Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN AN NINH HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG QUỐC GIA | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1896/QĐ-UBANHK | Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2020 |
BAN HÀNH HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ RỦI RO AN NINH HÀNG KHÔNG CẤP QUỐC GIA
CHỦ TỊCH
ỦY BAN AN NINH HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG QUỐC GIA
Căn cứ Nghị định số 92/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về An ninh hàng không;
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Quyết định số 1286/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng không dân dụng;
Căn cứ Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia: Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - Chánh Văn phòng Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Hướng dẫn quản lý rủi ro an ninh hàng không cấp quốc gia.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ: Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Tài chính, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện đảo nơi có cảng hàng không, sân bay, các doanh nghiệp trong ngành hàng không, các Thành viên Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
QUẢN LÝ RỦI RO AN NINH HÀNG KHÔNG CẤP QUỐC GIA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1896/QĐ-UBANHK ngày 06 tháng 10 năm 2020 của Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia)
MỤC LỤC
Contents
CHỮ VIẾT TẮT
MỤC ĐÍCH BAN HÀNH HƯỚNG DẪN
PHẠM VI HƯỚNG DẪN, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
CĂN CỨ
1. KHÁI QUÁT VỀ QUẢN LÝ RỦI RO AN NINH HÀNG KHÔNG
1.1. Sự cần thiết, tầm quan trọng của đánh giá và quản lý rủi ro ANHK
1.2. Các khái niệm thuộc phạm trù quản lý rủi ro ANHK
1.3. Tóm tắt quy trình quản lý rủi ro ANHK
1.4. Hệ thống quản lý rủi ro ANHK của VN
2. THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ RỦI RO
2.1. XÁC ĐỊNH BỐI CẢNH
2.2. NHẬN DIỆN RỦI RO (THU THẬP THÔNG TIN ĐỂ ĐÁNH GIÁ RỦI RO)
2.3. PHÂN TÍCH RỦI RO (PHÂN TÍCH THÔNG TIN THU THẬP ĐƯỢC)
2.5. GIẢM THIỂU RỦI RO ANHK
2.6. TRAO ĐỔI THÔNG TIN VÀ THAM VẤN
2.7. GIÁM SÁT VÀ XEM XÉT
3. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ LIÊN QUAN THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT
3.1. ỦY BAN AN NINH HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG QUỐC GIA
3.2. BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
3.3. BỘ CÔNG AN
3.4. BỘ QUỐC PHÒNG
3.5. CÁC BỘ NGOẠI GIAO, Y TẾ, TÀI CHÍNH, THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
ANHK: An ninh hàng không.
UB ANHK: Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia.
HKVN: Hàng không Việt Nam.
GTVT: Giao thông vận tải. QPPL: Quy phạm pháp luật.
1. Thiết lập và duy trì khả năng quản lý rủi ro ANHK quốc gia (Establish and maintain risk management capabilities).
2. Thúc đẩy và phổ cập văn hóa quản lý rủi ro ANHK đến các cơ quan, đơn vị liên quan (Foster risk management culture).
3. Triển khai cách tiếp cận nhất quán để đánh giá và quản lý rủi ro ANHK (Establish consistent approach to assess and manage aviation security risks).
4. Góp phần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp tại địa phương trong công tác quản lý rủi ro, bảo đảm ANHK. Hướng dẫn cụ thể cho những người làm tham mưu, giúp việc trong công tác quản lý rủi ro an ninh hàng không về:
- Cách thức xác định mối đe dọa (threat), xây dựng các kịch bản đe dọa (threat scenario), khả năng xảy ra của đe dọa và hậu quả (likelihood and consequence). Đánh giá công tác phòng ngừa hiện tại (current mitigating measures), các điểm dễ bị tấn công hiện hữu (residual vulnerability) và từ đó xác định mức độ rủi ro đang tồn tại của hệ thống (residual risk).
- Trên cơ sở rủi ro đang tồn tại, đưa ra các biện pháp khắc phục hiệu quả (possible additional mitigation) nhằm giảm thiểu rủi ro an ninh hàng không.
- Tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện các biện pháp giảm nhẹ rủi ro đã được đề ra.
PHẠM VI HƯỚNG DẪN, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
Sổ tay này là tài liệu ANHK hạn chế, chỉ sử dụng trong phạm vi của các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp hàng không có trách nhiệm trong công tác bảo đảm ANHK.
Sổ tay này làm tài liệu hướng dẫn trong công tác phối hợp giữa các cơ quan công an, quân đội, ngành hàng không và các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan trong đánh giá, quản lý rủi ro an ninh hàng không cấp quốc gia (Muốn công tác đánh giá, quản lý rủi ro ANHK có hiệu quả, các tổ chức ngành hàng không cần có thông tin phân tích (intelligent assessment) từ các cơ quan Công an, Quân đội, ban chỉ huy khẩn nguy hàng không/Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố và các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan thì mới xác định được mối đe dọa (threat), xây dựng được các kịch bản đe dọa (threat scenario), đánh giá khả năng xảy ra của đe dọa và hậu quả (likelihood and consequence) và đánh giá công tác phòng ngừa hiện tại (current mitigating measures) các điểm dễ bị tấn công hiện hữu (residual vulnerability) và từ đó xác định mức độ rủi ro đang tồn tại của hệ thống (residual risk) ở cấp quốc gia.
1. Quy định, tiêu chuẩn quốc tế
- Annex 17 bản lần thứ 17;
- Doc 8973 bản lần thứ 11.
2. Pháp luật Việt Nam
- Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
- Nghị định số 92/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về An ninh hàng không.
- Quyết định số 1286/QĐ-TTg ngày 02/08/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác bảo đảm ANHK;
- Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BGTVT-BCA-BQP ngày 08/04/2016 của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng về phối hợp trao đổi, xử lý thông tin trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không dân dụng).
- Thông tư số 13/2019/TT-BGTVT ngày 29/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Quy định chi tiết Chương trình An ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam.
1. KHÁI QUÁT VỀ QUẢN LÝ RỦI RO AN NINH HÀNG KHÔNG
1.1. Sự cần thiết, tầm quan trọng của đánh giá và quản lý rủi ro ANHK
1.1.1. Mối đe dọa nhằm vào hàng không dân dụng là thường xuyên, chưa bao giờ giảm, đặc biệt là từ các hoạt động khủng bố. Mối đe dọa đó được quản lý hiệu quả nhất bằng cách xác định, hiểu và giải quyết/giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn đối với hàng không dân dụng từ vận chuyển hành khách và hàng hóa, hành lý, bưu gửi bằng đường hàng không và các hoạt động khác tại khu vực công cộng thuộc phạm vi cảng hàng không, sân bay… Tiêu chuẩn 3.1.3 của Annex 17 yêu cầu: “Mỗi quốc gia thành viên sẽ phải liên tục xem xét mức độ và bản chất của mối đe dọa đối với hàng không dân dụng trong lãnh thổ và không phận phía trên quốc gia đó, thiết lập và thực hiện các chính sách và thủ tục để điều chỉnh các yếu tố liên quan của chương trình an ninh hàng không dân dụng quốc gia. (và do vậy) Đánh giá rủi ro ANHK được thực hiện bởi các cơ quan chức năng quốc gia có liên quan.”
1.1.2. Các biện pháp an ninh phòng ngừa phải phù hợp với mức độ đe dọa và nguy cơ, rủi ro đối với an ninh hàng không dân dụng. Xác định mức độ đe dọa, nguy cơ, rủi ro đối với ANHK là tiền đề để bố trí, sử dụng nguồn lực hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp khả năng, điều kiện thực tế. Quản lý tốt rủi ro ANHK là điều kiện quan trọng để duy trì khả năng cao đảm bảo ngăn chặn hiệu quả các nguy cơ, phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.
1.1.3. Việc không nhận biết các mối đe dọa dẫn đến lãng phí các nguồn lực thậm chí tạo ra khe hở, điểm yếu để các đối tượng khủng bố lợi dụng, tấn công phá hoại hoạt động hàng không.
1.2. Các khái niệm thuộc phạm trù quản lý rủi ro ANHK
1.2.1. Rủi ro ANHK (Risk - R)
Theo tài liệu tập huấn công tác quản lý rủi ro ANHK của CASP AP (Cooperative Aviation Security Programme Asia Pacific - Chương trình hợp tác an ninh hàng không Châu Á Thái Bình Dương) năm 2017, “rủi ro ANHK là xác suất của một hành vi can thiệp bất hợp pháp được thực hiện thành công trên một mục tiêu cụ thể dựa trên đánh giá về mối đe dọa, hậu quả và tính dễ bị tổn thương”1.
Theo quy định tại Thông tư quy định về Chương trình ANHK và quản lý chất lượng ANHK Việt Nam do Bộ GTVT ban hành, “rủi ro an ninh hàng không là xác suất thực hiện thành công hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng đối với mục tiêu cụ thể, dựa trên đánh giá về đe dọa, hậu quả và điểm yếu hoặc hạn chế”.
Công thức:
Rủi ro ANHK = Đe dọa + Hậu quả + Điểm yếu.
Đe dọa ANHK (Threat - T): Là xác suất/khả năng xảy ra của một kịch bản tấn công (các yếu tố đối tượng, phương pháp, phương tiện, mục tiêu tấn công) dựa trên dự báo về ý định và năng lực của kẻ tấn công (không tính đến các biện pháp an ninh phòng ngừa hiện tại).
Loại/kịch bản đe dọa ANHK (threat scenario): Là việc xác định và mô tả một kế hoạch mang tính khả thi của hành vi can thiệp bất hợp pháp bao gồm mục tiêu, phương tiện và phương thức tấn công (modus operandi) và người thực hiện vụ tấn công.
Hậu quả tác hại (Consequence - C): Tình huống tồi tệ trong trường hợp xấu nhất và quy mô của hậu quả của cuộc tấn công cụ thể, bao gồm thiệt hại về con người, kinh tế, chính trị, và uy tín.
Điểm yếu dễ bị tổn thương (Vulnerability - V): Là những khoảng trống hoặc điểm yếu có thể làm tăng tính hấp dẫn của một mục tiêu và/hoặc tăng thành công hoặc hậu quả của một cuộc tấn công hoặc đặc điểm khai thác hệ thống. Điểm yếu dễ bị tổn thương cũng có thể là hạn chế, yếu kém của các biện pháp an ninh, không đủ để ngăn ngừa hoặc giảm hậu quả của cuộc tấn công.
1.2.2. Đánh giá rủi ro (Risk Assessment)
Là việc xác định các thành phần (Đe dọa ANHK, điểm yếu dễ bị tổn thương và hậu quả tác hại) cần xem xét khi đánh giá rủi ro, quy trình ước tính rủi ro và kết quả có thể cần giảm thiểu.
Xác định các thành phần (T, V, C) cần xem xét khi đánh giá rủi ro, quy trình ước tính rủi ro và kết quả có thể cần giảm thiểu rủi ro.
1.2.3. Quản lý rủi ro (Risk management)
Là mô hình tổng thể đánh giá rủi ro ANHK, thực hiện các biện pháp an ninh phòng ngừa và điều chỉnh các biện pháp đã được áp dụng trong hệ thống tổng thể các hoạt động hàng không nhằm giảm thiểu rủi ro đến mức chấp nhận được với chi phí hợp lý, bao gồm: đánh giá rủi ro, thực hiện các biện pháp giảm thiểu và điều chỉnh các biện pháp đã được áp dụng.
1.3. Tóm tắt quy trình quản lý rủi ro ANHK
1.4. Hệ thống quản lý rủi ro ANHK của VN
2. THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ RỦI RO
Trình tự công việc cần làm để quản lý rủi ro ANHK như sau:
2.1.1. Liệt kê loại đe dọa/kịch bản đe dọa
Nội dung công việc cần làm: Liệt kê các loại đe dọa hoặc các kịch bản đe dọa dự kiến sẽ thực hiện đánh giá rủi ro ANHK (để Hội đồng đánh giá rủi ro ANHK2 quốc gia xem xét, lựa chọn các loại đe dọa/kịch bản sẽ thực hiện việc đánh giá).
Đơn vị thực hiện: Cục HKVN.
Căn cứ tham chiếu:
- Các hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng được liệt kê trong văn bản QPPL;
- Các loại đe dọa có trong báo cáo đánh giá rủi ro ANHK hàng năm do ICAO ban hành;
- Ý kiến, thông tin trao đổi của các cơ quan chức năng về âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng, tổ chức khủng bố, các mối đe dọa mới xuất hiện;
- Phát hiện của Cục HKVN về các mối đe dọa mới xuất hiện.
Sản phẩm đưa ra: Danh mục tất cả các loại đe dọa hoặc các kịch bản đe dọa đối với hoạt động hàng không dân dụng Việt Nam được biết đến.
Danh mục các loại đe dọa hoặc các kịch bản đe dọa dự kiến sẽ thực hiện đánh giá có thể được điều chỉnh trong quá trình đánh giá.
2.1.2. Dự kiến phạm vi/mức độ/cấp đánh giá (cảng hàng không, khu vực, quốc gia…)
Nội dung công việc cần làm: Dự kiến loại đe dọa/kịch bản sẽ đánh giá, phạm vi, mức độ, cấp đánh giá rủi ro ANHK đối với từng loại đe dọa/kịch bản đe dọa dự kiến đánh giá.
Đơn vị thực hiện: Cục HKVN.
Căn cứ tham chiếu: Căn cứ nhiệm vụ được giao, tính nghiêm trọng của mối đe dọa và các thông tin ban đầu thu thập được.
Sản phẩm đưa ra: Dự kiến loại đe dọa/kịch bản sẽ đánh giá, phạm vi hoặc mức độ, cấp đánh giá.
Dự kiến phạm vi hoặc mức độ đánh giá có thể được điều chỉnh trong quá trình đánh giá.
2.1.3. Dự kiến nội dung cụ thể cần phân tích, đánh giá (những gì được đánh giá) của từng loại đe dọa/kịch bản đe dọa cụ thể
Nội dung công việc cần làm: Dự kiến các thông tin chuyên sâu cần thu thập, phân tích, đánh giá đối với từng loại/kịch bản cụ thể.
Ví dụ: Đối với loại đe dọa/kịch bản “đối tượng khủng bố sử dụng flycam mang thiết bị nổ tấn công tàu bay đang hạ cánh tại đầu đường cất, hạ cánh”, ta cần thu thập, phân tích, đánh giá các thông tin chuyên sâu sau (sự liệt kê dưới đây chỉ là ví dụ để giải thích hướng dẫn):
* Trên lãnh thổ VN có các tổ chức khủng bố nào sẵn sàng thực hiện hành vi giết người để khủng bố. Tổ chức này có mục tiêu, niềm tin gì (về mặt ý thức, tâm lý), năng lực, lịch sử hoạt động, hệ thống tổ chức, số lượng thành viên, cơ sở huấn luyện, tài chính… như thế nào.
* Tính năng vật lý của flycam hiện nay ra sao (loại phổ biến trên thị trường; loại chuyên dụng; điều kiện, khả năng mua hoặc tự chế tạo; hiện trạng việc quản lý của Nhà nước…; khả năng mang theo vật nặng, khoảng cách bay cao, xa bao nhiêu, thời gian hoạt động tối đa, cơ chế kiểm soát, điều khiển, khả năng định vị chính xác bao nhiêu…).
* Đặc điểm vật lý của thiết bị nổ mà flycam có thể mang theo (sức công phá, loại thuốc nổ, cơ chế kích nổ, khả năng chịu ẩm; điều kiện, khả năng mua hoặc tự chế tạo; hiện trạng việc quản lý của Nhà nước…).
* Hiệu quả các biện pháp phát hiện, ngăn chặn đang áp dụng hiện nay.
* Đặc điểm của tàu bay và hoạt động hàng không: tốc độ, vận tốc trung bình khi hạ cánh; khoảng cách từ tàu bay khi hạ cánh đến hàng rào an ninh, trọng lượng, số lượng hành khách, hàng hóa tối đa; khả năng tránh né; hậu quả dự kiến…
Đơn vị thực hiện:
- Cục HKVN dự kiến ban đầu (để xác định ai cần tham gia đánh giá);
- Thành viên được triệu tập thuộc Hội đồng đánh giá rủi ro ANHK quốc gia tiếp tục sửa đổi, bổ sung, làm rõ, cụ thể từng nội dung dự kiến cần phân tích, đánh giá sau khi được triệu tập, đi vào hoạt động.
Căn cứ tham chiếu: Căn cứ nhiệm vụ được giao, tính nghiêm trọng của mối đe dọa và các thông tin ban đầu thu thập được.
Sản phẩm đưa ra: Dự kiến các thông tin chuyên sâu cần thu thập, phân tích, đánh giá đối với từng loại/kịch bản cụ thể.
Dự kiến các thông tin chuyên sâu cần thu thập, phân tích, đánh giá đối với từng loại/kịch bản cụ thể có thể được điều chỉnh trong quá trình đánh giá.
2.1.4. Xác định ai cần tham gia, ai chịu trách nhiệm
Nội dung công việc cần làm: Dự kiến người (cơ quan cần cử đại diện) và vai trò của họ khi tham gia đánh giá đối với từng loại đe dọa, kịch bản cụ thể.
Đơn vị thực hiện:
- Cục HKVN dự kiến ban đầu (để xác định ai cần tham gia đánh giá);
- Thành viên được triệu tập thuộc Hội đồng đánh giá rủi ro ANHK quốc gia tiếp tục bổ sung nếu thấy cần thiết sau khi làm rõ, cụ thể từng nội dung trong quá trình đánh giá.
Căn cứ tham chiếu: Căn cứ kết quả ở bước “Dự kiến nội dung cụ thể cần phân tích, đánh giá” nêu trên.
Sản phẩm đưa ra: Dự kiến thành phần, phân công nhiệm vụ của các chuyên gia (thuộc Hội đồng đánh giá rủi ro ANHK quốc gia) dự kiến triệu tập.
2.1.5. Xác định tiêu chí đánh giá và định mức phân loại tiêu chí đó
Nội dung công việc cần làm: Dự kiến tiêu chí đánh giá và định mức phân loại tiêu chí đó đối với đe dọa, điểm yếu, hậu quả tác hại.
Đơn vị thực hiện: Hội đồng đánh giá rủi ro ANHK quốc gia (toàn bộ Hội đồng) dự kiến nội dung, Bộ GTVT hoặc Cục HKVN (văn phòng UB ANHK) thực hiện lấy ý kiến các Bộ, ngành để thống nhất, trình UB ANHK quyết định.
Căn cứ tham chiếu: Căn cứ quy định của pháp luật, hướng dẫn của ICAO và các điểm 2.3.1; 2.3.2; 2.3.3 hướng dẫn này.
Sản phẩm đưa ra: Bộ tiêu chí đánh giá rủi ro ANHK và định mức phân loại tiêu chí đó đối với đe dọa, điểm yếu, hậu quả tác hại, cách xác định rủi ro ANHK từ đe dọa, điểm yếu, hậu quả tác hại.
2.1.6. Xây dựng, ban hành các văn bản triển khai đánh giá rủi ro ANHK định kỳ hoặc đột xuất
Nội dung công việc cần làm: Xây dựng, ban hành các văn bản triển khai đánh giá rủi ro ANHK định kỳ hoặc đột xuất.
Đơn vị thực hiện: Cục HKVN - Văn phòng UB ANHK.
Căn cứ tham chiếu: Căn cứ nhiệm vụ được giao (ví dụ kế hoạch công tác năm…) và kết quả các công việc đã thực hiện tại các điểm từ 2.1.1 đến 2.1.4 hướng dẫn này để xây dựng, ban hành các văn bản triển khai đánh giá rủi ro ANHK định kỳ hoặc đột xuất.
Sản phẩm đưa ra: Các văn bản triển khai đánh giá rủi ro của UB ANHK.
Lưu ý: Nội dung, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành các văn bản tại bước này thực hiện theo quy định về xây dựng, ban hành văn bản của Nhà nước và các cơ quan, đơn vị liên quan.
2.1.7. Phân loại, sắp xếp thứ tự ưu tiên các loại đe dọa/kịch bản đe dọa sẽ đánh giá (ở kỳ đánh giá hiện tại)
Nội dung công việc cần làm: Phân loại, sắp xếp thứ tự ưu tiên các loại đe dọa/kịch bản đe dọa sẽ đánh giá.
Người thực hiện: Thành viên được triệu tập thuộc Hội đồng đánh giá rủi ro ANHK quốc gia.
Căn cứ tham chiếu: Căn cứ quy định của pháp luật, hướng dẫn của ICAO và trực tiếp là nhiệm vụ được UB ANHK giao (trong văn bản nêu tại điểm 2.1.6 hướng dẫn này).
Sản phẩm đưa ra: Thứ tự ưu tiên các loại đe dọa/kịch bản đe dọa sẽ đánh giá.
2.1.8. Xây dựng (hoặc hoàn thiện) kịch bản đe dọa
Để đánh giá rủi ro phải xác định các kịch bản tấn công hợp lý một cách cẩn thận, chi tiết, đầy đủ, cụ thể và kỹ lưỡng đối với từng loại đe dọa. Các mối đe dọa có thể được phân loại hướng vào các sân bay, nhà ga cụ thể hoặc cơ sở hàng không khác (như kho nhiên liệu, cơ sở kiểm soát không lưu, thiết bị dẫn đường, cũng như tàu bay), bao gồm các hoạt động hàng không khác nhau, như hàng không chung, tàu bay chở khách và tàu bay chỉ chở hàng. Các phương tiện và phương pháp tán công khác nhau cũng nên được đánh giá. Bao gồm cách chế tạo vũ khí hoặc thiết bị nổ, cách thức thực hiện (ví dụ: mang thiết bị nổ trên người hay phương tiện) và của ai (ví dụ: nhân viên, hành khách hoặc thành viên của phi hành đoàn), làm thế nào nó có thể được che giấu (kế hoạch tấn công).
Đối với loại đe dọa mới xuất hiện hoặc đánh giá rủi ro ANHK lần đầu thì thực hiện xây dựng kịch bản đe dọa; đối với đe dọa đã có kịch bản hoặc đã đánh giá trước đó thì hoàn thiện kịch bản đe dọa đã lập trước đó (cập nhật các yếu tố đầu vào có thay đổi của kịch bản đe dọa, chẳng hạn năng lực của tổ chức khủng bố có thay đổi; chất lượng công tác bảo đảm ANHK xuống cấp; hàng rào, thiết bị an ninh bị hỏng…).
Các thành phần của một kịch bản đe dọa:
a) Kẻ tấn công là ai?: Hành khách, người đón, tiễn; nhân viên nội bộ…
b) Mục tiêu tấn công là gì?: Tàu bay, công trình, hành khách…
c) Phương tiện tấn công là gì?: Thiết bị nổ, bom xăng, xe ô tô…
d) Phương pháp tấn công là gì?: Đặt thiết bị nổ trong đồ vật vô chủ; mang thiết bị nổ lên tàu bay…
Nội dung công việc cần làm: Xây dựng hoặc hoàn thiện các kịch bản đe dọa sẽ đánh giá.
Người thực hiện: Thành viên được triệu tập thuộc Hội đồng đánh giá rủi ro ANHK quốc gia (chủ tịch Hội đồng phân công cụ thể).
Căn cứ tham chiếu: Thông tin thu thập được.
Sản phẩm đưa ra: Các kịch bản đầy đủ, phù hợp với cấp độ đánh giá của đe dọa sẽ đánh giá.
Phương pháp: Thực hiện theo hướng dẫn dưới đây:
2.1.8.1. Xác định các mục tiêu bị tấn công
a) Hành khách và/hoặc nhân viên nội bộ;
b) Cơ sở hạ tầng: Nhà ga, kho nhiên liệu, trạm điện, đài không lưu, kho hàng hóa vv;
c) Tàu bay - chở khách, chỉ chở hàng…;
d) Hệ thống thông tin, thiết bị, dữ liệu mạng…;
đ) Bất kỳ yếu tố nào khác của hoạt động có thể bị tấn công.
2.1.8.2. Xác định kẻ tấn công
a) Tổ chức khủng bố;
b) Cá nhân khủng bố (đơn độc);
c) Đối tượng bị bệnh tâm thần;
d) Hành khách gây rối;
đ) Người biểu tình;
e) Các chính phủ/tổ chức khác do chính phủ tài trợ;
g) Tổ chức, cá nhân nội bộ (lực lượng hàng không và lực lượng phối hợp).
2.1.8.3. Xác định phương thức tấn công (tương ứng với mỗi kịch bản)
Cụ thể hóa các kịch bản đe dọa, ví dụ một số kịch bản sau: Thiết bị gây nổ (tự sát hoặc được đặt sẵn); xâm nhập trái phép vào khu vực hạn chế tại sân bay; tấn công vũ trang; sử dụng tàu bay làm vũ khí; tấn công bằng hóa học/sinh học X quang/hạt nhân (CBRN); cướp tàu bay; tấn công mạng; máy bay điều khiển từ xa, hệ thống (RPAS); phá hoại vật lý, v.v.
2.1.8.4. Lập bảng đánh giá đe dọa
Là việc đưa kịch bản đe dọa cần đánh giá vào bảng đánh giá, tham khảo mẫu sau:
TT | Kịch bản đe dọa | Đánh giá đe dọa | Đánh giá điểm yếu | Đánh giá hậu quả/ tính nghiêm trọng | Kết quả rủi ro ANHK |
1 | Ví dụ: Hành khách mang thiết bị nổ phi kim loại được cải tiến (IED), phát nổ trên tàu bay chở khách. Mục tiêu / Tài sản: Tàu bay Kẻ tấn công: Hành khách Phương tiện tấn công: IED phi kim Phương pháp: IED phi kim gắn trên cơ thể hành khách để thông qua điểm kiểm tra an ninh. |
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
3 |
|
|
|
|
|
Lưu ý:
a) Quá trình lập bảng đánh giá chính là xác định kịch bản đe dọa, thông qua kịch bản, hình thành các biện pháp giảm thiểu (tương ứng với đặc điểm của đối tượng khủng bố, phương thức, thủ đoạn khủng bố để xác định biện pháp giảm thiểu khả thi và hiệu quả nhất);
b) Bảng đánh giá cũng thể hiện hành trình hoàn chỉnh của kẻ tấn công trong kịch bản được xác lập, thông qua đó rà soát, đánh giá các biện pháp an ninh phòng ngừa hiện hữu và đề ra biện pháp lấp lỗ hổng ANHK nếu cần;
c) Mỗi loại đe dọa/kịch bản nên được đánh giá riêng (phù hợp với thành phần tham gia đánh giá, các biện pháp giảm thiểu nếu cần áp dụng).
2.2. NHẬN DIỆN RỦI RO (THU THẬP THÔNG TIN ĐỂ ĐÁNH GIÁ RỦI RO)
Nhận diện rủi ro là quá trình để tiếp thu, hiểu loại dữ liệu cần thiết cho đánh giá rủi ro ANHK, nguồn và chủ sở hữu của dữ liệu.
2.2.1. Hướng dẫn chung về thu thập thông tin dữ liệu đánh giá
Nội dung công việc cần làm: Thu thập thông tin, dữ liệu để đánh giá kịch bản đe dọa, các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và hậu quả theo các nội dung dự kiến tại điểm 2.1.3. Quá trình thu thập cần tiếp tục rà soát, bổ sung các thông tin cần thiết phải thu thập nếu có.
Người thực hiện: Thành viên được triệu tập thuộc Hội đồng đánh giá rủi ro ANHK quốc gia theo phân công của Chủ tịch Hội đồng.
Phương pháp: Thực hiện theo hướng dẫn dưới đây.
Sản phẩm đưa ra: Các thông tin cần thiết cho việc phân tích, đánh giá.
2.2.1.1. Phân công người thu thập thông tin và quy định quản lý thông tin
Người chịu trách nhiệm thu thập thông tin phải được phân công phù hợp hoặc gần lĩnh vực chuyên môn cơ quan người đó công tác.
Đối với các thông tin thuộc lĩnh vực chuyên môn của cơ quan, đơn vị có người tham gia đánh giá rủi ro ANHK, người chịu trách nhiệm thu thập thông tin theo phân công phải tự báo cáo (nội bộ) và xử lý các thủ tục nội bộ để cung cấp thông tin cho Hội đồng theo phân công và phải bảo đảm phù hợp quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.
Trường hợp cần thực hiện thủ tục (hành chính) để thu thập thông tin (nếu có, chẳng hạn văn bản đề nghị cung cấp thông tin), Hội đồng đánh giá rủi ro ANHK dự thảo công văn trình lãnh đạo Văn phòng UB ANHK (Cục HKVN) ký phát hành.
Đối với các thông tin, dữ liệu cần cho việc đánh giá nhưng không thuộc lĩnh vực quản lý của các cơ quan, đơn vị có đại diện tham gia đánh giá thì các thành viên Hội đồng thuộc Cục HKVN chịu trách nhiệm thu thập.
Thông tin, dữ liệu mật và hạn chế được quản lý theo quy định của pháp luật và nội quy của các cơ quan, đơn vị liên quan. Các đơn vị cần cụ thể hóa các quy định này, nội dung chủ yếu gồm:
- Hạn chế quyền khai thác, sử dụng thông tin, thực hiện nguyên tắc “cần - biết”.
- Quy định quản lý dữ liệu khi: Nghiên cứu, thu thập, đánh giá, truyền, lưu trữ, cập nhật và phá hủy như thế nào?
- Chia sẻ thông tin cho người cần biết như thế nào?
2.2.1.2. Yêu cầu
- Cần hoàn thành lần lượt từng phần của quy trình, (1) bắt đầu từ các thông tin, dữ liệu đánh giá đe dọa (Ý định, năng lực); (2) tiếp đến là các thông tin, dữ liệu đánh giá hạn chế, điểm yếu; (3) tiếp đến là các thông tin, dữ liệu đánh giá hậu quả/tính nghiêm trọng; (4) cuối cùng là thông tin để xác định biện pháp giảm thiểu.
- Các thông tin, dữ liệu phải được phân loại tính chính xác để đưa ra Đánh giá rủi ro chính xác; cần thiết thì thực hiện xác minh, đánh giá độ chính xác của thông tin;
- Phạm vi, nội dung của thông tin, dữ liệu phụ thuộc vào phạm vi công việc/bối cảnh đánh giá.
2.2.2. Thu thập thông tin dữ liệu đánh giá tính khả thi/mức độ đe dọa của một kịch bản tấn công (đánh giá T-Threat)
Nội dung công việc cần làm: Thu thập thông tin, dữ liệu về hoạt động khủng bố để đánh giá đe dọa (theo kịch bản đã lập tại mục 2.1.8.4). Quá trình thu thập cần tiếp tục rà soát, bổ sung các thông tin cần thiết phải thu thập nếu có.
Người thực hiện: Thành viên được triệu tập thuộc Hội đồng đánh giá rủi ro ANHK quốc gia theo phân công của Chủ tịch Hội đồng (bảo đảm phù hợp với chuyên môn của các chuyên gia, ưu tiên phân công cho các thành viên thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước có các thông tin về hoạt động khủng bố, đe dọa).
Phương pháp: Thực hiện theo hướng dẫn dưới đây.
Sản phẩm đưa ra: Các thông tin cần thiết cho việc phân tích, đánh giá.
Thu thập thông tin về hoạt động của các tổ chức khủng bố liên quan (để đánh giá ý định và năng lực của kẻ tấn công trong khu vực/quốc gia phù hợp với kịch bản vừa lập ra ở điểm 2.1.8.4 như thế nào):
a) Mục tiêu mà các tổ chức, cá nhân khủng bố thường nhằm vào là gì?
b) Về nội bộ các tổ chức khủng bố ra sao?
c) Phương thức, thủ đoạn tấn công như thế nào?
Một số thông tin cần lưu ý về ý định của các tổ chức/cá nhân khủng bố:
- Động lực: tôn giáo, chính trị, kinh tế;
- Mục tiêu: phá hủy và thương vong, gián đoạn, thu lợi tài chính...
- Sẵn sàng tiến hành các hoạt động tự sát.
Một số thông tin cần phân tích để đánh giá, so sánh về năng lực của các tổ chức/cá nhân khủng bố:
- Các thông tin về việc huấn luyện và kỹ năng;
- Các thông tin về phương tiện tấn công mà kẻ tấn công có thể tiếp cận, ví dụ tài liệu về: vũ khí, thiết bị chế tạo bom;
- Các cuộc tấn công tương tự;
- Thử nghiệm về xác suất thành công của kịch bản (hoặc từng phần của kịch bản).
2.2.3. Thu thập thông tin, dữ liệu cần thiết để đánh giá hậu quả/tính nghiêm trọng của kịch bản tấn công (C-Consequence)
Nội dung công việc cần làm: Thu thập thông tin, dữ liệu về hậu quả, tính nghiêm trọng do khủng bố (theo kịch bản đã lập tại mục 2.1.8.4) để đánh giá hậu quả, tính nghiêm trọng. Quá trình thu thập cần tiếp tục rà soát, bổ sung các thông tin cần thiết phải thu thập nếu có.
Người thực hiện: Thành viên được triệu tập thuộc Hội đồng đánh giá rủi ro ANHK quốc gia theo phân công của Chủ tịch Hội đồng (bảo đảm phù hợp với chuyên môn của các chuyên gia, ưu tiên phân công cho các thành viên thuộc ngành hàng không).
Phương pháp: Thực hiện theo hướng dẫn dưới đây.
Sản phẩm đưa ra: Các thông tin cần thiết cho việc phân tích, đánh giá.
Đánh giá hậu quả hợp lý, xấu nhất của một hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng trên các tiêu chí:
- Con người;
- Kinh tế;
- Chính trị;
- Sự gián đoạn các hoạt động hàng không.
2.2.4. Thu thập thông tin, dữ liệu cần thiết để đánh giá điểm yếu đối với kịch bản tấn công (V-Vulnerability)
Nội dung công việc cần làm: Thu thập thông tin, dữ liệu về hạn chế, điểm yếu, các biện pháp giảm thiểu đang áp dụng (phù hợp kịch bản đã lập tại mục
2.1.8.4) để đánh giá điểm yếu. Quá trình thu thập cần tiếp tục rà soát, bổ sung các thông tin cần thiết phải thu thập nếu có.
Người thực hiện: Thành viên được triệu tập thuộc Hội đồng đánh giá rủi ro ANHK quốc gia theo phân công của Chủ tịch Hội đồng (bảo đảm phù hợp với chuyên môn của các chuyên gia, ưu tiên phân công cho các thành viên thuộc ngành hàng không).
Phương pháp: Thực hiện theo hướng dẫn dưới đây.
Sản phẩm đưa ra: Các thông tin cần thiết cho việc phân tích, đánh giá.
Nội dung thông tin cần thu thập:
- Ghi chép, sao, chụp thông tin về các mục tiêu và đặc điểm của chúng;
- Xác định tất cả các giảm thiểu có liên quan: Vật lý (camera, máy soi chiếu, hệ thống cảnh báo, vũ khí, trang thiết bị, hạ tầng…); thủ tục, quy trình; con người (kiểm soát nội bộ…); CNTT, hiệu quả các quy chế, kế hoạch phối hợp đảm bảo ANHK…;
- Đánh giá tất cả các biện pháp giảm thiểu theo lớp: trước sân bay, trong nhà ga, sân bay, trên tàu bay và kế hoạch ứng phó khẩn nguy;
- Xác định những gì không được giảm thiểu (vẫn là lỗ hổng);
- Các biện pháp hiện tại có hiệu quả như thế nào?
- Các biện pháp hiện tại được thực hiện nghiêm túc như thế nào?
- Các lỗ hổng còn lại là gì và lớn như thế nào?
2.3. PHÂN TÍCH RỦI RO (PHÂN TÍCH THÔNG TIN THU THẬP ĐƯỢC)
Phân tích, so sánh mức độ phù hợp của thực tế (thông tin thu thập được) so với kịch bản đe dọa, hậu quả tác hại/tính nghiêm trọng và biện pháp an ninh cần thiết để giảm thiểu đe dọa.
Nội dung công việc cần làm:
(1) So sánh các thông tin thu thập được về ý định, năng lực của các tổ chức khủng bố đối với hoạt động hàng không dân dụng Việt Nam (kết quả của điểm 2.2.1) với kịch bản tấn công (kết quả của điểm 2.1.8) để đưa ra kết luận về tính khả thi của kịch bản (kết luận về mức độ đe dọa Rất thấp - Thấp - Trung bình - Cao - Rất cao; chi tiết tại điểm 2.3.1 bên dưới). Điền các kết quả phân tích vào cột tương ứng trong bảng đánh giá rủi ro (điểm 2.1.8.4).
(2) Phân tích, xác định tính nghiêm trọng, hậu quả nếu kịch bản tấn công xảy ra để đưa ra kết luận về hậu quả/tính nghiêm trọng (kết luận về mức độ nghiêm trọng Rất thấp - Thấp - Trung bình - Cao - Rất cao; chi tiết tại điểm 2.3.2 bên dưới).
(3) So sánh hiện trạng các biện pháp an ninh đang được áp dụng (đối với kịch bản tấn công) và các biện pháp cần thiết để ngăn chặn cuộc tấn công theo kịch bản đã lập cũng như quy định hiện hành trong các văn bản QPPL để đưa ra mức độ của các điểm yếu (Rất thấp - Thấp - Trung bình - Cao - Rất cao; chi tiết tại điểm 2.3.3 bên dưới).
Người thực hiện: Thành viên được triệu tập thuộc Hội đồng đánh giá rủi ro ANHK quốc gia theo phân công của Chủ tịch Hội đồng, phương án tối ưu là đảm bảo người được phân công thu thập thông tin đồng thời là người phân tích thông tin, xác định rủi ro. Thành viên Hội đồng thuộc Cục HKVN chịu trách nhiệm tổng hợp chung.
Phương pháp: Thực hiện theo hướng dẫn tại các điểm 2.3.1; 2.3.2; 2.3.3 dưới đây.
Sản phẩm đưa ra: Hoàn thiện bảng đánh giá rủi ro ANHK nêu tại điểm 2.1.8.4 (trừ cột cuối cùng - mức phân loại rủi ro) và các báo cáo chi tiết khác.
2.3.1. Đánh giá mức độ đe dọa
Sau khi thu thập thông tin, dữ liệu (điểm 2.2.1) thực hiện đối chiếu thông tin, dữ liệu để bảo đảm độ tin cậy và khách quan.
Sau khi đã hoàn thành việc đối chiếu, thực hiện so sánh các thông tin thu thập được về ý định, năng lực của các tổ chức khủng bố đối với hoạt động hàng không dân dụng Việt Nam với kịch bản tấn công (kết quả của điểm 2.1.8, chưa tính đến các biện pháp giảm thiểu) để đưa ra kết luận về tính khả thi của kịch bản (kết luận về mức độ đe dọa Rất thấp - Thấp - Trung bình - Cao - Rất cao). Điền các kết quả phân tích vào cột tương ứng trong bảng đánh giá rủi ro (điểm 2.1.8.4)
2.3.1.1. Tiêu chí đánh giá mức độ đe dọa (ý định và năng lực)
Thực hiện so sánh các thông tin sau (của các tổ chức/cá nhân khủng bố đã biết): Khả năng lãnh đạo (có cơ cấu lãnh đạo đủ năng lực?); mục tiêu (tôn chỉ, mục đích…); các nguồn lực (tài chính, khoa học, con người, sự hậu thuẫn …); cơ sở xã hội - dân số (họ có người ủng hộ?); cơ chế chiến đấu (tuyển dụng và huấn luyện); sức hấp dẫn với những kẻ khủng bố (lý tưởng, niềm tin, tiền bạc, sự đe dọa...) với các chi tiết của kịch bản tấn công lập tại điểm 2.1.8 gồm: kẻ tấn công, mục tiêu tấn công, phương tiện, phương pháp tấn công. Mục đích là tìm ra mức độ khả thi của kịch bản.
Căn cứ mức độ khả thi của kịch bản để kết luận về mức phân loại đánh giá đe dọa theo định lượng tại điểm 2.3.1.2 dưới đây.
2.3.1.2. Mức phân loại đánh giá mức độ đe dọa
Theo thông lệ, đe dọa ANHK được chia thành 5 mức độ: Rất cao, cao, trung bình, thấp và rất thấp.
Mức phân loại tiêu chí đánh giá đe dọa tại điểm này cần được Ủy ban ANHK ban hành trong “Bộ tiêu chí đánh giá rủi ro ANHK và định mức phân loại tiêu chí đó đối với đe dọa, điểm yếu, hậu quả tác hại” nêu tại điểm 2.1.5.
Tham khảo hướng dẫn của ICAO dưới đây:
Rất cao: Là một kịch bản rất hợp lý, với một cuộc tấn công thực tế cùng loại đã xảy ra trong vài năm qua đối với các cảng hàng không, sân bay, công trình hàng không, hãng hàng không, hoặc bằng chứng xác thực (có thông tin độ tin cậy cao, ví dụ thông tin tình báo của các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) về năng lực, ý định và kế hoạch tấn công nhằm vào các cảng hàng không, sân bay, công trình hàng không, hãng hàng không.
Cao: Là một kịch bản tương đối hợp lý, với các ví dụ thực tế cùng loại đã xảy ra tương đối gần đây đối với các cảng hàng không, sân bay, công trình hàng không, hãng hàng không, hoặc bằng chứng về kế hoạch tấn công sớm hoặc có các biểu hiện về một kế hoạch tấn công nhằm vào các cảng hàng không, sân bay, công trình hàng không, hãng hàng không.
Trung bình: Là một kịch bản có tính khả thi cơ bản, với một số bằng chứng về ý định và khả năng và có thể có một số ví dụ tại VN hoặc đối với hãng hàng không, nhưng không có bằng chứng về kế hoạch tấn công hiện tại nhằm vào các cảng hàng không, sân bay, công trình hàng không, hãng hàng không.
Thấp: Là một kịch bản mà không có hoặc không có ví dụ gần đây, nhưng một số bằng chứng về ý định, nhưng với một phương thức tấn công chưa được rõ ràng, đầy đủ cho một kịch bản tấn công hoặc có thể bị thay thế bởi các hình thức tấn công khác nhằm vào các cảng hàng không, sân bay, công trình hàng không, hãng hàng không.
Rất thấp: Là một kịch bản hợp lý về mặt lý thuyết nhưng không có ví dụ thực tế; hoặc không có dấu hiệu, kế hoạch tấn công. Ý định tấn công về lý thuyết nhưng không có khả năng rõ ràng nhằm vào các cảng hàng không, sân bay, công trình hàng không, hãng hàng không.
Ví dụ: Tổ chức khủng bố VT:
Kịch bản đe dọa | Đe dọa (T) | Hậu quả (C) | Điểm yếu (V) |
Mức đánh giá |
|
| |
Mục tiêu / Tài sản: Tàu bay Kẻ tấn công: Hành khách Phương tiện tấn công: IED phi kim Phương pháp: IED phi kim gắn trên cơ thể hành khách để thông qua điểm kiểm tra an ninh. | Rất cao Cao Trung bình Thấp Rất thấp |
|
|
2.3.2. Đánh giá mức độ hậu quả
Phân tích, xác định tính nghiêm trọng, hậu quả nếu kịch bản tấn công xảy ra (chưa tính đến các biện pháp giảm thiểu) để đưa ra kết luận về hậu quả/tính nghiêm trọng. Theo thông lệ, tính nghiêm trọng, hậu quả được chia thành 5 mức độ: Rất cao, cao, trung bình, thấp và rất thấp. Chi tiết như sau:
2.3.2.1. Tiêu chí đánh giá hậu quả
a) Hậu quả của một cuộc tấn công thành công về con người:
- Mất mạng;
- Bị thương.
b) Hậu quả của một cuộc tấn công thành công về kinh tế:
- Mất/thiệt hại về tài sản;
- Đóng cửa/gián đoạn hoạt động hàng không.
c) Hậu quả của một cuộc tấn công thành công - Sự gián đoạn dịch vụ dẫn đến:
- Đóng cửa/gián đoạn hoạt động hàng không;
- Mất uy tín, ảnh hưởng đến niềm tin của hành khách, công chúng;
- Gây hoang mang, bất ổn xã hội; tạo dư luận tiêu cực.
d) Hậu quả về chính trị.
2.3.2.2. Mức phân loại đánh giá hậu quả
Đối với Việt Nam, mức phân loại tiêu chí đánh giá hậu quả/tính nghiêm trọng tại điểm này cần được Ủy ban ANHK ban hành trong “Bộ tiêu chí đánh giá rủi ro ANHK và định mức phân loại tiêu chí đó đối với đe dọa, điểm yếu, hậu quả tác hại” nêu tại điểm 2.1.5.
Tham khảo mức phân loại đánh giá hậu quả ICAO áp dụng ở cấp độ toàn cầu dưới đây:
Mức độ | Người | Kinh tế | Khác |
Rất cao | Chết hàng trăm người | Hàng tỷ USD | Sự gián đoạn, sụt giảm nghiêm trọng niềm tin, uy tín, chất lượng dịch vụ |
Cao | Một số (không phải toàn bộ) hậu quả ở mức rất cao (trên) | ||
Trung bình | Chết hàng chục người | Hàng chục đến hàng trăm triệu USD | Sự gián đoạn, sụt giảm đáng kể niềm tin, uy tín, chất lượng dịch vụ |
Thấp | Một số (không phải toàn bộ) hậu quả ở mức trung bình (trên) | ||
Rất thấp | Có thể chết hoặc bị thương một số | Có thể thiệt hại kinh tế | Gián đoạn, sụt giảm một số dịch vụ, niềm tin, uy tín. |
Ví dụ: Tổ chức khủng bố V:
Kịch bản đe dọa | Đe dọa | Hậu quả | Điểm yếu |
Mức đánh giá |
|
| |
Mục tiêu / Tài sản: Tàu bay Kẻ tấn công: Hành khách Phương tiện tấn công: IED phi kim Phương pháp: IED phi kim gắn trên cơ thể hành khách để thông qua điểm kiểm tra an ninh. | Rất cao Cao Trung bình Thấp Rất thấp | Rất cao Cao Trung bình Thấp Rất thấp |
|
2.3.3. Đánh giá điểm yếu
Đánh giá điểm yếu là quá trình xác định và định lượng lỗ hổng trong hệ thống và xác định và đánh giá hiệu quả của các giảm thiểu hiện có liên quan bằng cách so sánh hiện trạng các biện pháp an ninh đang được áp dụng (đối với kịch bản tấn công) và các biện pháp cần thiết để ngăn chặn cuộc tấn công theo kịch bản đã lập cũng như quy định hiện hành trong các văn bản QPPL.
Kết quả, để đưa ra mức độ của các điểm yếu: Rất thấp - Thấp - Trung bình - Cao - Rất cao. Chi tiết như sau:
2.3.3.1. Tiêu chí đánh giá điểm yếu
- Các điểm yếu trong các thủ tục, quy trình, tiêu chuẩn… (sự hợp lý hoặc chưa hợp lý, xét ở góc độ bảo đảm ANHK);
- Thực hiện không đúng, không đủ, không thực hiện tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục; bố trí nhân lực thiếu, không hợp lý, nhân lực không đủ tiêu chuẩn…(Con người);
- Thiếu hoặc hỏng hóc thiết bị… (Vật lý);
- Sự kết hợp của các hạn chế ở trên;
2.3.3.2. Mức phân loại đánh giá điểm yếu
Mức phân loại tiêu chí đánh giá điểm yếu tại điểm này cần được Ủy ban ANHK ban hành trong “Bộ tiêu chí đánh giá rủi ro ANHK và định mức phân loại tiêu chí đó đối với đe dọa, điểm yếu, hậu quả tác hại” nêu tại điểm 2.1.5. Tham khảo hướng dẫn của ICAO dưới đây:
Rất cao: Không có tiêu chuẩn, yêu cầu nào của Annex17 được thực hiện hoặc không có bất cứ biện pháp hiệu quả nào trên thực tế.
Cao: Chỉ có một số tiêu chuẩn, yêu cầu trong Annex 17 được thực hiện; các biện pháp giảm thiểu rủi ro rất hạn chế.
Trung bình: Các tính chất của CAO và THẤP đều có.
Thấp: Các biện pháp giảm thiểu nói chung được áp dụng, nhưng có thể là chưa đầy đủ hoặc chỉ có hiệu quả một phần.
Rất thấp: Các yêu cầu, tiêu chuẩn của Annex 17 (cấp quốc gia), chương trình an ninh hàng không quốc gia hoặc các văn bản QPPL khác) được thực hiện đầy đủ. Các biện pháp giảm thiểu rủi ro hiệu quả được áp dụng rộng rãi.
* Ví dụ: Tổ chức khủng bố VT:
Kịch bản đe dọa | Đe dọa (T) | Hậu quả (C) | Điểm yếu (V) | |
Mức đánh giá | Mức đánh giá | Biện pháp giảm thiểu | Mức đánh giá | |
Mục tiêu / Tài sản: Tàu bay Kẻ tấn công: Hành khách Phương tiện tấn công: IED phi kim Phương pháp: IED phi kim gắn trên cơ thể hành khách để thông qua điểm kiểm tra an ninh. | Rất cao Cao Trung bình Thấp Rất thấp | Rất cao Cao Trung bình Thấp Rất thấp | Kiểm tra trực quan ngẫu nhiên 10%. Chưa có máy soi Bodyscan; chưa huấn luyện nhận diện hành vi đáng ngờ | Rất cao Cao Trung bình Thấp Rất thấp |
Nội dung công việc cần làm:
(1) Xếp hạng rủi ro.
(2) Xác định mức độ chấp nhận rủi ro (rủi ro ở mức độ nào thì chấp nhận được, tạm chấp nhận, không thể chấp nhận).
(3) Phân tích các ưu tiên (giảm thiểu rủi ro nào trước trong số các rủi ro phải có biện pháp giảm thiểu).
(4) Xác định nguyên nhân gốc rễ của rủi ro.
Người thực hiện: Thành viên Hội đồng thuộc Cục HKVN chịu trách nhiệm tổng hợp chung, có tham khảo ý kiến các thành viên liên quan. Chủ tịch Hội đồng (hoặc người được ủy quyền) quyết định cuối cùng.
Phương pháp: Thực hiện theo hướng dẫn dưới đây.
Sản phẩm đưa ra: Hoàn thiện bảng đánh giá rủi ro ANHK nêu tại điểm 2.1.8.4 và các báo cáo chi tiết khác.
2.4.1. Xếp hạng rủi ro
Xếp hạng rủi ro là việc tổng hợp các mức phân loại đe dọa, hậu quả tác hại, điểm yếu để xác định mức độ rủi ro của từng kịch bản, kết quả cần đưa ra rủi ro ANHK ở mức Rất thấp, Thấp, Trung bình, Cao hay Rất cao:
Rủi ro ANHK = Đe dọa + Hậu quả + Điểm yếu.
2.4.1.1. Nguyên tắc
Ghi chú: RC - Rất cao; C - Cao; TB - Trung bình; T - Thấp; RT - Rất
2.4.1.2. Lưu ý
- Xếp hạng theo mức độ/điểm rủi ro để làm nổi bật rủi ro ưu tiên cao nhất.
- Có thể cần phân tích sâu hơn các rủi ro được xếp hạng trên. Sử dụng kết quả phân tích (đe dọa, hậu quả, điểm yếu) để đưa ra các dự kiến về các quyết định giảm thiểu (hoặc không giảm thiểu) trong tương lai.
Các vấn đề cần đưa ra xem xét kỹ khi xếp hạng rủi ro:
- Có cần bổ sung số liệu, nghiên cứu, phân tích thêm các thành phần rủi ro không?
- Rủi ro (cụ thể) có cần giảm thiểu không?
- Các ưu tiên giảm thiểu là gì?
- Có nên thực hiện một hành động ngay không?
- Đưa ra danh sách các lựa chọn giảm thiểu.
2.4.2. Xác định mức độ chấp nhận rủi ro
a) Mức độ chấp nhận rủi ro chung
(Mức độ chấp nhận rủi ro chung do Hội đồng đề xuất và cần được Ủy ban ANHK ban hành trong “Bộ tiêu chí đánh giá rủi ro ANHK và định mức phân loại tiêu chí đó đối với đe dọa, điểm yếu, hậu quả tác hại” nêu tại điểm 2.1.5 hướng dẫn này).
2.4.2.1. Nguyên tắc
Rất cao: Yêu cầu hành động đối phó cụ thể ngay lập tức hoặc áp dụng quy trình khẩn nguy (Không chấp nhận mức độ rủi ro này).
Cao: Yêu cầu thực hiện các biện pháp đối phó cụ thể và thực hiện ngay trong thời gian ngắn (tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm hoi, Nhà nước có thể sẵn sàng chấp nhận mức rủi ro này).
Trung bình: Thông thường yêu cầu thực hiện các biện pháp đối phó cụ thể và có thể chấp nhận trong thời gian ngắn nếu điều kiện không cho phép khắc phục ngay (phân tích, quyết định từng trường hợp cụ thể được xác định bởi cơ quan có thẩm quyền).
Thấp: Có thể yêu cầu thực hiện các biện pháp đối phó cụ thể, có thể tăng cường bảo đảm an ninh và giảm khả năng xảy ra.
Rất thấp: Thông thường không yêu cầu thực hiện các biện pháp đối phó cụ thể (tuy nhiên, trong một số trường hợp, cơ quan có thẩm quyền vẫn có thể yêu cầu tiếp tục giảm thiểu).
2.4.2.2. Kết quả cần đưa ra
- Rủi ro nào không thể chấp nhận, tạm thời chấp nhận, rủi ro nào chấp nhận được?
- Bao nhiêu hành động/nguồn lực/biện pháp kiểm soát là đủ?
2.4.3. Phân tích nguyên nhân gốc rễ
Trên cơ sở phân tích, đánh giá ở các điểm 2.3.1; 2.3.2; 2.3.3, tiếp tục phân tích sâu, tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ để làm cơ sở hoạch địch các giải pháp giảm thiểu. Trách nhiệm của Hội đồng là báo cáo nguyên nhân gốc rễ, tìm ra các giải pháp giảm thiểu và đề xuất áp dụng).
Đây là cơ sở quan trọng để các nhà quản lý (các Bộ, ngành, doanh nghiệp) xem xét, lựa chọn việc sử dụng các nguồn lực có hạn vào việc giảm thiểu rủi ro sao cho hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất.
2.4.4. Báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia
Việc xác định các rủi ro cho phép cơ quan quản lý Nhà nước xác định và thực hiện các biện pháp để kiểm soát tỷ lệ giảm thiểu từng loại rủi ro (từng kịch bản đe dọa cụ thể). Do đó, báo cáo rủi ro ANHK được xây dựng và sẽ được cập nhật thường xuyên.
Nội dung của báo cáo rủi ro ANHK:
- Cung cấp mô tả (phân tích, đánh giá) về bức tranh toàn cảnh rủi ro ANHK hàng không quốc gia ở thời điểm hiện tại.
- Hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước về ANHK và các cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ và các doanh nghiệp ngành hàng không trong nỗ lực bảo vệ hoạt động hàng không dân dụng, ngăn chặn việc sử dụng vận tải hàng không cho các hành vi/mục đích bất hợp pháp.
Tác dụng của báo cáo rủi ro ANHK (báo cáo rủi ro sử dụng để làm gì?):
- Làm tài liệu tham chiếu trong xây dựng chính sách, pháp luật, chương trình ANHK quốc gia: Xem xét các yêu cầu về bảo đảm ANHK trong chính sách, chương trình ANHK quốc gia và/hoặc các quy định của pháp luật để đảm bảo các biện pháp đủ để giảm thiểu rủi ro, có tính đến các mối đe dọa và lỗ hổng an ninh.
- Làm tài liệu tham chiếu trong xây dựng kế hoạch kiểm soát chất lượng chung của ngành hàng không dựa trên rủi ro ANHK, đảm bảo các hoạt động kiểm soát chất lượng được thực hiện để xác nhận và duy trì công tác ANHK tuân thủ các chính sách, chương trình ANHK quốc gia và các quy định của pháp luật khác.
- Cung cấp thông tin cho các cơ quan, đơn vị hàng không để đánh giá rủi ro ANHK, xem xét, xây dựng các biện pháp an ninh phòng ngừa.
Báo cáo rủi ro ANHK củng cố tầm quan trọng của cách tiếp cận dựa trên rủi ro, cung cấp một phương pháp đánh giá rủi ro và sơ đồ quy trình và cung cấp mức độ tương đối về các rủi ro cụ thể.
Sau khi đánh giá đe dọa, rủi ro, Hội đồng có trách nhiệm báo cáo kết quả đánh giá và các đề xuất, kiến nghị nhằm giảm thiểu rủi ro gửi đến UB ANHK để xem xét, quyết định.
Việc xem xét, quyết định của UB ANHK bao gồm:
- Chấp thuận toàn bộ hoặc một phần báo cáo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện toàn bộ hoặc một phần các biện pháp giảm thiểu được đề xuất trong báo cáo, hoặc;
- Chưa chấp thuận báo cáo, yêu cầu làm lại (bổ sung, sửa đổi).
2.5.1. Các lựa chọn giảm thiểu (hay không giảm thiểu)
Trong ANHK, giảm thiểu rủi ro ANHK là giảm xác suất xảy ra kịch bản đe dọa hoặc giảm hậu quả bất lợi nếu nó xảy ra.
Quá trình giảm thiểu rủi ro bao gồm:
(1) Xác định các phương án (danh sách các phương án cho từng kịch bản và cho các kịch bản) để giảm thiểu rủi ro;
(2) Đánh giá các phương án này, quyết định chọn phương án nào; và
(3) Thực hiện các biện pháp giảm thiểu đã chọn.
Các phương án có thể là:
“Tránh rủi ro” - Không thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ hàng không liên quan - Vì nó có rủi ro không thể chấp nhận. “Chấp nhận rủi ro” - Không làm gì cả.
“Giảm thiểu rủi ro” - Giảm thiểu bằng các biện pháp an ninh, đưa mức độ rủi ro về thành tình trạng chấp nhận được.
Khi lựa chọn phương án “giảm thiểu rủi ro” các biện pháp an ninh có thể là:
- Biện pháp phòng ngừa mới (ví dụ: việc đầu tư máy Bodyscan của ACV);
- Biện pháp phòng ngừa tăng cường (ví dụ: Bổ sung nhân lực, bổ sung điểm kiểm soát ANHK, bổ sung camera giám sát ANHK);
- Biện pháp phòng ngừa sửa đổi.
Mục đích của các biện pháp an ninh:
- Ngăn chặn ý định can thiệp bất hợp pháp;
- Phát hiện hành vi;
- Ứng phó hành vi;
- Răn đe.
Kết quả giảm thiểu rủi ro:
- Giảm lỗ hổng/hạn chế;
- Giảm hậu quả, tác hại;
- Tránh rủi ro (không thực hiện hoạt động hàng không có rủi ro cao).
2.5.2. Phương pháp đánh giá các lựa chọn giảm thiểu rủi ro để đưa ra quyết định lựa chọn
Nội dung đánh giá:
- Phân tích lợi ích kinh tế, chi phí;
- Phân tích tiện lợi hành khách hoặc kết hợp (an ninh – tiện lợi);
- Yêu cầu về trách nhiệm pháp lý và xã hội;
- Quan điểm và nhận thức của các bên liên quan.
2.5.3. Kế hoạch giảm thiểu rủi ro
2.6. TRAO ĐỔI THÔNG TIN VÀ THAM VẤN
Trong suốt quá trình đánh giá rủi ro ANHK, các thành viên của Hội đồng (những người được triệu tập) cần liên tục trao đổi, tham vấn lẫn nhau, phù hợp với chuyên môn của các thành viên nhằm phát huy trí tuệ tập thể. Bảo đảm việc tổng hợp, xem xét, đánh giá các yếu tố của rủi ro được toàn diện, tăng cường tính chính xác, tận dụng được các nguồn thông tin chuyên sâu. Qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động đánh giá.
Mặt khác, ngoài việc trao đổi, tham vấn trong nội bộ Hội đồng, việc mở rộng trao đổi, tham vấn chuyên gia ngoài Hội đồng, tham vấn các cơ quan, đơn vị, các tổ chức quốc tế (Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO, Hiệp hội vận tải hàng không dân dụng quốc tế - IATA, các hãng hàng không nước ngoài,…) đối với các nội dung cụ thể, cần kinh nghiệm quốc tế là vô cùng cần thiết, sẽ giúp ích rất nhiều cho hiệu quả hoạt động của Hội đồng. Đặc biệt là việc tham vấn các tiêu chuẩn, quy trình, cách thức, biện pháp và các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong công tác bảo đảm ANHK.
Lưu ý: Việc trao đổi, tham vấn cần tuân thủ quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước.
2.6.1. Nội dung thông tin trao đổi, tham vấn (thông thường nhưng không giới hạn)
a) Kết quả hoạt động kiểm soát chất lượng ANHK;
b) Thay đổi dữ liệu đầu vào của rủi ro:
- Dịch vụ mới hoặc cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cảng hàng không, sân bay, công trình hàng không thay đổi;
- Các quy trình / thủ tục / biện pháp bảo đảm ANHK mới;
- Thông tin đe dọa mới.
c) Tình trạng và thời gian của các nỗ lực giảm thiểu đang thực hiện.
2.6.2. Yêu cầu khi trao đổi, tham vấn
- Uy tín;
- Bảo mật;
- Sự tôn trọng lẫn nhau;
- Trách nhiệm;
- Chuyên môn (bao gồm thông tin chất lượng tốt);
- Hiểu các đối tác;
- Các quyết định cá nhân có thể dựa trên các giá trị kinh nghiệm, trách nhiệm nhiều hơn là bằng chứng;
- Mục đích rõ ràng;
- Nguyên tắc cần biết (“need – to – know”).
Đặc biệt, quá trình thực hiện cần trao đổi, báo cáo lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị liên quan, nội dung này được hướng dẫn chi tiết dưới đây.
2.6.3. Báo cáo, trao đổi với lãnh đạo, quản lý
Mục đích:
Nếu có sự ủng hộ (Leadership buy-in) của lãnh đạo, quản lý thì:
- Có được sự hỗ trợ/thúc đẩy cho kế hoạch quản lý rủi ro và thực hiện kế hoạch được nhanh chóng, hiệu quả;
- Có được sự cam kết và trách nhiệm hỗ trợ cho việc thực hiện kế hoạch quản lý rủi ro (tức là sẽ có các nguồn lực cần thiết);
- Đảm bảo đề xuất giảm thiểu được thực hiện có hiệu quả.
Nếu không có trao đổi, tham vấn:
- Hạn chế niềm tin của lãnh đạo, quản lý vào báo cáo của Hội đồng;
- Dễ dàng xảy ra tranh luận và xung đột làm hạn chế kết quả đánh giá, và tăng sự tốn kém;
- Phân tán sự quan tâm và nguồn lực;
- Thiếu sự đồng thuận.
Và do đó, rủi ro ANHK không được quản lý tốt, dẫn đến mất an ninh, an toàn hàng không.
Nội dung công việc cần làm:
(1) Đánh giá lại xem liệu các biện pháp giảm thiểu có đảm bảo hiệu quả, rủi ro có được đưa về mức chấp nhận được hay không (với các biện pháp giảm thiểu đó). Nếu không, cần điều chỉnh những gì.
(2) Giám sát việc thực hiện toàn bộ quá trình quản lý rủi ro, xem liệu có thực hiện đúng quy trình không, chất lượng có đảm bảo không, việc đánh giá hiệu quả giảm thiểu có được thực hiện không, hoạt động đánh giá có được thực hiện định kỳ hoặc khi có thay đổi thông tin đầu vào (nhận diện rủi ro) không.
Người thực hiện: Lãnh đạo UB ANHK và lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị liên quan.
2.7.1. Đánh giá lại
a) Khi đã thực hiện chiến lược giảm thiểu, cần tiến hành đánh giá tiếp theo về kịch bản mối đe dọa được đánh giá trước đó với biện pháp giảm thiểu đã được thực hiện – Nhằm đánh giá rủi ro của đe dọa này đã được giảm thiểu đến mức chấp nhận được hay chưa;
b) Các biện pháp xem xét bao gồm: Thanh tra, kiểm tra, khảo sát và kiểm tra quá trình.
2.7.2. Giám sát
a) Giám sát việc đánh giá rủi ro phải thực hiện một cách thường xuyên để bảo đảm:
- Thực hiện đánh giá rủi ro đầy đủ;
- Tiến hành đánh giá về các kịch bản phù hợp.
b) Xem xét việc xác định lại rủi ro (xác định mức rủi ro lại, sắp xếp lại …) khi có:
- Thay đổi đầu vào rủi ro;
- Dịch vụ hoặc cơ sở mới;
- Khả năng mới hoặc thay đổi;
- Quy định mới;
- Sự kiện xảy ra.
3. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ LIÊN QUAN THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT
3.1. ỦY BAN AN NINH HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG QUỐC GIA
a) Chỉ đạo công tác quản lý rủi ro ANHK trên cơ sở pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế, phù hợp với khuyến cáo, hướng dẫn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, cụ thể:
- Chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định, chính sách về quản lý rủi ro ANHK trình cấp có thẩm quyền quyết định, ban hành;
- Chỉ đạo tổ chức thực hiện các quy định về quản lý rủi ro ANHK theo pháp luật. Chỉ đạo xây dựng hệ thống tổ chức quản lý rủi ro ANHK các cấp và tổ chức quản lý rủi ro ANHK cấp quốc gia.
b) UB ANHK xem xét kết quả (báo cáo) đánh giá rủi ro ANHK của Hội đồng đánh giá rủi ro ANHK quốc gia như sau:
- Chấp thuận toàn bộ hoặc một phần báo cáo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện toàn bộ hoặc một phần các biện pháp giảm thiểu được đề xuất trong báo cáo.
- Chưa chấp thuận báo cáo, yêu cầu làm lại (bổ sung, sửa đổi).
Chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT và ngành Hàng không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về quản lý rủi ro ANHK; bảo đảm phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong công tác phối hợp quản lý rủi ro ANHK.
Bộ Giao thông vận tải - Cơ quan thường trực Ủy ban ANHK chịu trách nhiệm tổng hợp, xây dựng Báo cáo đánh giá rủi ro an ninh hàng không quốc gia. định kỳ báo cáo Ủy ban ANHK tại các kỳ họp theo quy định tại Quy chế hoạt động của UB ANHK và báo cáo đột xuất khi có các vụ việc, sự kiện uy hiếp nghiêm trọng an ninh, an toàn hàng không.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không thực hiện công tác bảo đảm an ninh hàng không, thiết lập hệ thống báo cáo, thu thập thông tin, phân tích và đánh giá sự cố, nguy cơ đe dọa đến an ninh hàng không; quyết định áp dụng các biện pháp, quy trình, thủ tục phòng ngừa an ninh hàng không phù hợp với nguy cơ đe dọa.
Chủ trì thành lập (hoặc đề xuất thành lập) và duy trì hoạt động của Hội đồng đánh giá rủi ro ANHK quốc gia.
Xem xét áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro phù hợp thẩm quyền, trách nhiệm sau khi Hội đồng đánh giá rủi ro ANHK quốc gia đưa ra các báo cáo rủi ro ANHK.
Định kỳ và đột xuất trao đổi, cung cấp, đánh giá thông tin về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn khủng bố, các tổ chức phản động và các loại tội phạm, âm mưu can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng cho Bộ Giao thông vận tải3.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị công an liên quan phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam trong đánh giá rủi ro và mức độ, nguy cơ uy hiếp an ninh hàng không theo các bước cụ thể tại các phần 1, 2 và 3 Hướng dẫn này.
Cử người tham gia Hội đồng đánh giá rủi ro ANHK để thực hiện các công việc, quy trình được nêu trong hướng dẫn và xem xét áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro phù hợp thẩm quyền, trách nhiệm sau khi Hội đồng đánh giá rủi ro ANHK quốc gia đưa ra các báo cáo rủi ro ANHK.
Định kỳ hoặc đột xuất trao đổi, cung cấp, đánh giá thông tin về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn khủng bố, các tổ chức phản động và các loại tội phạm, âm mưu can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng cho Bộ Giao thông vận tải4.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quân đội liên quan phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam trong đánh giá rủi ro và mức độ, nguy cơ uy hiếp an ninh hàng không theo các bước cụ thể tại các phần 1, 2 và 3 Hướng dẫn này.
Cử người tham gia Hội đồng đánh giá rủi ro ANHK để thực hiện các công việc, quy trình được nêu trong hướng dẫn và xem xét áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro phù hợp thẩm quyền, trách nhiệm sau khi Hội đồng đánh giá rủi ro ANHK quốc gia đưa ra các báo cáo rủi ro ANHK.
3.5. CÁC BỘ NGOẠI GIAO, Y TẾ, TÀI CHÍNH, THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Cử các chuyên gia tham gia việc đánh giá rủi ro ANHK Hội đồng đánh giá rủi ro ANHK quốc gia phù hợp với lĩnh vực chuyên môn phụ trách.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam trong đánh giá rủi ro và mức độ, nguy cơ uy hiếp an ninh hàng không; xây dựng các giải pháp giảm thiểu rủi ro ANHK theo các bước cụ thể tại các phần 1, 2 và 3 Hướng dẫn này./.
1 The probability of an act of unlawfulinterference being successfully carried outon a specific target, based on an assessmentof threat, consequence, and vulnerability.
2 Hội đồng đánh giá rủi ro ANHK quốc gia: Bộ phận chuyên gia do UB ANHK thành lập theo đề xuất của Bộ GTVT/Cục HKVN; các cơ quan, đơn vị liên quan cử đại diện là các chuyên gia giỏi về lĩnh vực chuyên môn của đơn vị mình, cần thiết cho việc đánh giá, quản lý rủi ro ANHK đối với kịch bản hoặc loại đe dọa tham gia. CASP-AP định nghĩa như sau: “A group of subject matter experts given the responsibility to determine the risks associated with an operation and potential methods for improvement”.
3 Khoản 1, 2 Điều 37 Nghị định số 92/2015/NĐ-CP .
4 Khoản 1, 4 Điều 38 Nghị định số 92/2015/NĐ-CP .
- 1Công văn 4678/TCHQ-QLRR năm 2015 về hướng dẫn quản lý rủi ro, thiết lập tiêu chí phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hải quan tại Cảng hàng không Cát Bi do Tổng cục Hải quan ban hành
- 2Chỉ thị 22/CT-TTg năm 2019 về tăng cường công tác an ninh hàng không dân dụng trong tình hình hiện nay do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Công điện 1545/CĐ-TTg năm 2019 về sự cố tàu bay quốc tịch Việt Nam bị móp mũi che ra - đa và rủi ro, đe dọa của vật thể bay chưa xác định đối với hàng không dân dụng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006
- 2Công văn 4678/TCHQ-QLRR năm 2015 về hướng dẫn quản lý rủi ro, thiết lập tiêu chí phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hải quan tại Cảng hàng không Cát Bi do Tổng cục Hải quan ban hành
- 3Nghị định 92/2015/NĐ-CP về an ninh hàng không
- 4Thông tư liên tịch 07/2016/TTLT-BGTVT-BCA-BQP về phối hợp trao đổi, xử lý thông tin trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không dân dụng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng ban hành
- 5Nghị định 12/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải
- 6Thông tư 13/2019/TT-BGTVT hướng dẫn Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 7Chỉ thị 22/CT-TTg năm 2019 về tăng cường công tác an ninh hàng không dân dụng trong tình hình hiện nay do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Công điện 1545/CĐ-TTg năm 2019 về sự cố tàu bay quốc tịch Việt Nam bị móp mũi che ra - đa và rủi ro, đe dọa của vật thể bay chưa xác định đối với hàng không dân dụng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 1896/QĐ-UBANHK năm 2020 về Hướng dẫn quản lý rủi ro an ninh hàng không cấp quốc gia do Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia ban hành
- Số hiệu: 1896/QĐ-UBANHK
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 06/10/2020
- Nơi ban hành: Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia
- Người ký: Lê Anh Tuấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra