Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG TUYẾN CAO TỐC ĐỒNG ĐĂNG (TỈNH LẠNG SƠN) - TRÀ LĨNH (TỈNH CAO BẰNG) THEO HÌNH THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ (PPP)

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 26 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ngày 18 tháng 6 năm 2020 (sau đây gọi tắt là Luật PPP);

Căn cứ Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công;

Căn cứ Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư;

Căn cứ Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư;

Căn cứ Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội khóa XV về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 1212/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư;

Căn cứ Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn năm 2021 - 2025;

Căn cứ Báo cáo số 4905/BC-BKHĐT ngày 19 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng thẩm định liên ngành về kết quả thẩm định điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư;

Căn cứ Văn bản số 6923/TTr-UBND ngày 14 tháng 10 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xem xét, quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư;

Căn cứ văn bản số 9081/BKHĐT-TĐGSĐT ngày 14 tháng 12 năm 2022 và số 153/BKHĐT-TĐGSĐT ngày 06 tháng 01 năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng tại Tờ trình số 1868/TTr-UBND ngày 20 tháng 7 năm 2022 và số 3045/TTr-UBND ngày 18 tháng 11 năm 2022 về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo phương thức đối tác công tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1212/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2020 với nội dung sau:

1. Điều chỉnh, bổ sung phạm vi, quy mô đầu tư dự án (khoản 2 Điều 1):

a) Điều chỉnh phạm vi dự án:

- Tuyến cao tốc có chiều dài khoảng 121,06 km, trong đó: Địa phận tỉnh Lạng Sơn khoảng 52 km (đi qua huyện Văn Lãng, huyện Tràng Định) và địa phận tỉnh Cao Bằng khoảng 69,06 km (đi qua huyện Thạch An, huyện Quảng Hòa, huyện Trùng Khánh). Điểm đầu dự án tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Điểm cuối tại ranh giới quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

- Việc đầu tư xây dựng tuyến nối cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh với thành phố Cao Bằng, giao Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng nghiên cứu, rà soát, huy động nguồn lực, đầu tư thành một dự án độc lập.

b) Điều chỉnh quy mô phân kỳ của dự án:

- Giai đoạn 1: đầu tư khoảng 93,35 km (từ Km0+00 tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đến khoảng Km93+350 điểm giao với quốc lộ 3 huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng), bề rộng mặt cắt ngang Bnền = 17 m (chiều dài khoảng 24% toàn tuyến) đối với các đoạn thông thường và đối với các đoạn khó khăn bề rộng mặt cắt ngang Bnền = 13,5 m (chiều dài khoảng 76% toàn tuyến) có kích thước cơ bản của công trình đầu tư trong giai đoạn 1 phân kỳ đáp ứng nhu cầu giao thông, đảm bảo an toàn, tiết kiệm và phù hợp về kinh tế - kỹ thuật.

- Giai đoạn 2: đầu tư tiếp khoảng 27,71 km (từ khoảng Km93+350 điểm cuối giai đoạn 1 đến Km121+060, điểm cuối tại ranh giới quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh) quy mô bề rộng nền đường Bnền = 17 m và hoàn thiện quy mô cắt ngang Bnền = 17 m với các đoạn tuyến với quy mô Bnền = 13,5 m đã thực hiện trong giai đoạn 1; bố trí làn dừng xe khẩn cấp xen kẽ.

- Trong bước tiếp theo, tiếp tục nghiên cứu tối ưu hoá hướng tuyến, xác định cụ thể các nút giao nhằm phát huy khai thác hiệu quả tối đa tuyến đường cao tốc cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

2. Điều chỉnh tổng mức đầu tư (khoản 4 Điều 1):

- Sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh là 22.690 tỷ đồng (Hai mươi hai nghìn, sáu trăm chín mươi tỷ đồng).

Trong đó:

+ Tổng mức đầu tư giai đoạn 1: 13.174 tỷ đồng.

+ Tổng mức đầu tư giai đoạn 2: 9.516 tỷ đồng.

Giá trị tổng mức đầu tư được xác định cụ thể trên cơ sở thiết kế cơ sở và hồ sơ dự án trong bước Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.

3. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư (khoản 5 Điều 1):

- Giai đoạn 1:

+ Vốn do Nhà đầu tư huy động (vốn chủ sở hữu, vốn vay và các nguồn vốn hợp pháp khác): 6.594 tỷ đồng.

+ Nhà nước tham gia trong dự án 6.580 tỷ đồng (gồm vốn hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án và chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm cho toàn bộ Dự án). Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 2.500 tỷ đồng (Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2021 về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025); vốn ngân sách địa phương là 4.080 tỷ đồng (Nghị quyết số 89/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng).

- Giai đoạn 2: Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác: 9.516 tỷ đồng.

4. Điều chỉnh dự án thành phần (khoản 6 Điều 1): Không phân chia dự án thành phần.

5. Điều chỉnh thời gian thực hiện dự án (khoản 8 Điều 1):

- Giai đoạn 1: năm 2020 - 2025. Thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn khoảng 23 năm (từ 2026 - 2049) sẽ được xác định cụ thể trong bước Báo cáo nghiên cứu khả thi, đàm phán, ký kết hợp đồng Dự án.

- Giai đoạn 2: sau năm 2025.

6. Điều chỉnh nhu cầu sử dụng đất (khoản 9 Điều 1):

Nhu cầu sử dụng đất điều chỉnh khoảng 730,18 ha (giảm 57,82 ha), trong đó: tỉnh Lạng Sơn khoảng 312,01 ha; tỉnh Cao Bằng khoảng 418,17 ha.

Về phương án giải phóng mặt bằng: Đối với giai đoạn 1 (có chiều khoảng 93,35 km), thực hiện trong năm 2021 - 2023 công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư theo quy mô mặt cắt ngang hoàn thiện; đối với giai đoạn 2 (có chiều dài khoảng 27,71 km), dự kiến sau năm 2025 thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư cho phần còn lại của dự án. Chi phí giải phóng mặt bằng trên địa phận tỉnh Lạng Sơn là 546,06 tỷ đồng dùng ngân sách trung ương để thực hiện; chi phí giải phóng mặt bằng trên địa phận tỉnh Cao Bằng là 669,76 tỷ đồng dùng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để thực hiện.

7. Điều chỉnh khoản 10 Điều 1: Loại hợp đồng dự án: Hợp đồng xây dựng

- Kinh doanh - Chuyển giao (Hợp đồng BOT) theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 45 Luật PPP.

8. Điều chỉnh khoản 11 Điều 1: Nhà đầu tư sử dụng vốn chủ sở hữu và vốn huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư dự án; được hoàn vốn bằng thu phí kín trên toàn tuyến cao tốc. Mức phí thu theo các quy định của pháp luật và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người sử dụng, nhà đầu tư. Phần vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án thực hiện theo Điều 69, Điều 70 Luật PPP.

9. Bổ sung khoản 13 Điều 1: Chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của dự án.

Diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác cho cả dự án khoảng 212,16 ha (Rừng tự nhiên khoảng 181,66 ha; rừng trồng khoảng 30,50 ha). Trong đó: tỉnh Cao Bằng khoảng khoảng 104,51 ha (diện tích rừng tự nhiên khoảng khoảng 96,74 ha, rừng trồng khoảng 7,77 ha); tỉnh Lạng Sơn khoảng khoảng 107,65 ha (Rừng tự nhiên khoảng 84,92 ha; rừng trồng khoảng 22,73 ha).

10. Bổ sung khoản 14 Điều 1: Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu: Áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu cho dự án theo quy định tại Điều 82 Luật PPP và nguồn chi trả cho phần giảm doanh thu là dự phòng ngân sách trung ương.

11. Bổ sung khoản 15 Điều 1: Ưu đãi và đảm bảo đầu tư:

- Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được hưởng các ưu đãi và được hưởng bảo đảm đầu tư theo quy định tại Luật PPP, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021, Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ và quy định pháp luật khác có liên quan.

- Các ưu đãi khác được địa phương ban hành để áp dụng cho các nhà đầu tư, nhà thầu, doanh nghiệp tham gia đầu tư theo cam kết và chính sách thu hút đầu tư của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng theo đúng quy định pháp luật, nhằm huy động nguồn vốn thực hiện các dự án.

12. Các nội dung khác: Giữ nguyên như thực hiện theo Quyết định số 1212/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng

a) Chịu trách nhiệm toàn diện về các thông tin, số liệu trong hồ sơ báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án;

b) Chịu trách nhiệm bố trí và sử dụng vốn theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo đầy đủ, kịp thời để triển khai dự án theo đúng tiến độ được duyệt; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và tránh thất thoát, lãng phí;

c) Chịu trách nhiệm thực hiện lựa chọn nhà đầu tư đúng quy định của pháp luật; hoàn thiện, đăng tải thông báo mời khảo sát theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ;

d) Tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định và tiếp thu ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định liên ngành theo Báo cáo số 4905/BC-HĐTĐLN ngày 19 tháng 7 năm 2022, trình thẩm định, phê duyệt theo quy định; tổ chức công bố thông tin về dự án, tổ chức lựa chọn Nhà đầu tư đảm bảo công khai, minh bạch tuân thủ đúng quy định Luật PPP, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP;

đ) Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn và các cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai dự án;

e) Thực hiện kiểm toán định kỳ ít nhất 05 năm 1 lần theo quy định của pháp luật để bảo đảm quyền lợi của nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn

a) Tổ chức giải phóng mặt bằng cho dự án phần trên địa bàn của tỉnh Lạng Sơn theo đúng quy định của pháp luật;

b) Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

3. Về việc tổ chức thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện

Dự án:

a) Ủy ban nhân dân các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn: Chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra kỹ, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng; rà soát nhu cầu thực tế, xác định vị trí, ranh giới, diện tích, hiện trạng rừng, phù hợp với chỉ tiêu đất rừng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện nghiêm nghĩa vụ trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo đúng quy định của pháp luật; rà soát, bổ sung vào Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng đất để triển khai Dự án, đúng quy định của pháp luật; việc quyết định chuyển mục đích và tổ chức chuyển mục đích sử dụng đối với diện tích rừng được nêu ở khoản 6 Điều 1 Quyết định này chỉ được thực hiện sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 19, 23 Luật Lâm nghiệp, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật đất đai, quy hoạch và đảm bảo tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn: Chịu trách nhiệm trước pháp luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đảm bảo công khai, minh bạch, sử dụng rừng, đất tiết kiệm, hiệu quả, đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật, không làm thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước;

c) Hội đồng nhân dân các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn: Chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ việc đề xuất chủ trương và tổ chức thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để triển khai Dự án.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật.

5. Bộ Giao thông vận tải: Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn và các cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai Dự án.

6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nội dung thẩm định, tính đầy đủ, chính xác, hợp lệ của hồ sơ, tài liệu, số liệu và các nội dung trình Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn thực hiện; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng diện tích rừng để thực hiện Dự án theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy định của pháp luật hiện hành.

7. Bộ Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn thực hiện; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng diện tích rừng theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

2. Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Công an, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- UBND các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: TH, KTTH, QHĐP, NN;
- Lưu: VT, CN (2).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Hồng Hà

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 20/QĐ-TTg năm 2023 điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 20/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/01/2023
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trần Hồng Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản