Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 790/QĐ-UBND | Kon Tum, ngày 28 tháng 12 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN CÂY CÀ PHÊ XỨ LẠNH TẠI CÁC HUYỆN TU MƠ RÔNG, ĐĂK GLEI VÀ KON PLÔNG GẮN VỚI CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN VÀ THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;
Căn cứ Luật Trồng trọt ngày 19 tháng 11 năm 2018:
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030;
Căn cứ Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Nghị quyết số 06-NQ/ĐH ngày 30 tháng 9 năm 2020 Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI;
Căn cứ Kết luận số 1228-KL/TU ngày 23 tháng 6 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện chủ trương khôi phục và phát triển cà phê xứ lạnh trên địa bàn tỉnh;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 281/TTr-SNN ngày 18 tháng 12 năm 2023 về việc đề nghị phê duyệt Đề án Khôi phục và phát triển cây cà phê xứ lạnh tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025, định hướng đến năm 20301.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Khôi phục và phát triển cây cà phê xứ lạnh tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo như đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 281/TTr-SNN ngày 18 tháng 12 năm 2023 nêu trên (có Phụ lục các nội dung chính của Đề án kèm theo).
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông
- Tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung theo Đề án này theo đúng chủ trương, định hướng, kế hoạch phát triển của tỉnh. Tuyên truyền vận động nông dân tự nguyện tham gia các hình thức hợp tác liên kết, liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê với Doanh nghiệp, Hợp tác xã.
- Xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án. Bố trí nguồn lực, lồng ghép các nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu Quốc gia để triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của đề án, tránh tình trạng phát triển ồ ạt, tự phát ảnh hưởng đến việc tiêu thụ và hiệu quả sản xuất.
- Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng các hình thức thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với các loại cây khác có hiệu quả kinh tế thấp hơn.
- Tổ chức rà soát, bố trí diện tích đất giới thiệu, thu hút các nhà đầu tư xây dựng cơ sở chế biến cà phê tại các địa phương.
- Tổ chức thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với các khu vực phát triển vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến cà phê. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tài nguyên trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định
- Các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông: Kịp thời bố trí kinh phí xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, bản đồ thích nghi phục vụ phát triển cà phê xứ lạnh trên địa bàn các huyện.
- Định kỳ hằng quý, 6 tháng và hằng năm báo cáo kết quả thực hiện Đề án gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Là cơ quan chủ trì, đầu mối theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Đề án. Chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án hằng năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, ban hành.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành danh mục các nhiệm vụ cụ thể, phân công cho từng đơn vị địa phương chủ trì, phối hợp thực hiện, thời gian thực hiện, thời gian hoàn thành. Hoàn thành trong tháng 01 năm 2023.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và định kỳ hằng quý, 06 tháng, năm2 báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh việc triển khai thực hiện Đề án.
- Xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp để xây dựng các mô hình, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật được quy định trong Đề án này.
3. Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp các cơ quan đơn vị có liên quan: Thực hiện quản lý nhà nước đối các sản phẩm cà phê trên thị trường; hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm cà phê xứ lạnh trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì thực hiện việc quản lý chương trình, dự án phát triển ngành công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp chế biến, các nhà máy, cơ sở chế biến cà phê xuất khẩu phù hợp với quy hoạch phát triển cơ sở chế biến và vùng nguyên liệu trên địa bàn.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch Đầu tư thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến, bảo quản cà phê để nâng cao giá trị sản phẩm để tham gia xuất khẩu.
- Nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ các nhà máy, cơ sở chế biến xuất khẩu quảng bá, kết nối với các đơn vị xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu sản phẩm cà phê.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan tham mưu triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nhân giống, sản xuất, chế biến và bảo quản sau thu hoạch sản phẩm cà phê chè chất lượng cao an toàn; chuyển giao ứng dụng, nhân rộng các mô hình cà phê xứ lạnh sản xuất hữu cơ từ kết quả các Chương trình, dự án, đề tài khoa học và công nghệ
5. Sở Tài chính
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh lồng ghép các nguồn vốn thực hiện cho các chính sách hỗ trợ, dự án đầu tư, các chương trình khuyến nông, xúc tiến thương mại từ nguồn ngân sách nhà nước.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh trên địa bàn tỉnh.
- Cân đối, bố trí ngân sách ưu tiên thực hiện Đề án; Bố trí kinh phí thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ của đề án, thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan.
- Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn lực thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; tín dụng trong nông nghiệp.
6. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan cân đối, bố trí kinh phí thực hiện các chương trình, dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công, Ngân sách nhà nước và hướng dẫn việc lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện bảo đảm hiệu quả đầu tư trên địa bàn tỉnh.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; bố trí nguồn lực thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tham mưu triển khai trình tự, thủ tục để thực hiện chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư có liên quan được quy định tại Đề án.
- Chủ trì tham mưu công tác quy hoạch phát triển chung của tỉnh gắn với vùng nguyên liệu, công nghiệp chế biến, khu, cụm công nghiệp và kết cấu hạ tầng đồng bộ cho sản xuất, chế biến cà phê.
7. Sở Tài nguyên và Môi trường
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo và hướng dẫn trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, đảm bảo quỹ đất để thực hiện dự án phát triển vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến cà phê.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội
- Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực, gương mẫu đi đầu, tham gia triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án.
- Phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền về định hướng khôi phục và phát triển cây cà phê xứ lạnh trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường vai trò giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu của đề án.
9. Các Hợp tác xã, doanh nghiệp, trang trại và hộ nông dân
- Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng chung của tỉnh, nhất là các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân nằm trong vùng phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, vùng dự án đầu tư.
- Chủ động phối kết hợp với các nhà khoa học để nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng sản phẩm hàng hóa.
- Tham gia tích cực vào các hiệp hội, ngành hàng.
- Tăng cường đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cà phê chè trên địa bàn.
- Hỗ trợ nông dân trong việc đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu cà phê chè thông qua ký kết hợp đồng đầu tư và thu mua sản phẩm.
- Thành lập các điểm thu mua tại các vùng sản xuất tập trung để thu mua hết và kịp thời sản lượng cà phê chè cho nông dân thông qua ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản với giá cả hợp lý.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, đơn vị cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, ban hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỤ LỤC:
MỘT SỐ NỘI DUNG CHÍNH ĐỀ ÁN
(Kèm theo Quyết định số 790/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)
I. QUAN ĐIỂM
- Phát triển cà phê theo cơ chế thị trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, ứng dụng nhanh thành tựu khoa học công nghệ mới về giống, công nghệ cao, công nghệ sinh học vào canh tác và thu hoạch.
- Đổi mới phương thức tổ chức sản xuất trong ngành sản xuất, chế biến cà phê, tạo việc làm, thu nhập cho người dân theo hướng: sản xuất hàng hóa, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung; doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ; người dân liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm cà phê.
- Thực hiện khôi phục, chăm sóc cải tạo bằng các biện pháp kỹ thuật; thực hiện tái canh bằng các giống cà phê mới có năng suất, chất lượng, phát triển sản xuất cà phê đặc sản, cà phê hữu cơ.
- Phát triển công nghiệp chế biến cà phê, cơ cấu đa dạng các sản phẩm, chất lượng cao gắn với thị trường trong nước và định hướng xuất khẩu, nhằm nâng cao giá trị gia tăng; giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế, xã hội gắn với bảo vệ môi trường.
- Phát triển cà phê xứ lạnh Kon Tum phải gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, tuyệt đối không tác động đến môi trường rừng, đảm bảo định hướng lâu dài phát triển xuất khẩu đạt tiêu chuẩn EU.
- Thúc đẩy chế biến sâu cũng như xây dựng thương hiệu và ổn định đầu ra cho các sản phẩm cà phê xứ lạnh của tỉnh.
- Đề án khôi phục và phát triển cà phê chè gắn chặt với phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 46/QĐ-UBND ngày 27 tháng 02 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Phát triển mạnh sản xuất cà phê chè trên địa bàn các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông theo hướng bền vững, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất hàng hoá, phù hợp với các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; đảm bảo sinh kế cho người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tuyệt đối không tác động đến môi trường rừng, sản xuất thân thiện với môi trường, gắn với phòng, chống thiên tai, dịch bệnh cây trồng để bảo đảm sản xuất.
- Xây dựng và phát triển mạnh thương hiệu cà phê xứ lạnh Kon Tum, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm cà phê xứ lạnh của tỉnh, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích góp phần ổn định kinh tế - xã hội.
- Xây dựng các liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cà phê xứ lạnh Kon Tum.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Đến năm 2025
- Phát triển diện tích trồng cà phê chè trên địa bàn các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei đạt 5.000 ha; nâng cao năng suất trung bình đối với cây cà phê chè tại các vùng Đông Trường Sơn ở mức 17-20 tạ/ha;
- Nhân rộng việc sử dụng các giống cà phê mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị trường trong nước và xuất khẩu để phục vụ trồng tái canh, trồng mới cà phê;
- Triển khai hoàn thành việc cải tạo, khôi phục diện tích cà phê chè già cỗi, thiếu chăm sóc bằng các phương pháp, biện pháp kỹ thuật và tái canh;
- Áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận/xác nhận như: Cà phê hữu cơ; RA, cà phê 4C và Viet GAP;... theo yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới.
- Các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei: mỗi địa phương xây dựng ít nhất 01 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê chè trên địa bàn với "hạt nhân" là các hợp tác xã (trong đó thành viên các hợp tác xã bao gồm người đồng bào dân tộc thiểu số), doanh nghiệp là "trụ cột";
- Định hướng trên địa bàn mỗi huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei có từ 0,5-1% diện tích cà phê chè được sản xuất theo hướng hữu cơ.
- Phát triển mạng lưới sản xuất, kinh doanh giống cà phê chè trên địa bàn tỉnh Kon Tum, trong đó mỗi huyện hình thành ít nhất 01 vườn giống để cung ứng kịp thời nhu cầu của Nhân dân.
- Xây dựng ít nhất 03 sản phẩm OCOP từ nguồn gốc cà phê xứ lạnh Kon Tum đã qua chế biến, đồng thời gắn thương hiệu của các sản phẩm OCOP với khai thác nhãn hiệu cà phê xứ lạnh Kon Tum.
- Các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei: mỗi địa phương hình thành ít nhất 01 cơ sở sơ chế, chế biến cà phê chè.
b) Định hướng đến năm 2030:
- Phát triển, mở rộng vùng sản xuất cà phê chè trên địa bàn các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei và các khu vực phù hợp; nâng cao năng suất lên 20 tạ/ha; hình thành các khu, vùng sản xuất cà phê đặc sản gắn với nhãn hiệu Cà phê xứ lạnh Kon Tum.
- Phấn đấu thu hút đầu tư xây dựng ít nhất 01 nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ Cà phê xứ lạnh Kon Tum.
- Phấn đấu trên địa bàn mỗi huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei có từ 2-3% diện tích cà phê chè được sản xuất theo hướng hữu cơ;
- Phấn đấu 100% các hộ sản xuất cà phê chè trên địa bàn các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông tham gia vào các liên kết sản xuất tiêu thụ, các Tổ hợp tác, Hợp tác xã.
III. NHIỆM VỤ
1. Rà soát, xác định, phát triển vùng trọng điểm sản xuất
- Duy trì ổn định diện tích cà phê chè hiện có đảm bảo năng suất, sản lượng, phát triển trồng mới tại các vùng có điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng phù hợp với đặc tính sinh trưởng của cây cà phê chè; đến năm 2025 diện tích cà phê chè đạt 5.000 ha; định hướng đến năm 2030 mở rộng diện tích ở các vùng phù hợp, phấn đấu đạt 7.000 ha trở lên. đảm bảo phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, tuyệt đối không tác động đến môi trường rừng, đảm bảo định hướng lâu dài phát triển xuất khẩu đạt tiêu chuẩn EU.
- Tập trung ứng dụng công nghệ cao, đầu tư thâm canh, sử dụng giống cà phê mới năng suất, chất lượng cao; hoàn thành việc cải tạo, phục hồi các diện tích đã xác định, phát triển sản xuất vùng nguyên liệu cà phê đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng cung cấp nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy, cơ sở chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh tỉnh.
- Căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các huyện và điều kiện sinh thái phù hợp của cây cà phê chè (đối với yêu cầu về độ cao, độ dốc, nguồn nước, nhiệt độ, …). Dự kiến bố trí cụ thể diện tích cà phê chè đến địa bàn từng xã theo từng giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030.
2. Khôi phục, tái canh
- Rà soát các diện tích cà phê chè hiện có trên địa bàn các huyện bị hư hại, năng suất thấp do thiếu chăm sóc và các tác nhân khác để cải tạo và phục hồi bằng các biện pháp như cưa đốn phục hồi, ghép cải tạo, tái canh để tiến hành triển khai khôi phục theo lộ trình đến năm 2025.
a) Trồng tái canh
a.1) Trường hợp vườn sạch bệnh được tái canh ngay (cần xử lý đất trước khi tái canh), cụ thể:
- Đối với các vườn cà phê trên 20 năm tuổi, cây sinh trưởng kém, năng suất bình quân 3 năm liền dưới 1,0 tấn nhân/ha/năm, không thích hợp áp dụng biện pháp cưa đốn phục hồi hoặc ghép cải tạo.
- Đối với vườn cà phê dưới 20 năm tuổi trong giai đoạn kinh doanh, cây sinh trưởng kém, năng suất bình quân 3 năm liền dưới 1,2 tấn nhân/ha/năm; chăm sóc, bón phân không hiệu quả, không thích hợp áp dụng biện pháp cưa đốn phục hồi hoặc ghép cải tạo.
- Vườn cà phê không bị bệnh vàng lá, thối rễ hoặc bị nhẹ dưới 10%
a.2) Trường hợp vườn bị bệnh vàng lá thối rễ do tuyến trùng và nấm trong đất
- Trong trường hợp vườn cà phê có tỷ lệ bệnh vượt quá ngưỡng 10% cần áp dụng các biện pháp luân canh 1 đến 2 năm các loại cây trồng khác. Sau đó mới tiến hành trồng lại cây cà phê chè.
- Không tái canh đối với vườn vườn cà phê bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ do tuyến trùng và nấm trong đất gây hại nặng trên 70% số cây. Chuyển đổi sang các loại cây trồng khác, không tiến hành trồng lại cà phê trên diện tích này.
b) Cải tạo, phục hồi bằng các biện pháp kỹ thuật
Tùy vào điều kiện đầu tư, chăm sóc và trình độ canh tác có thể lựa chọn áp dụng một trong các phương pháp:
b.1) Ghép cải tạo
- Đối với vườn cà phê dưới 20 năm tuổi sinh trưởng tốt nhưng bị ảnh hưởng của các yếu tố cơ học, hư hại, phải cưa đốn, sau đó có thể ghép cải tạo bằng một số giống cà phê mới có năng suất, chất lượng cao hơn.
- Đối với vườn cà phê dưới 20 năm tuổi, cây sinh trưởng bình thường nhưng cho quả ít, quả nhỏ, không đồng đều, năng suất thấp có thể ghép cải tạo bằng một số giống cà phê mới có năng suất, chất lượng cao hơn để tăng năng suất.
Vật liệu nhân giống (cành ghép, mắt ghép) phải có nguồn gốc rõ ràng được lấy từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng được cấp có thẩm quyền công nhận.
b.2) Cưa đốn phục hồi
- Vườn cà phê đã cho quả nhiều năm (thường từ 10 đến 12 năm), cành cơ bản già cỗi, năng suất thấp hiệu quả kinh tế thấp, bộ rễ vẫn phát triển tốt.
- Vườn cà phê còn trẻ (dưới 10 năm) nhưng cành xơ xác không thể phục hồi bộ tán trong khi bộ rể vẫn phát triển tốt.
c) Cơ cấu giống cà phê chè phục vụ tái canh
- Giống Catimor là dòng thuần, nhân giống bằng hạt;
- Giống THA1(1): Giống lai đã tạo dòng thuần, nhân giống bằng hạt;
- Giống TN1, TN2, ... là các giống lai F1(2), nhân giống bằng phương pháp vô tính.
3. Trồng cây che bóng, trồng xen trong vườn cà phê
Đối với cà phê trong vườn hộ gia đình, có thể sử dụng một số loại như bơ, macca, hồng, nhãn, xoài, mận, cây keo dậu (Leucaena leucocephala), cây muồng lá nhọn (Cassiatora), ... tùy vào đặc thù từng vùng để trồng xen hoặc trồng xung quanh vườn, đồng thời làm cây che bóng cho cà phê phát triển. Đồng thời tăng giá trị trên một đơn vị diện tích nhờ các sản phẩm từ cây trồng che bóng, trồng xen. Định hướng đến năm 2030 có khoảng 70% diện tích cà phê được trồng xen, trồng cây che bóng.
4. Áp dụng tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững được chứng nhận
- Định hướng tập trung phát triển vùng nguyên liệu cà phê đạt các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, sản xuất bền vững bảo đảm chất lượng cà phê. Triển khai các hoạt động hỗ trợ áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận/xác nhận như: Cà phê hữu cơ; RA, cà phê 4C và Viet GAP; ... theo yêu cầu của thị trường trong nước và đáp ứng, tuân thủ những yêu cầu theo bộ tiêu chuẩn do cơ quan sở hữu chứng nhận hướng đến tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, có 2.000 ha cà phê chè có chứng nhận theo các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
- Xây dựng các mô hình cà phê chè đặc sản trên địa bàn tỉnh để nâng cao giá trị của sản phẩm cà phê xứ lạnh của tỉnh Kon Tum.
5. Ứng dụng công nghệ trong trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến cà phê
a) Ứng dụng công nghệ trong sản xuất giống
Ứng dụng công nghệ cao trong nhân giống cà phê vô tính với ghép gốc ghép kháng tuyến trùng kháng bệnh kết hợp giâm hom và nhân giống thực sinh đối với giống thuần lựa chọn hạt cà phê đủ tiêu chuẩn theo quy định. Đến năm 2025, 100% giống cà phê đưa vào trồng có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn cây giống theo quy định.
b) Về canh tác cà phê
- Ứng dụng cơ giới hóa các khâu làm đất trồng, chăm sóc;
- Thực hiện hệ thống tưới phun mưa, tưới nước tiết kiệm, tưới nước nhỏ giọt kết hợp với bón phân qua nước cho cây cà phê; sử dụng phân bón sinh học cho cà phê.
c) Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động thu hoạch, chế biến và bảo quản cà phê.
- Đảm bảo kỹ thuật thu hái theo đúng quy định(3) để đảm bảo chất lượng sản phẩm và sinh trưởng phát triển của vườn cây.
- Ứng dụng các công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch để đảm bảo chất lượng và tăng giá trị sản phẩm cà phê. Đặc biệt là các công nghệ chế biến sâu các sản phẩm cà phê chè.
6. Tổ chức liên kết sản xuất
- Đẩy mạnh việc thành lập Liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác trong phát triển sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh; củng cố nâng cao năng lực của các hợp tác xã sẵn có trong liên kết, tổ chức sản xuất cà phê xứ lạnh trên địa bàn các huyện.
- Hợp tác liên kết đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cà phê, giữa các hộ trồng cà phê với các doanh nghiệp, hợp tác xã; đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm cà phê thông qua hợp đồng tiêu thụ, từng bước hình thành các chuỗi sản xuất quả bền vững.
- Thu hút các Doanh nghiệp mới, củng cố phát huy vai trò của cá doanh nghiệp sẵn có trong xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản lượng cà phê, thực hiện truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tạo thị trường tiêu thụ bền vững.
7. Chế biến cà phê
- Phát huy hiệu quả, nâng cao năng lực chế biến của các cơ sở chế biến sẵn có trên địa bàn tỉnh trong chế biến sản phẩm cà phê xứ lạnh.
- Thu hút các nhà đầu tư tiềm năng có kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê đầu tư mới một số nhà máy chế biến cà phê có quy mô đảm bảo chế biến 90.000 - 100.000 tấn quả/năm gắn với chế biến sâu cà phê.
- Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ chế biến cà phê quả tươi tuân thủ đúng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được chế biến trên 90%; 10% sản lượng cà phê nhân được chế biến sâu, chế biến cà phê tiêu dùng với các sản phẩm cà phê bột, cà phê hòa tan, các loại cà phê khác biệt khác theo thị hiếu của thị trường.
8. Tiêu thụ cà phê
Tăng cường chế biến sâu, đa dạng các loại sản phẩm cà phê rang xay, cà phê bột, cà phê hòa tan để phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cho thị trường tiêu thụ nội địa và hướng đến xuất khẩu. Các sản phẩm chế biến sâu cần được quan tâm, chú trọng đến sử dụng mẫu mã, bao bì, nhãn mác để mô tả, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước; đặc biệt khai thác tối đa nhãn hiệu CÀ PHÊ XỨ LẠNH KON TUM ARABICA COFFEE.
Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng và mở rộng mạng lưới, hệ thống tiêu thụ các sản phẩm cà phê chè Sản phẩm cà phê chè của tỉnh cần được tạo điều kiện quảng bá, tham gia các sự kiện, hội chợ thương mại, tham gia sàn thương mại điện tử,… để mở rộng cơ hội tiêu thụ, hợp tác liên kết.
V. CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN
1. Các chương trình, dự án ưu tiên triển khai do tỉnh quản lý
- Dự án thử nghiệm trồng tái canh, ghép cải tạo, cưa đốn cải tạo cà phê chè triển khai tại 03 huyện Đăk Glei, Kon Plông, Tu Mơ Rông
- Dự án khảo nghiệm, thử nghiệm một số giống cà phê chè mới năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện của vùng trồng cà phê.
- Chương trình quản lý và phát triển nhãn hiệu CÀ PHÊ XỨ LẠNH KON TUM ARABICA COFFEE triển khai tại 03 huyện Đăk Glei, Kon Plông, Tu Mơ Rông
- Dự án, đề tài, đề án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê chè triển khai tại 03 huyện Đăk Glei, Kon Plông, Tu Mơ Rông
- Chương trình, dự án hỗ trợ chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững được chứng nhận 4C, RA, VietGAP hoặc các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm khác.
- Dự án quảng bá, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê xứ lạnh.
2. Dự án kêu gọi, thu hút đầu tư
- Dự án xây dựng hệ thống vườn đầu dòng, vườn ươm giống cây cà phê chè đáp ứng cho nhu cầu trồng mới, trồng tái canh cà phê xứ lạnh trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
- Dự án thâm canh cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C, RA, cà phê đặc sản...tại vùng trồng cà phê trong tỉnh.
- Dự án xây dựng nhà máy chế biến cà phê (trong đó có cà phê chè) công nghiệp quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
- Dự án xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến phụ phẩm cà phê để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất cà phê.
- Dự án sản xuất cà phê hữu cơ, sản xuất cà phê đặc sản.
VI. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Công tác tuyên truyền
- Tổ chức tuyên truyền đến từng cán bộ, đảng viên và đến từng đối tượng sản xuất về chủ trương, định hướng và các chính sách, pháp luật có liên quan đối với việc phát triển cây cà phê xứ lạnh trên địa bàn các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông
- Tổ chức tuyên truyền đa dạng, dưới nhiều hình thức: hội nghị, hội thảo, tập huấn; qua các chuyên mục, phóng sự, bài báo,...; qua các công cụ mạng xã hội.
2. Giải pháp về khoa học công nghệ
- Đưa vào thử nghiệm, sử dụng các số giống cà phê năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện của Kon Tum cho năng suất, chất lượng tốt để thay thế dần giống cà phê hiệu quả thấp. Chuẩn bị tốt nguồn giống cà phê đảm bảo chất lượng cho trồng mới, trồng tái canh đảm bảo hiệu quả. Thực hiện đúng quy trình thâm canh, tái canh phát triển cà phê theo hướng bền vững, an toàn, hiệu quả. Về cơ cấu giống sử dụng để khôi phục và phát triển mở rộng diện tích cà phê chè cụ thể: Giống Catimor là dòng thuần, nhân giống bằng hạt; Giống THA1: Giống lai đã tạo dòng thuần, nhân giống bằng hạt; Giống TN1, TN2,...là các giống lai F1, nhân giống bằng phương pháp vô tính.
- Nghiên cứu lựa chọn một số cây trồng xen, cây che bóng cho vườn phù hợp với mật độ, loại cây trồng ít cạnh tranh dinh dưỡng, nước tưới với cây cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
- Đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu làm đất trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển cà phê; nghiên cứu công nghệ và thiết kế chế tạo các dây chuyền thiết bị chế biến đa dạng sản phẩm cà phê phục vụ xuất khẩu. Ưu tiên nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong hoạt động chế biến và bảo quản cà phê.
- Nghiên cứu phát triển thị trường cà phê tiêu thụ trong nước, dự báo thị trường nước ngoài để định hướng cho người sản xuất và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê.
- Đẩy mạnh công tác khuyến nông đối với lĩnh vực trồng tái canh, áp dụng các biện pháp kỹ thuật cải tạo, phục hồi, tưới nước tiết kiệm, cơ giới hóa một số khâu chăm sóc, thu hái và chế biến cà phê, nhất là khâu chế biến cà phê nông hộ.
- Hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật ứng dụng canh tác trên đất dốc, chống xói mòn, rửa trôi và bảo vệ đất cho người sản xuất cà phê; ứng dụng khoa học công nghệ, các chế phẩm sinh học vào xử lý vỏ bã cà phê làm phân bón và cải tạo đất.
- Rà soát phát triển cà phê phù hợp với đánh giá mức độ thích nghi vùng trồng cà phê để khai thác tối đa lợi thế so sánh điều kiện tự nhiên vùng Đông Trường Sơn của tỉnh Kon Tum để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo hiệu quả và phát triển bền vững. Trong đó xác định các vùng trọng điểm trên địa bàn các huyện huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei để phát triển cà phê chè chất lượng cao, phục vụ phát triển thương hiệu “Cà phê xứ lạnh Kon Tum”.
- Áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, kỹ thuật kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững để tái canh diện tích cà phê chè già cỗi, kém hiệu quả và mở rộng trồng mới cà phê chè; chuyển đổi sang trồng các giống cà phê chè mới (có năng suất, chất lượng cao, chín tập trung) đã được công nhận.
3. Giải pháp về tổ chức sản xuất
- Triển khai có hiệu quả Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để tăng cường liên kết giữa các bên tham gia, nhất là giữa doanh nghiệp chế biến với người nông dân và hợp tác xã.
- Tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông sản tập trung đồng bộ với quy hoạch mạng lưới các nhà máy chế biến; ưu tiên bố trí đất đủ lớn phù hợp để thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy, cơ sở chế biến cà phê.
- Nghiên cứu ứng dụng hệ thống cơ sở dữ liệu, giám sát vùng trồng cà phê dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin.
- Thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác và các liên minh sản xuất cà phê bền vững; hình thành mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, kiểm soát chất lượng cà phê. Củng cố và xây dựng mới các liên minh sản xuất cà phê bền vững thông qua hợp đồng liên kết sản xuất. Phát triển kinh tế hợp tác xã để liên kết đầu tư, kinh doanh đồng thời có thể giám sát sản xuất, chất lượng của cà phê. Xây dựng và tổ chức thực hiện sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm cà phê.
- Thành lập và phát huy vai trò, năng lực hoạt động của các Hội, Hội quán cà phê, ... là nòng cốt tổ chức xây dựng liên kết dọc, liên kết ngang trong ngành hàng cà phê, để các tổ chức này phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích của ngành cà phê trên địa bàn tỉnh.
4. Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực
- Đào tạo ngắn hạn và khuyến nông nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại,... để tự xây dựng, thực hiện và giám sát kế hoạch sản xuất và quản lý sản xuất, quản lý hoạt động các hợp tác xã, doanh nghiệp.
- Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức trong việc tiếp thu những tiến bộ khoa học mới trong phát triển vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh; Xây dựng được lực lượng cán bộ kỹ thuật để hướng dẫn nông dân sản xuất theo đúng quy trình, các tiêu chuẩn được cấp chứng nhận sản xuất cà phê bền vững.
5. Giải pháp về vốn
- Lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình khuyến nông, chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình, dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào phát triển nông nghiệp,... để phục vụ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê trên địa bàn tỉnh.
- Hàng năm bố trí ngân sách để tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án, xây dựng các mô hình sản xuất phục vụ phát triển cây cà phê trên địa bàn tỉnh.
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng phát triển vùng nguyên liệu bền vững, các cơ sở chế biến cà phê trên địa bàn.
6. Giải pháp về cơ chế, chính sách
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hiện có của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, Bộ, ngành Trung ương và chính sách của tỉnh về hỗ trợ, khuyến khích trồng, thâm canh, phát triển vùng nguyên liệu cà phê của tỉnh theo hướng bền vững.
- Tập trung các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để tăng cường liên kết giữa các bên tham gia, nhất là giữa doanh nghiệp chế biến với người nông dân và hợp tác xã theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ; các chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thông qua các tổ chức đại diện nông dân (Hội quán, Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã, ...) để tổ chức mô hình kinh tế hợp tác cung cấp dịch vụ đầu vào, sơ chế, chế biến và đầu ra cho nông dân; hình thành chuỗi liên kết trong phát triển “Cà phê xứ lạnh tỉnh Kon Tum”.
- Ban hành các chính sách hỗ trợ để người nông dân trồng, thâm canh, hệ thống tưới, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu cà phê, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số chăm sóc, cải tạo phục hồi vườn cây hiện có và mở rộng diện tích trồng mới.
- Thu hút phát triển các cơ sở chế biến tập trung quy mô công nghiệp đảm bảo việc chế biến nguyên liệu cà phê bảo vệ môi trường.
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định, chính sách như các chính sách liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao tập trung; hỗ trợ phát triển vùng trồng cây cà phê áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tái canh cà phê; cà phê đặc sản; phát triển bền vững, xuất khẩu cà phê.
7. Xúc tiến thương mại
- Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng tem, nhãn mác hàng hóa có Nhãn hiệu CÀ PHÊ XỨ LẠNH KON TUM ARABICA COFFEE gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng theo chuỗi và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và định hướng xuất khẩu.
- Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia chế biến cà phê trong và ngoài nước đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm cà phê trên địa bàn tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu.
- Hàng năm tham gia hội chợ, tổ chức lễ hội, hội thi cà phê gắn với các sự kiện của tỉnh để quảng bá sản phẩm cà phê xứ lạnh của tỉnh.
- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển bền vững các vùng nguyên liệu, thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với người sản xuất, tạo nguồn hàng ổn định cho chế biến cà phê.
VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN: Thực hiện theo Điều 2 của Quyết định này.
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
1 Ủy ban nhân dân tỉnh đã thống nhất tại cuộc họp ngày 28 tháng 12 năm 2023.
2 Trước ngày 25 tháng cuối quý; trước ngày 20 tháng 6; trước ngày 15 tháng 12.
(1) Là một dòng chọn lọc của phả hệ F5 của con lai TN1 được nghiệm thu và công nhận giống dành cho sản xuất theo quyết đinh của số 2812/QD-BNN-TT vào ngày 07 tháng 7 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
(2) Theo kết quả nghiên cứu từ phương pháp lai hữu tính và chọn lọc qua nhiều thế hệ từ nguồn giống nhập nội và bản địa của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Được công nhận theo Quyết định số 725/QĐ-TT-CCN ngày 12 tháng 12 năm 2011 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
(3) Quyết định số 4428/QĐ-BNNTT ngày09 tháng 11 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 1Quyết định 33/2013/QĐ-UBND về Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh tại huyện: Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông do tỉnh Kon Tum ban hành
- 2Nghị quyết 08/2013/NQ-HĐND thông qua Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh tại huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plong tỉnh Kon Tum
- 3Quyết định 837/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án tái canh và phát triển bền vững cây cà phê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, tính đến năm 2025
- 4Kế hoạch 77/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- 5Kế hoạch 152/KH-UBND năm 2024 thực hiện “Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- 1Quyết định 124/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 33/2013/QĐ-UBND về Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh tại huyện: Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông do tỉnh Kon Tum ban hành
- 3Nghị quyết 08/2013/NQ-HĐND thông qua Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh tại huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plong tỉnh Kon Tum
- 4Luật ngân sách nhà nước 2015
- 5Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 6Luật Trồng trọt 2018
- 7Quyết định 837/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án tái canh và phát triển bền vững cây cà phê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, tính đến năm 2025
- 8Luật Lâm nghiệp 2017
- 9Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
- 10Quyết định 4428/QĐ-BNN-TT năm 2018 về Quy trình tái canh cà phê chè do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 11Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 12Quyết định 885/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 13Quyết định 255/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 14Quyết định 150/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 15Kế hoạch 77/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- 16Kế hoạch 152/KH-UBND năm 2024 thực hiện “Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Quyết định 790/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án Khôi phục và phát triển cây cà phê xứ lạnh tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do tỉnh Kon Tum ban hành
- Số hiệu: 790/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/12/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
- Người ký: Nguyễn Hữu Tháp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra