Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 171/2004/QĐ-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 07 năm 2004 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 21/TTG VÀ CHỈ THỊ SỐ 12/TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003 ;
Căn cứ Quyết định số 245/1998/QĐ/TTg ngày 21 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp ;
Căn cứ Luật Phòng cháy, chữa cháy rừng ban hành ngày 29 tháng 6 năm 2003 ;
Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 09 tháng 3 năm 1995 của Chính phủ ban hành Quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng ;
Căn cứ Chỉ thị số 21/2002/CT-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng và phát triển rừng ;
Căn cứ Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg ngày 16 tháng 5 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng ;
Căn cứ Thông tư số 144/2002/TTLT-BNNPTNT-BCA-BQP ngày 13 tháng 12 năm 2002 của Liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng về hướng dẫn phối hợp giữa các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội trong công tác bảo vệ rừng ;
Căn cứ Quyết định số 198/2003/QĐ-UB ngày 22 tháng 9 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố về thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 21/TTg và Chỉ thị 12/TTg ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 513/TT-LN ngày 21 tháng 6 năm 2004 ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 21/TTg và Chỉ thị số 12/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Công an thành phố, Giám đốc Sở Tài chính, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện có liên quan, Trưởng Ban và các thành viên trong Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 21/TTg và Chỉ thị số 12/TTg chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Như điều 3  
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  
- Ban chỉ đạo Trung ương phòng cháy,
 chữa cháy rừng
- Thường trực Thành ủy
- Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố
- Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố
- Ban chỉ đạo Nông nghiệp và Nông thôn thành phố
- VPHĐ-UB các PVP, các Tổ NCTH
- Lưu (CNN/Tg)  

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Thiện Nhân

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG

 CỦA BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 21/TTG VÀ CHỈ THỊ SỐ 12/TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP BẢO VỆ RỪNG VÀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 171 /2004/QĐ-UB ngày 14 tháng 7 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 21/TTg và Chỉ thị số 12/TTg (sau đây được gọi tắt là Ban Chỉ đạo 21/TTg và 12/TTg) được thành lập theo Quyết định số 198/2003/QĐ-UB ngày 22 tháng 9 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố là tổ chức tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Bản Quy chế này quy định về chế độ làm việc Ban Chỉ đạo 21/TTg và 12/TTg ; nhiệm vụ của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo ; chức trách, nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo.

Điều 3. Mỗi thành viên Ban Chỉ đạo 21/TTg và 12/TTg ngoài trách nhiệm chung, còn có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo giải quyết những công việc theo lĩnh vực quản lý và thẩm quyền chuyên môn của cơ quan, đơn vị mình để phục vụ nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng ghi tại Điều 2 và Điều 3 của Quyết định số 198/2003/QĐ-UB ngày 22 tháng 9 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Chương 2:

NHIỆM VỤ CỦA CÁC THÀNH VIÊN BAN CHỈ ĐẠO

Điều 4. Trưởng Ban Chỉ đạo (Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố) :

- Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị hữu quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng và khắc phục hậu quả cháy rừng trên địa bàn thành phố.

- Thay mặt Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo, kiến nghị Chính phủ giải quyết những vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn thành phố.

- Chủ trì các cuộc họp thường kỳ và bất thường của BCĐ-21/TTg và 12/TTg.

- Phân công trách nhiệm cho các thành viên BCĐ-21/TTg và 12/TTg và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.

- Thay mặt Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định điều động lực lượng, phương tiện của các tổ chức và cá nhân để ứng cứu chữa cháy rừng trong những tình huống cấp thiết, khi xảy ra cháy rừng vượt khả năng chữa cháy của cấp huyện-quận.

- Trưởng Ban Chỉ đạo phụ trách và chịu trách nhiệm chung về các công việc thuộc quyền hạn trách nhiệm của Ban Chỉ đạo.

Điều 5. Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo (Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) :

- Chịu trách nhiệm thường trực Ban chỉ đạo, thay mặt Trưởng Ban Chỉ đạo khi Trưởng Ban đi vắng.

- Chỉ đạo thực hiện chế độ thông tin, báo cáo chuyên đề về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

- Chỉ đạo việc lập, thẩm định, phê duyệt các dự án, phương án, kế hoạch về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng ; kế hoạch tập huấn, diễn tập chữa cháy rừng ; công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

- Chỉ đạo tổ chức phối hợp kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các dự án, phương án, kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng ; khắc phục hậu quả cháy rừng.

- Chỉ đạo hoạt động của cơ quan thường trực của BCĐ-21/TTg và 12/TTg.

- Định kỳ báo cáo và đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố những biện pháp cần thiết để tăng cường bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

- Thực hiện nhiệm vụ khác do Trưởng Ban Chỉ đạo phân công.

Điều 6. Các Phó Trưởng ban (Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Giám đốc Công an thành phố, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố) ngoài chức năng, nhiệm vụ theo lĩnh vực riêng của mỗi ngành theo quy định của pháp luật còn có trách nhiệm quan hệ phối hợp thực hiện công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn thành phố theo tinh thần Thông tư số 144/2002/TTLT-BNNPTNT-BCA-BQP ngày 13 tháng 12 năm 2002, cụ thể như sau :

1. Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố, có nhiệm vụ :

1.1- Tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo CT21/TTg và CT12/TTg soạn thảo các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng để trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.

1.2- Giúp Ban Chỉ đạo CT21/TTg và CT12/TTg tổ chức kiểm tra, đôn đốc các quận-huyện, phường-xã có rừng, các đơn vị chủ rừng lập và thực hiện phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ rừng.

1.3- Trực tiếp điều hành hoạt động của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo CT21/TTg và CT12/TTg và thay mặt Ban chỉ đạo ký các văn bản điều hành thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

1.4- Chỉ đạo các phòng chuyên môn và đơn vị Kiểm lâm trực thuộc thực hiện :

1.4.1- Tham gia thẩm định và kiểm tra việc thực hiện các phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng.

1.4.2- Chủ động phối hợp lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tổ chức hướng dẫn các quận-huyện, phường-xã có rừng và đơn vị chủ rừng lập phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng, tổ chức diễn tập, chuẩn bị lực lượng, phương tiện phục vụ công tác chữa cháy rừng; tập huấn kỹ thuật cho lực lượng chữa cháy tại cơ sở

1.4.3- Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương nơi có rừng và các chủ rừng tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ rừng và an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng.

1.4.4- Nghiên cứu, phổ biến những kinh nghiệm, giải pháp mới ở trong nước và của thế giới về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo vệ rừng.

1.4.5- Lập phương án phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội để ứng phó chữa cháy rừng trong tình huống cấp thiết và truy quét lâm tặc khi cần thiết.

1.4.6- Tăng cường công tác kiểm tra bảo vệ rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ vi phạm quy định về quản lý rừng, khai thác, sử dụng rừng và đất rừng, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền. Đồng thời, tổ chức lực lượng tham gia chữa cháy và khắc phục hậu quả cháy rừng.

1.4.7- Phối hợp với cơ quan Công an tiến hành điều tra, xử lý hình sự các vụ cháy rừng và những hành vi vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản và động vật hoang dã có dấu hiệu hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Giám đốc Công an thành phố, có nhiệm vụ :

2.1- Chỉ đạo Công an các quận-huyện, phường-xã căn cứ vào tình hình, đặc điểm cụ thể của địa bàn quản lý để phối hợp cùng lực lượng Kiểm lâm và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra chống chặt phá rừng, truy quét xóa bỏ các tụ điểm chặt phá rừng, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản, săn bắt trái phép động vật hoang dã ; đôn đốc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

2.2- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố phối hợp cùng Chi cục Kiểm lâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

2.3- Kịp thời chỉ đạo các Phòng nghiệp vụ phối hợp cùng cơ quan Kiểm lâm nhanh chóng điều tra, xử lý các vụ cháy rừng và những hành vi vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản và động vật hoang dã theo thẩm quyền do pháp luật quy định nhằm mục đích răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

2.4- Chịu trách nhiệm huy động lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp và các lực lượng khác thuộc ngành Công an tham gia chữa cháy rừng khi Ban Chỉ đạo yêu cầu.

2.5- Chỉ đạo tổ chức giáo dục cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng nêu cao ý thức trách nhiệm tham gia bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng ở tại địa phương nơi cư ngụ và trên địa bàn công tác.

3. Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, có nhiệm vụ :

3.1- Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc triển khai kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa bàn đóng quân.

3.2- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trực tiếp quản lý, bảo vệ những khu rừng tập trung tăng cường kiểm tra việc huấn luyện, diễn tập về phòng cháy, chữa cháy rừng.

3.3- Chịu trách nhiệm huy động nhanh nhất lực lượng và phương tiện của quân đội thuộc phạm vi quản lý tham gia chữa cháy rừng khi Ban Chỉ đạo yêu cầu.

3.4- Chỉ đạo tổ chức giáo dục cán bộ, chiến sỹ nêu cao ý thức trách nhiệm tham gia bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Điều 7. Các Ủy viên Ban Chỉ đạo :

1. Phó trưởng Ban chỉ đạo Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, có nhiệm vụ

Theo dõi tình hình thực hiện chung, tham mưu cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố những biện pháp tăng cường chỉ đạo đối với các s-ngành có liên quan về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

2. Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thuộc Công an thành phố, có nhiệm vụ :

2.1- Tham mưu giúp Công an thành phố thực hiện những nhiệm vụ về phòng cháy, chữa cháy rừng.

2.2- Tham gia thẩm định và kiểm tra việc thực hiện các phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng.

2.3- Tổ chức thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn thành phố, đồng thời có trách nhiệm phối hợp với Chi cục Kiểm lâm thực hiện :

- Hướng dẫn các quận-huyện, phường-xã có rừng và các chủ rừng lập phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng, tổ chức diễn tập, chuẩn bị lực lượng, phương tiện phục vụ công tác chữa cháy rừng.

- Tổ chức tập huấn kỹ thuật cho lực lượng chữa cháy tại cơ sở.

- Nghiên cứu ứng dụng những kinh nghiệm, giải pháp mới về phòng cháy, chữa cháy rừng.

- Tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng về an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng ; tập huấn kỹ thuật cho lực lượng chữa cháy tại cơ sở.

 - Điều tra, xử lý các vụ cháy rừng và những hành vi vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật.

2.4- Tham gia trong Ban Chỉ huy chữa cháy rừng khi có mặt tại hiện trường, trực tiếp chỉ huy lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp, tổ chức huy động các lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng kịp thời, hạn chế thấp nhất các thiệt hại do cháy rừng gây ra.

3. Giám đốc Sở Tài chính, có nhiệm vụ :

Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tham gia thẩm định, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện các dự án, phương án bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đối với các khu rừng do nguồn vốn ngân sách đầu tư ; đồng thời cấp kinh phí thường xuyên hàng năm phục vụ cho công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

4. Chi cục trưởng Chi cục Phát triển lâm nghiệp, có nhiệm vụ :

4.1- Tham gia thẩm định, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện các dự án, phương án bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đối với các khu rừng không thuộc hệ thống quản lý của Chi cục Phát triển lâm nghiệp.

4.2- Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án, kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đối với diện tích rừng do Chi cục Phát triển lâm nghiệp quản lý.

4.3- Tổ chức tập huấn, diễn tập về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng bảo vệ rừng trong các đơn vị do Chi cục Phát triển lâm nghiệp hợp đồng bảo vệ rừng.

5. Ủy ban nhân dân các huyện-quận có rừng, có nhiệm vụ :

5.1- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã-phường có rừng, các cá nhân, đơn vị chủ rừng thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

5.2- Chỉ đạo thực hiện tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trong nhân dân.

5.3- Chỉ đạo sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị cùng cấp có liên quan thực hiện kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng, thực hiện phương án, kế hoạch bảo vệ rừng, và phòng cháy, chữa cháy rừng của các đơn vị chủ rừng trên địa bàn quản lý.

5.4- Chỉ đạo tổ chức lực lượng phối hợp kiểm tra xóa các trọng điểm phá rừng, săn bắt, mua bán trái phép động vật hoang dã trên địa bàn.

5.5- Huy động lực lượng, phương tiện của các tổ chức và cá nhân để ứng cứu chữa cháy rừng.

5.6- Báo cáo, đề nghị thành phố chi viện lực lượng, phương tiện ứng cứu chữa cháy rừng trong những tình huống cấp bách, khi xảy ra cháy rừng vượt khả năng chữa cháy của cấp mình.

5.7- Phối hợp với các sở-ngành chuyên môn liên quan khắc phục hậu quả cháy rừng.

Chương 3:

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC, NHIỆM VỤ CỦA CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC

Điều 8. Ban Chỉ đạo 21/TTg và 12/TTg làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, mọi văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo do Ủy ban nhân dân thành phố hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát hành đều có giá trị áp dụng đối với các thành viên của Ban Chỉ đạo 21/TTg và 12/TTg và các sở-ngành có liên quan.

Điều 9. Mỗi 6 tháng, Ban Chỉ đạo 21/TTg và 12/TTg tổ chức Hội nghị giao ban để sơ kết tình hình bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; hoặc khi có tình hình cấp thiết cần tổ chức họp đột xuất sẽ do Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định.

Điều 10. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo được đặt tại Cơ quan Chi cục Kiểm lâm do Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm điều hành, có nhiệm vụ :

- Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

- Phát hành văn bản điều hành thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

- Thường xuyên theo dõi, tổng hợp báo cáo tình hình công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

- Tham mưu cho Ban Chỉ đạo điều hành hoạt động thực hiện nhiệm vụ chung của Ban Chỉ đạo.

- Chuẩn bị nội dung, chương trình và các điều kiện cần thiết phục vụ cho các cuộc họp, hội nghị, hội thảo của Ban Chỉ đạo theo yêu cầu của Trưởng Ban Chỉ đạo.

- Tổ chức trực ban tiếp nhận thông tin về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng từ cơ sở ; cung cấp thông tin về dự báo phòng cháy, chữa cháy rừng.

Chương 4:

KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG VÀ CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP

Điều 11. Kinh phí phục vụ hoạt đông của Ban Chỉ đạo 21/TTg và 12/TTg bao gồm : phụ cấp thường xuyên, chi phí tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, diễn tập, kiểm tra công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng do Chi cục Kiểm lâm lập kế hoạch dự toán ngân sách hàng năm và quyết toán vào mục kinh phí nghiệp vụ của đơn vị theo quy định hiện hành.

Điều 12. Mỗi thành viên của Ban Chỉ đạo 21/TTg và 12/TTg được hưởng phụ cấp trách nhiệm thường xuyên là 150.000đồng/người/tháng.

Điều 13. Đối với người những cán bộ tham dự các buổi kiểm tra về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng do Ban Chỉ đạo 21/TTg và 12/TTg tổ chức được hưởng phụ cấp ăn trưa là 20.000đồng /người/ngày.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Quy chế có hiệu lực căn cứ theo Quyết định ban hành của Ủy ban nhân dân thành phố, được áp dụng đối với các thành viên của Ban Chỉ đạo 21/TTg và 12/TTg và các sở-ngành có liên quan.

Điều 15. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề gì vướng mắc, Ban Chỉ đạo 21/TTg và 12/TTg tổng hợp ý kiến trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định./.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 171/2004/QĐ-UB về Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 21/TTg và Chỉ thị số 12/TTg của Thủ tướng Chính phủ do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 171/2004/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/07/2004
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/07/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 08/12/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản