Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 166/2005/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 06 tháng 7 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN, TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC XÉT TẶNG DANH HIỆU NGHỆ SĨ NHÂN DÂN, NGHỆ SĨ ƯU TÚ NĂM 2005

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thi đua - Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự và thủ tục xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú năm 2005.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các thành viên Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú năm 2005, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận :
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính Quốc gia;
- VPCP : BTCN, TBNC, các PCN, BNC, BĐH 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ;
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu : VT, VX (3). HL

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Gia Khiêm



 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN, TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC XÉT TẶNG DANH HIỆU NGHỆ SĨ NHÂN DÂN, NGHỆ SĨ ƯU TÚ NĂM 2005
(Ban hành kèm theo Quyết định số 166/2005/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy định này hướng dẫn đối tượng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú năm 2005 gồm:

1. Những người đang hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp tại các đơn vị nghệ thuật Nhà nước:

a) Diễn viên, bao gồm: người diễn kịch hát truyền thống, kịch nói, nhạc kịch, kịch câm, phim điện ảnh và truyền hình, xiếc, rối, tạp kỹ, hát, tấu, nhạc, nhạc công, ngâm thơ trực tiếp trước công chúng hoặc qua sóng phát thanh hay truyền hình.

b) Đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật kịch hát truyền thống, kịch nói, nhạc kịch, kịch câm, biên đạo múa; người chỉ đạo nghệ thuật trực tiếp dàn dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp ca múa nhạc, xiếc, tạp kỹ; đạo diễn phim điện ảnh, đạo diễn phim truyền hình và sân khấu truyền hình; đạo diễn âm thanh trong điện ảnh và truyền hình; đạo diễn ánh sáng sân khấu và điện ảnh.

c) Quay phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim truyền hình, phim hoạt hình.

d) Hoạ sĩ thiết kế bao gồm: hoạ sĩ thiết kế trang trí sân khấu và điện ảnh; hoạ sĩ phục trang, hoạ sĩ hoá trang sân khấu, điện ảnh và truyền hình; xiếc, tạp kỹ, ca múa nhạc; tạo hình con rối, động tác phim hoạt hình.

đ) Nhạc sĩ là người chỉ huy dàn nhạc, hợp xướng, giao hưởng.

e) Phát thanh viên phát thanh và truyền hình (chỉ áp dụng cho các đối tượng phát thanh viên phát thanh, truyền hình với tư cách là một thành phần sáng tạo trong các chương trình văn học, nghệ thuật).

2. Các đối tượng khác:

a) Nghệ sĩ, nghệ nhân các bộ môn nghệ thuật biểu diễn truyền thống và các loại hình nghệ thuật khác không thuộc các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Nhà nước, nhưng hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhu cầu xã hội thuộc đối tượng nêu tại khoản 1 Điều 1 của Quy định này và có đủ điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Quy định này.

b) Những người thuộc đối tượng nêu tại khoản 1 Điều 1 của Quy định này, do yêu cầu, nhiệm vụ, được điều động sang công tác nghiên cứu, giảng dạy, quản lý… đúng lĩnh vực nghệ thuật đó, đảm bảo đủ điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Quy định này.

c) Những người thuộc đối tượng nêu tại khoản 1 Điều 1 của Quy định này, nghỉ hưu sau ngày 29 tháng 8 năm 2001 (thời điểm phong tặng Nghệ sĩ đợt 5) có đủ điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Quy định này.

Điều 2. Người được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú được nhận Bằng chứng nhận của Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tiền thưởng theo quy định của Chính phủ.

Chương 2:

TIÊU CHUẨN XÉT TẶNG

Điều 3. Người được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

1. Đối với danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân:

a) Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

b) Có phẩm chất đạo đức tốt, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ.

c) Có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 20 năm trở lên (riêng đối với nghệ thuật xiếc từ 15 năm trở lên); đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú từ 5 năm trở lên; được tặng ít nhất hai giải thưởng chính thức (loại vàng hoặc bạc) tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật cấp quốc gia, giải thưởng cấp khu vực hoặc quốc tế và các Hội Văn học - Nghệ thuật Trung ương tính từ sau khi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Người chỉ đạo nghệ thuật của đơn vị nghệ thuật được tính hai loại giải thưởng chính thức nêu trên của đơn vị vào tiêu chuẩn xét tặng giải thưởng.

Đối với giải thưởng tặng cho tập thể được tính thành tích cho cá nhân tham gia với tư cách là thành phần chính của tiết mục, chương trình nghệ thuật và bộ phim được giải thưởng đó.

Đối với nghệ sĩ là nhạc công của các đơn vị nghệ thuật, tiêu chuẩn giải thưởng cá nhân được xem xét quá trình tham gia đóng góp vào các chương trình biểu diễn lớn hàng năm của đơn vị và vị trí đảm nhận những phần lĩnh tấu quan trọng có chất lượng trong dàn nhạc.

2. Đối với danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú:

a) Trung thành với tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

b) Có phẩm chất đạo đức tốt, có tài năng nghệ thuật, có tinh thần phục vụ nhân dân, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ.

c) Có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 15 năm trở lên (riêng đối với loại hình nghệ thuật xiếc từ 10 năm trở lên); được tặng ít nhất hai giải thưởng chính thức (loại vàng hoặc bạc) tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật cấp quốc gia, giải thưởng cấp khu vực hoặc quốc tế và các Hội Văn học - Nghệ thuật Trung ương.

Người chỉ đạo nghệ thuật của đơn vị nghệ thuật được tính hai loại giải thưởng chính thức nêu trên của đơn vị vào tiêu chuẩn xét tặng giải thưởng.

Đối với giải thưởng tặng cho tập thể được tính thành tích cho cá nhân tham gia với tư cách là thành phần chính của tiết mục, chương trình nghệ thuật và bộ phim được giải thưởng đó.

Đối với nghệ sĩ là nhạc công của các đơn vị nghệ thuật, tiêu chuẩn giải thưởng cá nhân được xem xét quá trình tham gia đóng góp vào các chương trình biểu diễn lớn hàng năm của đơn vị và vị trí đảm nhận những phần lĩnh tấu quan trọng có chất lượng trong dàn nhạc.

Điều 4. Người được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú năm 2005 phải đáp ứng được các điều kiện sau:

1. Bảo đảm đạt các tiêu chuẩn tại Điều 4 của Quy định này.

2. Không trong thời gian bị thi hành kỷ luật từ khiển trách trở lên và không có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong thời gian xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú.

Chương 3:

QUY TRÌNH, THỦ TỤC XÉT TẶNG DANH HIỆU NGHỆ SĨ NHÂN DÂN, NGHỆ SĨ ƯU TÚ

Điều 5. Quy trình xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú (sau đây viết tắt là danh hiệu Nghệ sĩ):

1. Nghệ sĩ thuộc đơn vị nghệ thuật nhà nước đăng ký đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ tại đơn vị nghệ thuật đang công tác.

Trường hợp nghệ sĩ không thuộc các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp thì đăng ký với Sở Văn hoá - Thông tin sở tại nơi các nghệ sĩ thường trú.

2. Nghệ sĩ đăng ký đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ được xem xét qua các bước sau:

a) Xem xét, đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ tại Hội đồng cấp đơn vị nghệ thuật nơi công tác.

b) Xem xét, đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ tại Hội đồng cấp Sở Văn hoá - Thông tin hoặc Hội đồng Cục chuyên ngành (điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn).

c) Xem xét, đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ tại Hội đồng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam.

d) Xem xét, đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ở cấp quốc gia, bao gồm:

- Hội đồng chuyên ngành.

- Hội đ­ồng Quốc gia.

Điều 6. Các bước xét duyệt:

1. Việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú được tiến hành theo 4 cấp:

a) Cấp đơn vị nghệ thuật.

b) Cấp Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Điện ảnh thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin (sau đây gọi là cấp cơ sở).

c) Cấp Bộ, ngành và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp Bộ).

d) Cấp quốc gia.

2. Việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ở cấp quốc gia được tiến hành theo 2 bước:

a) Bước 1: xét tặng tại các Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ chuyên ngành.

b) Bước 2: xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ tại Hội đồng Quốc gia.

Điều 7. Thành phần Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ các cấp:

1. Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ các cấp gồm đại diện các nhà chuyên môn của từng lĩnh vực nghệ thuật, nhà quản lý có uy tín, có trình độ chuyên môn phù hợp, am hiểu lĩnh vực nghệ thuật thuộc lĩnh vực xem xét của Hội đồng.

2. Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ các cấp:

a) Hội đồng cấp đơn vị nghệ thuật: gồm 5 đến 7 thành viên, trong đó:

- Thủ trưởng đơn vị: Chủ tịch

- Đại diện Ban Chấp hành Công đoàn đơn vị: ủy viên

- Phụ trách công tác nghệ thuật đơn vị: ủy viên

- Đại diện nghệ sĩ: ủy viên

b) Hội đồng cấp Sở Văn hoá - Thông tin: gồm 7 đến 11 thành viên, trong đó:

- Giám đốc Sở: Chủ tịch

- Phụ trách lĩnh vực nghệ thuật của Sở: ủy viên

- Một số Trưởng đoàn nghệ thuật trực thuộc Sở: ủy viên

- Một số nghệ sĩ đã được tặng danh hiệu (nếu có): ủy viên

c) Hội đồng Cục Nghệ thuật biểu diễn và Cục Điện ảnh thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin: gồm 11 đến 13 thành viên, trong đó:

- Đại diện lãnh đạo Cục: Chủ tịch

- Một số Thủ trưởng đơn vị nghệ thuật: ủy viên

- Chuyên viên nghiên cứu nghệ thuật: ủy viên

- Một số nghệ sĩ đã được tặng danh hiệu: ủy viên

d) Hội đồng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: gồm 11 đến 13 thành viên, trong đó:

- Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân phụ trách văn xã: Chủ tịch

- Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin: Phó Chủ tịch

- Chuyên viên theo dõi lĩnh vực nghệ thuật tỉnh: ủy viên Thường trực

- Đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: ủy viên

- Một số nghệ sĩ đã được tặng danh hiệu Nghệ sĩ: ủy viên

đ) Hội đồng Bộ, ngành có đơn vị nghệ thuật: gồm 7 đến 9 thành viên, trong đó:

- Đại diện lãnh đạo Bộ, ngành: Chủ tịch

- Một số Thủ trưởng đơn vị nghệ thuật: ủy viên

- Một số chuyên viên theo dõi nghệ thuật: ủy viên

- Phụ trách công tác thi đua của Bộ, ngành: ủy viên

- Một số nghệ sĩ đã được tặng danh hiệu nghệ sĩ: ủy viên

3. Thủ trưởng các cấp có thẩm quyền tại Điều 7 (trừ cấp Hội đồng chuyên ngành và Hội đồng cấp Quốc gia) quyết định thành lập Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ cấp mình quản lý.

4. Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ chuyên ngành gồm các lĩnh vực: âm nhạc, sân khấu, múa, điện ảnh, phát thanh, truyền hình.

Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ chuyên ngành có từ 11 đến 13 thành viên gồm: các thành viên Hội đồng Quốc gia xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ có chuyên môn cùng lĩnh vực với Hội đồng chuyên ngành, các nghệ sĩ có uy tín, có trình độ, am hiểu sâu về lĩnh vực chuyên ngành, đã được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú và nhà quản lý có uy tín, có trình độ, am hiểu về lĩnh vực chuyên ngành. Hội đồng cử người làm thư ký Hội đồng.

5. Việc thành lập Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ các cấp trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an) cần xin ý kiến của cơ quan cấp trên trực tiếp cho phù hợp với tình hình thực tế và theo quy định về thành phần tham gia.

6. Các cơ quan, đơn vị không có chức năng hoạt động nghệ thuật thì không cần thành lập Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ; nếu có đối tượng đạt tiêu chuẩn theo quy định thì lập hồ sơ theo quy định gửi về Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ (Sở Văn hoá - Thông tin) tại nơi đơn vị đặt trụ sở để xem xét và đề nghị lên Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ cấp trên.

Điều 8. Nguyên tắc xét duyệt của Hội đồng:

1. Mỗi thành viên Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ có trách nhiệm nghiên cứu, nhận xét, lựa chọn danh sách Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú đạt tiêu chuẩn để bỏ phiếu tín nhiệm.

2. Các Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ hoạt động theo nguyên tắc sau:

a) Kỳ họp đánh giá xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú của Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ phải có ít nhất 3/4 số thành viên Hội đồng tham dự, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng.

b) Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ đánh giá theo nguyên tắc bỏ phiếu kín và được thực hiện chính xác, công bằng, dân chủ, khách quan. Người được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ phải được ít nhất 3/4 số phiếu đề nghị của số thành viên Hội đồng có mặt mới được lập danh sách chuyển Hội đồng cấp trên xem xét.

c) Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ chỉ xem xét các nghệ sĩ đã được Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ cấp dưới đề nghị.

d) Các trường hợp khai không đúng mẫu, không đúng yêu cầu hướng dẫn hoặc gửi không đầy đủ thủ tục hồ sơ theo quy định, không đúng thời hạn thì Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ các cấp không xem xét.

đ) Thành viên Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ thuộc đối tượng đề nghị xét tặng danh hiệu không tham gia thảo luận và bỏ phiếu tín nhiệm về cá nhân mình.

e) Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ có trách nhiệm thông báo công khai kết quả xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ trong đơn vị và phạm vi quản lý (thời gian góp ý không quá 7 ngày) trước khi gửi hồ sơ đề nghị xét tặng lên Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ cấp trên.

Điều 9. Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ:

1. Hồ sơ cá nhân: (mỗi loại 7 bản).

a) Bản tóm tắt thành tích cá nhân (có dán ảnh và xác nhận của đơn vị) (Biểu 1).

b) Các văn bản chứng nhận giải thưởng trong nước và quốc tế (bản sao).

2. Hồ sơ của Hội đồng cấp cơ sở (đơn vị nghệ thuật, Sở Văn hoá - Thông tin, Cục chuyên ngành):

a) Hồ sơ cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ: 7 bản.

b) Phiếu bầu đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú (Biểu 2a và 2b): 7 bản.

c) Biên bản kiểm phiếu tín nhiệm (Biểu 3a): 7 bản.

d) Biên bản họp Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú (Biểu 3b): 7 bản.

đ) Báo cáo kết quả xét chọn của Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ (Biểu 4): 7 bản.

e) Danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (Biểu 5a): 7 bản.

g) Danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (Biểu 5b): 7 bản.

h) Quyết định thành lập Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ: 3 bản.

3. Hồ sơ của các Bộ, ngành và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp Bộ):

Hồ sơ cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ: 6 bản.

a) Phiếu bầu đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú (Biểu 2c) : 6 bản.

b) Biên bản kiểm phiếu tín nhiệm (Biểu 3a): 6 bản.

c) Biên bản họp Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú (Biểu 3b): 6 bản.

d) Báo cáo kết quả xét chọn của Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ (Biểu 4): 6 bản.

đ) Danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (Biểu 5a): 6 bản.

e) Danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (Biểu 5b): 6 bản.

g) Quyết định thành lập Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ: 3 bản.

4. Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ chuyên ngành căn cứ tiêu chuẩn của Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú để xem xét, đánh giá từng nghệ sĩ để bỏ phiếu bầu (Biểu A1), đồng thời làm biên bản kiểm phiếu (Biểu 3a), biên bản họp Hội đồng xét tặng (Biểu 3b), báo cáo kết quả xét tặng danh hiệu (Biểu 4) và lập danh sách đề nghị tặng danh hiệu Nghệ sĩ (Biểu 5a và 5b) để trình Hội đồng quốc gia xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ xem xét.

5. Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ở cấp quốc gia, gồm:

a) Công văn đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ của Thủ trưởng cấp Bộ, ngành và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 1 bản.

b) Báo cáo kết quả xét chọn của Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ cấp Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 5 bản.

c) Danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân: 5 bản.

d) Danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú: 5 bản.

đ) Biên bản bỏ phiếu tín nhiệm (kèm theo phiếu bầu): 5 bản.

e) Biên bản họp Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ: 1 bản.

g) Quyết định thành lập Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ: 1 bản.

h) Hồ sơ cá nhân các nghệ sĩ được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ.

Cơ quan thường trực giúp việc Hội đồng Quốc gia xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ do Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin thành lập có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ.

Điều 10. Thủ tục gửi hồ sơ:

1. Đối với các địa phương:

- Hội đồng cấp đơn vị nghệ thuật gửi hồ sơ lên Hội đồng Sở Văn hoá - Thông tin.

- Hội đồng Sở Văn hoá - Thông tin gửi hồ sơ lên Hội đồng cấp tỉnh, thành phố.

- Hội đồng cấp tỉnh, thành phố gửi hồ sơ lên Hội đồng chuyên ngành.

2. Đối với các Bộ, ngành:

- Hội đồng cấp đơn vị nghệ thuật gửi hồ sơ lên Hội đồng cấp Bộ, ngành.

- Hội đồng cấp đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin gửi hồ sơ lên Hội đồng Cục Nghệ thuật biểu diễn và Cục Điện ảnh.

- Hội đồng Đài Phát thanh và Truyền hình cấp tỉnh gửi hồ sơ (có ý kiến đề nghị của Hội đồng cấp tỉnh) lên Hội đồng Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam.

- Hội đồng cấp Bộ, ngành gửi hồ sơ lên Hội đồng chuyên ngành.

- Hội đồng Cục Nghệ thuật biểu diễn và Cục Điện ảnh gửi hồ sơ lên Hội đồng chuyên ngành.

3. Đối với Hội đồng chuyên ngành:

- Tiếp nhận hồ sơ các Bộ, ngành và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Cục chuyên ngành Bộ Văn hoá - Thông tin gửi tới.

- Gửi hồ sơ của Hội đồng chuyên ngành lên Hội đồng Quốc gia xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ.

Điều 11. Tổ chức xét thưởng cấp quốc gia:

1. Hội đồng quốc gia xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ kiến nghị Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin thành lập các Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ chuyên ngành để xét tặng các danh hiệu Nghệ sĩ.

2. Căn cứ vào kết quả đánh giá của Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ chuyên ngành và đối chiếu với tiêu chuẩn của danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Hội đồng Quốc gia xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ sẽ xem xét, đánh giá để bỏ phiếu tín nhiệm, lập biên bản xét tặng theo từng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú và tổng hợp kết quả xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ, làm danh sách nghệ sĩ được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú năm 2005 trình Thủ tướng Chính phủ (gửi Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) xem xét, quyết định.

Điều 12. Giải quyết khiếu nại:

1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về kết quả xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ và việc vi phạm quy định, trình tự, thủ tục xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ.

Đơn khiếu nại phải ghi rõ họ và tên, địa chỉ và gửi cho Thủ trưởng cơ quan thành lập Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ cấp tương ứng.

2. Thủ trưởng cơ quan thành lập Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhận đơn có trách nhiệm xem xét và trả lời đơn khiếu nại và không xem xét đơn không có tên, địa chỉ rõ ràng hoặc mạo danh.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Bãi bỏ các văn bản hướng dẫn việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú trước đây trái với Quy định tạm thời này.

Điều 14.

1. Việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ năm 2005 ở cấp cơ sở phải hoàn thành trước ngày 30 tháng 8 năm 2005.

2. Việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ năm 2005 ở cấp Bộ, ngành và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được hoàn thành trước ngày 15 tháng 10 năm 2005.

3. Việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ năm 2005 tại Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ chuyên ngành và Hội đồng Quốc gia được tiến hành từ tháng 11 năm 2005.

4. Hội đồng Quốc gia xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ thông báo kết quả xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ trên phương tiện thông tin đại chúng từ ngày 01 tháng 12 năm 2005 đến ngày 10 tháng 12 năm 2005 và trình Thủ tướng Chính phủ kết quả xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ chậm nhất vào cuối tháng 12 năm 2005./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 166/2005/QĐ-TTg ban hành quy định tạm thời về điều kiện, tiêu chuẩn,trình tự và thủ tục xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân,Nghệ sĩ Ưu tú năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ

  • Số hiệu: 166/2005/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/07/2005
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Gia Khiêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 20 đến số 21
  • Ngày hiệu lực: 02/08/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản