Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1767/QĐ-UBND | Vĩnh Long, ngày 27 tháng 11 năm 2014 |
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT, ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thi hành một số điều của Quyết định 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn;
Căn cứ Quyết định số 710/QĐ-BNN-KTHT, ngày 10 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Kế hoạch Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp;
Thực hiện Công văn số 2082/BNN-KTHT, ngày 27 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai thực hiện Quyết định số 710/QĐ-BNN-KTHT;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 128/TTr-SNNPTNT, ngày 18 tháng 11 năm 2014 về việc xin phê duyệt Kế hoạch Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp giai đoạn 2014-2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
(Kèm theo Kế hoạch số 40/KH-SNNPTNT, ngày 18 tháng 11 năm 2014 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Tài chính, thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài chính, thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh có liên quan và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành./.
| KT. CHỦ TỊCH |
UBND TỈNH VĨNH LONG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 40/KH-SNNPTNT | Vĩnh Long, ngày 18 tháng 11 năm 2014 |
ĐỔI MỚI PHÁT TRIỂN CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC KINH TẾ HỢP TÁC TRONG NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2014 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1767/QĐ-UBND, ngày 27/11/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long)
Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về “Tiếp tục đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”;
Kết luận số 56-KL/TW, ngày 21/02/2013 của Bộ Chính trị (khoá XI) về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể;
Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg, ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn;
Quyết định số 710/QĐ-BNN-KTHT, ngày 10/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Kế hoạch Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp;
Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT, ngày 29/4/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thi hành một số điều của Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn;
Công văn số 2082/BNN-KTHT, ngày 27/6/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai thực hiện Quyết định 710/QĐ-BNN-KTHT;
Kế hoạch số 85-KH/TU, ngày 13/9/2013 của Tỉnh Uỷ tỉnh Vĩnh Long thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể;
Công văn số 1949/UBND-KTN, ngày 14/7/2014 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc xây dựng Kế hoạch đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp.
I. THỰC TRẠNG TỔ HỢP TÁC (THT), HỢP TÁC XÃ (HTX) TRONG NÔNG NGHIỆP (NN) CỦA ĐỊA PHƯƠNG:
1. Tình hình các HTX trong nông nghiệp:
1.1. Tình hình chung:
Toàn tỉnh hiện có 36 HTX NN và 01 liên hiệp HTX thuỷ sản, trong đó: 23 HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp (07 HTX rau màu, 07 HTX trái cây và cây giống, 5 HTX sản xuất lúa giống, 02 HTX khoai lang, 02 HTX chăn nuôi); 04 HTX thuỷ sản (01 HTX ương cá giống và 03 HTX nuôi cá tra xuất khẩu); 09 HTX dịch vụ - tổng hợp.
- Doanh thu bình quân của 01 HTX hoạt động là 3.804 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân của 01 HTX đạt khoảng 70 triệu đồng/năm. Có 10/36 HTX hoạt động có hiệu quả chiếm 28%. Cụ thể như: HTX rau an toàn Phước Hậu, HTX rau củ quả Tân Bình, HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Hiệp, HTX rau củ quả Tân Quới, HTX cải xà lách xoong Thuận An, HTX thuỷ sản Tân Phát,...;
- Trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, HTX hoạt động theo hình thức dịch vụ hỗ trợ, tổng số có 1.090 thành viên, 1.798 lao động; tổng diện tích đất sản xuất là 687 ha; tổng vốn điều lệ trên 11,14 tỉ đồng;
- Trong lĩnh vực thuỷ sản có 04 HTX và 01 liên hiệp HTX hoạt động theo loại hình dịch vụ hỗ trợ, tổng số có 149 thành viên, 221 lao động; vốn hoạt động trên 64,8 tỉ đồng, trong đó vốn điều lệ 59,7 tỉ đồng, có 72 ha ao nuôi, bình quân là 18 ha/HTX;
- Quy mô tham gia vào HTX: Số lượng thành viên tham gia vào HTX nông nghiệp là 914 người, bình quân có 25 người/HTX;
- Thu nhập bình quân của thành viên khoảng 02 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX khoảng 03 triệu đồng/tháng.
1.2. Kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX:
a) Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực:
Trong 12 năm qua (2002 - 2013), tỉnh đã tổ chức 192 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về KTTT, nghiệp vụ quản lý, đào tạo nghề.... cho trên 5.305 lượt cán bộ chủ chốt từ huyện, thành phố đến cơ sở ấp, khóm, thành viên Ban quản trị, ban kiểm soát và kế toán, xã viên lao động trong HTX và tổ trưởng các THT sản xuất; tổ chức 01 lớp đào tạo trung cấp kế toán cho 42 học viên là xã viên HTX tham dự; đưa 19 học viên tham gia lớp đại học quản trị kinh doanh.
b) Chính sách đất đai:
Hiện nay, trên lĩnh vực nông nghiệp chưa có HTX nào trên địa bàn tỉnh được hưởng thụ từ chính sách này. Nguyên nhân chủ yếu do địa phương không còn quỹ đất công để thực hiện giao đất không thu tiền sử dụng đất cho những HTX có nhu cầu và đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX. Hiện nay chỉ có 08/35 HTX được UBND xã cho mượn đất để làm trụ sở giao dịch, điểm tiếp nhận hàng nông sản và sơ chế đóng gói của HTX cho xã viên, số còn lại là đi thuê mướn hoặc mượn nhà dân.
c) Chính sách tài chính, tín dụng:
Nhìn chung vốn điều lệ của các HTX thấp, việc huy động vốn nội bộ gặp nhiều khó khăn do các thành viên chưa tìm thấy lợi ích thiết thực của mình. Cùng với việc nguồn vốn nội bộ hạn chế, HTX cũng rất khó tiếp cận các nguồn vốn khác bên ngoài. HTX thường bị thiếu thông tin về các nguồn tài chính, tín dụng, không hiểu rõ quy trình, thủ tục, không xây dựng các phương án sản xuất, kinh doanh khả thi để huy động vốn. Ngoài ra, các HTX chưa tạo được uy tín cao đối với các tổ chức tín dụng nên việc vay vốn thường gặp nhiều trở ngại hơn so với các doanh nghiệp. Nguyên nhân chính xuất phát từ vấn đề HTX không có tài sản thế chấp; trình độ quản lý và chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ HTX còn thấp, chưa nhạy bén việc nắm bắt nhu cầu thị trường, do vậy phương án sản xuất, kinh doanh của HTX đa phần chưa đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức tín dụng.
d) Chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ, xúc tiến thương mại, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và các chính sách khuyến nông, khuyến ngư:
Sở Nông nghiệp và PTNT: Hàng năm, thông qua nguồn kinh phí từ các chương trình khuyến nông, chương trình nông nghiệp - nông dân - nông thôn, chương trình xúc tiến thương mại, chương trình đào tạo nghề nông thôn, vốn sự nghiệp khoa học, công nghệ,... Ngành nông nghiệp tỉnh đã tiến hành triển khai nhiều dự án hỗ trợ cho các HTX để chuyển đổi giống cây trồng - vật nuôi, trang thiết bị bảo quản - chế biến nông sản, ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao chất lượng nông sản hàng hoá, xây dựng quảng bá thương hiệu, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của các HTX: HTX bưởi năm roi Mỹ Hoà, HTX rau củ quả Tân Bình, HTX xà lách xoong Thuận An, THT sản xuất cam sành Bình Ninh, THT sản xuất lúa số 1- ấp Ngã Ngay - xã Tân Long, THT sản xuất lúa số 2 - ấp 9 - xã Mỹ Lộc, THT số 2 - ấp Nước Suối - xã Tân An Luông,...
Mặt khác, thông qua dự án “Cánh đồng mẫu lớn” ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ cho các HTX một phần kinh phí mua máy gặt đập liên hợp, máy làm đất, máy bơm, máy phun thuốc, dụng cụ sạ hàng, làm đê bao khép kín, chủ động bơm tưới, đảm bảo lịch thời vụ; chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên HTX,...Cụ thể trong giai đoạn 2011 - 2013 dự án đã hỗ trợ 30% kinh phí không thu hồi cho HTX, THT mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất như sau: 355 máy phun thuốc, 65 máy bơm nước, 22 máy gặt đập liên hợp, 28 máy xới, 9 máy cày,...
- Sở Công thương: Tổ chức nhiều cuộc hội thảo, xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá với các doanh nghiệp những nông sản hàng hoá của HTX sản xuất ra, từ đó nhiều HTX đã ký kết được các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
- Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Từ nguồn kinh phí, chương trình đào tạo nghề nông thôn đã phối hợp đào tạo nghề cho các HTX. Từ đó đã tạo thêm việc làm, nâng cao thêm thu nhập cho các thành viên HTX trong lúc nông nhàn.
- Sở Khoa học và Công nghệ: Hỗ trợ các HTX ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị, chất lượng nông sản hàng hoá như cải thiện chất lượng cây, con giống; xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; xây dựng nhãn hiệu hàng hoá để từng bước tạo thương hiệu cho HTX nông nghiệp. Cụ thể như HTX chôm chôm Tích Khánh - Tích Thiện - Trà Ôn, HTX chôm chôm Bình Hoà Phước - Long Hồ, HTX lúa giống Hồi Tường - Xuân Hiệp - Trà Ôn, HTX bánh tráng nêm Cù lao Mây - Trà Ôn,...
đ) Một số chính sách khác:
- Chính sách hỗ trợ, khuyến khích thành lập mới HTX: Tỉnh đã triển khai chính sách hỗ trợ cho HTX mới thành lập là 24 triệu đồng, trong đó 10 triệu đồng cho công tác tuyên truyền vận động cho đến khi được cấp giấy đăng kí kinh doanh, 14 triệu đồng hỗ trợ trang thiết bị ban đầu cho HTX hoạt động (máy vi tính, bàn ghế làm việc).
- Hỗ trợ về thuế: Ngành thuế triển khai thực hiện tốt chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 02 năm đầu đối với HTX mới thành lập theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
1.3. Đánh giá kết quả đổi mới, phát triển các HTX thời gian qua:
Qua gần 12 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khu vực KTTT của tỉnh nhà có những chuyển biến tích cực. Nhiều HTX được thành lập và phát triển phù hợp với nhu cầu hợp tác sản xuất, kinh doanh của người dân ở địa phương. Tính đến nay, toàn tỉnh có 36 HTX (32 HTX nông nghiệp, 04 HTX thuỷ sản) và 01 liên hiệp HTX, có 914 thành viên, 1.911 lao động với tổng vốn điều lệ 65.69 tỷ đồng.
Hiệu quả hoạt động của các HTX ngày càng tăng về doanh thu và lợi nhuận, mang lại lợi ích thiết thực cho xã viên, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho người lao động, góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, các công trình phúc lợi và tham gia thực hiện các chính sách đảm bảo an ninh xã hội... việc liên doanh liên kết giữa các HTX với nhau và với các thành phần kinh tế khác bước đầu có sự phát triển. Đến tháng 6 tháng đầu năm 2014, thu nhập bình quân của xã viên khoảng 02 triệu đồng/tháng, của lao động làm việc thường xuyên trong HTX khoảng 03 triệu đồng/tháng; có 10/36 HTX (chiếm 28%) đạt loại khá - tốt, hoạt động có hiệu quả và có 05/36 HTX nông nghiệp thực hiện tốt hợp đồng liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh giữa các HTX cùng ngành nghề, với các công ty, doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phân chia thị trường, thống nhất về giá nguyên liệu đầu vào và đầu ra sản phẩm.
Thời gian qua, HTX trên lĩnh vực nông nghiệp đã được tập trung củng cố để nâng cao chất lượng hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho xã viên. Một số HTX mạnh dạn đầu tư vốn, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất gắn kết với thương mại dịch vụ. Một số HTX đã tham gia vào các chương trình khuyến nông, đầu tư sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, đăng kí thương hiệu sản phẩm, từ đó HTX hoạt động tiếp tục ổn định và phát triển, thu nhập, đời sống xã viên và lao động ổn định, nâng lên. Đối với các HTX thuỷ sản, liên hiệp HTX thuỷ sản trong những năm qua hoạt động tương đối ổn định và hiệu quả. HTX, liên hiệp HTX cơ bản đã thực hiện nhiệm vụ dịch vụ nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho xã viên.
Tuy nhiên, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều mặt hạn chế như:
- Phần nhiều HTX có quy mô sản xuất nhỏ, cơ sở vật chất còn lạc hậu, tổ chức bộ máy chưa đầy đủ (không có kế toán, thủ quỹ);
- Trình độ quản lý, năng lực điều hành Ban quản trị (HĐQT) yếu (văn hoá thấp, không có trình độ chuyên môn, yếu kinh nghiệm thực tiễn) nên chưa đáp ứng nhu cầu, chưa có khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh và cạnh tranh trong cơ chế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế (có 20/36 HTX hoạt động trung bình, yếu kém và có khả năng giải thể);
- Thành viên góp vốn điều lệ thấp, thậm chí không góp vốn; chưa tổ chức hạch toán, quyết toán tài chánh theo quy định;
- Công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước về phát triển KTTT ở một số cấp uỷ Đảng, chính quyền cơ sở chưa được thường xuyên, hiệu quả thấp;
- Cơ chế chính sách khuyến khích phát triển KTTT còn nhiều bất cập, sự lãnh đạo của một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở thiếu tập trung và quyết liệt.
2. Tình hình các THT trong nông nghiệp:
2.1. Tình hình chung:
Toàn tỉnh hiện có 1.796 THT, với 66.202 hộ thành viên, tổng diện tích 40.696 ha đất canh tác. Phân loại theo từng lĩnh vực hoạt động có 93,17% là THT trồng trọt (chủ yếu là tổ sản xuất lúa); THT chăn nuôi, thuỷ sản chiếm 1,75% và THT phi nông nghiệp chiếm 5,08%.
2.2. Đánh giá:
Đa phần các THT sản xuất hiện nay được tổ chức khá chặt chẽ, quy mô hoạt động phù hợp với thực tế nhu cầu hợp tác của nông dân và năng lực quản lý điều hành của Ban quản lý, có trên 67% THT xây dựng hợp đồng hợp tác theo Nghị định 151/NĐ-CP của Chính phủ. Qua các hoạt động hỗ trợ của tổ, các hộ thành viên đã từng bước áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất được nâng lên, đã hình thành được nhiều mô hình sản xuất đạt giá trị 100 triệu đồng/ha/năm, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp và thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp - nông thôn ở địa phương. Có trên 40% THT trong nông nghiệp thực hiện tốt việc tổ viên trả thù lao cho Ban quản lý tổ.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực trạng hoạt động của THT sản xuất ở địa bàn các huyện cho thấy:
- Do chưa được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát và thường xuyên của các cấp chính quyền nên một số THT sản xuất chỉ được hình thành gắn với tổ nhân dân tự quản thực tế không hoạt động;
- Nhiều THT sản xuất chậm được củng cố nên chưa xây dựng hợp đồng hợp tác và chứng nhận chứng thực lại theo Nghị định 151;
- Năng lực quản lý điều hành của ban quản lý còn yếu, hoạt động của tổ không mang lại hiệu quả thiết thực cho tổ viên nên chưa được chi trả thù lao theo quy định.
3. Tình hình phát triển liên kết sản xuất trong nông nghiệp:
Hiện nay, phần lớn HTX nông nghiệp chưa tạo được mối liên kết, liên doanh chặt chẽ và ổn định với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nên sản phẩm làm ra tiêu thụ nhiều lúc còn bấp bênh, giá cả hoàn toàn lệ thuộc vào thị trường. Chính vì thế, khi giá cả xuống thấp, sản xuất không hiệu quả buộc HTX phải ngưng hoạt động hoặc giải thể (HTX chăn nuôi, HTX thuỷ sản).
Chỉ có 05/36 HTX nông nghiệp thực hiện tốt hợp đồng liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh giữa các HTX cùng ngành nghề, với các công ty, doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phân chia thị trường, thống nhất về giá nguyên liệu đầu vào và đầu ra sản phẩm, qua đó hiệu quả sản xuất kinh doanh được nâng lên, hoạt động của HTX hiệu quả hơn. Điển hình như: HTX rau an toàn Phước Hậu, HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Hiệp, HTX rau củ quả Tân Bình, HTX thuỷ sản Tân Phát, HTX bưởi 5 roi Bình Minh.
4. Thực trạng công tác quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp:
Hiện nay, Phòng Kinh tế hợp tác và trang trại của Chi cục Phát triển nông thôn trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long được giao chức năng quản lý Nhà nước về kinh tế hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp. Hiện phòng có 04 cán bộ CCVC thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu: Theo dõi tình hình phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh - xây dựng chính sách, đề án, kế hoạch, tham mưu cho Sở NN và PTNT về định hướng phát triển KTTT; thực hiện công tác đào tạo tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về KTTT, các chính sách của Nhà nước, kỹ năng quản lý điều hành cho cán bộ phụ trách KTTT địa phương, cán bộ quản lý HTX - THT; xây dựng và triển khai các dự án hỗ trợ cho HTX và THT; hỗ trợ tư vấn, vận động thành lập HTX.
Trên địa bàn các huyện, thị, thành phố có từ 02-03 cán bộ phụ trách lĩnh vực KTTT (biên chế thuộc Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn và Phòng Kinh tế thành phố). Ở cơ sở xã, phường đa số là cán bộ nông nghiệp kiêm nhiệm lĩnh vực KTTT.
Từ thực trạng trên cho thấy, bộ máy quản lý nhà nước đối với lĩnh vực KTTT trong nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển: Cấp xã chỉ có cán bộ kiêm nhiệm cho nên ảnh hưởng đến hiệu quả trong quá trình tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực KTTT ở địa phương. Cấp huyện, cán bộ chuyên trách KTTT còn ít so với nhu cầu thực tế, mặt khác do nhu cầu công tác của địa phương nên thường xuyên được luân chuyển, kiêm nhiệm đã ảnh hưởng đến phong trào kinh tế hợp tác.
ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỢP TÁC TRONG NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2014 - 2020
- Tiếp tục quán triệt và nâng cao nhận thức về bản chất, vai trò của KTTT trong các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở và rộng rãi quần chúng nhân dân để tạo sự chuyển biến tích cực hơn trong nhận thức và hành động. Từ đó, từng bước đổi mới toàn diện cả về nội dung và hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, phát triển đa dạng các hình thức tổ chức hợp tác của nông dân, phù hợp từng vùng, từng lĩnh vực gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hoá theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
- Tạo các điều kiện thuận lợi, tốt nhất cho KTTT phát triển nhanh, mạnh và bền vững, nhất là ở các xã xây dựng nông thôn mới. Nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, đời sống của xã viên và người lao động trong các đơn vị KTTT. Nâng cao vai trò, vị trí và mức đóng góp của KTTT vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
- Ưu tiên xây dựng và phát triển mô hình mới trên lĩnh vực nông nghiệp; mô hình liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp với HTX; tập trung vào các sản phẩm lúa gạo, trái cây, rau màu, gia súc, gia cầm, thuỷ sản; tạo đột phá trong việc thành lập, hỗ trợ HTX sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, xuất khẩu trực tiếp sản phẩm HTX làm ra.
1. Giai đoạn 2014 - 2016:
- Đánh giá được hiện trạng các THT, HTX và các mô hình liên kết đang hoạt động từ thực tiễn ở địa phương để đúc kết kinh nghiệm xây dựng mô hình với từng lĩnh vực sản xuất, trên cơ sở đó tham mưu đề xuất các cơ chế chính sách để nhân rộng và phát triển.
- Rà soát, hướng dẫn và tổ chức đăng ký lại cho tất cả các HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chuyển sang hoạt động theo Luật HTX năm 2012.
- Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực quản lý của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Tổ chức đào tạo tập huấn về nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ kinh tế hợp tác từ tỉnh đến huyện, thị, thành phố.
- Xây dựng được một số mô hình kinh tế hợp tác phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển ở từng địa phương và trên từng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Chỉ tiêu phấn đấu:
- Về HTX nông nghiệp; tập trung củng cố nâng cao chất lượng các loại hình HTX nông nghiệp, đồng thời hỗ trợ xây dựng 05 mô hình HTX NN đổi mới hoạt động theo quy định của Luật HTX 2012. Phấn đấu đến cuối năm 2016, nâng tỷ lệ HTX NN của cả tỉnh đạt loại khá - tốt lên 50% và 100% HTX NN tại các xã điểm nông thôn mới đạt loại khá - tốt;
- Về THT sản xuất; rà soát củng cố hoạt động 100% THT sản xuất theo đúng nội dung Nghị định 151;
- Về mô hình liên kết sản xuất; xây dựng 04 mô hình hợp tác liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng Cánh đồng lớn (Quyết định 62/2013/QĐ-TTg).
2. Giai đoạn 2017 - 2020:
- Tiếp tục nâng cao chất lượng và phát triển về số lượng các mô hình hợp tác và hình thức liên kết hoạt động có hiệu quả.
- Tập trung nguồn lực nâng cao năng lực cán bộ quản lý HTX NN và THT sản xuất. Trong đó 100% cán bộ, THT và HTX trong lĩnh vực nông nghiệp được đào tạo, tập huấn bồi dưỡng kiến thức quản lý và nghiệp vụ chuyên môn.
Chỉ tiêu phấn đấu:
- Về HTX nông nghiệp; phấn đấu đạt mức tăng trưởng giá trị sản xuất của HTX NN 12%/năm, thu nhập của xã viên và người lao động trong HTX NN tăng 15%/năm;
- Về THT sản xuất; phấn đấu THT sản xuất tăng 5% /năm, tổ viên THT tăng 10%/năm;
- Về mô hình liên kết sản xuất; xây dựng 10 mô hình hợp tác liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng Cánh đồng lớn tại địa bàn các huyện (Quyết định 62/2013/QĐ-TTg);
Phấn đấu đến năm 2020, cơ bản hình thành hệ thống các THT, HTX liên kết với các doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân trong các vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Phấn đấu nâng tỷ lệ HTX NN và THT sản xuất đạt loại khá - tốt từ 75% trở lên.
1. Tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế hợp tác:
- Tổ chức Hội nghị triển khai Luật HTX 2012, nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện của các Bộ, ngành Trung ương và Kế hoạch đổi mới, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và PTNT; Kế hoạch đổi mới, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2020 của tỉnh cho đội ngũ cán bộ chủ chốt ban ngành cấp tỉnh.
- Tổ chức tập huấn Luật HTX 2012 cho cán bộ quản lý kinh tế hợp tác của huyện, thị, thành phố và cán bộ quản lý HTX, THT, các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức và phát động phong trào phát triển kinh tế hợp tác ở nông thôn.
2. Triển khai khảo sát đánh giá kết quả hoạt động của các HTX, các mô hình THT sản xuất, mô hình liên kết gắn sản xuất với chế biến tiêu thụ nông sản tại địa phương,... Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích hình thành các mô hình kinh tế hợp tác hoạt động có hiệu quả để nhân rộng và phát triển:
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh HTX và các Phòng Kinh tế, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, thị, thành phố tổ chức khảo sát đánh giá hoạt động của các HTX NN, các mô hình THT sản xuất, mô hình liên kết gắn sản xuất với chế biến tiêu thụ nông sản, các mô hình HTX tiêu biểu (các HTX dịch vụ tổng hợp, các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị với sự tham gia có hiệu quả của các HTX).
- Chủ trì phối hợp với các huyện tổ chức hội thảo báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng phát triển của các HTX và tìm hiểu các mô hình hợp tác có triển vọng.
- Đối với các HTX NN hoạt động có hiệu quả cần vận động mở rộng thêm các dịch vụ đầu vào, đầu ra, hướng dẫn các HTX thực hiện chuyển đổi theo đúng Luật HTX 2012.
- Đối với các HTX NN hoạt động trung bình, yếu: Cần phải xây dựng Kế hoạch đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động cụ thể như: Củng cố bộ máy nhân sự, hướng dẫn kỹ năng điều hành, quản lý cho hội đồng quản trị, hướng dẫn xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường hoặc liên kết với các HTX khác hình thành Liên hiệp HTX.
3. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp từ tỉnh đến các huyện, thị, thành phố:
Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp từ tỉnh đến các huyện, thị, thành phố thực hiện theo các nội dung sau đây:
- Củng cố bộ máy quản lý của Chi cục Phát triển nông thôn theo hướng kiện toàn Phòng Kinh tế hợp tác và trang trại, với yêu cầu cán bộ phải đảm bảo về năng lực và số lượng cán bộ chuyên môn đủ sức tham mưu theo hướng chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế hợp tác;
- Các Phòng Kinh tế, Tài chính - Kế hoạch và Phòng Nông nghiệp và PTNT của huyện, thị, thành phố có cán bộ chuyên trách để tham mưu, đề xuất phát triển các loại hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp;
- Hàng năm thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước, đặc biệt là cấp cơ sở xã phường, cán bộ quản lý THT và HTX về kinh tế hợp tác trong nông nghiệp;
4. Hướng dẫn chuyển đổi và xây dựng các mô hình HTX theo Luật HTX 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp:
- Hướng dẫn, tập huấn quy trình đăng ký lại cho các HTX nông nghiệp theo Luật HTX 2012.
- Hỗ trợ, tư vấn cho các HTX sau khi đăng ký chuyển đổi theo Luật HTX 2012 phát triển về quy mô và hình thức tổ chức hợp tác sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
- Hỗ trợ, tư vấn (nếu có nhu cầu) cho các huyện xây dựng các mô hình HTX làm ăn có hiệu quả theo Luật HTX 2012.
- Đề xuất hướng đổi mới toàn diện về nội dung và hình thức hợp tác trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
- Tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp theo quy định của Luật HTX 2012.
Các chỉ tiêu cụ thể:
- Năm 2015, thí điểm, rút kinh nghiệm rà soát và đăng ký lại cho 15 HTX theo quy định của Luật HTX 2012. Đồng thời, giai đoạn 2014 - 2016 hỗ trợ xây dựng 05 mô hình HTX làm ăn có hiệu quả theo Luật HTX 2012;
- Năm 2016, tổ chức rà soát và đăng ký lại cho tất cả các HTX nông nghiệp còn lại trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, giai đoạn 2017 - 2020 hỗ trợ xây dựng 10 mô hình HTX làm ăn có hiệu quả theo Luật HTX 2012.
5. Xây dựng và phát triển các mô hình liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế:
Xây dựng các mô hình liên kết bền vững trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện và đảm bảo hài hoà lợi ích chính đáng của các thành viên tham gia trong mô hình liên kết. Chú trọng vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia vào mô hình liên kết đa dạng, đảm bảo chuỗi giá trị hàng hoá từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể:
- Sở NN và PTNT tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách xây dựng Cánh đồng lớn đồng thời chủ trì phối hợp với Công ty cổ phần lương thực, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu của tỉnh chỉ đạo thí điểm liên kết sản xuất lúa gạo trong vụ lúa Đông Xuân 2014 - 2015 và tiến hành ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ lúa với nông dân tại các Cánh đồng lớn của tỉnh.
- Giao Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với các Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, thị, thành phố xây dựng 14 mô hình HTX, THT sản xuất liên kết theo chuỗi đã được Bộ trưởng giao cho các địa phương tại Quyết định 710/2014/QĐ-KTHT, ngày 10/4/2014.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN: 13.517.000.000 đồng
(Mười ba tỷ, năm trăm mười bảy triệu đồng)
Trong đó:
Ngân sách trung ương: 3.697.000.000 đồng.
Ngân sách địa phương: 9.820.000.000 đồng. Bao gồm:
Vốn thuộc Kế hoạch 928/KH-UBND thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2020: 4.200.000.000 đồng.
Vốn sự nghiệp hàng năm của ngành nông nghiệp phát triển nông thôn: 5.620.000.000 đồng.
Chia ra:
- Giai đoạn 2014 - 2016: 4.017.000.000 đồng.
+ Ngân sách trung ương: 1.352.000.000 đồng.
+ Ngân sách địa phương: 2.665.000.000 đồng.
(Năm 2014: 535.000.000 đồng, trong đó nguồn vốn trung ương: 327.000.000 đồng; nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp: 208.000.000 đồng.)
- Giai đoạn 2017 - 2020: 9.500.000.000 đồng.
+ Ngân sách trung ương: 2.345.000.000 đồng.
+ Ngân sách địa phương: 7.155.000.000 đồng.
1. Sở Nông nghiệp và PTNT:
Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan trực tiếp tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ sau đây:
- Phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện: Kế hoạch đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác giai đoạn 2014 - 2020;
- Chủ trì xây dựng và quản lý thực hiện các dự án hỗ trợ HTX trong nông nghiệp trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ HTX theo Luật HTX 2012 và Nghị định 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật HTX và chương trình, dự án do UBND tỉnh phê duyệt;
- Xây dựng một số mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hoá nông nghiệp phù hợp với từng vùng, từng ngành hàng nông sản;
- Báo cáo tổng hợp, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc quá trình triển khai thực hiện và tham mưu đề xuất các cơ chế chính sách phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, liên kết trong nông nghiệp;
- Củng cố phòng Kinh tế hợp tác và trang trại của Chi cục Phát triển nông thôn;
- Phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố củng cố bộ phận kinh tế hợp tác trong các Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện thị trong tỉnh.
1.1. Giao Chi cục phát triển nông thôn:
Là cơ quan đầu mối tham mưu cho lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Tham mưu triển khai thực hiện Kế hoạch đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp đến năm 2020;
- Xây dựng kế hoạch triển khai Kế hoạch hàng năm gởi về các cơ quan liên quan, tổng hợp trình UBND tỉnh quyết định; cùng với thời điểm lập dự toán ngân sách hàng năm, Chi cục PTNT tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT lập dự toán kinh phí hỗ trợ thực hiện kế hoạch gởi Sở Tài chính (đối với kinh phí sự nghiệp nông nghiệp) và Sở Kế hoạch Đầu tư (đối với kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia); phối hợp với sở, ngành, địa phương liên quan đề xuất hỗ trợ kinh phí đầu tư cho HTX;
- Phối hợp với các Trung tâm, Chi cục trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT phát triển các loại hình kinh tế hợp tác phù hợp khi triển khai thực hiện các dự án thuộc chương trình giống, chương trình nông nghiệp - nông dân - nông thôn, Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp;
- Chủ trì xây dựng và quản lý thực hiện các dự án hỗ trợ HTXNN trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ HTX theo Luật HTX 2012 và Nghị định 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật HTX và các chương trình, dự án do Sở Nông nghiệp và PTNT phân công;
- Xây dựng một số mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất đến tiêu thụ hàng hoá nông nghiệp phù hợp với từng huyện, thị, thành phố, từng mặt hàng nông sản;
- Là cơ quan tham mưu giúp lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo tổng hợp, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc quá trình triển khai thực hiện và tham mưu đề xuất các cơ chế chính sách phát triển các hình thức kinh tế hợp tác.
1.2. Các Trung tâm, Chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT có nhiệm vụ:
- Quán triệt nội dung Kế hoạch này tại đơn vị mình và xây dựng chương trình kế hoạch thực hiện cụ thể phù hợp chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị;
- Có kế hoạch cụ thể đi khảo sát nghiên cứu thực tế, xây dựng các mô hình liên kết hợp tác trên lĩnh vực, đơn vị mình phụ trách;
- Thường xuyên kiểm tra đôn đốc triển khai kế hoạch, trong quá trình thực hiện tổ chức sơ kết, tổng kết báo cáo định kỳ cho lãnh đạo Sở (Chi cục Phát triển nông thôn tổng hợp số liệu);
- Các Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, thị, thành phố căn cứ Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, định kỳ báo cáo và đề xuất các kiến nghị của địa phương trong xây dựng và phát triển các mô hình tổ chức kinh tế hợp tác.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng qui hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác giai đoạn 2014 - 2020;
- Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT và sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh về kinh phí đào tạo, thành lập và củng cố HTX, kinh phí đầu tư để thực hiện theo yêu cầu nhiệm vụ;
- Hướng dẫn đôn đốc việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác, tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh theo quy định;
- Chủ trì phối hợp với Liên minh HTX, Chi cục Phát triển nông thôn việc xây dựng Đề án thành lập quỹ hỗ trợ HTX trình UBND tỉnh và HĐND tỉnh;
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTXNN.
3. Đối với Liên minh HTX:
- Phối hợp với sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức tuyên truyền sâu rộng các nội dung của kế hoạch;
- Phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư xây dựng Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX trình UBND phê duyệt và tổ chức vận hành Quỹ;
- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX, thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng đi học theo quy định;
- Tăng cường thực hiện các nhiệm vụ về tư vấn phát triển, đào tạo, hỗ trợ các hoạt động cho HTXNN và liên kết kinh tế.
4. Sở Tài chính:
- Trên cơ sở dự toán kinh phí hỗ trợ Đề án và căn cứ khả năng cân đối ngân sách, Sở Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phân bổ dự toán ngân sách theo quy định;
- Hướng dẫn các HTX thực hiện đúng các quy định về tài chính, kế toán.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Chủ trì và phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố giải quyết việc giao đất, thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các HTX.
6. Sở Nội vụ:
- Tham mưu cho UBND tỉnh về công tác cán bộ, chính sách cán bộ HTX, củng cố và kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước đối với kinh tế hợp tác ở các cấp theo quy định của pháp luật.
7. Cục Thuế tỉnh:
- Thông tin, hướng dẫn các HTX thực hiện các quy định về thuế có liên quan trong hoạt động sản xuất kinh doanh;
- Hỗ trợ, hướng dẫn các HTX thực hiện các chính sách về thuế, miễn giảm thuế cho HTX.
8. Sở Khoa học - Công nghệ:
- Tham mưu cho UBND tỉnh các dự án ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và quản lý vào hoạt động của HTX.
9. Các phường, xã, thị trấn:
- Chủ trì phối hợp UBND các huyện, thị, thành phố và các đơn vị liên quan củng cố HTX hiện có, vận động thành lập mới THT, HTXNN; thông qua các chương trình, mục tiêu do sở, ngành quản lý, hỗ trợ và tạo điều kiện cho THT, HTX trên địa bàn phát triển.
10. Các tổ chức chính trị - xã hội:
Tích cực tham gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Liên minh HTX trong việc xây dựng cơ chế, chính sách và triển khai thực hiện, tuyên truyền vận động các hội viên tham gia phát triển HTX, vận động thành lập HTX gắn với đặc thù hoạt động của tổ chức, góp phần phát triển kinh tế hợp tác.
11. UBND các huyện, thị, thành phố.
- Thành lập Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển HTX; tiến hành chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác ở từng địa phương đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;
- Xây dựng phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn, lập dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch hàng năm gửi Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp trình Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính;
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Liên minh HTX để hỗ trợ HTX phát triển, tập trung củng cố các HTX và thành lập mới HTX tại địa phương theo nội dung Kế hoạch;
- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn và tạo điều kiện HTX tham gia các chương trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa bàn và quản lý, vận hành sau khi công trình hoàn thành;
- Đưa các chỉ tiêu phát triển HTX vào kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm cho từng xã, phường, thị trấn nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của chính quyền địa phương đối với HTX;
- Chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển của HTX gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới./.
| GIÁM ĐỐC |
- 1Quyết định 46/2012/QĐ-UBND về Quy định giải pháp chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp kỹ thuật cao - nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012 – 2015
- 2Nghị quyết 18/2012/NQ-HĐND8 về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp kỹ thuật cao - nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012 – 2015
- 3Quyết định 16/2013/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Hải Dương
- 4Kế hoạch 98/KH-UBND năm 2014 đổi mới và phát triển hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
- 5Quyết định 1593/QĐ-UBND năm 2014 Kế hoạch Đổi mới, phát triển hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2014-2020
- 6Quyết định 2868/QĐ-UBND năm 2015 về Kế hoạch Đổi mới, phát triển hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2020
- 7Quyết định 2260/QĐ-UBND năm 2015 về Kế hoạch Đổi mới, phát triển hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2016 - 2020
- 8Quyết định 24/2015/QĐ-UBND về Quy định chính sách xây dựng và phát triển tổ hợp tác sản xuất trên biển tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2015 - 2017
- 9Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2015 về phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ X
- 10Quyết định 3169/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020
- 1Nghị định 88/2005/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Nghị định 151/2007/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác
- 4Quyết định 46/2012/QĐ-UBND về Quy định giải pháp chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp kỹ thuật cao - nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012 – 2015
- 5Nghị quyết 18/2012/NQ-HĐND8 về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp kỹ thuật cao - nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012 – 2015
- 6Luật hợp tác xã 2012
- 7Kết luận 56-KL/TW năm 2013 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
- 8Quyết định 62/2013/QĐ-TTg chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Nghị định 193/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật hợp tác xã
- 10Thông tư 15/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn Quyết định 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 11Quyết định 710/QĐ-BNN-KTHT năm 2014 phê duyệt kế hoạch đổi mới, phát triển hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 12Quyết định 16/2013/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Hải Dương
- 13Kế hoạch 98/KH-UBND năm 2014 đổi mới và phát triển hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
- 14Quyết định 1593/QĐ-UBND năm 2014 Kế hoạch Đổi mới, phát triển hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2014-2020
- 15Quyết định 2868/QĐ-UBND năm 2015 về Kế hoạch Đổi mới, phát triển hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2020
- 16Quyết định 2260/QĐ-UBND năm 2015 về Kế hoạch Đổi mới, phát triển hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2016 - 2020
- 17Quyết định 24/2015/QĐ-UBND về Quy định chính sách xây dựng và phát triển tổ hợp tác sản xuất trên biển tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2015 - 2017
- 18Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2015 về phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ X
- 19Quyết định 3169/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020
Quyết định 1767/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Kế hoạch Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- Số hiệu: 1767/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 27/11/2014
- Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
- Người ký: Phan Anh Vũ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra