Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
------------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2019/QĐ-UBND

Bình Phước, ngày 28 tháng 5 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHUẨN KỸ THUẬT ĐỊA PHƯƠNG VỀ HẠT ĐIỀU NGUYÊN LIỆU TỈNH BÌNH PHƯỚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;

n cứ Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;

Căn cứ Thông tư số 23/2007/TT-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn xây dựng, thẩm định và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 475/TTr-SKHCN ngày 25 tháng 4 năm 2019.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về hạt điều nguyên liệu tỉnh Bình Phước (QCĐP 1 : 2019/BP).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 12 tháng 6 năm 2019 và thay thế Quyết định số 82/2008/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về hạt điều xô, hạt điều lò tỉnh Bình Phước (QCĐP 1 : 2008/BP).

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ KH&CN;
- Bộ NN&PTNT;
- Cục KTVB (Bộ Tư pháp);
- TTTU, TT. HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh, UBMTTQVN tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Như Điều 3;
- LĐVP, các Phòng;
- Lưu: VT(Nga.QĐ48.03.5.19).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Trăm

 

QCĐP 1 : 2019/BP

QUY CHUẨN KỸ THUẬT ĐỊA PHƯƠNG VỀ HẠT ĐIỀU NGUYÊN LIỆU

Local technical regulation on cashew raw materials

Lời nói đầu

QCĐP 1 : 2019/BP do Ban soạn thảo sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về hạt điều xô, hạt điều lò tỉnh Bình Phước biên soạn, Sở Khoa học và Công nghệ trình duyệt, UBND tỉnh Bình Phước ban hành theo Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND ngày 28 tháng 5 năm 2019.

QCĐP 1 : 2019/BP thay thế cho QCĐP 1 : 2008/BP ban hành kèm theo Quyết định số 82/2008/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2008 của UBND tỉnh Bình Phước.

 

QUY CHUẨN KỸ THUẬT ĐỊA PHƯƠNG VỀ HẠT ĐIỀU NGUYÊN LIỆU

Local technical regulation on cashew raw materials

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về hạt điều nguyên liệu được quy định về chất lượng cho hạt điều lấy từ quả thực của cây điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chuẩn này được áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thu mua, vận chuyển, bảo quản dùng để sản xuất chế biến thực phẩm, ký kết hợp đồng với khách hàng trong mua bán hạt điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước và làm cơ sở cho các cơ quan Nhà nước thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Quả điều: Quả giả của cây điều. Là phần cuống phình to có hình trái lê, có màu đỏ, cam, vàng.

2. Hạt điều: Quả thực của cây điều, gồm: vỏ cứng, vỏ lụa và nhân hạt điều.

3. Vỏ cứng hạt điều: Là phần vỏ cứng bên ngoài hạt điều bao bọc nhân và vỏ lụa.

4. Vỏ lụa: là lớp vỏ sừng mỏng màu nâu đỏ được bao bọc nhân hạt điều.

5. Cuống hạt điều: Phần trái giả dính vào hạt điều có chiều dài lớn hơn 2 cm.

6. Hạt phế: Hạt teo, lép, sâu, không dùng để chế biến thực phẩm và được tận dụng trong chăn nuôi để chế biến thức ăn gia súc.

7. Hỗn tạp: Gồm các hạt teo, lép, sâu, cùi, cuống và các tạp chất khác như đất, đá, xi măng, kim loại, mảnh kính, tóc hoặc những thành phần gây hại khác bám vào hạt điều.

8. Hạt điều tươi: Là sản phẩm sau thu hoạch khi đã gở bỏ quả điều, cùi, cuống lấy phần hạt còn tươi và đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 4 Chương 2 của Quy chuẩn này.

9. Hạt điều thô, khô (hạt điều nguyên liệu dùng cho sản xuất, chế biến): Là hạt điều tươi đem phơi (sấy) khô và đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 5 Chương 2 của Quy chuẩn này.

10. Nhân hạt điều sống: Là phần nhân thu được của công đoạn sản xuất hạt điều sau khi tách vỏ cứng và được bao bọc dưới lớp vỏ lụa.

Chương II

QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

Điều 4. Hạt điều tươi

1. Độ ẩm của hạt điều tươi không được lớn hơn 17 % tính theo khối lượng.

2. Hạt điều tươi có lẫn hỗn tạp nhưng không được lớn hơn 5% tính theo khối lượng.

3. Số hạt điều tươi tính theo mỗi 01 kg không được lớn hơn 180 hạt.

4. Tỷ lệ nổi của hạt điều tươi không được lớn hơn 15% tính theo số hạt.

Điều 5. Hạt điều thô, khô

1. Độ ẩm của hạt điều thô, khô thành phẩm không được lớn hơn 11% tính theo khối lượng.

2. Hạt điều thô, khô thành phẩm có lẫn hỗn tạp nhưng không được lớn hơn 1% tính theo khối lượng.

3. Số hạt điều thô, khô tính theo mỗi 01 kg không được lớn hơn 200 hạt.

4. Tỷ lệ nổi của hạt điều thô, khô không được lớn hơn 17% tính theo số hạt.

5. Hạt điều thô, khô có tỷ lệ nhân hạt điều sống thu hồi không được nhỏ hơn 30% tính theo khối lượng.

Điều 6. Lấy mẫu

1. Lô hàng hạt điều được tiến hành lấy một lượng hạt điều ở cùng một cơ sở, nếu đã đóng gói thì được đóng gói trong cùng một loại bao bì.

2. Để kiểm tra các chỉ tiêu cảm quan, lý hóa và khối lượng tịnh, tiến hành lấy mẫu kiểm tra, số lượng mẫu lấy kiểm tra là 10% trọng lượng lô hàng. Lấy ngẫu nhiên ở bốn vị trí bất kỳ của lô hàng.

3. Chuẩn bị mẫu để xác định các chỉ tiêu:

Từ các bao được lấy mẫu, tiến hành mở từng bao hoặc lấy ở từng vị trí của đống hạt điều (nếu không đóng bao) và đổ lên mặt phẳng khô, sạch; trộn đều và lấy ra một lượng mẫu chung của cả lô khoảng 20 kg hoặc nhiều hơn nếu cần thiết. Trộn đều mẫu và chuẩn bị mẫu trung bình theo phương pháp chia tư. Mẫu trung bình được chia thành hai phần bằng nhau, một phần để xác định các chỉ tiêu, một phần để lưu làm đối chứng khi cần thiết. Mẫu được bảo quản trong túi nilon 2 lớp buộc kín.

Trong quá trình lấy mẫu nếu có hiện tượng khác thường như lẫn nhiều tạp chất nhìn thấy được hoặc nhiều hạt sâu, teo, lép hoặc hạt điều ướt như vừa mới ngâm nước thì tiến hành kiểm tra và lấy mẫu lại theo chế độ kiểm tra ngặt là lấy 20% khối lượng lô hàng.

Nếu tiến hành kiểm tra ngặt vẫn chưa thỏa mãn thì có thể lấy từng bao hay từng vị trí (nếu không đóng bao) để kiểm tra.

Điều 7. Cách xác định các chỉ tiêu

1. Xác định số hạt điều tính cho 01 kg

Sử dụng cân có độ chính xác đến 10 g. Cân chính xác 04 kg hạt điều từ mẫu thử rồi tiến hành đếm tổng số hạt.

Tính kết quả trung bình cho tổng số hạt/ 01 kg.

2. Xác định độ ẩm

Dùng máy đo độ ẩm hoặc các phương pháp khác thích hợp (chỉ áp dụng đối với các phòng thử nghiệm được công nhận).

3. Xác định cùi, cuống, hạt sâu, teo, lép và tạp chất

Sử dụng cân có độ chính xác đến 10 g. Cân chính xác 04 kg hạt điều từ mẫu thử rồi tiến hành bóc tất cả cùi, cuống, lau bằng vải mềm khô, sạch để loại bỏ các chất dính trên các hạt và đem cân.

Tính kết quả trung bình (% theo khối lượng) các loại cùi, cuống, hạt sâu, teo, lép và các tạp chất khác cho 01 kg.

4. Xác định tỷ lệ nổi

Lấy mẫu thử đem ngâm nước ở nhiệt độ nước là 20°C trong thời gian 2 phút.

Sau đó đếm tổng số hạt nổi và tính bình quân % tỷ lệ nổi theo tổng số hạt cho 01 kg.

5. Xác định nhân hạt điều sống

Sử dụng cân có độ chính xác đến 10 g. Cân chính xác 04 kg hạt điều từ mẫu thử rồi tiến hành bóc vỏ cứng được bao bọc dưới lớp vỏ lụa điều và đem cân.

Tính kết quả trung bình (% theo khối lượng) hạt điều nhân sống cho 01 kg nguyên liệu.

Chương III

GHI NHÃN, BAO GÓI, BẢO QUẢN VÀ VẬN CHUYỂN

Điều 8. Ghi nhãn

Trong quá trình bảo quản hạt điều nguyên liệu phải thể hiện các thông tin sau:

1. Tên sản phẩm;

2. Số lô, ký hiệu;

3. Ngày bảo quản;

4. Số lượng (khối lượng);

5. Ký hiệu cấp chất lượng (nếu có);

6. Tên và địa chỉ cơ sở sản xuất;

7. Một số yêu cầu ghi nhãn khác tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.

Điều 9. Bao gói

Vật liệu sử dụng bao gói hạt điều nguyên liệu phải đảm bảo không độc; không bị thôi nhiễm các chất độc hại; không han gỉ; không gây mùi lạ; ít bị mài mòn.

Điều 10. Bảo quản

Hạt điều nguyên liệu phải được bảo quản nơi khô ráo, sạch sẽ, tránh nhiệt độ cao.

Kho bảo quản phải kín, khô ráo, sạch sẽ, không có mùi lạ, không có côn trùng, động vật gặm nhấm.

Thời gian bảo quản: 18 tháng kể từ ngày thu mua.

Điều 11. Vận chuyển

Hạt điều nguyên liệu được vận chuyển bằng các phương tiện khô sạch, kín, không có mùi lạ, không bị gỉ, sét.

Chương IV

QUY ĐỊNH VỀ AN TOÀN, VỆ SINH, MÔI TRƯỜNG

Điều 12. Tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến nhân hạt điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước phải thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh, môi trường theo quy định tại QCVN 01-27:2010 “Nhân hạt điều - Các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm”; QCVN 01-08:2009 “Cơ sở chế biến điều - Điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” hoặc các văn bản mới nhất thay thế, đồng thời phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho chế biến hạt điều do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Chương V

CÔNG BỐ HỢP QUY

Điều 13. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hạt điều quy định tại Điều 2 Chương 1 của Quy chuẩn này phải thực hiện công bố hợp quy tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 14. Hoạt động công bố hợp quy phải đáp ứng các yêu cầu về công bố hợp quy theo quy định hiện hành.

Chương VI

GIÁM SÁT, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 15. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các Sở, Ban ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chuẩn này theo phân công, phân cấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 16. Việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm phải tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành.

Chương VII

TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 17. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hạt điều quy định tại Điều 2 Chương 1 của Quy chuẩn này phải công bố sản phẩm, hàng hóa phù hợp với Quy chuẩn này; bảo đảm sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật đã công bố.

Điều 18. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Quy chuẩn này.

Điều 19. Trong trường hợp các quy định tại Quy chuẩn này có sự thay đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo quy định nêu tại văn bản mới do UBND tỉnh hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Điều 20. Căn cứ vào yêu cầu quản lý về hạt điều, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm kiến nghị UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn này./.