Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 175/1998/QĐ-BNN/KHCN

Hà Nội, ngày 4 tháng 11 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY PHẠM PHỤC HỒI RỪNG BẰNG KHOANH NUÔI XÚC TIẾN TÁI SINH KẾT HỢP TRỒNG BỔ SUNG (QPN 21 - 98)

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

- Căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 cuả Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn.

- Căn cứ điều lệ về công tác tiêu chuẩn hoá ban hành kèm theo Nghị định số 41/HĐBT ngày 24/8/1982 của Hội đồng Bộ trưởng này là Chính phủ.

- Xét đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Chất lượng sản phẩm và ông Cục trưởng Cục phát triển Lâm nghiệp.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. - Nay ban hành kèm theo quyết định này bản Quy phạm phục hồi rừng bằng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung (QPN 21 - 98).

Điều 2. - Quy phạm này áp dụng cho tất cả các cơ sở sản xuất lâm nghiệp và có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các Quy phạm hướng dẫn kỹ thuật có liên quan đã ban hành trước đây trái với những điều khoản trong Quy phạm này đều bãi bỏ.

Điều 3. - Các ông Chánh văn phòng, Thủ trưởng các Cục, Vụ, Viện, Trường, Ban trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các Tỉnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh lâm nghiệp chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Đẳng

 

QUY PHẠM

PHỤC HỒI RỪNG BẰNG KHOANH NUÔI XÚC TIẾN TÁI SINH KẾT HỢP TRỒNG BỔ SUNG (QPN 21 - 98)
(Ban hành theo quyết định số: 175/1998/QĐ/BNN-KHCN, ngày 4 tháng 11 năm 1998 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Chương I

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1: Quy phạm này quy định đối tượng, biện pháp kỹ thuật khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung để phục hồi rừng và tổ chức thực hiện.

Điều 2: Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung trong quy phạm này được hiểu là một giải pháp lợi dụng triệt để khả năng tái sinh, diễn thế tự nhiên để phục hồi rừng thông qua các biện pháp bảo vệ, biện pháp kỹ thuật lâm sinh và trồng bổ sung cần thiết.

Điều 3: Quy phạm này áp dụng cho cả ba loại rừng: Rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất.

Điều 4: Quy phạm này là cơ sở pháp lý để xây dựng quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật và quản lý việc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung.

Điều 5: Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung chỉ áp dụng cho những nơi:

1. Đã có quy hoạch sử dụng đất để tạo rừng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đã có chủ thực sự là các tổ chức, tập thể, hộ gia đình, cá nhân được giao quyền sử dụng đất.

Chương II

ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN TÁC ĐỘNG VÀ TIÊU CHUẨN RỪNG ĐƯỢC CÔNG NHẬN HOÀN THÀNH KHOANH NUÔI XÚC TIẾN TÁI SINH KẾT HỢP TRỒNG BỔ SUNG

Điều 6: Đối tượng phục hồi rừng bằng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung là đất lâm nghiệp đã mất rừng mà quá trình tái sinh và diễn thế tự nhiên cho phép phục hồi lại rừng, đáp ứng được những yêu cầu kinh tế xã hội và môi trường trong thời hạn xác định. Cụ thể:

1. Đất đã mất rừng do bị khai thác kiệt.

2. Nương rẫy bỏ hoá còn tính chất đất rừng.

3.Trảng cỏ cây bụi xen cây gỗ, tầng đất mặt dầy trên 30 cm.

Ba đối tượng trên phải có ít nhất một trong các tiêu chuẩn sau:

a. Cây con tái sinh mục đích phải có trên 300 cây/ha, cao trên 50 cm;

b. Gốc mẹ có khả năng tái sinh chồi ít nhất phải có trên 150 gốc/ha, phân bố tương đối đều;

c. Có cây mẹ gieo giống tại chỗ trên 25 cây/ha, phân bố tương đối đều;

Có nguồn gieo giống từ các khu rừng lân cận.

4. Các loại rừng tre nứa, le, giang, vầu, diễn, lồ ô..... (gọi chung là rừng tre nứa) phục hồi sau khai thác, nương rẫy, có độ che phủ trên 20% diện tích, phân bố đều.

5. Riêng đối với rừng phòng hộ, ở khu vực xung yếu và rất xung yếu, nơi xa xôi hẻo lánh, chưa có điều kiện trồng rừng trong 10 năm tới, ngoài những đối tượng trên những nơi có độ che phủ thảm thực bì trên 40% và có khả năng tự phục hồi thành thảm thực bì cây bụi, cỏ cao trên 1m cũng được đưa vào khoanh nuôi xúc tiến tái sinh do dân tự kết hợp trồng bổ sung bằng cây công nghiệp lâu năm, cây lấy quả, cây đặc sản có tán che phủ như cây rừng .

Điều 7: Thời gian tác động và tiêu chuẩn của rừng được công nhận hoàn thành khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung

1. Đối với rừng phòng hộ và đặc dụng:

a. Thời gian 4 - 6 năm.

b. Đối với đối tượng 1,2,3 điều 6 phải có độ tàn che cây gỗ tối thiểu là 0,6 và ở dưới có cây bụi thảm tươi.

c. Đối với đối tượng 4 điều 6 phải có độ che phủ lớn hơn 80%.

d. Đối với đối tượng 5 điều 6 độ che phủ cây bụi cỏ cao trên 1 m phải lớn hơn 80%.

2. Đối với rừng sản xuất.

a. Thời gian: 5- 8 năm.

b. Đối với đối tượng 1,2,3 điều 6 phải có ít nhất 500 cây mục đích/ ha phân bố tương đối đều, chiều cao trung bình trên 4m, độ tàn che cây gỗ tối thiểu đạt 0,5.

c. Đối với đối tượng 4 điều 6 phải có độ che phủ tre nứa đạt 80% và số cây đạt tiêu chuẩn khai thác tối thiểu là 25%.

Điều 8: Sau khi nghiệm thu, rừng đạt tiêu chuẩn tại điều 7 sẽ được tiếp tục quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy phạm kỹ thuật xây dựng rừng phòng hộ đầu nguồn, ban hành kèm theo quyết định số 134/QĐ/KT ngày 04 tháng 4 năm 1991 (QPN- 13 - 91) và quy phạm các giải pháp kỹ thuật lâm sinh áp dụng cho rừng sản xuất gỗ và tre nứa ban hành kèm theo quyết định số 200/ QĐKT ngày 31 tháng 3 năm 1993 (QPN 14 - 92).Quy chế quản lý rừng đặc dụng, ban hành kèm theo quyết định số 1171 ngày 30 tháng 12 năm 1986 của Bộ lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Chương III

THIẾT KẾ KHOANH NUÔI XÚC TIẾN TÁI SINH KẾT HỢP TRỒNG BỔ SUNG

Điều 9: Chuẩn bị.

- Chuẩn bị bản đồ và các dụng cụ thiết kế;

- Các tài liệu về quy hoạch sử dụng đất cấp xã;

-Thu thập số liệu kinh tế xã hội có liên quan.

Điều 10: Ngoại nghiệp

- Điều tra thu thập số liệu về đất, hiện trạng thực bì và khả năng tái sinh, nguồn giống.

- Xác định đối tượng theo điều 6.

- Xác định diện tích, ranh giới lô, đóng mốc bảng ngoài thực địa.

Điều 11: Nội nghiệp

- Lập bản đồ tỷ lệ 1/5000 hoặc 1/10.000, thể hiện địa danh, diện tích hiện trạng và các biện pháp tác động;

- Xác định các biện pháp lâm sinh, trồng bổ sung cần tác động và các biện pháp quản lý bảo vệ;

- Xác định thời hạn cần tác động;

- Dự toán kinh phí cho đơn vị 1ha và toàn lô;

- Viết bản thuyết minh thiết kế.

Điều 12: Thành quả gồm:

- Bản thuyết minh với các nội dung ghi trong điều 11;

- Bản đồ thiết kế và các bảng biểu liên quan;

- Văn bản phê duyệt theo quy định hiện hành.

Chương IV

CÁC BIỆN PHÁP KỸ THUẬT

Điều 13: Mức độ tác động thấp: Quản lý bảo vệ là chính, bao gồm các nội dung:

1. Cấm chăn thả đại gia súc;

2. Đối với các đối tượng dễ cháy cần có biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo Quy phạm phòng cháy chữa cháy rừng Thông rừng Tràm và một số loại rừng dễ cháy khác , ban hành kèm theo quyết định số 801/QĐ ngày 26 tháng 9 năm 1996 (QPN 8-86.)

3. Bảo vệ chống chặt phá cây mẹ gieo giống, cây tái sinh mục đích.

4. Được phép tận dụng cây khô chết, sâu bệnh và lâm sản phụ theo sự chỉ dẫn của cán bộ lâm nghiệp có trách nhiệm.

5. Được phép trồng bổ sung cây công nghiệp lâu năm, cây lấy quả, cây đặc sản có tán che phủ như cây rừng do dân tự bỏ vốn đầu tư hoặc vay vốn để đầu tư trồng bổ sung.

Điều 14: Mức độ tác động cao: Ngoài các biện pháp tác động ở mức độ thấp đã nêu tại điều 13, tuỳ đối tượng, mục đích khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và điều kiện kinh tế xã hội có thể sử dụng một, hai hoặc nhiều biện pháp sau:

1. Phát dọn dây leo, bụi rậm tạo điều kiện cho cây mục đích tái sinh phát triển vượt khỏi sự chèn ép.

2. Cuốc xới đất theo rạch hoặc theo đám để giữ hạt và tạo điều kiện cho hạt nảy mầm. Biện pháp này không áp dụng đối với trường hợp đã có 500 cây tái sinh trên 1 ha.

3. Tỉa dặm cây mục đích từ chỗ dày sang chỗ thưa.

4. Tra dặm hạt hoặc trồng bổ sung các loài cây mục đích (cây gỗ, cây đặc sản) ở các khoảng trống lớn trên 1000 m2 hoặc xen kẽ trong tán rừng.

5. Sửa lại gốc chồi và tỉa chồi: tuỳ loài cây để lại gốc chồi có độ cao thích hợp, mặt cắt phải nhẵn, có độ nghiêng để thoát nước, không bị toác, bong vỏ.

Đối với rừng sản xuất tỉa bớt chồi xấu, tỉa dần, tối đa 2 lần và cuối cùng để lại không quá 3 chồi

6. Phát dọn, vun xới xung quanh cây mục đích và cây trồng bổ sung mỗi năm 1-2 lần trong 2-3 năm đầu.

7. Chặt bỏ cây cong queo, sâu bệnh, phi mục đích và chặt tỉa những nơi quá dầy.

8. Đối với rừng tre nứa:

Không được lấy măng trong giai đoạn khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh

Chặt và tận dụng hết các cây bị sâu bệnh gẫy dập, cụt ngọn.

Điều 15: Vận dụng các mức độ tác động.

Tuỳ theo chức năng của rừng và điều kiện sản xuất mà áp dụng các mức độ tác động sau:

1. Rừng phòng hộ: Chủ yếu áp dụng như điều 13. Trường hợp đặc biệt những nơi có đủ điều kiện cho phép áp dụng một số biện pháp của điều 14.

2. Rừng đặc dụng:

a. Khu bảo vệ nghiêm ngặt: áp dụng các khoản 1,2,3 của điều 13.

b. Khu phục hồi sinh thái áp dụng khoản 1,2,3 điều 13 và các biện pháp lựa chọn của điều 14.

c. Vùng đệm: Áp dụng điều 13 và các biện pháp lựa chọn của điều 14

3. Rừng sản xuất và phòng hộ ít xung yếu: áp dụng điều 13 và các biện pháp lựa chọn của điều 14 và do chủ rừng quyết định.

Chương V

ĐẦU TƯ VÀ HÌNH THỨC THỰC HIỆN

Điều 16: Nguồn vốn

1. Đối với rừng phòng hộ và đặc dụng vốn được cấp từ ngân sách giao cho chủ rừng theo luận chứng và kế hoạch hàng năm được phê duyệt.

2. Đối với rừng sản xuất: Vốn do chủ rừng quyết định.

Điều 17: Đầu tư

Rừng phục hồi được đầu tư bao gồm các khoản sau:

- Điều tra thiết kế lập hồ sơ giao khoán;

- Công bảo vệ rừng và xây dựng các công trình bảo vệ;

- Công và các chi phí khác cho việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh và trồng bổ sung.

- Chi phí nghiệm thu và quản lý.

Suất đầu tư cần được thay đổi cho từng điều kiện cụ thể.

Điều 18: Thủ tục giao khoán

1. Đối với rừng phòng hộ và đặc dụng

a. Bên giao: Các Ban quản lý và chủ dự án rừng phòng hộ và đặc dụng có đủ điều kiện để thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung

b. Bên nhận: gồm các tổ chức, cộng đồng, các nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân có yêu cầu và đủ điều kiện thực hiện.

c. Mức độ giao khoán: Tuỳ theo quỹ rừng, điều kiện kinh tế xã hội của từng nơi mà quyết định.

d. Diện tích tối thiểu cho1 khu khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung liền khu liền khoảnh là 5 ha.

e. Khi giao khoán phải có đủ hồ sơ thiết kế, bản đồ, hợp đồng và các giấy tờ cần thiết do bên giao lập.

2. Đối với rừng sản xuất: do chủ rừng quyết định.

Điều 19: Trách nhiệm và quyền lợi

1. Bên giao

a. Trách nhiệm:

- Thực hiện đầy đủ những cam kết ghi trong hợp đồng;

- Thực hiện đầy đủ các điều ghi ở chương 5;

- Hướng dẫn kỹ thuật cần thiết cho bên nhận;

- Thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện hợp đồng.

- Quản lý, giám sát việc tận thu lâm sản trong quá trình khoanh nuôi và quản lý, giám sát viêc khai thác tận thu gỗ, lâm sản khi rừng đạt tiêu chuẩn khai thác.

b.Quyền lợi:

- Rừng phục hồi thuộc sở hữu của bên giao.

2. Bên nhận:

a. Trách nhiệm:

Thực hiện đầy đủ những cam kết ghi trong hợp đồng.

b. Quyền lợi:

- Được hưởng tiền khoán theo hợp đồng

- Được hưởng toàn bộ sản phẩm cây công nghiệp lâu năm, cây lấy quả, cây đặc sản đã trồng bổ sung.

- Được hưởng toàn bộ sản phẩm tỉa thưa, được khai thác củi , lâm sản phụ dưới tán rừng.

- Được khai thác tận dụng gỗ, lâm sản theo quy chế quản lý rừng hiện hành.

3. Trách nhiệm về hợp đồng giao khoán:

Bên nào vi phạm các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật .

Điều 20: Nghiệm thu và thanh toán

1- Hàng năm chủ rừng tổ chức nghiệm thu và thanh toán theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2- Kết thúc thời kỳ khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung, chủ rừng tiến hành nghiệm thu đánh giá và làm thủ tục chuyển rừng vào tài sản theo quy định hiện hành.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21: Các cơ quan quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm các doanh nghiệp, các tổ chức, tập thể, hộ gia đình và cá nhân có hoạt động liên quan đến phục hồi rừng bằng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung đều phải tuân thủ quy phạm này.

Điều 22: Các cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm những điều khoản trong quy phạm này tuỳ theo mức độ nặng nhẹ sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành

Điều 23: Trên cơ sở của quy phạm này, các Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng quy trình cụ thể, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, trình ủy ban nhân dân Tỉnh phê duyệt, trước khi ban hành phải có ý kiến của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn.(Vụ khoa học công nghệ và chất lượng sản phẩm)

Điều 24: Vụ Khoa học công nghệ và chất lượng sản phẩm, Cục phát triển lâm nghiệp và Cục kiểm lâm Bộ Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm hướng dẫn tổ chức chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện quy phạm này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 175/1998/QĐ-BNN-KHCN về Quy phạm phục hồi rừng bằng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung (QPN 21 - 98) do Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 175/1998/QĐ-BNN-KHCN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/11/1998
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Nguyễn Văn Đẳng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/11/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản