Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 20/2003/QĐ-BNV

Hà Nội, ngày 13 tháng 05 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT BẢN ĐIỀU LỆ (SỬA ĐỔI) HỘI HỮU NGHỊ VIỆT NAM - CU BA

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Căn cứ Sắc lệnh số 102/SL-L004 ngày 20/5/1957 quy định về quyền lập Hội;

Căn cứ Nghị định 181/CP ngày 9/11/1994 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ);

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của bộ, cơ quan ngang bộ;

Xét đề nghị của Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt bản Điều lệ (sửa đổi) của Hội Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba đã được Đại hội lần thứ II thông qua ngày 21 tháng 2 năm 2003.

Điều 2. Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Liên hiệp các TC Hữu nghị VN,
- Ban Đối ngoại TW,
- Bộ Ngoại giao,
- Lưu VT, TCPCP.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Đặng Quốc Tiến

 

ĐIỀU LỆ

HỘI HỮU NGHỊ VIỆT NAM - CU BA

Chương 1.

TÔN CHỈ - MỤC ĐÍCH

Điều 1. Tên Hội: Hội Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba.

Điều 2. Hội Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba là một tổ chức xã hội, là thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, hoạt động theo Điều lệ của Hội, phù hợp với luật pháp hiện hành của nước CHXHCN Việt Nam và tôn chỉ mục đích của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

Mục đích của Hội Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba là góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước. Đối tác chính của Hội là tổ chức hữu nghị Cu Ba-Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội, các nhà doanh nghiệp ở Cu Ba hoạt động vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Điều 3. Hội Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba đặt trụ sở tại Hà Nội, có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng để phục vụ cho các hoạt động của Hội.

Điều 4. Hội Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba có những nhiệm vụ sau đây:

- Tổ chức và phối hợp với cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức xã hội tiến hành các hoạt động nhằm phát triển tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Cu Ba.

- Tuyên truyền và giới thiệu với nhân dân Cu Ba về Việt Nam, về đường lối đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

- Thông tin cho nhân dân Việt Nam về lịch sử, đất nước, con người và tình hình phát triển của Cu Ba.

- Củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Hội Hữu nghị Cu Ba-Việt Nam, cơ quan ngoại giao Cu Ba tại Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức xã hội khác của Cu Ba.

- Hỗ trợ và làm cầu nối thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật giữa các cá nhân và tổ chức Việt Nam và Cu Ba.

Chương 2.

HỘI VIÊN - THÀNH VIÊN

Điều 5. Những tổ chức, công dân Việt Nam tán thành điều lệ của Hội, tự nguyện xin gia nhập Hội và được Ban Thường vụ Trung ương Hội đồng ý, sẽ được gia nhập Hội. Các tổ chức sẽ trở thành các tổ chức thành viên và cá nhân sẽ trở thành hội viên của Hội.

Điều 6. Các tổ chức thành viên và hội viên có nhiệm vụ:

- Chấp hành Điều lệ, và thực hiện các nghị quyết của Hội, tích cực tham gia các hoạt động của Hội nhằm củng cố và phát triển tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Cu Ba.

- Tuyên truyền rộng rãi tôn chỉ, mục đích và điều lệ của Hội trong nhân dân Việt Nam để thu hút các thành viên, hội viên mới và mở rộng phạm vi hoạt động của Hội.

- Giới thiệu và góp phần thúc đẩy sự hợp tác mọi mặt giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Cu Ba.

- Tham gia đầy đủ các hoạt động và sinh hoạt của Hội.

- Đóng góp vào tài chính của Hội.

Điều 7. Các tổ chức thành viên và hội viên có quyền:

- Tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng và biểu quyết thông qua các quyết định, chủ trương và chương trình công tác của Hội.

- Được Hội giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động nhằm mục đích góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Cu Ba trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế, khoa học kỹ thuật phù hợp với mục tiêu của Hội.

- Được tham gia bầu cử, ứng cử vào các cơ quan lãnh đạo các cấp của Hội.

- Được tham gia các hoạt động do Hội tổ chức.

- Hội viên được quyền xin ra khỏi Hội.

Điều 8. Xóa tên và khai trừ hội viên:

1. Hội viên muốn ra khỏi Hội phải có thư thông báo với cấp có thẩm quyền của Hội để xóa tên trong danh sách hội viên.

2. Hội viên hoạt động trái với Điều lệ và nghị quyết của Hội sẽ bị xóa tên trong danh sách hội viên.

Chương 3.

TỔ CHỨC CỦA HỘI

Điều 9. Hội hữu nghị Việt Nam-Cu Ba tổ chức theo nguyên tắc dân chủ và hiệp thương thống nhất. Lãnh đạo Hội được bầu thông qua bầu cử dân chủ và biểu quyết theo đa số (lấy đa số là 2/3 trở lên). Trường hợp đặc biệt không bầu được thì Ban Chấp hành lâm thời của Hội sẽ được chỉ định, nhưng không quá thời hạn một nhiệm kỳ.

Điều 10. Tổ chức Hội gồm Hội Trung ương, các Hội ở địa phương tham gia làm thành viên của Hội Trung ương, các Chi hội cơ sở trực thuộc Trung ương Hội.

Ở địa phương theo yêu cầu và điều kiện cụ thể, nếu có nhu cầu lập Hội sẽ do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét và quyết định.

Chi hội cơ sở của Hội được thiết lập do các cá nhân hay tổ chức có đủ điều kiện, tán thành điều lệ Hội, được Ban Chấp hành Trung ương Hội chấp thuận.

Hội Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức thành viên trực thuộc xây dựng Điều lệ, tổ chức và hoạt động, đảm bảo tính thống nhất trong việc thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Điều 11. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội là Đại hội đại biểu toàn quốc hoặc Đại hội toàn thể. Đại hội họp 5 năm một lần, có nhiệm vụ thảo luận báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Hội, thông qua các nghị quyết, xem xét sửa đổi Điều lệ, bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội.

1. Ban Chấp hành Trung ương Hội là cơ quan lãnh đạo mọi hoạt động của Hội giữa hai kỳ Đại hội.

1.1. Ban Chấp hành Trung ương Hội bao gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, các ủy viên Thường vụ và các ủy viên Ban Chấp hành.

1.2. Ban Chấp hành Trung ương Hội quyết định các chủ trương, biện pháp thi hành những nghị quyết của Đại hội toàn thể đề ra; chỉ đạo các tổ chức Hội thành viên hoạt động, tham gia các hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Ban Chấp hành Trung ương Hội họp một năm một lần.

1.3. Tùy theo khả năng và yêu cầu của Hội, Trung ương Hội có thể lập ra các ban chuyên môn giúp việc về hợp tác kinh tế, văn hóa, thông tin khoa học kỹ thuật.

2. Chủ tịch Hội có trách nhiệm:

2.1. Lãnh đạo, quản lý mọi hoạt động của Hội; cùng với Ban thường vụ điều hành các kỳ họp của Ban Chấp hành.

2.2. Thay mặt Ban Chấp hành phối hợp với các cơ quan quản lý ngành thực hiện các hoạt động trong quan hệ đối nội, đối ngoại của Hội. Tham gia vào các hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

2.3. Ký các quyết định thành lập các ban chuyên môn giúp việc của Hội và chỉ định những người đứng đầu các tổ chức đó.

Các Phó Chủ tịch Hội có trách nhiệm thay mặt Chủ tịch Hội chỉ đạo từng khối công việc của Hội và thay mặt Chủ tịch Hội khi Chủ tịch vắng.

3. Ban Thường vụ do Ban Chấp hành Trung ương Hội cử, bao gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Ban Thư ký (có thể có Tổng Thư ký hoặc thư ký) và các ủy viên Ban thường vụ. Ban thường vụ họp 6 tháng 1 lần và có trách nhiệm:

3.1. Chỉ đạo Ban Thư ký chuẩn bị nội dung các kỳ họp Ban Chấp hành và tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đại hội, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội. Cùng với Chủ tịch Hội điều hành các kỳ họp của Ban Chấp hành.

3.2. Hướng dẫn các tổ chức Hội thành viên thực hiện các Nghị quyết của Trung ương Hội.

3.3. Giải quyết các khiếu nại, tố cáo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên và tổ chức thành viên khi bị xâm phạm, giải quyết những vấn đề khó khăn của cá nhân hay tổ chức thành viên trong việc thực hiện Điều lệ này.

4. Ban Thư ký do Ban thường vụ cử, bao gồm Tổng thư ký và thư ký, có trách nhiệm:

4.1. Giúp Ban Thường vụ chuẩn bị nội dung các kỳ họp và triệu tập các kỳ họp.

4.2. Giúp Ban Thường vụ và Ban Chấp hành theo dõi, giúp đỡ các tổ chức thành viên thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Trung ương Hội.

4.3. Quản lý tài sản, cơ sở vật chất, tài liệu và tài chính của Hội.

5. Ban Chấp hành Hội ở các tỉnh, thành phố và các tổ chức thành viên căn cứ vào những điều khoản quy định trong Điều lệ này, căn cứ vào các Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Trung ương Hội để làm cơ sở nội dung hoạt động của tổ chức mình.

Điều 12. Số lượng ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội và các Hội thành viên do Đại hội ở đó quyết định, trong đó bao gồm cả các Ban Thường vụ. Số người trong Ban Thường vụ không được quá 1/3 số ủy viên Ban Chấp hành. Nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương Hội là 5 năm. Nhiệm kỳ của Ban Chấp hành các Hội thành viên do Hội thành viên quyết định.

Điều 13. Chế độ phối hợp công tác trong nội bộ Hội:

1. Trung ương Hội phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ các Hội thành viên ở các địa phương hoạt động.

2. Các Hội thành viên ở địa phương chủ động trong các hoạt động theo đúng Điều lệ Hội, không trái với nghị quyết của Trung ương Hội, hàng quý báo cáo công tác cho Trung ương Hội.

Chương 4.

TÀI CHÍNH

Điều 14. Tài chính của Hội được xây dựng từ các nguồn sau đây:

- Đóng góp tự nguyện của các hội viên.

- Sự hỗ trợ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

- Sự ủng hộ tài chính của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước theo qui định của pháp luật.

- Nguồn thu từ hoạt động gây quỹ của Hội theo đúng pháp luật của Nhà nước.

Ban Thường vụ các cấp của Hội chịu trách nhiệm quản lý quỹ hoạt động của mình theo chế độ tài chính của Nhà nước.

Chương 5.

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 15. Những hội viên, cán bộ hội và tổ chức Hội có thành tích hoạt động công tác hữu nghị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, hàng năm và mỗi kỳ đại hội được các cấp của Hội xét khen thưởng.

Điều 16. Những hội viên, cán bộ hội và tổ chức cơ sở vi phạm Điều lệ của Hội, làm tổn thương đến danh dự của Hội, tùy theo mức độ sai lầm, có thể bị thi hành kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc khai trừ ra khỏi Hội.

Việc thi hành kỷ luật hội viên, tùy theo mức độ, sẽ do Ban Chấp hành Hội cấp địa phương hoặc Trung ương quyết định.

Chương 6.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17.

- Bản Điều lệ này đã được Đại hội toàn quốc lần thứ II của Hội Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba thông qua ngày 21/2/2003 tại Hà Nội. Chỉ có Đại hội toàn quốc của Hội mới có quyền bổ sung, sửa đổi Điều lệ.

- Bản Điều lệ này có hiệu lực kể từ ngày được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 20/2003/QĐ-BNV phê duyệt bản Điều lệ (sửa đổi) của Hội Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 20/2003/QĐ-BNV
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/05/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Đặng Quốc Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/05/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản