Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 62/2001/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 12 tháng 9 năm 2001

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 62/2001/NĐ-CP NGÀY 12 THÁNG 9 NĂM 2001 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC LỄ TANG ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC KHI TỪ TRẦN

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này bản Quy chế tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước khi từ trần.

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Quy chế này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

QUY CHẾ
TỔ CHỨC LỄ TANG ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC KHI TỪ TRẦN
(Ban hành kèm theo Nghị định số 62/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2001 của Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định việc tổ chức lễ tang đối với cán bộ cấp cao đương chức, thôi giữ chức và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu khi từ trần.

Điều 2. Việc tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước khi từ trần là thể hiện sự trân trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với công lao, cống hiến của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong quá trình hoạt động cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước cần được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống của dân tộc và nếp sống văn minh.

Chương 2:

LỄ QUỐC TANG

Điều 3. Các đồng chí đang giữ chức hoặc thôi giữ chức đối với các chức vụ sau đây khi từ trần được tổ chức lễ Quốc tang

1. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng;

2. Chủ tịch nước;

3. Thủ tướng Chính phủ;

4. Chủ tịch Quốc hội.

Điều 4. Các cơ quan sau đây đứng tên ra thông cáo về lễ Quốc tang

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;

2. Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

3. Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

4. Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

5. Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Điều 5. Ban Lễ tang Nhà nước và Ban Tổ chức lễ tang

1. Ban Lễ tang Nhà nước do Bộ Chính trị quyết định, có từ 25 đến 30 thành viên đại diện cho Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể Trung ương, cơ quan nơi đồng chí từ trần công tác, đại diện lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quê hương của đồng chí từ trần.

2. Trưởng Ban Lễ tang Nhà nước là đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc đồng chí Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Ban Tổ chức lễ tang do Bộ Chính trị quyết định, có từ 15 đến 20 thành viên đại diện cho các Bộ, Ban, ngành ở Trung ương và địa phương quê hương của đồng chí từ trần, có nhiệm vụ giúp việc cho Ban Lễ tang Nhà nước.

4. Trưởng Ban Tổ chức lễ tang là một đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ.

Điều 6. Lời điếu và lời cảm ơn

Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và cơ quan chủ quản của đồng chí từ trần soạn thảo: Thông cáo về lễ Quốc tang; tiểu sử đồng chí từ trần; thông báo về lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng; lời điếu và lời cảm ơn, có ý kiến đóng góp của gia đình và được Ban Lễ tang Nhà nước thông qua.

Điều 7. Đưa tin về lễ Quốc tang

1. Báo Nhân dân, báo Quân đội nhân dân, báo Công an nhân dân, báo Hà Nội mới, báo Sài Gòn giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin về lễ Quốc tang, gồm: Thông cáo; danh sách Ban Lễ tang Nhà nước; tiểu sử, ảnh đồng chí từ trần; nghi thức cả nước để tang; thông báo về lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng, lời cảm ơn của Ban Lễ tang.

2. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin và truyền hình trực tiếp lễ truy điệu và lễ an táng.

Điều 8. Thời gian tổ chức lễ Quốc tang là 02 ngày. Trong thời gian này các cơ quan, công sở trong phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài treo cờ rủ, có dải băng tang, ngừng tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng.

Điều 9. Nơi tổ chức lễ tang và nơi an táng

1. Lễ Quốc tang tổ chức tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội (nếu từ trần tại Hà Nội) hoặc Nhà tang lễ Viện Quân y 175, thành phố Hồ Chí Minh (nếu từ trần tại thành phố Hồ Chí Minh).

2. An táng tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội; nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh hoặc nghĩa trang khác theo nguyện vọng của gia đình.

3. Trong trường hợp gia đình có nguyện vọng hoả táng hoặc an táng tại quê nhà, Ban Tổ chức lễ tang có trách nhiệm tổ chức chu đáo theo quy định tại các Điều 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16 và 17 Chương II của Quy chế này.

Điều 10. Trang trí lễ đài và túc trực bên linh cữu

1. Lễ đài trang trí phông nền đen, trên đó treo quốc kỳ có dải băng tang, ảnh đồng chí từ trần và dòng chữ trắng "Vô cùng thương tiếc đồng chí ...".

2. Bàn thờ đặt chính giữa phông, dưới lễ đài, có lư hương và gối huân chương; hai bên bàn thờ đặt cố định 06 vòng hoa tiêu biểu.

3. Linh cữu phủ quốc kỳ, đặt trên bệ ở chính giữa lễ đài, đầu hướng về phía bàn thờ.

4. Ban Tổ chức lễ tang phân công các cán bộ cao cấp đứng túc trực khi các đoàn cấp cao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến viếng.

5. Trong quá trình tiến hành lễ viếng, tại phòng lễ tang có 04 sĩ quan quân đội mặc lễ phục đứng túc trực 04 góc cạnh linh cữu; 06 chiến sĩ tiêu binh đứng túc trực giữa phòng dưới lễ đài và có đội quân nhạc phục vụ lễ viếng, lễ truy điệu, lễ đưa tang.

Điều 11. Vòng hoa trong lễ viếng

1. Ban Tổ chức lễ tang chuẩn bị 06 vòng hoa tiêu biểu, có băng vải đỏ chữ vàng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình, đặt cố định hai bên bàn thờ.

2. Ban Tổ chức lễ tang chuẩn bị 20 vòng hoa luân chuyển. Các đoàn đến viếng mang theo băng vải đen, kích thước 1,2m x 0,2m, ghi dòng chữ trắng: "Vô cùng thương tiếc đồng chí ...", dưới có dòng chữ nhỏ ghi tên cơ quan, tổ chức để gắn vào vòng hoa do Ban Tổ chức lễ tang chuẩn bị.

Điều 12. Lễ viếng

1. Ban Tổ chức lễ tang sắp xếp các đoàn vào viếng.

2. Khi viếng, các đoàn đi theo đội hình: 01 sĩ quan quân đội dẫn viếng đi đầu, sau đó là 02 chiến sĩ đưa vòng hoa, tiếp theo là Trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn viếng đi theo hai hàng dọc.

3. Viếng xong, Trưởng đoàn ghi sổ tang.

4. Người đến viếng gắn băng tang nhỏ màu đen trên ngực.

5. Trong quá trình viếng, phát băng nhạc bài "Hồn tử sĩ".

Điều 13. Tổ chức cho các đoàn nước ngoài đến viếng

1. Ban Tổ chức lễ tang tổ chức cho các đoàn đại biểu từ nước ngoài đến, các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các cơ quan, cá nhân nước ngoài khác (sau đây gọi chung là các đoàn nước ngoài) có nguyện vọng đến viếng và ký sổ tang theo quy định tại Điều 12 Chương II của Quy chế này.

2. Bộ Ngoại giao hướng dẫn các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài lập bàn thờ, tiếp đón các tổ chức, cá nhân người Việt Nam, người nước ngoài đến viếng và ký sổ tang.

Điều 14. Lễ truy điệu

1. Thành phần dự lễ truy điệu gồm: Ban Lễ tang Nhà nước, Ban Tổ chức lễ tang, gia đình và đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương nơi đồng chí từ trần đã và đang công tác.

2. Vị trí các đoàn dự lễ truy điệu:

Gia đình đứng phía trái phòng lễ tang (theo hướng nhìn lên lễ đài);

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đứng phía phải phòng lễ tang (theo hướng nhìn lên lễ đài);

Các đoàn đại biểu Ban, ngành, đoàn thể, lực lượng túc trực và đội quân nhạc đứng theo sắp xếp của Ban Tổ chức lễ tang.

3. Chương trình truy điệu:

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức lễ tang tuyên bố mở đầu lễ truy điệu

Quân nhạc cử Quốc thiều;

Đồng chí Trưởng Ban lễ tang Nhà nước đọc lời điếu;

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang tuyên bố bắt đầu mặc niệm;

Khi mặc niệm, quân nhạc cử bài "Hồn tử sĩ";

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức lễ tang tuyên bố kết thúc mặc niệm và lễ truy điệu.

4. Cùng thời gian diễn ra lễ truy điệu ở Trung ương, lãnh đạo địa phương quê hương của đồng chí từ trần tổ chức lễ truy điệu tại địa phương.

Điều 15. Lễ đưa tang

1. Thành phần dự lễ đưa tang như thành phần dự lễ truy điệu (khoản 1Điều 14 Chương II của Quy chế này).

2. Lực lượng phục vụ của Bộ Quốc phòng thực hiện việc chuyển linh cữu, hoa từ phòng lễ tang lên xe tang và từ xe tang vào phần mộ theo nghi thức quân đội.

3. Khi di chuyển linh cữu từ phòng lễ tang lên xe tang và từ xe tang vào phần mộ: 03 chiến sĩ mang Quốc kỳ, ảnh, gối huân chương đi trước; các thành viên trong Ban Lễ tang đi hai hàng bên linh cữu; các thành viên khác và gia đình đi phía sau linh cữu.

Điều 16. Lực lượng và phương tiện phục vụ đưa tang

1. Lực lượng phục vụ lễ đưa tang do Bộ Quốc phòng chuẩn bị, gồm: Đội danh dự 3 quân chủng: 60 chiến sĩ; Đội quân kỳ; 01 sĩ quan chỉ huy; Đội chiến sĩ làm nhiệm vụ di chuyển linh cữu và hoa.

2. Đội xe phục vụ lễ đưa tang do Bộ Quốc phòng chuẩn bị, gồm: 01 xe kéo linh cữu (linh xa); 01 xe quân kỳ, ảnh, gối huân chương; 03 xe chở đội danh dự của 3 quân chủng và 01 xe hoa.

3. Linh cữu phủ quốc kỳ đặt trong hòm kính để trên xe kéo pháo.

Điều 17. Lễ hạ huyệt

1. Sau khi các chiến sĩ di chuyển linh cữu vào vị trí phần mộ, Trưởng Ban Tổ chức lễ tang tuyên bố lễ hạ huyệt.

2. Đội công tác làm nhiệm vụ hạ huyệt.

3. Trưởng Ban Tổ chức lễ tang mời các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gia đình bỏ nắm đất đầu tiên và đi quanh phần mộ vĩnh biệt lần cuối;

4. Đội công tác tiếp tục hoàn chỉnh phần mộ.

5. Trong khi tiến hành lễ hạ huyệt, quân nhạc cử bài "Hồn tử sĩ".

Điều 18. Xây mộ và chi phí

1. Mộ xây bằng đá granite, có kích thước theo quy định hiện hành.

2. Chi phí xây mộ và phục vụ lễ tang do ngân sách nhà nước cấp.

Chương 3:

LỄ TANG CẤP NHÀ NƯỚC

Điều 19. Các đồng chí đang giữ chức hoặc thôi giữ chức đối với các chức vụ sau đây khi từ trần được tổ chức lễ tang cấp Nhà nước

1. Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng;

2. Phó Chủ tịch nước;

3. Phó Thủ tướng Chính phủ;

4. Phó Chủ tịch Quốc hội;

5. Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

6. Chánh án Toà án nhân dân tối cao;

7. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

8. Đại tướng, Thượng tướng các lực lượng vũ trang.

Trong trường hợp đồng chí có chức danh trên bị kỷ luật, việc tổ chức lễ tang do Bộ Chính trị quyết định.

Điều 20: Đứng tên đưa tin buồn

Tùy theo cương vị của đồng chí từ trần, lấy danh nghĩa của tất cả hoặc một số tổ chức sau đây và gia đình đưa tin buồn:

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;

2. Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

3. Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

4. Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

5. Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Điều 21. Ban Lễ tang và Ban Tổ chức lễ tang

1. Ban Lễ tang do Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định, có từ 20 đến 25 thành viên đại diện cho Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan đã hoặc đang công tác và địa phương quê hương của đồng chí từ trần.

2. Trưởng Ban Lễ tang là một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị; Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ.

3. Ban Tổ chức lễ tang do Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định, có từ 10 đến 15 thành viên có nhiệm vụ giúp việc cho Ban Lễ tang.

Điều 22. Lời điếu và lời cảm ơn

Việc chuẩn bị lời điếu, lời cảm ơn thực hiện theo quy định tại Điều 6 Chương II của Quy chế này.

Điều 23. Đưa tin về lễ tang

Báo Nhân dân, báo Quân đội nhân dân, báo Công an nhân dân, báo Hà Nội mới, báo Sài Gòn giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin buồn; tiểu sử và ảnh đồng chí từ trần; thông báo về lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng và lời cảm ơn của Ban Lễ tang.

Điều 24. Nơi tổ chức lễ tang và nơi an táng

Thực hiện theo quy định tại Điều 9 Chương II của Quy chế này.

Điều 25. Trang trí lễ đài và túc trực bên linh cữu

1. Lễ đài trang trí phông nền đen, trên đó gắn ảnh đồng chí từ trần và dòng chữ trắng "Vô cùng thương tiếc đồng chí ...".

2. Bàn thờ đặt trước và chính giữa phông, dưới lễ đài; có lư hương và gối huân chương; hai bên bàn thờ đặt 06 vòng hoa tiêu biểu.

3. Linh cữu phủ quốc kỳ, đặt trên bệ ở chính giữa lễ đài, đầu hướng về phía bàn thờ.

4. Bàn thờ nhỏ đặt phía dưới, có bát hương để Trưởng đoàn các đoàn viếng thắp hương.

5. Ban Tổ chức lễ tang phân công các cán bộ cơ quan chủ quản nơi đồng chí từ trần đã hoặc đang công tác đứng túc trực bên linh cữu khi có các đoàn cấp cao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến viếng.

6. Trong quá trình tiến hành lễ viếng, tại phòng lễ tang có 04 sĩ quan quân đội mặc lễ phục đứng túc trực 04 góc cạnh linh cữu và có đội quân nhạc phục vụ lễ viếng, lễ truy điệu, lễ đưa tang.

Điều 26. Vòng hoa trong lễ viếng

1. Ban Tổ chức lễ tang chuẩn bị 06 vòng hoa tiêu biểu, có băng vải đỏ chữ vàng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình, đặt cố định hai bên bàn thờ.

2. Ban Tổ chức lễ tang chuẩn bị 15 vòng hoa luân chuyển. Các đoàn đến viếng mang theo băng vải đen, kích thước 1,2m x 0,2m, ghi dòng chữ trắng: "Vô cùng thương tiếc đồng chí ...", dưới có dòng chữ nhỏ ghi tên cơ quan, tổ chức để gắn vào vòng hoa do Ban Tổ chức lễ tang chuẩn bị.

Điều 27. Lễ viếng; lễ truy điệu; lễ đưa tang; lực lượng và phương tiện phục vụ lễ đưa tang; lễ hạ huyệt; xây mộ và chi phí đối với lễ tang cấp Nhà nước thực hiện theo quy định tại các Điều 12, 14, 15, 16, 17 và 18 Chương II của Quy chế này.

Điều 28. Tổ chức cho các đoàn nước ngoài đến viếng

1. Ban Tổ chức lễ tang tổ chức cho các đoàn nước ngoài đến viếng theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Chương II của Quy chế này.

2. Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài không tổ chức lễ viếng.

Chương 4:

LỄ TANG CẤP CAO

Điều 29. Cán bộ cấp cao đương chức, thôi giữ chức thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng quản lý (trừ các chức danh quy định tại Điều 3 và Điều 19 Chương II của Quy chế này); các nhà hoạt động xã hội, văn hoá, khoa học tiêu biểu có Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên đang công tác hoặc đã nghỉ hưu khi từ trần được tổ chức lễ tang cấp cao.

Trong trường hợp người có chức danh trên bị kỷ luật, việc tổ chức lễ tang do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định.

Điều 30. Đưa tin buồn

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng và cơ quan đã hoặc đang trực tiếp quản lý đồng chí từ trần đứng tên đưa tin buồn đối với các chức danh là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

2. Các chức danh còn lại do cơ quan đã hoặc đang trực tiếp quản lý người từ trần; cấp uỷ, chính quyền địa phương quê hương hoặc nơi cư trú của người từ trần đứng tên đưa tin buồn.

3. Tin buồn đăng trên báo Nhân dân và Đài Truyền hình Việt Nam.

Điều 31. Ban Tổ chức lễ tang

1. Ban Tổ chức lễ tang do lãnh đạo cơ quan chủ quản; chính quyền địa phương nơi người từ trần đã hoặc đang công tác quyết định, gồm từ 10 đến 15 thành viên đại diện các đơn vị, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thuộc cơ quan chủ quản, địa phương.

2. Trưởng Ban Tổ chức lễ tang là một đồng chí lãnh đạo cơ quan chủ quản hoặc cấp ủy, chính quyền địa phương.

Điều 32. Việc tổ chức lễ tang và chuẩn bị lời điếu do cơ quan chủ quản hoặc cấp ủy, chính quyền địa phương nơi người từ trần đã hoặc đang công tác cùng gia đình tiến hành.

Điều 33. Nơi tổ chức lễ tang và nơi an táng

1. Lễ tang tổ chức tại nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội (nếu từ trần ở Hà Nội); tại nhà tang lễ Viện Quân y 175 (nếu từ trần ở thành phố Hồ Chí Minh). Nếu từ trần ở địa phương khác thì thực hiện theo quy định của địa phương.

2. Đối với các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị quản lý; các nhà hoạt động xã hội, văn hoá, khoa học tiêu biểu có Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên khi từ trần an táng tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội (nếu từ trần ở Hà Nội), tại nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh (nếu từ trần ở thành phố Hồ Chí Minh); tại nghĩa trang địa phương hoặc hoả táng theo nguyện vọng của gia đình.

3. Các chức danh còn lại khi từ trần an táng tại nghĩa trang địa phương hoặc hoả táng theo quy định của địa phương.

Điều 34. Trang trí lễ đài và túc trực

1. Lễ đài trang trí phông nền đen, trên đó gắn ảnh đồng chí từ trần và dòng chữ trắng "Vô cùng thương tiếc ...".

2. Bàn thờ đặt trước và chính giữa phông, dưới lễ đài, có lư hương.

3. Linh cữu đặt chính giữa lễ đài, đầu hướng về phía bàn thờ.

4. Bàn thờ nhỏ đặt phía dưới, có bát hương để Trưởng đoàn các đoàn đến viếng thắp hương.

5. Cán bộ lãnh đạo, chủ chốt của cơ quan chủ quản hoặc địa phương đứng bên phải phòng lễ tang (theo hướng nhìn lên lễ đài) khi có các đoàn lãnh đạo cao cấp của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và các tổ chức chính trị vào viếng.

6. Gia đình đứng bên trái phòng lễ tang (theo hướng nhìn lên lễ đài).

Điều 35. Vòng hoa trong lễ viếng, xe tang

1. Ban Tổ chức lễ tang chuẩn bị 15 vòng hoa luân chuyển. Các đoàn đến viếng mang băng vải đen, kích thước 1,2 m x 0,2 m, với dòng chữ trắng: "Vô cùng thương tiếc ..." để gắn vào vòng hoa viếng do Ban Tổ chức lễ tang chuẩn bị.

2. Xe tang do cơ quan chủ quản hoặc địa phương nơi người từ trần đã hoặc đang công tác chuẩn bị.

Điều 36. Lễ viếng

1. Ban Tổ chức lễ tang sắp xếp các đoàn vào viếng.

2. Khi viếng, các đoàn đi theo đội hình: 02 chiến sĩ đưa vòng hoa đi đầu, tiếp theo là Trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn viếng đi theo hai hàng dọc.

3. Viếng xong, Trưởng đoàn ghi sổ tang.

4. Người đến viếng gắn băng tang nhỏ màu đen trên ngực trái.

5. Trong quá trình viếng, phát băng nhạc bài "Hồn tử sĩ".

Điều 37. Lễ truy điệu

1. Thành phần dự lễ truy điệu gồm: Ban Tổ chức lễ tang, đại diện các cơ quan, tổ chức nơi người từ trần đã hoặc đang công tác; địa phương quê hương hoặc nơi cư trú của người từ trần và gia đình.

2. Vị trí các đoàn dự lễ truy điệu (theo hướng nhìn lên lễ đài):

Gia đình đứng phía trái phòng lễ tang;

Các đồng chí lãnh đạo cơ quan, địa phương đứng phía phải phòng lễ tang;

Các đoàn đại biểu khác đứng theo sắp xếp của Ban Tổ chức lễ tang.

3. Chương trình truy điệu:

Đại diện Ban Tổ chức lễ tang tuyên bố mở đầu lễ truy điệu;

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức lễ tang đọc lời điếu;

Phút mặc niệm và kết thúc lễ truy điệu.

Trong khi tiến hành lễ truy điệu, phát băng nhạc bài "Hồn tử sĩ".

Điều 38. Lễ đưa tang

1. Thành phần dự lễ đưa tang như thành phần dự lễ truy điệu (khoản 1 Điều 37 Chương IV của Quy chế này).

2. Khi chuyển linh cữu lên xe tang và từ xe tang vào phần mộ, các thành viên Ban Tổ chức lễ tang, các đoàn đại biểu và gia đình đi phía sau linh cữu.

3. Đội phục vụ của Nhà tang lễ và cơ quan nơi người từ trần đã hoặc đang công tác làm nhiệm vụ di chuyển linh cữu, hoa ra xe tang và từ xe tang vào phần mộ.

Điều 39. Lễ hạ huyệt

1. Sau khi linh cữu được di chuyển vào vị trí phần mộ, Trưởng Ban Tổ chức lễ tang tuyên bố lễ hạ huyệt.

2. Đội công tác làm nhiệm vụ hạ huyệt.

3. Ban Tổ chức lễ tang, các đoàn đại biểu và gia đình bỏ nắm đất đầu tiên và đi quanh phần mộ vĩnh biệt lần cuối.

4. Đội công tác tiếp tục hoàn chỉnh phần mộ.

5. Trong khi tiến hành lễ hạ huyệt, phát băng nhạc bài "Hồn tử sĩ".

Điều 40. Xây mộ và chi phí

Mộ xây bằng đá granite, có kích thước theo quy định hiện hành. Chi phí xây mộ và phục vụ lễ tang lấy từ nguồn mai táng phí theo quy định của Điều lệ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, phần kinh phí còn thiếu được ngân sách nhà nước cấp.

Chương 5:

LỄ TANG ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC KHI TỪ TRẦN

Điều 41. Đưa tin buồn

1. Cơ quan đã hoặc đang trực tiếp quản lý người từ trần; cấp ủy, chính quyền địa phương quê hương hoặc nơi cư trú của người từ trần đứng tên để thông báo về lễ tang trên các báo, đài tại địa phương nơi người từ trần đang công tác hoặc nghỉ hưu.

2. Các đối tượng sau đây khi từ trần được đưa tin buồn trên trang 8 của báo Nhân dân:

Cán bộ giữ các chức vụ từ Phó Cục trưởng, Phó Vụ trưởng, Phó Viện trưởng và chức vụ tương đương trở lên;

Cán bộ hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã được cơ quan, cấp có thẩm quyền công nhận;

Cán bộ, công chức, viên chức có mức lương cũ từ 505 đồng (theo Nghị định số 235/HĐBT ngày 01 tháng 01 năm 1985), có hệ số lương mới từ 4,47 hoặc tương đương (theo Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993) trở lên;

Cán bộ có cấp hàm từ Thượng tá trở lên, trong lực lượng vũ trang;

Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, Nghệ sĩ Nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân.

Điều 42. Ban Tổ chức lễ tang

1. Ban Tổ chức lễ tang do cơ quan đã hoặc đang trực tiếp quản lý người từ trần quyết định, gồm từ 05 đến 07 thành viên đại diện cho các đơn vị, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thuộc cơ quan hoặc địa phương nơi người từ trần đang công tác hoặc nghỉ hưu.

2. Trưởng Ban Tổ chức lễ tang là một đồng chí lãnh đạo hoặc đồng chí Trưởng đơn vị, tổ chức, cơ quan đã hoặc đang trực tiếp quản lý người từ trần.

Điều 43. Nơi tổ chức lễ tang và nơi an táng

1. Lễ tang tổ chức tại nhà tang lễ địa phương hoặc tại gia đình.

2. An táng tại nghĩa trang địa phương, tại nghĩa trang khác hoặc hoả táng theo nguyện vọng của gia đình.

Điều 44. Trang trí lễ đài, vòng hoa, xe tang

1. Lễ đài trang trí phông nền đen, trên đó gắn ảnh người từ trần và dòng chữ trắng "Vô cùng thương tiếc ông (bà )...".

2. Bàn thờ đặt trước và chính giữa phông, dưới lễ đài, có lư hương.

3. Gia đình đứng bên trái phòng lễ tang (theo hướng nhìn lên lễ đài).

4. Linh cữu đặt chính giữa lễ đài, đầu hướng về phía bàn thờ.

5. Ban Tổ chức lễ tang chuẩn bị không quá 10 vòng hoa luân chuyển. Các đoàn đến viếng mang theo băng vải đen, kích thước 1,2m x 0,2m, có dòng chữ trắng: "Vô cùng thương tiếc ông (bà) ..." để gắn vào vòng hoa do Ban Tổ chức lễ tang chuẩn bị.

6. Xe tang do cơ quan đã hoặc đang trực tiếp quản lý; địa phương quê hương hoặc nơi cư trú của người từ trần chuẩn bị.

Điều 45. Lễ viếng, lễ truy điệu, lễ đưa tang, lễ hạ huyệt thực hiện theo quy định của nhà tang lễ và Ban Quản lý nghĩa trang địa phương.

Điều 46. Chi phí cho lễ tang do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chi trả theo quy định tại Điều 31 phần V Chương II của Điều lệ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 47.

1. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này; phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Quy chế này đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang.

2. Bộ Quốc phòng quy định về đơn vị danh dự, sĩ quan túc trực, quân nhạc, đội xe nghi thức đưa tang, đội hình xe khi đưa tang tại lễ Quốc tang và lễ tang cấp Nhà nước.

3. Bộ Công an quy định về công tác bảo vệ an ninh.

4. Bộ Tài chính quy định các khoản chi phí cụ thể và thực hiện việc cấp ngân sách, quyết toán ngân sách phục vụ lễ Quốc tang, lễ tang cấp Nhà nước, lễ tang cấp cao.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 62/2001/NĐ-CP ban hành Quy chế tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước khi từ trần

  • Số hiệu: 62/2001/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 12/09/2001
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 38
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản