Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2013/QĐ-UBND

Đồng Xoài, ngày 25 tháng 4 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HỆ THỐNG ĐƯỜNG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004;

Căn cứ Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng về quản lý đường đô thị;

Căn cứ Thông tư số 16/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 của Bộ Xây dựng về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 234/TTr-SXD ngày 28/3/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý hệ thống đường đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Điều 2. Quyết định này thay thế thẩm quyền tham gia ý kiến thiết kế cơ sở phần đường quy định tại tiết 2 điểm c khoản 3 điều 5 Quyết định số 26/2009/QĐ-UBND ngày 29/6/2009 của UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ngành: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Ngoại vụ, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Lợi

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ HỆ THỐNG ĐƯỜNG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 18/2013/QĐ-UBND Ngày 25 tháng 4 năm 2013 của UBND tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định về quản lý hệ thống đường đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

2. Việc quản lý và khai thác sử dụng đường trên các đường phố có chức năng đặc biệt (phố đi bộ, phố ẩm thực, chợ đêm) sẽ được thực hiện theo các quy định riêng của UBND tỉnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khi tham gia các hoạt động xây dựng, quản lý và khai thác sử dụng đường đô thị trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Nguyên tắc chung về quản lý hệ thống đường đô thị

1. Đường đô thị là bộ phận của hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị do Nhà nước thống nhất quản lý và có sự phân cấp quản lý của UBND tỉnh trên địa bàn tỉnh. Bảo đảm phần hè dành cho người đi bộ, lòng đường thông suốt cho các loại phương tiện giao thông cơ giới và thô sơ.

2. Đường ngoài phạm vi nội thành, nội thị nhưng nằm trong ranh giới khu đô thị, khu đô thị mới, đô thị mới được thống nhất quản lý như đường đô thị.

3. Việc cấp phép sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường đô thị phải đảm bảo nguyên tắc không làm hư hỏng kết cấu mặt đường, vỉa hè; không gây cản trở cho người tham gia giao thông; không gây ảnh hưởng đến hoạt động của đô thị, đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

4. Việc cấp phép thi công thực hiện theo các quy định hiện hành; Đối với công trình phải lập dự án đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước không bắt buộc phải xin giấy phép xây dựng.

Điều 4. Các hành vi bị cấm đối với hoạt động xây dựng, quản lý, khai thác sử dụng đường đô thị

- Thiết kế, xây dựng đường đô thị không tuân thủ quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Tự ý xây dựng, đào bới đường đô thị.

- Tự ý mở đường nhánh hoặc đấu nối trái phép vào đường chính.

- Sử dụng đường đô thị để họp chợ, kinh doanh, bày hàng hoá, vật liệu.

- Đổ rác, phế thải và các hành vi gây mất vệ sinh môi trường đường đô thị.

- Lắp đặt, xây dựng bục, bệ dắt xe, bậc tam cấp vào nhà và công trình bên đường gây ảnh hưởng đến hoạt động của phương tiện giao thông và người đi bộ.

- Lắp đặt, xây dựng các công trình, biển quảng cáo, trang trí, đường dây trái phép, ảnh hưởng đến kết cấu đường đô thị, ảnh hưởng đến an toàn giao thông đô thị và gây mất mỹ quan đô thị.

- Xây dựng các công trình trái phép vi phạm chỉ giới đường đỏ, hành lang an toàn của đường đô thị.

- Trông, giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác trên hè phố, lòng đường trái quy định; để xe đạp, xe máy, đỗ ô tô không đúng nơi quy định.

Điều 5. Nội dung quản lý đường đô thị gồm:

- Công tác quy hoạch.

- Công tác thiết kế, xây dựng.

- Công tác khai thác, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng đường đô thị.

- Quản lý đầu tư xây dựng, nâng cấp, phát triển đường đô thị.

Chương II

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI ĐƯỜNG ĐÔ THỊ

UBND tỉnh phân công, phân cấp cho UBND cấp huyện và các sở, ban, ngành liên quan có trách nhiệm thực hiện công tác quản lý đường đô thị như sau:

Điều 6. Trách nhiệm của Sở Xây dựng

1. Tham mưu UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý chung về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là hệ thống đường đô thị (nội thị) trên địa bàn tỉnh.

2. Phạm vi và nội dung quản lý, cụ thể:

a) Phạm vi quản lý:

- Đối với thị xã Đồng Xoài: QL.14, Phú Riềng Đỏ, Hùng Vương, Lê Quý Đôn, 6 tháng 1, Trần Hưng Đạo, số 1, số 30, vòng quanh hồ Suối Cam, Nguyễn Huệ, Lê Duẩn; các tuyến đường có lộ giới từ 31m trở lên; các tuyến đường thuộc dự án khu dân cư, khu đô thị; các tuyến đường được xác định là đường tránh đô thị của thị xã.

- Đối với thị xã Bình Long: Đường QL.13, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, Trần Phú; các tuyến đường được xác định là đường tránh đô thị của thị xã.

- Đối với thị xã Phước Long: Đường ĐT741, ĐT759, Đinh Tiên Hoàng, trục chính Trung tâm Hành chính thị xã (dự kiến); các tuyến đường được xác định là đường tránh đô thị của thị xã.

b) Nội dung quản lý:

- Về quy hoạch, thiết kế, xây dựng:

Chủ trì, phối hợp tham gia ý kiến về mặt chuyên môn của Sở Xây dựng đối với các hoạt động liên quan đến các tuyến đường đô thị, bao gồm:

+ Đào đường đô thị.

+ Sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường đô thị.

+ Mở, đóng giải phân cách hiện hữu.

+ Xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng, đấu nối về quy hoạch, hạ tầng.

+ Xây dựng, lắp đặt các công trình: đường, vỉa hè, cấp thoát nước, cáp thông tin, điện, điện chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông, cổng chào, biển báo, biển chỉ dẫn, bảng quảng cáo, bảng tuyên truyền chủ trương - chính sách – pháp luật, trồng cây xanh - thảm cỏ, trạm xe buýt.

- Quản lý đầu tư xây dựng, nâng cấp, phát triển các tuyến đường đô thị trên địa bàn thị xã Đồng Xoài (đô thị tỉnh lỵ) khi được UBND tỉnh giao.

3. Chủ trì tổ chức góp ý kiến về chuyên ngành đối với hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án đầu tư xây dựng đường đô thị (nội thị).

4. Định kỳ hàng năm kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý hệ thống đường đô thị, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng.

Điều 7. Trách nhiệm của Sở Giao thông Vận tải

1. Quản lý đầu tư xây dựng, nâng cấp, phát triển các tuyến đường tránh đô thị là đường quốc lộ, đường sắt cấp vùng qua đô thị.

2. Hướng dẫn bằng Văn bản quy phạm pháp luật về việc Cấp Giấy phép thi công và tổ chức bảo đảm giao thông theo quy định đối với các công trình xây dựng trên đất hành lang an toàn đường bộ (theo quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ).

3. Tham gia ý kiến thiết kế cơ sở đối với các tuyến đường đô thị (ngoại thị) sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh.

Điều 8. Trách nhiệm của Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND cấp huyện trong việc thực hiện đồng bộ các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc lĩnh vực quản lý nhằm đảm bảo việc cung cấp, khai thác, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng đường đô thị đạt hiệu quả, tránh việc đào, lấp nhiều lần gây ô nhiễm môi trường, lãng phí vốn đầu tư, ảnh hưởng đến giao thông đô thị.

Điều 9. Trách nhiệm của Sở Tài chính

1. Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện và các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định mức thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè thuộc hệ thống đường đô thị phục vụ hoạt động kinh doanh, làm bãi trông giữ xe có thu phí.

2. Phối hợp với các ngành hướng dẫn, kiểm tra việc thu và quản lý phí sử dụng lòng đường, vỉa hè theo quy định.

3. Bố trí kế hoạch vốn cho công tác duy tu, bảo dưỡng và vận hành các công trình đường đô thị theo quy định.

Điều 10. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Bố trí kế hoạch vốn cho công tác đầu tư xây dựng và nâng cấp cho các công trình xây dựng đường đô thị theo quy định.

Điều 11. Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã

1. UBND các huyện

- Chủ trì, phối hợp tham gia ý kiến về mặt chuyên ngành đối với các hoạt động liên quan đến các tuyến đường đô thị trên phạm vi quản lý theo quy định, gồm:

+ Đào đường đô thị.

+ Sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường đô thị.

+ Mở, đóng giải phân cách hiện hữu.

+ Xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng, đấu nối về quy hoạch - hạ tầng.

+ Xây dựng, lắp đặt các công trình: đường, vỉa hè, cấp thoát nước, cáp thông tin, điện, điện chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông, cổng chào, biển báo, biển chỉ dẫn, bảng quảng cáo, bảng tuyên truyền chủ trương - chính sách - pháp luật, trồng cây xanh - thảm cỏ, trạm xe buýt.

- Quản lý đầu tư xây dựng, nâng cấp, phát triển, duy tu bảo dưỡng, vệ sinh môi trường và vận hành toàn bộ hệ thống đường đô thị trên phạm vi quản lý (kể cả hệ thống thoát nước hai bên đường).

2. UBND thị xã Đồng Xoài (đô thị tỉnh lỵ)

- Chủ trì, phối hợp tham gia ý kiến về mặt chuyên ngành đối với các hoạt động liên quan đến các tuyến đường đô thị trên phạm vi quản lý theo quy định (trừ các khu vực được quy định tại tiết 1, điểm a, khoản 2, điều 6, Quy định này), gồm:

+ Đào đường đô thị.

+ Sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường đô thị.

+ Mở, đóng giải phân cách hiện hữu.

+ Xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng, đấu nối về quy hoạch, hạ tầng.

+ Xây dựng, lắp đặt các công trình: Đường, vỉa hè, cấp thoát nước, cáp thông tin, điện, điện chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông, cổng chào, biển báo, biển chỉ dẫn, bảng quảng cáo, bảng tuyên truyền chủ trương - chính sách - pháp luật, trồng cây xanh - thảm cỏ, trạm xe buýt.

- Quản lý đầu tư xây dựng, nâng cấp, phát triển hệ thống đường đô thị trên địa bàn (trừ các dự án được UBND tỉnh giao cho Sở Xây dựng làm chủ đầu tư); Quản lý, duy tu bảo dưỡng, vệ sinh môi trường và vận hành toàn bộ các tuyến đường được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn do mình quản lý (kể cả hệ thống thoát nước hai bên đường).

3. UBND thị xã Bình Long

- Chủ trì, phối hợp tham gia ý kiến về mặt chuyên ngành đối với các hoạt động liên quan đến các tuyến đường đô thị trên phạm vi quản lý theo quy định (trừ các tuyến đường được quy định tại tiết 2, điểm a, khoản 2, điều 6, Quy định này), gồm:

+ Đào đường đô thị.

+ Sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường đô thị.

+ Mở, đóng giải phân cách hiện hữu.

+ Xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng, đấu nối về quy hoạch, hạ tầng.

+ Xây dựng, lắp đặt các công trình: Đường, vỉa hè, cấp thoát nước, cáp thông tin, điện, điện chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông, cổng chào, biển báo, biển chỉ dẫn, bảng quảng cáo, bảng tuyên truyền chủ trương - chính sách - pháp luật, trồng cây xanh - thảm cỏ, trạm xe buýt.

- Quản lý đầu tư xây dựng, nâng cấp, phát triển, sửa chữa, duy tu bảo dưỡng, vệ sinh môi trường và vận hành toàn bộ hệ thống đường đô thị trên địa bàn quản lý (kể cả hệ thống thoát nước hai bên đường).

4. UBND thị xã Phước Long

- Chủ trì, phối hợp tham gia ý kiến về mặt chuyên ngành đối với các hoạt động liên quan đến các tuyến đường đô thị trên phạm vi quản lý theo quy định (trừ các tuyến đường quy định tại tiết 3, điểm a, khoản 2, điều 6, Quy định này), gồm:

+ Đào đường đô thị.

+ Sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường đô thị.

+ Mở, đóng giải phân cách hiện hữu.

+ Xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng, đấu nối về quy hoạch, hạ tầng.

+ Xây dựng, lắp đặt các công trình: Đường, vỉa hè, cấp thoát nước, cáp thông tin, điện, điện chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông, cổng chào, biển báo, biển chỉ dẫn, bảng quảng cáo, bảng tuyên truyền chủ trương - chính sách - pháp luật, trồng cây xanh - thảm cỏ, trạm xe buýt.

- Quản lý đầu tư xây dựng, nâng cấp, phát triển, duy tu bảo dưỡng, vệ sinh môi trường và vận hành toàn bộ hệ thống đường đô thị trên địa bàn quản lý (kể cả hệ thống thoát nước hai bên đường).

5. Nhận bàn giao, quản lý, duy tu bảo dưỡng và vận hành là trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã bao gồm các công việc sau:

- Nhận bàn giao, quản lý, duy tu bảo dưỡng, vệ sinh môi trường và vận hành toàn bộ hệ thống đường đô thị được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn quản lý (kể cả hệ thống thoát nước hai bên đường). Riêng đối với các công trình được đầu tư với mục đích kinh doanh thì nhận bàn giao quản lý khi công trình đã hết thời hạn khai thác.

- Lập quy trình duy tu, bảo dưỡng; Bố trí nguồn kinh phí phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng theo định kỳ đối với hệ thống đường đô thị trên địa bàn quản lý.

- Quản lý, duy tu bảo dưỡng và vận hành hệ thống đường đô thị thông qua hợp đồng với đơn vị có chức năng.

6. Báo cáo công tác quản lý đường đô thị, định kỳ 6 tháng, hàng năm về Sở Xây dựng, để Sở Xây dựng tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Xây dựng.

Điều 12. Đối với các tuyến đường có phạm vi liên kết giữa nội thị và ngoại thị thì tùy theo tính chất, mục tiêu của dự án, người có thẩm quyền quyết định đầu tư, quyết định giao cơ quan quản lý đầu tư.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Xử lý vi phạm

Các tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về quản lý đường đô thị. Các hành vi vi phạm các quy định cấm đối với hoạt động xây dựng, quản lý, khai thác sử dụng đường đô thị sẽ bị xử lý theo các quy định hiện hành.

Điều 14. Xử lý chuyển tiếp

1. Những công việc lập dự án đầu tư xây dựng đường đô thị đã thực hiện theo hợp đồng trước thời điểm có hiệu lực của Quyết định này thì thực hiện theo hợp đồng đã ký kết.

2. Trường hợp công việc lập dự án đầu tư xây dựng đường đô thị đang đàm phán, chưa ký kết hợp đồng lập dự án đầu tư xây dựng đường đô thị thì áp dụng các quy định của Quyết định này để xác định cơ quan quản lý đầu tư xây dựng trước khi thực hiện.

Điều 15. Tổ chức thực hiện

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân phản ánh về Sở Xây dựng để được hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh giải quyết theo quy định./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 18/2013/QĐ-UBND ban hành Quy định về quản lý hệ thống đường đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Phước

  • Số hiệu: 18/2013/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/04/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Người ký: Nguyễn Văn Lợi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/05/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản