý, phù hợp điều kiện thời tiết và sinh trưởng của vườn cây sau khi cưa đốn. Không nên cưa đốn trong những ngày trời mưa, lạnh. Trên địa bàn huyện Hướng Hoá khuyến cáo thời gian cưa đốn từ tháng 01 - 02 dương lịch hàng năm (ở Khe Sanh từ tháng 01 đến tháng 02, ở Hướng Phùng từ giữa tháng 12 năm trước đến tháng 01 năm sau).

* Kỹ thuật cưa, đốn:

- Vệ sinh vườn cây: Rong tỉa cây cà phê và cây che bóng trong vườn tạo điều kiện rộng rãi, thông thoáng, giúp đi lại và thao tác cưa đốn được dễ dàng, hạn chế tác động mạnh đến đoạn thân cây sát gốc không bị trầy xước hay bong dập làm ảnh hưởng việc nẩy mầm mới về sau.

- Kỹ thuật đốn/cưa: Dùng cưa cắt thân cây để lại đoạn gốc cách mặt đất 20 - 25 cm, bề mặt cắt phải phang và vát một góc 45°. Dụng cụ phải sắc bén, phải giữ chặt thân và gốc cây khi cưa, thao tác đều đặn đảm bảo vết cưa đốn phải liền mạch không xơ xước lồi lõm. Không dùng dao rựa để cắt chặt thân cây.

* Chăm sóc cây cà phê sau cưa đốn:

Sau khi cưa đốn xong tiến hành công tác chăm sóc và xử lý cây như vệ sinh vườn sau cưa, đưa thân cây sau cưa ra khỏi vườn, đào hố ép xanh các loại lá cà phê, lá cây khác, cuốc lật đất toàn bộ lô tạo điều kiện cho cây phát sinh rễ mới và tiến hành bón vôi khử trùng toàn bộ diện tích vườn đã cưa.

Sau cưa đốn cần xới nhẹ đất xung quanh gốc, không sâu hơn 10 cm với mục đích để cắt một phần bộ rễ già, giúp phục hồi sự cân bằng giữa bộ rễ và phần phía trên mặt đất, thúc đẩy sự hình thành các rễ tơ; mặt khác để làm tơi xốp đất sau nhiều năm bị nén, rải đều 1.000 - 2.000 kg vôi/ha, cuốc xới đất giữa hai hàng cà phê để trộn vôi vào đất; Khâu chăm sóc cho vườn cây cà phê sau cưa đốn đau hàng năm cần được tiến hành thường xuyên và thực hiện đầy đủ quy trình như những vườn tái canh trồng mới. Một số biện pháp chăm sóc chính như:

Cắt tỉa cành tạo thân chính mới cho cây cà phê sau đốn đau: Khoảng 1 tháng sau khi cưa đốn cây nảy mầm (chồi mới tái sinh) chọn 2 - 4 chồi to khoẻ phân bố đều trên gốc để dưỡng, khi chồi này cao khoảng 20 - 30 cm, tiến hành cắt bỏ chỉ giữ lại 2 chồi/gốc để tạo thân chính mới.

2. Các kỹ thuật bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, trồng cây chắn gió, cây che bóng, cây trồng xen trong vườn cà phê theo phương thức nông lâm kết hợp: Áp dụng như vườn trồng mới hoặc tái canh.

III. ĐỐI VỚI VƯỜN CÀ PHÊ KIẾN THIẾT CƠ BẢN HOẶC KINH DOANH

1. Thiết kế và trồng xen trong vườn cà phê

Đối với vườn cà phê kiến thiết cơ bản và kinh doanh chưa có cây trồng xen, tùy theo mức độ sinh trưởng, tưới vườn cà phê và để lựa chọn đối tượng cây trồng xen đưa vào, có thể tỉa thưa một số cây cà phê để trồng xen cho phù hợp.

2. Điều chỉnh cây trồng xen đã có trong vườn cà phê

Đối với vườn cà phê đã có cây trồng xen chưa phù hợp, tùy điều kiện thực tế về tình hình sinh trưởng, độ tuổi vườn cà phê và đối tượng cây trồng đã có, tiến hành tỉa thưa hoặc trồng bổ sung cây trồng xen cho phù hợp.

3. Các kỹ thuật bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, trồng cây chắn gió, cây che bóng, cây trồng xen trong vườn cà phê theo phương thức nông lâm kết hợp: Áp dụng như vườn trồng mới hoặc tái canh cà phê./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2073/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt Quy trình kỹ thuật canh tác cà phê chè (Arabica) nông lâm kết hợp áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

  • Số hiệu: 2073/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/08/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
  • Người ký: Hà Sỹ Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản