ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/2007/QĐ-UBND | Bến Tre, ngày 24 tháng 5 năm 2007 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ DẠY THÊM HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 166/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ Quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục;
Căn cứ Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31 tháng 01 năm 2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Quy định về dạy thêm học thêm;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh Bến Tre”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau mười ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Ông (Bà) Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
VỀ DẠY THÊM HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
(Ban hành kèm theo Quyết định số 20 /2007/QĐ-UBND ngày 24 tháng 5 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)
Dạy thêm học thêm được đề cập trong Quy định này là hoạt động dạy học ngoài giờ học thuộc Kế hoạch giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, với nội dung dạy học trong phạm vi chương trình giáo dục phổ thông. Văn bản này quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường và dạy thêm học thêm ngoài nhà trường; trách nhiệm tổ chức và quản lý dạy thêm học thêm.
1. Đối tượng dạy thêm:
a) Cán bộ, giáo viên thuộc ngành giáo dục và đào tạo quản lý có tham gia dạy thêm học thêm.
b) Cá nhân, tổ chức ngoài nhà trường có mở lớp dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
c) Các cá nhân, tổ chức, các trung tâm dạy ngoại ngữ, tin học ứng dụng áp dụng theo Quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy ngoại ngữ, tin học.
2. Đối tượng học thêm:
Những học sinh, học viên tham gia các lớp học ngoài giờ thuộc Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, với nội dung dạy học trong phạm vi chương trình giáo dục phổ thông.
Điều 3. Xác định hoạt động dạy thêm học thêm
1. Dạy thêm trong văn bản này là hoạt động dạy ngoài giờ học thuộc kế hoạch của Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành bao gồm: phụ đạo học sinh học lực yếu, kém; bồi dưỡng học sinh giỏi; dạy thêm cho những học sinh có nguyện vọng củng cố, bổ sung kiến thức; ôn thi tuyển sinh vào lớp 10; ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông; bồi dưỡng kiến thức, ôn luyện thi tuyển sinh vào cao đẳng, đại học.
2. Đối với những trường, lớp có dạy 2 buổi/ngày, nhà trường và giáo viên không được tổ chức dạy thêm học thêm cho học sinh; việc ôn thi tốt nghiệp, ôn tập chuyển cấp, phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi chỉ bố trí trong các buổi học tại trường.
3. Không dạy thêm học thêm cho học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: nhận quản lý học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình; phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém; bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao; luyện tập kỹ năng đọc, viết cho học sinh, đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
DẠY THÊM HỌC THÊM TRONG NHÀ TRƯỜNG VÀ DẠY THÊM HỌC THÊM NGOÀI NHÀ TRƯỜNG
Điều 4. Dạy thêm học thêm trong nhà trường
1. Dạy thêm học thêm trong nhà trường là dạy thêm học thêm do nhà trường phổ thông, cơ sở giáo dục (trung tâm, trường năng khiếu…) dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông thực hiện.
2. Những quy định chung về dạy thêm học thêm trong nhà trường.
a) Phụ đạo học sinh yếu, kém: được tiến hành thường xuyên trong năm học ở các cấp học phổ thông. Đối tượng này không được sắp xếp học chung với lớp dạy thêm cho học sinh có nguyện vọng củng cố, bổ sung kiến thức.
b) Bồi dưỡng học sinh giỏi: bồi dưỡng học sinh lớp 9 dự thi học sinh giỏi vòng tỉnh, học sinh lớp 12 thi học sinh giỏi vòng tỉnh, vòng toàn quốc thực hiện theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo.
c) Ôn tập thi tuyển sinh vào lớp 10, ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông: hằng năm được tiến hành trước kỳ thi 02 tháng.
d) Dạy thêm cho học sinh có nguyện vọng củng cố, bổ sung kiến thức: được tiến hành trong năm học. Trong hè, các giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông và cơ sở giáo dục được tổ chức dạy thêm không quá 06 tuần. Thời điểm bắt đầu và kết thúc do nhà trường tự sắp xếp, bảo đảm không ảnh hưởng kế hoạch hoạt động chung của ngành.
đ) Ôn luyện thi tuyển sinh vào cao đẳng, đại học cho học sinh lớp 12: do nhà trường tổ chức được tiến hành trước kỳ thi không quá 04 tháng.
e) Đối với học sinh tiểu học, trong hè chỉ được dạy phụ đạo cho học sinh diện yếu, kém. Thời gian dạy thêm không quá 04 tuần.
f) Không được dạy thêm ngày chủ nhật, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các ngày nghỉ lễ theo quy định của Bộ luật Lao động.
Điều 5. Dạy thêm học thêm ngoài nhà trường
1. Dạy thêm học thêm ngoài nhà trường là dạy thêm học thêm do các tổ chức khác, ngoài các tổ chức nói tại khoản 1 Điều 4 của Quy định này, hoặc cá nhân thực hiện.
2. Những quy định chung về dạy thêm học thêm ngoài nhà trường.
a) Cá nhân, tổ chức, kể cả giáo viên thuộc ngành giáo dục và đào tạo quản lý, nhận quản lý học sinh theo yêu cầu của gia đình, phải làm đơn xin phép, nội dung đơn phải nêu rõ đối tượng, số lượng, nội dung hoạt động, thời gian chịu trách nhiệm quản lý.
b) Kế hoạch thời gian dạy thêm học thêm ngoài nhà trường do cá nhân, tổ chức mở lớp sắp xếp, nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy định tại điểm f Điều 4 chương II của Quy định này.
c) Cán bộ, giáo viên thuộc phạm vi quản lý của ngành giáo dục và đào tạo tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường, nếu đang công tác tại trường nào thì Hiệu trưởng trường đó chịu trách nhiệm quản lý. Người dạy phải làm đơn đăng ký và được sự cho phép của Hiệu trưởng, chịu sự kiểm tra của các cấp quản lý giáo dục và chính quyền địa phương.
d) Các lớp ôn luyện thi tuyển sinh cao đẳng, đại học, bồi dưỡng kiến thức do cá nhân, tổ chức mở ngoài nhà trường phải làm đơn xin phép và được sự cho phép, chịu sự kiểm tra của các cấp quản lý giáo dục và chính quyền địa phương.
Điều 6. Tiêu chuẩn được cấp giấy phép dạy thêm
1. Trình độ người dạy:
- Giáo viên thuộc phạm vi quản lý của ngành giáo dục và đào tạo trực tiếp dạy thêm hoặc tham gia dạy thêm do cá nhân, tổ chức mở phải đạt trình độ đào tạo chuẩn trở lên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với từng cấp học; đạt lao động tiên tiến trở lên ở năm học trước đó. Riêng cán bộ, giáo viên không được công nhận lao động tiên tiến do cấp có thẩm quyền cho nghỉ làm việc quá 40 ngày (như nghỉ hộ sản, nghỉ bệnh nằm viện…) nếu năm trước liền kề đã được công nhận lao động tiên tiến thì vẫn được xem xét cấp phép dạy thêm.
- Đối với cá nhân không phải là người đang công tác trong ngành, phải có trình độ đào tạo phù hợp; phẩm chất chính trị, đạo đức tốt và có đủ điều kiện sức khỏe để dạy học.
2. Về cơ sở vật chất:
Đối với các lớp dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm các yêu cầu: phòng học có diện tích đạt 1,10 m2/học sinh, chiều cao không dưới 3,6 m; đủ bàn ghế chắc chắn, phù hợp với tầm vóc của học sinh; màu và kích thước bảng đúng quy định; địa điểm thuận tiện cho việc đi lại, bảo đảm an toàn cho học sinh, xa nơi phát sinh hơi khí độc hại; đủ ánh sáng tự nhiên, có trang bị đèn để hỗ trợ khi thiếu ánh sáng tự nhiên, đảm bảo đáp ứng yêu cầu dạy và học; phòng học được thông gió tự nhiên và có hệ thống thông gió nhân tạo.
3. Về học sinh:
- Phải là đối tượng thực sự có nguyện vọng và nhu cầu học thêm.
- Nghiêm cấm: ép buộc học sinh học thêm để thu tiền, phân biệt đối xử đối với học sinh không học thêm, dạy trước chương trình, cắt xén chương trình, tiết lộ đề kiểm tra thông qua việc cho làm bài tập tương tự ở các lớp dạy thêm.
4. Về nội dung chương trình dạy thêm:
Các lớp dạy thêm phải có nội dung chuơng trình cho cả đợt học. Khi làm đơn xin phép dạy thêm cần xác định rõ nội dung kiến thức dạy thêm (ôn tập hệ thống kiến thức cơ bản, bồi dưỡng mở rộng nâng cao, rèn luyện kỹ năng…).
5. Về tổ chức lớp:
Các lớp dạy thêm trong, ngoài nhà trường căn cứ quy định diện tích/học sinh để bố trí, bảo đảm không quá 30 học sinh đối với tiểu học, không quá 45 học sinh đối với trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông.
Điều 7. Về thẩm quyền cấp giấy phép dạy thêm
1. Đối tượng dạy thêm không thuộc phạm vi quản lý của ngành giáo dục và đào tạo:
- Sở Giáo dục và Đào tạo cấp phép cho cá nhân, tổ chức dạy các môn thuộc chương trình trung học phổ thông bao gồm các lớp bồi dưỡng kiến thức, ôn luyện thi tuyển sinh cao đẳng, đại học.
- Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp phép cho cá nhân, tổ chức dạy thêm các môn thuộc chương trình trung học cơ sở và các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 3 của Quy định này.
2. Đối tượng dạy thêm thuộc phạm vi quản lý của ngành giáo dục và đào tạo:
Cá nhân giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường phải được Hiệu trưởng, người đứng đầu cơ sở giáo dục có ý kiến chấp thuận bằng văn bản, đồng thời báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo đối với cấp trung học phổ thông, Phòng Giáo dục và Đào tạo đối với cấp trung học cơ sở và các trường hợp nêu ở khoản 3 Điều 3 của Quy định này.
Điều 8. Các trường hợp được miễn cấp giấy phép
1. Cá nhân nhận dạy kèm cặp theo yêu cầu của gia đình, trong một tuần kèm cặp không quá 02 học sinh thì không phải làm đơn xin phép nhưng phải tự chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng giảng dạy.
2. Giáo viên đang giảng dạy tại các trường phổ thông, cơ sở giáo dục tham gia giảng dạy các lớp học thêm do nhà trường đang công tác đứng ra tổ chức, Hiệu trưởng căn cứ vào tiêu chuẩn đào tạo, năng lực sư phạm, số tiết giảng dạy chương trình chính khóa để phân công, bố trí.
3. Các lớp dạy thêm không thu tiền bao gồm trong và ngoài nhà trường: được miễn cấp phép dạy thêm, nhưng phải bảo đảm nội dung và phương pháp dạy thêm học thêm góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách cho học sinh; phải phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông và đặc điểm tâm sinh lý của người học; không gây tình trạng học quá nhiều và vượt quá sức tiếp thu của người học; chịu sự kiểm tra của các cấp quản lý giáo dục và chính quyền địa phương.
4. Các lớp ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông, ôn thi tuyển sinh vào lớp 10: do Hiệu trưởng, người đứng đầu cơ sở giáo dục chủ động xây dựng và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch.
5. Các lớp dạy thêm cho học sinh có nguyện vọng củng cố, bổ sung kiến thức có thu tiền do nhà trường phổ thông, cơ sở giáo dục tổ chức: Hiệu trưởng, người đứng đầu cơ sở giáo dục phải xây dựng kế hoạch như quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9 của Quy định này, đồng thời chịu trách nhiệm quản lý kế hoạch dạy thêm học thêm tại đơn vị.
Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra đối với cấp trung học phổ thông, Phòng Giáo dục và Đào tạo đối với cấp trung học cơ sở.
Điều 9. Hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép dạy thêm học thêm
1. Hồ sơ gồm có:
a) Đơn xin mở lớp dạy thêm có cam kết thực hiện nghiêm túc Quy định dạy thêm học thêm của Ủy ban nhân dân tỉnh và các quy định về an ninh trật tự của chính quyền địa phương; được ý kiến xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi mở lớp, trên cơ sở xem xét phẩm chất chính trị đạo đức của cá nhân, người đại diện tổ chức xin mở lớp.
b) Kế hoạch dạy thêm: nội dung kế hoạch nêu rõ mục tiêu, đối tượng, nội dung chương trình dạy; điều kiện cơ sở vật chất, số lượng và chất lượng đội ngũ; thời gian, thời lượng dạy thêm; quy mô học sinh, tổ chức quản lý và mức thu tiền dạy thêm.
c) Đối với người ngoài ngành giáo dục và đào tạo, ngoài các hồ sơ quy định trên phải trình bản sao văn bằng có công chứng, giấy khám sức khỏe của cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên.
2. Thủ tục gồm có:
a) Đối với giáo viên đang giảng dạy tại các trường, cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý của ngành giáo dục và đào tạo, nếu có nguyện vọng mở lớp dạy thêm ngoài nhà trường phải làm đầy đủ hồ sơ nộp cho Hiệu trường, người đứng đầu cơ sở giáo dục mà mình đang công tác. Trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nhận đơn Hiệu trưởng xem xét và có văn bản chấp thuận đối với với những giáo viên hội đủ tiêu chuẩn.
b) Đối với cá nhân, tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường phải có đủ hồ sơ theo quy định, nộp trực tiếp tại Sở Giáo dục và Đào tạo đối với cấp trung học phổ thông, Phòng Giáo dục và Đào tạo đối với cấp trung học cơ sở và trường hợp quản lý học sinh theo yêu cầu của gia đình. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo xem xét cấp Giấy phép dạy thêm. Trường hợp không đủ tiêu chuẩn mở lớp dạy thêm thì phải có văn bản trả lời cho cá nhân, tổ chức đã nộp đơn.
- Cá nhân, tổ chức mở lớp dạy thêm ngoài nhà trường có nhu cầu mở lớp dạy thêm học thêm phải làm đơn và được phép của cấp có thẩm quyền mới được hoạt động.
- Thời hạn sử dụng của giấy phép là 12 tháng kể từ ngày được cấp. Hằng năm, dựa trên cơ sở báo cáo của cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện quy đinh dạy thêm học thêm, các cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền xem xét gia hạn, thời gian gia hạn là 12 tháng. Trường hợp ngưng hoạt động dạy thêm học thêm phải báo cáo với cơ quan cấp giấy phép và thông báo công khai cho người học biết trước ít nhất 30 ngày tính đến ngày tạm dừng hoạt động dạy thêm, hoàn trả các khoản tiền đã thu của người học tương ứng với phần dạy thêm không thực hiện.
- Cơ quan quản lý giáo dục cấp nào được Ủy ban nhân dân tỉnh giao quyền cấp giấy phép thì cơ quan đó có quyền thu hồi.
- Các trường hợp thu hồi giấy phép hoặc tạm đình chỉ: cá nhân, tổ chức vi phạm quy định tại khoản 2, 4 Điều 10 của Nghị định số 49/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Điều 10. Thời lượng dạy thêm học thêm và mức thu tiền học thêm
1. Thời lượng:
a) Đối với học sinh tiểu học: Bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục; rèn luyện kỹ năng đọc, viết; dạy thêm cho học sinh diện yếu, kém không quá 2 buổi/tuần, mỗi buổi không quá 120 phút.
b) Đối với học sinh trung học cơ sở: bao gồm dạy cho học sinh có nguyện vọng củng cố, bổ sung kiến thức, ôn thi vào lớp 10. Thời lượng không quá 4 tiết/tuần/môn.
c) Đối với học sinh trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông:
- Ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông: không quá 4 tiết/tuần/môn.
- Ôn luyện thi tuyển vào cao đẳng, đại học do nhà trường tổ chức cho học sinh lớp 12: thời luợng dạy thêm học thêm do Hiệu trưởng chịu trách nhiệm sắp xếp kế hoạch dạy học, bảo đảm không gây ra tình trạng học quá nhiều và vượt quá sức tiếp thu của học sinh.
- Dạy thêm cho học sinh có nguyện vọng củng cố, bổ sung kiến thức: mỗi tuần học không quá 4 tiết/môn.
- Ôn luyện thi cao đẳng, đại học do cá nhân, tổ chức ngoài nhà trường: thời lượng dạy thêm học thêm do cá nhân, tổ chức mở lớp quy định, nhưng phải bảo đảm tính hiệu quả.
2. Mức thu tiền học thêm:
a) Đối với các lớp dạy thêm trong nhà trường:
- Ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông; ôn luyện thi tuyển sinh vào lớp 10, cao đẳng, đại học; dạy thêm cho học sinh có nhu cầu học thêm để củng cố, bổ sung kiến thức; học sinh diện yếu kém ở các cấp học: căn cứ sự thỏa thuận giữa Hiệu trưởng, giáo viên và Ban đại diện cha mẹ học sinh để thống nhất mức thu tiền học thêm.
- Thời lượng, thời gian, mức chi cho việc bồi dưỡng học sinh giỏi: theo quy định hiện hành.
- Các trường hợp dạy thêm nhưng không được thu tiền: phụ đạo học sinh diện yếu, kém trong năm học, ở các cấp học; ôn tập cho học sinh thi lại một số môn trong hè.
b) Đối với các lớp dạy thêm ngoài nhà trường:
- Cán bộ, giáo viên thuộc phạm vi quản lý của ngành giáo dục và đào tạo, dạy thêm ngoài nhà trường: mức thu tiền học thêm phải được Hiệu trưởng, người đứng đầu cơ sở giáo dục xem xét và chấp thuận sau khi trao đổi với giáo viên xin dạy thêm.
- Cá nhân, tổ chức không thuộc phạm vi quản lý của ngành giáo dục và đào tạo, dạy thêm ngoài nhà trường: mức thu tiền học thêm phải được cơ quan cấp phép chấp thuận.
Điều 11. Về quản lý thu, chi tiền dạy thêm
1. Dạy thêm trong nhà trường:
Định mức chi bồi dưỡng cho giáo viên tham gia dạy thêm, chi công tác quản lý, chi khấu hao tài sản, điện, nước vệ sinh... do nhà trường tự cân đối và đưa vào Quy chế chi tiêu nội bộ. Nhà trường phải thực hiện đầy đủ hồ sơ, sổ sách kế toán, chứng từ thu, chi và quyết toán theo quy định.
2. Dạy thêm ngoài nhà trường:
Các lớp bồi dưỡng kiến thức, ôn luyện thi tuyển sinh vào cao đẳng, đại học do cá nhân, tổ chức đứng ra mở thì định mức chi do các thành viên có liên quan thỏa thuận, đồng thời báo cáo cơ quan cấp phép để theo dõi.
3. Các cá nhân tổ chức mở lớp dạy thêm ngoài nhà trường phải có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật.
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ DẠY THÊM HỌC THÊM
Điều 12. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chịu trách nhiệm quản lý, hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra, hồ sơ thủ tục dạy thêm học thêm, thiết kế mẫu giấy phép dạy thêm học thêm, xem xét cấp Giấy phép dạy thêm theo Quy định này. Lồng ghép với sơ kết học kỳ, tổng kết năm học, đánh giá việc thực hiện Quy định dạy thêm học thêm của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 13. Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh
Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, có trách nhiệm phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền, kiểm tra, giám sát các lớp dạy thêm nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cá nhân, tổ chức tham gia dạy thêm học thêm. Cục Thuế có trách nhiệm hướng dẫn việc kê khai, nộp thuế đối với tổ chức, cá nhân có mở lớp dạy thêm.
Điều 14. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã
Chịu trách nhiệm quản lý đối với hoạt động dạy thêm học thêm trên địa bàn huyện, thị; chỉ đạo các ngành thuộc huyện, thị xã, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, giám sát dạy thêm học thêm trên địa bàn huyện; tạo điều kiện để các trường thuộc phạm vi quản lý của huyện tổ chức học 2 buổi/ngày; tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo thẩm quyền được quy định tại Điều 29 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
Điều 15. Phòng Giáo dục và Đào tạo
Chịu trách nhiệm cấp phép theo quy định và quản lý các lớp dạy thêm trên địa bàn huyện, trừ cấp trung học phổ thông và bổ túc trung học phổ thông; lồng ghép với sơ kết học kỳ, tổng kết năm học tiến hành đánh giá việc thực hiện Quy định dạy thêm học thêm; báo cáo kịp thời về Sở Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã khi gặp khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện Quy định dạy thêm học thêm.
Điều 16. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
Xác nhận về phẩm chất chính trị, đạo đức đối với cá nhân, đại diện tổ chức xin mở lớp dạy thêm ngoài nhà trường. Tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo thẩm quyền được quy định tại Điều 28 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính; hỗ trợ các trường, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo trong việc quản lý dạy thêm học thêm.
THANH TRA, KIỂM TRA, KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM
Sở Giáo dục và Đào tạo, các Phòng Giáo dục và Đào tạo, hằng năm phải có kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc dạy thêm học thêm đối với các trường, cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý để phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
Hiệu trưởng các trường, người đứng đầu các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm kiểm tra việc dạy thêm học thêm của cán bộ, giáo viên do trường mình quản lý, kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo Quy định về dạy thêm học thêm.
Việc tổ chức thực hiện Quy định dạy thêm học thêm là một tiêu chuẩn để tiến hành đánh giá công chức, viên chức và xem xét các danh hiệu thi đua hàng năm.
1. Tổ chức, cá nhân vi phạm về quy định dạy thêm học thêm, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 49/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
2. Cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quản lý vi phạm quy định về dạy thêm học thêm, thì bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.
3. Cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm quy định về dạy thêm học thêm, có hành vi lừa đảo hoặc tổ chức dạy thêm học thêm trái quy định dẫn tới vi phạm các quy định về trật tự an toàn xã hội tùy theo tính chất, mức độ vi phạm xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
1. Quy định này có hiệu lực thi hành sau mười ngày kể từ ngày ký.
2. Quy định này thay thế cho Công văn số 138/CV-UB ngày 16 tháng 02 năm 2001 và Công văn số 287/CV-UB ngày 27 tháng 3 năm 2001 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dạy thêm học thêm./.
- 1Quyết định 34/2007/QĐ-UBND về Quy định dạy thêm học thêm môn văn hóa của cơ sở, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Long An do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành
- 2Quyết định 20/2007/QĐ-UBND về Quy định dạy, học thêm do Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau
- 3Quyết định 17/2013/QĐ-UBND Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Bến Tre
- 4Quyết định 903/QĐ-UBND năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ đầu do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành từ năm 1976 đến ngày 31 tháng 12 năm 2013
- 1Quyết định 03/2007/QĐ-BGDĐT Quy định về dạy thêm, học thêm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Nghị định 166/2004/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục
- 4Nghị định 35/2005/NĐ-CP về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức
- 5Nghị định 49/2005/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục
- 6Quyết định 34/2007/QĐ-UBND về Quy định dạy thêm học thêm môn văn hóa của cơ sở, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Long An do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành
- 7Quyết định 20/2007/QĐ-UBND về Quy định dạy, học thêm do Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau
Quyết định 20/2007/QĐ-UBND Quy định về dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh Bến Tre do Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành
- Số hiệu: 20/2007/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 24/05/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
- Người ký: Cao Tấn Khổng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 03/06/2007
- Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực