Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 194/2003/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH SỐ 194/2003/QĐ-BTC NGÀY 28 THÁNG 11 NĂM 2003 BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ HẢI QUAN, THUẾ ÁP DỤNG THÍ ĐIỂM MỞ RỘNG CHỨC NĂNG CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TRONG KHU CHẾ XUẤT TÂN THUẬN

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ các Công văn số 1395/CP-CN ngày 08/11/2002; Công văn số 891/CP-CN ngày 04/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm mở rộng chức năng hoạt động của KCX Tân Thuận;
Căn cứ các Công văn số 7322/BKH/KCN ngày 18/11/2002; Công văn số 4206/BKH/KCN&KCX ngày 11/7/2003 của Bộ Kế hoạch Và Đầu tư.
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chế độ quản lý hải quan, thuế áp dụng thí điểm mở rộng chức năng của các doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

Điều 3: Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Trương Chí Trung

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ HẢI QUAN, THUẾ ÁP DỤNG THÍ ĐIỂM MỞ RỘNG CHỨC NĂNG CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TRONG KHU CHẾ XUẤT TÂN THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 194/2003/QĐ-BTC ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

I. QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Quy định này hướng dẫn về thủ tục hải quan chế độ kiểm tra, giám sát hải quan và quản lý thuế đối với các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trao đổi hàng hoá của các doanh nghiệp chế xuất trong Khu chế xuất Tân Thuận được phép mở rộng chức năng hoạt động theo quy định tại Công văn số 7322/BKH/KCN ngày 18/11/2002; Công văn số 4206/BKH/KCN&KCX ngày 11/7/2003 của Bộ Kế hoạch Và Đầu tư.

Hoạt động khác của các doanh nghiệp chế xuất không phải là hoạt động thí điểm mở rộng chức năng, việc làm thủ tục hải quan, chính sách thuế thực hiện theo quy định hiện hành tại Nghị định 36/CP ngày 24/4/1997 của Chính phủ và văn bản hướng dẫn có liên quan.

2. Các doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận phải hạch toán riêng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ thí điểm; có kho, bãi riêng để lưu giữ các loại hàng hoá này.

II. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ:

1. Đối với dịch vụ cung cấp hàng hoá, nguyên liệu cho các doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận và nội điạ từ các nguồn trong nước và nước ngoài:

Đối với hoạt động này doanh nghiệp phải thành lập kho ngoại quan hoặc có hợp đồng thuê kho ngoại quan tại Khu chế xuất Tân Thuận. Việc thành lập kho ngoại quan; thuê kho ngoại quan; hàng hoá đưa vào, đưa ra, lưu giữ, bảo quản trong kho ngoại quan và các vấn đề liên quan thực hiện theo quy định tại Nghị định 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 của Chính phủ.

2. Đối với dịch vụ thu mua, bảo quản, gia công tái chế, đóng gói các sản phẩm trong nước bán ra nước ngoài và thu mua, bảo quản, gia công, tái chế, đóng gói các sản phẩm nước ngoài bán vào nội địa.

2.1. Về dịch vụ thu mua, bảo quản, đóng gói các sản phẩm trong nước bán ra nước ngoài và thu mua, bảo quản, đóng gói các sản phẩm nước ngoài bán vào nội địa:

- Doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ này theo loại hình hàng gửi kho ngoại quan hoặc;

- Làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu trực tiếp tại Hải quan Khu chế xuất Tân Thuận nếu hàng được xuất khẩu ngay ra nước ngoài hoặc hàng nhập khẩu được đưa tiêu thụ ngay trong nội địa. Doanh nghiệp chế xuất phải tuân thủ theo đúng chính sách xuất nhập khẩu hiện hành.

Đối với dịch vụ thu mua, bảo quản, đóng gói các sản phẩm trong nước bán ra nước ngoài, doanh nghiệp chế xuất có trách nhiệm kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế xuất khẩu và được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng xuất khẩu.

Đối với dịch vụ thu mua, bảo quản, đóng gói các sản phẩm nước ngoài bán vào nội địa, doanh nghiệp chế xuất có trách nhiệm kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) như đối với hàng nhập khẩu.

2.2. Về hoạt động tái chế các sản phẩm trong nước bán ra nước ngoài và tái chế các sản phẩm từ nước ngoài bán vào nội địa:

a. Đối với hoạt động tái chế sản phẩm trong nước bán ra nước ngoài:

- Khi doanh nghiệp chế xuất mua sản phẩm từ thị trường nội địa vào Khu chế xuất Tân Thuận để tái chế, Hải quan Khu chế xuất Tân Thuận làm thủ tục xuất khẩu cho các doanh nghiệp, tổ chức trong nước (dưới đây gọi tắt là doanh nghiệp trong nước) theo quy định đối với hàng xuất khẩu. Doanh nghiệp trong nước được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng xuất khẩu.

- Khi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, doanh nghiệp chế xuất làm thủ tục xuất khẩu tại Chi cục Hải quan Khu chế xuất Tân Thuận, trong tờ khai xuất khẩu phải ghi rõ hàng xuất khẩu được mua tái chế theo tờ khai số, ngày. Hải quan KCX Tân Thuận làm thủ tục xuất khẩu theo quy định hiện hành đối với hàng xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất.

b. Đối với hoạt động tái chế sản phẩm từ nước ngoài bán vào nội địa

- Khi nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài vào KCX để tái chế doanh nghiệp chế xuất đăng ký làm thủ tục nhập khẩu tại Hải quan KCX Tân Thuận, trong tờ khai hải quan phải ghi rõ nhập tái chế tiêu thụ nội địa.

- Khi tiêu thụ nội địa, doanh nghiệp trong nước mua hàng phải làm thủ tục nhập khẩu tại Hải quan KCX Tân Thuận, phải nộp thuế nhập khẩu, thuế Giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) theo quy định hiện hành đối với hàng nhập khẩu.

2.3. Đối với hoạt động gia công các sản phẩm từ trong nước bán ra nước ngoài và gia công sản phẩm từ nước ngoài bán vào nội địa:

- Vì sản phẩm gia công thuộc quyền sở hữu của các doanh nghiệp đặt gia công không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp nhận gia công (doanh nghiệp chế xuất). Do đó việc nhận gia công, đặt gia công thực hiện theo quy định hiện hành đối với hàng gia công; Việc sản phẩm đặt gia công tại Khu chế xuất Tân Thuận của thương nhân nước ngoài bán vào nội địa thực hiện theo quy định xuất, nhập khẩu tại chỗ sản phẩm gia công theo quy định tại Nghị định 44/2001/NĐ-CP ngày 02/8/2001 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ, Thông tư 07/2000/TT-TCHQ ngày 02/11/2000 của Tổng cục Hải quan; Việc bán sản phẩm của doanh nghiệp trong nước đặt gia công trong Khu chế xuất Tân Thuận ra nước ngoài thực hiện theo quy định hiện hành đối với hàng xuất khẩu.

3. Dịch vụ mua hàng hoá từ nước ngoài để bán tại nước thứ 3:

- Đối với dịch vụ này, doanh nghiệp mở tờ khai đăng ký theo loại hình tạm nhập - tái xuất. Thủ tục tạm nhập và thủ tục tái xuất được làm tại Chi cục Hải quan Khu chế xuất Tân Thuận. Việc vận chuyển hàng hoá tạm nhập từ cửa khẩu nhập vào Khu chế xuất Tân Thuận và việc vận chuyển hàng hoá tái xuất từ KCX Tân Thuận đến cửa khẩu xuất thực hiện theo quy định đối với hàng chuyển cửa khẩu.

Trường hợp khi tái xuất sản phẩm có kết hợp với sản phẩm khác không phải sản phẩm tạm nhập, doanh nghiệp phải đăng ký tờ khai riêng đối với sản phẩm này theo đúng loại hình.

4. Về tính thuế nhập khẩu trên phần giá trị nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để thực hiện gia công đối với hoạt động gia công cho nội địa:

- Việc đăng ký hợp đồng gia công và thủ tục hải quan thực hiện theo quy định hiện hành đối với doanh nghiệp chế xuất gia công cho nội địa.

- Khi nhập khẩu sản phẩm gia công trở lại nội địa, doanh nghiệp trong nước đặt gia công phải nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có). Thuế nhập khẩu phải nộp chỉ tính trên phần nguyên liệu, vật tư nhập khẩu từ nước ngoài cấu thành trong sản phẩm gia công, thuế Giá trị gia tăng tính trên toàn bộ giá gia công cộng thuế nhập khẩu cộng thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có). Căn cứ để xác định thuế nhập khẩu phải nộp đối với phần nguyên liệu vật, tư nhập khẩu từ nước ngoài cấu thành trong sản phẩm gia công gồm:

+ Giá trị từng loại nguyên liệu, vật tư nhập khẩu cấu thành trong mỗi đơn vị sản phẩm (được tính bằng giá nhập khẩu từ nước ngoài (CIF) hoặc giá trên thị trường nội địa của nguyên liệu, vật tư cùng loại (đơn vị tính VND) nhân với định mức tiêu hao của từng loại nguyên liệu, vật tư nhập khẩu trong mỗi đơn vị hàng hoá do doanh nghiệp chế xuất tự xây dựng. Giám đốc doanh nghiệp chế xuất chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của định mức này.

+ Số lượng sản phẩm nhập trở lại nội địa Việt Nam

+ Thuế suất thuế nhập khẩu đối với từng loại nguyên liệu, vật tư.

5. Các hoạt động thí điểm mở rộng chức năng trong Khu chế xuất Tân Thuận được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 01 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế; Sau thời gian miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, các hoạt động này chịu thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 28%.

III TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Cục Hải quan, Cục Thuế các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm triển khai thực hiện quy định này.

2. Định kỳ hàng Quý các doanh nghiệp thực hiện thí điểm mở rộng chức năng có báo cáo gửi Chi cục Hải quan KCX Tân Thuận, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh những vấn đề liên quan đến hoạt động mở rộng chức năng quy định tại hướng dẫn này về số lượng hàng nhập khẩu, xuất khẩu, tiêu thụ nội địa, hàng còn tồn kho.

Trường hợp có dấu hiệu doanh nghiệp không trung thực trong báo cáo hoặc gian lận để trốn thuế Hải quan KCX Tân Thuận, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh được phép kiểm tra hoạt động mở rộng chức năng của doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận.

3. Trong quá trình thực hiện quy định này, các đơn vị, tổ chức có liên quan kịp thời phát hiện những vướng mắc, sở hở báo cáo Bộ Tài chính để có chỉ đạo kịp thời.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 194/2003/QĐ-BTC Quy định chế độ quản lý hải quan, thuế áp dụng thí điểm mở rộng chức năng của các doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 194/2003/QĐ-BTC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/11/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trương Chí Trung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 202
  • Ngày hiệu lực: 20/12/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 03/10/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản