Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1987/QĐ-UB

Đà Lạt, ngày 17 tháng 12 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUI CHẾ VỀ VIỆC TỔ CHỨC PHỐI HỢP TIẾP CÔNG DÂN CỦA TỈNH LÂM ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/06/1994;

- Căn cứ Nghị định 89/CP ngày 7/8/1997 của Chính phủ về việc ban hành qui chế tổ chức tiếp công dân;

- Căn cứ Thông tư số 1178/TTNN ngày 25/9/1997 của Thanh tra Nhà nước;

- Sau khi thống nhất với Thường trực Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND tỉnh;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1 : Nay ban hành Bản qui chế về việc tổ chức phối hợp tiếp công dân của tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2 : Bản qui chế này có hiệu lực kể từ ngày 1/1/1998. Những quy định trước đây về việc tiếp công dân trái với qui chế này đều được bãi bỏ.

Điều 3 : Các ông : Chánh văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoài Bão

 

QUI CHẾ

VỀ VIỆC PHỐI HỢP TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN Ở TỈNH VÀ CÁC HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1987/QĐ-UB Ngày 17/12/1997 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

Chương I

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1 : Tiếp công dân nhằm mục đích :

1. Tiếp nhận các thông tin, kiến nghị, phản ánh góp ý những vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác quản lý của địa phương và của cơ quan đơn vị.

2. Tiếp nhận khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan là thành viên Hội đồng tiếp công dân để xem xét ra quyết định, kết luận giải quyết hoặc trả lời cho công dân biết đúng thời hạn quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân.

Điều 2 :

- Nếu khiếu nại tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết thì tuỳ theo từng trường hợp cụ thể để quyết định nhận đơn giao cho cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cơ quan đó giải quyết hoặc hướng dẫn công dân đến đúng nơi có thẩm quyền giải quyết

- Khi tiếp công dân phải ăn mặc chỉnh tề, phải đeo thẻ công chức hoặc biển hiệu ghi rõ chức vụ của từng thành viên để công dân biết.

- Chỉ tổ chức tiếp công dân ở công sở, không tiếp ở nhà riêng.

Điều 3 : Nơi tiếp công dân phải tổ chức lại địa điểm thuận tiện, khang trang, bảo đảm các điều kiện cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trình bày, kiến nghị, phản ánh được dễ dàng thuận lợi.

Tại nơi tiếp công dân phải niêm yết ngày giờ tiếp, nội quy tiếp dân, trình tự thủ tục khiếu nại tố cáo để công dân biết và thực hiện.

Điều 4 :

Công dân khi đến nơi tiếp dân phải thực hiện đúng nội quy nơi tiếp dân và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung khiếu nại tố cáo của mình.

Chương II

NHỮNG QUI ĐỊNH TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN Ở TỈNH

Điều 5 : Địa điểm tiếp công dân

Thường trực Tỉnh uỷ, Thường trực Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân tỉnh thống nhất tiếp công dân chung tại một địa điểm gọi là nơi tiếp công dân của tỉnh, đặt tại số 8 đường Trần Hưng Đạo Đà Lạt.

Điều 6 : Thời gian tiếp công dân

Mỗi tháng ba lần vào các ngày 5, 15 và 25, Thường trực Tỉnh uỷ, Thường trực Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, cùng Đoàn ĐBQH tham gia tổ chức tiếp công dân. Nếu các ngày nói trên là ngày nghỉ lễ, ngày chủ nhật thì chuyển sang ngày hôm sau.

Điều 7 : Thành phần tiếp công dân :

- Một đại diện của Thường trực Tỉnh uỷ

- Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh

- Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, nếu chủ tịch đi vắng thì cử một Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh tiếp thay.

- Mời thành viên của Đoàn ĐBQH

- Đại diện một số ngành tham gia để trả lời về những vấn đề có liên quan mà công dân phản ánh, kiến nghị.

Điều 8 : Việc phục vụ và tổ chức tiếp dân :

1. VP.Uỷ ban Nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm đảm bảo kinh phí, phương tiện và các điều kiện để phục vụ cho việc tổ chức tiếp công dân ở tỉnh.

2. Thanh tra tỉnh cử đại diện để tham gia giúp Hội đồng tiếp công dân ghi chép đầy đủ các nội dung phản ánh kiến nghị, thắc mắc của công dân, các kết luận của Hội đồng tiếp công dân, tổ chức theo dõi, tổng hợp kết quả giải quyết và định kỳ báo cáo cho thành viên Hội đồng tiếp công dân.

Chương III

NHỮNG QUI ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN Ở CÁC HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH

Điều 9 :

1. Các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt bố trí nơi tiếp dân đảm bảo đầy đủ các điều kiện quy định tại điều 3 bản qui chế tổ chức tiếp công dân ban hành kèm theo Nghị định 89/CP của Chính phủ và điểm B/1 Thông tư hướng dẫn số 1178/TTNN của Thanh tra Nhà nước.

2. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt phải trực tiếp tiếp công dân, ít nhất mỗi tháng hai lần, có lịch tiếp, thông báo để công dân biết. Trong ngày tiếp theo định kỳ, nếu chủ tịch vắng thì cử một phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tiếp thay.

3. Thành phần tiếp công dân ở các huyện, thị xã, thành phố gồm : Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân, đại diện cấp uỷ và Thường trực Hội đồng Nhân dân cùng cấp tham dự.

4. Chánh thanh tra các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm làm tham mưu giúp cho lãnh đạo của địa phương về việc tổ chức tiếp công dân của địa phương mình và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ lên cấp trên.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10 :

Yêu cầu các thành viên được phân công tham gia phối hợp tiếp công dân ở tỉnh tham gia đầy đủ các kỳ tiếp dân hàng tháng theo quy định.

Điều 11 : Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt có trách nhiệm triển khai thực hiện các quy định tại bản qui chế này ở địa phương mình.

Định kỳ hàng quý có báo cáo kết quả công tác tổ chức tiếp dân về Uỷ ban Nhân dân tỉnh đồng gửi cho Thanh tra tỉnh để tổng hợp theo dõi.

Điều 12 : Giao Chánh Thanh tra tỉnh làm tham mưu giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh trong việc tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra đối với các địa phương, đơn vị trong việc thực hiện qui chế tổ chức tiếp công dân của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Thanh tra Nhà nước cũng như qui chế này. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ lên cấp trên theo quy định tại điều 20 của qui chế tiếp công dân của Chính phủ.

Điều 13 :

Công an tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan Công an các cấp tổ chức bảo vệ trật tự tại nơi tiếp công dân theo quy định tại Nghị định 89/CP của Chính phủ.

Điều 14 : Quá trình thực hiện qui chế này, cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích sẽ được biểu dương khen thưởng kịp thời.

Cơ quan, đơn vị, cá nhân nào vi phạm các quy định của qui chế này sẽ xử lý theo pháp luật hiện hành.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1987/QĐ-UB năm 1997 Ban hành qui chế về việc tổ chức phối hợp tiếp công dân của tỉnh Lâm Đồng

  • Số hiệu: 1987/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/12/1997
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Nguyễn Hoài Bão
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 01/02/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản