Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1646/QĐ-UBND | Hà Giang, ngày 20 tháng 08 năm 2014 |
QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH HÀ GIANG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
Căn cứ Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 123/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI- kỳ họp thứ 11 về thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại tờ trình số 95/TTr-VHTTDL ngày 12/8/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, như sau:
1. Quan điểm chung: Phát triển du lịch Hà Giang phù hợp với Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam, định hướng phát triển Du lịch vùng Trung du, Miền núi Bắc Bộ, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các ngành kinh tế khác trên địa bàn tỉnh.
2. Quan điểm cụ thể
- Phát triển du lịch với tốc độ nhanh, tập trung phát triển có chiều sâu, theo hướng nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp để đảm bảo sản phẩm du lịch có thương hiệu và tính cạnh tranh cao;
- Phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm và bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị tự nhiên; giữ vững quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường;
- Phát triển du lịch trong mối liên hệ vùng, cả nước và quốc tế để khai thác cả nguồn khách du lịch quốc tế và nội địa, trong đó chú trọng phát triển khách du lịch nội địa và tăng cường thu hút khách quốc tế;
- Phát triển đồng thời du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch biên giới với việc lấy du lịch sinh thái gắn với khai thác các giá trị di sản Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn làm mũi nhọn, du lịch văn hóa làm nền tảng để phát huy tính đặc thù tài nguyên du lịch theo địa bàn của tỉnh;
- Phát triển du lịch vừa truyền thống vừa hiện đại để vừa phát huy các giá trị văn hóa dân gian của các dân tộc vừa nhanh chóng hòa nhập với phát triển du lịch khu vực và cả nước;
- Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển du lịch; phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch của các địa phương, các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh.
1. Mục tiêu tổng quát:
- Cụ thể hóa quan điểm, đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch thành những nhiệm vụ, giải pháp mang tính khả thi phát triển có định hướng, theo lộ trình nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và chỉ đạo các hoạt động du lịch trên địa bàn; nhằm bảo vệ, tôn tạo và khai thác hợp lý tài nguyên du lịch của tỉnh;
- Đến năm 2020, du lịch Hà Giang cơ bản trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ, tạo tiền đề đến năm 2030 là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang bản sắc văn hóa Hà Giang, thân thiện với môi trường; đưa Hà Giang trở thành một trong những địa bàn trọng điểm về du lịch của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và của cả nước, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, ổn định trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biên giới.
2. Mục tiêu cụ thể
- Khách du lịch:
+ Khách Quốc tế giai đoạn 2014 - 2020 đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 17%/năm; giai đoạn 2021 - 2030 đạt 11%/năm;
+ Khách Nội địa giai đoạn 2014 - 2020 đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 12,5%/năm; giai đoạn 2021 - 2030 đạt tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 8,5%/năm;
+ Ngày lưu trú trung bình khách quốc tế đạt từ 1,8 - 2,5 ngày, mức chi tiêu bình quân khoảng 80 USD (tương đương 1.760.000 VND) đến 120 USD (tương đương 2.640.000 VND) /người/ ngày đêm. Ngày lưu trú trung bình khách nội địa đạt từ 2,0 - 3,0 ngày, mức chi tiêu bình quân khoảng 1.100.000 (tương đương 50 USD) đến 1.650.000 VND (75 USD) người/ ngày đêm.
- Tổng thu từ khách du lịch: Năm 2020 đạt khoảng 4.410 tỷ đồng (xấp xỉ 200,5 triệu USD); năm 2030 đạt khoảng 20.460 tỷ đồng (tương đương 930 triệu USD).
Giá trị gia tăng ngành du lịch (GDP du lịch) đạt tốc độ tăng trưởng 32,7%/năm cho giai đoạn 2014 - 2020 và đạt 35,5%/năm sau năm 2020. Đạt giá trị 2.646 tỷ đồng (tương đương 120,3 triệu USD) vào năm 2020 và khoảng 12.100 tỷ đồng (tương đương 550 triệu USD) năm 2030 đạt khoảng 20.460 tỷ đồng (tương đương 930 triệu USD).
- Số lượng cơ sở lưu trú: Đạt 2.950 buồng năm 2015; 6.200 buồng năm 2020 và 16.400 buồng năm 2030, trong đó tỷ lệ buồng đạt chất lượng 3 sao trở lên chiếm 5% năm 2015; 10% năm 2020 và 15% - 20% sau năm 2020;
- Chỉ tiêu việc làm: Đến 2015 tạo được việc làm cho khoảng 8.850 lao động trong đó có 2.950 lao động trực tiếp; năm 2020 có 22.320 lao động trong đó 7.440 lao động trực tiếp; năm 2030 có 73.800 lao động trong đó có 24.600 lao động trực tiếp;
- Về văn hóa - xã hội: Góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, các giá trị di tích cảnh quan, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần giảm nghèo, phát triển thể chất, nâng cao dân trí và đời sống văn hóa tinh thần nhân dân, cải thiện điều kiện sống cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa,...;
- Về môi trường: Phát triển “du lịch xanh”, du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm; gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường;
- Về quốc phòng an ninh: Gắn phát triển du lịch với đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh đặc biệt là vùng núi cao, biên giới.
1. Định hướng phát triển thị trường khách du lịch
1.1. Thị trường khách nội địa: Được xác định là thị trường trọng điểm, khai thác nguồn khách từ các địa phương trên cả nước; chú trọng khách đến từ vùng Trung du, Miền núi Bắc Bộ, các vùng phụ cận và các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, đặc biệt chú ý khách thương mại, công vụ, lễ hội tâm linh, nghỉ cuối tuần,...
1.2. Thị trường khách quốc tế
- Ưu tiên phát triển thị trường truyền thống, khả năng chi tiêu cao: Mỹ, Canada, Đức, Anh, Pháp, Úc. Đặc biệt quan tâm các thị trường trong mối liên hệ mạng lưới công viên địa chất toàn cầu;
- Đẩy mạnh phát triển thị trường gần: Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan); ASEAN. Trong đó, tập trung khai thác thị trường Trung Quốc thông qua các địa phương có biên giới với Hà Giang là Vân Nam và Quảng Tây- Trung Quốc;
- Tăng cường mở rộng thị trường mới, hướng tới các nước Niuzilân, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khu vực Trung âu, Bắc âu, Đông âu, Trung Đông,...
2. Định hướng phát triển sản phẩm du lịch
- Phát triển hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên, gồm:
+ Du lịch địa chất: Phát triển du lịch tham quan, nghiên cứu, hoạt động khoa học, giáo dục tại Khu du lịch CVĐCTCCNĐ Đồng Văn. Xây dựng khu du lịch cao nguyên đá thành sản phẩm đặc trưng làm tiền đề định vị thương hiệu du lịch cho tỉnh Hà Giang;
+ Du lịch văn hóa: Tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, các công trình kinh tế xã hội,...;
+ Du lịch sinh thái: Tham quan cảnh quan, nghiên cứu, thể thao khám phá;
+ Du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe;
+ Du lịch cộng đồng gắn với các bản dân tộc;
+ Du lịch vui chơi giải trí cuối tuần;
+ Du lịch thương mại cửa khẩu biên giới;
+ Du lịch văn hóa tâm linh;
+ Du lịch MICE (Hội nghị, hội thảo, hội chợ,...).
- Bên cạnh đó phát triển sản phẩm hàng hóa như: Hàng thủ công truyền thống gắn với các bản dân tộc; các đặc sản tự nhiên và ẩm thực; dược liệu. Quy hoạch các vùng chuyên canh về cây, hoa,... để góp phần hấp dẫn khách du lịch và tăng khả năng chi tiêu của khách.
3. Tổ chức không gian du lịch
3.1. Tổ chức không gian du lịch:
- Không gian du lịch trung tâm: Gồm địa phận thành phố Hà Giang và các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang và Bắc Mê với Hà Giang và cửa khẩu Thanh Thủy làm trọng tâm. Chức năng chính của không gian là du lịch sinh thái vùng núi thấp, lòng hồ, cửa khẩu biên giới và giữ vai trò là không gian trung tâm làm cầu nối hai không gian du lịch Đông Bắc và Tây Nam;
- Không gian du lịch Đông Bắc (Không gian du lịch Công viên địa chất toàn cầu): Gồm địa phận các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc với chức năng chính là du lịch gắn với CVĐCTCCNĐ Đồng Văn;
- Không gian du lịch Tây Nam: Gồm các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình với chức năng chính là du lịch sinh thái, leo núi cao kết hợp văn hóa bản địa. Trong đó lấy di tích danh thắng Ruộng bậc thang, địa hình núi cao ở Tây Côn Lĩnh làm trọng tâm phát triển.
Ba không gian du lịch được kết nối với nhau bằng các tuyến giao thông đường QL2, QL4C; QL279; QL34 và các tuyến tỉnh lộ 176, 177, 178, 181, 183 là cơ sở để hình thành các tuyến du lịch.
3.2. Các trung tâm du lịch:
- Trung tâm du lịch thành phố Hà Giang: Trung tâm điều hành các hoạt động du lịch toàn tỉnh;
- Trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử Đồng Văn (huyện Đồng Văn);
- Trung tâm du lịch vui chơi giải trí Quản Bạ (huyện Quản Bạ);
- Trung tâm du lịch sinh thái đô thị xanh Yên Minh (huyện Yên Minh);
- Trung tâm du lịch mạo hiểm, du lịch khoa học và du lịch thương mại Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc);
- Trung tâm du lịch sinh thái và thể thao khám phá Cốc Pài (huyện Xín Mần).
3.3. Hệ thống khu, điểm du lịch
- Khu, điểm du lịch quốc gia:
+ Phát triển Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn thành Khu du lịch quốc gia trong giai đoạn 2014-2020;
+ Phát triển danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì thành điểm du lịch quốc gia sau năm 2020.
- Phát triển các khu, điểm du lịch địa phương có ý nghĩa quan trọng khác: Khu du lịch Gia Long, Thác Tiên - Đèo Gió (Xín Mần); Điểm du lịch thể thao, khám phá Tây Côn Lĩnh (Hoàng Su Phì); Khu du lịch lòng hồ thủy điện Na Hang (Bắc Mê); Khu du lịch hồ Quang Minh (Bắc Quang).
(Danh mục đầy đủ hệ thống các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 có phụ lục kèm theo báo cáo quy hoạch).
3.4. Hệ thống tuyến du lịch
- Tuyến du lịch quốc tế:
+ Tuyến du lịch Hà Giang - Côn Minh (Vân Nam - Trung Quốc), thông qua cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên);
+ Tuyến du lịch Hà Giang - Quảng Tây, thông qua hệ thống cửa khẩu thuộc không gian Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Săm Pun, Sơn Vĩ huyện Mèo Vạc).
Ngoài ra, khai thác, tuyến du lịch quốc tế nối các điểm trong mạng lưới CVĐCTC đặc biệt với Trung Quốc.
- Tuyến du lịch liên vùng Trung du, Miền núi Bắc Bộ:
+ Tuyến du lịch Hà Giang - Cao Bằng - Lạng Sơn - Quảng Ninh. Lộ trình chính theo các quốc lộ: Quốc lộ 34, Quốc lộ 4A, Quốc lộ 4B;
+ Tuyến du lịch Hà Giang - Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội. Lộ trình chính theo các quốc lộ: Quốc lộ 34, Quốc lộ 3;
+ Tuyến du lịch Hà Giang - Tuyên Quang - Yên Bái - Phú Thọ - Hà Nội. Lộ trình chính theo Quốc lộ 2 và một phần đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai;
+ Tuyến du lịch Hà Giang - Lào Cai - Lai Châu - Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội. Lộ trình chính theo các quốc lộ: 279, 4C, 12, 6.
Ngoài ra khai thác và liên kết tuyến du lịch:
+ Thành phố Hà Giang - Hoàng Su Phì - Xín Mần (Hà Giang) - Bắc Hà - Sa Pa (Lào Cai).
+ Thành phố Hà Giang - Bắc Mê (Hà Giang) - Hồ thủy điện Na Hang (Tuyên Quang) - Hồ Ba Bể (Bắc Kạn). Là tuyến du lịch kết hợp giữa đường thủy và đường bộ phát triển du lịch Hà Giang với Tuyên Quang và Bắc Kạn.
Trong giai đoạn phát triển đến năm 2020, du lịch Hà Giang cần định hướng kết nối khai thác phát triển theo tuyến du lịch với các di sản thế giới của Việt Nam. Trước mắt khai thác tuyến du lịch địa chất: Đồng Văn (Hà Giang) - Hạ Long (Quảng Ninh) - Tràng An (Ninh Bình).
- Tuyến du lịch nội tỉnh
Các tuyến du lịch chính:
+ Tuyến Thành phố Hà Giang - Thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ) - Thị trấn Yên Minh (Yên Minh) - Thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn) - Thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc) - Mậu Duệ (Yên Minh) - Minh Ngọc (Bắc Mê) - Thành phố Hà Giang (hoặc ngược lại);
+ Tuyến thành phố Hà Giang - Thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ) - Thị trấn Yên Minh (Yên Minh) - Thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn) - Thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc) - Thị trấn Yên Phú (Bắc Mê) - Thành phố Hà Giang (hoặc ngược lại).
Là tuyến nối trung tâm du lịch tỉnh Hà Giang với các trung tâm du lịch thuộc CVĐCTCCNĐ Đồng Văn và các điểm du lịch huyện Bắc Mê (như Căng Bắc Mê, hồ Na Hang,...) theo QL 4C, QL 34.
+ Tuyến Thành phố Hà Giang - Thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) - Thị trấn Cốc Pài (Xín Mần) - Thị trấn Yên Bình (Quang Bình) - Thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) - Thành phố Hà Giang (hoặc ngược lại).
Các tuyến du lịch phụ trợ: Là hệ thống tuyến bắt nguồn từ tuyến chính đến các khu, điểm du lịch để bổ trợ cho hệ thống tuyến du lịch chính, góp phần làm tăng thêm sự hấp dẫn cho các tuyến chính.
Tuyến du lịch theo chuyên đề:
+ Tuyến du lịch trên sông: Tuyến theo sông Lô; Tuyến sông Nho Quế; Tuyến sông Miện;
+ Tuyến du lịch hang động: Tham quan, khám phá hệ thống hang động trên địa bàn tỉnh;
+ Tuyến thể thao mạo hiểm: Khám phá chinh phục đỉnh cao Tây Côn Lĩnh, Kiều Liên Ti;
+ Tuyến du lịch cộng đồng: Tham quan tìm hiểu các bản văn hóa du lịch cộng đồng điển hình.
Trong đó ưu tiên khai thác phát triển các tuyến du lịch độc đáo như tuyến du lịch sông Nho Quế - đỉnh Mã Pì Lèng; tuyến khám phá, chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh (2.419m); tuyến khám phá, chinh phục đỉnh Kiều Liên Ti (2.402 m).
3.5. Nhu cầu sử dụng đất phát triển du lịch: Nhu cầu đất để phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật trong các khu du lịch theo tiêu chí khu du lịch quốc gia và khu du lịch địa phương theo Luật Du lịch cần khoảng: 5.000 ha (bao gồm 1 khu du lịch quốc gia, 1 điểm du lịch quốc gia và các khu du lịch khác).
1. Tổng nhu cầu đầu tư và cơ cấu nguồn vốn
Nhu cầu vốn đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2030 khoảng 39.437 tỷ đồng (tương đương 1.792,6 triệu USD theo giá hiện hành), trong đó đến năm 2020 cần khoảng 11.077 tỷ đồng (tương đương 503,5 triệu USD).
- Vốn ngân sách nhà nước (Bao gồm cả ODA) cần khoảng 5.915 tỷ đồng (tương đương 15%), trong đó đến năm 2020 cần khoảng 1.662 tỷ đồng được sử dụng hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch, xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu, phát triển nguồn nhân lực, bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên, bảo vệ môi trường và nghiên cứu ứng dụng công nghệ..
- Khu vực tư nhân (Kể cả FDI) cần khoảng 33.522 tỷ đồng (chiếm 85%) được tập trung đầu tư cho phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu. Lĩnh vực này Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần trong xúc tiến quảng bá và phát triển thương hiệu ở tầm quốc gia.
2. Phân kỳ đầu tư
- Giai đoạn 2014 - 2015: Nhu cầu vốn cho giai đoạn khoảng 2.507 tỷ đồng (tương đương 113,96 triệu USD), trong đó nguồn vốn ngân sách khoảng 310 tỷ đồng;
- Giai đoạn 2016 - 2020: Nhu cầu vốn xấp xỉ 9.470 tỷ đồng (tương đương 430,46 triệu USD), trong đó nguồn vốn ngân sách khoảng 1.352 tỷ đồng;
- Giai đoạn 2021 - 2030: Nhu cầu vốn khoảng 28.810 tỷ đồng (tương đương 1.309,5 triệu USD), trong đó nguồn vốn ngân sách gần 4.254 tỷ đồng.
3. Các lĩnh vực đầu tư du lịch
- Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch (hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất kỹ thuật, các khu, điểm du lịch);
- Phát triển sản phẩm du lịch;
- Xây dựng kế hoạch phục dựng, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa các dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch;
- Xây dựng kế hoạch đầu tư tôn tạo, tu bổ di tích phục vụ du lịch;
- Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ quản lý và nghiệp vụ du lịch cho cán bộ và lao động ngành du lịch;
- Kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy quản lý du lịch;
- Xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang;
- Phát triển tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch.
4. Các chương trình và dự án đầu tư
Đến năm 2030, ngành Du lịch Hà Giang cần đầu tư nhiều dự án. Tuy nhiên, trong giai đoạn đến năm 2020, cần đầu tư 24 dự án thuộc các lĩnh vực khác nhau trong đó có 21 dự án phát triển các khu du lịch, sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch; 1 dự án về phát triển nhân lực; 1 dự án về xúc tiến, quảng bá; 1 dự án về bảo tồn và cải tạo môi trường. Trong số 21 dự án phát triển các khu du lịch, sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch ưu tiên tập trung phát triển khu du lịch CVĐCTCCNĐ Đồng Văn và điểm du lịch Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì.
(Danh mục các dự án đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Giang có phụ lục kèm theo báo cáo quy hoạch)
V. CÁC NHÓM GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách: Ban hành cơ chế ưu tiên đầu tư hạ tầng các khu, điểm du lịch trọng điểm; cơ chế ưu tiên về vốn vay, hỗ trợ về giải phóng mặt bằng và hỗ trợ thuê đất ổn định lâu dài đối với các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, có sức cạnh tranh; cơ chế ưu tiên các dự án phát triển sản phẩm “du lịch xanh”, du lịch có trách nhiệm, thân thiện với môi trường. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào phát triển các loại hình vui chơi giải trí hiện đại, mạo hiểm, đặc thù. Khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.
2. Nhóm giải pháp về tổ chức quản lý:
- Nâng cao năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đủ mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch;
- Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành;
- Tăng cường công tác quy hoạch và quản lý phát triển du lịch theo quy hoạch;
- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của cộng đồng về phát triển du lịch; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực, nỗ lực của người dân trong quá trình phát triển văn hóa gắn với du lịch;
- Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng hoạt động du lịch. Nghiên cứu, trao dồi, học tập kinh nghiệm và tổng kết các hoạt động về phát triển du lịch.
3. Nhóm giải pháp về huy động vốn đầu tư:
- Ưu tiên bố trí kinh phí trong khả năng cân đối ngân sách của tỉnh cho các dự án xác định điểm nhấn, trọng điểm của ngành du lịch theo từng giai đoạn;
- Tập trung huy động nguồn vốn thực hiện mục tiêu phát triển du lịch với nhiều hình thức huy động khác nhau trên quan điểm huy động từ nguồn nội lực là chủ yếu, sử dụng nguồn vốn ngân sách hợp lý để kích thích các nguồn vốn khác, thực hiện xã hội hóa, lồng ghép nguồn vốn từ dự án của các ngành liên quan.
4. Nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực du lịch: Phát triển nguồn nhân lực du lịch đảm bảo số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu, ngành nghề và trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch. Đào tạo, bồi dưỡng để thực hiện chuẩn hóa nguồn nhân lực du lịch theo bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (tiêu chuẩn VTOS), đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Khuyến khích lao động có chất lượng về làm việc tại địa phương.
5. Nhóm giải pháp về phát triển sản phẩm du lịch:
- Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn và có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế gắn với tài nguyên tự nhiên, với văn hóa Hà Giang tiến tới xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang;
- Mở rộng phát triển du lịch cộng đồng gắn với giảm nghèo;
- Đẩy mạnh phát triển du lịch có trách nhiệm gắn với bảo vệ môi trường;
- Khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, sản phẩm du lịch chất lượng cao;
- Phát triển sản phẩm hàng hóa như: Hàng thủ công truyền thống gắn với các bản sắc dân tộc; các đặc sản tự nhiên và ẩm thực; dược liệu. Quy hoạch các vùng chuyên canh về cây, hoa,... để góp phần hấp dẫn và tăng khả năng chi trả của khách du lịch.
6. Nhóm giải pháp về ứng dụng khoa học, công nghệ: Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và thống kê du lịch, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến hiện đại trong hoạt động quản lý, kinh doanh du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nghiên cứu thị trường và xúc tiến, quảng bá du lịch.
7. Nhóm giải pháp về hợp tác, liên kết phát triển du lịch:
- Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về du lịch đặc biệt đối với Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) với các địa phương trong mạng lưới công viên địa chất toàn cầu;
- Đẩy mạnh hợp tác liên kết với các địa phương trên cả nước, trong đó đặc biệt chú trọng các địa phương trong vùng Trung du, Miền núi Bắc bộ và các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
8. Nhóm giải pháp về xúc tiến, quảng bá:
- Tăng cường huy động vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch;
- Đổi mới phương thức, nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư;
- Mở rộng thị trường, xây dựng chiến lược xúc tiến phù hợp theo từng giai đoạn.
9. Nhóm giải pháp về phát triển tài nguyên và bảo vệ môi trường:
- Tăng cường công tác quản lý, giám sát đối với việc bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch;
- Xây dựng quy hoạch và kế hoạch bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn với các chương trình, dự án phát triển du lịch;
- Liên kết với cộng đồng dân cư trong việc quản lý và khai thác tài nguyên du lịch;
- Tăng cường công tác tuyên truyền quảng cáo, đào tạo, giáo dục về môi trường;
- Tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý môi trường;
- Nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu;
- Không ngừng phát triển và làm giàu các tài nguyên du lịch;
- Phối hợp với các Bộ, Ngành Trung ương liên quan trong việc lồng ghép các chương trình, các dự án đầu tư bảo vệ, tôn tạo di tích, môi trường đặc biệt là các dự án phát triển làng nghề ở nông thôn,...
10. Nhóm giải pháp về bảo đảm quốc phòng, an ninh: Phối hợp chặt chẽ giữa ngành Du lịch với các ngành chức năng và chính quyền địa phương các huyện khu vực biên giới để bảo đảm phát triển du lịch gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch
1. Ban Chỉ đạo phát triển Du lịch tỉnh Hà Giang: Chỉ đạo các hoạt động của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Sở, ngành, các địa phương liên quan trong việc giải quyết những vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng giữa các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện Quy hoạch.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chủ trì triển khai thực hiện quy hoạch và có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Tổ chức công bố, phổ biến đến các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh;
- Theo dõi, tổng hợp, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện chức năng nhiệm vụ đối với quy hoạch theo sự phân công của UBND tỉnh;
- Chủ trì phối hợp với các ngành thực hiện điều chỉnh các quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch, các dự án đầu tư phát triển du lịch; xây dựng các kế hoạch hàng năm; các chương trình, đề án về các lĩnh vực xúc tiến quảng bá, phát triển nguồn nhân lực du lịch, hợp tác phát triển du lịch, ứng dụng khoa học công nghệ,... theo từng giai đoạn phát triển của quy hoạch;
- Hướng dẫn Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố tiến hành điều chỉnh định hướng phát triển du lịch trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tại từng địa phương phù hợp với nội dung Quy hoạch Tổng thể phát triển Du lịch đã được phê duyệt;
- Tham mưu UBND tỉnh kiểm tra việc thực hiện quy hoạch để có hướng điều chỉnh phù hợp;
- Phối hợp với các Sở, Ban, ngành và Tổng cục Du lịch:
+ Xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư, tuyên truyền quảng bá các giá trị văn hóa, tiềm năng du lịch Hà Giang tới du khách trong và ngoài nước;
+ Tổ chức phục dựng các lễ hội, các trò diễn dân gian, các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống, các nghề thủ công,... phục vụ khách du lịch;
+ Đẩy mạnh các hoạt động liên doanh, liên kết phát triển du lịch.
- Phối hợp với Tổng cục Du lịch, các trường, các cơ sở đào tạo để tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch;
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động du lịch, chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.
3. Các Sở, ban ngành, địa phương liên quan
3.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Xây dựng và bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển du lịch; xây dựng kế hoạch, chương trình xúc tiến kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch trong và ngoài nước. Đôn đốc các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, thường xuyên tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư;
- Phối hợp với Sở Tài chính xây dựng kế hoạch huy động nguồn vốn, bố trí vốn ngân sách theo kế hoạch hàng năm để thực hiện quy hoạch.
3.2. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư huy động các nguồn vốn ngân sách theo kế hoạch hàng năm để hỗ trợ phát triển hạ tầng khung các khu du lịch; theo dõi giám sát, quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn để đảm bảo hiệu quả.
3.3. Sở Công thương: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, khu dịch vụ tổng hợp đáp ứng nhu cầu thăm quan của khách du lịch; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các siêu thị, trung tâm thương mại. Phối hợp tổ chức các hội chợ gắn với du lịch sự kiện.
3.4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Xây dựng kế hoạch khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, tổ chức sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm của tỉnh, của mỗi khu du lịch, chú trọng đến các mặt hàng lưu niệm mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm sản phẩm lưu niệm của khách du lịch.
3.5. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng các công trình hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật tại các điểm, khu du lịch đã được định hướng trong quy hoạch. Phối hợp điều tra đánh giá, tài nguyên môi trường du lịch. Phối hợp chính quyền địa phương tăng cường công tác bảo vệ giữ gìn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái phục vụ phát triển du lịch.
3.6. Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện công tác quy hoạch chi tiết các điểm, khu du lịch; phối hợp với các ngành liên quan thẩm định các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật tại các điểm, khu du lịch theo quy hoạch.
3.7. Sở Giao thông Vận tải:
- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị triển khai các dự án xây dựng, tu sửa các tuyến đường giao thông, bãi đỗ xe vào các điểm du lịch; xây dựng phương án vận tải khách du lịch vào thời gian cao điểm của mùa du lịch;
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc cấp biển hiệu xe ôtô đạt tiêu chuẩn vận chuyển khách du lịch và kiểm tra hoạt động kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng xe ôtô.
3.8. Sở Khoa học và Công nghệ: Hướng dẫn xây dựng và phát triển thương hiệu mạnh cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh phục vụ du lịch. Định hướng và nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang.
3.9. Công an tỉnh, BCH Quân sự tỉnh, BCH Biên phòng tỉnh: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các Sở Ban ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố đảm bảo công tác quốc phòng - an ninh, bí mật nhà nước; đảm bảo an toàn cho khách du lịch, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
3.10. Sở Ngoại vụ: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh tăng cường hợp tác quốc tế phát triển lịch, đặc biệt trong mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu; trong việc tuyên truyền, quảng bá xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Hà Giang.
3.11. Các Sở, Ban, Ngành khác của tỉnh: Căn cứ chức năng nhiệm vụ của ngành phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc thực hiện các chương trình dự án của ngành gắn với hoạt động du lịch. Tích cực lồng ghép các chương trình dự án của ngành mình với du lịch để tháo gỡ những khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư.
4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Định hướng phát triển du lịch trong tổng thể kinh tế - xã hội của địa phương phù hợp với các định hướng phát triển du lịch của quy hoạch;
- Phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát huy các giá trị tài nguyên du lịch Hà Giang; quản lý và tổ chức tốt các lễ hội trên địa bàn để phục vụ phát triển du lịch.
5. Các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh: Xây dựng phương án kinh doanh, chủ động kêu gọi nguồn vốn đầu tư, khai thác thị trường, có cơ chế thu hút nhân lực có trình độ cao; chú trọng đến công tác đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ nhân viên phục vụ, từng bước chuẩn hóa các dịch vụ và đội ngũ cán bộ công nhân viên phục vụ, đẩy mạnh hoạt động liên doanh liên kết, xây dựng thương hiệu, xây dựng và phát triển các dịch vụ du lịch có chất lượng đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ, tham quan vui chơi giải trí của khách du lịch.
8. Hiệp hội Du lịch và các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội:
- Hiệp hội Du lịch và các tổ chức xã hội khác theo phạm vi chức năng hoạt động nắm bắt mục tiêu, quan điểm liên kết phát triển du lịch Hà Giang, cụ thể hóa thành chương trình hành động của mình để hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính cho thực hiện các mục tiêu của quy hoạch;
- Các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành Du lịch và Chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh trong việc quảng bá hình ảnh du lịch; vận động, tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức về du lịch, về quy hoạch du lịch và ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch;
- Cộng đồng dân cư có trách nhiệm tích cực tham gia vào các hoạt động kinh doanh du lịch và các hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa, cảnh quan; bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch theo các quy hoạch.
(chi tiết có nội dung quy hoạch kèm theo)
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Nghị quyết 110/NQ-HĐND năm 2014 phê chuẩn điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 2Quyết định 3586/QĐ-UBND năm 2014 về điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 3Quyết định 2732/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 do thành phố Hải Phòng ban hành
- 1Luật du lịch 2005
- 2Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Quyết định 2473/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 201/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Nghị quyết 123/NQ-HĐND năm 2014 thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 7Nghị quyết 110/NQ-HĐND năm 2014 phê chuẩn điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 8Quyết định 3586/QĐ-UBND năm 2014 về điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 9Quyết định 2732/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 do thành phố Hải Phòng ban hành
Quyết định 1646/QĐ-UBND năm 2014 về quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- Số hiệu: 1646/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 20/08/2014
- Nơi ban hành: Tỉnh Hà Giang
- Người ký: Đàm Văn Bông
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra