Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 162/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN “SẮP XẾP, ỔN ĐỊNH DÂN CƯ CHO NGƯỜI DI CƯ TỰ DO TỪ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO TRỞ VỀ NƯỚC”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

n cứ Quyết định số 2627/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thực hiện “Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước”;

Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án “Sắp xếp, ổn định dân cư cho người di cư tự do từ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trở về Nước” với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu:

Trợ giúp cho người dân di cư từ Lào về Việt Nam không bị đói, có nơi ở tạm và đảm bảo các nhu cầu, điều kiện sống tối thiểu;

Hỗ trợ các điều kiện cần thiết về nơi định cư, về đất ở, đất sản xuất; vay vốn, học nghề, tạo việc làm; đảm bảo điều kiện cơ bản về y tế và giáo dục, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững để người dân sớm hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống lâu dài.

2. Phạm vi, đối tượng:

a) Đối tượng áp dụng:

- Hộ gia đình (có từ 02 nhân khẩu trở lên) di cư tự do trong vùng biên giới Việt Nam - Lào trước ngày 08 tháng 7 năm 2013 do Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trao trả và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp nhận.

- Cộng đồng dân cư tiếp nhận hộ tái định cư tập trung và xen ghép.

b) Phạm vi thực hiện: Tại 10 tỉnh có chung đường biên giới với Lào gồm: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum.

3. Thời gian thực hiện: Trong 03 năm, từ năm 2016 đến 2018 và có thể được kéo dài nếu Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước được gia hạn.

4. Nguyên tắc thực hiện:

a) Bố trí dân cư phải phù hợp với Quy hoạch bố trí dân cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan.

b) Các hộ trở về nước được bố trí định cư theo nguyên tắc di cư đi ở địa phương nào thì về định cư ở địa phương đó.

c) Ưu tiên bố trí định cư xen ghép vào cộng đồng nơi ở cũ; khuyến khích các hộ tự bố trí nơi định cư phù hợp trên địa bàn được chính quyền địa phương chấp thuận.

d) Sau khi định cư, được nhập quốc tịch, hộ khẩu, các hộ được hưởng các chính sách hiện hành như người dân trên địa bàn. Các hộ được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất phải sử dụng đúng mục đích, không được chuyển nhượng, cho, tặng, cầm cố, cho thuê trong thời gian 10 năm kể từ ngày được Nhà nước giao đất.

5. Chính sách hỗ trợ:

a) Hỗ trợ đột xuất: Vận dụng chính sách hỗ trợ đột xuất cho người dân di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam gặp khó khăn về đời sống tại Quyết định số 181/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian mới về nước, chưa đăng ký được hộ khẩu, hộ tịch, các hộ gặp khó khăn về đời sống được hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ để mua lều bạt làm nơi ở tạm (hỗ trợ 01 lần); hỗ trợ 15kg gạo/người/tháng và hỗ trợ y tế 50.000 đồng/người/tháng trong thời gian 03 tháng tính từ thời điểm về Việt Nam.

b) Hỗ trợ bố trí, sắp xếp ổn định dân cư:

Vận dụng một số định mức, nội dung và cơ chế thực hiện theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020, Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn và một số chính sách hiện hành khác, cụ thể:

- Hỗ trợ cộng đồng bố trí định cư xen ghép: Các xã tiếp nhận hộ dân về định cư xen ghép được hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ để tạo đất ở, đất sản xuất cho các hộ mới đến, đầu tư một số công trình thiết yếu, khuyến nông, khuyến lâm, phát triển cộng đồng;

- Định cư tập trung: Đối với các địa phương không thể thực hiện việc sắp xếp bố trí các hộ di cư về nước theo hình thức định cư xen ghép, địa phương phải quy hoạch, bố trí định cư tập trung theo dự án. Ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu gồm các hạng mục: bồi thường, giải phóng mặt bằng; san lấp mặt bằng đất ở tại điểm định cư; đường giao thông (nội vùng dự án và đường nối điểm dân cư mới đến tuyến giao thông gần nhất); công trình thủy lợi nhỏ; công trình điện sinh hoạt; công trình cấp nước sinh hoạt và một số công trình thiết yếu khác theo nhu cầu thực tế;

- Hỗ trợ làm nhà ở đối với các hộ nghèo vận dụng theo định mức Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2);

c) Hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định đời sống: Sau khi được nhập hộ khẩu, hộ tịch, các hộ di cư về nước được thụ hưởng các chính sách an sinh, xã hội theo các quy định hiện hành, cụ thể:

- Hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất lúa, đất nương rẫy; chuyển nhượng đất sản xuất của các hộ dân sở tại cho hộ về định cư. Diện tích, định mức hỗ trợ khai hoang, cải tạo, chuyển nhượng đất áp dụng theo Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

- Hỗ trợ giao khoán, chăm sóc, bảo vệ và khai thác rừng vận dụng theo quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020;

- Hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất cho các hộ có nhu cầu để phát triển sản xuất vận dụng theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;

- Hỗ trợ học nghề vận dụng theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 và Quyết định 971/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định 1956/QĐ-TTg; hỗ trợ xuất khẩu lao động vận dụng theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020. Riêng đối với các hộ không có đất sản xuất và không được giao khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng được hỗ trợ chuyển đổi nghề vận dụng theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

- Hỗ trợ y tế: Vận dụng như chính sách hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế cho đối tượng là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế;

- Hỗ trợ giáo dục: Vận dụng chính sách quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho đối tượng là học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.

6. Nguồn vốn và cơ chế quản lý:

- Việc lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí bảo đảm thực hiện Phương án thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.

- Hằng năm, căn cứ chính sách quy định tại Phương án này và số lượng hộ, khẩu về định cư tại địa phương, các tỉnh xây dựng dự toán kinh phí thực hiện (bao gồm phần kinh phí do ngân sách địa phương bảo đảm và phần đề nghị ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương) gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn.

- Việc quản lý, chi tiêu, thanh quyết toán kinh phí thực hiện các chính sách quy định tại Phương án được thực hiện theo chế độ và quy định quản lý tài chính các chính sách được vận dụng.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Ủy ban Dân tộc:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh ưu tiên lập phương án bố trí, sắp xếp số hộ dân tiếp nhận của địa phương theo hướng bố trí định cư xen ghép và triển khai thực hiện Phương án;

- Chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm tra dự án tổng thể của các địa phương, tổng hợp nhu cầu vốn (vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp), phối hợp với các Bộ liên quan bố trí vốn hàng năm thực hiện các chính sách của Phương án;

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện phương án đón dân di cư tự do từ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trở về; định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

2. Bộ Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc bố trí kinh phí sự nghiệp hàng năm để thực hiện Phương án; cấp vốn và cấp bù chênh lệch lãi suất cho các chính sách phát sinh đối tượng hỗ trợ.

- Phối hợp với Ủy ban Dân tộc và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm tra, rà soát đối tượng, dự án định cư của địa phương trước khi bố trí vốn thực hiện.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc bố trí vốn đầu tư phát triển để thực hiện Phương án;

- Phối hợp với Ủy ban Dân tộc và Bộ Tài chính thẩm tra, rà soát đối tượng, dự án định cư của địa phương trước khi bố trí vốn thực hiện.

4. Bộ Quốc phòng, Công an: Chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh giáp biên giới Việt Nam - Lào chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình tại các địa phương liên quan, không để bị động, bất ngờ; kịp thời báo cáo, kiến nghị biện pháp xử lý, bảo đảm an ninh, an toàn dọc biên giới; phối hợp với các Bộ, ngành địa phương liên quan trong việc tổ chức triển khai, thực hiện Phương án.

5. Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm:

- Đảm bảo huy động nguồn vốn vay để thực hiện một số nội dung chính sách của phương án này; hướng dẫn quy trình và thủ tục cho vay bảo đảm đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện; thực hiện cho vay vốn, thu hồi nợ, hướng dẫn kéo dài thời gian sử dụng vốn vay và hướng dẫn việc xử lý rủi ro theo quy định;

- Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện với Ủy ban Dân tộc, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

6. Các Bộ ngành liên quan: hướng dẫn, chỉ đạo theo ngành và lĩnh vực chuyên môn; xây dựng kế hoạch thống nhất và bố trí các nguồn lực để triển khai các nội dung, chính sách liên quan tới các nhiệm vụ của Phương án.

7. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các chính sách quy định tại Quyết định này.

8. Ủy ban nhân dân các tỉnh:

- Xây dựng dự án tổng thể của tỉnh để thực hiện Phương án gửi Ủy ban Dân tộc và Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư thẩm tra trước khi Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện;

- Giao Ban Dân tộc địa phương chủ trì tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, giải pháp của Phương án trên địa bàn tỉnh;

- Chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương, nhân lực, cơ sở vật chất thực hiện Phương án;

- Định kỳ 6 tháng, 1 năm, tổng hợp báo cáo Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan và Ban chỉ đạo thực hiện Thỏa thuận về kết quả thực hiện để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Các chính sách được vận dụng, áp dụng trong Quyết định này khi có sự thay đổi về định mức hoặc được thay thế bằng chính sách khác thì được áp dụng, vận dụng theo định mức hoặc chính sách đó.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án Nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng NN;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTN.

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 162/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Phương án Sắp xếp, ổn định dân cư cho người di cư tự do từ Lào trở về Nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 162/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/01/2016
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 169 đến số 170
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản