Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2012/QĐ-UBND

Hà Nam, ngày 24 tháng 8 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG VÀ LỄ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;

Căn cứ Quyết định số 39/2001/QĐ-BVHTT ngày 23 tháng 8 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về việc ban hành Quy chế tổ chức lễ hội;

Căn cứ Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21 tháng 01 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam tại Tờ trình số 44/TTr-SVHTTDL ngày 20 tháng 6 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Hà Nam”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 89/2000/QĐ-UB ngày 21 tháng 01 năm 2000 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Nam.

Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thủ trưởng các Sở, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- VPCP, Bộ VHTT&DL (để báo cáo);
- Cục KTVB - Bộ Tư pháp (để báo cáo);
- TT Tỉnh uỷ (để b/c);
- Chủ tịch, các PCTUBND tỉnh;
- Như Điều 2;
- VPUB: CPVP, VX;
- Website Hà Nam, TTCB;
- Lưu VT, VX.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Mai Tiến Dũng

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG VÀ LỄ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM
(Ban hành kèm theo QĐ số 17/2012/QĐ-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Văn bản này quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các cá nhân, gia đình, cộng đồng dân cư, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, tổ chức chính trị xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang (Quân đội nhân dân và Công an nhân dân) tham gia vào việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục I. TỔ CHỨC VIỆC CƯỚI

Điều 3. Nguyên tắc chung

1. Thực hiện việc cưới theo đúng Luật hôn nhân và gia đình, pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch và các quy định pháp luật khác có liên quan: Hôn nhân tự nguyện và tiến bộ; một vợ một chồng; nam nữ bình đẳng; cấm tảo hôn; cưỡng ép hôn nhân; cấm thách cưới; cấm đầu tư trục lợi trong việc cưới. Kiên quyết đấu tranh bài trừ mê tín dị đoan trong hôn nhân.

2. Việc cưới phải được tổ chức lành mạnh, văn minh, tiết kiệm và phù hợp với truyền thống văn hoá địa phương, thể hiện vẻ đẹp văn hoá của cộng đồng.

Điều 4. Lễ đăng ký và trao giấy chứng nhận kết hôn

1. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức việc đăng ký kết hôn.

2. Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và cán bộ tư pháp- hộ tịch chủ trì và trực tiếp trao giấy chứng nhận kết hôn cho đôi nam nữ. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm bố trí hội trường trang trọng lịch sự phục vụ cho buổi trao, nhận giấy đăng ký kết hôn. Trang trí nơi tổ chức phải có quốc huy. Trong buổi trao giấy chứng nhận kết hôn đôi nam nữ có mời đại diện hai bên gia đình và người thân tới dự, không tổ chức ăn uống.

3. Lễ trao giấy chứng nhận kết hôn phải được thực hiện nghiêm túc, trang trọng, tạo được ấn tượng tốt đẹp trong ngày vui của gia đình.

Điều 5. Tổ chức việc cưới

1. Các thủ tục mang tính phong tục như: chạm ngõ, lễ hỏi, xin dâu tổ chức đơn giản, gọn nhẹ.

2. Lễ cưới

a. Tổ chức việc cưới phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Trường hợp tổ chức ăn uống cần tiết kiệm, và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cấm phô trương.

b. Trang trí lễ cưới giản dị, không rườm rà; trang phục cô dâu, chú rể phải lịch sự, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc.

c. Địa điểm tổ chức đám cưới do hai gia đình lựa chọn; thời gian tổ chức tiệc cưới không làm ảnh hưởng đến thời gian lao động của nhà nước; chỉ mời khách dự tiệc cưới trong phạm vi gia đình, họ tộc thân thích, bạn bè và đồng nghiệp thân thiết.

d. Cấm tổ chức hoặc tham gia đánh bạc tại lễ cưới dưới mọi hình thức.

e. Không làm cản trở giao thông.

f. Âm nhạc trong lễ cưới phải vui tươi, lành mạnh, âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam theo Quyết định số 2351/1998/QĐ-BKHCNMT ngày 05 tháng 12 năm 1998 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ); không được mở nhạc sau 22 giờ đêm và trước 6 giờ sáng.

Điều 6. Khuyến khích thực hiện các hình thức

1. Báo hỷ

2. Tổ chức tiệc trà; không sử dụng thuốc lá

3. Cơ quan đoàn thể đứng ra tổ chức lễ cưới

4. Cô dâu, chú rể, và gia đình đặt hoa tại đài tưởng niệm liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, di tích lịch sử văn hóa; thắp hương ở nhà thờ họ (nếu có).

5. Trường hợp hàng xóm có việc tang, gia đình có việc cưới tổ chức theo hình thức thích hợp, đảm bảo thuần phong, mỹ tục và sự đoàn kết láng giềng.

Mục II. TỔ CHỨC VIỆC TANG

Điều 7. Tổ chức việc tang

1. Việc tổ chức tang lễ phải trang nghiêm chu đáo.

2. Gia đình có người qua đời trong bất cứ trường hợp nào đều phải báo kịp thời với chính quyền địa phương.

3. Người qua đời phải được nhập quan trong vòng 10 tiếng đồng hồ; được chôn cất hoặc hỏa táng trong vòng 48 tiếng đồng hồ kể từ khi qua đời. Trường hợp đặc biệt cần để lâu hơn thời gian trên, thi hài phải được quản tại phòng lạnh của bệnh viện hoặc nhà tang lễ.

4. Trường hợp người qua đời vì dịch bệnh, gia đình phải tuyệt đối tuân thủ theo sự hướng dẫn của cơ quan y tế, không được để quá 24 tiếng đồng hồ. Những người qua đời đột ngột không rõ nguyên nhân hoặc có dấu hiệu tội phạm phải được cơ quan chức năng khám nghiệm tử thi theo quy định của pháp luật trước khi khâm niệm. Trường hợp người qua đời ở nơi khác (ngoài đường, sông nước...) nếu đã đưa về gia đình được bảo quản tại nhà hoặc ở nơi thích hợp, đảm bảo không cản trở giao thông. Việc chôn cất người qua đời thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định số 35/2008/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang.

5. Xóa bỏ các hủ tục mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu như: yểm bùa, trừ tà, lăn đường, khóc mướn, gọi hồn...

6. Cấm tổ chức hoặc tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức.

7. Các nghi thức cúng 3 ngày, 7 ngày, 49 ngày, 100 ngày; giỗ đầu, giỗ đoạn tang, cải tang chỉ thực hiện trong ngày và trong nội bộ gia đình, dòng họ.

Điều 8. Ban tổ chức lễ tang

1. Đối với người qua đời là lãnh đạo cấp cao thì Ban tang lễ được thành lập theo những quy định của Nhà nước.

2. Đối với người qua đời là cán bộ công chức nghỉ hưu hoặc nhân dân: Đại diện chính quyền địa phương cùng gia đình thành lập Ban tổ chức lễ tang gồm: Trưởng thôn, tổ trưởng dân phố làm trưởng ban, đại diện các tổ chức đoàn thể ở thôn, tổ dân phố và gia đình là thành viên.

3. Lễ tang đối với cán bộ công chức, viên chức thực hiện theo Nghị định số 62/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2001 của Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức lễ tang đối với cán bộ công chức, viên chức nhà nước khi từ trần.

4. Lễ tang đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng đương chức và nghỉ hưu được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 114/2005/TTLT/BQP- BNV ngày 01 tháng 8 năm 2005 của Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện lễ tang đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng hy sinh, từ trần.

5. Nếu người qua đời không có gia đình hoặc không có người thân thích thì chính quyền địa phương chịu trách nhiệm tổ chức tang lễ.

Điều 9. Tang phục

1. Tang phục giản dị, gọn gàng, có thể dùng trang phục truyền thống hoặc trang phục màu đen.

2. Việc treo cờ trong tang lễ thực hiện theo truyền thống của địa phương, chỉ treo cờ tang tại địa điểm tổ chức lễ tang.

3. Người đến viếng hoặc đưa tang mặc trang phục gọn gàng lịch sự, phù hợp với hoàn cảnh.

Điều 10. Lễ viếng và đưa tang

1. Khâm niệm và nhập quan

a. Gia đình có người qua đời phải vệ sinh, tẩy uế sạch sẽ đồ dùng, giường nằm của người qua đời.

b. Khi khâm niệm xóa bỏ các hủ tục: phạt mộc, hú hồn, tống tiễn, yểm bùa. Không đưa thi hài vào nhà thờ, đình, đền, chùa để làm lễ.

c. Việc quàn ướp thi hài thực hiện theo Thông tư số 02/2009/TT- BYT ngày 26 tháng 5 năm 2009 của Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng.

2. Lễ viếng

a. Tổ chức lễ viếng phải đảm bảo văn minh lịch sự, theo sự điều hành của Ban tổ chức lễ tang.

b. Không phúng viếng linh đình, phô trương, lãng phí. Không phúng viếng bằng thức ăn chín. Khuyến khích viếng vòng hoa chỉ dành cho tập thể.

c. Các vị chức sắc tôn giáo được đến làm lễ tại gia đình tang chủ thời gian không quá 45 phút.

3. Nhạc tang

- Không cử nhạc tang trước 6 giờ sáng và sau 22 giờ đêm; âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam thực hiện tại bản tiêu chuẩn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 2351/1998/QĐ- BKHCNMT ngày 05 tháng 12 năm 1998 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ).

- Trường hợp người qua đời theo một tôn giáo, trong lễ tang được sử dụng nhạc tang của tôn giáo đó; không sử dụng các nhạc khúc không phù hợp trong lễ tang;

4. Đưa tang

a. Khi đưa tang phải đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

b. Hạn chế việc rắc vàng mã trên đường. Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang.

5. Hạ huyệt, đắp mồ

a. Người qua đời phải được chôn cất trong nghĩa trang. Trường hợp những nơi chưa xây được nghĩa trang, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn nhân dân tổ chức chôn cất phù hợp với quy hoạch của địa phương.

b. Đào huyệt sâu ít nhất 1,5m

c. Khuyến khích hình thức hỏa táng, điện táng, hung táng một lần vào khu vực nghĩa trang đã được quy hoạch.

Mục III. LỄ HỘI

Điều 11. Việc tổ chức lễ hội phải đảm bảo mục đích, yêu cầu sau:

1. Tưởng nhớ công đức các nhân vật lịch sử, văn hóa, các bậc tiền bối đã có công với dân, với nước.

2. Giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương về lịch sử, văn hóa trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội.

3. Tham quan, thưởng ngoạn, nghiên cứu các giá trị văn hóa thông qua các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các công trình kiến trúc nghệ thuật nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục tập quán tốt đẹp của các địa phương trong tỉnh.

4. Tổ chức vui chơi, giải trí lành mạnh, giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ.

5. Thực hiện đúng quy chế tổ chức lễ hội ban hành kèm theo Quyết định số 39/2001/QĐ-BVHTT ngày 23 tháng 8 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21 tháng 01 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Điều 12. Quản lý và tổ chức lễ hội:

1. Lễ hội dân gian:

- Uỷ ban nhân dân tỉnh định kỳ tổ chức 5 năm một lần đối với Lễ hội Tịch Điền (Đọi Sơn - Duy Tiên), Lễ hội đền Trần Thương (Nhân Đạo - Lý Nhân)...

- Uỷ ban nhân dân cấp huyện quản lý và tổ chức định kỳ 5 năm một lần đối với các lễ hội diễn ra tại các di tích cấp quốc gia. Những năm còn lại do Uỷ ban nhân dân cấp xã tổ chức theo hướng dẫn của Phòng Văn hóa và Thông tin.

- Uỷ ban nhân dân cấp xã quản lý và tổ chức định kỳ 3 năm một lần đối với các lễ hội diễn ra tại các di tích cấp tỉnh và các lễ hội khác theo hướng dẫn của Phòng Văn hóa và Thông tin.

2. Lễ hội tôn giáo: do tổ chức giáo hội hoặc chức sắc chủ trì phải thực hiện theo quy định của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo số 21/2004/PL-UBTVQH11 ngày 18 tháng 6 năm 2004 và Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.

Ban tổ chức lễ hội tôn giáo do Giáo hội quyết định trên cơ sở có sự thống nhất với chính quyền địa phương.

Nghi thức lễ hội tôn giáo phải có sự hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo và cơ quan quản lý văn hóa ở địa phương.

3. Lễ hội lịch sử cách mạng, kháng chiến, những ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, của tỉnh, của ngành, của huyện, của địa phương được tổ chức nhằm tôn vinh những danh nhân, sự kiện lịch sử, cách mạng; lễ hội văn hoá, thể thao và du lịch...tổ chức theo chỉ đạo của Chính phủ và Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Tổ chức các Lễ đón nhận các danh hiệu cao quý của Nhà nước trao tặng và các ngày lễ kỷ niệm...chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải thực hiện đúng quy định tại Nghị định 154/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2004 của Chính phủ về Nghi thức Nhà nước trong tổ chức lễ mít tinh, lễ kỷ niệm, trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước, Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

4. Lễ hội du nhập từ nước ngoài.

Điều 13: Việc tổ chức các lễ hội nếu thuộc một trong các trường hợp sau phải xin phép Uỷ ban nhân dân tỉnh.

1. Các lễ hội phải xin phép

a. Lễ hội được tổ chức lần đầu;

b. Lễ hội được tổ chức sau nhiều năm gián đoạn;

c. Lễ hội đã được tổ chức định kỳ nhưng có thay đổi về nội dung, thời gian, địa điểm so với truyền thống;

d. Lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam do người nước ngoài hoặc người Việt Nam tổ chức;

e. Lễ hội tôn giáo vượt ra ngoài khuôn viên cơ sở thờ tự hoặc ở trong khuôn viên cơ sở thờ tự nhưng chưa đăng ký tổ chức hàng năm theo quy định tại Nghị định số 26/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 1999 của Chính phủ về các hoạt động tôn giáo.

2. Thủ tục cấp giấy phép tổ chức lễ hội: Cơ quan, tổ chức muốn tổ chức lễ hội tại khoản 1 Điều này, phải gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tới Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Hồ sơ xin phép tổ chức phải gửi tới Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trước khi mở lễ hội ít nhất 30 ngày.

Điều 14. Các lễ hội không phải xin cấp giấy phép:

Những lễ hội sau đây khi tổ chức không phải xin phép, nhưng trước khi tổ chức phải báo cáo bằng văn bản với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo hướng dẫn của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch:

1. Lễ hội dân gian đã được tổ chức thường xuyên, liên tục, định kỳ; lễ hội văn hoá du lịch.

2. Lễ hội quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 1 Điều 13 tại Quy định này được tổ chức từ lần thứ hai trở đi.

Điều 15. Trách nhiệm của người tổ chức và tham gia vào lễ hội

1. Tất cả các lễ hội khi tổ chức đều phải thành lập Ban tổ chức lễ hội. Ban tổ chức lễ hội được thành lập theo quyết định của chính quyền cấp tổ chức lễ hội, trừ trường hợp lễ hội du nhập từ nước ngoài do người nước ngoài tổ chức quy định tại điểm d Điều 13 Quy định này. Ban tổ chức xây dựng kế hoạch hoạt động lễ hội và điều hành toàn bộ lễ hội theo kế hoạch.

2. Trong khu vực lễ hội, cờ Tổ quốc phải được treo nơi trang trọng, cao hơn cờ hội, cờ tôn giáo. Cờ hội, cờ tôn giáo chỉ được treo tại địa điểm lễ hội và trong thời gian tổ chức lễ hội.

3. Nghi thức lễ hội phải được tiến hành trang trọng phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc, có sự hướng dẫn của cơ quan nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch có thẩm quyền;

4. Tổ chức, cá nhân khi tổ chức lễ hội hoặc tham gia lễ hội phải thực hiện đúng nội quy, quy định của Ban tổ chức; trang phục đẹp, lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục; không nói tục, xúc phạm tâm linh và ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội; không gây mất trật tự, an ninh khi dự lễ hội; không đốt pháo, không đốt và thả đèn trời; ứng xử có văn hoá trong hoạt động lễ hội; giữ gìn vệ sinh môi trường lễ hội…Kết thúc lễ hội sau 15 ngày phải có báo cáo tổng kết lễ hội gửi về cơ quan cấp phép mở lễ hội.

5. Không được bán vé vào dự lễ hội. Trong lễ hội được ghi phiếu công đức và đặt hòm công đức. Những khu vực tổ chức trò chơi, biểu diễn nghệ thuật, hội chợ, trưng bày triển lãm trong khu vực lễ hội thì được bán vé cho các hoạt động đó; giá vé thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính;

6. Thời gian tổ chức lễ hội không quá 3 ngày. Trong quá trình tổ chức lễ hội nếu phát hiện dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoặc an ninh, trật tự có thể gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội ở địa phương thì Uỷ ban nhân dân địa phương xem xét và quyết định chấm dứt lễ hội.

7. Việc kinh doanh văn hoá phẩm trong lễ hội phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Việc chụp ảnh, ghi hình mang tính kinh doanh phải có giấy phép và thực hiện theo quy định về kinh doanh dịch vụ văn hoá của Nhà nước.

Điều 16. Nghiêm cấm các hành vi sau đây tại nơi tổ chức lễ hội:

1. Lợi dụng lễ hội để tuyên truyền trái pháp luật, gây mất trật tự an ninh, chia rẽ đoàn kết dân tộc; tổ chức các hoạt động chống phá nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Lợi dụng lễ hội để xâm hại di tích, tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan, truyền bá, tán phát ấn phẩm của các tà đạo và phục hồi hủ tục (xem số, gọi hồn, sấm truyền, yểm bùa, trừ tà...) trái với thuần phong mỹ tục và các quy định của Nhà nước.

3. Tự ý đấu thầu dịch vụ, thu tiền trái phép với quy định ở các di tích tổ chức lễ hội.

4. Dùng tiền công quỹ, công đức, hiện vật công đức để biếu tặng trong các ngày kỉ niệm, lễ tết.

5. Tổ chức đánh bạc dưới mọi hình thức.

6. Tổ chức các dịch vụ sinh hoạt ăn nghỉ và dịch vụ tín ngưỡng trong khu vực nội tự; đốt đồ mã.

Điều 17. Khuyến khích các hoạt động lễ hội:

1. Tổ chức giới thiệu ý nghĩa truyền thống lịch sử của lễ hội, giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bồi dưỡng lòng yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam;

2. Tưởng nhớ công đức của ông cha, ghi nhận công lao của các bậc tiền bối trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc;

3. Tổ chức các trò chơi dân gian, trò chơi mới và các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao có nội dung bổ ích, lành mạnh, phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội;

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Tổ chức thực hiện

1. Các cá nhân, gia đình, cộng đồng dân cư, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, tổ chức chính trị xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang (Quân đội nhân dân và Công an nhân dân) trên địa bàn tỉnh Hà Nam có trách nhiệm thực hiện tốt quy định này.

2. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh xây dựng kế hoạch và triển khai quán triệt, tổ chức thực hiện tốt trong cơ quan, đơn vị.

3. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ Quy định này xây dựng kế hoạch triển khai cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tới toàn thể nhân dân ở địa phương; gắn việc thực hiện với việc đánh giá việc duy trì, phát huy danh hiệu Làng, Khu dân cư văn hóa hàng năm.

4. Các Sở, ngành: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và truyền thông, Báo Hà Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức tuyên truyền sâu rộng, phát hiện, cổ vũ, động viên những mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong việc thực hiện Quy định; phê phán các biểu hiện tiêu cực, hành vi vi phạm Quy định.

5. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch định kỳ hàng năm theo dõi, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Quy định này. Tham mưu với Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm từ những địa phương, đơn vị làm tốt để nhân ra diện rộng.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 17/2012/QĐ-UBND quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Hà Nam

  • Số hiệu: 17/2012/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/08/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam
  • Người ký: Mai Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản