Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 20/2009/QĐ-UBND

Long Xuyên, ngày 02 tháng 6 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG VÀ SỬ DỤNG ĐẤT LÂM NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý rừng;
Căn cứ Thông tư số 99/2006/TT-BNN ngày 06 tháng 11 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định 186/2006/QĐ-TTg ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang tại Tờ trình số 654/SNN-KHTC ngày 07 tháng 5 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý, bảo vệ rừng và sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi Trường, Giám đốc Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Website Chính Phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư Pháp
- TT TU, TT.HĐND, TT.UBND tỉnh (để b/c);
- Các Sở, Ban ngành đoàn thể cấp tỉnh;
- Lãnh đạo văn phòng UBND tỉnh
- Trung tâm Công báo tỉnh; Chi cục Kiểm lâm;
- Báo AG, Đài PTTHAG, Phân xã AG - phổ biến;
- UBND huyện, thị, thành phố (để t/h);
- Phòng KT, TH, XDCB, VHXH, NC, VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Thế Năng

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG VÀ SỬ DỤNG ĐẤT LÂM NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG.

(Ban hành kèm theo Quyết định số 20 /2009/QĐ-UBND ngày 02 tháng 6 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang )

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Đối tượng

Quy định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến họat động quản lý, bảo vệ rừng, và sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang.

2. Phạm vi

Quy định này quy định về quản lý, bảo vệ rừng và sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Các thuật ngữ trong Quy định này được hiểu như sau:

1. Cây trồng chính: Là cây trồng được quy định theo tiêu chí rừng phòng hộ, có tác dụng phòng hộ môi trường, loài cây có bộ rễ sâu, có khả năng chống xói mòn, chống thoái hóa đất đai, phủ xanh tốt môi trường, có chu kỳ sinh trưởng dài và sống lâu năm.

2. Cây phù trợ: Là cây trồng với cây trồng chính trong một thời gian nhất định có tác dụng thúc đẩy cây trồng chính sinh trưởng, phát triển tốt hơn.

3. Chuyển khoán rừng phòng hộ: Là chuyển quyền nhận khoán từ hộ cũ sang hộ mới trong diện tích quy hoạch rừng phòng hộ, được sự cho phép của Ban Quản lý Dự án trồng rừng phòng hộ - đặc dụng. Hình thức là chuyển đổi sổ giao khoán rừng phòng hộ để chăm sóc, bảo vệ.

Chương II

NỘI DUNG QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG VÀ SỬ DỤNG ĐẤT LÂM NGHIỆP

Điều 3. Phân cấp quản lý, bảo vệ rừng và sử dụng đất lâm nghiệp

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý thống nhất diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Chỉ đạo cho Chi cục Kiểm lâm tổ chức thực hiện công tác chuyên môn, thực thi pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc thống nhất quản lý đất đai quy hoạch lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

Điều 4. Quy định việc xây dựng công trình hạ tầng trong rừng phòng hộ

1. Thực hiện theo quy định tại khoản 6, mục II Thông tư số 99/2006/TT-BNN ngày 06 tháng 11 năm 2006 về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng chính phủ.

2. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sinh sống tại các vùng đồi núi, việc xây dựng nhà ở, lán trại phải theo quy hoạch của nhà nước và được chính quyền địa phương chấp nhận nhưng có mức độ tác động tối đa là 10% tổng diện tích rừng phòng hộ của hộ gia đình hoặc cá nhân quản lý, nhưng không vượt quá 400m2/hộ.

Điều 5. Quy định việc sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp kết hợp

1. Thực hiện theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 33 Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Không sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp kết hợp đối với vùng đất xung yếu hoặc những nơi có độ dốc trên 30 độ.

3. Ban Quản lý Dự án trồng rừng phòng hộ - đặc dụng có trách nhiệm phối hợp với Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn các mô hình sản xuất kết hợp lâm, nông, ngư nghiệp cụ thể trong rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Các mô hình sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp là các mô hình canh tác bền vững trên đất dốc ở vùng đồi núi, hoặc các mô hình canh tác tổng hợp ở vùng rừng tràm đồng bằng. Chủ rừng khi canh tác phải tuyệt đối không gây xói lở đất, thoái hoá đất, không gây tình trạng sa mạc hoá.

4. Các chủ rừng thực hiện sản xuất nông, ngư nghiệp kết hợp được hưởng toàn bộ thành quả từ quá trình sản xuất kết hợp và có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về quản lý, bảo vệ rừng. Việc sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp; việc trồng thêm các loài cây trồng xen, cây ăn trái phải được sự chấp thuận của Ban Quản lý dự án trồng rừng phòng hộ-đặc dụng.

Điều 6. Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất

1. Thẩm quyền cho phép khai thác rừng trồng do chủ rừng tự đầu tư:

a) Chủ rừng tự quyết định về thời gian khai thác, tự do lưu thông tiêu thụ sản phẩm rừng trồng. Khi khai thác rừng trồng, chủ rừng phải gửi giấy báo trước 10 ngày (ngày làm việc) cho Kiểm lâm địa bàn để tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có rừng khai thác biết.

b) Khi nhận được giấy báo của chủ rừng về việc khai thác gỗ rừng trồng, trong thời gian 10 ngày (ngày làm việc), Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có rừng khai thác có biện pháp theo dõi và giúp đỡ, bảo đảm cho chủ rừng khai thác, tiêu thụ sản phẩm rừng trồng được thuận lợi.

2. Trách nhiệm của chủ rừng:

Thường xuyên theo dõi, giám sát quá trình khai thác. Chặt đúng số lượng cây; địa điểm, diện tích; thời hạn khai thác.

3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm lâm:

a) Kiểm tra giám sát việc khai thác rừng của các chủ rừng, đơn vị khai thác.

b) Phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm quy định về khai thác lâm sản đối với tổ chức và cá nhân để kịp thời xử lý theo quy định hiện hành.

c) Xác nhận hồ sơ lý lịch gỗ, lâm sản của chủ rừng theo quy định; để làm cơ sở cho việc lưu thông lâm sản.

Điều 7. Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ

1. Đối với rừng do Nhà nước đầu tư được phép khai thác cây phù trợ, tỉa thưa khi rừng có mật độ cây hiện còn từ 900 - 1.000 cây/ha. Khi rừng khép tán được phép khai thác cây phù trợ, nhưng phải đảm bảo mật độ cây trồng chính kết hợp cây bản địa còn ít nhất 500 cây/ha, nếu không đủ phải để lại cây phù trợ theo quy định về mật độ đối với cây trồng chính.

2. Đối với rừng trồng do bên nhận khoán tự đầu tư, khi rừng đạt tuổi khai thác, mỗi năm được phép khai thác không quá 1/10 mật độ rừng trồng đã thành rừng. Riêng đối với rừng tràm được phép khai thác như rừng sản xuất

3. Thẩm quyền cho phép khai thác gỗ trong rừng phòng hộ:

a) Khai thác gỗ trong rừng phòng hộ là rừng trồng đầu tư bằng vốn ngân sách, Ban Quản lý dự án trồng rừng phòng hộ - đặc dụng phải có thiết kế khai thác; được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt thiết kế và cấp phép khai thác cho chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư khóm, ấp.

b) Nếu rừng chưa được phép tỉa thưa nhưng hộ nhận giao khoán có nhu cầu sử dụng, có xác nhận của chính quyền địa phương và là hộ nghèo, thì Ban Quản lý dự án trồng rừng phòng hộ - đặc dụng sẽ giải quyết cho phép chặt hạ tối đa 20 cây với hai điều kiện:

- Hộ chưa được phép tỉa thưa rừng.

- Mật độ cây rừng còn lại lớn hơn 50% so với mật độ trồng rừng ban đầu.

Điều 8. Hoạt động khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ

1. Thực hiện theo Quy định tại Điều 47 Luật bảo vệ và phát triển rừng; Điều 32; Điều 39, Điều 40 Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng chính phủ .

2. Trong trường hợp khai thác cây thuốc nam

a) Chỉ sử dụng thân, cành, lá (không được bứng gốc).

b) Thời gian giải quyết cho lấy thuốc nam từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, quy định khu vực cho lấy thuốc phải được luân chuyển để bảo đảm cây thuốc nam không bị tuyệt chủng.

c) Đối với khu vực rừng khoanh nuôi thì cấm không cho khai thác thuốc nam để bảo tồn nguồn gen quý hiếm.

d) Trình tự, thủ tục khai thác cây thuốc nam như sau:

- Các Hội chữ thập đỏ trong tỉnh có nhu cầu khai thác cây thuốc nam trong rừng phòng hộ, phải làm đơn gởi đến Hạt Kiểm lâm nơi có rừng phòng hộ kèm theo giấy giới thiệu của chính quyền địa phương nơi cư trú. Trong đơn nêu rõ: loài cây, khối lượng từng loài, thời gian thu hái, địa điểm, số lượng người tham gia.

- Khi đến khu vực lấy thuốc, phải được sự đồng ý của chủ rừng, xác minh của Kiểm lâm địa bàn, đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đến và phê duyệt của Hạt Kiểm lâm.

- Kiểm lâm địa bàn có trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc thực hiện của tổ chức, cá nhân khai thác cây thuốc nam. Nội dung kiểm tra bao gồm: chủng loại, quy cách, khối lượng, thời gian, địa điểm.

- Sau khi có xác nhận của Kiểm lâm địa bàn, Hạt Kiểm lâm cử cán bộ tiến hành phúc tra và cấp giấy xác nhận để cây thuốc được phép vận chuyển về địa phương sử dụng.

3. Đối với cây rừng do dân tự trồng trong đất vườn, khi có nhu cầu khai thác phải làm đơn xin phép và được Ủy ban nhân dân xã đồng ý ký vào đơn mới được phép khai thác.

4. Đào bứng gốc cây cảnh:

Cây cảnh không thuộc vị trí xung yếu, không thuộc phòng hộ đầu nguồn, hoặc cây cảnh ở ngoài khu vực diện tích quy hoạch là rừng phòng hộ thuộc các xã vùng núi chỉ được đào bứng sau khi có đơn xin phép, được kiểm lâm địa bàn xác nhận, Ủy ban nhân dân xã đồng ý ký vào đơn.

Điều 9. Thả động vật hoang dã vào rừng.

1. Động vật hoang dã bị bắt giữ do vi phạm pháp luật: Nếu còn khoẻ mạnh, không có bệnh tật phải khẩn trương xử lý để thả chúng về môi trường thiên nhiên phù hợp với vùng sinh cảnh, nguồn thức ăn của từng loài. Trong trường hợp động vật hoang dã không được khoẻ mạnh (bị ốm, bị thương) lập biên bản chuyển giao về các Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã (nếu có điều kiện) để chăm sóc, cứu hộ rồi thả về môi trường tự nhiên.

2. Trường hợp động vật hoang dã bị chết hoặc bị thương không thể cứu chữa được thì lập biên bản bàn giao cho cơ quan nghiên cứu khoa học xử lý làm tiêu bản để phục vụ đào tạo nghiên cứu khoa học (nếu có) hoặc tổ chức tiêu huỷ bảo đảm làm sạch môi trường, hoặc hoá giá để tiêu thụ (nếu có đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm).

3. Khi lập biên bản để thả động vật hoang dã vào rừng, hoặc thiêu hủy thì thành phần tham gia bao gồm: Kiểm lâm và chính quyền địa phương cấp xã.

Điều 10: Bảo vệ rừng

Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhận khoán trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng đều phải thực hiện:

1. Nếu có diện tích từ 10 ha trở lên phải xây dựng phương án bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Khi đốt phát dọn đường ranh cản lửa phải báo trước cho kiểm lâm hoặc chính quyền địa phương để được hướng dẫn, hỗ trợ trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

2. Khi hoạt động trong và ven rừng có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ rừng; thông báo kịp thời cho cơ quan kiểm lâm, chính quyền địa phương hoặc chủ rừng về tình hình cháy rừng và các hoạt động chặt phá, lấn chiếm đất rừng trái phép.

Điều 11. Trình tự, thủ tục chuyển khoán rừng phòng hộ

Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu chuyển khoán rừng phòng hộ đồi núi, phải thực hiện theo các quy định sau:

1. Người chuyển quyền nhận khoán và người nhận quyền chuyển khoán tiến hành làm đơn xin chuyển khoán theo mẫu quy định của Ban Quản lý dự án trồng rừng phòng hộ - đặc dụng. Có xác nhận của chính quyền địa phương sở tại, Hạt Kiểm lâm huyện và được Giám đốc Ban quản lý dự án trồng rừng phòng hộ - đặc dụng phê duyệt. Ưu tiên đối với những hộ tại địa phương có nhu cầu chăm sóc giữ rừng, riêng đối với người ngoài tỉnh, các nhà đầu tư phải có phương án hoặc dự án đầu tư để Ban Quản lý dự án trồng rừng phòng hộ- đặc dụng xem xét.

2. Trạm Kiểm lâm khu vực có trách nhiệm phối hợp cán bộ xã kiểm tra hiện trường, lập biên bản giao nhận rừng và đất lâm nghiệp giữa hộ cũ, hộ mới. Có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã và Hạt Kiểm lâm huyện.

3. Hạt Kiểm lâm huyện có trách nhiệm thu hồi sổ đã giao khoán và lập sổ giao khoán mới trình Ban Quản lý dự án trồng rừng phòng hộ - đặc dụng phê duyệt và gởi trả kết quả cho chủ nhận chuyển khoán (thời gian hoàn thành không quá 30 ngày kể từ ngày thu hồi sổ).

4. Người được chuyển khoán phải làm cam kết với ngành kiểm lâm và chính quyền địa phương là không vi phạm về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, tuyệt đối không được làm thay đổi cảnh quan tự nhiên của khu rừng, không được làm thay đổi đến môi trường sống của các loài động vật.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm

a) Giám sát việc khai thác rừng của các chủ rừng, đơn vị khai thác.

b) Phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm quy định về khai thác lâm sản đối với tổ chức và cá nhân để kịp thời xử lý theo quy định hiện hành.

c) Chỉ đạo thực hiện và tổ chức sơ kết đánh giá qúa trình thực hiện các văn bản có liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng.

d) Xây dựng lịch trực chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng. Xây dựng lịch kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Thực hiện dự báo cháy rừng. Theo dõi quá trình thực hiện Quy ước bảo vệ và phát triển rừng.

đ Phối hợp với Đài truyền thanh địa phương thực hiện chương trình tuyên truyền quản lý, bảo vệ và phát triển rừng..

e) Phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội xây dựng kế hoạch diễn tập chữa cháy rừng và hướng dẫn nghiệp vụ về quy trình và biện pháp phòng, chữa cháy rừng.

Điều 13. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính có trách nhiệm cân đối vốn hàng năm để phục vụ công tác phòng, chữa cháy rừng, quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp

Điều 14. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã

Có trách nhiệm tổ chức, xây dựng và chỉ đạo các xã có diện tích rừng và đất lâm nghiệp triển khai thực hiện phương án bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Điều 15. Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được tỉnh giao rừng và đất lâm nghiệp

1. Thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng đúng theo quy trình.

2. Xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng hàng năm trình cơ quan có thẩm quyền xem xét và phê duyệt.

3. Tham gia vào các tổ phòng cháy, chữa cháy rừng, đầu tư trang bị máy móc, phương tiện và các dụng cụ phòng cháy chữa cháy rừng.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, Ban Quản lý dự án trồng rừng phòng hộ - đặc dụng, các cơ quan, Ban ngành có liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện.

Điều 17. Trong quá trình thực hiện, nếu có điểm nào không còn phù hợp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung, sửa đổi kịp thời./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 20/2009/QĐ-UBND về quản lý, bảo vệ rừng và sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành

  • Số hiệu: 20/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/06/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Huỳnh Thế Năng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/06/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 14/03/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản