Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1611/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 08 tháng 03 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN QUẢN LÝ RỪNG PHÒNG HỘ - ĐẶC DỤNG HÀ NỘI TRỰC THUỘC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;
Căn cứ Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 09/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý rừng phòng hộ;
Căn cứ Quyết định số 44/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV ngày 25/3/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;
Căn cứ Thông tư số 15/2015/TT-BNNPTNT ngày 26/3/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nhiệm vụ các Chi cục và các tổ chức sự nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 28/2016/QĐ-UBND ngày 01/8/2016 của UBND thành phố Hà Nội quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 26/TTr-SNN ngày 27/02/2017 và Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 398/TTr-SNV ngày 27/02/2017 về việc thành lập Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn Hà Nội và Trung tâm Phát triển lâm nghiệp Hà Nội trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội.
Trụ sở làm việc: Xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.
Cơ sở 2: Xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.
Điều 2. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn
1. Vị trí, chức năng:
a) Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội (sau đây gọi tắt là Ban) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật; chịu sự chỉ đạo, quản lý và điều hành trực tiếp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội;
b) Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội có chức năng quản lý bảo vệ, phát triển rừng; khôi phục và bảo tồn các hệ sinh thái, đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan và môi trường sinh thái, cung ứng dịch vụ môi trường rừng theo quy định của pháp luật.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội về quản lý rừng phòng hộ và rừng đặc dụng hiện có của Thành phố theo quy định của pháp luật;
b) Xây dựng kế hoạch dài hạn, kế hoạch hàng năm, các chương trình, đề án, dự án để quản lý, bảo vệ, xây dựng và phát triển rừng phòng hộ, khôi phục và bảo tồn các hệ sinh thái rừng đặc dụng, động vật, thực vật rừng, đa dạng sinh học, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án sau khi được phê duyệt;
c) Được tiếp nhận vốn đầu tư của Nhà nước và các khoản tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, cải tạo môi trường rừng, cảnh quan rừng, thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế;
d) Tổ chức quản lý bảo vệ và phát triển rừng; nghiên cứu khảo nghiệm và phát triển các loại giống cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, cây con đặc sản, đặc hữu quý hiếm, các giống lan, giống cây bản địa theo quy định của pháp luật; tư vấn, cung ứng các dịch vụ về lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh, phát triển rừng, thiết kế các hạng mục lâm sinh, trang trại rừng, dịch vụ các loại cây giống nông lâm nghiệp, cây bản địa, cây xanh, cây lấy gỗ; xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế trang trại rừng, vườn rừng, lâm sản ngoài gỗ; bảo tồn, xây dựng và phát triển vườn thực vật rừng đặc dụng hiện có để lưu giữ các nguồn gen đa dạng sinh học;
đ) Phối hợp với các cấp chính quyền địa phương sở tại và các ngành chức năng có liên quan để bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên trong khu rừng; các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh thuộc khu rừng. Thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng, ngăn chặn các hành vi gây thiệt hại đến tài nguyên rừng;
e) Được thực hiện khoán các hạng mục công trình lâm sinh, bảo vệ rừng phát triển rừng, trồng rừng, chăm sóc rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị xã hội, để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng;
g) Được sử dụng bề mặt tài nguyên rừng, được tiến hành các hoạt động dịch vụ nghiên cứu khoa học, văn hóa, xã hội và du lịch sinh thái, được tổ chức thực hiện các chính sách về dịch vụ môi trường theo quy định của pháp luật;
h) Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây phân tán, cây bóng mát, lấy gỗ, lấy củi làm chất đốt ở vùng đệm khu rừng đặc dụng. Góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập để giảm áp lực xâm hại đến tài nguyên rừng vùng chính khu rừng đặc dụng;
i) Tuyên truyền, giáo dục, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn về lâm nghiệp cho cán bộ cơ sở và người dân, nâng cao ý thức pháp luật để có trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng, phòng chống cháy rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên;
k) Được tổ chức bố trí, sử dụng lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách theo quy định;
l) Báo cáo về tình hình diễn biến tài nguyên rừng và các hoạt động của Ban theo quy định;
m) Quản lý, sử dụng có hiệu quả tổ chức bộ máy, biên chế, lao động, tài sản, tài chính, vật tư, kinh phí và các nguồn lực khác theo quy định hiện hành;
n) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
1. Lãnh đạo Ban:
a) Ban có Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc;
b) Giám đốc Ban là người đứng đầu Ban, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước Ủy ban nhân dân Thành phố và trước pháp luật vê toàn bộ hoạt động của Ban;
c) Phó Giám đốc là người giúp Giám đốc chỉ đạo một hoặc một số mặt công tác do Giám đốc phân công, chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công. Khi Giám đốc vắng mặt, một Phó Giám đốc được Giám đốc ủy nhiệm điều hành các hoạt động của Ban;
d) Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Ban theo phân cấp của Ủy ban nhân dân Thành phố, theo tiêu chuẩn chức danh do Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành và tuân thủ các quy định của pháp luật và của Thành phố về công tác cán bộ.
2. Các phòng chuyên môn nghiệp vụ:
a) Phòng Tổ chức - Hành chính;
b) Phòng Kế hoạch - Tài chính;
c) Phòng Quản lý bảo tồn và phát triển rừng;
d) Phòng Khoa học - Kỹ thuật và hợp tác quốc tế.
Lãnh đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ gồm có: Trưởng phòng và không quá 02 Phó Trưởng phòng giúp việc Trưởng phòng.
3. Các đơn vị trực thuộc:
- Trạm Bảo vệ rừng Mỹ Đức;
- Trạm Bảo vệ rừng Sóc Sơn;
- Đội cơ động bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Lãnh đạo Trạm Bảo vệ rừng và Đội cơ động bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng gồm có: Trạm trưởng (Đội trưởng) và 01 Phó Trạm trưởng (Phó Đội trưởng) giúp việc Trạm trưởng (Đội trưởng).
4. Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Trạm trưởng (Đội trưởng), Phó Trạm trưởng (Phó Đội trưởng) do Giám đốc Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm sau khi có văn bản chấp thuận của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuân thủ các quy định của pháp luật và của Thành phố về công tác cán bộ.
Điều 4. Biên chế
1. Biên chế của Ban được giao trên cơ sở vị trí việc làm, gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng biên chế của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Ủy ban nhân dân Thành phố giao hàng năm. Trước mắt bao gồm 69 biên chế viên chức và 11 lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP .
2. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và danh mục vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp viên chức và các quy định của pháp luật có liên quan, hàng năm Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội xây dựng Đề án điều chỉnh vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp viên chức; xây dựng kế hoạch biên chế, số lượng người làm việc của Ban, báo cáo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân Thành phố để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Kinh phí hoạt động
Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.
Điều 6. Điều khoản chuyển tiếp
1. Tạm thời giữ nguyên số lượng Phó Giám đốc, Phó Trưởng phòng, Phó Trạm trưởng (Phó Đội trưởng) hiện có, Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội được bổ sung các chức danh lãnh đạo nêu trên khi số lượng ít hơn quy định.
2. Đối với những trường hợp đã được bổ nhiệm giữ chức vụ người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các cơ quan đơn vị trực thuộc Sở, sau khi sắp xếp mà thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được bổ nhiệm vào chức vụ mới có phụ cấp chức vụ lãnh đạo thấp hơn so với phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ thì được hưởng bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo quy định tại Quyết định số 140/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với các chức danh lãnh đạo trong quá trình sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Giám đốc Sở Nội vụ:
Chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ngành khác có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.
2. Giám đốc Sở Tài chính:
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội thực hiện các công tác tài chính, tài sản, trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cân đối, điều chỉnh kế hoạch tài chính của các đơn vị có liên quan.
3. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường:
Phối hợp, hướng dẫn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội hoàn chỉnh các thủ tục, hồ sơ về quản lý, sử dụng đất của đơn vị sau khi được tổ chức lại theo quy định của Luật Đất đai.
4. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo Ban:
a) Xây dựng Quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, đơn vị trực thuộc và mối quan hệ công tác của Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội với các đơn vị thuộc Sở trình Giám đốc Sở phê duyệt;
b) Xây dựng trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết công việc theo hướng tinh gọn, hiệu quả;
c) Đề nghị, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm, kiện toàn chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội theo phân cấp của Ủy ban nhân dân Thành phố và quy định của pháp luật;
d) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện việc bố trí, sắp xếp, ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị, hồ sơ, tài liệu liên quan để tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội theo quy định.
5. Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn Hà Nội và Giám đốc Trung tâm Phát triển lâm nghiệp Hà Nội:
a) Thống kê về số lượng người làm việc được giao, kinh phí hoạt động, trang thiết bị làm việc, hồ sơ, sổ sách, chứng từ, tài liệu, công nợ, các quyền lợi, nghĩa vụ khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của đơn vị để bàn giao về Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội;
b) Làm việc với Công an thành phố Hà Nội để tiến hành thủ tục thu hồi con dấu theo đúng quy định.
6. Giám đốc Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội có trách nhiệm:
a) Căn cứ vào danh mục vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp viên chức và năng lực của viên chức, người lao động để thực hiện việc sắp xếp, ổn định tổ chức bộ máy của Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội; bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, các đơn vị trực thuộc Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội theo quy định;
b) Xây dựng Đề án vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp viên chức trình Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, gửi Sở Nội vụ thẩm định, tổng hợp để trình Ủy ban nhân dân Thành phố trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật; xây dựng Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, đơn vị thuộc Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội, Quy chế làm việc của Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội.
c) Kế thừa quyền và nghĩa vụ có liên quan của Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn Hà Nội và Trung tâm Phát triển lâm nghiệp Hà Nội trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
7. Các cơ quan, đơn vị được nêu tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều này có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Quyết định có hiệu lực thi hành. Trong thời hạn bàn giao, các đơn vị hợp nhất được tiếp tục sử dụng con dấu theo quy định.
Điều 8. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quy định trái với quy định tại Quyết định này đều bãi bỏ.
2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Giám đốc Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 4816/QĐ-UBND năm 2016 về hợp nhất Chi cục Kiểm lâm và Chi cục Lâm nghiệp thành Chi cục Kiểm lâm trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành
- 2Quyết định 2174/QĐ-UBND phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán công trình chăm sóc rừng trồng năm 2 thuộc Chương trình đầu tư phát triển rừng bền vững năm 2016 của Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- 3Quyết định 4021/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt giao kế hoạch kinh phí thực hiện điều chỉnh, bổ sung dự án và lập thiết kế kỹ thuật - dự toán Dự án cắm mốc ranh giới, đo đạc lập bản đồ, hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai 5 nông trường quốc doanh (nay là công ty nông, lâm nghiệp) và 13 Ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh Thanh Hóa
- 4Quyết định 74/2016/QĐ-UBND về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận
- 1Nghị định 68/2000/NĐ-CP về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp
- 2Quyết định 140/2009/QĐ-TTg về bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với các chức danh lãnh đạo trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Nghị định 117/2010/NĐ-CP về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng
- 4Luật đất đai 2013
- 5Nghị định 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- 6Nghị định 16/2015/NĐ-CP Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập
- 7Thông tư liên tịch 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Nội vụ ban hành
- 8Thông tư 15/2015/TT-BNNPTNT hướng dẫn nhiệm vụ các Chi cục và các tổ chức sự nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 9Quyết định 17/2015/QĐ-TTg về Quy chế quản lý rừng phòng hộ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 11Quyết định 4816/QĐ-UBND năm 2016 về hợp nhất Chi cục Kiểm lâm và Chi cục Lâm nghiệp thành Chi cục Kiểm lâm trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành
- 12Quyết định 28/2016/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội
- 13Quyết định 2174/QĐ-UBND phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán công trình chăm sóc rừng trồng năm 2 thuộc Chương trình đầu tư phát triển rừng bền vững năm 2016 của Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- 14Nghị định 141/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác
- 15Quyết định 44/2016/QĐ-TTg về lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 16Quyết định 4021/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt giao kế hoạch kinh phí thực hiện điều chỉnh, bổ sung dự án và lập thiết kế kỹ thuật - dự toán Dự án cắm mốc ranh giới, đo đạc lập bản đồ, hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai 5 nông trường quốc doanh (nay là công ty nông, lâm nghiệp) và 13 Ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh Thanh Hóa
- 17Quyết định 74/2016/QĐ-UBND về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận
Quyết định 1611/QĐ-UBND năm 2017 về thành lập Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội
- Số hiệu: 1611/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/03/2017
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Nguyễn Đức Chung
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 08/03/2017
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra