Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1979/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 23 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT GIỐNG CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI CHẤT LƯỢNG CAO TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh Giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24/3/2004; Pháp lệnh Giống vật nuôi số 16/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24/3/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Chăn nuôi quốc gia đến 2020; Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển giống cây trồng nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và thủy sản đến 2020; Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 332/QĐ-TTg ngày 03 tháng 03 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25/10/2011 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về Chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2015, định hướng 2020;

Căn cứ Kết luận số 05-KL/TU ngày 17/10/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 140/TTr-NN ngày 01/11/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2015, định hướng 2020 với những nội dung chính như sau:

1. Tên Đề án: Phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2015, định hướng 2020.

2. Mục tiêu:

2.1. Mục tiêu chung:

Kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hệ thống sản xuất, cung ứng giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thuỷ sản chất lượng cao theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá, để tăng nhanh năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh nhằm chủ động nguồn giống cây, giống con chất lượng cao an toàn dịch bệnh cho sản xuất đại trà.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

Tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống mới, giống có phẩm cấp cao được thị trường ưa chuộng cho sản xuất đại trà phù hợp với điều kiện của từng vùng, nhằm tạo đột phá mới về năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp.

a. Đối với trồng trọt:

Chủ động sản xuất được hạt giống lúa và cây giống một số giống cây trồng phù hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của tỉnh thay thế dần các giống cũ năng suất, chất lượng thấp và cạnh tranh được với các nguồn giống khác ở Việt Nam, cụ thể:

- Giống lúa: Tổ chức sản xuất tại tỉnh để thường xuyên đáp ứng trên 70% nhu cầu giống lúa thuần tốt, còn lại là giống lúa lai, giống mới khác phục vụ cho sản xuất đại trà, đảm bảo năng suất lúa bình quân trên 65 tạ/ha/vụ, tỷ trọng lúa chất lượng cao đạt trên 55% diện tích vào năm 2015.

- Giống ngô: Phấn đấu đến năm 2015, 100% diện tích ngô được trồng bằng giống ngô lai mới; trong đó, diện tích ngô thương phẩm có năng suất cao, dùng làm thức ăn chăn nuôi là 80%; diện tích còn lại (20%) gieo trồng giống ngô nếp hàng hóa; ngô ngọt, ngô bao tử phục vụ chế biến.

- Giống chuối: Đến năm 2015, có trên 50% diện tích mới bằng cây F1 (cây nuôi cấy mô), còn lại sử dụng cây con tách chồi từ cây F1.

- Nhãn, vải và cây có múi: Cây giống sản xuất tại tỉnh có 80% lượng cây giống đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phục vụ cải tạo vườn tạp và trồng thay thế.

b. Đối với chăn nuôi:

Phát triển chăn nuôi hàng hoá bền vững với việc sử dụng có hiệu quả, cơ cấu giống năng suất, chất lượng cao theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh gắn với phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp, nông thôn, cụ thể:

- Phấn đấu đến năm 2015: chủ động được 30 - 40% giống lợn bố mẹ (đến năm 2020 là 60 - 70%); 40 - 50% giống bò thịt năng suất, chất lượng cao (đến năm 2020 là 70 - 80%); Thụ tinh nhân tạo lợn đạt 60 - 65% (2020: 75 - 80%); Thụ tinh nhân tạo bò: 25 - 30% (2020: 40 - 50%).

- Từng bước hình thành những cơ sở chăn nuôi theo hướng công nghiệp tập trung, vùng chuyên sản xuất giống bò sữa, giống bò thịt, giống lợn hướng nạc có năng suất, chất lượng cao.

c. Đối với thuỷ sản:

Phấn đấu đến năm 2015, sản xuất và tiêu thụ đạt từ 1,0 - 1,2 tỷ cá bột/năm, cá giống đạt trên 280 triệu con (trong đó tăng tỷ trọng các giống cá mới như rô phi đơn tính, rô ta,…, giảm tỷ trọng cá mè, trôi…), cung cấp đủ cho nhân dân nuôi thâm canh thuỷ sản; trên cơ sở củng cố hệ thống sản xuất giống thuỷ sản hiện có, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất bể đẻ, bể ấp, hệ thống cấp nước và cải tạo đàn cá bố mẹ tránh đồng huyết, cận huyết.

3. Kinh phí đầu tư và nguồn vốn:

Khái toán vốn đầu tư cho Đề án giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 324.770.000.000đ (Ba trăm hai mươi bốn tỷ, bảy trăm bảy mươi triệu đồng), trong đó:

Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ: 71.449.400.000đ (Bảy mươi mốt tỷ, bốn trăm bốn mươi chín triệu, bốn trăm nghìn đồng), khoảng 22%;

Vốn vay tín dụng đầu tư: 81.192.500.000đ, khoảng 25%;

Vốn vay thương mại: 81.192.500.000đ, khoảng 25%;

Vốn tự có và huy động của các tổ chức, cá nhân: 90.935.600.000đ, khoảng 28%.

Dự kiến phân bổ theo tỷ lệ tại Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giống cây trồng nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và thủy sản đến 2020.

4. Thời gian thực hiện Đề án:

- Năm 2011 - 2012: Xây dựng, trình duyệt, tổ chức triển khai thực hiện các mô hình điểm trong Đề án; Đánh giá tình hình thực hiện các mô hình điểm của Đề án.

- Năm 2013 - 2015: Triển khai nhân rộng mô hình; Tổng kết Đề án và có kế hoạch duy trì sau khi kết thúc Đề án.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì trong việc xây dựng cơ chế chính sách liên quan đến Đề án phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố thực hiện việc quy hoạch và quản lý quy hoạch nông nghiệp, thủy sản; hình thành các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi tập trung quy mô lớn và các vùng, các cơ sở chuyên sản xuất giống.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố: Tổ chức thông tin tuyên truyền, hướng dẫn và triển khai thực hiện Đề án sản xuất giống; hàng năm lập kế hoạch triển khai các Dự án giống trình UBND tỉnh phê duyệt, nhằm thực hiện đạt mục tiêu của Đề án sản xuất giống.

- Chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện theo định hướng Đề án sản xuất giống.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức đánh giá sơ kết định kỳ hàng năm, đánh giá giữa giai đoạn vào năm 2015 và tổng kết Đề án sản xuất giống vào năm 2020.

2. Sở Khoa học và Công nghệ:

- Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan đề xuất, xây dựng các Dự án, đề tài khoa học công nghệ dài hạn (5 năm) và hàng năm xây dựng kinh phí đầu tư cho Đề án giống trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục và triển khai thực hiện.

- Phối hợp với các viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài tỉnh nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới về giống phù hợp với điều kiện và nhu cầu của tỉnh.

- Đề xuất chính sách hỗ trợ, khuyến khích và huy động các thành phần kinh tế tham gia thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ về giống cây trồng, vật nuôi, giống lâm nghiệp và giống thủy sản.

- Khu nông nghiệp công nghệ cao giành ưu tiên cho việc triển khai thực hiện dự án thuộc đề án giống.

3. Sở Tài chính: Trên cơ sở ngân sách hàng năm và tiến độ thực hiện của Đề án giống cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2011-2015 ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện Đề án.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và thu hút đầu tư vào các dự án giống nhằm đẩy mạnh thực hiện Đề án sản xuất giống.

5. Các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan triển khai thực hiện tốt nội dung Đề án, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu và kế hoạch sản xuất nông nghiệp đến năm 2015, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội và phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi và giống thủy sản trên địa bàn huyện, thành phố; phê duyệt các dự án giống theo thẩm quyền.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan có trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thông

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1979/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Đề án phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2015, định hướng 2020

  • Số hiệu: 1979/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/11/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên
  • Người ký: Nguyễn Văn Thông
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/11/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản