Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 19/2020/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 18 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ BẢO VỆ DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI KHU PHỐ CỔ HỘI AN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

Căn cứ Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

Căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích;

Theo đề nghị của UBND thành phố Hội An và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hội An và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Cục DSVH-Bộ VHTTDL;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Thành ủy, UBND thành phố Hội An;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT,KGVX.
D:\Thanh a 2020\du thao VB\QD 021020 ban hanh Quy chế BVe DSVHTG Khu pho co HA.doc

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Lê Trí Thanh

 

QUY CHẾ

BẢO VỆ DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI KHU PHỐ CỔ HỘI AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2020/QĐ-UBND ngày 18/12/2020 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định hoạt động quản lý, bảo tồn, tu bổ, phát huy (sau đây gọi chung là bảo vệ) giá trị di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An (sau đây gọi là Khu phố cổ) bao gồm: Di tích lịch sử - văn hóa (nhà ở, giếng, nhà thờ tộc, đình, miếu, hội quán, chùa, thánh thất, mộ, chợ, cầu), các công trình dân dụng khác (nhà ở, nhà và công trình công cộng), công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (thoát nước, cấp điện, chiếu sáng, thông tin liên lạc, công trình giao thông đô thị), cảnh quan khu vực, cây xanh đô thị và các yếu tố môi trường tự nhiên; trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ Khu phố cổ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân là người Việt Nam và người nước ngoài có các hoạt động liên quan đến bảo vệ Khu phố cổ.

Điều 3. Nguyên tắc bảo vệ

1. Tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu giữ gìn nguyên vẹn và lâu dài Khu phố cổ với việc đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện tại của cộng đồng dân cư sống trong Khu phố cổ.

3. Bảo vệ Khu phố cổ phải gắn liền giữa bảo tồn di sản văn hóa vật thể với di sản văn hóa phi vật thể.

4. Bảo vệ Khu phố cổ không chỉ bảo tồn mà còn khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhưng không làm tổn hại đến di sản.

Chương II

QUY ĐỊNH PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ

Điều 4. Phạm vi bảo vệ

1. Các khu vực bảo vệ Khu phố cổ:

a) Khu vực I.

b) Khu vực II (chia thành khu vực IIA và khu vực IIB).

2. Giới hạn phạm vi khoanh vùng bảo vệ các khu vực được quy định trên bản đồ tại Phụ lục I Quy chế này.

Điều 5. Đối tượng bảo vệ

1. Khu phố cổ.

2. Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể.

Điều 6. Phân loại mức độ giá trị bảo tồn di tích kiến trúc trong khu vực I

1. Phân loại mức độ giá trị bảo tồn di tích kiến trúc trong khu vực I:

a) Loại đặc biệt: Bảo tồn được nguyên trạng các yếu tố gốc của tất cả các hạng mục công trình; có nhiều chi tiết kiến trúc, mỹ thuật độc đáo.

b) Loại I: Bảo tồn được các yếu tố gốc và có giá trị về kiến trúc, lịch sử kiến trúc.

c) Loại II: Bảo tồn được nguyên trạng các yếu tố gốc và có giá trị về kiến trúc, lịch sử kiến trúc của nếp nhà trước.

d) Loại III: Bảo tồn được mái ngói âm dương.

e) Loại IV: Nhà xây, đúc kiểu mới, mái bằng hoặc lợp các loại vật liệu khác không phải là ngói âm dương.

2. Ủy ban nhân dân thành phố Hội An quy định việc phân loại, điều chỉnh các loại di tích tại khoản 1 Điều này.

Điều 7. Nguyên tắc hoạt động bảo vệ

1. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm phát hiện và bảo vệ giá trị di sản văn hóa trong Khu phố cổ.

2. Tư liệu, tài liệu, hiện vật gốc được phát hiện trong quá trình bảo vệ giá trị Khu phố cổ cần được bảo quản tại đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng Khu phố cổ.

3. Công trình khi xây dựng có phát hiện dấu vết di tích, di vật, cổ vật thì chủ di tích, chủ công trình có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

4. Di tích được quản lý, sử dụng đúng với chức năng của từng loại. Mọi hoạt động tu bổ di tích chỉ được thực hiện khi cơ quan có thẩm quyền cho phép.

5. Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể được nhận diện, kiểm kê, bảo tồn theo quy định.

6. Các yếu tố cảnh quan, môi trường sinh thái (cây xanh, mặt nước, khoảng sân công cộng, …) trong Khu phố cổ và từng di tích cần được bảo vệ tối đa.

7. Các hoạt động liên quan đến sử dụng, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thi công công trình tránh những tác động làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường sinh thái.

8. Công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trong khu vực I khi xây dựng, lắp đặt, sửa chữa, nâng cấp cần đảm bảo tuân thủ nguyên tắc bảo tồn tối đa các yếu tố gốc về vật liệu, phù hợp với cảnh quan Khu phố cổ.

Điều 8. Nguồn tài chính phục vụ cho hoạt động bảo vệ

1. Nguồn tài chính phục vụ cho hoạt động bảo vệ Khu phố cổ gồm:

a) Ngân sách nhà nước;

b) Khoản thu từ phí tham quan được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước;

c) Khoản thu từ hoạt động dịch vụ tại địa phương;

d) Tài trợ và đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;

e) Các nguồn tài chính hợp pháp khác.

2. Quản lý, sử dụng nguồn tài chính

a) Các khoản thu tại khoản 1 Điều này, sau khi đã thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật (nếu có), được sử dụng để chi trả cho hoạt động trực tiếp liên quan đến việc bảo vệ Khu phố cổ.

b) Các nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn huy động xã hội hóa được quản lý chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch.

Chương III

QUY ĐỊNH HOẠT ĐỘNG TU BỔ, XÂY DỰNG

Điều 9. Quy định tu bổ, xây dựng

1. Quy định tu bổ di tích trong khu vực I

a) Di tích loại đặc biệt và loại I: Khi tu bổ cần đảm bảo giữ công năng (chức năng) vốn có của từng bộ phận và toàn bộ công trình, bảo tồn nguyên trạng các yếu tố gốc, không gian thờ tự. Trường hợp bắt buộc phải thay thế một bộ phận cũ, vật liệu - chất liệu cũ bằng một bộ phận mới, vật liệu - chất liệu mới thì thực hiện trên cơ sở đảm bảo tính cần thiết, tính khoa học của việc thay thế đó và đảm bảo tính chính xác từng chi tiết của các “yếu tố mới” so với các “yếu tố gốc”.

b) Di tích loại II: Nếp nhà trước cần được giữ nguyên trạng hoặc phục hồi các yếu tố gốc, không gian thờ tự. Phần còn lại phía sau, tùy theo vị trí, đặc điểm của từng di tích, các nếp nhà được cải tạo nội thất, mái lợp ngói âm dương đất nung và giữ nguyên diện tích, chiều cao, số tầng. Trường hợp cần thiết, phải phục hồi hoặc phục chế những bộ phận đã bị biến dạng của di tích khi có đủ cơ sở khoa học.

c) Di tích loại III: Nếp nhà trước tu bổ theo nguyên trạng hoặc tôn tạo mái ngói và tu bổ mặt tiền cùng các mặt bên (phần nhìn thấy được) theo kiểu thức truyền thống của khu vực I; được cải tạo nội thất thích nghi với các chức năng mới nhưng đảm bảo giá trị di tích được bảo tồn. Phần còn lại phía sau, tùy thuộc vào vị trí, đặc điểm của di tích và kiến trúc các di tích gần kề được phục hồi theo kiến trúc truyền thống Khu phố cổ hoặc cải tạo nội thất, cơi nới nhưng đảm bảo hài hòa với cảnh quan Khu phố cổ và không che khuất các di tích loại đặc biệt, loại I.

d) Các di tích, công trình còn lại: Khi tu bổ, sửa chữa, cải tạo, xây mới mái lợp ngói âm dương đất nung; mặt tiền, các mặt bên (phần nhìn thấy được), nền nhà đảm bảo hài hòa với cảnh quan Khu phố cổ; phần còn lại phía sau tùy thuộc vào đặc điểm của kiến trúc các di tích gần kề và vị trí, độ cao vốn có của di tích, công trình, các nếp nhà có thể được cơi nới nhưng đảm bảo hài hòa với cảnh quan Khu phố cổ và không che khuất các di tích xung quanh loại đặc biệt, loại I, loại II. Riêng các di tích, công trình thuộc tuyến phố chính (trừ đường Huyền Trân Công Chúa, Công Nữ Ngọc Hoa, Phan Châu Trinh, Hoàng Diệu, Phan Bội Châu, Nguyễn Duy Hiệu), nếp nhà trước giữ nguyên số tầng, khoảng lùi hiện có. Đối với dãy nhà mặt tiền đường Huyền Trân Công Chúa, khi sửa chữa, cải tạo, xây mới đảm bảo khoảng lùi tối thiểu 1,0m kể từ mép trong vỉa hè dự kiến mở rộng hoặc cách mép trong của cống thoát nước là 5,0m.

e) Đối với các hạng mục di tích, công trình được phép tu bổ, xây mới, cơi nới theo Điểm c, d, Khoản 1, Điều này: Hệ kết cấu chịu lực (cột, đà sàn, ván sàn, kết cấu đỡ mái…), cầu thang, hệ cửa bằng gỗ; tường xây gạch (được phép sử dụng kết cấu bê tông cốt thép âm tường để tăng cường khả năng chịu lực, gồm: Móng, cột, dầm); trát vữa vôi; lát nền nhà bằng gạch đất nung, láng xi măng hoặc lát đá tự nhiên màu xám không ánh gương; mái lợp ngói âm dương đất nung; diện tích sàn bê tông cốt thép cho khu vệ sinh (nếu có) không lớn hơn 6,0m2; độ cao đến đỉnh mái không quá 8,0m tính từ cốt vỉa hè.

f) Nếp nhà sau các di tích loại II, loại III, loại IV tiếp giáp với khu vực IIA thuộc dãy nhà số chẵn đường Phan Châu Trinh, số lẻ đường Hoàng Diệu, số chẵn đường Phan Bội Châu và hai dãy nhà đường Lê Lợi (từ ngã tư đường Phan Châu Trinh đến ngã tư đường Trần Hưng Đạo), đường Nguyễn Duy Hiệu: Khi được phép tu bổ, tôn tạo với kết cấu 02 tầng, sàn tầng 02 được sử dụng vật liệu bê tông cốt thép; toàn bộ phần cảnh quan, kết cấu kiến trúc bên ngoài, phần lộ ra (độ cao, vật liệu, màu sắc, hệ thống cửa, tường, mái) vẫn áp dụng theo các quy định tại điểm b, c, d, e khoản 1 Điều này.

2. Quy định tu bổ, xây dựng trong khu vực IIA

a) Các ngôi nhà theo kiểu nhà vườn, biệt thự quy định tại Mục I, Phụ lục II Quy chế này, nếp nhà chính giữ nguyên trạng hoặc phục hồi các yếu tố gốc; các nếp nhà phụ được cải tạo theo điểm d khoản 2 Điều này nhưng đảm bảo hệ thống sân vườn được gìn giữ và giữ nguyên mật độ xây dựng.

b) Các ngôi nhà, nếp nhà mặt tiền tuyến phố quy định tại mục II phụ lục 2 Quy chế này được phép cải tạo nếp nhà trước theo hướng thích nghi nhưng giữ nguyên chiều cao, số tầng và chỉ giới xây dựng; được phép cải tạo nếp nhà sau theo điểm d khoản 2 Điều này; hệ mái lợp ngói âm dương.

c) Các ngôi nhà, công trình, hạng mục công trình liền kề, lân cận nằm trong phạm vi bán kính 10,0m tính tại điểm tiếp xúc gần nhất các di tích kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng hiện có được quy định tại Mục III, Phụ lục 2 Quy chế này (kể cả với những công trình cách di tích bằng đường giao thông), khi sửa chữa, xây mới thì chiều cao không vượt quá chiều cao di tích này. Trường hợp di tích kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng gồm nhiều khối công trình có độ cao khác nhau thì việc áp dụng độ cao xây dựng theo độ cao khối công trình gần nhất.

d) Trừ một số công trình đặc thù được cơ quan có thẩm quyền quyết định, các trường hợp xây mới, sửa chữa cần đảm bảo các quy định sau:

Mái dốc (từ 50-60%), lợp ngói màu đỏ loại 22v/m2, độ cao đỉnh mái không quá 10,5m (tính từ cốt vỉa hè hoặc cốt đường kiệt bê tông), không quá 02 tầng (độ cao từ cốt nền tầng 01 đến mặt sàn tầng 02 tối đa 3,6m, từ cốt sàn tầng 02 đến ôtô tối đa 3,4m, chiều sâu mỗi nếp nhà phải từ 6,0m đến 10,0m). Riêng nếp nhà sau (nếp nhà thứ ba, cách chỉ giới xây dựng tối thiểu 12,0m) của hai dãy nhà mặt tiền đường Hùng Vương đoạn từ ngã ba Tin Lành đến đường 18 tháng 8 (đối với dãy số lẻ) và đến hoa viên phía trước chùa Viên Giác (đối với dãy nhà sổ chẵn), dãy nhà số chẵn đường Trần Hưng Đạo và nếp nhà sau (nếp nhà thứ hai, cách chỉ giới xây dựng tối thiểu 6,0m) của dãy nhà số lẻ đường Phạm Hồng Thái cho phép không quá 03 tầng, độ cao đến đỉnh mái không quá 13,5m tính từ cốt vỉa hè.

Hệ cửa mặt tiền và các mặt bên (cửa đi, cửa sổ) là cửa gỗ (panô, panô lá sách), đánh vecni hoặc sơn màu đà; hệ cửa lớp bên trong (cửa đi, cửa sổ mặt tiền, mặt bên có hệ cửa 02 lớp) cho phép lắp đặt cửa panô gỗ - kính. Tường bên ngoài quét vôi truyền thống màu vàng, tường bên trong được phép sơn vôi màu vàng sẫm, vàng nhạt, xanh ve, trắng sẫm. Nền nhà tầng 01 láng ximăng hoặc lát các loại gạch, đá không ánh gương, có cùng một màu xám, nâu, đà.

e) Dãy nhà nằm ở bờ Nam sông Hội An đối diện Khu phố cổ thuộc địa phận phường Cẩm Nam, dãy mặt tiền đường Nguyễn Phúc Chu, hai dãy nhà mặt tiền đường Phan Bội Châu, dãy nhà mặt tiền đường Huyền Trân Công Chúa (đoạn từ đường Trương Minh Lượng đến đường Phạm Hồng Thái): Ngoài những quy định tại các điểm a, b, c, d Khoản 2 Điều này, khi xây dựng nếp nhà trước và nếp nhà thứ hai được phép xây dựng độ cao không quá 8,5m tính từ cốt vỉa hè đến đỉnh mái, không quá 02 tầng; những nếp nhà còn lại không quá 11,5m và không quá 03 tầng, mỗi nếp nhà có chiều sâu tối thiểu là 6,0m, mái lợp ngói âm dương đất nung.

3. Quy định xây dựng trong khu vực IIB

a) Công trình, nhà ở khi sửa chữa, xây mới không quá 03 tầng, độ cao không quá 13,5m tính từ cốt vỉa hè (trừ đường Nguyễn Trường Tộ, đoạn từ đường Trần Hưng Đạo đến đường Lý Thường Kiệt, dãy nhà số chẵn đường Cao Hồng Lãnh, nếp nhà trước xây dựng công trình không quá 02 tầng, độ cao không quá 10,5m tính từ cốt vỉa hè); một số công trình có yếu tố đặc thù riêng sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cụ thể về độ cao. Mái của các công trình là mái dốc; màu mái và màu tường đảm bảo hài hòa với màu sắc của khu vực IIA, riêng các công trình có mặt tiền bám theo các trục đường chính (Nguyễn Trường Tộ, Hùng Vương, Trần Cao Vân, Cao Hồng Lãnh, La Hối, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Hoàng), mái lợp ngói 22v/m2 màu đỏ, độ dốc mái đảm bảo từ 50 - 60%.

b) Công trình, nhà ở tại vị trí đoạn bờ Nam của khu An Hội (từ phía Đông khách sạn Vĩnh Hưng 4 đến giáp khu quy hoạch vui chơi giải trí Đồng Hiệp), mặt tiền ngôi nhà hướng ra sông. Đối với các ngôi nhà vừa bám đường bêtông, vừa bám bờ sông bố trí hai mặt tiền, kiến trúc công trình đảm bảo hài hòa với kiến trúc Khu phố cổ, kết cấu nếp nhà thứ nhất và nếp nhà thứ hai hướng sông (mỗi nếp nhà tối thiểu 6,0m) không quá 02 tầng, độ cao không quá 10,5m tính từ cốt vỉa hè, những nếp nhà còn lại không quá 03 tầng và không quá 13,5m, mái dốc, lợp ngói 22v/m2.

c) Ngoài các quy định nêu trên, khi xây dựng, sửa chữa công trình nhà ở trong khu vực này cần đảm bảo phù hợp với quy định về quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị của thành phố Hội An.

4. Quy định lắp dựng mái che và giàn hoa

a) Về lắp dựng mái che:

Trong khu vực I, mái che được lắp dựng khi cơ quan có thẩm quyền cho phép. Đối với các mái che hiện có, nếu không ảnh hưởng đến cảnh quan Khu phố cổ, tạm thời cho tồn tại và giữ nguyên cấu kiện hiện trạng; đối với mái che không phù hợp và ảnh hưởng đến cảnh quan Khu phố cổ thì tháo dỡ hoặc thay thế bằng giàn hoa phù hợp.

Trong khu vực IIA và IIB, cho phép lắp dựng mái che tạm tại tầng 01 (trệt), nằm trong ranh giới đất được giao quyền sử dụng hợp pháp với quy cách: Khung sườn sắt hoặc gỗ sơn màu đà, mái lợp tôn sơn đà 02 mặt, không có trụ chống đất, chiều rộng không quá 1,2m. Đối với mái che hiện có, nhưng không đảm bảo quy định trên thì tạm thời cho tồn tại và thực hiện đúng quy định khi sửa chữa, cải tạo.

b) Về lắp dựng giàn hoa:

Cho phép lắp dựng giàn hoa tại các di tích kiến trúc có khoảng lùi xây dựng, đảm bảo giàn hoa nằm trong ranh giới thửa đất được giao quyền sử dụng hợp pháp với quy cách: Lắp công xôn, khung đỡ bằng sắt hoặc gỗ sơn màu đà, gắn vào tường hoặc trụ hiên, không có trụ chống đất; giàn đỡ hoa leo bằng gỗ hoặc đan lưới thép (sắt) mảnh, bên trên không che phủ bằng bất cứ loại vật liệu nào; chiều rộng không quá 0,6m đối với khu vực I, không quá 1,2m đối với khu vực IIA và 2,0m đối với khu vực IIB.

Khi dây hoa leo đã phát triển đến vị trí dự kiến bố trí giàn hoa mới được lắp dựng giàn.

Việc lắp dựng giàn hoa được xem xét cụ thể, lựa chọn hình thức; kiểu dáng, kích thước giàn hoa, chủng loại hoa leo phù hợp đối với từng di tích, cảnh quan Khu phố cổ và thường xuyên được cắt tỉa, không để che khuất hoặc gây ảnh hưởng xấu đến di tích.

c) Chủ di tích tự tháo dỡ mái che và giàn hoa, không được đền bù thiệt hại khi nhà nước có chủ trương chỉnh trang tuyến phố.

Điều 10. Hỗ trợ tu bổ, tôn tạo di tích thuộc sở hữu tư nhân, tập thể

1. Điều kiện hỗ trợ kinh phí để tu bổ, tôn tạo di tích thuộc sở hữu tư nhân, tập thể:

a) Di tích trong khu vực I và khu vực IIA quy định tu bổ, tôn tạo tại điểm a, b, e Khoản 2, Điều 9 Quy chế này; đối với một số trường hợp đặc biệt, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định.

b) Chủ sở hữu di tích có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất và sở hữu nhà, đồng thời nhà và đất chưa qua mua bán, chuyển nhượng từ năm 1999 trở về sau.

c) Di tích, nhà ở đã được các cơ quan thẩm quyền cấp phép tu bổ, xây dựng theo quy định đối với trường hợp chủ sở hữu di tích làm chủ đầu tư.

2. Hạng mục hỗ trợ kinh phí để tu bổ, tôn tạo di tích thuộc sở hữu tư nhân, tập thể:

a) Đối với di tích trong khu vực I:

Loại đặc biệt, loại I: hỗ trợ đối với tất cả các hạng mục được tu bổ.

Loại II: hỗ trợ đối với các hạng mục được tu bổ của nếp nhà trước, các nếp nhà còn lại chỉ hỗ trợ tu bổ hệ mái (ngói âm dương, rui, hoành và nhân công thực hiện).

Loại III, loại IV: chỉ hỗ trợ tu bổ đối với hạng mục hệ mái (ngói âm dương, rui, hoành và nhân công thực hiện).

b) Đối với di tích trong khu vực IIA: chỉ hỗ trợ tu bổ đối với hạng mục hệ mái (ngói âm dương, rui, hoành và nhân công thực hiện).

3. Tỉ lệ hỗ trợ kinh phí để tu bổ, tôn tạo di tích thuộc sở hữu tư nhân và tập thể:

a) Đối với di tích trong khu vực I:

Đơn vị tính: %

LOẠI DI TÍCH

Vị trí dọc trục đường chính

Vị trí dọc các kiệt, hẻm

Nhà nước hỗ trợ

Chủ sở hữu đầu tư

Nhà nước hỗ trợ

Chủ sở hữu đầu tư

Loại đặc biệt

60

40

75

25

Loại I & II

45

55

65

35

Loại III & IV

40

60

60

40

b) Đối với di tích trong khu vực IIA: Nhà nước hỗ trợ 40% cho mỗi hạng mục được hỗ trợ.

4. Chủ đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích tư nhân, tập thể được hỗ trợ kinh phí:

a) Nhà nước làm chủ đầu tư tu bổ đối với di tích loại đặc biệt, loại I.

b) Chủ di tích làm chủ đầu tư tu bổ đối với di tích còn lại.

Điều 11. Phối hợp cấp phép; kiểm tra, xử lý vi phạm công trình, nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu tư nhân, tập thể

1. Ủy ban nhân dân thành phố Hội An thực hiện cấp phép tu bổ, tôn tạo công trình, nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu tư nhân, tập thể trong Khu phố cổ và kiểm tra, xử lý vi phạm.

2. Ủy ban nhân dân thành phố Hội An xây dựng quy trình phối hợp cấp phép tu bổ, tôn tạo công trình, nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu tư nhân, tập thể trong Khu phố cổ và kiểm tra, xử lý vi phạm; trong đó phân định nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, địa phương thuộc thẩm quyền quản lý để thực hiện đảm bảo theo quy định hiện hành.

Chương IV

BẢO VỆ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

Điều 12. Quy định về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể

1. Các loại hình Di sản văn hóa phi vật thể (những phong tục, tập quán, nếp sống truyền thống của các cộng đồng dân cư) trong Khu phố cổ cần được giữ gìn và phát huy phù hợp.

2. Các không gian tín ngưỡng, thờ tự gắn liền với từng di tích cần được bảo vệ. Khi tu bổ, sửa chữa, sử dụng phải đảm bảo giữ gìn tối đa yếu tố nguyên gốc của các không gian này.

3. Định kỳ tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, phân loại các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong Khu phố cổ.

Chương V

TỔ CHỨC THAM QUAN, DỊCH VỤ DU LỊCH

Điều 13. Đơn vị tổ chức hoạt động tham quan du lịch

Ủy ban nhân dân thành phố Hội An phân công đơn vị thực hiện nhiệm vụ tổ chức các hoạt động tham quan du lịch trong Khu phố cổ.

Điều 14. Khách du lịch, đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, hướng dẫn viên du lịch

1. Khách du lịch:

a) Mua vé tham quan trước khi vào Khu phố cổ. Ngoài đối tượng theo quy định của pháp luật, trường hợp được miễn hoặc giảm mua vé tham quan khác do cấp có thẩm quyền quyết định.

b) Thực hiện đúng nội quy, quy định tại Khu phố cổ và điểm tham quan; tôn trọng phong tục, tập quán, tín ngưỡng của nhân dân trong Khu phố cổ, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và môi trường du lịch.

2. Đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành:

a) Có trách nhiệm mua vé tham quan cho khách du lịch.

b) Được miễn, giảm mua vé hoặc cung cấp hướng dẫn viên tại điểm miễn phí nếu có số lượng và đối tượng khách đúng theo quy định của cấp có thẩm quyền.

c) Các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dịch vụ du lịch bằng ghe bơi khi được cấp có thẩm quyền cấp phép và có trách nhiệm đăng ký tuyến, thời gian hoạt động, vận tải khách du lịch đúng số lượng cho phép, trang bị đủ áo phao, thu phí vận chuyển đúng quy định, bảo vệ môi trường nước, phương tiện đảm bảo an toàn; thực hiện đúng các quy định khác của cấp có thẩm quyền.

3. Hướng dẫn viên du lịch:

a) Thuyết minh chính xác, đầy đủ và tạo được ấn tượng tốt cho khách du lịch về Khu phố cổ.

b) Thực hiện theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều này.

Điều 15. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân quản lý điểm tham quan

1. Được đón tiếp và phục vụ khách du lịch tại điểm tham quan đảm bảo văn minh, lịch sự.

2. Được hưởng lợi ích tài chính từ khoản thu phí tham quan theo tỉ lệ hoặc định mức do nhà nước quy định.

3. Có trách nhiệm bài trí ngăn nắp, gọn, sạch, đẹp, đảm bảo điều kiện phục vụ khách du lịch. Việc đón, tiếp, hướng dẫn, giới thiệu phải văn minh, lịch sự, nhiệt tình, thân thiện, an toàn, phù hợp với thuần phong mỹ tục.

4. Chấp hành và nhắc nhở khách du lịch chấp hành các quy định về bảo tồn di sản văn hóa, xây dựng và niêm yết nội quy điểm tham quan; kiểm soát vé tham quan; phát hành vé và thu tiền của khách du lịch khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

5. Điểm tham quan là di tích tôn giáo, tín ngưỡng được tổ chức hoạt động kinh doanh các ấn phẩm văn hóa viết, nghe nhìn nhằm giới thiệu lịch sử, văn hóa, du lịch của Việt Nam, Hội An và điểm tham quan; nếu kinh doanh các mặt hàng khác khi được cấp có thẩm quyền cho phép. Điểm tham quan khác được bán các mặt hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ bằng chất liệu gỗ, gốm, sành sứ, tre, sản phẩm từ cói, trang sức, vật lưu niệm nhỏ, tranh ảnh nếu có vị trí bố trí riêng biệt độc lập với khu vực dành cho tham quan, không ảnh hưởng đến hoạt động tham quan, không ảnh hưởng mỹ quan, cảnh quan của di tích và có niêm yết giá cụ thể.

6. Thực hiện đúng quy định về tu bổ di tích; phòng, chống cháy, nổ, mối, mọt được quy định tại Quy chế này.

Chương VI

HOẠT ĐỘNG KINH DOANH, TRƯNG BÀY, QUẢNG CÁO

Điều 16. Hoạt động kinh doanh

1. Ngành, nghề kinh doanh; mặt hàng buôn bán hàng rong, hàng vỉa hè:

a) Các ngành, nghề kinh doanh được phép kinh doanh theo quy định có thể tổ chức kinh doanh trong Khu phố cổ (trừ các ngành, nghề quy định tại Phụ lục III, Quy chế này) nhưng đảm bảo không ảnh hưởng xấu và làm giảm giá trị Khu phố cổ.

b) Ngành, nghề được ưu tiên tổ chức kinh doanh trong Khu phố cổ quy định tại Phụ lục IV, Quy chế này. Khuyến khích việc duy trì, khôi phục hoạt động kinh doanh các mặt hàng truyền thống của các thương hiệu nổi tiếng có từ trước năm 1975 (trừ các ngành, nghề kinh doanh được quy định tại Khoản 1, Điều này).

2. Tổ chức kinh doanh trong khu vực I, II:

a) Thực hiện đầy đủ, đảm bảo các quy định về sử dụng, tu bổ, tôn tạo di tích; kinh doanh đúng ngành, nghề đăng ký; thực hiện đúng quy định về đảm bảo an toàn phòng, chống cháy, nổ; vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.

b) Niêm yết công khai, rõ ràng giá hàng hóa, dịch vụ trong địa điểm kinh doanh. Khuyến khích chủ cơ sở kinh doanh, nhân viên giao dịch, bán hàng mặc trang phục truyền thống hoặc đồng phục của cửa hàng đảm bảo gọn gàng, lịch sự; thái độ giao tiếp nhã nhặn, văn minh.

3. Bán hàng rong, vỉa hè:

Việc buôn bán hàng rong, vỉa hè thực hiện theo Đề án bố trí buôn bán hàng rong, vỉa hè trong Khu phố cổ Hội An ban hành kèm theo Quyết định số 2858/QĐ-UBND ngày 12 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Hội An và các văn bản điều chỉnh, bổ sung, thay thế Quyết định này.

Điều 17. Hoạt động trưng bày

1. Hoạt động trưng bày trong khu vực I:

a) Trưng bày hàng hóa phía bên trong vách tường mặt tiền nhà trở vào, đảm bảo không che lấp các hạng mục và chi tiết kiến trúc ngôi nhà. Đối với các nhà thuộc tuyến đường Phan Bội Châu, được trưng bày bên trong trụ hiên nhà. Đối với các nhà có sân trước, có hiên cách vỉa hè trên 4,0m, được trưng bày bên trong hiên nhà. Trong trường hợp nhà có sân vườn, có hiên cách vỉa hè rộng trên 5,0m, có thể sử dụng trưng bày các phương tiện hoạt động dịch vụ của nhà hàng, quán giải khát, sửa chữa bảo hành đồ dùng cá nhân trên hiên và sân vườn trong phần đất được giao quyền sử dụng.

b) Các điểm kinh doanh được trang bị các loại đèn có ánh sáng duy nhất màu vàng, không nhấp nháy, tránh sử dụng các loại đèn dây led; sử dụng các loại chụp đèn được làm bằng chất liệu truyền thống (gỗ, tre, lồng đèn, …) để chiếu sáng hàng hóa, hàng mẫu; nguồn sáng không chiếu hắt ra đường phố. Hạn chế tiếng ồn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Sử dụng các loại nhạc cổ điển, nhạc thính phòng, nhạc cổ truyền Việt Nam. Ngoại trừ thiết kế trang trí được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì thực hiện theo giấy phép được cấp.

c) Sử dụng các loại móc nhựa treo chuyên dùng có máng, ma-nơ-canh bán thân cốt bằng gỗ bọc vải để giới thiệu mẫu trang phục tại nếp nhà trước.

d) Sử dụng chất liệu gỗ hoặc giả gỗ làm tủ, kệ, giá treo để bảo quản, trưng bày hàng hóa, hàng mẫu. Trường hợp kinh doanh ngành trang sức, vàng bạc, đá quý, thuốc tân dược, đồng hồ đeo tay, kính mắt, máy ảnh, phim ảnh và vật liệu ảnh, bánh các loại được sử dụng 01 tủ gỗ có lắp kính không tráng thủy để trưng bày, độ cao tủ phải cách trần nhà tối thiểu 1,5m, vị trí đặt tủ đảm bảo không che lấp các chi tiết kiến trúc trong nhà; được phép lắp các loại bóng đèn có ánh sáng màu vàng có công suất từ 5W trở xuống. Riêng đối với ngành kinh doanh dịch vụ cắt tóc được sử dụng kính tráng thủy có khung bằng gỗ làm gương soi, diện tích gương soi không quá 20% diện tích tường. Trường hợp kinh doanh ngành dịch vụ lữ hành, đại lý bán vé máy bay, tàu hỏa, xe vận chuyển khách du lịch được sử dụng các loại bảng treo dựa tường, phía bên trong vách tường nhà trở vào bằng chất liệu gỗ, sơn màu đà, nâu, vàng sẫm, chữ viết trên gỗ màu vàng sẫm, không nhụ ánh bạc, sử dụng hình ảnh bằng vật liệu, chất liệu truyền thống để cung cấp thông tin, giới thiệu sản phẩm cho khách. Độ cao bảng cách trần nhà tối thiểu 1,5m, vị trí treo bảng đảm bảo không che lấp các chi tiết kiến trúc trong nhà và diện tích bảng không quá 15% diện tích mỗi bức tường nhà khu vực kinh doanh.

2. Hoạt động trưng bày trong khu vực II:

a) Trừ những quy định tại điểm b, c, d, Khoản 2, Điều này, việc trưng bày cần thực hiện đúng quy định tại điểm c, d, Khoản 1, Điều này.

b) Hạn chế sử dụng chất liệu kính, kính tráng thủy tại nếp nhà trước; khuyến khích sử dụng tủ gỗ, giả gỗ có hình thức truyền thống để trưng bày, bảo quản hàng hóa.

c) Sử dụng loại đèn có ánh sáng duy nhất một màu, không nhấp nháy để trang trí, quảng cáo. Trong trường hợp có thiết kế trang trí quảng cáo được cấp thẩm quyền phê duyệt thì thực hiện theo nội dung cho phép.

d) Trường hợp kinh doanh ngành dịch vụ lữ hành, đại lý bán vé máy bay, tàu hỏa, xe vận chuyển khách du lịch thực hiện theo Điểm d, Khoản 1, Điều này; diện tích bảng không quá 20% (khu vực IIA) và 30% (khu vực IIB) diện tích mỗi bức tường.

Điều 18. Hoạt động quảng cáo

1. Hoạt động quảng cáo, cổ động trực quan:

a) Trong khu vực I và khu vực II, các hoạt động quảng cáo sinh lời bằng bảng, biển, pa nô, băng rôn, hình khối, các loại mái che, dù, phướn, dây cờ được thực hiện khi các cấp có thẩm quyền cho phép.

b) Trong khu vực I, các hoạt động cổ động trực quan bằng hình thức bảng, biển, pa nô, băng rôn, hình khối được thực hiện khi các cấp có thẩm quyền cho phép.

2. Hoạt động viết, đặt biển hiệu:

a) Trong khu vực I, cho phép treo 01 biển hiệu được cấp phép.

b) Chất liệu biển hiệu:

Trong khu vực I: Biển hiệu được sử dụng các chất liệu theo nội dung đã được cấp phép (gỗ, mây, tre hoặc các chất liệu truyền thống khác; màu đà, nâu, vàng sẫm).

Trong các trục đường chính thuộc khu vực IIA và IIB: Biển hiệu được sử dụng các vật liệu, chất liệu truyền thống (gỗ, mây, tre…), các vật liệu giả gỗ; tránh sử dụng các chất liệu hiện đại như: Hộp đèn, mi-ca, tấm bạt, hệ thống đèn ne-on uốn chữ, đèn dây, …

c) Kích thước biển hiệu:

Biển hiệu ngang: Ngôi nhà có chiều ngang trên 5,0m thì biển hiệu có kích thước tối đa dài 1,8m, rộng 0,6m; từ 4,0m đến 5,0m thì biển hiệu có kích thước tối đa dài 1,5m, rộng 0,5m; dưới 4,0m thì biển hiệu có kích thước tối đa dài 1,2m, rộng 0,5m; treo đặt song song với mặt hiên nhà.

Biển hiệu dọc: Kích thước tối đa cao 0,8m, rộng 0,5m; dựng dọc theo hiên nhà. Chiều cao tính từ mặt đất lên đầu bảng tối đa là 1,25m.

Chương VII

TRẬT TỰ AN TOÀN VÀ QUẢN LÝ TÁC ĐỘNG RỦI RO

Điều 19. Trật tự an toàn

1. Trong khu vực I, lắp đặt các vật, phương tiện đảm bảo không gây tiếng ồn và độ rung, gây cháy, nổ hoặc thải chất độc hại đến môi trường; không phát sáng, chiếu sáng ảnh hưởng đến cảnh quan và di tích.

2. Trong khu vực I, các loại ô tô lưu thông trên các đường phố và các loại thuyền máy đi lại vào các ngày lũ lụt khi được các cấp có thẩm quyền cho phép.

3. Mọi hoạt động tiến hành trong Khu phố cổ, kể cả tu bổ di tích được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy và cảnh quan môi trường.

Điều 20. Phòng, chống cháy, nổ

1. Định kỳ thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá để có kế hoạch phòng cháy và chữa cháy cho Khu phố cổ.

2. Định kỳ kiểm tra, vận hành hệ thống phòng cháy và chữa cháy công cộng tại khu vực chợ và các tuyến đường để đảm bảo hoạt động tốt khi có sự cố cháy, nổ.

3. Hệ thống điện chiếu sáng và sinh hoạt trong mỗi di tích, công trình được kiểm tra định kỳ, đảm bảo an toàn về thiết bị, đường dây… Nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ, phương tiện phát sinh lửa, sinh nhiệt được giám sát chặt chẽ; các chất dễ cháy phục vụ nhu cầu sinh hoạt được bảo quản, sử dụng an toàn.

4. Sử dụng dụng cụ khi đốt hương, vàng mã tại gia đình và di tích công cộng được đặt tại khu vực an toàn; dập, tắt các nguồn lửa, nguồn nhiệt trước khi đóng cửa mà không có người trong di tích.

5. Các điểm kinh doanh chấp hành đúng quy định của cấp có thẩm quyền về trưng bày, xếp đặt hàng hóa; nơi chứa hàng hóa bố trí tách biệt với nơi ở, nơi sinh hoạt, nơi có nguồn phát sinh lửa, sinh nhiệt; thường xuyên có người trực đêm tại điểm kinh doanh (không có người ở).

6. Các điểm kinh doanh, điểm tham quan trang bị đầy đủ bình chữa cháy và các dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy khác theo quy định. Các dụng cụ, phương tiện này cần được kiểm định theo định kỳ.

7. Định kỳ có các hình thức tuyên truyền, tập huấn, diễn tập nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về đảm bảo an toàn cháy, nổ.

8. Khi phát hiện cháy nổ, những người có mặt tại hiện trường có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các bước về “Tiêu lệnh chữa cháy” theo quy định.

Điều 21. Phòng, tránh bão, lụt

1. Hàng năm khảo sát kiểm tra, đánh giá tình trạng di tích để có kế hoạch triển khai phòng chống trước mùa mưa bão.

2. Chủ di tích có trách nhiệm kiểm tra, phòng chống di tích của mình. Trường hợp đặc biệt được cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ chống đỡ.

Điều 22. Phòng, chống mối, mọt

1. Định kỳ kiểm tra, đánh giá trình trạng mối, mọt tại di tích để có kế hoạch phòng chống.

2. Chủ di tích có trách nhiệm kiểm tra thường xuyên tình trạng mối, mọt; có giải pháp phòng, chống phù hợp hoặc kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

Chương VIII

THỦ TỤC THỰC HIỆN QUY ĐỊNH BẢO VỆ

Điều 23. Bảo vệ di sản văn hóa

Mọi hoạt động của các cá nhân, tổ chức có liên quan đến Khu phố cổ đã được các cơ quan có thẩm quyền cho phép thì các cá nhân, tổ chức đó có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân thành phố Hội An trước khi tiến hành; nếu không phù hợp với Quy chế này, hoặc có khả năng tác hại đến di sản văn hóa, Ủy ban nhân dân thành phố Hội An được quyền yêu cầu tạm ngừng; đồng thời, báo cáo với cấp trên đã cho phép cho tới khi có văn bản phản hồi của cơ quan đó; trong trường hợp chưa được cơ quan cấp trên nào cho phép thì cần được Ủy ban nhân dân thành phố Hội An cho phép hoặc báo cáo cấp trên cho phép mới được tiến hành.

Điều 24. Dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích

Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích (sau đây gọi chung là dự án tu bổ di tích) được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích- lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Trong quá trình thực hiện, nếu có văn bản điều chỉnh, bổ sung, thay thế Nghị định này thì áp dụng theo văn bản điều chỉnh, thay thế, bổ sung đó.

Điều 25. Thi công, nghiệm thu, bàn giao và quyết toán dự án tu bổ di tích

Việc tổ chức thi công, nghiệm thu, bàn giao, thanh quyết toán dự án tu bổ di tích và tu bổ cấp thiết, bảo quản định kỳ di tích được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, phục hồi di tích. Trong quá trình thực hiện, nếu có văn bản điều chỉnh, bổ sung, thay thế Thông tư này thì áp dụng theo văn bản điều chỉnh, thay thế, bổ sung đó.

Điều 26. Cấp phép tu bổ, tôn tạo di tích, xây dựng, sửa chữa công trình, nhà ở

1. Trước khi khởi công tu bổ, tôn tạo di tích, xây dựng, sửa chữa công trình, nhà ở, chủ đầu tư lập thủ tục xin Giấy phép tu bổ, tôn tạo di tích - nhà ở. Việc cấp phép tu bổ, tôn tạo di tích, xây dựng, sửa chữa công trình, nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng hiện hành và Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 22/4/2020 của UBND tỉnh Quảng Nam quy định một số nội dung về cấp giấy phép trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, trừ trường hợp thuộc Khoản 2, Điều này. Trong quá trình thực hiện, nếu có văn bản điều chỉnh, bổ sung, thay thế Quyết định này thì áp dụng theo văn bản điều chỉnh, bổ sung đó.

2. Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư.

3. Chủ đầu tư xây dựng công trình được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại Khoản 2, Điều này, có trách nhiệm thông báo thời điểm khởi công xây dựng kèm theo hồ sơ thiết kế xây dựng đến cơ quan quản lý để theo dõi, lưu hồ sơ.

Điều 27. Lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ tu bổ, tôn tạo di tích thuộc sở hữu tư nhân, tập thể được hỗ trợ kinh phí

1. Chủ đầu tư có trách nhiệm hợp đồng với đơn vị tư vấn có tư cách pháp nhân lập hồ sơ hỗ trợ trên cơ sở giấy phép tu bổ, xây dựng được cấp.

2. Hồ sơ hỗ trợ được thẩm định, phê duyệt theo quy định hiện hành để làm cơ sở thực hiện.

Điều 28. Tổ chức thi công, nghiệm thu và quyết toán hồ sơ hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích

1. Chủ đầu tư tổ chức thi công công trình theo quy định hiện hành. Trường hợp chủ đầu tư là chủ di tích tự ý thi công sai giấy phép được cấp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định và bị hủy quyết định hỗ trợ.

2. Nghiệm thu và quyết toán:

a) Trường hợp Nhà nước làm chủ đầu tư: Thực hiện theo quy định hiện hành.

b) Trường hợp chủ di tích làm chủ đầu tư: Chủ di tích có trách nhiệm phối hợp tổ chức nghiệm thu, bao gồm: Nghiệm thu công việc xây dựng, nghiệm thu hoàn thành công trình, bàn giao công trình để đưa vào sử dụng. Sau thời gian 20 ngày kể từ khi công trình được nghiệm thu hoàn thành, đưa vào sử dụng, chủ di tích gửi hồ sơ quyết toán để kiểm tra trước khi trình phê duyệt; nếu không đảm bảo thời gian trên thì chủ di tích chịu trách nhiệm trong việc chậm trễ bố trí nguồn vốn và quyết toán.

c) Ngoài chi phí xây dựng được thanh toán theo tỷ lệ hỗ trợ, ngân sách Nhà nước sẽ thanh toán 100% kinh phí cho các nội dung sau:

Chi phí lập hồ sơ: Tỉ lệ theo quy định hiện hành và tối thiểu là 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng)/hồ sơ.

Chi phí quản lý dự án là 1% (Một phần trăm) của chi phí xây dựng.

Chi phí thẩm tra quyết toán theo quy định.

Điều 29. Thủ tục đăng ký kinh doanh; đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

1. Ngoài các quy định hiện hành, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thực hiện đúng và đầy đủ những quy định về hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại và những nội dung được quy định trong Quy chế này.

2. Tùy theo mức độ vi phạm quy định liên quan tại Quy chế này, người kinh doanh sẽ bị đình chỉ kinh doanh hoặc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Điều 30. Thủ tục đăng ký, đình chỉ bán hàng rong, hàng vỉa hè trong khu vực I

1. Người bán hàng rong, hàng vỉa hè thực hiện đúng và đầy đủ những quy định của cấp có thẩm quyền.

2. Tùy theo mức độ vi phạm, người bán hàng rong, hàng vỉa hè sẽ bị đình chỉ buôn bán.

Chương IX

TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA BẢO VỆ KHU PHỐ CỔ

Điều 31. Trách nhiệm của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam và các sở, ban, ngành của tỉnh

1. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam:

a) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện trách nhiệm được quy định tại Điều 20 Nghị định số 109/2017/ND-CP ngày 21/9/2017 của Chính phủ.

b) Theo dõi hoạt động của các đơn vị liên quan để tổng hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

a) Thẩm định nội dung bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo quy định.

b) Thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động liên quan đến bảo vệ Khu phố cổ.

c) Chủ trì, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật và công tác thi đua khen thưởng.

d) Thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và theo nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 08/2019/QĐ-ND ngày 02/5/2019 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên trong Khu phố cổ.

b) Thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư xây dựng (ngoài dự án xây dựng công trình bảo vệ Khu phố cổ) có sử dụng đất hoặc mặt nước thuộc Khu phố cổ hoặc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư xây dựng công trình bảo vệ Khu phố cổ theo thẩm quyền.

4. Sở Xây dựng:

a) Chủ trì trình, thẩm định, phê duyệt dự án tu bổ di tích trong Khu phố cổ theo quy định.

b) Tổ chức lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân thành phố Hội An trước khi cấp phép xây dựng cho các công trình trong Khu phố cổ theo thẩm quyền.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Chủ trì tham mưu cân đối và bố trí nguồn vốn cho các dự án tu bổ di tích trong Khu phố cổ.

b) Tổ chức lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân thành phố Hội An trước khi cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các trường hợp trong Khu phố cổ theo thẩm quyền.

6. Sở Tài chính:

Phối hợp với Sở kế hoạch và Đầu tư tham mưu bố trí vốn cho các dự án tu bổ di tích trong Khu phố cổ theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước.

7. Công an tỉnh:

Chỉ đạo xây dựng kế hoạch và triển khai đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy, nổ hàng năm trong Khu phố cổ.

8. Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh:

Xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp phòng, chống lụt bão, tìm kiến cứu nạn hàng năm trong Khu phố cổ.

9. Các Sở, Ban, ngành trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp trong việc bảo vệ Khu phố cổ theo quy định hiện hành.

Điều 32. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố Hội An

1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động bảo vệ Khu phố cổ theo quy định của pháp luật.

2. Phối hợp với các Sở, Ban, ngành trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị Khu phố cổ.

3. Cụ thể hóa các quy định, quy trình thực hiện được nêu tại các Chương II, III, IV, V, VI, VII, VIII Quy chế này theo thẩm quyền được giao. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, địa phương thuộc thẩm quyền quản lý để triển khai thực hiện Quy chế này.

Điều 33. Trách nhiệm đơn vị được giao quản lý, sử dụng Khu phố cổ

1. Ủy ban nhân dân thành phố Hội An phân công đơn vị quản lý, khai thác, sử dụng, phát huy huy giá trị Khu phố cổ và giao chức năng, nhiệm vụ cụ thể trên cơ sở quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Nghị định số 109/2017/NĐ- CP ngày 21 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ Quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam.

2. Đơn vị được giao quản lý, sử dụng Khu phố cổ trong chức năng, nhiệm vụ của mình chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị từ trung ương đến địa phương để tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố Hội An thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Khu phố cổ.

Điều 34. Trách nhiệm của cộng đồng trong Khu phố cổ

1. Thực hiện đúng các quy định về bảo vệ Khu phố cổ.

2. Chịu trách nhiệm trước tiên về mọi sự hư hỏng, sai lệch, giảm giá trị của di tích do mình sở hữu, sử dụng.

3. Phối hợp với cơ quan nhà nước trong việc quản lý, bảo tồn giá trị di sản văn hóa trong Khu phố cổ; giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội và môi trường du lịch.

4. Được quyền tổ chức các loại hình dịch vụ hợp pháp để phục vụ khách du lịch nhưng không làm ảnh hưởng đến Khu phố cổ. Trong quá trình hoạt động tránh các hành động chèo kéo, buộc khách du lịch mua dịch vụ, hàng hóa của mình một cách không tự nguyện và phải thực hiện đúng các quy tắc ứng xử văn minh du lịch theo quy định.

Chương X

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 35. Thanh tra, kiểm tra

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm tham mưu triển khai công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ việc thực hiện nội dung quy định trong Quy chế này.

Điều 36. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo

1. Công dân, tổ chức có quyền khiếu nại, tố cáo, phản ánh với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những hành vi dẫn đến hoặc có nguy cơ gây hư hỏng, sai lệch, giảm giá trị của di tích, ảnh hưởng xấu đến giá trị của Khu phố cổ.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được phân công trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tiếp nhận giải quyết và tham mưu giải quyết kịp thời, đúng pháp luật khiếu nại, tố cáo; xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm cho quyết định giải quyết được thi hành nghiêm chỉnh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Điều 37. Sửa đổi, bổ sung Quy chế

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, Ủy ban nhân dân thành phố Hội An có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

 

PHỤ LỤC II

QUY ĐỊNH CÔNG TÁC TU BỔ TRONG KHU VỰC IIA
(Kèm theo Quy chế bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An)

Mục I: Các công trình theo kiểu nhà vườn, biệt thự được điều chỉnh theo điểm a, khoản 2 Điều 9 của Quy chế:

1. Đường Trần Hưng Đạo: Nhà số 45/5; 45/37;, 47/24; 45/29 (quán cà phê Ngọc Lan).

2. Đường Nguyễn Huệ: Nhà số 02.

3. Đường Hoàng Diệu: Nhà số 06.

Mục II: Các ngôi nhà, nếp nhà mặt tiền tuyến phố có kết cấu kiến trúc, hệ mái ngói truyền thống được điều chỉnh theo điểm b, khoản 2 Điều 9 của Quy chế:

1. Đường Trần Hưng Đạo:

- Nhà, dãy nhà số lẻ: 15; 17; 21 đến 27; 39 đến 45; 59.

- Nhà, dãy nhà số chẵn: 18 đến 26; 42 đến 50; 98.

2. Đường Nguyễn Duy Hiệu: Nhà, dãy nhà số lẻ: 281 đến 291; 295; 297; 303; 305.

Mục III: Các ngôi nhà, công trình, hạng mục công trình áp dụng điều chỉnh theo điểm c, khoản 2 Điều 9 Quy chế nếu nằm liền kề, kế cận (trong phạm vi bán kính 10m) các di tích tôn giáo - tín ngưỡng sau:

- Văn chỉ Cẩm Phô

- Chùa Viên Giác

- Đình Xuân Lâm

- Nhà thờ tộc Vưu (2/28 Lê Lợi)

- Nhà thờ tộc Lê Doãn (44/20 Phan Châu Trinh)

- Nhà thờ tộc Trương (54/4 Phan Châu Trinh)

- Đình Ấp Tu Lễ.

- Hội thánh Tin Lành.

- Chùa Pháp Bảo.

- Hội An Tiên Tự.

- Văn chỉ Minh Hương.

- Đình Sơn Phong

 

PHỤ LỤC III

NGÀNH, NGHỀ KHÔNG ĐƯỢC PHÉP SẢN XUẤT, KINH DOANH TRONG KHU PHỐ CỔ
(Kèm theo Quy chế bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An)

A. Ngành nghề không được phép sản xuất, kinh doanh trong khu vực I và IIA:

(Mã ngành, nghề kinh doanh áp dụng theo Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg, ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ).

I. Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (Mã ngành cấp 1: A), Khai khoáng (Mã ngành cấp 1: B).

II. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (Mã ngành cấp 1: C), ngoại trừ:

1. Sản xuất dạng tiểu thủ công may trang phục (Mã ngành cấp 2: 14).

2. Sản xuất giày, dép (Mã ngành cấp 3: 152).

3. Sản xuất sản phẩm khác từ gỗ, sản xuất sản phẩm từ tre, nứa, rơm, rạ và vật liệu tết bện (Mã ngành cấp 4: 1629).

4. Sao chép bản ghi các loại (Mã ngành cấp 3: 182).

5. Sản xuất dược liệu (Mã ngành cấp 5: 21002).

6. Sản xuất đồ kim hoàn, đồ giả kim hoàn và các chi tiết liên quan. (Mã ngành cấp 3: 321).

7. Sản xuất nhạc cụ (Mã ngành cấp 3: 322).

8. Sản xuất vali, túi xách và các loại tương tự, sản xuất yên đệm (Mã ngành cấp 4: 1512).

III. Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (Mã ngành cấp 1: D); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (Mã ngành cấp 1: E).

IV. Ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác (Mã ngành cấp 1: G) gồm:

1. Bán buôn động vật sống (Mã ngành cấp 5: 46203).

2. Bán buôn thủy sản (Mã ngành cấp 5: 46322).

3. Bán buôn than đá và nhiên liệu rắn khác (Mã ngành cấp 5: 46611).

4. Bán buôn dầu thô (Mã ngành cấp 5: 46612).

5. Bán buôn xăng dầu (Mã ngành cấp 5: 46613).

6. Bán buôn khí đốt và các sản phẩm liên quan (Mã ngành cấp 5: 46614).

7. Bán buôn xi măng (Mã ngành cấp 5: 46632).

8. Bán buôn gạch xây, ngói đá, cát, sỏi (Mã ngành cấp 5: 46633).

9. Bán buôn phế liệu, phế thải kim loại, phi kim loại (Mã ngành cấp 5: 46697).

10. Bán lẻ nhiên liệu động cơ trong các cửa hàng chuyên doanh (Mã ngành cấp 3: 473).

11. Bán lẻ ximăng, gạch xây, ngói, đá, cát sỏi và VLXD khác trong các cửa hàng chuyên doanh (Mã ngành cấp 5: 47524).

12. Bán lẻ gạch ốp lát,thiết bị vệ sinh trong các cửa hàng chuyên doanh (Mã ngành cấp 5: 47525).

13. Bán lẻ dầu hỏa, ga, than nhiên liệu dùng cho gia đình trong các cửa hàng chuyên doanh (Mã ngành cấp 5: 47735).

V. Dịch vụ lưu trú và ăn uống (Mã ngành cấp 1: H) gồm:

1. Khách sạn (Mã ngành cấp 5: 55101).

2. Biệt thự hoặc căn hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày (Mã ngành cấp 5: 55102).

3. Nhà khách, nhà nghỉ kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày (Mã ngành cấp 5: 55103).

4. Nhà trọ, phòng trọ và các cơ sở lưu trú ngắn ngày tương tự (Mã ngành cấp 5: 55104).

5. Ký túc xá học sinh, sinh viên (Mã ngành cấp 5: 55901).

6. Chỗ nghỉ trọ trên xe lưu động, lều quán, trại dùng để nghỉ tạm (Mã ngành cấp 5: 55902).

7. Cơ sở lưu trú khác chưa được phân vào đâu (Mã ngành cấp 5: 55909).

VI. Nghệ thuật, vui chơi và giải trí: Gồm các hoạt động vui chơi giải trí khác chưa được phân vào đâu: Kinh doanh phòng hát karaoke, kinh doanh vũ trường (Mã ngành cấp 4: 9329). Không phát triển thêm ngoài số lượng đã có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

VII. Hoạt động dịch vụ khác: Gồm dịch vụ tắm hơi, massage và các dịch vụ tăng cường sức khoẻ tương tự (Mã ngành cấp 3: 961), giặt là, làm sạch các sản phẩm dệt và lông thú (Giặt là công nghiệp), (Mã ngành cấp 3: 962).

VIII. Hoạt động dịch vụ phụ lục cá nhân khác còn lại chưa được phân vào đâu: Gồm dịch vụ internet (Mã ngành cấp 4 : 9639). Không phát triển thêm ngoài số lượng đã có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

B. Ngành nghề không được phép sản xuất kinh doanh trong khu vực IIB:

I. Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (Mã ngành cấp 1: A); Khai khoáng (B).

II. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (Mã ngành cấp 1 : C)ngoại trừ nhóm mã ngành đã quy định trong khu vực I và IIA, bổ sung thêm:

1. Sản xuất may trang phục (Mã ngành cấp 2: 14).

2. Bảo quản gỗ (Mã ngành cấp 5: 16102).

3. Sản xuất đồ gỗ xây dựng (Mã ngành cấp 4 : 1622), sản xuất bao bì bằng gỗ (Mã ngành cấp 4: 1623).

4. Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (Mã ngành cấp 2: 31).

5. Sửa chữa và bảo dưỡng máy móc thiết bị và sản phẩm kim loại đúc sẵn (Mã ngành cấp 3: 331).

III. Ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác (Mã ngành cấp 1: G): Gồm:

1. Bán buôn thủy sản (Mã ngành cấp 5: 46322).

2. Bán buôn than đá và nhiên liệu rắn khác (Mã ngành cấp 5: 46611).

3. Bán buôn dầu thô (Mã ngành cấp 5: 46612).

4. Bán buôn xăng dầu (Mã ngành cấp 5: 46613).

5. Bán buôn xi măng (Mã ngành cấp 5: 46632).

6. Bán buôn gạch xây, ngói đá, cát, sỏi (Mã ngành cấp 5: 46633).

7. Bán buôn phế liệu, phế thải kim loại, phi kim loại (Mã ngành cấp 5: 46697).

8. Bán lẻ xi măng, gạch xây, ngói, đá, cát sỏi, sắt thép và vật liệu xây dựng khác trong các cửa hàng chuyên doanh (Mã ngành cấp 5: 47524).

 

PHỤ LỤC IV

NHÓM NGÀNH, NGHỀ KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN TRONG KHU VỰC I, IIA
(Kèm theo Quy chế bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An)

 (Mã ngành, nghề kinh doanh áp dụng theo Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg, ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ).

1. Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí, gồm: Hoạt động hội họa, hoạt động vẽ, sáng tác các tác phẩm nghệ thuật, hoạt động điêu khắc (Mã ngành cấp 2: 90) và hoạt động biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Việt Nam, nhạc cổ điển, nhạc thính phòng (Mã ngành cấp 5: 90000).

2. Hoạt động bảo tồn, bảo tàng, gồm: Hoạt động nhà bảo tàng, lưu niệm, phục chế các di vật, di tích (Mã ngành cấp 4: 9102).

3. Dịch vụ ăn uống khác, gồm: Chuyên kinh doanh dịch vụ ăn uống đặc sản truyền thống địa phương: Nhà hàng truyền thống Việt, nhà hàng truyền thống Hoa, Nhật... (Mã ngành cấp 4: 5629).

4. Bán lẻ hàng lưu niệm, hàng đan lát, hàng thủ công mỹ nghệ trong các cửa hàng chuyên doanh (Mã ngành cấp 5: 47733) và bán lẻ tranh, ảnh và các tác phẩm nghệ thuật khác (trừ đồ cổ) trong các cửa hàng chuyên doanh (Mã ngành cấp 5: 47734), gồm: Mua bán các loại sản phẩm lưu niệm thủ công mỹ nghệ tại địa phương: Lồng đèn, cói đan nhỏ, sản phẩm từ tre, trúc, điêu khắc gỗ nhỏ, sản phẩm từ biển, sản phẩm từ bông vải.

5. Hoạt động y tế khác chưa được phân vào đâu, gồm: Hoạt động y dược cổ truyền (Mã ngành cấp 5: 86990).


HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 19/2020/QĐ-UBND về Quy chế bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An do tỉnh Quảng Nam ban hành

  • Số hiệu: 19/2020/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/12/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Lê Trí Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản