Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1639/QĐ-UBND | Hòa Bình, ngày 30 tháng 8 năm 2017 |
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HOÀ BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội;
Căn cứ Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Căn cứ Nghị định số 210/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ, về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 1604/QĐ-UBND ngày 31/8/2015 của UBND tỉnh Hòa Bình, phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Hòa Bình đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 350/TTr-SNN ngày 11/7/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2017-2025 (kèm theo Quyết định này).
Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2017-2025 tỉnh Hòa Bình.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHÁT TRIỂN GIỐNG CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI VÀ THỦY SẢN CHẤT LƯỢNG CAO PHỤC VỤ TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2017-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1639 /QĐ-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình)
Hòa Bình là tỉnh miền núi có tổng diện tích tự nhiên gần 460 nghìn ha, dân số trên 83 vạn người, chủ yếu sinh sống tại khu vực nông thôn với thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội bền vững khu vực nông nghiệp, nông thôn là mục tiêu căn bản được các ngành, các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm.
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh và các huyện, thành phố phê duyệt là một trong những giải pháp nhằm đạt được mục tiêu trên. Trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Đề án xác định các loại cây con chủ lực, đó là: Rau an toàn, cây ăn quả có múi, mía ăn tươi, cá lồng, gia súc, gia cầm và rừng kinh doanh gỗ lớn.
Để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì giống là tiền đề và quyết định đến năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của nông sản. Vì vậy, việc xây dựng và thực hiện Chương trình phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2025 là thực sự cần thiết.
- Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020;
- Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020;
- Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
- Nghị định số 210/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
- Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ, về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 – 2020;
- Quyết định số 1384/QĐ-BNN-KH ngày 18/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, ban hành chương trình hành động thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ;
- Quyết định số 680/QĐ-BNN-CN ngàỵ 07/4/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt "Đề án tăng cường năng lực quản lý nhà nước về giống vật nuôi đến năm 2020";
- Quyết định số 3748/QĐ-BNN-KH ngày 15/9/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, phê duyệt "Định hướng phát triển giống cây trồng, vật nuôi đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030";
- Quyết định số 842/QĐ-UBND ngày 20/5/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, phê duyệt Quy hoạch phát triển chăn nuôi đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2020;
- Quyết định số 1604/QĐ-UBND ngày 31/8/2015 của UBND tỉnh Hòa Bình, phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Hòa Bình đến năm 2020;
- Quyết định số 3086/QĐ-UBND ngày 27/12/2013 của UBND tỉnh Hòa Bình, về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất cam an toàn tập trung tỉnh Hòa Bình đến năm 2020;
- Quyết định số 3030/QĐ-UBND ngày 23/12/2013 của UBND tỉnh Hòa Bình, về việc phê duyệt Dự án quy hoạch tổng thể vùng và khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hòa Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;
- Quyết định số 1329/QĐ-UBND ngày 19/5/2016 của UBND tỉnh Hòa Bình, về việc phê duyệt Đề án thay thế giống mía tím bằng phương pháp nuôi cây mô đến năm 2020;
- Nghị quyết số 116/2015/ND-HĐND ngày 03/7/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020;
- Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 29/01/2016 của UBND tỉnh Hòa Bình, ban hành quy định thực hiện chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2016-2020;
- Quyết Định số 30/2016/QĐ-UBND ngày 15/7/2016 của UBND tỉnh Hòa Bình, về việc ban hành Quy định về một số chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020.
THỰC TRẠNG CÔNG TÁC GIỐNG CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI VÀ THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2011-2016
1. Giống cây trồng
Toàn tỉnh có 133 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống và hạt giống cây trồng. Trong đó có 5 cơ sở sản xuất giống lớn (gồm: Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản; Trung tâm ngô Sông Bôi, Công TNHH Một thành viên Cao Phong; Công ty TNHH Giống cây trồng Phương Huyền; Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình), còn lại là cơ sở sản xuất nhỏ và nông hộ. Chủng loại giống sản xuất phần lớn là giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả có múi, giống lúa thuần, giống ngô lai. Lượng giống sản xuất đáp ứng 20% nhu cầu sản xuất hàng năm, số lượng còn lại được nhập về từ ngoài tỉnh. Nhu cầu và lượng giống sản xuất đáp ứng từng loại như sau:
- Giống lúa: Diện tích lúa cả năm của tỉnh ổn định khoảng 39.000 ha, tổng lượng giống lúa cần dùng cho sản xuất khoảng 1.800 tấn/năm. Chủng loại giống lúa khá đa dạng như: BC15, TBR 225, MĐ1, Khang dân 18, CR 203, Nhị ưu 838, Thiên ưu 8, Nếp, VTR, TH 3-3…;
Lượng giống sản xuất trong tỉnh khoảng mới đáp ứng khoảng 40%, trong đó 5% do Trung tâm Giống cây trồng Vật nuôi và Thủy sản sản xuất, cung ứng; khoảng 35% còn lại là giống nông hộ (do bà con nông dân tự để giống).
Lượng giống từ ngoài tỉnh đưa vào chiếm khoảng 60% thông qua hệ thống kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh, trong đó: 25% từ Công ty Cổ phần dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình, 10% từ Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp Hòa Bình; 25% từ các cửa hàng, đại lý tư nhân và một số công ty ngoài tỉnh cung ứng trực tiếp đến nông dân.
- Giống ngô: Diện tích ngô khoảng 38.000 ha, nhu cầu giống khoảng 750 tấn/năm. Trung tâm nghiên cứu và sản xuất ngô Sông Bôi hàng năm sản xuất và cung ứng trong tỉnh khoảng 10% nhu cầu, chủ yếu các giống LVN10, LVN4, LVN25, SB099; 90% lượng giống do các công ty ngoài tỉnh sản xuất, cung ứng thông qua hệ thống kinh doanh giống cây trồng trong tỉnh: Công ty Cổ phần dịch vụ nông nghiệp (15%); Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp Hòa Bình (gần 25%); 50% lượng giống ngô còn lại được cung ứng qua hệ thống đại lý, cửa hàng tư nhân và một số công ty khác cung ứng trực tiếp đến người nông dân.
- Giống cây ăn quả: Nhu cầu 35 vạn cây giống/năm, chủ yếu giống cam (Canh, V2, xã Đoài, CS1) và bưởi (đỏ, da xanh, Diễn). Sản xuất trong tỉnh đáp ứng 50% nhu cầu, trong đó: 14% từ Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản; 20% từ Công ty TNHH MTV Cao Phong và Công ty TNHH Phương Huyền; 16% do bà con nông dân tự nhân giống, trao đổi. Số còn lại (50%) được nhập về từ các tỉnh khác, trong đó khoảng 10% từ Trung tâm Nghiên cứu sản xuất cây ăn quả có múi Xuân Mai, 10% từ Học viện Nông nghiệp, còn lại khoảng 30% là giống trôi nổi, chưa được kiểm soát về chất lượng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp giấy chứng nhận cho 40 cây đầu dòng cây ăn quả có múi. Nếu khai thác tối đa mắt ghép 40 cây này cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu giống mỗi năm.
- Giống mía: Nhu cầu 200 triệu hom/năm (tương đương 40 triệu cây giống). Mía nguyên liệu chủ yếu do Công ty mía đường Hòa Bình cung cấp giống; mía tím và mía trắng (mía ép nước) do nông dân tự để giống từ những cây xấu, kém chất lượng, không bán được, do vậy nguồn giống ngày càng thoái hóa, năng suất, chất lượng giảm.
Năm 2015-2016, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật thuộc Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu sản xuất giống mía tím bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào và đã cung cấp 21 vạn cây giống/năm cho các địa phương. Năm 2017, dự kiến cung ứng 42 vạn cây giống nuôi cấy mô tế bào để đạt được 130 ha vườn giống cấp II cung cấp cho sản xuất.
- Giống rau: Nhu cầu 10 tấn giống/năm chủ yếu là rau cải, các loại đậu đỗ, bí xanh, bí đỏ, dưa chuột, mướp đắng, su su lấy ngọn, tỏi tía, lặc lày... Chưa có nguồn giống được sản xuất trong tỉnh mà chủ yếu được nhập từ các tổ chức doanh nghiệp ngoài tỉnh, một phần do người dân tự để giống.
- Giống cây lâm nghiệp: Nhu cầu hàng năm 12-14 triệu cây giống các loại. Hiện có 8 đơn vị có đủ điều kiện sản xuất kinh doanh trong tỉnh, hàng năm sản xuất khoảng 10 triệu cây đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng được 75% nhu cầu. 10% là giống do các hộ gia đình tự sản xuất để trồng rừng, trồng cây phân tán và bán ra thị trường; 15% được nhập từ các tỉnh như Phú Thọ, Hà Nội ... Lượng giống này hầu như không kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ và chất lượng cây giống.
Về chủng loại cây sản xuất: Chủ yếu là cây giống thực sinh các loài Keo tai tượng, Sấu, Trám, Xoan ta, Lát hoa, Lim xanh, Giổi, Mỡ, Bồ đề... Mới có 1 phòng nuôi cấy mô của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình (VINAFOR) sản xuất giống Bạch đàn lai, phong lan và một số loài cây xanh đô thị.
Về nguồn giống: Đến nay mới bình tuyển, công nhận được 20 cây trội Giổi ăn hạt tại xã Chí đạo huyện Lạc Sơn để khai thác hạt và hom giống. Dự án Giống cây trồng lâm nghiệp giai đoạn 2015-2018 đang được triển khai thực hiện với mục tiêu nâng cấp cơ sở hạ tầng sản xuất giống, chọn lọc được 220 cây trội, trồng mới 30,0 ha và chuyển hóa khoảng 80,0 ha rừng giống. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho việc phát triển giống cây lâm nghiệp chất lượng cao.
2. Giống vật nuôi
- Giống trâu: Tổng đàn trâu năm 2016 có 109.843 con, giống trâu Gié chiếm 80%, trâu Ngố chiếm 20% tổng đàn. Nhu cầu giống 20 nghìn con/năm. Tính đến thời điểm hiện tại chưa có hoạt động đầu tư về cải tạo giống (tuyển chọn giống, mua đực giống chất lượng cao, thụ tinh nhân tạo …). Giống sử dụng trong sản xuất hoàn toàn do giao phối tự do, cận huyết dẫn đến tầm vóc đàn trâu giảm, chất lượng giống bị suy thoái nghiêm trọng.
- Giống bò thịt: Tổng đàn bò năm 2016 có 63.179 con, giống bò vàng Thanh Hóa có tầm vóc nhỏ chiếm 60%; bò lai Sind, Zebu chiếm 40% tổng đàn. Nhu cầu giống 15 nghìn con/năm. Hiện có trên 200 con bò đực giống lai Sind, lai Zebu (3/4 máu ngoại trở lên) được mua từ tỉnh ngoài về để giao phối trực tiếp và đàn bò cái ở một số địa phương được thụ tinh nhân tạo thông qua các chương trình, dự án cải tạo đàn bò. Lượng con giống tạo ra từ các chương trình này có chất lượng cao, được kiểm soát tốt, chiếm khoảng 3% nhu cầu giống. Còn lại đều do giao phối tự do, cận huyết, không kiểm soát, tầm vóc và chất lượng đàn bò ngày càng giảm.
- Giống lợn: Tổng đàn lợn năm 2016 đạt 629.000 con, chủ yếu là giống lợn ngoại và lai ngoại gồm các giống Landratce, Ducroc, Pi-Du, Đại Bạch, Yorshire... Giống Móng Cái và giống bản địa (lợn Mán) được nuôi nông hộ và chủ yếu ở các xã vùng cao. Nhu cầu về giống khoảng 1 triệu con/năm.
Tổng đàn lợn nái có 56.822, chiếm 9%/ tổng số con hiện có; nái ngoại chiếm gần 10% tổng đàn nái, nái nội (bản địa, Móng cái) có 4.606 con, chiếm 8% tổng đàn nái, còn lại trên 80% là nái lai 1/2 đến 7/8 máu ngoại. Hiện có 34 trang trại chăn nuôi lợn nái và hậu bị quy mô khép kín từ 300 - 3.000 con, hàng năm cung cấp khoảng 322.500 con lợn giống và 51.100 con lợn hậu bị/năm, đáp ứng được trên 37% nhu cầu giống. Lượng giống còn lại (63%) do các trang trại nhỏ, nông hộ tự sản xuất và các thương lái đưa vào từ ngoài tỉnh, lượng giống này hầu như không kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.
Lợn đực giống có 1.001 con, chiếm 0,16%/ tổng số con hiện có. Lợn đực khai thác tinh để lai tạo đàn lợn bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo có 160 con được nuôi tại Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản và các trang trại trên địa bàn tỉnh. Lợn đực phối giống trực tiếp có 841 con, hầu như không kiểm soát được về chất lượng.
- Giống gia cầm: Tổng đàn năm 2016 đạt 5.700.000 con, có 45 trang trại chăn nuôi gà thương phẩm với tổng số 561.000 con/lứa, sản xuất đạt 2.805.000 con/năm.
Nhu cầu giống khoảng 8 triệu con giống/năm. Có 14 trang trại chăn nuôi gà giống, đẻ trứng và hậu bị với tổng số 356.000 con, sản xuất trên 10 triệu con gà giống/năm và khoảng 16 triệu quả trứng, trong đó Công ty Cổ phần chăn nuôi Hòa Bình một năm đã sản xuất trên 8 triệu con giống, song tiêu thụ chủ yếu ngoài tỉnh.
Chăn nuôi nông hộ sử dụng các giống gà Lạc Thủy, Lạc Sơn, gà H'Mông, gà Ri, Ri lai Lương Phượng, Mía lai. Trang trại nuôi thịt thương phẩm chủ yếu là các giống gà Isa, AA, 707, Cob 500, Ross 308; gà hướng trứng và sản xuất giống gồm các giống Isa Brow, Isa-Color, Lương Phượng, Tam hoàng và Ai cập.
- Giống thủy cầm: Gồm các giống vịt Bầu Bến, vịt Super, vịt Khaki Campbell; ngan Dé, ngan Trâu, ngan Sen và ngan Pháp
- Giống dê: tổng đàn dê năm 2016 đạt 33.500 con. Hiện tại có 14 gia trại chăn nuôi dê quy mô từ 60 - 200 con. Về giống, chủ yếu là dê cỏ chiếm khoảng 70% còn lại là dê lai các giống Bách Thảo, Boor, Salem.. chiếm 30%
3. Giống thủy sản
Diện tích mặt nước nuôi thủy sản ngày càng tăng, các loại cá truyền thống như mè, trắm, chép, trôi... chiếm khoảng 80%, đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như rô phi đơn tính, chép lai, chim trắng, điêu hồng... và loài đặc sản như lăng, chiên, nheo, bỗng … chiếm khoảng 20% diện tích và sản lượng.
Nhu cầu giống sản xuất hàng năm hơn 70 triệu con cá giống các loại. Hiện có 4 trại sản xuất và ương nuôi cá giống quy mô lớn và một số cơ sở quy mô nhỏ, cung ứng 30% nhu cầu sản xuất, chủ yếu là các giống truyền thồng như: cá mè, cá trôi, trắm, chép.... Một số loài cá bản địa có giá trị kinh tế cao lăng, nheo, bỗng …đã được ương nuôi, song số lượng còn rất hạn chế.
Trong những năm qua ngành nông nghiệp và các địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến và công khai văn bản pháp luật, quy trình thủ tục hành chính trong lĩnh vực giống đến các tổ chức, cá nhân liên quan.
Tổ chức thanh kiểm tra tình hình quản lý chất lượng giống, vật tư nông nghiệp và công bố nhãn hiệu hàng hóa sản xuất kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi. Kết quả kiểm tra, đánh giá năm 2016:
- Trong 42 cơ sở kinh doanh giống cây trồng được đánh giá xếp loại, có 18 cơ sở xếp loại A, 19 cơ sở xếp loại B, 5 cơ sở xếp loại C. Còn 91 cơ sở do UBND huyện quản lý chưa được đánh giá, xếp loại;
- Trong số 04 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản được đánh giá có 01 cơ sở xếp loại A, 03 cơ sở thực hiện chưa đầy đủ quy định;
- Một số cơ sở, hộ gia đình sản xuất giống vật nuôi chưa thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh thú y, môi trường chăn nuôi ô nhiễm, trang thiết bị chăn nuôi lạc hậu. Chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ khó kiểm soát chất lượng giống.
III. ĐÀO TẠO, PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC
Đã tổ chức đào tạo tập huấn, cấp chứng chỉ cho 49 cán bộ quản lý, sản xuất giống, tróng đó: 5 người được đào tạo về kỹ thuật sấy, chế biến bảo quản giống; 20 người về kỹ thuật nhân giống, sản xuất giống lúa lai, lúa thuần siêu nguyên chủng, nguyên chủng, nhân giống cây ăn quả; 24 người về đánh giá chất lượng giống (kiểm định đồng ruộng, kiểm nghiệm, lấy mẫu). Có hơn 100 lượt cán bộ được đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn về lưu giữ và lai tạo giống; thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò, lợn mà nòng cốt là đội ngũ dẫn tinh viên cơ sở; chăn nuôi VietGap, quan trắc môi trường…. Tuy nhiên lĩnh vực kiểm định, quản lý giống chưa được đào tạo đáp ứng yêu cầu.
IV. NGHIÊN CỨU, BẢO TỒN, PHỤC TRÁNG, PHÁT TRIỂN NGUỒN GIỐNG
1. Nghiên cứu về giống
Thực hiện các đề tài nghiên cứu về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản như: Khảo nghiệm một số giống ngô chịu hạn tại 2 huyện vùng cao Đà Bắc, Mai Châu; Nhân giống lúa thuần chất lượng cao tại tỉnh Hòa Bình; Bảo tồn, phục tráng và phát triển giống ngô nếp Mai Châu; Phục tráng, bảo tồn giống mía tím Hòa Bình phục vụ công tác nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô; Bình tuyển, công nhận cây đầu dòng, nhân giống phục vụ sản xuất một số giống cam, quýt, bưởi tại huyện Cao Phong, Tân Lạc; Khảo nghiệm, chọn lọc một số giống lúa thuần ngắn ngày có khả năng chống chịu sâu bệnh; Nghiên cứu, sản xuất chế phẩm sinh học ROTENON từ cây họ đậu để diệt, phòng trừ bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất rau bản địa quy mô hàng hóa tại Hòa Bình; Bình tuyển, công nhận cây trội giống Giổi ăn hạt tại tỉnh Hòa Bình; Khảo nghiệm xuất xứ một số giống keo lai tại tỉnh Hòa Bình; Khảo nghiệm, xây dựng vườn giống một số giống cây lâm nghiệp (giổi, sấu, tai chua, trám ghép) tại tỉnh Hòa Bình; Xây dựng mô hình chăn nuôi bò chất lượng cao tại huyện Cao Phong, Tân Lạc và Lạc Sơn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2006-2008; Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất và nuôi thương phẩm vịt Bầu Bến; Cho sinh sản nhân tạo cá Trắm đen, ương nuôi cá bột lên hương, hương lên giống …
2. Sưu tập, bảo tồn, phục tráng và công nhận nguồn giống
Thực hiện các đề tài nghiên cứu phục tráng, bảo tồn khôi phục các giống bản địa bị thoái hoá hoặc mất đi do quá trình sử dụng giống mới. Đã phục tráng được giống Ngô nếp Mai Châu, 3 giống mía tím Hòa Bình, giống Quýt cổ Nam Sơn; bình tuyển, công nhận 40 cây đầu dòng các giống cây ăn quả có múi tại huyện Cao Phong, Tân Lạc; công nhận 20 cây trội Giổi ăn hạt tại huyện Kim Bôi, Lạc Sơn; xây dựng vườn bảo tồn, khai thác các giống cây ăn quả: nhãn, vải, cam, bưởi, vườn giống Giổi, rừng giống Keo tai tượng xuất xứ từ Úc; tuyển chọn, bảo tồn lưu giữ, sản xuất cung ứng tinh, con giống các giống lợn ngoại có năng suất cao; sưu tập, chuyển giao kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, cải tạo đàn trâu, bò; tuyển chọn, bảo tồn, nuôi dưỡng và sinh sản nhân tạo một số giống cá ...
Dự án nâng cấp Trung tâm Giống cây trồng và Trung tâm Giống vật nuôi và thủy sản giai đoạn I (2003-2010) với tổng vốn đã đầu tư gần 30 tỷ đồng; Dự án Tăng cường năng lực hệ thống sản xuất giống lúa nhân dân tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2012-2015 với tổng số vốn đã giải ngân trên 13 tỷ đồng; Dự án Giống cây lâm nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2015-2018 với tổng vốn đầu tư 17 tỷ đồng (hiện vẫn đang triển khai) … Ngoài ra, một số doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân cũng đã tự bỏ vốn đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng. Nhờ vậy, hệ thống vườn ươm, kênh mương, đường nội đồng, ao nuôi, chuồng trại cũng như các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, sản xuất giống được cải thiện đáng kể.
1. Thuận lợi
- Công tác giống thời gian qua đã nhận được sự quan tâm của Nhà nước, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, các Sở, ngành trong tỉnh. Nhiều chính sách hỗ trợ về giống từ Trung ương đến tỉnh đã được ban hành và triển khai thực hiện tạo điều kiện thuận lợi để công tác giống ngày càng phát triển.
- Đầu tư của các doanh nghiệp, người dân cho sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, trong đó giống được xác định là yếu tố tiền đề để nâng cao năng suất, giá trị và khả năng cạnh tranh;
- Cơ sở hạ tầng kỹ thuật về sản xuất giống đang dần được cải thiện, nhiều công nghệ nhân giống tiên tiến, hiện đại được ứng dụng vào sản xuất.
- Hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn, hợp tác, liên kết khép kín được hình thành đòi hỏi nâng cao chất lượng giống.
2. Khó khăn và hạn chế
- Hạ tầng kỹ thuật còn yếu, trang thiết bị thiếu và không đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất quy mô lớn, ứng dụng những công nghệ cao, công nghệ tiến tiến. Chưa có phòng kiểm nghiệm chất lượng hạt giống; hệ thống nhà lưới phục vụ sản xuất cây ăn quả có múi sạch bệnh đã xuống cấp và không còn sử dụng được; mới chỉ có 02 nhà nuôi cấy mô trong toàn tỉnh với công suất nhỏ. Hệ thống chuồng trại chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất con giống cả về số lượng và chất lượng. Hệ thống ao nuôi, các trang thiết bị cho sinh sản nhân tạo giống thủy sản thiếu và chưa đồng bộ, hầu như chưa thể sinh sản nhân tạo và nhân giống các giống thủy sản đặc sản (cá Bỗng, cá Lăng …)
- Chưa có sự đầu tư thỏa đáng về nguồn giống gốc làm cơ sở cho nhân giống chất lượng cao:
+ Mới công nhận được 40 cây đầu dòng cây ăn quả có múi, 20 cây trội Giổi ăn hạt. Ngoài ra chưa có đầu tư để đưa về các giống tốt, giống mới để xây dựng các vườn giống, rừng giống, tạo nguồn giống chất lượng cao dùng để nhân giống.
+ Chưa có đầu tư tuyển chọn giống trâu, bò tốt làm giống. Toàn tỉnh mới chỉ được đầu tư trên 200 con bò đực lai Sind, lai Zeebu làm giống và thụ tinh nhân tạo bằng giống bò lai cho đàn bò ở một số địa phương (đáp ứng được 3% nhu cầu giống tốt). Còn lại, giống trầu, bò cung cấp cho sản xuất đều từ giao phối tự do trong nông hộ, chất lượng ngày càng thoái hóa, suy giảm do giao phối cận huyết.
+ Chưa có đầu tư khảo nghiệm, tuyển chọn, lưu giữ và nhập thêm các giống thủy sản mới có năng suất, chất lượng cao để nhân giống phục vụ sản xuất.
- Chi phí cho công tác nghiên cứu, chọn tạo, bảo tồn, phục tráng giống hết sức hạn chế. Thời gian qua mới chỉ có một lượng nhỏ kinh phí sự nghiệp khoa học được chi cho công tác bình tuyển, công nhận một số loại cây ăn quả có múi; phục tráng, bảo tồn một số giống cây trồng như mía tím Hòa Bình, ngô nếp Mai Châu, quýt cổ Nam Sơn; thử nghiệm cho sinh sản nhân tạo cá Trắm đen; cho sinh ssanr và nuôi thương phẩm vịt bầu bến. Các lĩnh vực kháchầu như không được đầu tư nghiên cứu.
- Tỷ lệ sử dụng giống nông hộ và giống trôi nổi khá cao (35% giống lúa, 46% giống cây ăn quả có múi, 25% giống cây lâm nghiệp, 97% giống bò, 100% giống trâu …), nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hầu như không kiểm soát được đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất.
- Liên kết giữa các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh với nông dân và với các địa phương chưa chặt chẽ, nhiều đơn vị, doanh nghiệp sản xuất giống tốt, số lượng lớn (Trung tâm nghiên cứu sản xuất ngôi Sông Bôi, Công ty Cổ phần chăn nuôi Hòa Bình …) nhưng chủ yếu cung cấp ra thị trường ngoài tỉnh trong khi nhu cầu trong tỉnh vẫn thiếu nhiều.
- Đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý về giống còn thiếu, chưa được đào tạo đầy đủ, chuyên sâu. Toàn tỉnh chưa có cán bộ được đào tạo và cấp chứng chỉ kiểm định giống cây ăn quả; chưa có cán bộ chuyên sâu về chọn tạo, lai tạo giống …
- Công tác quản lý Nhà nước về giống chưa tốt, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa chặt chẽ, đồng bộ, nhiều loại giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, giống trôi nổi, không kiểm soát được chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường trong tỉnh
- Chính quyền ở hầu hết các địa phương trong tỉnh chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý, phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Kinh phí dành cho công tác giống hầu như không có. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh giống được phân cấp cho huyện quản lý nhưng không được kiểm tra, giám sát thường xuyên dẫn đến một số giống cung cấp ra thị trường không đảm bảo chất lượng.
- Việc ban hành và triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách chưa được kịp thời. Nhiều chính sách được ban hành nhưng chậm hoặc không được triển khai thực hiện do thiếu vốn. Nguồn vốn đầu tư cho phát triển giống chủ yếu do ngân sách Trung ương hỗ trợ, nguồn vốn từ tỉnh hầu như không có.
3. Cơ hội
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với thị trường trên cơ sở phát huy lợi thế các vùng là cơ hội để phát triển giống cây, giống con chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Một số nông sản của Hòa Bình đã dần có thương hiệu và được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng như: cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, mía tím, gà Lạc Thủy, gà Lạc Sơn, vịt Bầu Bến, lợn bản, cá Sông Đà … Đây là những lợi thế so sánh của tỉnh cần được chú trọng phát triển, mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa mà khâu quan trọng là phát triển giống.
Thế giới đang có xu hướng chuyển dịch chăn nuôi từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, từ phương Tây sang các nước Châu Á Thái Bình Dương. Châu Á sẽ trở thành khu vực sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm chăn nuôi lớn nhất, ảnh hưởng quyết định đến chăn nuôi trên toàn cầu. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, trong đó giống chất lượng cao là khâu quan trọng cần ưu tiên đầu tư.
Nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp từ Trung ương đến tỉnh được triển khai thực hiện sẽ thúc đẩy phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao phục vụ sản xuất.
4. Thách thức
Xu hướng nhập nội giống có ảnh hưởng lớn đến sản xuất giống trong nước; Sự đầu tư vốn nước ngoài và gia nhập nông sản các nước trên thị trường Việt Nam có thể tác động trực tiếp tới sản xuất trong nước
Trình độ quản lý, khoa học công nghệ và trang thiết bị sản xuất giống yếu kém khó đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của sản xuất Nguồn tài nguyên giống bản địa ngày càng cạn kiệt và thoái hóa do quá trình biến đổi khí hậu, do sử dụng giống lai, giống ngoại nhập có ưu thế về năng suất, tính kháng bệnh.
Vốn đầu tư của Nhà nước cho cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ sản xuất, nghiên cứu về lĩnh vực giống ngày càng hạn hẹp do nguồn vốn vay ODA, vốn tài trợ nước ngoài bị cắt giảm.
1. Mục tiêu chung
Nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất, cung ứng dịch vụ, quản lý chất lượng giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Từng bước thay thế các giống cũ, chất lượng thấp bằng những giống chất lượng cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp một cách bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
2. Mục tiêu cụ thể
1.1. Đến năm 2020
- Giống cây trồng chủ yếu:
Phấn đấu tỷ lệ sử dụng giống mới, giống tiến bộ đạt 75% đối với giống lúa, 65% đối với giống ngô;
Sản xuất giống nội tỉnh đáp ứng 60% nhu cầu giống cây ăn quả từ các cây đầu dòng, vườn giống gốc; 90% nhu cầu giống cây lâm nghiệp từ các nguồn giống được công nhận; 50% giống mía ăn tươi từ giống nuôi cấy mô cấp III.
Phục tráng, bảo tồn và phát triển các giống cây trồng bản địa có giá trị.
- Giống vật nuôi chủ yếu: 20% trâu cái, 60% bò cái, 80% lợn nái được thụ tinh nhân tạo bằng giống có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt.
Phát triển các giống vật nuôi bản địa có giá trị như: gà Lạc Sơn, gà Lạc Thủy, vịt Bầu Bến, lợn bản Đà Bắc
- Giống thủy sản (giống cá): đáp ứng 50% nhu cầu giống cá, chủ yếu phục vụ nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Hòa Bình.
1.2. Đến năm 2025
- Giống cây trồng chủ yếu:
Phấn đấu tỷ lệ sử dụng giống mới, giống tiến bộ đạt 85% đối với giống lúa, 75% đối với giống ngô;
Sản xuất giống nội tỉnh đáp ứng 80% nhu cầu giống cây ăn quả từ các cây đầu dòng, vườn giống gốc; 100% nhu cầu giống cây lâm nghiệp từ các nguồn giống được công nhận; 80% giống mía ăn tươi từ giống nuôi cấy mô cấp III.
Tiếp tục phục tráng, bảo tồn và phát triển các giống cây trồng bản địa có giá trị.
- Giống vật nuôi chủ yếu: 40% trâu cái, 80% bò cái, 95% lợn nái được thụ tinh nhân tạo bằng giống có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt.
Tiếp tục phát triển các giống vật nuôi bản địa có giá trị như: gà Lạc Sơn, gà Lạc Thủy, vịt Bầu Bến, lợn bản Đà Bắc
- Giống thủy sản: đáp ứng 60% nhu cầu giống cá, chủ yếu phục vụ nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Hòa Bình.
II. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất giống
1.1. Giống cây trồng
Giống cây hàng năm: Tập trung nghiên cứu, khảo nghiệm, tuyển chọn, du nhập, khu vực hóa các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với điều kiện sinh thái từng địa phương để bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh. Khảo nghiệm, đưa vào sử dụng các giống ngô biến đổi gen tại những vùng sản xuất ngô tập trung có áp lực cao về sâu đục thân và cỏ dại. Sử dụng giống lúa chất lượng cao thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu và điều kiện sinh thái từng vùng.
Giống cây ăn quả: Quản lý, khai thác có hiệu quả các cây ăn quả đầu dòng đã được bình tuyển, công nhận tại các địa phương; Bình tuyển, công nhận cây ăn quả đầu dòng chủ lực, xây dựng vườn giống gốc.
Khảo nghiệm, tuyển chọn, di thực các giống cây ăn quả mới; phục tráng, bảo tồn và phát triển các giống cây ăn quả bản địa có giá trị bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh.
Giống mía: duy trì, bảo tồn vườn giống gốc mía tím; đẩy mạnh nhân giống bằng phương pháp nuôi cây mô tế bào, xây dựng vườn giống cấp I, II; Tuyển chọn, nhân giống các giống mía nguyên liệu, mía trắng có năng suất, chất lượng, đảm bảo số lượng phục vụ nhu cầu sản xuất của nhân dân.
Giống cây lâm nghiệp: Tăng cường khảo nghiệm, di thực các giống cây lâm nghiệp mới có năng suất, chất lượng để từng bước thay thế cây Keo. Tổ chức tuyển chọn cây trội, xây dựng các rừng giống, vườn giống để đảm bảo cung cấp nguồn giống chất lượng cao cho nhân giống phục vụ sản xuất.
1.2.Giống vật nuôi
Giống gia súc:
Đối với vùng sâu, vùng xa: Tập trung bảo tồn, phát triển nguồn gen, nhân giống và xây dựng thương hiệu lợn bản địa; Bổ sung đàn lợn, trâu, bò, dê đực giống có tầm vóc và tiềm năng năng suất cao; quản lý, khai thác hiệu quả đực giống đủ tiêu chuẩn; loại thải những con đực giống chất lượng kém.
Các vùng còn lại: đẩy mạnh thụ tinh nhân tạo bằng các giống gia súc có tầm vóc và tiềm năng năng suất cao trên đàn cái nền đủ tiêu chuẩn giống. Tăng cơ cấu giống lai chuyên thịt chất lượng cao kết hợp quy trình nuôi vỗ béo gia súc.
Giống gia cầm: Tập trung bảo tồn và phát triển nguồn gen giống bản địa như gà Lạc Thủy, gà Lạc Sơn, gà H’Mông, vịt bầu Bến; nâng cao chất lượng đàn giống địa phương thông qua công tác phục tráng, tuyển chọn để sản xuất giống gia cầm chất lượng cao theo hướng mỗi địa phương có 1-2 giống chủ lực; quản lý chặt chẽ cơ sở sản xuất, kinh doanh giống và chất lượng con giống.
1.3. Giống thủy sản
Thực hiện công tác bảo tồn, khai thác thuần dưỡng và cho sinh sản nhân tạo các giống cá quý hiếm bản địa. Nâng cao năng lực ương nuôi các loài thủy sản truyền thống, ương nuôi cá đủ tiêu chuẩn nuôi lồng và hồ chứa lớn.
2. Đầu tư nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng
Duy trì, mở rộng, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất giống như: chuồng trại, ao nuôi, vườn ươm, vườn giống, rừng giống, khu bảo tồn nguồn giống, phòng kiểm nghiệm chất lượng giống…
Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, trang thiết bị và công nghệ mới, nhập nội giống cao sản để sản xuất, kinh doanh giống chất lượng cao. Sử dụng thiết bị và công nghệ nhân giống sinh dưỡng đối với cây ăn quả, nuôi cấy mô với giống mía và cây lâm nghiệp.
Đầu tư nâng cấp hạ tầng các vùng sản xuất giống cây hàng năm phù hợp với yêu cầu sinh thái của từng loại cây trồng, vật nuôi, đảm bảo chất lượng giống.
3. Củng cố, phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng và dịch vụ về giống
Xã hội hóa công tác sản xuất giống, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào sản xuất, cung ứng dịch vụ các giống tốt, giống tiến bộ, chất lượng cao vào địa bàn tỉnh.
Hình thành các vùng sản xuất giống, khuyến khích thành lập và phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã, mạng lưới sản xuất, nhân giống và cung ứng giống.
Khuyến khích liên kết hình thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ giống. Trong đó: trọng tâm là đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp, vệ tinh là các nông hộ sản xuất giống, có sự tham gia của các nhà khoa học.
4. Tăng cường công tác khuyến nông, ứng dụng giống mới, chuyển giao kỹ thuật và xúc tiến thương mại về giống
Tập trung xây dựng mô hình, dự án giới thiệu, chuyển giao kỹ thuật về giống mới chất lượng cao; đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia chuyển giao giống chất lượng cao vào sản xuất.
Đa dạng hóa công tác thử nghiệm, chuyển giao giống mới; tổ chức định kỳ phiên chợ, hội chợ, hội thi, đấu xảo giống; tổ chức nhiều các hội nghị, hội thảo giao lưu giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống với nông dân, trang trại, hợp tác xã; khuyến khích nông dân sử dụng giống có nguồn gốc, nhãn hiệu.
5. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giống đảm bảo kiểm soát được giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản cả về chủng loại, số lượng, chất lượng
Thực hiện quản lý nhà nước về giống theo phân cấp, kiểm tra, giám sát từ khâu sản xuất, lưu thông đến sử dụng giống.
Xây dựng phòng Kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm tra, đánh giá, chứng nhận chất lượng giống bằng các phương pháp kỹ thuật hiện đại.
Đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật chuyên ngành giống. Trao đổi kinh nghiệm trong quản lý, sản xuất giống; công tác tuyên truyền, hướng dẫn tuân thủ các quy định sản xuất - kinh doanh giống.
Ban hành các văn bản quản lý, chỉ đạo về các hoạt động sản xuất, kinh doanh giống nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt những trường hợp sản xuất, kinh doanh giống kém chất lượng, giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.
6. Tăng cường hợp tác và đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành giống
Hợp tác, liên kết với các tỉnh/thành phố, cơ quan nghiên cứu khoa học, tổ chức, doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, giới thiệu, chuyển giao, sản xuất và cung ứng giống chất lượng cao. Đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật, kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng giống cho các tổ chức sản xuất cung ứng giống trên địa bàn tỉnh. Nâng cao tay nghề cho cán bộ kỹ thuật tại các cơ sở sản xuất giống chất lượng cao.
7. Thực hiện các chính sách và tăng vốn đầu tư sản xuất giống.
Triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất giống tại Quyết định số 2194/QĐ-TTg, ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản đến năm 2020; Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 1604/QĐ-UBND ngày 31/8/2015 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc Phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Hòa Bình đến năm 2020; Quyết định số 30/2016/QĐ- UBND về chính sách hỗ trợ chăn nuôi trong nông hộ; Chính sách tín dụng trong nông nghiệp nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015. Xây dựng các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư nghiên cứu, sản xuất giống chất lượng cao, đặc biệt là đầu tư công nghệ mới, công nghệ hiện đại.
Bố trí đủ nguồn vốn ngân sách tỉnh hàng năm đối ứng thực hiện các dự án giống đã được phê duyệt; Huy động nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân. Quy hoạch và bố trí quỹ đất thu hút đầu tư dự án nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh giống ứng dụng công nghệ cao.
III. KINH PHÍ, NGUỒN VỒN THỰC HIỆN VÀ PHÂN KỲ
1. Kinh phí thực hiện
Tổng vốn thực hiện chương trình là: 45 tỷ đồng, trong đó:
- Vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ là: 32,6 tỷ đồng
- Vốn từ dự án WB7 là: 2,7 tỷ đồng
- Vốn từ dự án JICA là: 0,4 tỷ đồng
- Vốn từ ngân sách tỉnh, huyện là: 9,3 tỷ đồng
2. Nội dung ưu tiên
2.1. Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật sản xuất giống tập trung
- Mục tiêu: Nâng cấp, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng hệ thống khảo nghiệm, bảo tồn, tuyển chọn, sản xuất, kiểm nghiệm chất lượng giống.
- Nội dung: Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ công tác sản xuất, quản lý chất lượng giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản gồm: cải tạo chuồng trại, ao nuôi, vườn ươm, nhà lưới; cải tạo mặt bằng đất sản xuất, kho tàng, dây chuyền chế biến – bảo quản giống; cải tạo nâng cấp nhà nuôi cấy mô, mua sắm trang thiết bị kiểm nghiệm chất lượng giống … tại 2 cơ sở nghiên cứu, sản xuất giống chính của tỉnh là Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ- Sở Khoa học và Công nghệ.
- Dự kiến kinh phí: 25 tỷ đồng
- Nguồn: 2,4 tỷ đồng từ dự án WB7; 22,6 tỷ đồng ngân sách TW (giai đoạn 2020 – 2025).
2.2. Cải thiện, nâng cao chất lượng giống vật nuôi
- Mục tiêu: Cải thiện và nâng cao năng suất, chất lượng đàn giống; nghiên cứu các công thức lai lợn, bò thịt phù hợp với điều kiện chăn nuôi của tỉnh.
- Nội dung: Đầu tư con giống, hỗ trợ thụ tinh nhân tạo cho lợn, trâu, bò; hỗ trợ trang thiết bị cho cơ sở sản xuất và dịch vụ tinh giống; đào tạo dẫn tinh viên.
- Dự kiến kinh phí thực hiện: 10 tỷ đồng
- Nguồn: 8 tỷ đồng từ ngân sách Tung ương (giai đoạn 2020 - 2025); 0,2 tỷ đồng từ dự án JICA; 1,8 tỷ đồng ngân sách của tỉnh.
2.3. Phát triển giống mía, cây ăn quả và cây lâm nghiệp chất lượng cao
- Mục tiêu: Thay thế các giống mía, cây ăn quả và cây lâm nghiệp đang sử dụng có năng suất, chất lượng, giá trị thấp bằng các giống mới, giống có năng suất, chất lượng và giá trị cao
- Nội dung: Thay thế các giống mía bằng giống nuôi cấy mô; nghiên cứu, khảo nghiệm, tuyển chọn, di thực các giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp mới; đầu tư bình tuyển, công nhận cây trội, cây đầu dòng; đầu tư mua cây giống, hạt giống gốc, xây dựng các vườn giống, xây dựng rừng giống Keo Úc chất lượng cao.
- Dự kiến kinh phí: 3 tỷ đồng
- Nguồn: Từ Dự án WB7 là 0,3 tỷ đồng và 2,7 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh.
2.4. Tuyển chọn, phục tráng, bảo tồn và phát triển giống bản địa
- Mục tiêu: Phát triển các giống bản địa có giá trị, khai thác lợi thế so sánh của tỉnh để nâng cao giá trị sản xuất.
- Nội dung: Tuyển chọn, phục tráng, bảo tồn lưu giữ một số giống cây, giống con bản địa để nhân giống phục vụ sản xuất như: Lợn bản địa; gà Lạc Sơn, gà Lạc Thủy; cá Bỗng, cá Chiên, cá Lăng; tỏi tím Mai Châu, quýt Nam Sơn…
- Dự kiến kinh phí: 4 tỷ đồng
- Nguồn: Từ Dự án JICA là 0,2 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 3,8 tỷ đồng
2.5. Đào tạo, nâng cao năng lực sản xuất, quản lý giống
- Mục tiêu: Nâng cao năng lực nghiên cứu, chọn tạo, nhân giống, ứng dụng giống, quản lý giống. Năng lực tiếp cận và ứng dụng giống mới trong sản xuất.
- Nội dung: Tập huấn, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng mô hình, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống mới, giống chất lượng cao phục vụ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Dự kiến kinh phí: 3 tỷ đồng
- Nguồn: Ngân sách Tung ương 2 tỷ đồng; ngân sách tỉnh, huyện 1 tỷ đồng.
3. Phân kỳ đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước
Tổng vốn thực hiện chương trình là: 45 tỷ đồng, gồm các nội dung:
- Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật sản xuất giống: 25 tỷ đồng
- Cải thiện, nâng cao chất lượng giống vật nuôi: 10 tỷ đồng
- Phát triển giống mía, cây ăn quả và cây lâm nghiệp chất lượng cao: 3 tỷ đồng
- Tuyển chọn, phục tráng bảo tồn và phát triển giống bản địa: 4 tỷ đồng
- Đào tạo, nâng cao năng lực sản xuất, quản lý giống: 3 tỷ đồng
(Chi tiết phụ biểu kèm theo)
Chương trình được thực hiện giúp người sản xuất tăng năng suất, sản lượng và nâng cao hiệu quả kinh tế. Đối với phạm vi toàn tỉnh, sử dụng giống chất lượng cao dự kiến giá trị sản xuất và lợi nhuận tăng thêm 10-15% đối với diện tích và vùng sử dụng. Khi chương trình được triển khai thực hiện, ước tính diện tích và quy mô sử dụng giống chất lượng cao tăng trung bình 1%/năm. Như vậy, giá trị sản xuất và lợi nhuận sản xuất toàn tỉnh tăng thêm 0,1-0,15%/năm (10-15% x 1% x 11,2 nghìn tỷ đồng GTSX hiện hành năm 2016) tương ứng 11-16 tỷ đồng/năm, tổng giá trị tăng thêm cho cả giai đoạn được tính lũy kế khoảng 400-580 tỷ đồng.
Tạo ra nông sản đồng nhất, chất lượng cao và an toàn, đảm bảo lợi ích cho người người tiêu dùng. Nâng cao khả năng cạnh tranh nông sản và giá tri gia tăng cho ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình, tạo động lực cho xây dựng nông thôn mới, góp phần ổn định chính trị, xã hội và phát triển nông dân, nông thôn.
Sử dụng giống chất lượng cao sẽ hình thành vùng nguyên liệu chất lượng cao là tiền đề thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển chế biến nông sản. Qua đó tăng tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm và nâng cao thu nhập.
Việc sử dụng các giống chất lượng cao, khả năng chống chịu tốt sẽ làm giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh …, giảm các tác động xấu đến môi trường, bảo vệ và phát triển tốt hơn thiên địch của các đối tượng gây hại, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình hàng năm; Chủ trì triển khai, theo dõi, đánh giá, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tiến độ thực hiện; Tham mưu tổ chức đánh giá sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện Chương trình.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển trung hạn và hàng năm thực hiện việc nâng cấp hạ tầng kỹ thuật sản xuất giống tập trung (nội dung ưu tiên 2.1.).
3. Sở Tài chính
Cân đối, bố trí nguồn vốn sự nghiệp thực hiện các nội dung: Cải thiện, nâng cao chất lượng giống vật nuôi; phát triển giống mía, cây ăn quả và cây lâm nghiệp chất lượng cao; đào tạo, nâng cao năng lực sản xuất, quản lý giống (các nội dung ưu tiên 2.2, 2.3, 2.5). Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc cấp phát, sử dụng kinh phí và thanh quyết toán theo quy định.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
Ưu tiên thực hiện các đề tài phục tráng, bảo tồn, nghiên cứu chọn tạo, ứng dụng giống mới, giống bản địa và các đề tài khác liên quan đến lĩnh vực giống (nội dung ưu tiên 2.4).
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Quản lý giống theo phân cấp; bố trí ngân sách huyện thực hiện việc tuyển chọn, phục tráng, bảo tồn và phát triển các giống bản địa (nội dung ưu tiên 2.4); vận động nhân dân, hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp liên kết sản xuất, cung ứng giống chất lượng cao.
6. Các tổ chức, cá nhân sản xuất giống
Thực hiện các quy định của nhà nước và của tỉnh về sản xuất giống; tham gia các đề tài nghiên cứu, hoạt động chuyển giao giống mới theo quy định; phối hợp với các địa phương trong liên kết đầu tư sản xuất giống./.
3. Phân kỳ đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước
Năm Nội dung | Tổng KP | Phân kỳ đầu tư ngân sách nhà nước | Ghi chú | |||||||||
Tổng | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | 2023 | 2024 | 2025 | |||
1. Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật sản xuất giống | 25,0 |
| 2,4 |
|
|
| 3,0 | 5,0 | 5,0 | 5,0 | 4,6 | 2,4 tỷ đồng DA WB7; 22,6 tỷ đồng ngân sách TW |
2. Cải thiện, nâng cao chất lượng giống vật nuôi | 10,0 |
| 0,2 | 0,3 | 0,7 | 0,8 | 1,0 | 1,5 | 1,5 | 2,0 | 2,0 | 0,2 tỷ đồng từ DA JICA, 1,8 tỷ đồng từ NS tỉnh, 10 tỷ đồng NS TW (2021 – 2025) |
3. Phát triển giống mía, cây ăn quả và cây lâm nghiệp chất lượng cao | 3,0 |
| 0,3 | 0,3 | 0,4 | 0,4 | 0,4 | 0,3 | 0,3 | 0,3 | 0,3 | 0,3 tỷ đồng DA WB7; 2,7 tỷ đồng NS tỉnh |
4. Tuyển chọn, phục tráng bảo tồn và phát triển giống bản địa | 4,0 |
| 0,1 | 0,4 | 0,5 | 0,5 | 0,5 | 0,5 | 0,5 | 0,5 | 0,5 | 0,2 tỷ đồng từ dự án JICA, 3,8 tỷ đồng từ NS tỉnh |
5. Đào tạo, nâng cao năng lực sản xuất, quản lý giống | 3,0 |
|
| 0,4 | 0,4 | 0,4 | 0,4 | 0,4 | 0,4 | 0,3 | 0,3 | Ngân sách TW 2 tỷ đồng; ngân sách tỉnh, huyện 1 tỷ đồng. |
Tổng cộng | 45,0 |
| 3,0 | 1,4 | 2,0 | 2,1 | 5,3 | 7,7 | 7,7 | 8,1 | 7,7 |
|
- 1Quyết định 1081/QĐ-UBND năm 2017 Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản đến năm 2020 do thành phố Cần Thơ ban hành
- 2Nghị quyết 18/2018/NQ-HĐND sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của chính sách kèm theo Nghị quyết 29/2015/NQ-HĐND về chính sách phát triển giống cây trồng giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 3Quyết định 37/2018/QĐ-UBND năm 2018 sửa đổi Quyết định 52/2015/QĐ-UBND quy định về chính sách hỗ trợ phát triển giống cây trồng giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 4Kế hoạch 247/KH-UBND năm 2021 về Bảo tồn và phát triển giống nông nghiệp đặc sản có giá trị kinh tế cao vùng Tây Bắc tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025
- 5Nghị quyết 162/2021/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026
- 1Quyết định 10/2008/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 2194/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 842/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt quy hoạch phát triển chăn nuôi đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 tỉnh Hoà Bình
- 4Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 1384/QĐ-BNN-KH năm 2013 về Chương trình hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định 899/QĐ-TTg do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 6Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
- 7Quyết định 3030/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể vùng và khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hòa Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020
- 8Quyết định 680/QĐ-BNN-CN năm 2014 phê duyệt "Đề án Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về giống vật nuôi đến năm 2020" do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 9Quyết định 3086/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất Cam an toàn tập trung tỉnh Hòa Bình đến năm 2020
- 10Quyết định 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
- 12Nghị quyết 116/2015/NQ-HĐND về Chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2016-2020
- 13Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 14Quyết định 3748/QĐ-BNN-KH năm 2015 phê duyệt định hướng phát triển giống cây trồng, vật nuôi đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 15Quyết định 1604/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Hòa Bình đến năm 2020
- 16Quyết định 30/2016/QĐ-UBND Quy định về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2016-2020
- 17Quyết định 04/2016/QĐ-UBND Quy định thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020
- 18Quyết định 1081/QĐ-UBND năm 2017 Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản đến năm 2020 do thành phố Cần Thơ ban hành
- 19Nghị quyết 18/2018/NQ-HĐND sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của chính sách kèm theo Nghị quyết 29/2015/NQ-HĐND về chính sách phát triển giống cây trồng giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 20Quyết định 37/2018/QĐ-UBND năm 2018 sửa đổi Quyết định 52/2015/QĐ-UBND quy định về chính sách hỗ trợ phát triển giống cây trồng giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 21Kế hoạch 247/KH-UBND năm 2021 về Bảo tồn và phát triển giống nông nghiệp đặc sản có giá trị kinh tế cao vùng Tây Bắc tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025
- 22Nghị quyết 162/2021/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026
Quyết định 1639/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Chương trình phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2017-2025
- Số hiệu: 1639/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 30/08/2017
- Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình
- Người ký: Nguyễn Văn Quang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 30/08/2017
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra