Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1987/QĐ-UBND | Điện Biên, ngày 28 tháng 10 năm 2022 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ NHÀ Ở CHO HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN CÁC HUYỆN NGHÈO TỈNH ĐIỆN BIÊN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; số 353/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2022 phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 10/12/021 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND ngày 08/7/2022 của HĐND tỉnh ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh Điện Biên;
Căn cứ Kế hoạch số 2000/KH-UBND ngày 30/6/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Điện Biên;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 2188/TTr-SXD ngày 24/10/2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này “Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo tỉnh Điện Biên thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025".
Điều 2. Căn cứ Đề án, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội; Thủ trưởng các sở, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các địa phương liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện theo đúng nội dung đã được phê duyệt.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch UBND các huyện: Mường Ảng, Mường Chà, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Mường Nhé và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ ÁN
HỖ TRỢ NHÀ Ở CHO HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN CÁC HUYỆN NGHÈO TỈNH ĐIỆN BIÊN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1987/QĐ-UBND ngày 28/10/2022 của UBND tỉnh)
I. MỞ ĐẦU
Điện Biên là tỉnh vùng cao, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, tổng diện tích tự nhiên 9.562,9 km2. Tỉnh có đường biên giới quốc gia với Trung Quốc dài 40,861 km, với Lào dài 414,712 km. Dân số trên 620 nghìn người, gồm 19 dân tộc, trong đó: Mông 38,12%, Thái 35,69%, Kinh 17,38%, Khơ mú 3,3%, còn lại là các dân tộc khác. Tỉnh có 10 huyện, thị xã, thành phố với 129 xã, phường, thị trấn (có 94 xã đặc biệt khó khăn; 29 xã biên giới); trong đó có 07 huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể: Huyện Mường Ảng, huyện Mường Chà, huyện Tuần Giáo, huyện Tủa Chùa, huyện Điện Biên Đông, huyện Nậm Pồ và huyện Mường Nhé. Tổng số hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn các huyện nghèo khoảng 9.437 hộ, trong đó tổng hộ hộ nghèo khoảng 8.176 hộ, số hộ cận nghèo khoảng 1.261 hộ[1]. Tại Kế hoạch số 2000/KH-UBND ngày 30/6/2022 của UBND tỉnh đã đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 là hỗ trợ nhà ở cho khoảng 4.000 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
Thực hiện chủ trương hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo tỉnh Điện Biên thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc rà soát, thẩm định, phê duyệt danh sách hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ nhà ở. Tỉnh xác định xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị và là chính sách xã hội cơ bản mang tính nhân văn sâu sắc, là chương trình, mục tiêu để thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Việc hỗ trợ về nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn là cần thiết nhằm tạo điều kiện giúp các hộ nghèo, người nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế của địa phương.
II. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG NHÀ Ở ĐỐI VỚI HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH[2]
1. Đánh giá thực trạng nhà ở hộ nghèo, hộ cận nghèo
Triển khai thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 1244/QĐ-UBND ngày 17/11/2015 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tiến hành lập, thẩm định và phê duyệt danh sách hộ nghèo đủ điều kiện hỗ trợ vay vốn và ban hành Quyết định phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn mình quản lý. Đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành, đơn vị và UBND các huyện trong việc triển khai công tác tuyên truyền, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo.
a) Về số lượng nhà ở:
- Số lượng nhà ở được hỗ trợ: 3.601 căn, trong đó:
Số căn hộ được xây dựng mới: 3.471 căn.
Số căn hộ được cải tạo lại: 130 căn.
- Phân loại theo đối tượng ưu tiên:
Hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật): 0 hộ.
Hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số: 3.601 căn.
Hộ gia đình thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai: 0 hộ.
Hộ gia đình đang sinh sống tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn: 0 hộ.
Hộ gia đình đang sinh sống tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn: 0 hộ.
Hộ gia đình cư trú tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP: 0 hộ.
Hộ gia đình còn lại: 0 hộ.
b) Về chất lượng nhà ở:
Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án theo Quyết định số 1244/QĐ-UBND ngày 17/11/2015 của UBND tỉnh, các địa phương trên địa bàn tỉnh luôn nghiêm túc thực hiện theo các quy định về quy mô, chất lượng nhà ở trong việc hỗ trợ các hộ nghèo cải thiện chất lượng nhà ở, cụ thể như sau:
- Đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 24 m2 (đối với những hộ độc thân không nơi nương tựa, có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng nhỏ hơn nhưng không thấp hơn 18 m2) với diện tích xây dựng, cải tạo trung bình mỗi căn nhà tối thiểu đạt 40 m2/căn.
- Do các hộ nghèo được hỗ trợ theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Điện Biên đều là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc xây dựng nhà theo truyền thống văn hóa dân tộc sử dụng các vật liệu chủ yếu như gỗ, đá, tôn, ngói, sắt, thép... để xây dựng nhà ở nhưng vẫn đảm bảo các yếu tố “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) theo quy định và đáp ứng tuổi thọ căn nhà từ 10 năm trở lên.
2. Tác động của các yếu tố khí hậu đối với nhà ở về đảm bảo an toàn khi xảy ra bão, tố, lốc trên địa bàn tỉnh
Điện Biên là tỉnh miền núi, có khí hậu nhiệt đới gió mùa núi cao, mùa Đông tương đối lạnh và ít mưa; mùa hạ nóng, mưa nhiều với các đặc tính diễn biến thất thường, phân hóa đa dạng, chịu ảnh hưởng của gió tây khô và nóng. Tại các huyện nghèo trên địa bàn tỉnh, khí hậu rất khắc nghiệt, thường xảy ra mưa to, mưa đá kèm theo lốc xoáy, gió giật mạnh; mùa đông thường xuất hiện sương muối, rét đậm, rét hại, do vậy nhà ở của các hộ nghèo có kết cấu tạm bợ, trống trải không đảm bảo an toàn khi xảy ra khi xảy ra bão, tố, lốc.
3. Nhận xét, đánh giá chung về thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đã và đang thực hiện tại địa phương
3.1. Ưu điểm
Dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng công tác hỗ trợ nhà ở cho người nghèo vẫn luôn được các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm cả về nội dung lẫn hình thức. Tất cả đều đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, xác định hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nên đã tập trung huy động mọi nguồn lực, vật lực, huy động cả hệ thống chính trị để tổ chức tiến hành làm ở cho hộ nghèo.
Công tác tổ chức tuyên truyền đã được các cấp, các cơ quan, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm, tuyên truyền sâu rộng về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trong công cuộc xóa nhà tạm, dột nát cho người dân, góp phần vào việc giảm nghèo nhanh và bền vững.
Ý thức và tinh thần trách nhiệm của cán bộ và chính quyền cơ sở và nhân dân trong việc tổ chức triển khai thực hiện đã được nâng lên rõ rệt. Trong quá trình triển khai thực hiện có nhiều tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao góp phần hoàn thành kế hoạch đề ra.
Một bộ phận người nghèo tại các hộ nghèo đã có ý thức về an cư, ổn định cuộc sống, tập trung vào việc sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
3.2. Một số vấn đề còn tồn tại vướng mắc
a) Hạn chế
Tỉnh Điện Biên là một trong những tỉnh nghèo nên đối tượng người nghèo thuộc diện được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn toàn tỉnh là rất lớn nhưng nguồn kinh phí để hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là có hạn nên khó khăn trong công tác tổng hợp, rà soát chọn lọc các đối tượng để tiến hành lập Đề án, điều chỉnh Đề án. sự biến động thay đổi về số lượng của các đối tượng hỗ trợ cũng gây khó khăn trong quá trình triển khai do một số hộ sau thời điểm đăng ký phê duyệt Đề án không còn đủ điều kiện để vay vốn theo quy định nên không thể tiến hành cho vay hỗ trợ theo quy định. Hoặc trường hợp một số hộ gia đình đã vay vốn nhưng tái nghèo không đủ điều kiện trả lãi và vốn vay theo quy định. Trong quá trình rà soát Đề án có một số hộ gia đình tái nghèo làm tăng thêm nhu cầu vay vốn cải tạo sửa chữa nhà ở trong giai đoạn 2019-2020.
Với mức cho vay 25 triệu đồng/hộ là tương đối thấp, chưa đủ để người dân nghèo làm nhà, do nguồn lực hỗ trợ của cộng đồng, người thân cũng như bản thân hộ nghèo còn hạn chế, các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ đa số là các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số nên việc huy động nguồn lực từ họ hàng, gia đình gặp nhiều khó khăn.
Đối với các hộ thuộc đối tượng neo đơn (đơn thân) khó khăn về nhà ở hầu như không thể triển khai chính sách hỗ trợ, một mặt đối tượng không có nguồn lực để làm nhà ở, bên cạnh đó cũng không có khả năng trả nợ nên trong thời gian qua có nhiều đối tượng tuy được phê duyệt thuộc đối tượng ưu tiên để vay vốn làm nhà ở nhưng lại không thể triển khai thực hiện.
Các đối tượng thụ hưởng chính sách chủ yếu ở các bản xa trung tâm, dân trí còn thấp, tỷ lệ đói nghèo cao, cơ sở hạ tầng còn hạn chế nhất là giao thông, điện, thông tin liên lạc... gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện chương trình.
Một số đối tượng được thụ hưởng chính sách còn nặng tính trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng nên tiến độ triển khai xây dựng nhà còn chậm.
b) Nguyên nhân
Cán bộ trực tiếp thực hiện Đề án tại Ban Chỉ đạo tại các huyện, thị xã, thành phố được thành lập đều làm việc theo chế độ kiêm nhiệm khối lượng công việc rất lớn, nên việc thực hiện công việc của Đề án cũng phần nào gặp khó khăn. Một số UBND các xã, phường, thị trấn còn chưa sát sao và chưa thực sự hiểu tầm quan trọng của chính sách hỗ trợ dẫn tới chưa sâu sát trong công tác tuyên truyền giảm nghèo bền vững trên địa bàn mình quản lý.
Mức kinh phí hỗ trợ (cho vay) 25 triệu đồng/hộ còn tương đối thấp với việc hỗ trợ xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở nên các hộ gia đình hộ nghèo chủ yếu là người dân tộc nên khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn khác để cải tạo, sửa chữa nhà ở; tiến độ cấp vốn, cho vay vốn còn chậm so với mục tiêu và kế hoạch của Đề án.
Do cơ chế hỗ trợ theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Chính phủ chuyển từ hỗ trợ hoàn toàn như giai đoạn 2009-2013 sang cơ chế cho vay với lãi suất thấp nên tâm lý các hộ nghèo trong việc vay vốn hỗ trợ có sự thay đổi dẫn tới việc triển khai thực hiện Đề án đôi khi còn gặp nhiều khó khăn.
III. ĐÁNH GIÁ PHƯƠNG THỨC HUY ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ NGUỒN LỰC CỦA ĐỊA PHƯƠNG ĐÃ THỰC HIỆN NHẰM HỖ TRỢ NHÀ Ở ĐỐI VỚI HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO
1. Về phương thức huy động nguồn lực
- Vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội.
- Vốn từ Quỹ vì người nghèo.
- Vốn huy động khác (nguồn vốn xã hội hóa do Bộ Công an và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huy động).
2. Về quản lý nguồn lực của địa phương trong quá trình thực hiện hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo
Việc quản lý nguồn lực của địa phương trong quá trình thực hiện hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo được các địa phương thực hiện tốt.
3. Về thực hiện việc quản lý sử dụng, cấp phát, thanh toán nguồn vốn cấp, vay tín dụng ưu đãi cũng như các nguồn vốn huy động khác
Việc thực hiện quản lý sử dụng, cấp phát, thanh toán nguồn vốn cấp, vay tín dụng ưu đãi cũng như các nguồn vốn huy động khác được thực hiện đảm bảo tuân thủ theo quy định hiện hành.
4. Về cách thức hỗ trợ (người dân tự làm hoặc do các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng sau đó bàn giao cho hộ dân...)
- Hỗ trợ trực tiếp cho người dân tự làm đối với nguồn vốn vay ưu đãi và nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
- Tổ chức doanh nghiệp xây dựng sau đó bàn giao cho hộ dân đối với nguồn vốn xã hội hóa do Bộ Công an huy động.
5. Đánh giá chung về việc thực hiện huy động và quản lý nguồn lực của địa phương trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đã thực hiện trong thời gian qua
Nhìn chung trong những năm qua, việc huy động và quản lý vốn, quản lý nguồn lực tài chính trong quá trình thực hiện việc hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở được thực hiện nghiêm túc, đúng đối tượng, đúng chính sách Nhà nước quy định. Trong công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã có sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, cộng đồng dân cư như các chương trình về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tỉnh Điện Biên là địa phương có điều kiện kinh tế tương đối khó khăn và điều kiện kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn nên công tác xã hội hóa trong quá trình hỗ trợ còn hạn chế... các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ đa số là các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số nên việc huy động nguồn lực từ họ hàng, gia đình gặp nhiều khó khăn.
IV. MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu, nguyên tắc hỗ trợ
- Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
- Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân. Ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu địa phương và sử dụng lao động tại chỗ để thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo tỉnh Điện Biên thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
2. Yêu cầu về diện tích và chất lượng nhà ở
- Sau khi được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa, nhà ở phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, đảm bảo “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên.
- Các bộ phận nền - móng, khung - tường, mái của căn nhà phải được làm từ các loại vật liệu có chất lượng tốt, không làm từ các loại vật liệu tạm, mau hỏng, dễ cháy. Cụ thể:
“Nền - móng cứng” là nền - móng nhà làm bằng các loại vật liệu có tác dụng làm tăng độ cứng của nền như: vữa xi măng - cát, bê tông, bê tông cốt thép, xây gạch/đá, gạch lát, gỗ;
“Khung - tường cứng” bao gồm hệ thống khung, cột, tường. Tùy điều kiện cụ thể, khung, cột được làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc; tường xây gạch/đá hoặc làm từ gỗ bền chắc;
“Mái cứng” gồm hệ thống đỡ mái và mái lợp. Tùy điều kiện cụ thể, hệ thống đỡ mái có thể làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc. Mái làm bằng bê tông cốt thép, lợp ngói. Trường hợp mái bằng tôn lợp giả ngói, tôn lạnh, tôn cách nhiệt, tôn cán sóng và có kết cấu đỡ chắc chắn (khung sắt, gỗ...) liên kết bền chặt với tường xây, cột bê tông cốt thép thì mái tôn trong trường hợp này được coi là vật liệu bền chắc;
Trường hợp UBND cấp xã, cấp huyện có đề xuất sử dụng vật liệu có chất lượng tương đương có sẵn tại địa phương đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo thời hạn sử dụng. UBND cấp huyện chủ động nghiên cứu, đề xuất với UBND tỉnh (qua Sở Xây dựng) để xem xét quy định chủng loại vật liệu địa phương cụ thể (nếu có) báo cáo Bộ Xây dựng xem xét, quyết định.
3. Đối tượng được hỗ trợ Nhà ở
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021 - 2025) trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do UBND cấp xã quản lý tại thời điểm thực hiện dự án, đang cư trú trên địa bàn huyện nghèo và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Chương trình có hiệu lực thi hành tối thiểu 03 năm.
- Đối tượng thụ hưởng dự án không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, đề án, chính sách khác.
4. Phạm vi áp dụng
Trên địa bàn 7 huyện nghèo của tỉnh Điện Biên theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nhà ở thuộc một trong các trường hợp sau:
- Hộ nghèo, cận nghèo chưa có nhà ở hoặc nhà ở thuộc loại không bền chắc (trong ba kết cấu chính là nền - móng, khung tường, mái thì có ít nhất hai kết cấu được làm bằng vật liệu không bền chắc).
- Diện tích nhà ở bình quân đầu người của hộ nghèo, hộ cận nghèo nhỏ hơn 8m2.
- Chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội hoặc tổ chức xã hội khác.
5. Xác định số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở trên địa bàn tỉnh
5.1. Tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện đối tượng được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở (tính đến thời điểm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực thi hành): 4.682 hộ. Trong đó:
- Tổng số hộ có nhu cầu xây mới: 3.769 hộ.
- Tổng số hộ có nhu cầu sửa chữa: 913 hộ.
(Có phụ lục chi tiết số 01 kèm theo)
5.2. Phân loại theo hộ nghèo, hộ cận nghèo
a. Số hộ nghèo thuộc diện đối tượng được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở (tính đến thời điểm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực thi hành): 4.495 hộ, cụ thể ở các huyện nghèo như sau:
- Huyện Tủa Chùa: 805 hộ.
- Huyện Mường Ảng: 498 hộ.
- Huyện Nậm Pồ: 856 hộ.
- Huyện Mường Chà: 512 hộ.
- Huyện Tuần Giáo: 976 hộ.
- Huyện Điện Biên Đông: 354 hộ.
- Huyện Mường Nhé: 494 hộ.
b) Số hộ cận nghèo thuộc diện đối tượng được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở (tính đến thời điểm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực thi hành): 187 hộ.
- Huyện Tủa Chùa: 103 hộ.
- Huyện Mường Ảng: 47 hộ.
- Huyện Nậm Pồ: 21 hộ.
- Huyện Mường Chà: 0 hộ.
- Huyện Tuần Giáo: 0 hộ.
- Huyện Điện Biên Đông: 6 hộ.
- Huyện Mường Nhé: 10 hộ.
6. Phân loại đối tượng ưu tiên[3]
a) Hộ nghèo dân tộc thiểu số: 4.478 hộ.
b) Hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng: 2 hộ.
c) Hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội: 20 hộ.
d) Hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật): 3 hộ.
đ) Hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai: 5 hộ.
e) Các hộ nghèo, hộ cận nghèo còn lại: 174 hộ.
Đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo có cùng mức độ ưu tiên, việc hỗ trợ được thực hiện theo thứ tự sau:
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở hư hỏng, dột nát (làm bằng các vật liệu nhanh hỏng, chất lượng thấp) có nguy cơ sập đổ, không đảm bảo an toàn.
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở (là hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở riêng, hiện đang ở cùng bố mẹ nhưng đã tách hộ, ở nhờ nhà của người khác, thuê nhà ở - trừ trường hợp được thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước).
7. Nguồn vốn thực hiện
Kinh phí thực hiện Đề án quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; nguồn ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa hợp pháp khác theo quy định.
8. Xác định tổng số vốn thực hiện và phân khai nguồn vốn thực hiện[4]
Tổng số vốn cần có để thực hiện: 215,840 tỷ đồng.
- Vốn ngân sách Trung ương: 169,020 tỷ đồng (vốn sự nghiệp).
- Vốn ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa: 46,820 tỷ đồng.
(Có phụ lục chi tiết số 02 kèm theo)
9. Định mức kinh phí hỗ trợ và giải ngân vốn hỗ trợ
- Hỗ trợ nhà xây mới: 50.000.000 đồng/hộ; Sửa chữa nhà: 30.000.000 đồng/hộ (trong đó, vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương hỗ trợ: 40.000.000 đồng/hộ/nhà xây mới; 20.000.000 đồng/hộ/nhà sửa chữa, số tiền chênh lệch so với định mức hỗ trợ quy định tại Quyết định 02/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 được đảm bảo bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa)[5].
- Cơ chế quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Sở Tài chính.
10. Cách thức thực hiện
a) Bình xét và phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nhà ở:
- Tại cấp thôn và tương đương (gọi tắt là cấp thôn):
Công chức được giao nhiệm vụ làm công tác giảm nghèo cấp xã phối hợp Trưởng thôn chức họp để phổ biến nội dung chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 đến các hộ dân; lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở.
Trên cơ sở danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, tổ chức bình xét, đề xuất danh sách các hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ về nhà ở (theo mẫu tại Phụ lục I kèm theo Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng) gửi UBND cấp xã để xem xét, rà soát. Cuộc họp bao gồm Ban chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cấp xã, công chức được giao nhiệm vụ làm công tác giảm nghèo cấp xã, Trưởng thôn (chủ trì họp), Bí thư Chi bộ thôn, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và đại diện của các hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thôn; mời đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt nam cấp xã Giám sát.
Hộ được đưa vào danh sách đề nghị hỗ trợ phải được trên 50% số người tham dự cuộc họp đồng ý (theo hình thức biểu quyết giơ tay hoặc bỏ phiếu kín).
- Tại cấp xã:
UBND xã niêm yết công khai danh sách các hộ nghèo, hộ cận nghèo được đề xuất hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở tại nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng thôn và trụ sở UBND xã; thông báo qua đài truyền thanh cấp xã (nếu có) trong thời gian 03 ngày.
Hết thời hạn niêm yết công khai, UBND cấp xã rà soát, thẩm định, tổng hợp và gửi UBND cấp huyện danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở.
- Tại cấp huyện:
Sau 03 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được báo cáo của UBND cấp xã và đã được phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện thẩm định, UBND cấp huyện tổng hợp và phê duyệt danh sách báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng). Trường hợp phải điều chỉnh lại danh sách thì phải phê duyệt lại và báo cáo ngay cho UBND tỉnh.
Trường hợp phát sinh khiếu nại, tố cáo trong quá trình phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ về nhà ở thì việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo.
b) Thực hiện xây dựng nhà ở
- Thiết kế mẫu nhà ở:
Giao Sở Xây dựng nghiên cứu, đề xuất thiết kế tối thiểu 03 mẫu nhà ở điển hình) phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương (kèm theo dự toán kinh phí, dự trù vật liệu chủ yếu).
Các địa phương tổ chức giới thiệu các mẫu thiết kế để người dân tham khảo, lựa chọn. Tôn trọng nguyện vọng của người dân, không bắt buộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng nhà ở theo thiết kế mẫu.
Tùy theo điều kiện cụ thể, người dân có thể xây theo kinh nghiệm, truyền thống, phù hợp với điều kiện kinh tế, sinh hoạt của gia đình, nhưng phải đảm bảo tiêu chí tối thiểu về diện tích, chất lượng theo quy định.
- Tổ chức xây mới hoặc sửa chữa nhà ở:
Hộ nghèo, cận nghèo trong danh sách được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở ký cam kết xây mới hoặc sửa chữa nhà ở và đăng ký với UBND cấp xã đề nghị cung ứng vật liệu để xây mới hoặc sửa chữa nhà ở (nếu có nhu cầu), đề xuất lựa chọn mẫu nhà, phương thức xây mới hoặc sửa chữa nhà ở (theo mẫu tại Phụ lục II kèm theo Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng).
Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật) không có khả năng tự xây mới hoặc sửa chữa nhà ở thì UBND cấp xã phối hợp Mặt trận Tổ quốc xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận để thống nhất phân công các tổ chức thành viên, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tổ chức xây mới hoặc sửa chữa nhà ở cho các đối tượng này.
Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở phải báo cáo UBND cấp xã khi hoàn thành các phần việc theo giai đoạn (hoàn thành phần móng đối với những hộ xây dựng nhà ở mới, hoàn thành từ 30% khối lượng công việc trở lên đối với những hộ sửa chữa nhà ở hiện có) hoặc hoàn thành toàn bộ công trình để tổ chức nghiệm thu làm cơ sở thực hiện giải ngân vốn hỗ trợ.
UBND cấp xã có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, giám sát và giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo trong quá trình xây mới hoặc sửa chữa nhà ở đảm bảo tiến độ và chất lượng; lập biên bản xác nhận hoàn thành theo giai đoạn và biên bản xác nhận hoàn thành công trình đưa vào sử dụng (theo mẫu tại Phụ lục III và Phụ lục IV kèm theo Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng).
11. Tiến độ thực hiện: Tiến độ thực hiện từ năm 2023 đến hết năm 2025, cụ thể như sau:
- Năm 2023: Dự kiến hỗ trợ 1.278 hộ, trong đó: 1.029 hộ xây mới, 249 hộ sửa chữa nhà ở.
- Năm 2024: Dự kiến hỗ trợ 2.126 hộ, trong đó: 1.711 hộ xây mới, 415 hộ sửa chữa nhà ở.
- Năm 2025: Dự kiến hỗ trợ 1.278 hộ, trong đó: 1.029 hộ xây mới, 249 hộ sửa chữa nhà ở.
(Có phụ lục chi tiết 03 kèm theo)
12. Tiến độ huy động vốn hàng năm
a) Năm 2023 dự kiến: 58,920 tỷ đồng. Trong đó:
- Vốn ngân sách Trung ương: 46,140 tỷ đồng.[6]
- Vốn ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa: 12,780 tỷ đồng.
b) Năm 2024 dự kiến: 98 tỷ đồng. Trong đó:
- Vốn ngân sách Trung ương: 76,740 tỷ đồng.
- Vốn ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa: 21,260 tỷ đồng.
c) Năm 2025 dự kiến: 58,921 tỷ đồng. Trong đó:
- Vốn ngân sách Trung ương: 46,140 tỷ đồng.
- Vốn ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa: 12,780 tỷ đồng.
(Có phụ lục chi tiết số 04 kèm theo)
13. Tổ chức thực hiện
13.1. Các sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện Đề án.
13.2. Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện nghèo tổ chức thực hiện Đề án; nghiên cứu, đề xuất thiết kế tối thiểu 03 mẫu nhà ở điển hình theo quy định; theo dõi tình hình thực hiện và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
13.3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện nghèo tổ chức thực hiện Đề án; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
13.4. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp cho các đơn vị thực hiện Đề án; đồng thời hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán nguồn kinh phí thực hiện Đề án theo quy định hiện hành.
13.5. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Căn cứ Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo đã được UBND tỉnh phê duyệt, phối hợp với Sở Tài chính lập kế hoạch và phân bổ vốn đảm bảo theo quy định.
13.6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo các tổ chức chính trị là thành viên tiếp tục thực hiện các chương trình vận động, xây dựng và nhân rộng các mô hình hỗ trợ làm nhà hoạt động hiệu quả; vận động các nguồn lực từ cộng đồng dân cư, các mạnh thường quân và các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, huy động được nhiều nguồn vốn hơn nữa nhằm hỗ trợ tốt nhất về nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo có khó khăn về nhà ở.
13.7. UBND các huyện nghèo: Mường Ảng, Mường Chà, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Mường Nhé:
Rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo hoặc Ban quản lý thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở thuộc cấp quản lý để trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo tại địa phương;
Chỉ đạo công bố công khai các tiêu chuẩn, đối tượng và chỉ đạo bình xét, lập danh sách các hộ nghèo, khó khăn về nhà ở trên địa bàn; phân loại ưu tiên thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định. Chỉ đạo công tác lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;
Chỉ đạo các cơ quan liên quan, các cấp chính quyền địa phương phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn vận động cộng đồng giúp đỡ hộ nghèo xây dựng nhà ở;
Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện, đảm bảo chính sách đến được từng hộ nghèo có khó khăn về nhà ở; đảm bảo các hộ nghèo có nhà ở sau khi được hỗ trợ theo quy định. Chủ động theo dõi, rà soát, kịp thời phát hiện các trường hợp đã được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, đề án, chính sách khác (nếu có), kịp thời điều chỉnh danh sách và báo cáo ngay cho UBND tỉnh theo quy định;
Tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm, kịp thời kiến nghị các biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để trình các cấp, các ngành có thẩm quyền xem xét, giải quyết;
Định kỳ tổng hợp báo cáo tiến độ thực hiện về Sở Xây dựng trước ngày 01 của tháng cuối Quý, trước ngày 01 tháng 12 hàng năm;
Chỉ đạo UBND cấp xã: Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo tại địa phương; tổ chức công bố, công khai rộng rãi các chính sách có liên quan và Đề án này; chỉ đạo công tác bình xét đảm bảo dân chủ, công khai; niêm yết danh sách đối tượng được xét duyệt tại nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng thôn và trụ sở UBND xã; chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương giúp đỡ các hộ gia đình nghèo xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở; phát huy cao nhất nguồn lực từ cộng đồng và khả năng vận động của hộ gia đình để khai thác các vật liệu như cát, đá, gỗ hoặc ngày công lao động để tiết kiệm giá thành xây dựng nhà ở, nâng cao chất lượng nhà; chỉ đạo cấp thôn tổ chức phổ biến đến từng hộ dân trên địa bàn về các chủ trương, chính sách hỗ trợ nhà ở; tổ chức bình xét, lập danh sách và kế hoạch tổ chức thực hiện, báo cáo UBND cấp xã để tổng hợp, lập phương án chung của xã, trực tiếp tổ chức xây dựng và nghiệm thu từng công trình nhà ở được hỗ trợ tại địa phương.
V. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1. Kết luận
- Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo tỉnh Điện Biên thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được xây dựng trên cơ sở các chính sách ban hành theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025, đồng thời kết hợp với thực trạng và nhu cầu về nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương.
- Nội dung Đề án được xây dựng với hệ thống giải pháp, cơ chế chính sách đồng bộ, ngân sách trung ương giữ vai trò hỗ trợ, dẫn dắt kết hợp với sự hỗ trợ của cộng đồng và bản thân hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhằm tạo cơ hội cho các hộ nghèo, cận nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
2. Kiến nghị
Đồ nghị Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan xem xét nội dung Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo tỉnh Điện Biên thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định
Trên đây là Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo tỉnh Điện Biên thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; UBND tỉnh Điện Biên đề nghị các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm giúp đỡ địa phương trong công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh và yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện đảm bảo nội dung Đề án. Trong quá trình triển khai thực hiện có khó khăn, vướng mắc phát sinh đơn vị, địa phương báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Xây dựng) để xem xét xử lý theo quy định./.
PHỤ LỤC 01
TỔNG HỢP SỐ LIỆU HỖ TRỢ NHÀ Ở CHO HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN CÁC HUYỆN NGHÈO TỈNH ĐIỆN BIÊN
(Kèm theo Quyết định số 1987/QĐ-UBND ngày 28/10/2022 của UBND tỉnh)
Đơn vị: Hộ
STT | Nội dung | Tủa Chùa | Mường Ảng | Nậm Pồ | Mường Chà | Tuần Giáo | Điện Biên Đông | Mường Nhé | TỔNG |
I | Phân theo đối tượng |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Tổng số hộ nghèo | 805 | 498 | 856 | 512 | 976 | 354 | 494 | 4.495 |
2 | Tổng số hộ cận nghèo | 103 | 47 | 21 | 0 | 0 | 6 | 10 | 187 |
3 | Hộ nghèo dân tộc thiểu số | 799 | 493 | 856 | 512 | 970 | 354 | 494 | 4.478 |
4 | Hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng | 1 | 0 | 0 | 0 | 1 | 0 | 0 | 2 |
5 | Hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội | 16 | 2 | 0 | 0 | 1 | 1 | 0 | 20 |
6 | Hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật) | 1 | 0 | 0 | 0 | 2 | 0 | 0 | 3 |
7 | Hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 5 | 0 | 5 |
8 | Các hộ nghèo, hộ cận nghèo còn lại | 91 | 50 | 21 | 0 | 2 | 0 | 10 | 174 |
II | Nhu cầu xây mới, sửa chữa |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Số hộ có nhu cầu xây dựng nhà ở mới | 665 | 429 | 530 | 413 | 976 | 331 | 425 | 3.769 |
2 | Số hộ có nhu cầu sửa chữa nhà ở | 243 | 116 | 347 | 99 | 0 | 29 | 79 | 913 |
PHỤ LỤC 02
TỔNG HỢP NHU CẦU VỐN SỐ THỰC HIỆN VÀ PHÂN KHAI NGUỒN VỐN THỰC HIỆN
(Kèm theo Quyết định số 1987/QĐ-UBND ngày 28/10/2022 của UBND tỉnh)
Đơn vị: Đồng
Stt | Nội dung | Số lượng (hộ) | Nhu cầu vốn ngân sách trung ương | Nhu cầu vốn ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa | Ghi chú | ||
Định mức hỗ trợ | Tổng | Định mức hỗ trợ | Tổng | ||||
1 | Số hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu xây mới | 3.769 | 40.000.000 | 150.760.000.000 | 10.000.000 | 37.690.000.000 |
|
2 | Số hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu sửa chữa | 913 | 20.000.000 | 18.260.000.000 | 10.000.000 | 9.130.000.000 |
|
| Tổng | 4.682 |
| 169.020.000.000 |
| 46.820.000.000 |
|
Ghi chú: Định mức hỗ trợ được phê duyệt tại Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND ngày 08/7/2022 của HĐND tỉnh.
PHỤ LỤC 03
TỔNG HỢP DỰ KIẾN TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN HỖ TRỢ
(Kèm theo Quyết định số 1987/QĐ-UBND ngày 28/10/2022 của UBND tỉnh)
Đơn vị: Hộ
Stt | Nội dung | Tổng số hộ | Năm 2022 | Năm 2023 | Năm 2024 | Năm 2025 | Ghi chú |
1 | Số hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ xây mới | 3.769 | 0 | 1.029 | 1.711 | 1.029 |
|
2 | Số hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ sửa chữa | 913 | 0 | 249 | 415 | 249 |
|
| Tổng | 4.682 | 0 | 1.278 | 2.126 | 1.278 |
|
Ghi chú: Tính toán căn cứ căn cứ trên cơ sở định mức hỗ trợ và huy động vốn nêu trên.
PHỤ LỤC 03
TỔNG HỢP DỰ KIẾN TIẾN ĐỘ HUY ĐỘNG VỐN HÀNG NĂM
(Kèm theo Quyết định số 1987/QĐ-UBND ngày 28/10/2022 của UBND tỉnh)
Đơn vị: Tỷ đồng
Stt | Nội dung | Vốn cả giai đoạn | Năm 2022 | Năm 2023 | Năm 2024 | Năm 2025 | Ghi chú |
1 | Vốn ngân sách trung ương | 169.020 | 0 | 46.140 | 76.740 | 46.140 |
|
2 | Vốn ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa | 46.820 | 0 | 12.780 | 21.260 | 12.780 |
|
| Tổng | 215.840 | 0 | 58.920 | 98.000 | 58.920 |
|
Ghi chú: Tiến độ huy động vốn ngân sách trung ương dự kiến năm 2023 theo Báo cáo số 240/BC-UBND ngày 25/8/2022 của UBND tỉnh.
[1] Tổng hợp theo đề xuất của UBND các huyện nghèo.
[2] Theo Báo cáo số 19/BC-UBND ngày 22/01/2021 của UBND tỉnh về kết quả thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Điện Biên
[3] Tổng hợp phân loại đối tượng ưu tiên trên cơ sở số liệu do UBND các huyện phê duyệt, cung cấp.
[4] Tính toán trên cơ sở tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện đối tượng được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở và định mức hỗ trợ được HĐND tỉnh phê duyệt tại Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND ngày 08/7/2022.
[5] Định mức hỗ trợ được HĐND tỉnh phê duyệt tại Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND ngày 08/7/2022.
[6] Theo Báo cáo số 240/BC-UBND ngày 25/8/2022 của UBND tỉnh
- 1Quyết định 2518/QĐ-UBND năm 2019 về định mức hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nhà ở chính duy nhất bị cuốn trôi, sập hoàn toàn, hư hỏng nặng do thiên tai, hỏa hoạn gây ra từ nguồn Quỹ Xóa đói giảm nghèo tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020
- 2Quyết định 919/QĐ-UBND năm 2021 Đề án hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, khó khăn về nhà ở tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa
- 3Quyết định 1119/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cà Mau
- 4Quyết định 2088/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định 90/QĐ-TTg) do tỉnh Yên Bái ban hành
- 5Quyết định 2921/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo tỉnh Quảng Trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025
- 6Quyết định 2659/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025
- 7Quyết định 2695/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện thuộc tỉnh Lào Cai theo Quyết định 90/QĐ-TTg
- 8Hướng dẫn 47/HD-BGNBV năm 2016 về khảo sát bổ sung lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh
- 1Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo do Chính phủ ban hành
- 2Luật khiếu nại 2011
- 3Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 4Quyết định 33/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Luật Tố cáo 2018
- 6Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 7Quyết định 2518/QĐ-UBND năm 2019 về định mức hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nhà ở chính duy nhất bị cuốn trôi, sập hoàn toàn, hư hỏng nặng do thiên tai, hỏa hoạn gây ra từ nguồn Quỹ Xóa đói giảm nghèo tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020
- 8Quyết định 919/QĐ-UBND năm 2021 Đề án hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, khó khăn về nhà ở tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa
- 9Quyết định 90/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Quyết định 02/2022/QĐ-TTg quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Quyết định 353/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12Quyết định 1119/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cà Mau
- 13Thông tư 01/2022/TT-BXD hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 14Nghị quyết 10/2022/NQ-HĐND quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh Điện Biên
- 15Quyết định 2088/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định 90/QĐ-TTg) do tỉnh Yên Bái ban hành
- 16Quyết định 2921/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo tỉnh Quảng Trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025
- 17Quyết định 2659/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025
- 18Quyết định 2695/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện thuộc tỉnh Lào Cai theo Quyết định 90/QĐ-TTg
- 19Hướng dẫn 47/HD-BGNBV năm 2016 về khảo sát bổ sung lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh
Quyết định 1987/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo tỉnh Điện Biên thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025
- Số hiệu: 1987/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/10/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
- Người ký: Lê Thành Đô
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra