Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2033 /QĐ-UBND | Trà Vinh, ngày 02 tháng 11 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH BẢO VỆ TRẺ EM TỈNH TRÀ VINH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 267/QĐ-TTg ngày 22/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 1163/TTr-SLĐTBXH ngày 07/11/2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2011 - 2015 với các nội dung chính như sau:
1. Mục tiêu:
1.1. Mục tiêu tổng quát:
Tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh để tất cả trẻ em đều được bảo vệ. Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu hoặc loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị ngược đãi, xâm hại, bạo lực, buôn bán. Trợ giúp, phục hồi kịp thời cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, tạo cơ hội để các em tái hòa nhập cộng đồng và bình đẳng về cơ hội phát triển, thông qua phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em đồng bộ và hoạt động có hiệu quả.
1.2. Các mục tiêu cụ thể:
- Giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống dưới 5% so với tổng số trẻ em;
- 80% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhận được sự trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển;
- 70% trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được phát hiện và can thiệp để giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt;
- Xây dựng thí điểm mô hình hệ thống bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh.
2. Đối tượng, phạm vi và thời gian thực hiện:
2.1. Đối tượng của Chương trình: Trẻ em, ưu tiên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực. Người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật.
2.2. Phạm vi của Chương trình: Chương trình được thực hiện trong phạm vi toàn tỉnh, ưu tiên địa phương có nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, vùng đông đồng bào Khmer, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
2.3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2011 đến năm 2015.
3. Nội dung của Chương trình:
3.1. Dự án 1: Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội.
- Mục tiêu của dự án: 90% hộ gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và trẻ em được nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về bảo vệ trẻ em.
- Phạm vi thực hiện dự án: Thực hiện trong toàn tỉnh, ưu tiên các xã có nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, vùng đông đồng bào Khmer, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.
- Nội dung của dự án: Hàng năm tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm tạo mối quan tâm và thúc đẩy sự thay đổi nhận thức của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ trẻ em. Hợp đồng sản xuất, in ấn phát hành các sản phẩm truyền thông về bảo vệ trẻ em nhằm thay đổi hành vi của gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và trẻ em về bảo vệ trẻ em. Tổ chức các hoạt động tư vấn, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, trường học về bảo vệ trẻ em có sự tham gia của cộng đồng, các thành viên gia đình, giáo viên và trẻ em.
- Cơ quan thực hiện dự án: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, các Sở, ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
3.2. Dự án 2: Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
- Mục tiêu của dự án: 100% cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được nâng cao năng lực về quản lý và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; 50% trở lên cán bộ cấp xã và cộng tác viên tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các ấp, khóm được nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em.
- Phạm vi thực hiện dự án: Thực hiện trong toàn tỉnh, ưu tiên các xã có nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, vùng đông đồng bào Khmer, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.
- Nội dung của dự án: Xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp và mạng lưới cộng tác viên khóm, ấp. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án... về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; các kỹ năng cơ bản làm việc với trẻ em đối với đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, đội ngũ cộng tác viên tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở ấp, khóm.
- Cơ quan thực hiện dự án: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
3.3. Dự án 3: Xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
- Mục tiêu của dự án: Hình thành hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; 4/8 huyện, thành phố thành lập hệ thống bảo vệ trẻ em hoặc Văn phòng tư vấn trẻ em cấp huyện; 16 xã có điểm công tác xã hội trẻ em cấp xã được trang bị hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em; hình thành Ban Chỉ đạo bảo vệ trẻ em liên ngành cấp tỉnh, huyện, xã, mạng lưới cộng tác viên ấp, khóm và nhóm trẻ nòng cốt hoạt động có hiệu quả.
- Phạm vi của dự án: Triển khai thực hiện trong toàn tỉnh, tập trung 4 huyện và 16 xã thí điểm.
- Nội dung của dự án:
+ Thành lập trung tâm công tác xã hội cấp tỉnh theo hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương có liên quan nhằm hình thành hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em nhằm truyền thông, giáo dục, vận động gia đình, cộng đồng xã hội tham gia bảo vệ trẻ emphòng ngừa các hành vi xâm hại, ngược đãi, bạo lực và bóc lột trẻ em; giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em; các dự án tăng cường năng lực cộng đồng hỗ trợ thanh thiếu niên; các chương trình trợ giúp trẻ em tiếp cận các dịch vụ phúc lợi xã hội dành cho trẻ em. Trợ giúp nâng cao năng lực cho cha mẹ, người chăm sóc, cộng đồng về bảo vệ trẻ em, kỹ năng làm cha mẹ, nâng cao kỹ năng tự bảo vệ của trẻ em nhằm giúp trẻ giải quyết những yếu tố nguy cơ; xác định và loại trừ nhóm trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Hỗ trợ, tổ chức các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em (tìm kiếm các gia đình chăm sóc thay thế, tư vấn, trị liệu phục hồi tâm lý, phục hồi thể chất); trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế, các phúc lợi xã hội khác khi có nhu cầu;
+ Thành lập Ban Chỉ đạo, tổ công tác liên ngành, văn phòng tư vấn, ban bảo vệ trẻ em, điểm công tác xã hội, mạng lưới cộng tác viên ấp, khóm, nhóm trẻ nòng cốt... các cấp theo hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương có liên quan, hình thành hệ thống bảo vệ trẻ em các cấp hoạt động hiệu quả.
- Cơ quan thực hiện dự án: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Y tế, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Công an tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.
3.4. Dự án 4: Xây dựng và nhân rộng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng.
- Mục tiêu của dự án: 80% trẻ em khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chỉnh hình và phục hồi chức năng, giáo dục và các dịch vụ cộng cộng; 100% số trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc. Hàng năm giảm tối thiểu 10% số trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực; 100% trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực được can thiệp, trợ giúp; giảm 30% số trẻ em lang thang; giảm tối thiểu 30% số trẻ em phải lao động nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; giảm tối thiểu 20% số trẻ em bị tai nạn thương tích; giảm tối thiểu 20% số trẻ em vi phạm pháp luật.
- Nội dung của dự án: Gồm 4 mô hình
+ Các mô hình của dự án và phạm vi thực hiện:
. Mô hình 1: Trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng.
Phạm vi thực hiện: Chọn 04 huyện, mỗi huyện chọn 2 xã, phường, thị trấn.
. Mô hình 2: Xây dựng và nhân rộng mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em lang thang; trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại dựa vào cộng đồng.
Phạm vi thực hiện: Chọn 04 huyện, thành phố; mỗi huyện, thành phố chọn 04 xã, phường, thị trấn.
. Mô hình 3: Xây dựng và nhân rộng mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực dựa vào cộng đồng (bao gồm cả nhóm trẻ em có nguy cơ cao).
Phạm vi thực hiện: Chọn 04 huyện, thành phố; mỗi huyện, thành phố chọn 03 xã, phường, thị trấn.
. Mô hình 4: Phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng.
Phạm vi thực hiện: Chọn 02 huyện, thành phố; mỗi huyện, thành phố chọn 02 xã, phường, thị trấn.
- Cơ quan thực hiện dự án:
+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thực hiện mô hình 1, 2 và 3.
+ Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các Sở, ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thực hiện mô hình 4.
3. 5. Dự án 5: Dự án nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
- Mục tiêu của dự án: Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung theo hướng phù hợp với trẻ em, tăng cường tính phòng ngừa, bảo vệ trẻ em một cách toàn diện; xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, làm cơ sở để đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Công ước quốc tế về quyền trẻ em.
- Phạm vi thực hiện dự án: Toàn tỉnh.
- Nội dung của dự án: Gồm 02 tiểu dự án
+ Tiểu dự án 1: Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em để đề xuất sửa đổi, bổ sung;
+ Tiểu dự án 2: Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
- Cơ quan thực hiện dự án: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê, các Sở, ngành tỉnh có liên quan.
4. Các giải pháp thực hiện Chương trình:
- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; đưa mục tiêu bảo vệ, chăm sóc trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương;
- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em trong toàn xã hội;
- Phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em có chất lượng. Tăng cường xã hội hóa và phối hợp liên ngành trong việc tổ chức các hoạt động về bảo vệ trẻ em;
- Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính để thực hiện Chương trình;
- Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định về công tác bảo vệ trẻ em.
5. Kinh phí dự kiến thực hiện Chương trình: 24.040 triệu đồng, trong đó:
- Vốn ngân sách Trung ương : 20.190 triệu đồng.
- Vốn ngân sách tỉnh và vốn khác : 3.850 triệu đồng.
Điều 2. Tổ chức thực hiện Chương trình:
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Là cơ quan thường trực giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Chương trình này.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tỉnh có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Xây dựng kế hoạch thực hiện và điều phối các hoạt động của Chương trình này; xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án đã được phân công trong Chương trình theo quy định hiện hành; tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình theo hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương có liên quan; sơ kết, tổng kết và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.
2. Sở Tư pháp: Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra đối với hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em, công tác đăng ký khai sinh đúng thời hạn cho trẻ em; tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác nuôi con nuôi; phối hợp tổ chức thực hiện các dự án đã được phân công trong Chương trình theo quy định hiện hành.
3. Công an tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức thực hiện và phối hợp thực hiện dự án đã được phân công trong Chương trình theo quy định hiện hành; lồng ghép việc triển khai thực hiện Chương trình này với Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2011 - 2015; thông báo số điện thoại nóng để nhận thông tin phản ánh của nhân dân về bảo vệ quyền trẻ em.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo: Hướng dẫn xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, không có bạo lực theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, chú trọng việc rèn luyện kỹ năng sống, tự bảo vệ, giao tiếp, ứng xử cho học sinh; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên; phối hợp tổ chức thực hiện các dự án đã được phân công trong Chương trình theo quy định hiện hành.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tăng cường thanh tra, kiểm tra và quản lý chặt chẽ các sản phẩm văn hóa, dịch vụ vui chơi, giải trí dành cho trẻ em; phối hợp tổ chức thực hiện các dự án của Chương trình theo quy định hiện hành.
6. Sở Nội vụ: Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các Sở, ngành tỉnh có liên quan hướng dẫn các địa phương bố trí người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cấp xã, phường, thị trấn; phối hợp tổ chức thực hiện các dự án đã được phân công trong Chương trình theo quy định hiện hành.
7. Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, định hướng các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông, giáo dục về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động về thông tin, báo chí, xuất bản, thông tin trên internet dành cho trẻ em và liên quan đến trẻ em.
8. Sở Y tế: Chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em hộ nghèo; phối hợp tổ chức thực hiện các dự án đã được phân công trong Chương trình theo quy định hiện hành.
9. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các Sở, ngành tỉnh có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phát huy tính sáng tạo, chủ động, tích cực trong việc huy động nguồn lực để thực hiện Chương trình; lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phối hợp tổ chức thực hiện các dự án đã được phân công trong Chương trình theo quy định hiện hành.
10. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, căn cứ khả năng ngân sách nhà nước hàng năm, cân đối, đề xuất bố trí ngân sách địa phương, trình phân bổ ngân sách Trung ương giao để thực hiện Chương trình; hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra tài chính theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
11. Các Sở, ngành tỉnh: Tham gia thực hiện Chương trình này trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao; phối hợp tổ chức thực hiện các dự án trong Chương trình theo quy định hiện hành; đồng thời, lồng ghép các hoạt động của ngành với việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình.
12. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố: Tổ chức triển khai thực hiện Chương trình tại địa phương theo hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các Sở, ngành tỉnh có liên quan; xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch hoạt động hàng năm về bảo vệ, chăm sóc trẻ em phù hợp với Chương trình này và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong cùng thời kỳ; lồng ghép việc thực hiện có hiệu quả Chương trình này với các chương trình khác có liên quan trên địa bàn; đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bố trí ngân sách, nhân lực để thực hiện Chương trình; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Chương trình tại địa phương; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.
13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia tổ chức triển khai thực hiện Chương trình này; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong tổ chức mình; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; lồng ghép thực hiện mục tiêu của Chương trình với nhiệm vụ thường xuyên của hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 320/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011 - 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 2Quyết định 3422/QĐ-UBND năm 2011 Phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 tỉnh Quảng Ninh do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 3Quyết định 645/QĐ-UBND năm 2011 về Chương trình Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 do tỉnh An Giang ban hành
- 4Quyết định 1563/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2015
- 5Quyết định 528/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011- 2015 tỉnh Điện Biên
- 1Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Quyết định 267/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 – 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 320/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011 - 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 5Quyết định 3422/QĐ-UBND năm 2011 Phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 tỉnh Quảng Ninh do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 6Quyết định 645/QĐ-UBND năm 2011 về Chương trình Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 do tỉnh An Giang ban hành
- 7Quyết định 1563/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2015
- 8Quyết định 528/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011- 2015 tỉnh Điện Biên
Quyết định 2033/QĐ-UBND năm 2011 về phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015 do tỉnh Trà Vinh ban hành
- Số hiệu: 2033/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 02/11/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh Trà Vinh
- Người ký: Trần Khiêu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra