BỘ QUỒC PHÒNG
| CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 189/2006/QĐ-BQP | Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
Căn cứ Pháp lệnh Dân quân tự vệ số 19/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 4 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 184/2004/NĐ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh Dân quân tự vệ;
Căn cứ Nghị định số 119/2004/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ về công tác quốc phòng ở các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương;
Căn cứ Nghị định số 30/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Theo đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng
QUYẾT ĐỊNH:
CHỨC TRÁCH, NHIỆM VỤ VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA CÁN BỘ BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CƠ QUAN, TỔ CHỨC
1. Chức trách
Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) là người chịu trách nhiệm trước cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, tổ chức về công tác quốc phòng, quân sự; chịu sự chỉ đạo, chỉ huy và điều hành của cơ quan quân sự cấp trên; trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quốc phòng, quân sự của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật.
2. Nhiệm vụ
a) Cùng Ban Chỉ huy quân sự chủ trì nghiên cứu, quán triệt nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của cấp trên; tham mưu cho cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức soạn thảo các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và kế hoạch thực hiện công tác quốc phòng, quân sự ở cơ quan, tổ chức mình.
b) Tham mưu, đề xuất với cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo việc tuyên truyền, giáo dục quốc phòng, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc cơ quan, tổ chức mình theo quy định của pháp luật.
c) Đề xuất với cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức về việc kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng – an ninh trong quy hoạch, kế hoạch phát triển thuộc các lĩnh vực của cơ quan, tổ chức quản lý; phối hợp với địa phương nơi đóng trụ sở xây dựng nền quốc phòng toàn dân, góp phần xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) thành khu vực phòng thủ vững chắc; trực tiếp giúp cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch B, kế hoạch động viên cơ sở vật chất kỹ thuật cho quân đội, kế hoạch phòng thủ dân sự, chỉ đạo và trực tiếp tham gia diễn tập theo mệnh lệnh của cơ quan ngành dọc cấp trên, cơ quan quân sự địa phương nơi đóng trụ sở.
g) Giúp cấp ủy phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tuyên truyền giáo dục Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia và các văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng, an ninh cho cán bộ, công nhân, viên chức; chấp hành lệnh gọi thanh niên nhập ngũ; thực hiện đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi tự vệ, công dân nam trong độ tuổi nhập ngũ, quân nhân dự bị.
e) Cùng với Chính trị viên tham mưu với cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng tự vệ; kiện toàn đội ngũ cán bộ Ban Chỉ huy quân sự, chỉ huy tự vệ; bồi dưỡng, nâng cao trình độ, quản lý, chỉ huy cho cán bộ tự vệ thuộc quyền.
Thường xuyên rà soát, củng cố lực lượng tự vệ có số lượng phù hợp và chất lượng cao, tổ chức giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự theo chương trình quy định và theo yêu cầu nhiệm vụ; chấp hành lệnh động viên người và phương tiện cho quân đội; tham gia diễn tập, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu theo quy định của cơ quan quân sự có thẩm quyền.
g) Duy trì nền nếp chế độ sẵn sàng chiến đấu, quản lý vũ khí trang bị trong biên chế của lực lượng tự vệ. Chỉ đạo, chỉ huy tự vệ phối hợp với các lực lượng trên địa bàn tham gia bảo vệ sản xuất, giữ gìn trật tự trị an, phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, chống cháy, nổ trong nội bộ cơ quan, tổ chức và địa bàn đứng chân.
h) Hàng năm lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách bảo đảm thực hiện nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự của cơ quan, tổ chức.
i) Nắm chắc tình hình chính trị - xã hội, cùng Chính trị viên đề xuất với cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chỉ đạo, thực hiện chính sách, chế độ đối với lực lượng tự vệ, quân nhân dự bị và chính sách hậu phương quân đội.
k) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực, ngành mình quản lý ở các địa phương thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự; thực hiện chế độ báo cáo, giao ban, kiểm tra, sơ kết, tổng kết về công tác quốc phòng, quân sự theo quy định.
3. Mối quan hệ công tác
a) Với cấp ủy Đảng cơ quan, tổ chức: Là quan hệ giữa lãnh đạo và chịu sự lãnh đạo. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nghị quyết về công tác quốc phòng, quân sự và thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự với cấp ủy của cơ quan, tổ chức.
b) Với người đứng đầu cơ quan, tổ chức: Là quan hệ giữa chỉ đạo, điều hành và chịu sự chỉ đạo, điều hành. Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức chấp hành sự chỉ đạo, quản lý và điều hành của người đứng đầu cơ quan, tổ chức; đồng thời, tham mưu, đề xuất những biện pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự.
c) Với Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cấp trên: Là quan hệ cấp dưới với cấp trên. Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức chịu sự chỉ đạo và chỉ huy của Ban Chỉ huy quân sự cấp trên về công tác quốc phòng, quân sự của đơn vị mình.
d) Với Bộ Quốc phòng, cơ quan quân sự địa phương:
- Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (sau đây gọi chung là bộ, ngành Trung ương): Chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về công tác quốc phòng theo quy định của Nghị định số 119/2004/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ; chịu sự chỉ huy thống nhất của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với lực lượng tự vệ, dự bị động viên thuộc các bộ, ngành Trung ương thông qua sự chỉ huy trực tiếp của cơ quan quân sự địa phương các cấp; chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn trong phạm vi chức năng, quyền hạn của Bộ Tổng tham mưu và các Tổng cục thuộc Bộ Quốc phòng.
- Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thuộc cấp tỉnh: Chịu sự chỉ đạo của Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh về công tác quốc phòng, quân sự địa phương thuộc các lĩnh vực của cơ quan, tổ chức mình quản lý; đồng thời, có mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng về một số mặt công tác thuộc chức năng của cơ quan, tổ chức mình liên quan đến công tác quốc phòng như: Giáo dục quốc phòng; xây dựng khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự; xây dựng tiềm lực chính trị, tiềm lực kinh tế, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Chịu sự chỉ đạo, chỉ huy của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố, thuộc tỉnh (gọi chung là huyện) nơi đóng trụ sở về xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng tự vệ; quản lý lực lượng dự bị động viên; đăng ký công dân nam trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ và tuyển quân; hoạt động chiến đấu - trị an, bảo vệ cơ quan trong khu vực phòng thủ của địa phương.
- Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thuộc cấp huyện: Chịu sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện về công tác quốc phòng, quân sự địa phương thuộc phạm vi của cơ quan, tổ chức mình.
e) Với Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức: Là mối quan hệ phối hợp công tác, cùng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự ở cơ quan, tổ chức mình.
g) Với Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức: Là mối quan hệ chỉ huy giữa cấp trên với cấp dưới, phân công cho Phó Chỉ huy trưởng những công việc phù hợp với khả năng; đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ Phó Chỉ huy trưởng hoàn thành nhiệm vụ.
h) Với các ban, ngành, đoàn thể thuộc cơ quan, tổ chức: Là mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng tổ chức thực hiện công tác quốc phòng, quân sự theo nghị quyết của cấp ủy và kế hoạch của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.
i) Với cấp ủy, chính quyền địa phương: Là mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng theo nhiệm vụ và kế hoạch được giao. Theo định kỳ, Chỉ huy trưởng thông báo tình hình quốc phòng, an ninh của cơ quan, tổ chức mình và thống nhất kế hoạch phối hợp hoạt động về công tác quốc phòng, quân sự với địa phương.
k) Với lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức: Là quan hệ phối hợp, hiệp đồng theo chức năng và nhiệm vụ có liên quan đến công tác quốc phòng, quân sự, an ninh.
1. Chức trách
Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm trước cấp ủy Đảng cấp mình và cơ quan chính trị thuộc cơ quan quân sự địa phương nơi đóng trụ sở về toàn bộ các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự và xây dựng lực lượng tự vệ, dự bị động viên của cơ quan, tổ chức.
Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức hoạt động dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức; chịu sự chỉ đạo của cấp ủy địa phương, Đảng quân sự địa phương và cơ quan chính trị thuộc cơ quan quân sự địa phương nơi đóng trụ sở về thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của đơn vị mình.
2. Nhiệm vụ
a) Cùng với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự nghiên cứu, quán triệt nhiệm vụ, nhận định tình hình, đề xuất với cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các mặt công tác quốc phòng, quân sự ở cơ quan, tổ chức, đồng thời, phối hợp tổ chức thực hiện các chủ trương biện pháp đó.
b) Chủ trì thực hiện công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng và trực tiếp tổ chức giáo dục, thông báo chính trị, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về quốc phòng, an ninh cho lực lượng tự vệ và dự bị động viên; cùng Chỉ huy trưởng phối hợp với cơ quan chức năng liên quan tiến hành công tác giáo dục quốc phòng toàn dân.
c) Chăm lo xây dựng nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lương tự vệ và dự bị động viên. Duy trì chế độ xét duyệt, lựa chọn người vào lực lượng tự vệ, bảo đảm độ tin cậy về chính trị; trực tiếp phát hiện, bồi dưỡng nguồn để phát triển đảng viên, thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng để phát huy tốt vai trò của đảng viên, đoàn viên trong lực lượng tự vệ và dự bị động viên. Giáo dục cán bộ, chiến sỹ nâng cao cảnh giác cách mạng, nghiêm túc chấp hành chế độ bảo vệ nội bộ, phòng gian, giữ bí mật.
d) Nắm vững tình hình và bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, kinh nghiệm về CTĐ, CTCT cho đội ngũ cán bộ tự vệ thuộc quyền; phối hợp với đơn vị nhận nguồn dự bị động viên, quản lý và tạo điều kiện để lực lượng dự bị động viên thuộc cơ quan, tổ chức mình tham gia huấn luyện diễn tập đạt chất lượng, hiệu quả.
g) Phát động và duy trì phong trào Thi đua Quyết thắng trong lực lượng tự vệ và dự bị động viên; kịp thời phát hiện, bồi dưỡng và biểu dương gương người tốt, việc tốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự thuộc phạm vi cơ quan, tổ chức mình; đồng thời, nắm chắc diễn biến tư tưởng và chấn chỉnh, uốn nắn những biểu hiện sai lệch về chính trị, tư tưởng trong lực lượng tự vệ và dự bị động viên.
h) Cùng với Chỉ huy trưởng duy trì nền nếp chế độ sẵn sàng chiến đấu, quản lý vũ khí trang bị trong biên chế của lực lượng tự vệ. Chỉ đạo, chỉ huy tự vệ phối hợp với các lực lượng trên địa bàn tham gia bảo vệ sản xuất, giữ gìn trật tự trị an, phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, cháy, nổ trong nội bộ cơ quan, tổ chức và địa bàn đứng chân.
i) Quán triệt và tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng tự vệ, dự bị động viên; chính sách hậu phương quân đội của Đảng và Nhà nước.
k) Tổ chức tiến hành CTĐ, CTCT trong xây dựng và hoạt động của lực lượng tự vệ, dự bị động viên; công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, thực hiện nhiệm vụ động viên; các nhiệm vụ quốc phòng, quân sự khác trong cơ quan, tổ chức mình.
l) Tiến hành kiểm tra, sơ kết, tổng kết CTĐ, CTCT trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự theo chế độ quy định; báo cáo kết quả CTĐ, CTCT với cấp ủy Đảng cùng cấp và cơ quan chính trị cấp trên.
3. Mối quan hệ công tác
a) Với cấp ủy Đảng cơ quan, tổ chức: Là mối quan hệ giữa lãnh đạo và phục tùng, giữa tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách.
b) Với Đảng ủy quân sự và cơ quan chính trị thuộc cơ quan quân sự địa phương: Là mối quan hệ giữa chỉ đạo và phục tùng chỉ đạo về CTĐ, CTCT đối với lực lượng tự vệ, dự bị động viên, công tác tuyển dụng, động viên.
c) Với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức: Là mối quan hệ phối hợp công tác, cùng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự ở cơ quan, tổ chức trước cấp ủy cùng cấp về các hoạt động CTĐ, CTCT trong thực hiện nhiệm vụ đó.
d) Với Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức: Là quan hệ cấp trên với cấp dưới. Chính trị viên chỉ đạo, phân công Phó Chỉ huy trưởng thực hiện một số nội dung CTĐ, CTCT.
e) Với cấp ủy, chính quyền địa phương: Là mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng theo nhiệm vụ và kế hoạch được giao.
Theo định kỳ, Chính trị viên thông báo tình hình chính trị, tư tưởng của cán bộ, công nhân, viên chức, lực lượng tự vệ, dự bị động viên của cơ quan, tổ chức và thống nhất kế hoạch CTĐ, CTCT với địa phương trong thực hiện công tác quốc phòng, quân sự.
1. Chức trách
Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức là người giúp việc và sẵn sàng thay thế Chỉ huy trưởng khi vắng mặt; chịu trách nhiệm trước Chỉ huy trưởng và Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức những nội dung công tác được phân công.
2. Nhiệm vụ
a) Đề đạt các nội dung về công tác quốc phòng, quân sự với Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức theo nhiệm vụ được phân công.
b) Thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Chỉ huy trưởng và Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức.
c) Nắm vững tình hình và tổng hợp kết quả thực hiện từng nhiệm vụ được phân công và báo cáo với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự.
3. Mối quan hệ công tác
Quan hệ công tác với Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức là quan hệ cấp dưới với cấp trên. Phó Chỉ huy trưởng chịu sự chỉ huy của Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, chấp hành nhiệm vụ được phân công và báo cáo kết quả thực hiện với Chỉ huy trưởng, Chính trị viên.
Chương 2:
CHỨC TRÁCH, NHIỆM VỤ VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA CÁN BỘ XÃ ĐỘI
Điều 4. Chức trách, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của Xã đội trưởng
1. Chức trách
Xã đội trưởng, Phường đội trưởng, Thị đội trưởng thuộc huyện (gọi chung là Xã đội trưởng) là thành viên Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã), chịu sự lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của Ủy ban nhân dân xã; cùng với xã đội, phường đội, thị đội thuộc huyện (gọi chung là Xã đội) làm tham mưu cho cấp ủy và chính quyền cấp xã thực hiện công tác quốc phòng, quân sự; chủ trị phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương theo chỉ thị, mệnh lệnh của cơ quan quân sự cấp trên, nghị quyết của cấp ủy, Hội đồng nhân dân và chỉ thị, kế hoạch của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã; đồng thời trực tiếp tổ chức, xây dựng, huấn luyện lực lượng dân quân góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở và sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống; đăng ký và quản lý lực lượng dự bị động viên, dân quân, nam công dân trong độ tuổi nhập ngũ và thực hiện công tác tuyển quân hàng năm.
2. Nhiệm vụ
a) Nghiên cứu quán triệt chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự; báo cáo, đề đạt với cấp ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã những chủ trương, biện pháp triển khai thực hiện.
b) Tham mưu cho cấp ủy, Ủy ban nhân dân xã ban hành các nghị quyết, chỉ thị (phần công tác quốc phòng, quân sự). Chủ trì lập kế hoạch xây dựng, huấn luyện và hoạt động của dân quân; kế hoạch chiến đấu - trị an của xã; kế hoạch phòng thủ dân sự của xã theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy quân sự huyện. Chủ trì, phối hợp, với các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện nhiệm vụ có liên quan công tác quốc phòng, quân sự địa phương ở xã.
c) Cùng với Chính trị viên Xã đội đề đạt với cấp ủy, Ủy ban nhân dân thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ xã đội, chỉ huy đơn vị dân quân, có kế hoạch bồi dưỡng để nâng cao trình độ nhận thức và năng lực tổ chức, quản lý, chỉ huy cho đội ngũ cán bộ cấp dưới thuộc quyền; củng cố, kiện toàn về tổ chức, biên chế trung đội cơ động, các tổ, tiểu đội binh chủng của xã và huyện (nếu có), lực lượng dân quân tại chỗ của các thôn nhằm đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự.
d) Hàng năm, chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức đăng ký công dân trong độ tuổi dân quân, công dân nam trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ, lực lượng dự bị động viên; quản lý chặt chẽ số lượng và chất lượng lực lượng dân quân nòng cốt, dân quân rộng rãi, công dân nam trong độ tuổi nhập ngũ, quân nhân dự bị hạng một, hạng hai.
e) Tổ chức giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự cho lực lượng dân quân theo chương trình huấn luyện của Ban Chỉ huy quân sự huyện và yêu cầu, nhiệm vụ đột xuất của cấp trên; tổ chức kiểm tra, hội thao, hội thi đánh giá kết quả công tác huấn luyện của cấp mình và tham gia hội thao, hội thi theo yêu cầu của cấp trên.
g) Tổ chức, chỉ huy dân quân phối hợp với công an xã và các lực lượng khác hoạt động bảo vệ trị an; sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch họa; tổ chức lực lượng dân quân tham gia làm công tác vận động quần chúng, các phong trào của địa phương, góp phần xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện.
h) Chủ trì phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tham mưu giúp cấp ủy, Ủy ban nhân dân xã tổ chức giáo dục quốc phòng toàn dân; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhân dân về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, đáp ứng các tình huống phức tạp xảy ra.
i) Tham mưu cho cấp ủy, Ủy ban nhân dân xã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn xã.
k) Nắm chắc tình hình, cùng Chính trị viên Xã đội đề xuất với cấp ủy, Ủy ban nhân dân xã lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân, dự bị động viên, chính sách hậu phương quân đội.
l) Duy trì nền nếp chế độ sinh hoạt, sẵn sàng chiến đấu; đăng ký và bảo quản vũ khí trang bị; thực hiện chế độ kiểm tra, báo cáo theo định kỳ và đột xuất, tiến hành giao ban, sơ kết, tổng kết về công tác quốc phòng, quân sự theo quy định.
3. Mối quan hệ công tác
a) Với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện: Là quan hệ cấp dưới với cấp trên trực tiếp về quốc phòng, quân sự; quan hệ chấp hành chỉ huy và chỉ huy. Xã đội trưởng căn cứ chỉ thị, mệnh lệnh của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt và báo cáo kết quả thực hiện với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện.
b) Với cấp ủy cấp xã: Là quan hệ giữa chịu sự lãnh đạo và lãnh đạo. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, Xã đội trưởng tổ chức thực hiện các nghị quyết về công tác quốc phòng, quân sự và báo cáo kết quả thực hiện với cấp ủy xã.
Khi có chỉ thị, mệnh lệnh của cơ quan quân sự cấp trên, Xã đội trưởng báo cáo với Bí thư cấp ủy xã, đề đạt chủ trương, kế hoạch, biện pháp thực hiện.
c) Với Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã: Xã đội trưởng chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã về mặt công tác quốc phòng, quân sự; lập kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch công tác quốc phòng, quân sự sau khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã phê duyệt; báo cáo kết quả thực hiện cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.
d) Với Chính trị viên Xã đội: Là mối quan hệ phối hợp công tác, cùng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự ở xã.
e) Với Xã đội phó: Là mối quan hệ chỉ huy giữa cấp trên và cấp dưới. Xã đội trưởng phân công Xã đội phó tổ chức thực hiện một số công việc phù hợp với khả năng, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ Xã đội phó hoàn thành nhiệm vụ.
g) Với các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp: Là mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng tổ chức thực hiện công tác quốc phòng, quân sự có liên quan dưới sự lãnh đạo của cấp ủy và sự chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
Xã đội trưởng thường xuyên thông báo tình hình, nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự có liên quan cho các ban, ngành, đoàn thể; đồng thời hướng dẫn các ban, ngành, đoàn thể tổ chức triển khai thực hiện theo nghị quyết của cấp ủy và sự chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự.
h) Với Công an xã: Là mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng theo chức năng và nhiệm vụ liên quan đến công tác quốc phòng, an ninh của xã.
i) Với các đơn vị đứng chân trên địa bàn: Là mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng theo nhiệm vụ và kế hoạch được giao. Xã đội trưởng thông báo tình hình địa phương, thống nhất kế hoạch hoạt động quốc phòng, quân sự với các đơn vị đứng chân trên địa bàn và các xã lân cận.
Điều 5. Chức trách, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của Chính trị viên xã đội
1. Chức trách
Chính trị viên xã đội, do Bí thư Đảng ủy (chi bộ) xã đảm nhiệm, là người chủ trì toàn bộ hoạt động CTĐ, CTCT đối với lực lượng dân quân, dự bị động viên và trong thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở xã. Mọi hoạt động của Chính trị viên xã đội đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy (chi ủy) xã, sự chỉ đạo của Đảng ủy quân sự cấp huyện, của Chính trị viên, cơ quan chính trị Ban Chỉ huy quân sự huyện.
2. Nhiệm vụ
a) Cùng với Xã đội trưởng nghiên cứu, quán triệt nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, tình hình quốc phòng, an ninh ở địa phương và nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của cấp mình; nhận định tình hình, đề xuất với Đảng ủy (chi ủy) về chủ trương, biện pháp lãnh đạo đối với lực lượng dân quân, dự bị động viên và thực hiện công tác quốc phòng, quân sự; xây dựng kế hoạch CTĐ, CTCT và phân công tổ chức thực hiện.
b) Tiến hành công tác chính trị, lãnh đạo tư tưởng lực lượng dân quân và dự bị động viên; trực tiếp tổ chức giáo dục chính trị, thông báo thời sự, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh cho lực lượng dân quân, dự bị động viên. Cùng Xã đội trưởng và cán bộ có liên quan làm trung tâm phối hợp và hiệp đồng trong công tác giáo dục quốc phòng toàn dân, động viên nhân dân nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng dân quân, dự bị động viên, góp phần xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện và địa bàn an toàn làm chủ.
c) Chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp lực lượng dân quân và dự bị động viên, duy trì chế độ xét duyệt, lựa chọn người vào lực lượng dân quân, bảo đảm độ tin cậy về chính trị; cùng với Xã đội trưởng và Thôn đội trưởng tiến hành lựa chọn đảng viên trẻ, đoàn viên đủ điều kiện đưa vào dân quân, phát hiện và bồi dưỡng đoàn viên ưu tú trong dân quân, dự bị động viên để phát triển đảng.
d) Cùng với Xã đội trưởng nắm chắc tình hình đội ngũ cán bộ dân quân và sĩ quan dự bị ở xã; chuẩn bị nội dung và tổ chức thực hiện các quyết định về công tác cán bộ của Đảng ủy (chi ủy), tổ chức bồi dưỡng cán bộ dân quân về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, kinh nghiệm CTĐ, CTCT. Phối hợp với các đơn vị động viên quân đội sắp xếp, quản lý sĩ quan dự bị ở địa phương.
e) Thường xuyên rà soát về chính trị trong lực lượng dân quân và dự bị động viên; quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ trong lực lượng dân quân và dự bị động viên; giáo dục cán bộ, chiến sĩ nâng cao cảnh giác cách mạng, nghiêm túc chấp hành chế độ bảo vệ nội bộ, phòng giam, giữ bí mật.
g) Phát động, duy trì phong trào Thi đua Quyết thắng và các phong trào thi đua của địa phương trong lực lượng dân quân, dự bị động viên. Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng và biểu dương gương người tốt, việc tốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự.
h) Cùng với Xã đội trưởng chỉ đạo, chỉ huy lực lượng dân quân, dự bị động viên phối hợp với công an, các đoàn thể và nhân dân giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống thiên tai, dịch họa; phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng đứng chân trên địa bàn tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân ở địa phương và làm công tác vận động quần chúng ở cơ sở.
i) Giáo dục, quán triệt và tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với dân quân, dự bị động viên, chính sách hậu phương quân đội của Đảng và Nhà nước. Động viên nhân dân tích cực giúp đỡ gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình quân nhân tại ngũ, quân nhân dự bị và dân quân ổn định đời sống, phát triển kinh tế gia đình.
k) Chủ trì thực hiện CTĐ, CTCT trong các mặt xây dựng và hoạt động của lực lượng dân quân và dự bị động viên; trong chuẩn bị và gọi thanh niên nhập ngũ; giáo dục và động viên quân nhân đào ngũ trở lại đơn vị; tham gia chỉ đạo xây dựng làng xã chiến đấu; tổ chức phòng thủ dân sự và thực hiện các nhiệm vụ khác ở địa phương.
l) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện sơ kết, tổng kết CTĐ, CTCT, thực hiện chế độ báo cáo với Đảng ủy (Chi ủy) xã, Đảng ủy quân sự cấp huyện, cơ quan chính trị Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo đúng thời gian quy định.
3. Mối quan hệ công tác
a) Với Đảng ủy (chi bộ) xã: Là mối quan hệ giữa lãnh đạo và phục tùng sự lãnh đạo, giữa tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách.
Chính trị viên Xã đội đề xuất chủ trương, biện pháp với Đảng ủy (chi bộ) xã về lãnh đạo công tác quốc phòng, quân sự ở xã.
b) Với Đảng ủy quân sự cấp huyện: Là mối quan hệ chịu sự chỉ đạo và chỉ đạo về CTĐ, CTCT đối với công tác quốc phòng, quân sự ở xã. Chính trị viên chủ trì giúp cấp ủy triển khai thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Đảng ủy quân sự huyện.
c) Với Chính trị viên, cơ quan chính trị Ban Chỉ huy quân sự huyện: Là mối quan hệ giữa người chủ trì CTĐ, CTCT cấp dưới với người chủ trì CTĐ, CTCT và cơ quan đảm nhiệm CTĐ, CTCT cấp trên. Chính trị viên Xã đội phải chấp hành nghiêm chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của Chính trị viên và cơ quan Chính trị Ban Chỉ huy quân sự huyện về CTĐ, CTCT đối với công tác quốc phòng, quân sự địa phương.
d) Với Xã đội trưởng: Là mối quan hệ phối hợp công tác, cùng chịu trách nhiệm triển khai thực hiện công tác quốc phòng, quân sự ở cơ sở. Cùng Xã đội trưởng trao đổi, thống nhất những kế hoạch, biện pháp triển khai và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng ủy (chi bộ) về công tác quốc phòng, quân sự.
e) Với các ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị ở địa phương: Là mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng thực hiện các chủ trương, biện pháp lãnh đạo của Đảng ủy (chi bộ) về công tác quốc phòng, quân sự ở xã.
Điều 6. Chức trách, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của Xã đội phó
1. Chức trách
Xã đội phó là người giúp việc cho Xã đội trưởng, sẵn sàng thay thế khi Xã đội trưởng vắng mặt; chịu sự chỉ huy, phân công của Xã đội trưởng, Chính trị viên xã đội và chịu trách nhiệm trước Xã đội về những nhiệm vụ được phân công.
2. Nhiệm vụ
a) Nắm chắc tình hình công tác quốc phòng, quân sự của xã, phát hiện và đề đạt kịp thời với Xã đội những biện pháp tổ chức thực hiện từng mặt công tác quốc phòng, quân sự được phân công.
b) Nắm vững nhiệm vụ được phân công, nghiên cứu tình hình, lập kế hoạch thực hiện báo cáo Xã đội trưởng. Xã đội phó trực tiếp thực hiện công tác đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi dân quân, nam công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ, lực lượng dự bị động viên và vũ khí trang bị, phương tiện kỹ thuật tại cơ sở; giúp Xã đội trưởng tổ chức huấn luyện một số nội dung về quân sự cho lực lượng dân quân nòng cốt; tổ chức thực hiện kế hoạch chiến đấu - trị an của xã; trực tiếp chỉ huy trung đội dân quân cơ động xã hoặc phân đội dân quân thường trực (nếu có) làm các nhiệm vụ theo sự phân công của Xã đội trưởng.
c) Tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự theo nhiệm vụ được phân công, báo cáo Xã đội trưởng, Chính trị viên Xã đội và cơ quan quân sự cấp trên khi được ủy quyền.
3. Mối quan hệ công tác
a) Với Xã đội trưởng: Là quan hệ giữa cấp dưới và cấp trên, Xã đội phó phải phục tùng và chịu sự phân công của Xã đội trưởng; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao và báo cáo kết quả thực hiện với Xã đội trưởng.
b) Với Chính trị viên Xã đội: Là quan hệ giữa cấp dưới và cấp trên. Xã đội phó phải phục tùng và chịu sự phân công của Chính trị viên Xã đội; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao và báo cáo kết quả thực hiện với Chính trị viên Xã đội.
Chương 3:
CHỨC TRÁCH, NHIỆM VỤ CỦA CÁN BỘ CHỈ HUY ĐƠN VỊ DÂN QUÂN TỰ VỆ
Điều 7. Chức trách, nhiệm vụ của Tiểu đoàn trưởng dân quân tự vệ và tương đương
1. Chức trách
Tiểu đoàn trưởng là cấp dưới thuộc quyền của Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh và chịu sự chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan, tổ chức mình; chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước tập thể chỉ huy tiểu đoàn về xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng tự vệ.
Tiểu đoàn trưởng phải căn cứ mệnh lệnh, chỉ thị của người chỉ huy cấp trên trực tiếp để triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng tiểu đoàn vững mạnh toàn diện.
Tiểu đoàn trưởng được quyền ra mệnh lệnh, chỉ thị cho các đơn vị thuộc quyền để thực hiện nhiệm vụ của tiểu đoàn.
2. Nhiệm vụ
a) Chỉ huy tiểu đoàn chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước, Nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của người đứng đầu cơ quan, tổ chức; chỉ thị, mệnh lệnh của người chỉ huy cấp trên.
b) Nắm vững tình hình mọi mặt của tiểu đoàn, bảo đảm cho tiểu đoàn sãn sàng chiến đấu khi có mệnh lệnh của cấp trên; chỉ huy tiểu đoàn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
c) Lập và tổ chức thực hiện các kế hoạch xây dựng, huấn luyện và hoạt động chiến đấu - trị an của tiểu đoàn sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
d) Đăng ký và quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, chiến sỹ tự vệ thuộc quyền; nắm tình hình chính trị - tư tưởng, trình độ nhận thức, năng lực và điều kiện hoạt động của cán bộ, chiến sỹ của tiểu đoàn.
e) Nắm vững số lượng, chất lượng vũ khí, trang bị, phương tiện thuộc tiểu đoàn quản lý; duy trì chế độ bảo quản, sử dụng theo quy định của trên.
g) Cùng với Chính trị viên tiểu đoàn tổ chức giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ thuộc quyền; xây dựng đoàn kết, dân chủ, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua.
h) Hướng dẫn, kiểm tra, giúp đỡ đơn vị thuộc quyền thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng lực lượng tự vệ; tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp trên đúng quy định.
Điều 8. Chức trách, nhiệm vụ của Chính trị viên tiểu đoàn dân quân tự vệ và tương đương
1. Chức trách
Chính trị viên tiểu đoàn là người chủ trì và chịu trách nhiệm trước cấp trên về CTĐ, CTCT ở tiểu đoàn; mọi hoạt động của Chính trị viên tiểu đoàn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy quân sự tỉnh và cấp ủy của cơ quan, tổ chức mà tiểu đoàn trực thuộc; chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn của Chính trị viên và cơ quan chính trị cấp trên; cùng Tiểu đoàn trưởng tổ chức xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
2. Nhiệm vụ
a) Cùng Tiểu đoàn trưởng quán triệt nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, nhiệm vụ của tiểu đoàn; đề xuất nội dung, biện pháp để tổ chức triển khai thực hiện.
b) Trực tiếp xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch CTĐ, CTCT của tiểu đoàn trong từng thời gian, từng nhiệm vụ.
c) Cùng Ban Chỉ huy tiểu đoàn nắm chắc tình hình đơn vị, thực hiện công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, tuyên truyền thời sự, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ và phong trào Thi đua quyết thắng cho cán bộ, chiến sỹ trong tiểu đoàn.
d) Quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nêu cao ý thức cảnh giác cách mạng, chấp hành nghiêm các chế độ, quy định về phòng gian, giữ bí mật, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
e) Chủ trì tổ chức thực hiện các nội dung CTĐ, CTCT trong xây dựng đơn vị, trọng tâm là nhiệm vụ tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động chiến đấu - trị an của tiểu đoàn.
g) Tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm CTĐ, CTCT ở tiểu đoàn và báo cáo kết quả CTĐ, CTCT lên cấp trên theo quy định.
Điều 9. Chức trách, nhiệm vụ của Phó tiểu đoàn trưởng dân quân tự vệ và tương đương
1. Chức trách
Phó tiểu đoàn trưởng thuộc quyền Tiểu đoàn trưởng; là người giúp việc Tiểu đoàn trưởng về chỉ huy quân sự; sẵn sàng thay thế khi Tiểu đoàn trưởng vắng mặt; chịu trách nhiệm trước Tiểu đoàn trưởng và Chính trị viên tiểu đoàn về những nhiệm vụ được phân công.
2. Nhiệm vụ
a) Nắm vững nhiệm vụ được phân công, tiến hành thu thập, nghiên cứu tình hình có liên quan, chuẩn bị kế hoạch tổ chức thực hiện báo cáo Tiểu đoàn trưởng phê duyệt.
b) Tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt.
c) Nắm chắc tình hình của tiểu đoàn, phát hiện những vấn đề vướng mắc và đề đạt kịp thời với Tiểu đoàn trưởng về biện pháp giải quyết, tháo gỡ những vấn đề đó.
d) Giúp Tiểu đoàn trưởng, hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, giúp đỡ đơn vị thuộc quyền thực hiện theo đúng kế hoạch. Nắm tình hình và kết quả thực hiện báo cáo Tiểu đoàn trưởng.
e) Tổ chức rút kinh nghiệm từng nhiệm vụ được giao.
Điều 10. Chức trách, nhiệm vụ của Đại đội trưởng dân quân tự vệ và tương đương
1. Chức trách
Đại đội trưởng thuộc quyền quản lý của Tiểu đoàn trưởng hoặc cơ quan quân sự cấp trên; chịu trách nhiệm cá nhân trước cấp trên và tập thể chỉ huy đại đội về mọi mặt hoạt động của đại đội. Đại đội trưởng được quyền ra mệnh lệnh, chỉ thị cho đơn vị thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ của đại đội.
2. Nhiệm vụ
a) Chỉ huy đại đội chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; Nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của người đứng đầu cơ quan, tổ chức; chỉ thị, mệnh lệnh của người chỉ huy cấp trên.
b) Nắm vững tình hình mọi mặt của đại đội, bảo đảm cho đại đội sẵn sàng chiến đấu khi có mệnh lệnh của cấp trên; chỉ huy đại đội hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
c) Lập và tổ chức thực hiện các kế hoạch xây dựng, huấn luyện và hoạt động chiến đấu – trị an của đại đội sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
d) Đăng ký và quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, chiến sỹ tự vệ thuộc quyền; nắm chắc tình hình chính trị - tư tưởng, trình độ nhận thức, năng lực và điều kiện hoạt động của cán bộ, chiến sỹ của đại đội.
e) Nắm vững số lượng, chất lượng vũ khí, trang bị, phương tiện thuộc đại đội quản lý; duy trì đúng chế độ bảo quản, sử dụng theo quy định của trên.
g) Cùng với Chính trị viên đại đội tổ chức giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ thuộc quyền, xây dựng đoàn kết, dân chủ, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua.
h) Hướng dẫn, kiểm tra, giúp đỡ đơn vị thuộc quyền thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng lực lượng tự vệ; tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp trên đúng quy định.
Điều 11. Chức trách, nhiệm vụ của Chính trị viên đại đội dân quân tự vệ và tương đương
1. Chức trách
Chính trị viên đại đội là người chủ trì và chịu trách nhiệm trước cấp trên về CTĐ, CTCT ở đại đội; mọi hoạt động của Chính trị viên đại đội đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy cùng cấp, Đảng ủy quân sự địa phương cấp trên trực tiếp; sự chỉ đạo, hướng dẫn của chính trị viên và cơ quan chính trị cấp trên; cùng Đại đội trưởng tổ chức xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
2. Nhiệm vụ
a) Cùng Đại đội trưởng quán triệt nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, nhiệm vụ của đại đội; đề xuất nội dung, biện pháp để tổ chức triển khai thực hiện.
b) Trực tiếp xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch CTĐ, CTCT của đại đội trong từng thời gian, từng nhiệm vụ.
c) Cùng Ban chỉ huy đại đội nắm chắc tình hình đơn vị, thực hiện công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, tuyên truyền thời sự, tổ chức có hiệu quả phong trào Thi đua Quyết thắng và các hoạt động văn hóa văn nghệ cho cán bộ, chiến sỹ trong đại đội.
d) Quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nêu cao ý thức cảnh giác cách mạng, chấp hành nghiêm các chế độ, quy định về phòng gian, giữ bí mật, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
e) Chủ trì tổ chức thực hiện các nội dung CTĐ, CTCT trong xây dựng đơn vị, trọng tâm là nhiệm vụ tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động chiến đấu, trị an của đại đội.
g) Tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm CTĐ, CTCT ở đại đội và báo cáo kết quả CTĐ, CTCT lên cấp trên theo quy định.
Điều 12. Chức trách, nhiệm vụ của Phó Đại đội trưởng và tương đương
1. Chức trách
Phó Đại đội trưởng thuộc quyền Đại đội trưởng; là người giúp việc Đại đội trưởng về chỉ huy quân sự; sẵn sàng thay thế khi Đại đội trưởng vắng mặt; chịu trách nhiệm trước Đại đội trưởng và Chính trị viên đại đội về những nhiệm vụ được phân công.
2. Nhiệm vụ
a) Nắm vững nhiệm vụ được phân công, tiến hành thu thập, nghiên cứu tình hình có liên quan, chuẩn bị kế hoạch tổ chức thực hiện báo cáo Đại đội trưởng phê duyệt.
b) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt.
c) Nắm chức tình hình của đại đội, phát hiện những vấn đề vướng mắc và đề đạt kịp thời với Đại đội trưởng về biện pháp giải quyết, tháo gỡ những vấn đề đó.
d) Giúp Đại đội trưởng hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, giúp đỡ đơn vị thuộc quyền thực hiện theo đúng kế hoạch. Nắm tình hình và kết quả thực hiện báo cáo Đại đội trưởng.
e) Tổ chức rút kinh nghiệm từng nhiệm vụ được giao.
Điều 13. Chức trách, nhiệm vụ của Trung đội trưởng dân quân tự vệ và tương đương
1. Chức trách
Trung đội trưởng thuộc quyền chỉ huy của Đại đội trưởng hoặc Xã đội trưởng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức hoặc Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện; chịu trách nhiệm trước cấp trên về mọi mặt của trung đội. Trung đội trưởng được quyền ra mệnh lệnh cho Tiểu đội trưởng và chiến sỹ thuộc quyền để thực hiện nhiệm vụ của trung đội.
2. Nhiệm vụ
a) Chỉ huy trung đội chấp hành đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; pháp luật của Nhà nước; mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên.
b) Nắm vững tình hình mọi mặt của trung đội, duy trì trung đội luôn sẵn sàng chiến đấu; chỉ huy trung đội hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
c) Trực tiếp tổ chức giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự cho trung đội theo nội dung được phân công.
d) Đăng ký, quản lý chặt chẽ quân số theo biên chế, nắm chắc tình hình chính trị - tư tưởng, sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ, trình độ nhận thức và năng lực hoạt động của cán bộ, chiến sỹ trong trung đội.
e) Đăng ký, quản lý số lượng, chất lượng vũ khí, trang bị và các tài sản khác của trung đội; giáo dục về ý thức trách nhiệm giữ gìn, bảo quản, sử dụng trang bị vũ khí của trung đội.
g) Thực hiện các hoạt động công tác chính trị trong trung đội, giáo dục ý thức cảnh giác, giữ bí mật; phát huy dân chủ về công tác quân sự.
i) Tiến hành sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm thực hiện các mặt công tác và báo cáo kết quả lên cấp trên đúng quy định.
Điều 14. Chức trách, nhiệm vụ của Thôn đội trưởng và tương đương
1. Chức trách
Thôn đội trưởng, Ấp đội trưởng, Khóm đội trưởng, Bản đội trưởng, Buôn đội trưởng, Sóc đội trưởng, Phum đội trưởng, Cụm đội trưởng, Khu đội trưởng (sau đây gọi chung là Thôn đội trưởng) và tương đương kiêm chức vụ tổ trưởng hoặc tiểu đội trưởng, hoặc trung đội trưởng dân quân tại chỗ thuộc quyền chỉ huy của Xã đội trưởng. Thôn đội trưởng chịu sự chỉ huy trực tiếp của Xã đội trưởng về công tác quốc phòng, quân sự ở thôn, làng, ấp, khóm, bản, buôn, sóc, phum, tổ dân phố, cụm dân cư, khu phố (sau đây gọi chung là thôn); chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi ủy, chi bộ thôn và trưởng thôn; đồng thời chịu trách nhiệm trước cấp trên về kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở thôn.
2. Nhiệm vụ
a) Tham mưu, đề xuất với xã đội và trực tiếp triển khai thực hiện công tác quốc phòng, quân sự ở thôn.
b) Đăng ký, quản lý chặt chẽ dân quân nòng cốt, dân quân rộng rãi và lực lượng dự bị động viên, nam công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ, công dân trong độ tuổi dân quân tự vệ ở thôn, các phương tiện có động cơ và phương tiện thông tin liên lạc trong thôn; đồng thời, tổ chức lực lượng dân quân nòng cốt trong thôn sinh hoạt theo định kỳ.
c) Theo sự chỉ đạo, chỉ huy của Xã đội, tổ chức huấn luyện quân sự hàng năm cho lực lượng dân quân tại chỗ của thôn hoặc huy động lực lượng này tham gia huấn luyện quân sự do Xã đội tổ chức.
d) Chỉ huy lực lượng dân quân tại chỗ phối hợp với công an thôn và các lực lượng khác tham gia giữ vững an ninh chính trị, trật tư an toàn xã hội trong thôn, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, tài sản của tập thể, của Nhà nước trên địa bàn; tham gia phòng chống thiên tai, dịch họa; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; tham gia xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện theo sự chỉ đạo của Xã đội.
e) Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác quốc phòng, quân sự ở thôn theo sự chỉ đạo của xã đội.
Điều 15. Chức trách, nhiệm vụ của Tiểu đội trưởng dân quân tự vệ và tương đương
1. Chức trách
Tiểu đội trưởng thuộc quyền quản lý của Trung đội trưởng hoặc Thôn đội trưởng hoặc Xã đội trưởng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; chịu sự chỉ huy của cấp trên trực tiếp; chịu trách nhiệm trước cấp trên và tập thể tiểu đội về mọi mặt.
2. Nhiệm vụ
a) Chỉ huy tiểu đội chấp hành đường lối, chính sách của Đảng; pháp luật của Nhà nước; chế độ quy định, mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên.
b) Nắm chắc tình hình mọi mặt của tiểu đội, duy trì tiểu đội luôn sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ được giao.
c) Trực tiếp chỉ huy tiểu đội huấn luyện, hoạt động chiến đấu, trị an và các nhiệm vụ khác theo mệnh lệnh cấp trên.
d) Gương mẫu chấp hành các chế độ quy định; duy trì tiểu đội thực hiện các chế độ, nền nếp sinh hoạt theo quy định.
e) Quản lý chặt chẽ quân số biên chế của tiểu đội, hiểu rõ tư tưởng, hoàn cảnh, khả năng, tâm tư nguyên vọng của từng chiến sĩ trong tiểu đội.
g) Xây dựng đoàn kết trong tiểu đội, phát huy dân chủ, động viên thi đua xây dựng tiểu đội vững mạnh toàn diện.
h) Kịp thời rút kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ của tiểu đội, báo cáo kết quả với cấp trên trực tiếp theo quy định.
Chương 4:
| BỘ TRƯỞNG |
Quyết định 189/2006/QĐ-BQP quy định chức trách, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự cơ quan, tổ chức; cán bộ xã đội và chỉ huy đơn vị dân quân tự vệ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
- Số hiệu: 189/2006/QĐ-BQP
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 11/11/2006
- Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng
- Người ký: Phùng Quang Thanh
- Ngày công báo: 03/12/2006
- Số công báo: Từ số 5 đến số 6
- Ngày hiệu lực: 18/12/2006
- Ngày hết hiệu lực: 07/08/2010
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực