Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1798/QĐ-UBND | Vĩnh Long, ngày 06 tháng 8 năm 2009 |
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg , ngày 06/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020;
Xét Tờ trình số 138/TTr-SVHTTDL, ngày 03 tháng 8 năm 2009 của Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch,
QUYẾT ĐỊNH:
Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm phối hợp với Giám đốc Sở Tài chính xây dựng kế hoạch kinh phí thực hiện đề án và kinh phí khen thưởng từng năm.
Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Đề án này; báo cáo kết quả thực hiện về Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành./.
| CHỦ TỊCH |
PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2010 - 2015 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1798/QĐ-UBND, ngày 06 tháng 8 năm 2009 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)
A. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ TỈNH VĨNH LONG TỪ 2005 ĐẾN NAY:
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 10 về "Xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.... Văn hoá phải trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, kế thừa truyền thống cách mạng, phát huy tinh thần yêu nước, xây dựng ý chí tự lực tự cường trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc".
Trong nhiều năm qua, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long đã tập trung chỉ đạo xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, chú trọng nhiệm vụ xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng và toàn dân. Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" trong tỉnh đã góp phần thay đổi bộ mặt tỉnh nhà về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh và quốc phòng. Toàn tỉnh đang phát triển đồng bộ phong trào xây dựng gia đình văn hoá, ấp khóm văn hoá, xã văn hoá và đầu tư xây dựng nhiều cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá, trong đó có nhiều công trình văn hoá trọng điểm.
1. Chất lượng nội dung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước:
Ngành xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong xuyên suốt các hoạt động. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chủ trương và chính sách của tỉnh. Hình thức tuyên truyền tập trung vào các loại hình: Tuyên truyền miệng, hoạt động thông tin lưu động, xuất bản phẩm, các hình thức cổ động trực quan.... Mạng lưới tuyên truyền được hình thành từ tỉnh đến cơ sở. Hàng năm, các đội thông tin lưu động tỉnh, huyện tổ chức khoảng 60 - 80 buổi tuyên truyền. Chú trọng, tuyên truyền và cổ động các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm, lễ truyền thống cách mạng và tết của người Khơmer,...
Chất lượng nội dung tuyên truyền đạt yêu cầu theo nhiệm vụ trọng tâm, góp phần tích cực trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, ngành còn hạn chế mảng hoạt động trực quan, chưa qui hoạch gắn kết việc phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền và tạo vẻ mỹ quan đô thị.
2. Tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch:
Những năm qua, ngành văn hoá, thể thao và du lịch Vĩnh Long đã thực hiện quản lý nhà nước về các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá theo phương châm xây dựng môi trường văn hoá trong sạch và lành mạnh, đáp ứng nhu cầu văn hoá đa dạng và không ngừng phát triển trong đời sống tinh thần của nhân dân.
Ngoài hình thức tuyên truyền cổ động trực quan, biểu diễn văn nghệ, thông tin lưu động, xuất bản các tài liệu tuyên truyền và phóng thanh cổ động trong quần chúng. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng tăng cường phát triển các hoạt động sự nghiệp chuyên ngành về tổ chức hệ thống bảo tồn, bảo tàng - nhà truyền thống, xây dựng các cụm bia tượng giáo dục truyền thống cách mạng trong tỉnh; tổ chức các hoạt động thư viện và phòng đọc sách cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu đọc sách và nâng cao dân trí; tổ chức và xây dựng hệ thống trung tâm văn hoá, nhà văn hoá, trung tâm thể dục thể thao từ tỉnh đến xã phục vụ cho nhiều đối tượng; tổ chức hoạt động chiếu phim phục vụ cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân; kiểm tra, thanh tra các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá và du lịch đúng quy định của Nhà nước; tích cực bài trừ các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá đồi truỵ, phản động và độc hại.
3. Về thiết chế văn hoá, thể thao, du lịch trong tỉnh:
Tỉnh hiện có 03 trung tâm sinh hoạt văn hoá cấp tỉnh, 05 trung tâm văn hoá cấp huyện và 27 nhà văn hoá xã; 01 trung tâm thể dục thể thao, 01 nhà thi đấu đa dụng, 01 sân vận động, 20 sân bóng đá; 01 Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh, 07 thư viện huyện, thành phố, 01 thư viện xã; 91 bưu điện văn hoá xã, 23 phòng đọc sách nhà văn hoá xã và 241 phòng đọc sách, tủ sách cơ sở (cơ quan, ban ngành; trường học; xã, phường, ấp khóm; đình, chùa); 01 Bảo tàng tỉnh, 04 phòng truyền thống huyện, 9 di tích cấp quốc gia, 25 di tích cấp tỉnh và 37 cụm bia tượng.
Ngoài ra, có một số thiết chế văn hoá khác như: 03 cơ quan thông tin (Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Vĩnh Long, Tạp chí Văn nghệ Cửu Long) và 01 đội chiếu phim lưu động.
Toàn tỉnh có trên 3.000 hộ tư nhân tham gia vào các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá với 219 điểm karaoke, 01 điểm vui chơi thiếu nhi, 545 điểm chiếu video cà phê, 310 câu lạc bộ đàn ca tài tử, 10 điểm cho thuê băng đĩa và loại hình hoạt động lữ hành, lưu trú du lịch: 05 công ty hoạt động lữ hành quốc tế, 01 công ty hoạt động lữ hành nội địa, 51 cơ sở lưu trú.
Các thiết chế văn hoá cấp tỉnh và huyện hoạt động có hiệu quả. Song vẫn còn thiếu trang thiết bị hoạt động. Riêng hoạt động ở nhà văn hoá xã và nhà truyền thống cơ sở chưa phát huy tốt. Công tác quản lý di tích chưa có văn bản pháp lý phân cấp rõ ràng, dẫn đến tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai ở các di tích; các cụm bia tượng chưa được trùng tu kịp thời.
4. Về đời sống văn hoá cơ sở:
Từ khi có Chỉ thị số 01-CT/TU, ngày 10 tháng 9 năm 1996 của Tỉnh uỷ về cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, phong trào đang phát triển mạnh và đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, xây dựng lối sống, nếp sống lành mạnh.
Đến cuối năm 2008, toàn tỉnh có 189.713 hộ gia đình văn hoá (tỉ lệ 81,75%), 639 ấp - khóm văn hoá (tỉ lệ 75,53%), 39 xã văn hoá (tỉ lệ 36,44%). Có 631/846 ấp, khóm xây dựng quy ước nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội. Có 1.888/2.116 cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn cơ quan văn hoá, tỉ lệ 88%.
5. Về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá, thể thao:
Nhu cầu nâng cao mức hưởng thụ văn hoá tinh thần của nhân dân là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh, nhiệm vụ này được Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ quan tâm chỉ đạo thường xuyên, xem công tác xây dựng các thiết chế văn hoá thể thao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
6. Về đào tạo nguồn nhân lực:
Đến cuối năm 2008 toàn ngành có 274 biên chế từ tỉnh đến huyện.
Cấp tỉnh có 189 biên chế, trong đó có 02 thạc sĩ, có 121 cử nhân còn lại là trung cấp và tham gia các lớp tập huấn ở lĩnh vực thể dục thể thao, văn hoá.
Cấp huyện có 85 biên chế, trong đó có 60 công chức trình độ đại học, 25 trung cấp.
Ở 107 xã, phường, thị trấn đều có cán bộ văn hoá thông tin, tuy nhiên các cán bộ này kiêm nhiệm nhiều việc, còn hạn chế về trình độ chuyên môn, chủ yếu là tập huấn bồi dưỡng ngắn hạn. Cán bộ có trình độ đại học ít. Cán bộ được đào tạo còn thấp so với yêu cầu công việc.
7. Về xây dựng mô hình tổ chức hoạt động văn hoá ở địa phương:
Đã tổ chức tương đối các mô hình hoạt động văn hoá: "Nhà văn hoá xã"; "Đời sống văn hoá ở cơ sở". Ngoài ra còn có các mô hình hoạt động xuất hiện trong phong trào xã hội hoá các hoạt động văn hoá: "Toàn dân tham gia giám sát các hoạt động văn hoá"; "Tụ điểm sinh hoạt văn hoá gia đình", "Thư viện xanh" mang lại hiệu quả đáng kể.
8. Về công tác thanh, kiểm tra lĩnh vực hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch:
Thanh tra chuyên ngành văn hoá, thể thao, du lịch tiếp nhận và giải quyết dứt điểm các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đồng thời tổ chức thường xuyên các cuộc thanh tra định kỳ và thanh tra chuyên đề trên 150 cuộc/năm. Các đội kiểm tra cấp huyện, xã thực hiện khá tốt công tác kiểm tra các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá.
9. Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tỉnh:
Ngành văn hoá, thể thao, du lịch đã phối hợp tốt với nhiều ban ngành trong nhiều lĩnh vực khác nhau, cụ thể: Với liên đoàn lao động các cấp tổ chức xây dựng đời sống văn hoá cơ sở trong lực lượng công nhân viên chức và lao động, xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng; với Hội Nông dân tổ chức các câu lạc bộ đờn ca tài tử nông dân xã - phường; với ngành công an và lực lượng vũ trang của tỉnh tổ chức xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, kiểm tra bài trừ các tệ nạn trong lĩnh vực văn hoá và tổ chức hoạt động văn hoá văn nghệ trong lực lượng vũ trang; với Ban An toàn giao thông Công an tỉnh, Sở Y tế, Uỷ ban Phòng chống AIDS tuyên truyền vận động "an toàn giao thông", "kế hoạch hoá gia đình" và "phòng chống các tệ nạn xã hội"; với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long trong thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", các hoạt động tôn giáo và lễ hội; với Báo Vĩnh Long, Đài Phát thanh - Truyền hình thông tin về các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và các hoạt động văn hoá lớn...
10. Ngân sách chi cho hoạt động văn hoá:
Những năm qua, nguồn kinh phí được đáp ứng đáng kể cho sự nghiệp phát triển văn hoá. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu văn hoá ngày càng cao, nguồn kinh phí được cấp chỉ đáp ứng được các yêu cầu trước mắt và các hoạt động phát sinh. Việc đầu tư cho các hoạt động dài hạn còn hạn chế, bị động.
Kinh phí cấp trong những năm gần đây như sau:
- Năm 2006: 6.089.024.000 tỷ đồng.
- Năm 2007: 6.670.087.000 tỷ đồng.
- Năm 2008: 7.853.654.000 tỷ đồng.
11. Thực hiện chính sách đối với vấn đề tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số:
Ở Vĩnh Long, đồng bào dân tộc Khơmer có trên 22 ngàn dân, sinh sống tập trung ở các huyện Trà Ôn, Bình Minh, Tam Bình và Vũng Liêm.
Trong các năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện khá tốt các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với việc xây dựng và phát triển vùng đồng bào dân tộc Khơmer. Chương trình xoá đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người dân tộc được đặc biệt quan tâm. Đến nay, tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc Khơmer đã giảm đáng kể, xe 2 bánh đi lại thông suốt, hộ có điện đạt 98%.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã xây dựng các tủ sách, phòng đọc sách và trang bị những phương tiện khác: Tăng âm, truyền hình, dàn nhạc ngũ âm... cho các chùa Khơmer. Đồng thời, mỗi chùa đều hình thành 1 đội văn nghệ Khơmer biểu diễn phục vụ bà con trong phum sóc vào những dịp lễ tết dân tộc. Các di tích chùa Khơmer được công nhận cũng được ngành đầu tư tu bổ, tôn tạo. Việc xây dựng ấp văn hoá và nếp sống văn minh trong cưới, tang và lễ hội có chuyển biến khá tốt.
* Đánh giá khái quát ưu, khuyết điểm từ năm 2005 đến nay:
- Ưu điểm:
Ngành văn hoá, thể thao và du lịch đoàn kết, thống nhất trong điều hành hoạt động; mạnh dạn quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ đảm bảo chuyên môn và lực lượng kế thừa; phối kết hợp với các sở, ban, ngành phát huy sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp phát triển văn hoá đạt được nhiều thành quả.
Ngành tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch; thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh. Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá của Thanh tra liên ngành và các đội thanh tra cơ sở cũng được thực hiện tốt. Đồng thời, ngành cũng đã tích cực triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 01-CT/TU về cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới - đời sống văn hoá khu dân cư". Hiện nay, phong trào này đang phát triển cả số lượng và chất lượng, góp phần làm đổi mới bộ mặt văn hoá ở nông thôn.
Nhận thức về vai trò văn hoá trong các tổ chức Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân được nâng cao. Từ đó, đã thúc đẩy phong trào xã hội hoá các hoạt động văn hoá ngày càng phát triển.
Sự phối hợp hoạt động nhịp nhàng, chặt chẽ với các ngành: Đài Phát thanh - Truyền hình, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Công an tỉnh, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long... đạt hiệu quả cao, đã tạo sự phong phú, đa dạng trong hoạt động văn hoá, cải thiện đáng kể mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân.
- Những hạn chế:
Bên cạnh những thành quả đạt được, ngành vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục:
Công tác quy hoạch ngành còn chậm. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành, đặc biệt ở lĩnh vực thể dục thể thao thành tích cao.
Các thiết chế văn hoá ở xã, phường phát triển chưa đồng bộ, cấp tỉnh chưa có nhà hát, rạp chiếu phim. Hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá cấp xã, phường chưa đáp ứng được nhu cầu, một số thiết chế được đầu tư khá lớn nhưng hiệu quả phát huy chưa cao.
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" chưa phát triển đồng đều ở cơ sở; chất lượng ở một số ấp, khóm văn hoá sau khi được công nhận chưa phát huy được toàn diện với các tiêu chí mới để tái công nhận qua hàng năm. Cán bộ văn hoá cơ sở thiếu ổn định, hạn chế về chuyên môn và kinh nghiệm thực tế.
Các dự án phát triển du lịch sinh thái đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, đã có nhà đầu tư nhưng triển khai còn chậm. Số lượng doanh nghiệp du lịch có tăng, nhưng quy mô nhỏ, lẻ.
1. Mục tiêu chung:
- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương V (khoá VIII) về Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
- Xây dựng môi trường văn hoá trong sạch, lành mạnh, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
- Xây dựng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung, có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, lao động chăm chỉ, có lương tâm nghề nghiệp và thường xuyên học tập tiến bộ, có thể lực tốt.
- Xây dựng ngành văn hoá, thể thao và du lịch từ tỉnh đến cơ sở theo hướng tinh gọn, tiêu chuẩn hoá, chuyên môn hoá đội ngũ cán bộ, đáp ứng được yêu cầu quản lý và tổ chức các hoạt động văn hoá, không ngừng nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân trong tỉnh.
- Từng bước nâng cao mức hưởng thụ văn hoá, phong trào tập luyện thể dục thể thao quần chúng, rút ngắn sự chênh lệch trong hưởng thụ văn hoá nghệ thuật giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến.
2. Mục tiêu cụ thể:
Giai đoạn từ năm 2010 - 2015 đến 2020, ngành văn hoá, thể thao và du lịch tập trung vào những mục tiêu cụ thể như sau:
- Tăng cường hoạt động quản lý nhà nước ở cấp tỉnh, huyện và cơ sở; thiết lập trật tự kỷ cương trong hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch; bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
- Đào tạo, quy hoạch cán bộ chuyên ngành đảm bảo nguồn kế thừa đồng thời chuẩn hoá cán bộ cấp cơ sở.
- Đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" nâng cao về số lượng và chất lượng.
- Xây dựng và củng cố các thiết chế văn hoá, từ năm 2010 - 2015 đến 2020 xây dựng và nâng cấp các nhà văn hoá đủ chuẩn, trang bị phương tiện hoạt động đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá nhân dân trong tỉnh. Tập trung đẩy mạnh hoạt động văn hoá nông thôn.
- Tăng cường nâng cao xã hội hoá các hoạt động văn hoá. Tham mưu các cấp ban hành các văn bản, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và cá nhân đầu tư tham gia vào các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá.
3. Các chỉ tiêu cụ thể:
a) Chỉ tiêu xây dựng các thiết chế văn hoá trong tỉnh:
Stt | Thiết chế | Hiện trạng | Đến 2015 | Đến 2020 | Ghi chú |
1 | Trung tâm Văn hoá tỉnh | 01 | 01 | 01 |
|
2 | Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh | 01 | 01 | 01 |
|
3 | Trung tâm văn hoá huyện | 04 | 08 | 08 |
|
4 | Nhà văn hoá xã | 27 | 65 | 94 | Trừ 13 phường thị trấn |
5 | Bảo tàng tỉnh | 01 | 02 | 02 |
|
6 | Phòng VHTT huyện - thành phố | 08 | 08 | 08 |
|
7 | Khu lưu niệm | 01 | 03 | 03 |
|
8 | Công viên tượng đài | 01 | 02 | 03 |
|
9 | Cụm bia tượng | 37 | 45 | 50 |
|
10 | Bia xã anh hùng | 27 | 32 | 40 |
|
11 | Khu căn cứ cách mạng | 01 | 01 | 01 |
|
12 | Khu vui chơi giải trí và triển lãm | 03 | 04 | 05 |
|
13 | Thư viện tỉnh | 01 | 01 | 01 |
|
14 | Thư viện huyện, thành phố | 07 | 08 | 08 |
|
15 | Phòng đọc sách xã | 23 | 70 | 94 |
|
16 | Tủ sách ấp văn hoá | 87 | 150 | 250 |
|
b) Chỉ tiêu xây dựng và phát triển đời sống văn hoá cơ sở:
TT | Chỉ tiêu (%) | Hiện trạng | Đến 2015 | Đến 2020 | Ghi chú |
1 | Gia đình văn hoá | 81,75% | 94% | 100% |
|
2 | Ấp, khóm văn hoá | 75,53% | 85% | 90% |
|
3 | Xã, phường văn hoá | 34,44% | 50% | 70% |
|
4 | Cơ quan đơn vị văn hoá | 86,63% | 100% | 100% |
|
5 | Số hộ có điện | 88% | 90% | 100% |
|
6 | Phủ sóng, phát thanh truyền hình | 90% | 100% | 100% |
|
7 | Ấp, khóm không có tệ nạn xã hội | 70% | 80% | 90% |
|
8 | Xã phường có điểm vui chơi | 35% | 80% | 100% |
|
9 | Mức hưởng thụ văn hoá bình quân | 20 lần/người /năm | 25 lần | 30 lần |
|
c) Chỉ tiêu phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng:
TT | Chỉ tiêu (%) | Hiện trạng | Đến 2015 | Đến 2020 | Ghi chú |
1 | Hộ đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao | 6,4% | 9% | 15% |
|
2 | Xã, phường có thiết chế thể dục thể thao | 60% | 100% | 100% |
|
3 | Xã, phường có sân bóng thể thao | 20,56% | 30% | 50% |
|
4 | Ấp có sân thể thao phổ thông | 25,46% | 30% | 40% |
|
d) Chỉ tiêu phát triển sự nghiệp văn hoá:
Đơn vị tính: Ngàn người.
Chỉ tiêu phát triển | Hiện tại | 2015 | 2020 |
- Lượt xem phim tại bãi (lượt năm) | 34 | 40 | 50 |
- Lượt người xem biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp (lượt/năm) | 1.500 | 2.000 | 3.000 |
- Lượt người tham quan bảo tàng (lượt/năm) | 800 | 1.000 | 2.000 |
- Lượt người tham quan di tích (lượt năm) | 1.000 | 1.500 | 2.500 |
- Số bản sách/người trong thư viện công cộng | 1.000 | 1.500 | 2.000 |
- Lượt người đến sinh hoạt tại Trung tâm Văn hoá tỉnh (3 trung tâm) | 2.000 | 2.500 | 3.000 |
- Lượt người đến sinh hoạt tại trung tâm VHTT huyện | 4.000 | 5.000 | 6.000 |
- Lượt người sinh hoạt tại nhà văn hoá xã | 500 | 800 | 1.000 |
1. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị trọng tâm:
Toàn ngành văn hoá, thể thao và du lịch đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh thông qua hình thức thông tin cổ động, tuyên truyền trực quan, triển lãm, văn nghệ, phóng thanh... đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở.
2. Tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch:
a) Trung tâm văn hoá và nhà văn hoá:
Duy trì và nâng chất các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn... Đa dạng hoá các loại hình nghệ thuật mới. Tập trung các loại hình lễ hội cách mạng và giáo dục truyền thống. Phát huy vai trò của đoàn ca múa nhạc tỉnh, 03 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp (tư nhân hoá) của tỉnh và các đoàn nghệ thuật của các tỉnh bạn đến địa phương. Phát huy và nhân rộng các loại hình câu lạc bộ, đội, nhóm sở thích.
Đối với nhà văn hoá xã, xây dựng kế hoạch kinh phí và chuyên môn phù hợp thực tế tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng thu hút quần chúng tham gia.
b) Hệ thống thư viện:
- Nâng cao hiệu quả ứng dụng của công nghệ thông tin nhằm hiện đại hoá hoạt động thư viện theo chuẩn của Thư viện quốc gia Việt Nam.
- Tập trung củng cố và phát triển mạng lưới cơ sở, đồng thời xây dựng các mô hình đọc sách báo: Thư viện tư nhân, tủ sách gia đình, phòng đọc sách ban ngành tỉnh... làm phong phú số lượng phục vụ bạn đọc.
- Đổi mới các phương thức hoạt động. Tăng cường các hình thức quảng bá, giới thiệu sách nhằm tăng thêm khả năng thu hút bạn đọc phục vụ cho yêu cầu phát triển dân trí và khoa học công nghệ.
- Nhân rộng một số mô hình xã hội hoá hoạt động thư viện trong tỉnh. Phát huy giá trị và sức mạnh của kho tàng sách, báo phục vụ cho công cuộc nâng cao dân trí, xây dựng và hình thành nếp văn hoá đọc ở địa phương.
c) Bảo tàng và các phòng truyền thống:
- Phát triển Bảo tàng tỉnh, các phòng truyền thống sở, ngành, nhà truyền thống huyện, phòng trưng bày ở xã. Chú trọng phát huy các chuyên đề: Lịch sử truyền thống cách mạng, danh nhân và văn hoá dân tộc địa phương. Sưu tầm, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể: Lễ hội, nghệ thuật, kiến trúc, văn nghệ dân gian. Nghiên cứu, lập hồ sơ công nhận di tích các cấp, đồng thời tiến hành trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá được công nhận, phát huy hình thức xã hội hoá. Thành lập câu lạc bộ những nhà sưu tầm cổ vật, liên kết tổ chức trưng bày, triển lãm phục vụ khách tham quan.
- Tập trung hoàn thành các công trình trọng điểm: Khu di tích lưu niệm Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa, khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Bảo tàng Nông nghiệp tại huyện Vũng Liêm và xây dựng các bia tượng lưu niệm.
d) Trung tâm thể dục thể thao:
Thành lập các trường bộ môn thi đấu, củng cố và phát triển các bộ môn hiện có, ưu tiên phát triển các bộ môn thế mạnh; thành lập câu lạc bộ bóng đá và có lộ trình cụ thể để tiến lên chuyên nghiệp; hình thành trung tâm dịch vụ thi đấu thể thao; hình thành mới các trung tâm thể dục thể thao cấp huyện; thành lập câu lạc bộ thể thao cấp cơ sở; đồng thời nâng cấp, sửa chữa, xây dựng cơ sở vật chất: Sân vận động, sân bóng đá, nhà thi đấu, hồ bơi... từ cấp tỉnh đến cấp xã nhằm phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng và rèn luyện sức khoẻ, nâng cao thể thao thành tích cao.
e) Trường Năng khiếu thể dục thể thao:
Giai đoạn từ năm 2010 - 2015 mở 12 lớp đào tạo chuyên môn cho vận động viên đội tuyển trẻ với 150 vận động viên; 12 lớp đào tạo chuyên môn cho vận động viên đội tuyển năng khiếu thể thao tập trung với 170 vận động viên; đồng thời đào tạo 300 vận động viên năng khiếu trọng tâm và bán tập trung. Đến năm 2020, tăng thêm 03 lớp đào tạo vận động viên đội tuyển trẻ tăng thêm 30 vận động viên; 03 lớp đào tạo vận động viên đội tuyển năng khiếu thể thao tập trung tăng thêm 50 vận động viên; đào tạo vận động viên năng khiếu trọng tâm và bán tập trung tăng thêm 100 vận động viên.
3. Nội dung xây dựng đồng bộ các thiết chế văn hoá trong tỉnh:
Giai đoạn 2010 - 2015 đến 2020, xây dựng bộ máy tổ chức văn hoá thông tin xã, phường đảm bảo cán bộ đủ chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ. Phấn đấu có 100% xã có nhà văn hoá.
Đẩy mạnh mô hình kết hợp và đưa các hoạt động văn hoá vào chùa Khơmer: Phòng đọc sách, văn nghệ, thể dục thể thao... Phấn đấu 13/13 chùa Khơmer có các hoạt động văn hoá. Nâng cao đời sống tinh thần, hình thành lối sống, nếp sống văn hoá, văn minh. Giữ gìn và phát huy các hoạt động văn hoá dân gian.
4. Nội dung xây dựng và phát triển đời sống văn hoá cơ sở:
+ Về xây dựng gia đình văn hoá: Nâng cao số lượng và chất lượng các gia đình văn hoá; duy trì thường xuyên chế độ bình chọn, chấm điểm gia đình văn hoá, đưa quy ước xây dựng nếp sống văn minh trong cưới, tang và lễ hội đến từng gia đình.
+ Xây dựng ấp, khóm văn hoá: Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TU, ngày 10 tháng 9 năm 1996 của Tỉnh uỷ về cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng quy ước ấp, khóm văn hoá đạt 100%.
Đến 2020 tỉnh sẽ đạt 100% số xã văn hoá. Gắn xây dựng đời sống văn hoá với hoạt động văn hoá du lịch, các hoạt động lễ hội ở các di tích lịch sử văn hoá.
+ Về xây dựng phong trào thể dục thể thao quần chúng: Duy trì thực hiện cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" đạt 70%.
5. Nội dung phát triển mạng lưới cơ sở vật chất các hoạt động văn hoá, thể thao:
Giai đoạn 2010 - 2015 đến 2020, tỉnh sẽ đầu tư các công trình văn hoá trọng điểm có dự án và chưa có dự án như sau:
TT | Tên dự án | Địa điểm xây dựng | Ước tổng vốn đầu tư (tỷ đồng) | Nguồn vốn đầu tư | Số văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư |
1 | Thư viện tỉnh | P 9 - TPVL | 40 | Ngân sách | 638/UBT (năm 2000) |
2 | Đường vào khu du lịch Mỹ Hoà | Bình Minh | 72 | Ngân sách - Tổng cục Du lịch | 2401/UBT |
3 | Trường Văn hoá nghệ thuật | P 9 - TPVL | 25 | Ngân sách | 1145/UBT (năm 2002) |
4 | Xây dựng Nhà truyền thống Đảng xã Vĩnh Xuân, Trà Ôn | Trà Ôn | 07 | Ngân sách | 2831/UBND-Vĩnh Xuân (năm 2006) |
5 | Khu tưởng niệm cố GS Trần Đại Nghĩa | Tam Bình | 20 | Ngân sách | 936/UBT (năm 2001) |
6 | Khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt | Vũng Liêm | 20 | Ngân sách |
|
7 | Trung tâm Văn hoá tỉnh | P 9 - TPVL | 30 | Ngân sách |
|
8 | Công viên văn hoá nghỉ ngơi tỉnh | P 9 - TPVL | 15 | Ngân sách |
|
9 | Nhà hát tỉnh | P 9- TPVL | 35 | Ngân sách |
|
10 | Trường Năng khiếu thể dục thể thao | P 2- TPVL | 43 | Ngân sách | 2467/UBT (năm 2004) |
11 | Nhà thi đấu đa năng | P 2 - TPVL | 118 | Ngân sách |
|
12 | Hồ bơi tỉnh | P 2- TPVL | 40 | Ngân sách |
|
13 | Nhà ở vận động viên | P 2 - TPVL | 0,3 | Ngân sách |
|
14 | Sân bóng đá phụ | P 2 - TPVL | 0,3 | Ngân sách |
|
15 | Đường chạy điền kinh | P 2 - TPVL | 0,7 | Ngân sách |
|
16 | Cải tạo nâng cấp mặt sân vận động cũ (xây dựng năm 2000) | P 2 - TPVL | 0,4 | Ngân sách |
|
17 | Bảo tàng Nông nghiệp tỉnh | Vũng Liêm | 30 | Ngân sách |
|
18 | Xây dựng khán đài C,D (có trụ đèn chiếu sáng) | P 2- TPVL | 12 | Ngân sách |
|
6. Nội dung phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động văn hoá:
Phấn đấu đến 2015 có 50% cán bộ lãnh đạo quản lý ngành có trình độ thạc sĩ trở lên; đến 2020 có 80% cán bộ lãnh đạo quản lý ngành có trình độ thạc sĩ trở lên; 100% cán bộ công chức viên chức có trình độ đại học chuyên ngành trở lên.
Đối với cán bộ văn hoá ở các nhà văn hoá ít nhất phải qua lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn.
7. Nội dung xây dựng mô hình tổ chức hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch:
Từ hoạt động thực tiễn, ngành văn hoá, thể thao và du lịch tiếp tục nhân rộng các mô hình hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch xã, phường, thị trấn: Nhà văn hoá, tụ điểm sinh hoạt văn hoá, đời sống văn hoá cơ sở, du lịch sinh thái... đồng thời tiếp tục phát triển các mô hình: "Xã hội hoá giám sát, quản lý về văn hoá"; "Tụ điểm sinh hoạt văn hoá gia đình"; "Thư viện xanh" ở các trường học...
8. Nội dung qui hoạch phát triển du lịch:
Ngành đặc biệt chú trọng phát triển du lịch trong mối quan hệ liên kết vùng, liên kết khu vực nhằm tạo thị trường khách du lịch bền vững. Phối hợp 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre quy hoạch khu du lịch sinh thái miệt vườn cấp quốc gia. Điều chỉnh bổ sung khu qui hoạch Mỹ Hoà, Bình Minh tăng thêm 100 ha; mở rộng khu du lịch Trường An; quy hoạch khu bến tàu, đường dẫn và dịch vụ bán hàng lưu niệm phục vụ khách tham quan.
9. Nội dung phối hợp với các ngành có liên quan:
Trên quan điểm toàn ngành nhận thức sự nghiệp văn hoá là sự nghiệp của quần chúng, đẩy mạnh phát huy nội lực để đa dạng hoá các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hoá. Ngành văn hoá, thể thao, du lịch phối hợp với các ngành theo chương trình sau:
Phối hợp với liên đoàn lao động các cấp tổ chức xây dựng đời sống văn hoá cơ sở trong lực lượng công nhân viên chức và lao động, xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng; với Hội Nông dân tổ chức các câu lạc bộ đờn ca tài tử nông dân xã, phường; với ngành công an và lực lượng vũ trang của tỉnh tổ chức xây dựng đời sống văn hoá cơ sở và tổ chức hoạt động văn hoá văn nghệ trong lực lượng vũ trang; với các ngành: Sở Giao thông, Sở Y tế, Uỷ ban Phòng chống AIDS... xây dựng các chương trình chuyên ngành tuyên truyền vận động về "An toàn giao thông", "Kế hoạch hoá gia đình" và "Phòng chống các tệ nạn xã hội"; với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long trong việc thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư" và các hoạt động tôn giáo; với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thông tin, tuyên truyền rộng rãi các hoạt động văn hoá lớn.
10. Nội dung đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành:
- Tăng cường sự phối hợp của thanh tra chuyên ngành và đội kiểm tra các cấp; tập trung kiểm tra thường xuyên các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá, dịch vụ du lịch lữ hành, kinh doanh nhà hàng, khách sạn...
- Tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật quy định trong lĩnh vực văn hoá và dịch vụ văn hoá cho nhân dân. Phát động nhân dân cùng tham gia quản lý, phát hiện và tố cáo các hành vi vi phạm.
11. Nội dung xây dựng kế hoạch ngân sách chi cho hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch theo từng giai đoạn:
TT | Cấp chi ngân sách | Mức chi hiện nay | Đến 2015 | Đến 2020 |
1 | Tỉnh | 79.572.000.000 đ | Tăng 10% so với mức chi hiện nay | Tăng 10% so với mức chi hiện nay |
2 | Huyện, thành phố, xã phường | 10.521.000.000 đ | Tăng 10% so với mức chi hiện nay | Tăng 10% so với mức chi hiện nay |
Đồng thời đẩy mạnh chính sách xã hội hoá các hoạt động văn hoá để huy động tối đa nguồn lực tài chính trong nhân dân.
12. Nội dung chính sách xây dựng đời sống văn hoá trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số:
- Đồng bộ xây dựng các thiết chế văn hoá ở vùng đồng bào dân tộc như: Nhà văn hoá xã, các thiết chế thể dục, thể thao, vui chơi giải trí, phòng đọc sách ở cơ sở...
- Đẩy mạnh mô hình đưa hoạt động văn hoá vào chùa Khơmer, trang bị các thiết bị hoạt động văn hoá, để nhà chùa thật sự là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng trong vùng.
Để thực hiện tốt các nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hoá, thể thao, du lịch đến năm 2015 và năm 2020, tỉnh cần tập trung các giải pháp chủ yếu sau:
1. Về mặt nhận thức: Xác định rõ tầm quan trọng, vai trò, vị trí của phát triển ngành văn hoá, thể thao, du lịch trong giai đoạn mới gắn với phát triển xã hội, là động lực thúc đẩy phát triển xã hội; ưu tiên phát triển sự nghiệp văn hoá, thể thao, du lịch làm tiền đề cho chuyển biến dân trí, chuyển biến xã hội.
2. Thực hiện các cuộc điều tra, khảo sát, hội thảo để có cơ sở trong việc xây dựng kế hoạch cho từng giai đoạn thực hiện đề án. Căn cứ Đề án này Phòng Văn hoá Thông tin các huyện, thành phố xây dựng đề án phát triển văn hoá, thể thao và du lịch ở cấp mình.
3. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hoá, thể thao, du lịch đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời vừa xây dựng các văn bản quản lý phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, vừa đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động theo quy định của luật pháp, vừa phát động nhân dân tham gia quản lý.
4. Về giải pháp nguồn lực: Tạo sự đồng bộ giữa nguồn lực con người và nguồn lực vật chất đầu tư cho hoạt động văn hoá. Tranh thủ nguồn lực đầu tư của các chương trình mục tiêu, nguồn lực địa phương và nguồn lực huy động trong dân.
5. Đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", xem đây là mục tiêu và giải pháp hết sức quan trọng trong việc xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Căn cứ Đề án Phát triển hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch của tỉnh giai đoạn 2010 - 2015 và phương hướng đến năm 2020, sau khi được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, việc tổ chức thực hiện được tiến hành theo các bước sau:
1. Sở Văn hoá, Thể thao, Du lịch cùng các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai tổ chức thực hiện đề án.
2. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch kết hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch hàng năm, kế hoạch từng giai đoạn, kế hoạch thực hiện các chương trình trọng điểm trong phát triển sự nghiệp văn hoá, thể thao, du lịch trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt đảm bảo cân đối trong nguồn chi ngân sách.
3. Xây dựng một số đề án khác phục vụ cho đề án quy hoạch ngành như sau:
- Đề án phát triển văn hoá nông thôn.
- Đề án phát triển du lịch.
- Xây dựng các dự án bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể ở địa phương.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, chính quyền địa phương các cấp tổ chức triển khai và thực hiện tốt Đề án này./.
- 1Quyết định 164/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt đề án phát triển du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2015
- 2Quyết định 1200/QĐ-UBND năm 2009 về đề án phát triển sự nghiệp Văn hoá, Thể thao và Du lịch đến năm 2010 và định hướng đến 2015 do tỉnh Hưng Yên ban hành
- 3Nghị quyết 33/2014/NQ-HĐND thông qua Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015-2020
- 4Quyết định 2763/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Quy hoạch phát triển văn hoá và du lịch tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 5Nghị quyết 60/NQ-HĐND năm 2017 về thông qua Quy hoạch phát triển văn hoá và du lịch tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Quyết định 581/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 164/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt đề án phát triển du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2015
- 4Quyết định 1200/QĐ-UBND năm 2009 về đề án phát triển sự nghiệp Văn hoá, Thể thao và Du lịch đến năm 2010 và định hướng đến 2015 do tỉnh Hưng Yên ban hành
- 5Nghị quyết 33/2014/NQ-HĐND thông qua Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015-2020
- 6Quyết định 2763/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Quy hoạch phát triển văn hoá và du lịch tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 7Nghị quyết 60/NQ-HĐND năm 2017 về thông qua Quy hoạch phát triển văn hoá và du lịch tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Quyết định 1798/QĐ-UBND về đề án phát triển văn hoá, thể thao và du lịch tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2010 - 2015 và phương hướng đến năm 2020
- Số hiệu: 1798/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 06/08/2009
- Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
- Người ký: Phạm Văn Đấu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/08/2009
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra