Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1980/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 19 tháng 09 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội;

Căn cứ Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn lập Quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Văn bản số 2134/BNN-TCLN ngày 27/6/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thẩm định Quy hoạch bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 97/NQ-HĐND ngày 12/07/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang về Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2011-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 329/TT-SNN ngày 16/9/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2011-2020; với nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu

a) Về kinh tế

- Đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu tập trung ở các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên và các xã phía Nam của huyện Xín Mần đảm bảo đáp ứng nguồn nguyên liệu cho nhà máy giấy Bãi Bằng và các nhà máy chế biến lâm sản trong tỉnh.

- Xây dựng và phát triển nền lâm nghiệp sản xuất hàng hóa đa dạng với nhiều thành phần kinh tế, đáp ứng lâu dài và ổn định nhu cầu gỗ và các loại lâm sản khác cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, đóng góp một phần trong giá trị tổng sản phẩm kinh tế quốc dân.

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, cây đa mục đích về kinh tế và phòng hộ, kết hợp với áp dụng các giải pháp lâm sinh hữu hiệu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng; rút ngắn chu kỳ kinh doanh, nâng cao giá trị thu nhập cho người dân sản xuất lâm nghiệp.

- Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng tăng giá trị rừng kinh tế, phát triển sản xuất lâm nghiệp thành một ngành quan trọng đem lại thu nhập cho người trồng rừng; nâng dần tỷ trọng giá trị dịch vụ môi trường rừng; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm lâm nghiệp.

- Phấn đấu đến năm 2020 giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên 1.500 tỷ đồng/năm và chiếm trên 40% trong cơ cấu kinh tế ngành nông lâm ngư nghiệp.

b) Về môi trường

Làm tốt công tác bảo vệ rừng tự nhiên, rừng trồng (đặc dụng và phòng hộ); khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, kết hợp với trồng rừng để nâng cao chất lượng rừng đạt được độ che phủ của rừng lên 60% vào năm 2020. Đảm bảo bảo vệ môi trường sinh thái, phòng hộ đầu nguồn, hạn chế thiên tai, giảm thiểu khí phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu.

c) Về xã hội

- Tạo thêm việc làm cho khoảng 30 nghìn lao động; tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho người làm nghề rừng, đặc biệt cho đồng bào các dân tộc ít người; góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống nhân dân nông thôn miền núi đặc biệt là 4 huyện vùng cao núi đá.

- Thông qua hoạt động sản xuất lâm nghiệp, tạo môi trường đào tạo và chuyển giao công nghệ cho người dân làm nghề rừng. Nâng cao nhận thức hiểu biết về vai trò, tầm quan trọng của rừng đối với môi trường sinh thái và phát triển kinh tế xã hội của địa phương, về pháp luật và về thị trường kinh doanh.

d) Về an ninh quốc phòng

- Tạo được việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống dân cư sẽ hạn chế các tệ nạn xã hội; góp phần giữ vững an ninh và trật tự xã hội vùng cao biên giới.

- Bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn, khu vực hành lang biên giới góp phần đảm bảo khả năng phòng thủ của các khu rừng đối với an ninh quốc phòng của tỉnh và quốc gia.

2. Nhiệm vụ cụ thể

a) Phân vùng sản xuất nguyên liệu chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ

- Vùng sản xuất gỗ lớn: 872 ha;

- Vùng sản xuất gỗ xây dựng và gia dụng: 1.042 ha;

- Vùng sản xuất gỗ nguyên liệu giấy: 65.672 ha;

- Vùng sản xuất cung cấp nguyên liệu chế biến ván thanh, gỗ bóc và nguyên liệu cho nhà máy MDF: 182.089 ha;

- Vùng sản xuất cây dược liệu dưới tán rừng: 10.000 ha.

b) Nhiệm vụ lâm sinh và xây dựng kết cấu hạ tầng lâm nghiệp

- Bảo vệ diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng hiện có: 416.232 ha, nhằm đảm bảo phòng hộ đầu nguồn, môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn gen, cung cấp lâm sản cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

- Khoanh nuôi phục hồi rừng 35.572 ha

- Trồng rừng tập trung 98.289 ha, trong đó trồng mới trên đất chưa có rừng 61.865 ha, trồng lại rừng sau khai thác 36.424 ha.

- Trồng cây phân tán: 6.719 ha.

- Xây dựng kết cấu hạ tầng lâm nghiệp, bao gồm nâng cấp hệ thống vườn ươm hiện có; xây dựng mới 2 vườn; xây dựng 40 ha rừng giống; duy tu sửa chữa đường vận xuất vận chuyển lâm sản; mở mới 70 km đường lâm nghiệp, xây dựng 04 trạm bảo vệ rừng, thiết lập 567 bảng, biển tuyên truyền bảo vệ rừng.

3. Quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp đến năm 2020

Tổng diện tích đất lâm nghiệp: 566.561 ha, trong đó:

a) Rừng đặc dụng: 55.782 ha, trong đó: Đất có rừng 52.951 ha; đất chưa có rừng 2.831 ha.

b) Rừng phòng hộ: 249.676 ha, trong đó: Đất có rừng 236.850 ha; đất chưa có rừng 12.826 ha.

c) Rừng sản xuất: 261.103 ha, trong đó: Đất có rừng 244.711 ha; đất chưa có rừng 16.392 ha.

4. Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng

a) Các hạng mục quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng

Hạng mục

Đơn vị tính

Tổng cộng

Phân theo loại rừng

Đặc dụng

Phòng hộ

Sản xuất

I. Giai đoạn 2013 - 2015

 

 

 

 

 

1. Bảo vệ rừng

Lượt ha

1.281.356

145.074

563.244

573.039

2. KN phục hồi rừng

Lượt ha

106.716

8.057

86.467

12.192

3. Trồng và chăm sóc rừng

ha

23.718

839

6.115

16.764

Trồng mới

ha

21.563

839

6.115

14.609

Trồng sau khai thác

ha

2.155

 

 

2.155

4. Trồng cây phân tán

ha

6.719

 

 

6.719

5. Xây dựng vườn ươm

m2

22.000

 

 

 

6. Xây dựng rừng giống

ha

40

 

 

 

7. Xây dựng đường lâm nghiệp

km

70

 

 

 

Xây dựng mới

km

70

 

 

 

II. Giai đoạn 2016 - 2020

 

 

 

 

 

1. Bảo vệ rừng

Lượt ha

2.273.931

252.901

1.062.731

958.299

2. KN phục hồi rừng

Lượt ha

71.144

5.372

57.645

8.128

3. Trồng và chăm sóc rừng

ha

74.570

980

10.430

63.160

Trồng mới

ha

40.302

980

10.430

28.892

Trồng sau khai thác

ha

34.268

 

 

34.268

b) Khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ

- Khai thác gỗ

Khai thác

Khai thác gỗ

Diện tích (ha)

Sản lượng (m3)

Giai đoạn 2013 - 2015

2.155

122.308

Giai đoạn 2016 - 2020

34.268

1.706.901

Tổng cộng

36.424

1.829.209

- Lâm sản ngoài gỗ

Giai đoạn

Đơn vị

Lâm sản ngoài gỗ

Diện tích (ha)

Tổng sản lượng

S.L. Bình quân/năm

2013-2015

 

 

 

 

- Tre luồng (trồng)

1000 cây

476,6

2.574

858

- Nứa, vầu (rừng tự nhiên)

1000 cây

57.284,8

177.777

59.259

+ Nứa, vầu thuần loài

1000 cây

6.436,8

35.402

11.801

+ Nứa, vầu hỗn giao

1000 cây

50.848,0

142.374

47.458

Song mây

Tấn

 

120

40

Lá cọ

1000 tấn

 

45.000

15.000

Măng tươi

Tấn

 

11.870

3.957

Dược liệu

Tấn

 

1.371

457

2016-2020

 

 

 

 

- Tre luồng (trồng)

1000 cây

476,6

4.289

858

- Nứa, vầu (rừng tự nhiên)

1000 cây

57.285

296.295

59.259

+ Nứa, vầu thuần loài

1000 cây

6.437

59.004

11.801

+ Nứa, vầu hỗn giao

1000 cây

50.848

237.291

47.458

Song mây

Tấn

 

200

40

Lá cọ

1000 tấn

 

75.000

15.000

Măng tươi

Tấn

 

17.000

3.400

Dược liệu

Tấn

 

2.285

457

c) Chế biến gỗ và lâm sản

Xác định các mặt hàng chủ lực: Giấy và bột giấy, ván nhân tạo, MDF, gỗ xuất khẩu, bao bì công nghiệp, mây tre đan xuất khẩu, đồ gia dụng...

Đầu tư nâng cấp trang thiết bị các cơ sở chế biến giấy, ván nhân tạo hiện có nhằm nâng cao công suất và chất lượng sản phẩm, cần được đa dạng sản phẩm.

Chế biến dược liệu: Xây dựng 9 cơ sở chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh như sau: Thị trấn Phó Bảng huyện Đồng Văn; xã Pả Vi huyện Mèo Vạc; xã Mậu Duệ huyện Yên Minh; xã Tả Ván, Cao Mã Pờ huyện Quản Bạ; xã Cao Bồ huyện Vị Xuyên; xã Quảng Nguyên, Nấm Dẩn huyện Xín Mần; xã Túng Sán huyện Hoàng Su Phì.

5. Các giải pháp thực hiện

a) Giải pháp về tổ chức quản lý tổ chức sản xuất

- Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền và phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế có năng lực tài chính tham gia phát triển lâm nghiệp với nhiều hình thức tổ chức sản xuất khác nhau đạt hiệu quả cao như liên doanh, liên kết giữa các chủ rừng và các cơ sở, nhà máy chế biến lâm sản trên địa bàn tạo mối liên kết bền vững trong phát triển kinh tế lâm nghiệp.

b) Giải pháp về khoa học và công nghệ và môi trường

- Đầu tư tuyển chọn, tạo nguồn giống, nhập hạt giống chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sản xuất, cung ứng giống lâm nghiệp phục vụ kế hoạch trồng rừng hàng năm; tăng cường áp dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống.

- Đầu tư đổi mới công nghệ chế biến đồ mộc dân dụng, ván ghép thanh, ván MDF; đồ mộc cao cấp và hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa lâm sản và hiệu quả sử dụng gỗ rừng trồng. Đẩy mạnh việc tinh chế sản phẩm và sản xuất đồ gỗ chất lượng cao.

- Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng làm cơ sở xây dựng các Dự án bảo vệ, trồng rừng và khoanh nuôi phục hồi rừng; tác động tích cực đến môi trường tự nhiên, tạo việc làm cho người dân miền núi. Trong quá trình xây dựng vốn rừng như: Trồng rừng, làm giàu rừng...cần chú ý tới việc lựa chọn thời vụ trồng thích hợp, loài cây trồng đa tác dụng, cơ cấu cây trồng và phương thức trồng, phương pháp trồng cụ thể cho từng đối tượng đất trên các đai cao, trên các cấp xung yếu khác nhau, trên rừng phòng hộ đầu nguồn hay rừng sản xuất để lựa chọn phương pháp xử lý thực bì thích hợp hạn chế thấp nhất gây tác hại bất lợi tới môi trường đất và ảnh hưởng bất lợi tới hoàn cảnh rừng trong khu vực.

- Trong khai thác sử dụng rừng: Cần chú trọng tới phương thức khai thác rừng cho từng khu vực, từng mức độ xung yếu để lựa chọn phương thức khai thác hợp lý... để không gây ảnh hưởng và tác động bất lợi tới môi trường, khả năng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ môi trường sinh thái, ảnh hưởng tới nguồn nước sản xuất nông nghiệp.

- Trong chế biến lâm sản: Lựa chọn dây chuyền công nghệ tiên tiến, chú trọng việc xây dựng quy trình xử lý nước thải, chất thải rắn, giảm tiếng ồn, xử lý hóa chất... để giảm thiểu những tác động bất lợi tới môi trường.

c) Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

- Tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và khoa học kỹ thuật lâm nghiệp, đặc biệt chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn với thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.

- Tăng cường đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý lâm nghiệp có kinh nghiệm thực tiễn cho các Ban quản lý rừng đặc dụng, các dự án lâm nghiệp, các trang trại lâm nghiệp.

d) Giải pháp về chính sách

- Thực hiện chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư vào trồng rừng, khai thác, chế biến và xuất khẩu lâm sản.

- Khai thác tối đa thị trường trong tỉnh, mở rộng thị trường lâm sản với các tỉnh vùng sông Hồng; tăng cường xuất đồ gỗ sang thị trường Trung Quốc

- Thực hiện hỗ trợ sản xuất lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, điều chỉnh bổ sung suất đầu tư cho trồng rừng phòng hộ và đặc dụng, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và tổ chức giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình trên diện tích đất chưa có chủ quản lý theo Thông tư số 38/2007/TT-BNN trên đối tượng rừng sản xuất trên quy mô toàn tỉnh.

đ) Giải pháp về nguồn lực đầu tư

Thực hiện huy động lồng ghép các nguồn vốn để bảo vệ và phát triển rừng, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển rừng; tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân tiếp cận được các nguồn vốn vay tín dụng đầu tư và các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, tranh thủ nguồn vốn ngân sách Trung ương để đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo quy định của Chính phủ.

e) Giải pháp về phát triển rừng

- Xây dựng và ban hành cơ chế chính sách thuận lợi để tạo điều kiện cho các tổ chức, các tập đoàn, Tổng Công ty trong nước và quốc tế đến đầu tư theo các hình thức liên doanh, liên kết, đầu tư không hoàn lại của các tổ chức trong bảo vệ rừng, phát triển rừng, nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

- Khuyến khích, đẩy mạnh mô hình liên kết 4 nhà trong phát triển kinh tế đồi rừng; ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

6. Nguồn vốn đầu tư và hiệu quả

a) Nguồn vốn đầu tư

Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011- 2020 là 5.441,5 tỷ đồng, cụ thể:

- Giai đoạn 2011-2015 (2013; 2014; 2015): 1.375,2 tỷ đồng

- Giai đoạn 2016-2020: 4.066,3 tỷ đồng

Chia theo nguồn vốn:

- Vốn ngân sách: 1.496,5 tỷ đồng; chiếm 27,5%.

- Vốn tín dụng: 2.874 tỷ đồng; chiếm 52,8%.

- Vốn tự có: 1.071 tỷ đồng; chiếm 19,65%.

b) Dự báo hiệu quả

- Về môi trường

+ Ổn định và phát triển bền vững 3 loại rừng, đảm bảo độ che phủ của rừng tỉnh Hà Giang đạt trên 60% vào năm 2020; duy trì và nâng cao chất lượng độ che phủ của rừng trong giai đoạn 2013-2020, phát huy khả năng phòng hộ đầu nguồn điều hòa nguồn nước, bảo tồn nguồn gen quý hiếm.

+ Nâng cao sự ổn định hệ sinh thái rừng và môi trường, hấp thụ khí CO2 giảm thiểu hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu toàn cầu.

- Về kinh tế

+ Giai đoạn 2013 - 2020 sẽ cung cấp cho thị trường 1.784.600 m3 gỗ với giá bán bình quân 1 triệu đồng/m3 sẽ đóng góp vào tổng giá trị sản phẩm xã hội trên 1.784 tỷ đồng.

+ Ngoài ra còn nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mỗi năm khoảng 20-25 tỷ đồng.

+ Cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho các cơ sở chế biến trong tỉnh và ngoài tỉnh, tạo nguồn thu nhập cho người dân làm nghề rừng.

+ Đảm bảo cung cấp gỗ gia dụng, lâm sản ngoài gỗ và chất dầu cho nhu cầu xã hội. Từ đó sẽ góp phần tăng GDP của ngành lâm nghiệp trong tổng GDP của tỉnh.

- Về xã hội và an ninh quốc phòng

+ Hàng năm, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động/năm và thu hút hàng chục nghìn lao động theo thời vụ vào bảo vệ và phát triển rừng của các địa phương trong tỉnh; ổn định và nâng cao đời sống dân cư về mọi mặt, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn miền núi.

+ Giải quyết việc làm, đời sống ổn định là nhân tố quan trọng để ổn định xã hội, thực hiện các chính sách xã hội của Nhà nước và địa phương trên địa bàn dân cư.

+ Người dân được học tập, được tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, những mô hình sản xuất giỏi, nâng cao trình độ nhận thức để vận dụng sáng tạo trong sản xuất, làm tăng hiệu quả và chất lượng hoạt động sản xuất lâm nghiệp.

+ Phát triển lâm nghiệp ổn định và bền vững, gắn liền với việc triển khai đồng bộ các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước là nền tảng cho việc củng cố an ninh quốc phòng.

+ Ổn định cuộc sống người dân vùng biên, giúp người dân yên tâm xây dựng kinh tế kết hợp với bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ biên giới Quốc gia.

7. Xác định danh mục các dự án và dự án ưu tiên đầu tư và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (10 dự án).

7.1. Danh mục các dự án

a) Dự án nâng cao chất lượng giống và sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp. Thời gian thực hiện 2013-2015

b) Dự án Quy hoạch bảo vệ phát triển và phát triển rừng cấp huyện. Thời gian thực hiện: Năm 2013

c) Dự án Quy hoạch xây dựng vườn Quốc gia trực thuộc tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Năm 2013

d) Điều tra đối tượng được chi trả dịch vụ môi trường rừng từ các nhà máy thủy điện trong vùng. Thời gian thực hiện: Năm 2013

đ) Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng tỉnh Hà Giang đến năm 2020.Thời gian thực hiện: Năm 2013

e) Quy hoạch khu cảnh quan Mã Pì Lèng và khu BTTN Chí Sán huyện Mèo Vạc. Thời gian thực hiện: Năm 2014

f) Dự án rà soát điều chỉnh diện tích đất lâm nghiệp đã giao và giao khoán rừng cho các tổ chức và hộ gia đình. Thời gian: Năm 2014

g) Dự án đào tạo nguồn nhân lực. Thời gian: 2013-2015

h) Dự án điều tra kiểm kê rừng. Thời gian: 2014-2015

i) Dự án trồng rừng ứng phó với biến đổi khí hậu lưu vực đầu nguồn sông Chảy, sông Nho Quế, sông Gâm tỉnh Hà Giang. Thời gian thực hiện: 2014 - 2020.

7.2. Các dự án ưu tiên (6 dự án)

a) Dự án Quy hoạch xây dựng vườn Quốc gia trực thuộc tỉnh.

b) Điều tra đối tượng được chi trả dịch vụ môi trường rừng từ các nhà máy thủy điện trong vùng.

c) Quy hoạch khu cảnh quan Mã Pì Lèng và khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán huyện Mèo Vạc.

d) Dự án điều tra kiểm kê rừng.

đ) Dự án trồng rừng ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc lưu vực đầu nguồn sông Chảy, sông Nho Quế, sông Gâm tỉnh Hà Giang.

e) Dự án rà soát điều chỉnh diện tích đất lâm nghiệp đã giao và giao khoán rừng cho các tổ chức và hộ gia đình.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh giai đoạn 2011-2020.

- Tổ chức công bố quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011-2020 đã được phê duyệt và hướng dẫn UBND các huyện, thành phố lập quy hoạch bảo vệ phát triển rừng cấp huyện trình UBND tỉnh phê duyệt; xây dựng và lựa chọn thực hiện các dự án theo thứ tự ưu tiên đã được xác định trong quy hoạch.

- Bàn giao các sản phẩm quy hoạch cho các đơn vị, địa phương (cấp huyện, xã) để làm cơ sở quản lý và tổ chức thực hiện.

- Phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố theo dõi, đánh giá việc thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011 - 2020, báo cáo, đề xuất kịp thời việc bổ sung, điều chỉnh quy hoạch khi cần thiết và theo niên độ quy hoạch.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu, đề xuất cân đối, bố trí vốn ngân sách và các nguồn vốn khác để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, cùng với các địa phương, các chủ rừng rà soát quy hoạch sử dụng đất thực hiện giao, cho thuê đất lâm nghiệp; giao rừng, cho thuê rừng phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, hoàn thành việc giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.

4. Các Sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố; các Công ty Lâm nghiệp có trách nhiệm thực hiện có hiệu quả theo đúng nội dung Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011 - 2020, đồng thời xem xét điều chỉnh quy hoạch của ngành, địa phương phù hợp với nội dung Quy hoạch này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Cục Thống kê tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, NNTN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Tiến

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1980/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2011-2020

  • Số hiệu: 1980/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/09/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Giang
  • Người ký: Nguyễn Minh Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/09/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản