Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1637/QĐ-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 20 tháng 05 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TỔ CHỨC TUYÊN TRUYỀN VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH TRÊN CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

Căn cứ Nghị định số 79/2017/NĐ -CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc Đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình;

Căn cứ Quyết định số 269/QĐ-BVHTTDL ngày 20 tháng 01 năm 2021 của Bộ trưởng về việc ban hành Kế hoạch công tác năm 2021 của Vụ Gia đình;

Căn cứ Quyết định số 737/QĐ-BVHTTDL ngày 26 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng về việc ban hành Kế hoạch triển khai kinh phí thực hiện các nhiệm vụ năm 2021 của Vụ Gia đình;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Gia đình.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổ chức tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình trên phương tiện truyền thông đại chúng.

Điều 2. Kinh phí thực hiện trích từ nguồn sự nghiệp gia đình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp qua Văn phòng Bộ năm 2021 và nguồn khác (nếu có).

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Vụ trưởng Vụ Gia đình và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy;
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Lưu: VT, GĐ, Nhật (20).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trịnh Thị Thủy

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC TUYÊN TRUYỀN VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH TRÊN PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG
(Kèm theo Quyết định số   /QĐ-BVHTTDL ngày   tháng   năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2020 về Đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

- Nâng cao nhận thức người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền cơ sở về phòng, chống bạo lực gia đình. Phản ánh kịp thời những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; vận động người có uy tín trong xã hội ủng hộ những chính sách mới, tiến bộ trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi, bổ sung) nhằm tạo hành lang pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên gia đình, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

II. NỘI DUNG

1. Tuyên truyền, vận động bổ sung những quy định đặc thù trong hòa giải các vụ việc bạo lực gia đình khi sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

a) Nội dung

- Xây dựng nội dung và tổ chức tọa đàm trực tiếp tại trường quay với sự tham gia của đại biểu Quốc hội; đại diện cơ quan quản lý nhà nước về chính sách đối với người làm công tác hòa giải viên cơ sở hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình.

- Xây dựng clip làm tư liệu minh họa về người làm công tác hòa giải ở cơ sở để phục vụ cho chủ đề tọa đàm. Nội dung trong clip: Làm rõ những hạn chế của đội ngũ hòa giải viên cơ sở khi thực hiện hòa giải các vụ việc bạo lực gia đình; những bất cập của chính sách hiện nay về hòa giải từ đó gợi ý về những chính sách đặc thù cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở khi tham gia hòa giải các vụ bạo lực gia đình.

b) Số lượng và thể loại

- Số lượng: 01 chương trình, tổng thời lượng 30 phút (±1), phát sóng trên truyền hình trong chương trình “Câu chuyện hôm nay”.

- Thể loại: Tọa đàm kết hợp phóng sự.

- Số lần phát: 3 lần (1 lần phát đi và 2 lần phát lại).

2. Tuyên truyền, vận động sửa đổi quy định về biện pháp cấm tiếp xúc trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

a) Nội dung

- Xây dựng nội dung chuyên đề phân tích, đánh giá về những bất cập của biện pháp cấm tiếp xúc trong quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 từ đó đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình.

- Xây dựng phóng sự phản ánh về tình hình triển khai, thi hành biện pháp cấm tiếp xúc trong phòng, chống bạo lực gia đình.

- Chuyên đề truyền tải thông điệp đến nhà lập pháp (trong sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình) ủng hộ đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách cấm tiếp xúc trong phòng, chống bạo lực gia đình.

b) Số lượng và thể loại

- Số lượng: 01 chương trình; thời lượng chương trình 15 phút (±1) phát sóng trên truyền hình trong chương trình “Từ nghị trường đến cuộc sống”.

- Thể loại: Phóng sự chuyên đề.

- Số lần phát: 3 lần (1 lần phát đi và 2 lần phát lại).

3. Xây dựng nội dung và tổ chức tuyên truyền trên truyền hình về các biện pháp nâng cao hiệu quả xử lý người có hành vi bạo lực gia đình

a) Nội dung

- Bạo lực gia đình hiện nay đang là tác nhân chính phá vỡ hạnh phúc gia đình, làm ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp trong gia đình.

- Nhiều vụ bạo lực gia đình kéo dài nhưng không được giải quyết dứt điểm do các biện pháp xử lý người gây bạo lực gia đình hiện nay chưa đủ tính răn đe, giáo dục. Làm rõ những bất cập trong xử lý người có hành vi bạo lực gia đình. Đề xuất những giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình nhằm nâng cao hiệu quả xử lý người gây bạo lực gia đình.

b) Số lượng và thể loại

- Số lượng: 01 chương trình; thời lượng 20 phút (±1), phát sóng trên truyền hình trong chương trình “Vấn đề và Bình luận”.

- Thể loại: Tọa đàm tại trường quay.

- Số lần phát: 3 lần (1 lần phát đi và 2 lần phát lại).

4. Xây dựng tiểu phẩm sân khấu và tuyên truyền trên truyền hình

a) Nội dung

- Xây dựng 02 tiểu phẩm sân khấu tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Nội dung tiểu phẩm giúp người xem nhận diện được những khó khăn trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng; trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, đoàn thể và chính quyền cơ sở trong phòng, chống bạo lực gia đình.

- Tùy theo tình hình dịch bệnh, tiểu phẩm sân khấu có thể sử dụng diễn viên hoặc nhân vật hoạt hình để diễn tả nội dung tuyên truyền.

b) Số lượng và thể loại

- Số lượng: 01 chương trình; thời lượng 15 phút (±1) phát sóng trên truyền hình trong chương trình “Hiểu đúng làm đúng”.

- Thể loại: Sân khấu truyền hình.

- Số lần phát: 3 lần (1 lần phát đi; 2 lần phát lại) .

5. Tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình với người cao tuổi nhân Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình

a) Nội dung

- Xây dựng nội dung chương trình tọa đàm với chủ đề “Bạo lực gia đình với người cao tuổi, biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong gia đình”. Nội dung tọa đàm tập trung làm rõ những nguy cơ mà người cao tuổi trong gia đình bị bạo lực và những hệ lụy xã hội liên quan đến hành vi bạo lực của con cháu đối với người cao tuổi trong gia đình.

- Xây dựng clip đồng hành phản ánh về những vụ bạo lực gia đình điển hình với người cao tuổi để làm chủ đề cho tọa đàm.

- Thông điệp của tọa đàm nhằm hướng đến việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 cần phải có những chính sách đặc thù để bảo vệ nạn nhân yếu thế trong gia đình nói chung và người cao tuổi trong gia đình nói riêng.

b) Số lượng và thể loại

- Số lượng: 01 chương trình; thời lượng 15 phút (±1) phát sóng trên truyền hình trong chương trình “Góc nhìn đại biểu”.

- Thể loại: Phóng sự tài liệu, chuyên đề.

- Số lần phát: 3 lần (1 lần phát đi và 2 lần phát lại).

6. Tuyên truyền về phòng, chống hành vi bạo lực gia đình với trẻ em nhân Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình

a) Nội dung

- Xây dựng nội dung phóng sự phản ánh về những hình thức bạo lực gia đình với trẻ em, đối tượng gây bạo lực với trẻ em trong gia đình, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc phòng ngừa bạo lực gia đình với trẻ em hiện nay.

- Chuyên đề cũng phân tích, đánh giá về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 đối với việc bảo vệ trẻ em, những chiều cạnh nhận thức trong giáo dục gia đình với trẻ em hiện nay. Từ đó gợi mở về chính sách trong phòng, chống bạo lực gia đình thông qua đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định mới nhằm hoàn thiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành.

b) Số lượng và thể loại

- Số lượng: 01 chương trình: thời lượng 15 phút (±1), phát sóng trên truyền hình trong chương trình “Luật về làng”.

- Thể loại: Phóng sự tài liệu.

- Số lần phát: 3 lần (1 lần phát đi; 2 lần phát lại).

7. Tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình với phụ nữ nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình

a) Nội dung

- Xây dựng bài viết tuyên truyền vận động sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình.

- Nội dung bài viết phân tích những tồn tại, thách thức trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình với phụ nữ, vai trò của các cơ quan (công an, kiểm sát, tòa án) trong quá trình xử lý các vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng và bảo vệ nạn nhân của bạo lực gia đình.

b) Số lượng và thể loại

- Số lượng: 05 bài viết phân tích chuyên sâu.

- Thể loại: Bài báo.

- Số lần phát: Phát hành 1 lần trên báo in và báo điện tử.

8. Xây dựng chương trình tọa đàm và tổ chức tuyên truyền trên truyền hình về chính sách đối với nạn nhân bạo lực gia đình

a) Nội dung

- Xây dựng nội dung tọa đàm về chính sách đối với nạn nhân bạo lực gia đình. Nội dung phân tích, đánh giá những bất cập trong chính sách quy định tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 từ đó đề xuất những chính sách mới nhằm bảo vệ, hỗ trợ cho nạn nhân bạo lực gia đình.

- Xây dựng clip phóng sự đồng hành minh họa, làm rõ cho chủ đề tọa đàm.

b) Số lượng và thể loại

- Số lượng: 01 chương trình; thời lượng 15 phút (±1), phát sóng trên truyền hình trong chương trình “Chuyện làng chuyện nước”.

- Thể loại: Tọa đàm phát sóng trực tiếp.

- Số lần phát: 3 lần (1 lần phát đi; 2 lần phát lại).

9. Xây dựng chương trình Luật và Chính sách và tổ chức tuyên truyền trên truyền hình

a) Nội dung

- Làm rõ thực trạng những khó khăn, thách thức trong công tác thi hành Luật và chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình từ đó vận động những chính sách mới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thi hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

- Chuyên đề hướng đến truyền tải thông điệp để Luật và Chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống thì cần có nguồn lực tối thiểu để triển khai, thực hiện.

- Xây dựng clip phóng sự đồng hành phản ánh về những vấn đề bất cập giữa Luật và việc thực thi pháp luật hiện nay làm minh họa cho chủ đề thảo luận.

b) Số lượng và thể loại

- Số lượng: 01 chương trình; thời lượng 30 phút (±2) phát sóng trên truyền hình trong chương trình “Luật và Chính sách”.

- Thể loại: Tọa đàm và phóng sự đồng hành.

- Số lần phát: 3 lần (1 lần phát đi; 2 lần phát lại).

10. Xây dựng Chương trình Hỏi - Đáp chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình và tuyên truyền trên truyền hình

a) Nội dung

- Xây dựng nội dung thảo luận để hỏi đáp về chính sách trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình nhằm thảo luận về những giải pháp đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Ý kiến thảo luận về những bất cập trong phân bổ nguồn lực và nhiệm vụ chuyên môn thông qua clip ngắn được phản ánh từ chính những người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng.

- Nội dung chương trình hướng đến vận động chính sách cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình nhằm đảm bảo các chính sách của Nhà nước khi được ban hành phải đi vào cuộc sống.

b) Số lượng và thể loại

- Số lượng: 01 chương trình; thời lượng 30 phút (±1) phát sóng trên truyền hình trong chương trình “Hỏi-Đáp chính sách”.

- Thể loại: Đối thoại.

- Số lần phát: 3 lần (1 lần phát đi; 2 lần phát lại).

11. Tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình với phụ nữ nhân Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới

a) Nội dung

- Xây dựng phóng sự chuyên đề phản ánh về tình hình bạo lực gia đình, những tác động tiêu cực của bạo lực gia đình đối với sự bền vững của gia đình, bình đẳng giới trong gia đình; ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa gia đình, tác động đến sức khỏe và kinh tế gia đình.

- Phóng sự chuyên đề đưa ra bức tranh toàn cảnh về những tác động của bạo lực gia đình đến vấn đề văn hóa-xã hội hiện nay. Vận động tổ chức, cá nhân cần hành động tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; đầu tư nguồn lực cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình với phương châm đầu tư cho công tác gia đình chính là đầu tư cho phát triển xã hội.

b) Số lượng và thể loại

- Số lượng: 01 chương trình; thời lượng 15 phút (±1) phát sóng trên truyền hình trong chương trình “Phim tài liệu”.

- Thể loại: Phóng sự chuyên đề.

- Số lần phát: 3 lần (1 lần phát đi; 2 lần phát lại).

III. THỜI GIAN VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Thời gian thực hiện

Thời gian thực hiện trong năm 2021.

2. Kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện trích từ nguồn sự nghiệp gia đình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp qua Văn phòng Bộ năm 2021 và nguồn khác (nếu có).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Giao Vụ Gia đình chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ lựa chọn đơn vị có đủ năng lực sản xuất chương trình và tổ chức phát sóng trên truyền hình đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Trong quá trình triển khai Kế hoạch nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, điều chỉnh phù hợp với điều kiện cụ thể.

Trên đây là Kế hoạch tổ chức tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình trên phương tiện truyền thông đại chúng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Vụ Gia đình và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1637/QÐ-BVHTTDL năm 2021 Kế hoạch tổ chức tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện truyền thông đại chúng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

  • Số hiệu: 1637/QĐ-BVHTTDL
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/05/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
  • Người ký: Trịnh Thị Thủy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/05/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản