Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/2007/QĐ-UBND | Thành phố Cao Lãnh, ngày 09 tháng 3 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THUỶ SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố tổ chức triển khai và theo dõi việc thực hiện.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành Tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 20/2007/QĐ-UBND ngày 09 tháng 3 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này áp dụng cho tất cả các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, trang trại nuôi thủy sản quy mô công nghiệp, nuôi cá bè trên các sông, kinh rạch.
2. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, trang trại có nuôi gia súc, gia cầm, chim cảnh và thú cảnh.
Điều 3. Quy định này không áp dụng đối với các hộ nuôi cá trong các ao, mương vườn mang tính tự cấp tự túc, các hộ nuôi quảng canh, nhỏ lẻ trên đồng ruộng vào mùa lũ.
Chương II
HOẠT ĐỘNG NUÔI THỦY SẢN
Điều 4. Đối với các Cơ sở nuôi cá bè
1. Chỉ được nuôi ở những nơi phù hợp với quy hoạch.
2. Phải thực hiện cam kết Bảo vệ môi trường, đảm bảo giao thông, lưu tốc dòng chảy; thu gom chất thải để xử lý theo quy định.
Điều 5. Đối với các Cơ sở nuôi cá trong các ao, bãi bồi ven sông
1. Chỉ được nuôi cá ở những nơi nhất định theo quy định của địa phương hoặc những nơi đã được phê duyệt quy hoạch.
2. Đối với những cơ sở nuôi trồng thuỷ sản thâm canh/bán thâm canh: có diện tích mặt nước từ 10 ha trở lên, và đối với những cơ sở nuôi quảng canh: diện tích từ 50 ha trở lên phải thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Những cơ sở còn lại, kể cả những cơ sở nuôi cá giống có qui mô từ 1 ha đến < 10 ha phải lập Bản cam kết Bảo vệ môi trường nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về môi trường tại địa phương thẩm định.
3. Chấp hành nghiêm các quy định về đất đai, quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Điều 6. Các Cơ sở nuôi thủy sản phải thực hiện các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường như sau
1. Mật độ nuôi phải phù hợp với tiêu chuẩn ngành thuỷ sản quy định
2. Sử dụng thức ăn công nghiệp, không sử dụng thức ăn tự chế gây ô nhiễm môi trường.
3. Các hệ thống ao nuôi thủy sản phải có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt, có ao xử lý nước thải, ao chứa xử lý bùn đáy, hố tiêu độc đạt tiêu chuẩn môi trường.
4. Xử lý bùn đáy ao: Bùn đáy ao phải được xử lý hợp vệ sinh, bơm hút vào nơi cố định, không được thải trực tiếp ra những con kênh, sông hay những dòng nước công cộng hoặc tích trữ ở những vùng đất mà nơi đó sẽ gây tổn hại đến hệ sinh thái.
5. Xác cá chết phải được thu gom và xử lý, tuyệt đối không được vứt bừa bãi ra môi trường bên ngòai.
6. Quan trắc và cảnh báo môi trường:
a) Tất cả thức ăn dư thừa trong quá trình nuôi thủy sản sẽ lắng đọng xuống nền đáy ao, người nuôi phải giám sát thường xuyên để điều chỉnh lượng thức ăn thích hợp và xử lý môi trường khi cần thiết.
b) Người nuôi phải cập nhật những thông tin mới nhất từ cơ quan quản lý thủy sản của địa phương và theo dõi chất lượng nước ao trong suốt quá trình nuôi, đồng thời bảo đảm nguồn nước thải của ao nuôi trước khi tháo ra kênh rạch, sông hay dòng nước công cộng phải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.
c) Người nuôi phải cùng với Cơ quan Thủy sản của địa phương có trách nhiệm xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường, đánh giá các tác động đến môi trường, thường xuyên kiểm tra môi trường nước sông, kênh rạch xung quanh vùng nuôi thủy sản và chất lượng nước thải, định kỳ báo cáo kết quả quan trắc và các tác động đến môi trường về cơ quan quản lý về môi trường ở địa phương.
Chương III
HOẠT ĐỘNG NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM VÀ CHIM THÚ CẢNH
Điều 7. Đối với các Cơ sở chăn nuôi chim cảnh, thú cảnh
1. Các Cơ sở chăn nuôi chim cảnh, thú cảnh nhằm mục đích kinh doanh phải đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Khu vực chăn nuôi chim cảnh, thú cảnh phải cách ly hoàn toàn với khu sinh hoạt gia đình, khoảng cách gần nhất đến hộ dân xung quanh là 20 m.
b) Chỉ được bày bán ở những nơi quy định.
c) Thu gom, xử lý các nguồn ô nhiễm do chăn nuôi theo quy định về Bảo vệ môi trường.
d) Thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn sinh học.
e) Bảo đảm các điều kiện vệ sinh Thú y trong chăn nuôi: tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại.
g) Khi có dịch bệnh xảy ra phải thực hiện các biện pháp phòng chống, tiêu hủy theo quy định của các cơ quan chức năng.
2. Các cơ sở chăn nuôi chim, thú cảnh ở các chợ, khu đô thị, khu dân cư qui mô hộ gia đình phải có giấy chứng nhận tiêm phòng, xuất phát từ nơi an toàn dịch, có nguồn gốc rõ ràng và phải qua kiểm dịch của thú y. Khi nuôi phải có các biện pháp xử lý chất thải hợp vệ sinh, đồng thời khi có dịch bệnh xảy ra phải thực hiện các biện pháp phòng chống, tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Đối với các Cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm
1. Đối với các cơ sở chăn nuôi gia súc từ 100 con trở lên, gia cầm từ 10.000 con trở lên phải thực hiện lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về môi trường tại địa phương thẩm định.
2. Đối với các cơ sở chăn nuôi gia súc có qui mô từ 20 đến < 99 con gia súc, cơ sở chăn nuôi gia cầm từ 100 con đến < 10.000 con gia cầm phải lập Bản cam kết đạt tiêu chuẩn môi trường nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về môi trường tại địa phương thẩm định.
3. Các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm có qui mô hộ gia đình (nhỏ hơn số lượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 của điều này) phải có các biện pháp xử lý chất thải hợp vệ sinh, đồng thời khi có dịch bệnh xảy ra phải thực hiện các biện pháp phòng chống, tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
4. Các cơ sở chăn nuôi với số lượng như quy định tại khoản 1 và khoản 2 của điều này khi nuôi phải thực hiện việc đăng ký chăn nuôi gia súc, gia cầm đối với cơ quan có thẩm quyền.
Điều 9. Các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm phải tuân thủ các quy định và thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường như sau:
1. Chỉ được được nuôi ở những nơi nhất định theo quy định của địa phương và cơ quan thú y.
2. Các Cơ sở chăn nuôi phải có chuồng trại riêng, không được chăn nuôi thả lang. Chuồng trại phải được bố trí nơi cao ráo, thoáng mát, che chắn kín đáo, xa nguồn cấp nước sinh hoạt ít nhất 50 m, xa đường giao thông ít nhất 50 m, xa hộ dân kế cận ít nhất 20 m, xa khu đông dân cư ít nhất 100 m.
3. Phải thực hiện nghiêm các quy định về chăn nuôi Thú y: tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng thường xuyên khu vực chăn nuôi, thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học.
4. Có biện pháp thu gom và xử lý các nguồn gây ô nhiễm môi trường: phân, nền chuồng trại, xác gia súc, gia cầm chết.
5. Phải có chuồng cách ly gia súc, gia cầm bệnh, có hố xử lý gia súc, gia cầm chết theo quy định của ngành thú y. Nghiêm cấm các Cơ sở chăn nuôi thải chất thải không qua xử lý và thải xác gia súc, gia cầm chết ra môi trường.
6. Tất cả các phương thức chăn nuôi phải trên cơ sở quy hoạch tổng thể của chính quyền địa phương các cấp, đồng thời đảm bảo vệ sinh thú y và vệ sinh môi trường.
7. Đối với chất thải rắn: phải thu gom sử dụng làm phân hữu cơ trong nông nghiệp. Đối với chất thải độc hại phải được chôn lấp đúng nơi quy định và phù hợp với các yêu cầu về kỹ thuật và vệ sinh môi trường.
8. Đối với chất thải lỏng phải lựa chọn kết hợp các công nghệ xử lý phù hợp để xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường như: bể lắng, xây hầm Biogas, bể sục khí (Aerotank), ao sinh học.
9. Riêng đối với các Cơ sở chăn nuôi vịt phải đăng ký với chính quyền địa phương và cơ quan thú y khi bắt đầu nuôi, khi di chuyển đến địa điểm mới.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Tổ chức thực hiện
1. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố có trách nhiệm tổ chức triển khai và theo dõi việc thực hiện Quy định này.
2. Thanh tra chuyên ngành Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ quy định tại Quyết định này, tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên các cơ sở chăn nuôi. Trước mắt, nếu cơ sở nào chưa thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo quy định thì nhắc nhở và yêu cầu thời gian thực hiện, hướng dẫn cơ sở đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường hoặc cơ quan thú y của địa phương để được tư vấn, hướng dẫn áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nếu cơ sở nào đã được kiểm tra, nhắc nhở nhưng không thực hiện thì chịu xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình triển khai thực hiện, có gì vướng mắc phát sinh, kịp thời báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.
- 1Quyết định 48/2011/QĐ-UBND về Quy định chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành
- 2Quyết định 09/2012/QĐ-UBND về Quy định bảo vệ môi trường đối với lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng do Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành
- 3Quyết định 21/2012/QĐ-UBND về tiêu chí xác định hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 4Quyết định 32/2013/QĐ-UBND Quy định bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- 5Quyết định 955/QĐ-UBND-HC năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa kỳ đầu văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp
- 1Quyết định 32/2013/QĐ-UBND Quy định bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- 2Quyết định 955/QĐ-UBND-HC năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa kỳ đầu văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp
- 1Nghị định 80/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Quyết định 48/2011/QĐ-UBND về Quy định chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành
- 4Quyết định 09/2012/QĐ-UBND về Quy định bảo vệ môi trường đối với lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng do Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành
- 5Quyết định 21/2012/QĐ-UBND về tiêu chí xác định hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Quyết định 20/2007/QĐ-UBND quy định về bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- Số hiệu: 20/2007/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 09/03/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
- Người ký: Trương Ngọc Hân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra