Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1832/1999/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 1832/1999/QĐ-BGTVT NGÀY 26 THÁNG 7 NĂM 1999 BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC, QUẢN LÝ VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE MÁY

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định 22/CP ngày 22-3-1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 36/CP ngày 29-5-1995 của Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị;
Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với phương thức vận tải hành khách công cộng bằng xe máy;
Theo đề nghị của Cục trưởng cục Đường bộ Việt Nam và Vụ trưởng vụ Pháp chế-Vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe máy".

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ những quy định trước đây trái với Quyết định này.

Điều 3: Cục trưởng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn và phối hợp với các Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTCC) tổ chức và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 4: Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng vụ Pháp chế- Vận tải, Cục trưởng cục Đường bộ Việt nam, các Giám đốc sở Giao thông vận tải (GTCC) và Thủ trưởng đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Đào Đình Bình

(Đã ký)

 

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

QUY CHẾ

VỀ TỔ CHỨC, QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE MÁY
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1832/1999/QĐ-BGTVT ngày 26 tháng 07 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Mục đích

Quy chế này quy định những nguyên tắc cơ bản về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe máy nhằm bảo đảm quyền lợi cho hành khách đi xe, bảo vệ về tính mạng và tài sản cho người hành nghề vận tải hành khách công cộng bằng xe máy.

Điều 2.- Đối tượng áp dụng

Moị cá nhân sử dụng xe máy để vận chuyển hành khách công cộng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều phải tuân thủ Quy chế này.

Không áp dụng Quy chế này đối với trường hợp cho thuê xe máy mà không thuê người lái xe.

Điều 3.- Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

3.1 Xe máy chở khách là loại xe mô tô hoặc xe gắn máy có 2 bánh.

3.2 Người lái xe máy là người trực tiếp điều khiển xe máy để kinh doanh vận tải hành khách công cộng.

3.3 Hành khách là người trực tiếp thuê người lái xe máy chở theo yêu của mình và phải trả tiền cước.

Điều 4.- Mỗi người lái xe máy tham gia kinh doanh vận tải hành khách công cộng trên đường bộ đều phải làm đơn và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận quyền được kinh doanh vận chuyển hành khách công cộng bằng xe máy.

Mẫu đơn được quy định thống nhất trong trong cả nước (nêu ở phụ lục A của Quy chế này) và do cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đơn hoặc cơ quan được sở GTVT (GTCC) chỉ định phát hành.

Chương 2

TỔ CHỨC, QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VTHKCC BẰNG XE MÁY

Điều 5.- Điều kiện kinh doanh

5.1- Đối với người lái xe máy:

a - Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật dân sự Việt Nam, có sức khoẻ, có đơn tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe máy và được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

b- Phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang sử dụng do cơ quan có thẩm quyền cấp. Trường hợp điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 phải có giấy chứng nhận học tập luật lệ giao thông do ngành Giao thông vận tải cấp.

c - Có hộ khẩu thường trú, hoặc giấy tạm trú do chính quyền địa phương cấp.

5.2 Đối với xe máy:

a- Có giấy chứng nhận đăng ký xe máy hợp lệ.

b- Đã mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

c- Xe máy ở trong tình trạng kỹ thuật tốt và hoạt động an toàn theo quy định hiện hành.

Điều 6.- Giá cước vận tải hành khách công cộng bằng xe máy là giá thoả thuận giữa hành khách và người điều khiển phương tiện, nhưng không vượt quá giá cước trần (nếu có) do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.

Điều 7.- Tổ chức, hoạt động

7-1- Trên cơ sở quy mô, địa bàn hoạt động tại địa phương, các cá nhân tham gia VTHKCC bằng xe máy được tổ chức thành các tổ, đội hoặc nghiệp đoàn vận tải hành khách công cộng bằng xe máy theo hình thức tự quản.

7.2- Từng tổ, đội hoặc nghiệp đoàn phải đăng ký trong đơn việc sử dụng một trong những quy định như: phù hiệu (thẻ), quần, áo, mũ hoặc có thể cả bộ đồng phục trong khi hành nghề vận tải hành khách công cộng bằng xe máy. Sở GTVT (GTCC) hướng dẫn việc sử dụng phù hiệu (thẻ), quần, áo hoặc đồng phục theo hướng đơn giản, phù hợp với điều kiện của địa phương và quy định của pháp luật.

7.3- Phạm vi hoạt động của xe máy và việc đón trả khách phải tuỳ thuộc vào nhu cầu của hành khách ( trừ các khu vực cấm). Các tổ, đội, nghiệp đoàn đề suất điểm đỗ chờ đón khách tại các tụ điểm thuận tiện cho việc chờ đợi của hành khách nhưng không ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.

7.4- Điểm đỗ lớn để chờ đón khách phải được cơ quan có thẩm quyền công bố. Nếu tại một điểm đỗ công cộng có từ hai tổ, đội hoặc nghiệp đoàn trở lên thì phải hiệp thương với nhau để phân công vùng đón khách.

Điều 8.- Thủ tục chứng nhận đơn

8.1 Người vận tải hành khách công cộng bằng xe máy phải trực tiếp làm đơn và đến cơ quan có thẩm quyền ở địa phương hoặc doanh nghiệp nơi có tiếp chuyển phương thức vận tải để đăng ký và xác nhận đơn ( trường hợp tổ, đội, nghiệp đoàn được cử người đại diện đi làm thủ tục).

Các thủ tục bao gồm:

a- Đơn xin vận tải hành khách công cộng bằng xe máy (như mẫu kèm theo phụ lục A của quy chế này)

b- Chứng minh thư nhân dân (xuất trình).

c- Có đủ các điều kiện quy định tại Điều 5.

Các loại giấy tờ trên là bản phô tô có xác nhận (công chứng) hoặc bản phô tô kèm theo bản chính để đối chiếu.

8.2 Cơ quan quản lý vận tải hành khách công cộng bằng xe máy

a- Sở giao thông vận tải (GTCC): Là cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe máy ở địa phương. Ban hành mẫu biểu để các phòng (ban) giao thông cấp huyện định kì báo cáo Sở.

b- Phòng (Ban) giao thông của Huyện, Quận chịu trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, tổng hợp tình hình số liệu do các cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đơn gửi đến để báo cáo Sở giao thông vận tải (GTCC) tỉnh, thành phố trực thuộc TW.

c- Uỷ ban nhân dân Xã, Phường, Thị trấn hoặc doanh nghiệp nơi có tiếp chuyển phương thức vận tải (như bến tàu, bến xe, nhà ga, bến cảng) trực tiếp nhận và giải quyết bằng cách xác nhận vào đơn của những người xin đăng ký vận tải hành khách công cộng bằng xe máy trên địa bàn mình quản lý, đồng thời có trách nhiệm lập sổ sách theo dõi. Định kì báo cáo tình hình hoạt động tại địa phương và số lượng đơn đã xác nhận về Phòng (Ban) giao thông cấp huyện.

d- Tại nơi chứng nhận đơn phải niêm yết và hướng dẫn thủ tục cho việc xác nhận đơn (kể cả hồ sơ thủ tục và thời gian giải quyết).

e- Kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong phạm vi hai ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc doanh nghiệp nơi có tiếp chuyển phương thức vận tải phải chứng nhận cho người hoặc tổ, đội, nghiệp đoàn có đơn.

g- Về hiệu lực của đơn, có hai loại như sau:

+ Đối với người có hộ khẩu thường trú: thời hạn hiệu lực của đơn được xác nhận là một năm.

+ Đối với người có giấy tạm trú: thời hạn hiệu lực của việc xác nhận đơn phụ thuộc vào thời hạn giấy tạm trú của người lái xe máy, nhưng tối đa không quá một năm.

Điều 9.- Các tổ, đội, nghiệp đoàn tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe máy tự nguyện đóng niên liễm, nguyệt liễm cho cơ quan xác nhận đơn tuỳ thuộc vào điều kiện kinh doanh tại địa phương hoặc cơ quan xác nhận đơn được thu mức lệ phí trên cơ sở thoả thuận giữa sở Tài chính- Vật giá và sở GTVT (GTCC) theo quy định hiện hành.

Chương 3

KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10.- Các Sở giao thông vận tải (GTCC) phối hợp với chính quyền các cấp, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về kiểm tra, kiểm soát để tiến hành thường xuyên việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính theo quy định cuả pháp luật đối với những người tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe máy có hành vi vi phạm Quy chế này.

Điều 11.- Người tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe máy vi phạm Quy chế này, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, tuỳ thuộc mức độ vi phạm, còn bị lập biên bản tại chỗ và thu hồi đơn gửi về cơ quan đã chứng nhận đơn để đình chỉ hoạt động trong thời hạn ba tháng, sáu tháng; trường hợp tái phạm, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật còn bị thu hồi đơn và bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn một năm.

Điều 12.- Việc xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của Nghị định 49/CP ngày 26-7-1996 của Chính phủ "quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị" (có sửa đổi bổ sung theo Nghị định 78/1998/NĐ-CP ngày 26-9-1998) và các quy định có liên quan khác.

Điêù 13.- Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cá nhân, tổ chức và những cơ quan thấy có những vấn đề phát sinh vướng mắc cần bổ sung, sửa đổi các điều điều khoản của Quy chế này, báo cáo về Sở giao thông vận tải (GTCC) để Sở có văn bản gửi cục Đường bộ Việt nam. Cục đường bộ Việt nam tổng hợp báo cáo Bộ giao thông vận tải để nghiên cứu giải quyết.

MẪU A

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

......... ngày......tháng......năm.....

ĐƠN XIN

Vận tải hành khách công cộng bằng xe máy

Kính gửi:..............................................

Tên tôi là:.........................................................

Quê quán: ........................................................

Nơi ở hiện tại: ...............................................

Số chứng minh thư nhân dân:..........................

Biển số của xe máy đăng ký hoạt động để chở khách: .........................................................................

Điểm đỗ đăng ký lấy khách........................................

..........................................................................

Trang phục:(có thể là:phù hiệu, quần, áo hoặc mũ).

..........................................................................

Cam đoan của chủ phương tiện trong quá trình tham gia họat động chở khách công cộng (chấp hành đúng quy định về điểm đón khách, lấy đúng giá cước quy định...).

...........................................................................

...........................................................................

Người làm đơn (ký tên)

Mặt 1

Xác nhận của UBND phường, xã hoặc doanh nghiệp:

Được phép vận tải hành khách công cộng bằng xe máy

Có giá trị đến

hết ngày.....tháng..... năm........

Số: /UBND...........

...... ngày...tháng... năm...

(cơ quan ký và đóng dấu)

Ghi chú Hồ sơ xin xác nhận gồm:

- Giấy phép lái xe.

- Hộ khẩu Thường trú hoặc giấy tạm trú hợp pháp.

- Giấy đăng ký xe máy hợp lệ .

- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

Mặt 2

Khổ của đơn VTHKCC bằng xe máy là (8x12)

Nền giấy trắng, mực đen

Đơn cần ép plastic để bảo đảm khi sử dụng.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1832/1999/QĐ-BGTVT ban hành Quy chế tổ chức, quản lý vận tải hành khách công cộng bằng xe máy do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 1832/1999/QĐ-BGTVT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/07/1999
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Đào Đình Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/08/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 14/03/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản