Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2032/QĐ-UBND

Phú Thọ, ngày 17 tháng 6 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH HỆ THỐNG THU GOM VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 ngày 28/11/2005;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng; Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về Quản lý chất thải rắn;

Căn cứ Thông tư số 01/2001/TTLB-BKHCNMT-BXD ngày 18/01/2001 hướng dẫn các quy định về bảo vệ môi trường đối với việc lựa chọn địa điểm, xây dựng và vận hành bãi chôn lấp chất thải rắn; Thông tư số 13/2007/TT-BXD ngày 31/12/2007 của Bộ xây dựng về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về Quản lý chất thải rắn;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 390/TT-SXD ngày 19/5/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến 2030 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Phạm vi quy hoạch: Các đô thị và vùng phụ cận, các điểm dân cư tập trung, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Quy hoạch trên tổng diện tích tự nhiên là 352.824,14 ha.

2. Quan điểm quy hoạch:

- Quy hoạch hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn phải phù hợp với chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp của cả nước; quy hoạch phát triển kinh tế xã hội; quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác có liên quan.

- Đảm bảo tính khoa học, sử dụng hợp lý về tài nguyên, thích ứng về kỹ thuật, có hiệu quả kinh tế được xã hội chấp nhận.

- Tạo điều kiện làm việc tốt cho đội ngũ những người lao động tham gia thu gom, xử lý chất thải rắn; từng bước đưa công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước vào sử dụng.

3. Mục tiêu quy hoạch:

a) Mục tiêu chung:

- Cụ thể hóa Chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh Phú Thọ đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt theo Quyết định số 4122/QĐ-UBND ngày 31/12/2008.

- Cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể hệ thống Đô thị và điểm dân cư nông thôn tỉnh PhúThọ đến năm 2020 đã được phê duyệt.

- Đánh giá đúng thực trạng hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn trên địa bàn toàn tỉnh; những hạn chế, nguy cơ tác động ảnh hưởng của các loại chất thải rắn.

- Lập quy hoạch hệ thống thu gom và khu xử lý chất thải rắn ở từng thời kỳ đến năm 2030 phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như Quy hoạch tổng thể hệ thống Đô thị và điểm dân cư Nông thôn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế tỉnh Phú Thọ.

- Làm căn cứ để quản lý và xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đủ năng lực xử lý triệt để, tái chế, tái sử dụng chất thải, hạn chế chôn lấp, nâng cao hiệu quả công tác xử lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải nguy hại.

- Xã hội hóa công tác quản lý chất thải rắn; huy động các nguồn lực tham gia đầu tư thu gom, xử lý chất thải rắn.

- Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao trách nhiệm cộng đồng, cải thiện môi trường sống để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện thành công Chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020.

- Theo sát các mục tiêu của Chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020; Chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh Phú Thọ đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ, đề xuất các bước đi phù hợp cho lĩnh vực quy hoạch và quản lý chất thải rắn trong từng giai đoạn đến năm 2015, giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng cho giai đoạn 2021 - 2030. Góp phần đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững.

- Thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đối với chất thải rắn đô thị, khu công nghiệp và các điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh.

- Thu gom, vận chuyển và xử lý triệt để bằng các biện pháp thích hợp từ 90 - 95% lượng chất thải rắn phát sinh tại các đô thị và khu công nghiệp; 40 đến 55% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn; 100% lượng chất thải rắn phát sinh tại các bệnh viện, trạm y tế.

- Thu gom và xử lý triệt để chất thải rắn y tế tại các bệnh viện bằng phương pháp đốt, hấp cao áp và xử lý vi sóng; chất thải rắn nguy hại tại các đô thị, khu công nghiệp và các điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh bằng các phương pháp đốt, chế biến, chôn lấp hợp vệ sinh.

- Đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn tại các khu liên hợp xử lý chất thải rắn theo nguyên tắc liên vùng huyện, thành, thị.

- Hoàn thành việc lập quy hoạch quản lý chất thải rắn đô thị và khu công nghiệp.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Giai đoạn đến năm 2015:

+ Hoàn thành việc thành lập các tổ, đội chuyên môn phụ trách công tác thu gom và vận chuyển chất thải rắn tại các thị trấn, đô thị trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2011.

+ Xây dựng quy chế quản lý chất thải rắn đô thị, khu công nghiệp và các điểm dân cư nông thôn trên cơ sở khung pháp lý của Chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam.

+ Chọn địa điểm tập trung chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp cho các huyện, thành, thị.

+ Xử lý sơ bộ chất thải rắn tại các địa điểm tập trung ở các huyện, thành, thị.

+ Hoàn thiện các hạng mục công trình của Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải rắn nguy hại tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Trạm Thản, huyện Phù Ninh phục vụ các huyện tả ngạn sông Hồng.

- Giai đoạn 2016 - 2020:

+ Hoàn thiện cơ cấu tổ chức hoạt động của các tổ, đội phụ trách công việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tại các đô thị trên địa bàn toàn tỉnh.

+ Đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn đô thị, chất thải rắn công nghiệp và chất thải rắn nguy hại tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn cho các huyện hữu ngạn sông Hồng.

+ Xử lý cơ bản khối lượng chất thải rắn phát sinh tại các Đô thị, khu công nghiệp và một phần chất thải rắn phát sinh tại nông thôn chủ yếu bằng phương pháp tái chế.

- Giai đoạn 2021 - 2030:

+ Đầu tư công nghệ hiện đại cho các khu xử lý chất thải rắn tập trung tại các khu liên hợp xử lý chất thải rắn.

+ Xử lý toàn bộ khối lượng chất thải rắn phát sinh tại các đô thị, khu công nghiệp và các điểm dân cư nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh bằng các công nghệ hiện đại.

4. Nội dung quy hoạch:

a) Những định hướng quy hoạch quản lý chất thải rắn toàn tỉnh.

- Phân loại chất thải rắn: Tổ chức phân loại ngay tại nguồn phát sinh chất thải rắn; Phân loại chất thải rắn theo nhóm (vô cơ, hữu cơ, cháy được, không cháy được, nguy hại...) cho từng loại chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, y tế.

- Thu gom chất thải rắn: Ưu tiên tổ chức thu gom ngay tại nhà ở; Khuyến khích các biện pháp giảm lượng phát sinh chất thải rắn; Hạn chế các điểm chứa trung gian.

- Vận chuyển chất thải rắn: Khuyến khích mọi hình thức vận chuyển chất thải rắn đảm bảo yêu cầu vệ sinh tối thiểu; Ưu tiên tổ chức vận chuyển 1 bước từ nguồn phát sinh đến khu xử lý.

- Xử lý chất thải rắn: Khuyến khích các biện pháp chế biến để tái sử dụng; Tận dụng để sản sinh năng lượng (nếu có thể); Chôn lấp là phương pháp cuối cùng.

- Quy hoạch hệ thống bãi tập trung và xử lý chất thải rắn: Hạn chế tối đa số lượng bãi tập trung và khu xử lý chất thải rắn; Phân bố bãi tập trung và khu xử lý chất thải rắn theo địa hình; Đảm bảo cự ly vận chuyển hợp lý từ nguồn phát sinh đến nơi xử lý; Ưu tiên quy hoạch khu xử lý chất thải rắn liên vùng huyện, thành, thị.

- Quản lý chất thải rắn Đô thị, công nghiệp và Y tế: Đẩy mạnh thông tin, giáo dục, truyền thông tới cộng đồng; Nâng cao năng lực quản lý cho các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực; Đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực chất thải rắn và công tác vệ sinh môi trường; Tạo cơ chế tự chủ về tài chính cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn; Hiện đại hóa công nghệ phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; Tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức trong và ngoài nước.

b) Dự báo khối lượng chất thải rắn đến năm 2015, 2020 và 2030:

- Nguồn phát thải: Phát sinh từ các hoạt động của đô thị và hoạt động sản xuất công nghiệp, bao gồm: chất thải khu dân cư; chất thải từ các hoạt động công cộng, hoạt động thương mại, dịch vụ đô thị, xây dựng; chất thải từ bệnh viện và các cơ sở y tế; chất thải công nghiệp.

- Dự báo tổng lượng phát thải chất thải rắn:

+ Chỉ tiêu tính toán:

Chất thải rắn sinh hoạt: Thành phố Việt Trì (dự kiến đô thị loại I vào năm 2015) 1,2-1,4kg/ng.ngđ; đô thị loại III (các thị xã trong tương lai) 1,0 - 1,2kg/người.ngày đêm; đô thị loại V (các thị trấn huyện lỵ, thị trấn chuyên ngành) 0,8 - 1,0kg/người.ngày đêm.

Chất thải rắn công nghiệp: Các khu công nghiệp 0,2 - 0,25 tấn/ha.ngày đêm; các cụm công nghiệp, TTCN 0,15 - 0,2 tấn/ha.ngày đêm.

Chất thải rắn y tế: Bệnh viện tuyến tỉnh 2,2 - 2,5 kg/giường.ngày đêm; bệnh viện tuyến huyện 2,0 - 2,2 kg/giường.ngày đêm; trạm y tế xã, phường, thị trấn 1,5 - 1,8 kg/giường.ngày đêm.

Chất thải rắn sinh hoạt nông thôn: Giai đoạn đến 2015 là 0,35kg/người.ngày đêm; giai đoạn 2015 - 2020 là 0,5kg/người.ngày đêm; giai đoạn 2020 - 2030 là 0,7kg/người.ngày đêm.

Tổng lượng chất thải rắn ước tính:

Loại chất thải

Đến năm 2015 (tấn/ngày)

Đến năm 2020 (tấn/ngày)

Đến năm 2030 (tấn/ngày)

Chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị

573,5

905,49

1.104,38

Chất thải rắn công nghiệp

217,6

754,1

1.326,15

Chất thải rắn y tế

8,909

12,123

18,068

Chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn

381,26

489,41

641,95

Tổng:

1.181,269

2.161,123

3.090,548

c) Các biện pháp phân loại, thu gom và vận chuyển chất thải rắn:

- Chất thải rắn sinh hoạt đô thị: Chất thải rắn tại các khu vực dân cư được phân loại tại các hộ gia đình, tập trung tại các điểm thu gom trong các thùng hoặc thu gom định kỳ theo giờ. Xe của Công ty vệ sinh môi trường đô thị thu gom từ các điểm tập trung chất thải đến bãi xử lý chất thải tập trung. Hành trình của xe thu gom vận chuyển chất thải tới bãi tập trung trong bán kính khoảng 20km.

- Chất thải rắn công nghiệp:

+ Tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung: Chất thải rắn tại các khu công nghiệp thực hiện quy chế kiểm toán chất thải và tự thu gom chất thải rắn. Lượng chất thải rắn sau tái chế và tái sử dụng được hợp đồng với xe thu gom chất thải của thành phố tới bãi xử lý chất thải tập trung.

+ Tại các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhỏ: chất thải rắn được vận chuyển về khu xử lý chất thải rắn tập trung để xử lý.

- Chất thải rắn y tế:

+ Tại các bệnh viện thuộc tỉnh, huyện: Chất thải phát sinh trong các bệnh viện được phân thành 5 loại theo quy chế quản lý chất thải y tế ngay trong khuôn viên bệnh viện: Chất thải lây nhiễm; Chất thải hóa học nguy hại; Chất thải phóng xạ; Bình chứa áp suất; Chất thải thông thường.

Chất thải rắn thông thường được vận chuyển theo xe thu gom của Công ty môi trường đô thị đến khu xử lý tập trung.

Chất thải rắn y tế được vận chuyển tới điểm xử lý tại các bệnh viện hoặc vận chuyển đến nhà máy xử lý chất thải rắn nguy hại.

+ Tại các trạm y tế phường, thị trấn: Chất thải rắn y tế cũng được phân thành 5 loại như trên. Chất thải rắn y tế được tập trung đốt bằng các lò đốt chất thải rắn đặt tại các bệnh viện tuyến trên. Chất thải rắn thông thường được được xe thu gom chuyển đến khu xử lý tập trung.

- Chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn: Chất thải rắn hữu cơ sẽ được xử lý tại chỗ (chăn nuôi hoặc ủ làm phân bón), chất thải rắn có thể tái chế sẽ được sử dụng lại, phần còn lại là chất thải rắn trơ sẽ được đem đi chôn lấp.

d) Mô hình xử lý chất thải rắn:

- Đối với chất thải rắn đô thị và công nghiệp:

+ Phú Thọ là địa bàn có mật độ dân số thấp, tỷ lệ đất rừng bao phủ lớn do đó mô hình xử lý chất thải rắn phù hợp dự kiến sẽ là đốt một phần, sản xuất phân vi sinh và bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh.

+ Mô hình này có các ưu điểm sau: Khoảng cách ly cây xanh lớn nên ít ảnh hưởng tới môi trường; chi phí thấp; không gặp khó khăn khi tìm vị trí bãi chôn lấp do quỹ đất còn nhiều.

- Đối với chất thải rắn nông thôn:

+ Giai đoạn đến năm 2015 áp dụng các công nghệ sau: Công nghệ chôn kết hợp ủ phân quy mô hộ gia đình; công nghệ ủ phân compost quy mô nhỏ (xử lý rác quy mô làng xã).

+ Giai đoạn đến năm 2030, toàn bộ chất thải rắn tại các thị tứ và trung tâm cụm xã được đưa đến xử lý tại các khu xử lý chất thải rắn tập trung, đảm bảo cự ly vận chuyển không quá 20km.

e) Mạng lưới thu gom và vị trí các khu xử lý chất thải rắn: Theo những đề xuất các biện pháp phân loại, thu gom chất thải rắn và căn cứ vào điều kiện thực tế các tiểu vùng lãnh thổ và sự phân bố các nguồn phát sinh chất thải rắn, dự kiến mạng lưới thu gom và vị trí các khu xử lý chất thải rắn tập trung trên địa bàn toàn tỉnh như sau:

- Cải tạo nhà máy xử lý chất thải rắn Vân Phú, thành phố Việt Trì để nâng công suất xử lý từ 60 tấn/ngày lên 100 tấn/ngày nhằm xử lý lượng rác tồn đọng từ nay đến năm 2015.

- Xây dựng điểm tập trung chất thải rắn huyện Hạ Hòa (khu 3,5 xã Lang Sơn và khu 6 xã Yên Luật, huyện Hạ Hòa) để thu nạp chất thải rắn sinh hoạt đô thị và chất thải rắn sinh hoạt của các khu, cụm công nghiệp thuộc khu vực huyện Hạ Hòa đến năm 2015.

- Xây dựng điểm tập trung chất thải rắn huyện Yên Lập (khu Bến Sơn, thị trấn Yên Lập, huyện Yên Lập) để thu nạp chất thải rắn sinh hoạt đô thị và chất thải rắn sinh hoạt của các khu, cụm công nghiệp thuộc khu vực huyện Yên Lập đến năm 2015.

- Xây dựng điểm tập trung chất thải rắn huyện Cẩm Khê (khu 10, thị trấn Sông Thao, huyện Cẩm Khê) để thu nạp chất thải rắn sinh hoạt đô thị và chất thải rắn sinh hoạt của các khu, cụm công nghiệp thuộc khu vực huyện Cẩm Khê đến năm 2015.

- Xây dựng điểm tập trung chất thải rắn huyện Thanh Sơn (xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn) để thu nạp chất thải rắn sinh hoạt đô thị và chất thải rắn sinh hoạt của các khu, cụm công nghiệp thuộc khu vực huyện Thanh Sơn đến năm 2015.

- Xây dựng điểm tập trung chất thải rắn huyện Thanh Thủy (đồi Xi mang tai, thị trấn La Phù, huyện Thanh Thủy) để thu nạp chất thải rắn sinh hoạt đô thị và chất thải rắn sinh hoạt của các khu, cụm công nghiệp thuộc khu vực huyện Thanh Thủy đến năm 2015.

- Xây dựng điểm tập trung chất thải rắn huyện Tân Sơn (xóm Mịn 1, xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn) để thu nạp chất thải rắn sinh hoạt đô thị và chất thải rắn sinh hoạt của các khu, cụm công nghiệp thuộc khu vực huyện Tân Sơn đến năm 2015.

- Xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Tề Lễ (khu Hố Đa), huyện Tam Nông để thu nạp và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và chất thải rắn sinh hoạt của các khu, cụm công nghiệp thuộc khu vực huyện Tam Nông đến năm 2015 và các huyện phía nam sông Hồng (huyện Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê và huyện Hạ Hòa) từ năm 2016 - 2030.

Trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tề Lễ sẽ xây dựng Nhà máy sản xuất phân hữu cơ (công suất xử lý chất thải rắn năm 2020 đạt 280 tấn/ngày; năm 2030 đạt 330 tấn/ngày); Nhà máy tái chế chất thải rắn (công suất xử lý chất thải rắn năm 2020 đạt 200 tấn/ngày; năm 2030 đạt 320 tấn/ngày); có xây dựng các lò đốt chất thải rắn nguy hại do các cơ sở y tế thải ra; đồng thời có các ô chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh để thu nạp và xử lý chất thải rắn công nghiệp của các khu, cụm công nghiệp.

- Hoàn thiện xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Trạm Thản tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh để thu nạp và xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực các huyện phía bắc sông Hồng (huyện Phù Ninh, huyện Thanh Ba, huyện Lâm Thao, huyện Đoan Hùng và thị xã Phú Thọ và thành phố Việt Trì) từ năm 2011trở đi.

Trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Trạm Thản sẽ xây dựng Nhà máy sản xuất phân hữu cơ (công suất xử lý chất thải rắn năm 2020 đạt 250 tấn/ngày; năm 2030 đạt 650 tấn/ngày); Nhà máy tái chế chất thải rắn (công suất xử lý chất thải rắn năm 2020 đạt 350 tấn/ngày; năm 2030 đạt 660 tấn/ngày); có xây dựng các lò đốt chất thải rắn nguy hại do các khu công nghiệp thải ra; đồng thời có các ô chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh để thu nạp và xử lý chất thải rắn công nghiệp của các khu, cụm công nghiệp.

Ngoài ra, khuyến khích đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn nguy hại Phú Hà tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh.

- Đồng thời có trang bị lò đốt, lò xử lý vi sóng, lò hấp cao áp để xử lý chất thải rắn nguy hại cho các bệnh viện trong tỉnh, đó là:

+ Trang bị lò đốt chất thải rắn, lò xử lý vi sóng và lò hấp cao áp cho các bệnh viện: Bệnh viện đa khoa Tỉnh; Bệnh viện đa khoa Vùng; Các bệnh viện Y dược cổ truyền, Tâm thần, Lao phổi, Điều dưỡng và Phục hồi chức năng, Phụ sản, Nhi, Răng hàm mặt, Mắt; Bệnh viện đa khoa Phú Thọ.

+ Trang bị lò đốt chất thải rắn cho các bệnh viện đa khoa các huyện: Đoan Hùng; Thanh Ba; Tam Nông (2015 - 2030); Lâm Thao (2015 - 2030); Hạ Hòa; Cẩm Khê; Yên Lập; Thanh Sơn; Thanh Thủy; Phù Ninh.

f) Nhu cầu sử dụng đất của các khu xử lý chất thải rắn định hướng đến năm 2030:

Số TT

Địa danh

Khu xử lý chất thải rắn

Diện tích (ha)

1

Xã Vân Phú, TP Việt Trì

Nhà máy xử lý CTR

7,50

2

Xã Lang Sơn + Yên Luật, huyện Hạ Hòa

Điểm tập trung CTR Hạ Hòa

8,15

3

Thị trấn Yên Lập, huyện Yên Lập

Điểm tập trung CTR Yên Lập

1,18

4

Thị trấn sông Thao, huyện Cẩm Khê

Điểm tập trung CTR Cẩm Khê

3,72

5

Xóm Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn

Điểm tập trung CTR Thanh Sơn

9,25

6

Thị trấn La Phù, huyện Thanh Thủy

Điểm tập trung CTR Thanh Thủy

1,30

7

Xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn

Điểm tập trung CTR

1,30

8

Xã Tề Lễ, huyện Tam Nông

Khu liên hợp xử lý CTR Tề Lễ

31,84

9

Xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh

Khu liên hợp xử lý CTR Trạm Thản

74,23

5. Tổng mức đầu tư:

a) Tổng vốn đầu tư: 1.635.957 triệu đồng, chi làm 3 giai đoạn: Giai đoạn đến 2015: 366.807 triệu đồng; giai đoạn 2016 - 2020: 480.704 triệu đồng; giai đoạn 2021 - 2030: 788.446 triệu đồng.

- Kinh phí xây dựng: 1.104.404 triệu đồng (chiếm 69,27%).

- Kinh phí mua thiết bị: 412.517 triệu đồng (chiếm 25,87%).

- Kinh phí đào tạo, truyền thông: 77.406 triệu đồng (chiếm 4,80%).

b) Nguồn vốn đầu tư: Bao gồm nguồn vốn ngân sách trung ương, địa phương; nguồn vốn tài trợ nước ngoài; nguồn vốn vay dài hạn, vốn huy động từ các nhà đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác.

6. Các dự án ưu tiên đầu tư:

- Dự án đào tạo cán bộ quản lý, vận hành và bảo dưỡng các bãi chôn lấp chất thải rắn.

- Dự án nâng cao công tác thông tin, truyền thông và giáo dục cộng đồng.

- Dự án đầu tư hỗ trợ công đoạn phân loại chất thải rắn tại nguồn phát sinh và tại nơi xử lý.

- Dự án đầu tư mua sắm thiết bị thu gom và vận chuyển chất thải rắn.

- Dự án đầu tư xây dựng mở rộng nhà máy xử lý chất thải rắn Vân Phú, thành phố Việt Trì.

- Dự án đầu tư xây dựng các hạng mục Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Trạm Thản.

- Dự án đầu tư xây dựng các công trình xử lý và các công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan.

7. Ưu đãi đầu tư: Khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư, xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn, các công trình phụ trợ thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư thực hiện theo các quy định hiện hành.

8. Giải pháp thực hiện:

- Giải pháp về cơ chế, chính sách: Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về môi trường; nâng cao năng lực quản lý chuyên ngành; đẩy mạnh xã hội hóa công tác vệ sinh môi trường; tạo cơ chế tự chủ về tài chính cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn.

- Giải pháp về thông tin, giáo dục, truyền thông: Thường xuyên nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường; giáo dục và đào tạo theo các chủ đề, Quản lý chất thải rắn phải là một phần trong chương trình giảng dạy môi trường đang được kiến nghị đưa vào khuôn khổ giáo dục hiện hành tại các cấp học.

- Giải pháp tăng cường đầu tư và quản lý các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý chất thải rắn: Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực quản lý chất thải rắn ngay từ bước lập quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm thiết bị phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn bằng các chính sách ưu đãi; đơn giản hóa thủ tục đầu tư đối với các nhà tài trợ, tạo sự cân bằng giữa các dự án đầu tư, kêu gọi các nhà tài trợ tăng cường các dự án đầu tư cho lĩnh vực. Các dự án này có thể lồng ghép với các công trình đầu tư nâng cấp đô thị, cải thiện môi trường...; đối với các dự án tài trợ cho lĩnh vực, ngoài nội dung chính là xây dựng cơ sở hạ tầng cho xử lý chất thải cần tăng tỷ lệ đầu tư cho các phương tiện thu gom, vận chuyển và các chi phí cho thông tin, giáo dục, đào tạo...; tìm kiếm các đối tác nước ngoài trong việc xây dựng một số nhà máy tái chế chất thải thành điện theo phương thức BOT hoặc hình thức 100% vốn nước ngoài. Ngoài việc huy động vốn của các đối tác cần tiếp thu được công nghệ mới.

- Giải pháp về bố trí địa điểm tập trung và xử lý chất thải rắn: Các tiêu chí lựa chọn địa điểm bãi chôn lấp chất thải rắn thỏa mãn các điều kiện: Các địa điểm được lựa chọn cần phù hợp với các yêu cầu quy hoạch đô thị do các cấp có thẩm quyền phê duyệt; thỏa mãn Quy định khoảng cách từ địa điểm chọn xây dựng bãi chôn lấp đến trung tâm đô thị, khu công nghiệp và các khu vực khai thác nước mặt cũng như nước ngầm; quy mô bãi chôn lấp tương ứng với quy mô dân số đô thị; quy trình lựa chọn địa điểm xây dựng bãi chôn lấp đã tính đến các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, kỹ thuật và cơ sở hạ tầng của khu vực đó; thời gian vận hành của bãi chôn lấp nên được tính toán trong 20 năm hoặc dài hơn.

- Giải pháp về huy động và sử dụng vốn đầu tư: Để đạt được các mục tiêu quốc gia về quản lý và tiêu hủy chất thải rắn theo phương thức có tính chi phí - hiệu quả cao và an toàn thì đòi hỏi phải huy động, gắn kết và tập hợp được nỗ lực của mọi thành phần từ các cơ quan Chính phủ, các cơ sở sản xuất công nghiệp, các bệnh viện, các cơ sở kinh doanh, sản xuất và xử lý chất thải rắn đến người dân. Trong vấn đề tài chính, hoạt động quản lý và xử lý chất thải rắn đòi hỏi nhiều nguồn lực, cần phải tìm các giải pháp huy động và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho công tác quản lý chất thải rắn từ ngân sách Trung ương, địa phương, đóng góp của các cơ sở phát sinh chất thải rắn, vốn đầu tư của các đơn vị tư nhân hoặc tài trợ nước ngoài thông qua các dự án. Tài chính cho công tác quản lý chất thải rắn cần có được sự hỗ trợ từ các nguồn sau: Đóng góp từ cơ sở phát sinh chất thải rắn; Hỗ trợ của Nhà nước; Huy động nguồn vốn đầu tư của tư nhân; Huy động các nguồn lực từ bên ngoài.

- Giải pháp kỹ thuật trong quy hoạch và quản lý chất thải rắn: Giải pháp kỹ thuật để ngăn ngừa, giảm thiểu chất thải rắn; Giải pháp kỹ thuật để tái chế, tái sử dụng chất thải rắn; giải pháp kỹ thuật để phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn.

9. Phân công thực hiện:

a) Sở Xây dựng có trách nhiệm:

- Tổ chức công bố quy hoạch và hướng dẫn các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện quy hoạch đảm bảo tiến độ, mục tiêu đề ra.

- Chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện quy hoạch và là đầu mối phối hợp với các Sở, ngành địa phương xây dựng kế hoạch hàng năm thực hiện quy hoạch này.

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành có liên quan xây dựng Quy chế quản lý chất thải rắn cho toàn tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê tuyệt làm cơ sở cho quản lý Nhà nước.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương hướng dẫn, kiểm tra đột xuất và định kỳ hàng quý, năm về chất lượng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở cho các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn, khu liên hợp xử lý chất thải rắn theo Khoản 3, Điều 2, Thông tư số 03/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP và theo các quy định pháp luật có liên quan.

- Định kỳ tổng hợp tình hình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng theo quy định.

b) Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp, thực hiện việc xin giao đất làm dự án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn theo quy định.

- Chủ trì, tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư xây dựng các điểm tập trung chất thải rắn, nhà máy xử lý chất thải rắn, khu liên hợp xử lý chất thải rắn.

- Trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ được giao, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường và phát triển bền vững.

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

- Hướng dẫn việc cấp chứng nhận đầu tư cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên cơ sở Quy hoạch chất thải rắn được phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với Sở, ban, ngành liên quan xây dựng chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư cho các tổ chức tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn toàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với Sở, ban, ngành liên quan trình UBND tỉnh ban hành Quy chế đấu thầu hoặc đặt hàng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn toàn tỉnh.

- Đề xuất bố trí vốn ngân sách cho các dự án, chương trình, kế hoạch quản lý chất thải rắn đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

d) Sở Công Thương có trách nhiệm:

- Chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn tỉnh (trừ phạm vi các khu công nghiệp).

- Hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn nguy hại có xuất xứ từ sản xuất công nghiệp (trừ phạm vi các khu công nghiệp).

e) Ban quản lý các khu công nghiệp có trách nhiệm:

- Chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt trong phạm vi các khu công nghiệp.

- Hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn nguy hại có xuất xứ từ sản xuất trong phạm vi các khu công nghiệp.

f) Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng thẩm định công nghệ của các dự án đầu tư thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, nghiệm thu đánh giá, giám sát các công nghệ xử lý chất thải rắn trong nước và nước ngoài được sử dụng trên địa bàn tỉnh.

g) Sở Tài chính có trách nhiệm:

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí ngân sách cho các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn đã được phê duyệt. Hướng dẫn các nhà đầu tư các cơ chế, chính sách tài chính.

- Chủ trì thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt khung giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.

h) Sở Y tế có trách nhiệm:

- Chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh.

- Hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn nguy hại có xuất xứ từ các sơ sở khám chữa bệnh.

- Chủ trì, cân đối, bố trí ngân sách trang bị lò đốt, lò xử lý vi sóng, lò hấp cao áp để xử lý chất thải rắn nguy hại có các bệnh viện trong tỉnh.

i) Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị có trách nhiệm:

- Phối hợp với các Sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan thực hiện công tác quản lý Nhà nước theo quy định hiện hành đối với các dự án xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn.

- Tổ chức quản lý, giám sát các doanh nghiệp thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn theo các quy định của pháp luật.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn.

- Đề xuất vị trí cụ thể, lập quy hoạch chi tiết xây dựng điểm tập trung chất thải rắn, nhà máy xử lý chất thải rắn, khu liên hợp xử lý chất thải rắn trong phạm vi địa phương quản lý.

- Xây dựng giá dịch vụ thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn của mình, đề nghị Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

k) Tổ chức, cá nhân tham gia vào các lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn có trách nhiệm.

- Thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn.

- Áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn.

- Đầu tư cải tạo phục hồi môi trường sau khi kết thúc thực hiện dự án theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học Công nghệ, Y tế; Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp; Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị. Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Cúc

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2032/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 2032/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/06/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Người ký: Nguyễn Đình Cúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản