Hệ thống pháp luật

UBND TỈNH QUẢNG TRỊ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1770/2004/QĐ-UB

Đông Hà, ngày 16 tháng 6 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG XE CÔNG NÔNG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

- Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29/6/2001;

- Nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động của xe công nông, nâng cáo chất lượng kỹ thuật phương tiện, góp phần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 13/2002/NQQ-CP của Chính phủ;

- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải và Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tạm thời về quản lý hoạt động xe công nông.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 2  
- Bộ GTVT  
- TVTU
- TT/HĐND
- Ban ATGT tỉnh
- UB ATBT Quốc gia
- Lưu VT,CN,NC
- Cục KTVB Bộ Tư pháp

TM/ UBND TỈNH QUẢNG TRỊ
CHỦ TỊCH




Lê Hữu Phúc

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG XE CÔNG NÔNG
( Ban hành kèm theo QĐ số 1770/2004/QĐ-UB ngày 16/6/2004 về việc ban hành Quy định tạm thời về quản lý hoạt động xe công nông)

Chương 1
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Văn bản này quy định những nguyên tắc cơ bản về quản lý hoạt động xe công nông, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng kỹ thuật phương tiện, góp phần hạn chế tại nạn giao thông đường bộ và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP của Chính phủ trong địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Điều 2: Đối tượng áp dụng:

Quy định này áp dụng đối với tất cả các xe công nông đang hoạt động khai thác có đến ngày ban hành Quyết định.

Điều 3: Trong quy định này xe công nông được hiểu như sau:

- Là xe cơ giới vận chuyển nhỏ có kết cấu tương tự như xe ô tô được sản xuất, lắp ráp tận dụng từ các tổng thành của xe ô tô cũ lắp động cơ 1 xi lanh.

- Máy kéo Bông sen chuyên dùng để vận chuyển, có thùng hàng ở phía sau.

Chương 2

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG XE CÔNG NÔNG

Điều 4: Điều kiện để được tham gia hoạt động trên các tuyến đường giao thông công cộng:

4.1. Đối với phương tiện:

+ Phương tiện được chế tạo theo đúng hồ sơ kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đã được kiểm tra kỹ thuật thoả mãn các yêu cầu quy định trong hướng dẫn yêu cầu kỹ thuật số 3087/KHKT ngày 25/10/1994 và Quyết định số 1988/ĐBVN ngày 31/10/1994 của Bộ Giao thông vận tải.

+ Chủ phương tiện không được tự ý thay đổi kết cấu cơ bản, kích thước dài, rộng, cáo của xe và của thùng xe so với hồ sơ kỹ thuật đã được phê duyệt và có trách nhiệm duy trì phương tiện đảm bảo các quy định về an toàn kỹ thuật.

+ Phương tiện được đăng ký biển số, được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành của Nhà nước.

4.2. Đối với người điều khiển phương tiện:

+ Người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe phù hợp với loại phương tiện đang điều khiển theo quy định của pháp luật.

- Điều khiển xe công nông ( máy kéo Bông sen - máy dọc) phải có Giấy phép lái xe hạng A4 trở lên.

- Điều khiển xe công nông (máy ngang - lắp động cơ 1 xi lanh và tận dụng các tổng thành, phụ tùng ô tô) phải có Giấy phép lái xe hạng B2 trở lên.

+ Có ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ, chấp hành nghiêm túc thể lệ vận tải hàng hoá và các văn bản quy định của Nhà nước và của địa phương.

+ Khi đưa phương tiện tham gia giao thông phải đẩy đủ các loại giấy tờ theo quy định của pháp luật, như: Giấy đăng ký xe ô tô, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật (ATKT) và bảo vệ môi trường (BVMT), giấy bảo hiểm tai nạn dân sự (TNDS) đối với chủ xe cơ giới.

Điều 5: Phạm vi hoạt động:

- Xe công nông được hoạt động trên các tuyến đường giao thông công cộng trong tỉnh, trừ các tuyến đường sau đây:

+ Các tuyến đường nội thị thị xã Đông Hà và Thị xã Quảng Trị (Riêng 2 thị xã Đông hà và Quảng Trị các phương tiện đủ điều kiện quy định tại văn bản này thì được lưu hành đến hết 31/12/2004).

+ Trên Quốc lộ 1 A, Quốc lộ 9 (đoạn từ Đông Hà đến thị trấn Cam Lộ).

Điều 6: Đăng ký xe:

Những xe công nông đang hoạt động có đến trước ngày Quy định này có hiệu lực (theo danh sách báo cáo của địa phương nơi chủ phương tiện có đăng ký hộ khẩu thường trú) chưa được đăng ký biển số và chưa có hồ sơ gốc sẽ được đăng ký biển số và đăng kiểm kỹ thuật để hoạt động, nếu bảo đảm các điều kiện sau đây:

- Có hồ sơ mua hoặc đóng mới xe hợp lệ:

+ Nếu mua xe thì phải có chứng từ mua bán và nguồn gốc của xe.

- Nếu xe được đóng mới từ các tổng thành:

* Khung ô tô nhập khẩu thì phải có chứng từ nhập khẩu theo quy định.

* Khung ô tô của xe thanh lý thì phải có giấy chứng nhận xoá số đăng ký xe ô tô 9 do Phòng CSGT nơi đăng ký xe đó cấp).

* Khung xe do cơ sở tự sản xuất từ thép hình thì phải có bản vẽ thiết kế được duyệt đính kèm.

* Động cơ lắp trên xe phải có hoá đơn bàn hàng hợp lệ theo quy định của Bộ Tài chính.

Nếu không có các thủ tục trên thì làm giấy cam kết về quyền sở hữu phương tiện, trình bày xuất xứ của phương tiện, nơi đóng, nơi mua, năm hoạt động và phải được UBND xã (phường) nơi chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú xác nhận: chủ phương tiện hiện có đầy đủ quyền công dân, đang là chủ sở hữu và sử dụng phương tiện xin đăng ký.

- Phù hợp với hồ sơ kỹ thuật do ngành GTVT (Cục đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải) cấp.

- Nộp lệ phí trước bạ theo quy định.

Khi xe có đủ các điều kiện trên, Công an tỉnh (Phòng CSGT) có trách nhiệm đăng ký biển số cho phương tiện.

Việc đăng ký biển số xe công nông theo quy định này chỉ có giá trị trong tỉnh nên khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký xe đóng thêm dấu: " Không được di chuyển đi tỉnh khác".

Điều 7: Kiểm định kỹ thuật:

7.1- địa điểm kiểm định:

Do điều kiện cấm xe công nông hoạt động trên các tuyến đường trong thị xã Đông Hà và thị xã Quảng Trị nên việc kiểm định cho xe công nông được tổ chức ở tại các địa phương. Mỗi huyện có 01 điểm kiểm định ở trung tâm huyện lỵ hoặc nơi thuận tiện. (Địa điểm này địa phương thông báo cho cơ quan đăng kiểm kỹ thuật và Phòng CSGT).

7.2- Quy trình kiểm tra an toàn kỹ thuật và BVMT: Được thực hiện theo quy định tại văn bản số 2837/KHKT của Bộ GTVT ngày 28/9/1995 về kiểm định ATKT cho xe vận chuyển nhỏ, máy kéo Bông sen chuyên dùng vận chuyển.

Điều 8: Hạn chế và loại bỏ xe công nông:

- Nghiêm cấm việc phát triển thêm xe công nông sau ngày ban hành Quy định này, bao gồm: Đóng mới hoặc mua chuyển vùng từ nơi khác về.

- Loại bỏ tất cả các xe khi kiểm định theo quy trình kiểm tra xe giữa định kỳ nếu đến lần thứ ba không đạt yêu cầu.

- Khuyến khích các chủ phương tiện loại bỏ dần xe công nông máy ngang và thay thế bằng loại xe vận tải nhỏ phù hợp.

Chương 3

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BAN, NGÀNH VÀ UBND CÁC CẤP

Điều 9: Trách nhiệm của Sở Giao thông Vận tải:

- Chỉ đạo Trung tâm Đăng kiểm phương tiện cơ giới thuỷ bộ lập kế hoạch, bố trí thời gian và tổ chức kiểm định kỹ thuật cho xe công nông ở tại địa phương và cấp Giấy chứng nhận ATKT và BVMT. Kế hoạch thời gian kiểm định phải gửi cho các huyện trước 15 ngày.

- Tổ chức cắm đầy đủ biển cấm xe công nông ở các tuyến đường quy định.

- Chỉ đạo thanh tra Giao thông tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

- Phối hợp với ngành Công an theo dõi, xử lý các vi phạm, đề xuất, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông do xe công nông gây ra và quản lý hoạt động xe công nông theo quy định này.

- Phối hợp với các ngành liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn thực hiện quy định này.

Điều 10: Trách nhiệm của Công an tỉnh.

- Tổ chức đăng ký, cấp biển số theo quy định của Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh. Thu hồi đăng ký, biển số đối với xe công nông vi phạm theo quy định.

- Chỉ đạo lực lượng CSGT, CSTT các cấp thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp xe công nông hoạt động không đăng ký, không đăng kiểm, hoạt động trên các tuyến đường có quy định cấm xe công nông và người điều khiển không có Giấy phép lái xe phù hợp.

- Tổ chức điều tra xử lý tai nạn giao thông do xe công nông gây ra, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải thống kê, theo dõi, xử lý các vi phạm, đề xuất, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông do xe công nông gây ra và quản lý hoạt động xe công nông theo quy định này.

Điều 11: Trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã:

- Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp cần thiết để quản lý hoạt động xe công nông và phòng ngừa tai nạn giao thông do xe công nông gây ra ở địa phương, chủ yếu là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức cho các chủ phương tiện xe công nông cam kết chấp hành tốt Luật giao thông đường bộ và các quy định của địa phương. Coi đây là trách nhiệm quan trọng của cấp mình đẻ góp phần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP của Chính phủ. Xử lý các chủ xe, lái xe vi phạm quy định về quản lý và sử dụng xe công nông.

- Thống kê số lượng xe công nông hiện có và đang khai thác ở tại địa phương báo cáo về Phòng CSGT và Sở Giao thông Vận tải đề làm cơ sở cho việc đăng ký và quản lý.

- Tuyên truyền phổ biến để chủ phương tiện thực hiện đúng quy định này của tỉnh, đồng thời yêu cầu chủ phương tiện làm cam kết không sử dụng xe công nông chưa đủ điều kiện lưu hành và tiến hành các thủ tục cần thiết để đăng ký, đăng kiểm theo quy định.

- Bố trí mặt bằng, có nơi đỗ xe và tập trung phương tiện để kiềm định theo kế hoạch đăng ký với Trạm Đăng kiểm. Tạo mọi điều kiện cần thiết cho công tác kiểm định được thuận lợi.

- Chỉ đạo các Phòng, Ban chức năng và Công an huyện, xã của địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý các cơ sở hành nghề sửa chữa đóng mới xe công nông và yêu cầu cam kết không đóng mới phát triển thêm xe công nông.

- Xe công nông không đảm bảo các điều kiện lưu hành theo quy định này mà vẫn tham gia giao thông gây tai nạn làm bị thương hoặc chết người thì Chủ tịch UBND cấp huyện, Trưởng Công an huyện nơi xảy ra tai nạn và nơi quản lý chủ phương tiện có trách nhiệm về mặt quản lý Nhà nước việc không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn các xe công nông không đủ các điều kiện lưu hành vẫn hoạt động hoặc hoạt động trên các tuyến đường đã có quy định cấm xe công nông.

Chương 4

KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM.

Điều 12: Kiểm tra.

- Các lực lượng CSGT, CSTT, Thanh tra giao thông và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về kiểm tra, kiểm soát được tiến hành kiểm tra hoạt động xe công nông theo quy định hiện hành của Pháp luật và theo quy định này.

- Nội dung kiểm tra bao gồm việc chấp hành các điều khoản của văn bản này và các quy định của Pháp luật có liên quan đến hoạt động vận tải bằng xe ô tô.

Điều 13: Khen thưởng và xử lý vi phạm:

- Tổ chức, cá nhân chấp hành tốt và thực sự gương mẫu trong việc quản lý, sử dụng xe công nông và động viên người khác chấp hành Pháp luật sẽ được xét khen thưởng với các hình thức thích hợp.

- Tổ chức, cá nhân vi phạm các điều khoản của Quy định này và các quy định của Pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỹ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của Pháp luật.

- Phương tiện và người điều khiển phương tiện vi phạm Quy định này, ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính theo Quy định hiện hành, còn tuỳ thuộc vào mức độ vi phạm có thể bị tịch thu xe và truy cứu trách nhiệm hình sự chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện.

- Nếu phương tiện chưa đăng ký biển số hoặc chưa đăng kiểm kỹ thuật mà vẫn tham gia giao thông sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 15/2003/NĐ-CP của Chính phủ và bị tạm giữ xe đến khi hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm.

- Nếu quá thời hạn đăng ký biển số theo Quy định của văn bản này, nhưng xe chưa đăng ký biển số mà vẫn tham gia giao thông sẽ bị xử phạt và tịch thu xe theo khoản 9, 10 điều 20 của Nghị định 15/2003/NĐ-CP của Chính phủ.

Với các xe công nông không đủ điều kiện lưu hành theo Quy định này, chủ xe và lái xe phải làm cam kết với địa phương (UBND xã, phường, thị trấn) không đưa xe ra hoạt động. Nếu xe nào vi phạm thì thu giữ và yêu cầu giải bản.

Điều 14: Thẩm quyền và hình thức xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo các quy định của Pháp luật:

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi triển khai thực hiện quy định này gây phiền hà, sách nhiễu, nhận hối lộ hoặc không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ của mình để phương tiện và người điều khiển phương tiện vi phạm quy định này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỹ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chương 5

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15: Quy định này có hiệu lực sau 25 ngày kể từ ngày ký. Việc đăng ký biển số mới chỉ được áp dụng cho những xe đang hoạt động khai thác có đến ngày 31/3/2004 (theo danh sách báo cáo của các địa phương) và thời gian hoàn thành việc đăng ký biển số đến hết ngày 30/12/2004,

Những quy định trước đây có liên quan đến quản lý hoạt động xe công nông của UBND tỉnh trái với Quy định này đều bãi bỏ.

Điều 16:

- Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thị trấn và các ngành liên quan hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện quy định này.

- UBND các huyện, thị xã, thị trấn có trách nhiệm tổ chức phổ biến Quy định này cho các đối tượng đang quản lý, sử dụng các loại xe công nông trên địa bàn trong thời gian 15 ngày kể từ ngày ban hành Quy định này.

Điều 17: Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh hoặc cần bổ sung, sửa đổi các điều khoản của Quy định này, các ngành liên quan báo về Sở Giao thông Vận tải để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết../

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1770/2004/QĐ-UB Quy định tạm thời về quản lý hoạt động xe công nông do Tỉnh Quảng Trị ban hành

  • Số hiệu: 1770/2004/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/06/2004
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
  • Người ký: Lê Hữu Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/06/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 19/11/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản