Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số :184/2004/QĐ–UB

Nha Trang, ngày 15 tháng 10 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC, QUẢN LÝ VIỆC DẠY THÊM, HỌC THÊM ĐỐI VỚI BẬC TIỂU HỌC VÀ TRUNG HỌC CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ NHA TRANG - TỈNH KHÁNH HÒA.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND đã được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26/11/2003 ;
- Căn cứ Quyết định số 242/TTg ngày 24/5/1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc dạy thêm ngoài giờ của giáo viên các trường phổ thông công lập;
- Căn cứ Chỉ thị số 15/2000/CT-BGD&ĐT ngày 17/5/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về các biện pháp cấp bách tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm;
- Căn cứ Nghị quyết số 17/2004/NQ-HĐND ngày 30/6/2004 của HĐND tỉnh Khánh Hòa về việc quản lý dạy thêm, học thêm;
- Theo đề nghị của ông Chánh văn phòng UBND tỉnh và Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo Khánh Hòa
;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này " Quy định về tổ chức, quản lý dạy thêm, học thêm đối với bậc Tiểu học và Trung học cơ sở " trên địa bàn thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Điều 2: Những điều khoản của Quyết định 182/2001/QĐ-UB ngày 16/01/2001 của UBND tỉnh Khánh Hòa trái với Quyết định này không có hiệu lực thi hành đối với bậc Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Nha Trang.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Giáo dục-đào tạo, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang chịu trách nhiệm thi hành Quyết định kể từ ngày ký. /

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3
- TT Tỉnh uỷ,HĐND, UBND,UBMTTQVN tỉnh)
- Lưu VP,BLQĐ Dạy thêm học thêm

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
CHỦ TỊCH




Võ Lâm Phi

 

QUY ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC, QUẢN LÝ VIỆC DẠY THÊM, HỌC THÊM ĐỐI VỚI BẬC TIỂU HỌC VÀ TRUNG HỌC CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ NHA TRANG, TỈNH KHÁNH HÒA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 184/2004/QĐ-UB ngày 15/10/2004 của UBND tỉnh Khánh Hòa)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về hoạt động giảng dạy ngoài giờ chính khóa, được tổ chức trong nhà trường (trừ hình thức được nêu ở khoản 5 điều này) cho học sinh phổ thông bậc Tiểu học và Trung học cơ sở tại thành phố Nha Trang, bao gồm các hình thức:

1. Phụ đạo học sinh có học lực yếu, kém ;

2. Bồi dưỡng học sinh giỏi (trừ bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi ở các lớp 5 và lớp 9)

3.Ôn luyện kiến thức trong hè;

4. Dạy thêm, học thêm đối với học sinh lớp 9 theo yêu cầu của phụ huynh và học sinh;

5. Hình thức trông giữ và quản lý việc học tập của học sinh bậc Tiểu học.

Điều 2: Các nguyên tắc chung

1. Nội dung dạy thêm, bồi dưỡng, phụ đạo. cho học sinh phải là nội dung thuộc chương trình phổ thông (cơ bản hoặc nâng cao) để giúp học sinh ôn luyện kiến thức cơ bản hoặc nâng cao kiến thức.

2. Việc dạy thêm, học thêm với bất kỳ hình thức nào cũng phải trên cơ sở tự nguyện của học sinh và phụ huynh học sinh.

Chương II

NHŨNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3: Hình thức phụ đạo học sinh có học lực yếu, kém

1. Đây là hình thức dạy thêm, học thêm dành cho những học sinh có học lực yếu, kém. Học sinh có học lực yếu, kém là học sinh có điểm trung bình môn học hàng tháng hoặc cả học kỳ dưới 5,0. Học sinh yếu, kém môn học nào thì được học phụ đạo môn đó.

2. Đối tượng dạy : Giáo viên phụ trách lớp (đối với Tiểu học); giáo viên bộ môn của lớp mình phụ trách (đối với Trung học cơ sở).

3. Địa điểm tổ chức dạy và học : Trong nhà trường.

4. Học phí : Ngân sách chi trả theo số giờ dạy, định mức tính như giờ phụ trội.

Điều 4: Hình thức bồi dưỡng học sinh giỏi

1. Đối tượng học : Học sinh giỏi được nhà trường chọn từ các khối lớp 3, 4, 6, 7, 8 (trừ khối 5 , 9). Mỗi khối lớp chọn ra từ 15 - 20 học sinh đối với Tiểu học) và từ 15 - 20 học sinh/môn có thi học sinh giỏi (đối với Trung học cơ sở).

2. Đối tượng dạy : Giáo viên dạy giỏi của trường

3. Địa điểm tổ chức dạy và học: Trong nhà trường

4. Học phí : Ngân sách chi trả theo số giờ dạy, định mức tính : mỗi giờ bồi dưỡng học sinh giỏi bằng 1,2 lần giờ phụ trội.

5 . Việc bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi lớp cuối cấp dự thi cấp luyện (thị xã, thành phố) và cấp tỉnh không thuộc hình thức này và thực hiện theo quy định riêng.

Điều 5: Hình thức ôn luyện kiến thức trong hè

1. Đối tượng học : Tất cả học sinh có nhu cầu và tự nguyện đăng ký học.

2. Đối tượng dạy : Tất cả giáo viên của trường tùy theo nhu cầu học của học sinh.

3 . Thời gian học: từ 01/7 đến 31/7 và trong tháng 8 sau khi giáo viên đã dự xong các lớp bồi dưỡng hè.

4. Địa điểm tổ chức dạy và học: Trong nhà trường.

5. Nội dung dạy : ôn tập lại kiến thức cũ; tuyệt đối không dạy kiến thức của lớp mới, dạy trước chương trình.

6. Thời lượng học : Số tiết học/tuần bằng 1/4 tổng thời lượng giờ học chính khoá/tuần

7.Học phí : Phụ huynh học sinh đóng tiền. Mức đóng thực hiện theo Quy định của UBND tỉnh.

Điều 6: Hình thức dạy thêm, học thêm đối với học sinh lớp 9 theo yêu cầu

1. Đối tượng học thêm : Chỉ dạy thêm cho học sinh lớp 9

2. Đối tượng dạy thêm : Chỉ có giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi từ cấp trường trở lên của năm học trước mới được xét dạy thêm vào năm học sau.

3 . Địa điểm tổ chức dạy thêm, học thêm : chỉ cho phép dạy thêm, học thêm trong nhà trường, cấm triệt để mọi hình thức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.

4. Về thời gian dạy thêm, học thêm :

a) Trong ngày chỉ được dạy trong thời gian :

- Sáng từ  7g 00 đến 11g 00

- Chiều từ 14g 00 đến 17g 00

- Tối từ 18 g 00 đến 20 g 00 (áp dụng đối với trường thiếu cơ sở vật chất)

 b. Giáo viên chỉ được dạy thêm không quá 2 xuất dạy/ngày

c. Không dạy thêm, học thêm vào ngày Chủ nhật, ngày lễ lớn

5 . Về số lượng học sinh học thêm/lớp : không quá 35 học sinh lớp

6. Về mức thu học phí : Thực hiện theo Quy định của UBND tỉnh

Điều 7: Hình thức trông giữ và quản lý việc học tập của học sinh bậc Tiểu học.

1. Hình thức  này chỉ thực hiện đối với những trường, khối lớp chưa tổ chức được việc học ngày hai buổi.

2. Cho phép một số giáo viên có điều kiện về cơ sở vật chất tại nhà tổ chức việc nhận trông trẻ giúp phụ huynh học sinh. Giáo viên có thể tổ chức việc ăn uống và quản lý việc học của học sinh nhưng không được tổ chức biến thành hình thức dạy thêm, học thêm tại nhà.

3. Số lượng học sinh : Không quá 10 học sinh/giáo viên

4. Chi phí về thù lao cho giáo viên và tiền ăn của học sinh : phụ huynh học sinh thỏa thuận với giáo viên.

Chương III

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ, THANH TRA, KIÊM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM.

Điều 8: Trách nhiệm của Giám đốc Sở Giáo dục -Đào tạo

1. Chỉ đạo thực hiện Quy định này và tổ chức tổng kết, đúc kết kinh nghiệm, kịp thời đề xuất những giải pháp để quản lý có hiệu quả hơn.

2. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo chức năng quản lý nhà nước về giáo dục.

Điều 9: Trách nhiệm của Trưởng phòng Giáo dục-đào tạo thành phố Nha Trang

1. Tổ chức học tập, thực hiện nghiêm túc Quy định này trong toàn ngành Giáo đục Thành phố Nha Trang.

2. Xét duyệt danh sách giáo viên dạy thêm nêu tại khoản 1, 2 và 4 tại Điều 1 của Quy định này.

3. Xét duyệt và kiểm tra hình thức trông giữ và quản lý việc học tập của học sinh bậc Tiểu học.

4. Tăng cường các biện pháp kiểm tra chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng giờ dạy chính khoá ở các trường Tiểu học và Trung học cơ sở.

5. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo chức năng quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn.

Điều 10: Trách nhiệm của Hiệu trưởng các trường Tiểu học và Trung học cơ sở

1.Tổ chức cho cán bộ quản lý và giáo viên dạy thêm học tập và tuân thủ nghiêm túc Quy định này.

2. Thực hiện các biện pháp để kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong dạy thêm,học thêm.

3. Không được cho giáo viên trường khác thuê phòng để dạy thêm trong trường mình quản lý.

4. Tổ chức thu học phí dạy thêm, học thêm theo quy định của UBND tỉnh.

5 . Tổ chức xét miễn, giảm học phí cho học sinh thuộc diện chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tiêu chuẩn xét miễn, giảm giống như tiêu chuẩn của việc thu học phí chính khoá.

6. Tạo điều kiện để Hội phụ huynh tham gia giám sát việc dạy thêm, học thêm ở đơn vị mình.

7.  Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong việc quản lý dạy thêm, học thêm tại trường.

Điều 11: Xử lý vi phạm

1. Đối với giáo viên đương nhiệm : Vi phạm các quy định của UBND tỉnh về dạy thêm, học thêm thì tùy mức độ vi phạm mà áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

 2. Đối với Hiệu trưởng các trường : Nếu thiếu trách nhiệm để giáo viên đơn vị mình bị kỷ luật vì vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm của UBND tỉnh thì không xét các danh hiệu thi đua của trường và các tổ chức đoàn thể có liên quan. Cá nhân Hiệu trưởng thì tùy mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật.

 3 . Đối với các trường hợp khác không phải là giáo viên đương nhiệm : Nếu vi phạm các quy định của UBND tỉnh về dạy thêm, học thêm thì bị xử lý hành chính theo quy định của Chính phủ.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12: Tổ chức thực hiện

1. Giám đốc Sở Giáo dục-đào tạo có trách nhiệm triển khai thực hiện Quyết định này trong phạm vi Thành phố Nha Trang và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh định kỳ tháng một lần về việc triển khai, thực hiện Quyết định.

2. UBND Thành phố Nha Trang thành lập Ban chỉ đạo quản lý dạy thêm học thêm để phối hợp với Sở Giáo dục-đào tạo và các ngành liên quan trên địa bàn Thành phố nhằm thực hiện nghiêm túc Quyết định này.

3. Trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định, Giám đốc Sở Giáo dục-đào tạo có trách nhiệm phản ảnh các vướng mắc, đề xuất kịp thời để UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./-

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 184/2004/QĐ-UB Quy định về tổ chức, quản lý dạy thêm, học thêm đối với bậc Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa do Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành

  • Số hiệu: 184/2004/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/10/2004
  • Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
  • Người ký: Võ Lâm Phi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/10/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản