Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 191-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 6 năm 1980

 

QUYẾT ĐỊNH

SỐ 191-CP CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ NGÀY 23-6-1980 VỀ CÁC HÌNH THỨC XỬ LÝ ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN ĐÀO NGŨ, THANH NIÊN TRỐN TRÁNH NGHĨA VỤ PHỤC VỤ TẠI NGŨ VÀ NHỮNG NGƯỜI CÓ NHỮNG HÀNH VI PHÁ HOẠI, CẢN TRỞ VIỆC THI HÀNH CHẾ ĐỘ NGHĨA VỤ QUÂN SỰ

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ do Quốc hội thông qua ngày 14/7/1960;
Thi hành điều 40 và điều 42, chương VIII Luật nghĩa vụ quân sự, đã được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thông qua trong phiên họp ngày 15/4/1960;
Để bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh Luật nghĩa vụ quân sự góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị và tăng cường bảo vệ trật tự trị an xã hội;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay quy định các hình thức và mức độ xử lý đối với quân nhân đào ngũ, thanh niên trốn tránh nghĩa vụ phục vụ tại ngũ và những người có những hành động cản trở việc thi hành chế độ nghĩa vụ quân sự như sau:

A. XỬ LÝ QUÂN NHÂN ĐÀO NGŨ

1. Xét và đưa trở lại quân đội những người có đủ các điều kiện sau đây:

- Tuổi đời từ 18 đến 30;

- Còn đủ điều kiện nhập ngũ theo tiêu chuẩn và chính sách tuyển quân hiện hành;

- Trong thời gian đào ngũ không có thêm hành động vi phạm pháp luật, đã được kiểm điểm và Uỷ ban nhân dân xã, phường, tiểu khu xác minh rõ ràng.

2. Giáo dục, thi hành kỷ luật của quân đội và cho về địa phương những người đào ngũ thuộc các trường hợp sau đây:

- Là người trong diện tạm hoãn động viên tuyển quân (theo quyết định tuyển quân hàng năm của Hội đồng Chính phủ), mà trước đây họ tình nguyện hoặc do cơ quan tuyển quân không nắm được đầy đủ hoàn cảnh của họ, nên đã động viên vào quân đội;

- Là thương binh có hạng;

- Là người đã liên tục phục vụ trong quân đội vượt niên hạn phục vụ theo Luật nghĩa vụ quân sự quy định;

- Là nữ quân nhân.

3. Đưa đi lao động bắt buộc ở các đơn vị lao động tập trung những người đào ngũ không còn đủ điều kiện trở lại phục vụ trong quân đội, không thuộc diện xét thi hành kỷ luật rồi cho về địa phương, nhưng cũng chưa đến mức phải đưa ra truy tố trước pháp luật.

Thời gian đi lao động bắt buộc từ 6 tháng đến 36 tháng; quy định thời gian cụ thể như sau:

- 6 tháng, đối với người đã liên tục phục vụ trong quân đội từ 36 tháng trở lên;

- 12 tháng, đối với người đã liên tục phục vụ trong quân đội từ 24 tháng đến dưới 36 tháng;

- 24 tháng, đối với người đã liên tục phục vụ trong quân đội từ 12 tháng đến dưới 24 tháng;

- 36 tháng, đối với người liên tục phục vụ trong quân đội từ dưới 12 tháng trở xuống.

Đối với người đào ngũ về địa phương chuyên sống bằng các nghề buôn lậu, phe phẩy, lừa đảo, v.v... nhưng chưa đến mức phải đưa ra truy tố trước pháp luật thì phải tăng thêm thời gian lao động bắt buộc bằng 1/3 thời gian lao động bắt buộc như đã quy định trên đây.

4. Truy tố trước toà án, xét xử theo pháp luật các đối tượng sau đây:

- Những người đào ngũ lại có hành vi phạm pháp nghiêm trọng;

- Người đào ngũ và làm mất vũ khí, bán vũ khí, hoặc dùng vũ khí vào các hoạt động phạm tội;

- Người đào ngũ còn đủ điều kiện trở lại phục vụ trong quân đội, nhưng trong đợt này, sau khi được giáo dục, vẫn cố ý trốn tránh không chịu trở lại quân đội;

- Người đào ngũ bị xử lý đưa đi lao động bắt buộc, nhưng cố ý trốn tránh không đi, hoặc có hành vi phá hoại sản xuất, gây rối, phá hoại kỷ luật lao động, trật tự trị an trong các đơn vị lao động tập trung.

5. Quân nhân đào ngũ phải nộp trả cho cơ quan quân sự địa phương các thứ đã được quân đội trang bị như vũ khí, quân trang, quân dụng, v.v... Những người được đưa trở lại quân đội thì nộp cho đơn vị. Những thứ đã bán, đã cho hoặc làm mất thì phải bồi thường.

Bộ Quốc phòng quy định cụ thể các trường hợp quân nhân đào ngũ phải xoá quân tịch; các hình thức kỷ luật đối với quân nhân đào ngũ được quy định trong điểm 2, mục A, điều 1 của quyết định này; các mức bồi thường về số quân trang, quân dụng mà quân nhân đào ngũ đã bán, cho hoặc làm mất.

B. XỬ LÝ THANH NIÊN TRỐN TRÁNH NGHĨA VỤ PHỤC VỤ TẠI NGŨ

1. Tập trung giao cho cơ quan quân sự địa phương huyện (quận, khu phố) những người còn đủ điều kiện đi bộ đội;

2. Tập trung đi lao động bắt buộc những người không xứng đáng đưa vào quân đội nữa mà cũng chưa có tội phải truy tố; thời gian lao động bắt buộc: 36 tháng;

3. Truy tố trước toà án để xét xử theo pháp luật:

- Người có đủ điều kiện đi bộ đội mà đã nhiều lần trốn tránh làm nghĩa vụ phục vụ tại ngũ;

- Người phải đi lao động bắt buộc mà ngoan cố không chịu đi;

- Người đi lao động bắt buộc nhưng quá trình lao động lại bỏ trốn hoặc có những hành động phạm pháp, phạm tội.

C. XỬ LÝ NHỮNG NGƯỜI PHÁ HOẠI, CẢN TRỞ THI HÀNH LUẬT NGHĨA VỤ QUÂN SỰ

Những người tuyên truyền xuyên tạc Luật nghĩa vụ quân sự, có hành động xúi giục, hối lộ, đòi hối lộ hoặc nhận hối lộ để không thi hành nghĩa vụ quân sự, cố tình bào che cho người đào ngũ; cho thanh niên trốn tránh nghĩa vụ phục vụ tại ngũ, đều bị coi làm phạm tội phá hoại hoặc cản trở việc thi hành luật nghĩa vụ quân sự. Những người này bất kể đang giữ chức vụ gì, ở cấp nào, đều phải kiểm điểm trước tập thể của tổ chức mình đang sinh hoạt và bị thi hành kỷ luật; trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng cần truy tố trước toà án để xét xử theo pháp luật.

Điều 2 - Quy định điều kiện và chế độ đối với những người phải lao động bắt buộc.

1. Trong trường hợp quân nhân đào ngũ hoặc thanh niên trốn tránh nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong diện phải đi lao động bắt buộc, nhưng vì lý do sức khoẻ (đang điều trị ở bệnh viện), nếu được viện trưởng bệnh viện và chính quyền địa phương xác nhận, thì được tạm hoãn gọi đi lao động bắt buộc, nhưng khi sức khoẻ ổn định thì phải đi lao động bắt buộc.

2. Đối với quân nhân đào ngũ phải đi lao động bắt buộc, nếu trong thời gian làm lao động, có tinh thần tự giác, tích cực sửa chữa khuyết điểm, chăm chỉ học tập, lao động vượt định mức, gương mẫu chấp hành nội quy, v.v... thì chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét cho trở lại phục vụ trong quân đội, hoặc quyết định giảm bớt thời gian lao động; thời gian giảm bớt không được quá một phần ba (1/3) thời gian lao động bắt buộc như đã quy định.

3. Sau thời gian lao động bắt buộc, những người đạt các tiêu chuẩn sau đây, sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ lao động bắt buộc :

- Cần cù lao động, thường xuyên đạt và vượt định mức lao động của đơn vị.

- Chấp hành đúng kỷ luật lao động, kỷ luật tổ chức và nội quy sinh hoạt,

- Có tinh thần phấn đấu để tiến bộ, có thái độ tốt với tập thể, với nhân dân.

Giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ lao động bắt buộc có giá trị để xin làm việc ở địa phương hoặc ở hợp tác xã, do chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố cấp, theo đề nghị của cơ quan sử dụng lao động và cơ quan quân sự địa phương. Giấy này làm thành 4 bản: 1 gửi về Uỷ ban nhân dân xã, phường, tiểu khu nơi đương sự cư trú, 1 bản ở cơ quan quân sự tỉnh, thành phố, 1 bản cấp cho đương sự, 1 bản lưu.

4. Trong thời gian lao động bắt buộc cũng như sau khi hết thời hạn lao động bắt buộc, những người này vẫn phải đăng ký vào ngạch dự bị và sẵn sàng trở lại quân đội, nếu xét đủ điều kiện và khi quân đội cần.

5. Một số chế độ sau đây được áp dụng đối với những người bị đưa đi lao động bắt buộc và do ngân sách của ngành sử dụng những người này đài thọ.

a. Được hưởng chế độ sinh hoạt phí hàng tháng 27 đồng (bao gồm ăn, mặc và tiêu vặt) và phụ cấp khu vực nếu có:

b. Được hưởng các chế độ thuốc men, điều trị, bồi dưỡng khi ốm đau, chế độ bảo hộ lao động, chế độ lương thực, thực phẩm, vải mặc, v.v... xấp xỉ với mức quy định đối với người lao động của Nhà nước cùng loại ngành nghề;

c. Làm việc theo định mức nhưng không áp dụng chế độ trả lương theo sản phẩm hoặc chế độ khoán khối lượng. Đối với những người có năng suất cao, vượt định mức hoặc tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu thì được hưởng chế độ thưởng do ngành chủ quản bàn với ngành lao động quy định, nhưng tiền thưởng hàng tháng của mỗi người không được vượt quá 70% sinh hoạt phí của họ.

Điều 3 - Thủ trưởng các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ căn cứ vào chức năng nhiệm vụ quản lý của cơ quan mình, hướng dẫn cho các cấp thuộc ngành và Uỷ ban nhân dân các địa phương thực hiện quyết định này.

Điều 4 - Quyết định này thay cho các quyết định của Hội đồng Chính phủ về vấn đề này đã ban hành trước đây và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

 

Tố Hữu

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 191-CP năm 1980 về hình thức xử lý đối với quân nhân đào ngũ, thanh niên trốn tránh nghĩa vụ phục vụ tại ngũ và những người có những hành vi phá hoại, cản trở việc thi hành chế độ nghĩa vụ quân sự do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 191-CP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/06/1980
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Tố Hữu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản